Thứ Bảy, 18 tháng 4, 2020

‘Phỏng vấn của Vatican News với Đức Hồng y Turkson về những sáng kiến trong đại dịch Coronavirus’

‘Phỏng vấn của Vatican News với Đức Hồng y Turkson về những sáng kiến Coronavirus’
Cardinal Turkson CTV Screenshot

‘Phỏng vấn của Vatican News với Đức Hồng y Turkson về những sáng kiến trong đại dịch Coronavirus’

Năm nhóm hoạt động được thành lập

15 tháng Tư, 2020 18:27

ĐHY Turkson: Chúng ta phải suy nghĩ đến hậu quả của COVID-19 để chúng ta không bị động

Ngài Tổng trưởng Bộ Thúc đẩy sự Phát triển Con người Toàn diện nhấn mạnh đến cam kết để hỗ trợ cho “các Giáo hội địa phương cứu sống và giúp đỡ những người nghèo nhất.” Năm nhóm hoạt động đã được thành lập để đối phó với khủng hoảng và nhìn về tương lai.

Massimiliano Menichetti

Trên khắp thế giới, Giáo hội đứng ở tuyến đầu để đối phó với những hậu quả của coronavirus. Cần phải có những kế hoạch dự phòng ngắn và dài hạn liên quan đến việc chăm sóc sức khỏe, cũng như những nhu cầu về kinh tế và xã hội. Trong khi vaccine và thuốc điều trị để tiêu diệt COVID-19 tiếp tục được thử nghiệm, những dự báo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế cho năm 2020 nói đến việc giảm 3% tổng sản phẩm quốc nội toàn cầu. Sự suy giảm còn tồi tệ hơn “Đại khủng hoảng” của thập niên 1930. Trong bối cảnh này, Đức Hồng y Phêrô Kodwo Appiah Turkson, Tổng trưởng Bộ Thúc đẩy Phát triển Con người Toàn diện, nhấn mạnh rằng “Một cuộc khủng hoảng có nguy cơ kéo theo những khủng hoảng khác, trong một vòng tròn mà qua đó chúng ta buộc phải học cách chăm sóc cho ngôi nhà chung của chúng ta một cách từ từ và đầy đau đớn, như Đức Thánh Cha Phanxico đã đưa ra lời dạy tiên báo trong Tông huấn Laudato si’”.

Thưa Đức Hồng y, Đức Thánh Cha đã hội kiến với người một số lần để nói về cuộc khủng hoảng Coronavirus. Ngài bày tỏ mối quan ngại gì với người?

Đức Thánh Cha bày tỏ mối quan ngại về thời gian hiện tại, về sự khủng hoảng thế giới do COVID-19 gây ra và về những viễn cảnh xấu đang nằm ở chân trời. Ngài nói với chúng tôi không lãng phí thời gian, hãy bắt tay làm việc ngay lập tức, vì chúng tôi là Bộ tham chiếu của ngài. Chúng tôi phải hành động ngay bây giờ. Và chúng tôi phải ngay lập tức suy nghĩ về những gì sẽ xảy ra tiếp theo.

Chỉ thị được trao cho Bộ của người là gì và sứ mạng của người là gì?

Đức Thánh Cha Trao phó cho chúng tôi hai nhiệm vụ chính. Những mối quan tâm hàng đầu hôm nay: nhu cầu phải đưa ra tín hiệu cụ thể cho sự hỗ trợ của Đức Thánh Cha và Giáo hội một cách nhanh chóng, tập trung và kịp thời. Chúng tôi phải có sự đóng góp trong cuộc khủng hoảng này. Đó là vấn đề đưa ra những hành động kịp thời để hỗ trợ cho các Giáo hội địa phương, để cứu sống, để giúp đỡ những người nghèo nhất. Vấn đề thứ hai liên quan đến hậu quả đó là tương lai: nó là vấn đề thay đổi. Đức Thánh Cha tin rằng chúng ta đang sống qua một cuộc thay đổi mang tính kỷ nguyên, và ngài đang suy tư về những gì sẽ tiếp nối sau khủng hoảng, về những hậu quả kinh tế và xã hội của đại dịch, về những gì chúng ta sẽ phải đối mặt, và trên hết là về cách thức để Giáo hội có thể thể hiện bản thân như một điểm tham chiếu an toàn cho thế giới bị mất trước một biến cố bất ngờ. Đưa ra sự đóng góp liên quan đến điểm sau là trách nhiệm thứ hai của chúng tôi. Đức Thánh Cha yêu cầu chúng tôi phải có tính cụ thể và sáng tạo, tiếp cận và sáng tạo khoa học, suy nghĩ mang tính toàn cầu và khả năng hiểu được các nhu cầu địa phương.

