Thứ Hai, 3 tháng 7, 2023

Huấn từ Kinh Truyền tin của Đức Thánh Cha ngày 02.