Người đang xây dựng chương trình hành động này như thế nào?

Chúng tôi thành lập năm nhóm làm việc hiện đã đi vào hoạt động. Chúng tôi đã có hai cuộc họp làm việc với Đức Thánh Cha. Chúng tôi đã thiết lập một trung tâm điều phối, để phối hợp những sáng kiến đưa ra trong cuộc khủng hoảng và những sáng kiến liên quan đến sự chuẩn bị cho tương lai. Hoạt động của chúng tôi là một sự phục vụ liên quan đến hành động và suy nghĩ. Chúng tôi cần hành động cụ thể lúc này, và chúng tôi đang thực hiện điều đó. Chúng tôi cần phải nhìn xa hơn hiện tại, để vẽ lên lối đi cho hành trình khó khăn đang chờ đợi chúng ta. Nếu chúng ta không suy nghĩ về ngày mai, rồi đây chúng ta sẽ một lần nữa thấy mình không được chuẩn bị. Hành động hôm nay và suy nghĩ về ngày mai không phải là những sự hoán đổi cho nhau. Chúng ta không đương đầu với vấn đề “hoặc cái này/hoặc cái kia” nhưng là “cả cái này và cái kia.” Nhóm của chúng tôi đã bắt đầu kết hợp với Phủ Quốc vụ khanh, Bộ Truyền thông, Caritas Quốc tế, các Hàn Lâm viện Giáo hoàng về Khoa học và Sự sống, Văn phòng Bác ái Giáo hoàng, Bộ Rao giảng Phúc âm cho các Dân tộc, và Nhà thuốc Vatican. Chúng tôi đã tạo ra một phương thức hợp tác mới giữa nhóm của chúng tôi và nhiều Bộ và Văn phòng khác nhau của Tòa Thánh: một phương thức hợp sức. Một sự cộng tác linh hoạt mang chứng tá cho sự hiệp nhất và khả năng phản ứng của Giáo hội.

Những ai làm trong Ủy ban được thiết lập trong Bộ và những lĩnh vực Bộ tập trung vào là gì? Nó có bao gồm những người khác hoặc những thực thể bên ngoài Tòa Thánh không?

Ủy ban bao gồm 5 nhóm làm việc.

Nhóm thứ nhất hiện đã hoạt động tích cực đối với cuộc khủng hoảng. Nhóm làm việc với Caritas Quốc tế. Nhóm đã thiết lập những cơ cấu để lắng nghe các Giáo hội địa phương để nhận ra được những nhu cầu thật sự và hỗ trợ trong việc phát triển những phản ứng hiệu quả và phù hợp. Nhóm đã yêu cầu các Nuncios (Đại diện của Giáo hoàng) và các Hội đồng Giám mục báo cáo về những vấn đề sức khỏe và nhân đạo cần có hành động cấp thời. Cần có một cái nhìn bao quát. Không được quên người nào: các tù nhân, các nhóm dễ bị tổn thương. Chúng tôi cần chia sẻ những cách thực hiện tốt đẹp.

Nhóm thứ hai có nhiệm vụ theo dõi, giống như canh gác vậy, để nhận biết được ánh bình minh. Để làm điều này cần phải kết nối những bộ óc tốt nhất trong các lĩnh vực sinh thái, kinh tế, sức khỏe, và an toàn cộng đồng. Chúng tôi cần tính cụ thể của khoa học và chúng tôi cần tính ngôn sứ, và tính sáng tạo. Chúng tôi cần phải đi vượt lên trên và vượt xa hơn. Nhóm này sẽ làm việc trong sự phối hợp gần gũi với Hàn Lâm viện Giáo hoàng về Sự sống, Hàn Lâm viện Giáo hoàng về Khoa học và Hàn Lâm viện Giáo hoàng về Khoa học Xã hội.

Nhóm thứ ba có nhiệm vụ truyền thông công việc của chúng tôi, xây dựng một ý thức mới, và kêu gọi sự cam kết đổi mới qua những phương tiện truyền thông. Một phần website của Bộ Thúc đẩy sự Phát triển Con người Toàn diện sẽ được dành cho những công tác truyền thông của nhóm.

Nhóm thứ tư sẽ xử lý tất cả các sáng kiến khả thi liên quan đến mối quan hệ với các Chính phủ hoặc những mối quan hệ đa phương. Nhóm sẽ được kết hợp với Phủ Quốc Vụ khanh. Trong lĩnh vực này, cũng cần phải có hành động cụ thể và tính ngôn sứ.

Nhóm thứ năm sẽ có trách nhiệm tìm những nguồn quỹ cần thiết, theo cách minh bạch, bằng cách thúc đẩy hoạt động vốn tài sản tốt lành.

Chúng tôi đang thực hiện những bước đi đầu tiên. Chúng tôi biết rằng còn nhiều việc phải làm. Chúng tôi cam kết bằng tất cả năng lượng chúng tôi có. Chúng tôi cũng kết hợp với các tổ chức đã có sự cộng tác theo truyền thống – và vẫn còn cộng tác – với Bộ của chúng tôi, chẳng hạn Đại học Georgetown, Đại học Potsdam, Đại học Công giáo Thánh Tâm ở Milan, Viện Tài nguyên Thế giới, và nhiều tổ chức khác.

Toàn Giáo hội đóng góp rất nhiều trong cuộc khủng hoảng này: có những chi nhánh Caritas [Bác ái Công giáo], các dòng tu, các cộng đoàn, tổ chức, và phong trào Công giáo … Toàn bộ mạng lưới bác ái và liên đới của thế giới hội thánh đã được huy động.

Người sẽ tương tác với các thực tại này như thế nào?

Mạng lưới Giáo hội riêng trong các quốc gia là rất quan trọng. Caritas làm công việc rất đặc biệt. Mọi công việc chúng tôi sẽ làm đều được thực hiện trong sự hiệp nhất giữa chúng tôi ở đây tại Roma và các Giáo hội địa phương. Nhóm phục vụ Giáo hoàng và các Giáo hội. Sứ mạng của chúng tôi không phải là thay thế hoạt động của các Giáo hội địa phương, nhưng là trợ giúp họ, và được họ giúp đỡ. Chúng tôi phục vụ lẫn nhau. Chúng tôi sẽ không thể hiểu được thời đại chúng ta đang sống nếu chúng tôi làm khác đi. Nhưng trên hết theo cách này Giáo hội thể hiện tính phổ quát của mình.

Tại sao việc suy nghĩ hôm nay về tương lai lại là điều quan trọng?

Điều quan trọng là phải bắt đầu lập luận ngay lập tức về những gì đang nằm quanh quẩn ở các ngóc ngách để chúng ta không bị động. Cuộc khủng hoảng sức khỏe đã dẫn đến cuộc khủng hoảng kinh tế. Nguy cơ là một cuộc khủng hoảng xã hội sẽ bị bùng phát nếu cuộc khủng hoảng kinh tế này không được xử lý ngay lập tức. Một cuộc khủng hoảng có nguy cơ kéo theo những khủng hoảng khác, trong một vòng tròn mà qua đó chúng ta buộc phải học cách chăm sóc cho ngôi nhà chung của chúng ta một cách từ từ và đầy đau đớn, như Đức Thánh Cha Phanxico đã đưa ra lời dạy tiên báo trong Tông huấn Laudato si’.

Cần phải có sự can đảm, tính ngôn sứ. Đức Thánh Cha đã trình bày rất rõ ràng điều này trong sứ điệp Urbi et orbi của ngài. Bây giờ không phải là thời gian cho sự thờ ơ, ích kỷ hoặc chia rẽ, vì toàn thế giới đang đau khổ và phải hiệp nhất để đối phó với đại dịch. Thay vì vậy, đây là thời gian để nới lỏng những trừng phạt quốc tế khiến cho các quốc gia rất khó khăn để cung cấp sự hỗ trợ thích đáng cho công dân của họ. Đây là thời gian để tất cả các chính phủ đáp ứng được những nhu cầu lớn nhất trong lúc này. Đây là thời gian để giảm bớt, nếu được thì hủy bỏ, gánh nặng nợ nần đối với ngân quỹ của các quốc gia nghèo nhất. Đây là thời gian để vận dụng đến những giải pháp sáng tạo. Đây là thời gian để tìm được sự can đảm để hưởng ứng lời kêu gọi ngừng bắn toàn cầu và ngay lập tức ở mọi miền trên thế giới. Đây không phải là thời gian để tiếp tục sản xuất và buôn bán vũ khí, tiêu phí những khoản vốn khổng lồ, mà đáng lẽ phải được dùng để chữa trị cho con người và cứu sống.

Ngày nay, mỗi cá nhân được kêu gọi sống cuộc thử thách này như thế nào?

Hôm nay, tất cả chúng ta tái khám phá thấy sự mỏng giòn của mình. Trước hết, chúng ta tái khám phá rằng chung sống trên Trái đất như một ngôi nhà chung đòi hỏi nhiều hơn nữa. Nó đòi hỏi sự đoàn kết trong việc tiếp cận với các sản vật của công trình tạo dựng như là “ích chung,” và sự đoàn kết trong việc ứng dụng những kết quả của nghiên cứu và công nghệ để làm cho “Ngôi nhà” của chúng ta mạnh khỏe hơn và đáng sống hơn cho tất cả mọi người. Qua việc này, chúng ta tái khám phá Thiên Chúa, Đấng đã trao phó cho chúng ta ơn gọi hữu thể trong sự liên đới với người khác. Chúng ta tái khám phá thấy rằng vận mệnh của mỗi người chúng ta đều được liên kết với vận mệnh của những người khác. Chúng ta tái khám phá giá trị của những gì là quan trọng và sự vô ích của rất nhiều điều mà chúng ta từng xem là quan trọng. Như Đức Thánh Cha đã nói vào ngày 27 tháng Ba: “Trận phong ba làm lộ ra sự mong manh của chúng ta và phơi bày những sự chắc chắn giả tạo và vô ích mà chúng ta đã dựa trên chúng để xây dựng những chương trình, những dự án, thói quen, và sự ưu tiên cho mình.”



[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 16/4/2020]


Đức Thánh Cha nói hãy thay đổi đời sống để trở về trung thành với Thiên Chúa (Toàn văn bài giảng Lễ sáng)

Đức Thánh Cha nói hãy thay đổi đời sống để trở về trung thành với Thiên Chúa (Toàn văn bài giảng Lễ sáng)
Copyright: Vatican Media

Đức Thánh Cha nói hãy thay đổi đời sống để trở về trung thành với Thiên Chúa (Toàn văn bài giảng Lễ sáng)

Tại nhà nguyện Thánh Marta, ngài nói chúng ta cần phải ít chú ý đến những nguồn an ủi khác, & hướng về Đức Kitô

14 tháng Tư, 2020 17:52

Hãy sám hối và thay đổi đời sống … 

Trở về trung thành với Thiên Chúa … 

Từ bỏ những ngẫu tượng và những sự an toàn khác … 

Theo Vatican News, Đức Thánh Cha Phanxico nhấn mạnh điểm này hôm nay, 14 tháng Tư, hai ngày sau Chúa nhật Phục sinh, trong Thánh Lễ không có người tham dự của ngài tại khu Casa Santa Marta.

Bắt đầu Thánh Lễ, trong khi nhớ đến tất cả các nạn nhân Coronavirus, Đức Thánh Cha cầu xin Chúa ban cho chúng ta ơn hiệp nhất.

Đức Thánh Cha cầu nguyện, “Trong những thời gian khó khăn này, xin Người cho phép chúng ta khám phá ra sự kết hiệp ràng buộc chúng ta và sự hiệp nhất luôn luôn lớn lao hơn mọi sự chia rẽ.”

Trong bài giảng, Đức Thánh Cha suy niệm về lời mời gọi hoán cải trong ngày Lễ Ngũ tuần của Thánh Phêrô (Cv 2:36-41), khi ngài nói người dân thành Giêrusalem hãy sám hối và thay đổi con đường của họ.

Đức Phanxico nói, “Và Thánh Phêrô rất rõ ràng: “Hãy sám hối, hãy sám hối, hãy thay đổi đời sống, anh em đã nhận được điều Thiên Chúa đã hứa cho anh em, và anh em đã từ bỏ Luật của Thiên Chúa, rất nhiều thứ của anh em, trong đó có những ngẫu thần, rất nhiều thứ … Hãy sám hối. Hãy trở về với lòng trung thành” (x. Cv 2:38). Sự sám hối ở đây tức là: hãy quay về với lòng trung thành.”

Đức Giáo hoàng người Argentine công nhận rằng lòng trung thành không luôn là thái độ thường có trong đời sống con người, trong đời sống chúng ta. “Luôn có những ảo tưởng làm sao lãng sự chú tâm của chúng ta, và vì thế chúng ta thường muốn chạy theo những ảo tưởng này.”

Đức Thánh Cha cũng kêu gọi người tín hữu hãy từ bỏ ‘những gì họ đang hướng về,’ mà đó không phải là Thiên Chúa, tức là những ngẫu tượng. Ngài nhấn mạnh rằng quá tự tin bản thân và đầy đủ vật chất thường dẫn đến sự bất trung theo cách này hoặc cách khác.

Ngài nói, ngay cả khi chúng ta không ‘quỳ gối’ trước những ngẫu tượng này, nếu chúng ta vẫn có khuynh hướng hướng về chúng, thì đã đến lúc phải từ bỏ chúng.

Chúng ta cần phải dứt khoát trở về với Chúa, Đức Thánh Cha nhấn mạnh.

Trước khi kết thúc, Đức Thánh Cha mời gọi tín hữu tham dự Rước Lễ Thiêng liêng trong thời gian khó khăn này, và kết thúc Thánh Lễ với nghi thức Tôn thờ Thánh Thể và Phép lành.

***

***

TOÀN VĂN BÀI GIẢNG [bản dịch (tiếng Anh) của Virginia Forrester của ZENIT]

Bài giảng của Thánh Phêrô xuyên thấu vào tâm hồn con người: “Đấng mà anh em đã treo trên thập giá đã sống lại” (x. Cv 2:36). Khi nghe “điều này, họ đau đớn trong lòng, và hỏi ông Phê-rô cùng các Tông Đồ khác: ‘Thưa các anh, vậy chúng tôi phải làm gì?’” (Cv 2:37). Và Thánh Phêrô rất rõ ràng: “Hãy sám hối, hãy sám hối, hãy thay đổi đời sống, anh em đã nhận được điều Thiên Chúa đã hứa cho anh em, và anh em đã từ bỏ Luật của Thiên Chúa, rất nhiều thứ của anh em, trong đó có những ngẫu thần, rất nhiều thứ … Hãy sám hối. Hãy trở về với lòng trung thành” (x. Cv 2:38). Sự sám hối ở đây tức là: hãy quay về với lòng trung thành. Lòng trung thành — thái độ đó của con người không luôn có trong đời sống con người, trong đời sống chúng ta. Luôn luôn có những ảo tưởng làm sao lãng sự chú tâm của chúng ta, và vì thế chúng ta thường muốn chạy theo những ảo tưởng này — lòng trung thành, trong những lúc thuận lợi và trong những lúc khó khăn. Có một trình thuật trong Sách Biên niên sử quyển Hai đánh động cha rất nhiều. Đó là chương 12, ngay đầu chương. Chương này mô tả, “Củng cố được vương quốc và trở nên hùng mạnh rồi, vua Rơkhápam bỏ Lề Luật của Đức Chúa, khiến toàn thể Israel cũng theo gương” (x. 2 Sb 12:1), Kinh Thánh nói như vậy. Nó là một sự thật lịch sử, nhưng quả thật nó là một sự thật chung. Rất nhiều lần, khi chúng ta cảm thấy an toàn, chúng ta bắt đầu đặt ra những kế hoạch cho mình, và dần dần chúng ta rời bỏ Thiên Chúa; chúng ta không giữ lòng trung thành. Và sự an toàn của tôi không phải là thứ Thiên Chúa ban cho tôi nhưng là một ngẫu tượng. Đây là những gì đã xảy ra với vua Rơkhápam và dân tộc Israel. Họ cảm thấy an toàn — trong một vương quốc được thành lập — họ rời bỏ lề luật và bắt đầu thờ cúng các ngẫu tượng. Vâng, chúng ta có thể nói: “Thưa cha, con không quỳ gối trước các ngẫu tượng.” Không, có lẽ bạn không quỳ gối, nhưng sự thật là bạn tìm kiếm chúng và tôn thờ chúng nhiều lần trong lòng — rất nhiều lần. Sự an toàn của một người mở ra cánh cửa đến với các ngẫu tượng.

Nhưng sự an toàn của chúng ta có phải là sự dữ? Không, đó là một ơn. Được an toàn, nhưng được an toàn và biết rằng Chúa ở với tôi. Tuy nhiên, khi có sự an toàn và tôi đứng ở vị trí trung tâm, tôi liền rời bỏ Chúa, cũng như vua Rơkhápam, và tôi trở nên bất trung. Rất khó để giữ lòng trung tín. Toàn bộ lịch sử của dân Israel, và toàn bộ lịch sử của Giáo hội, đầy những sự bất trung — tràn đầy: đầy những kiêu ngạo, những sự an toàn của con người làm cho dân Chúa rời bỏ Thiên Chúa và đánh mất lòng trung thành, mất ơn trung tín. Và ngay giữa chúng ta, giữa mọi người, lòng trung tín không phải là một đức tính thường có. Người này không trung tín với người kia, với người đó … “Hãy sám hối, hãy quay về lòng trung thành với Thiên Chúa” (x. Cv 2:38).

Và trong Tin mừng, biểu tượng của lòng trung thành là người phụ nữ tín trung đó, người không bao giờ quên những gì Chúa đã làm cho bà. Bà ở đó, trung kiên, đứng trước một điều không thể nào tin được, đứng trước một thảm kịch, một lòng trung kiên khiến bà nghĩ rằng bà có thể mang được xác Chúa … (x. Ga 20:15) – một phụ nữ yếu đuối nhưng trung kiên, biểu tượng của lòng tín trung của Maria và Mácđala, Tông đồ của các Tông đồ.

Hôm nay chúng ta hãy xin Chúa ban ơn trung tín, để cảm tạ Ngài khi Ngài ban cho chúng ta được những sự an toàn, nhưng không bao giờ nghĩ rằng đó là sự an toàn “của tôi” và luôn nhìn xa hơn những sự an toàn đó; ơn trung tín cả khi đứng trước những ngôi mộ, trước sự sụp đổ của nhiều ảo tưởng. Một lòng trung thành luôn luôn kiên vững, nhưng không phải dễ để giữ được. Nguyện xin Ngài, Đấng là Thiên Chúa, bảo vệ nó.

Đức Thánh Cha kết thúc Thánh Lễ với nghi thức Tôn thờ Thánh Thể và Phép Lành, mời tín hữu Rước Lễ Thiêng Liêng.



[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 15/4/2020]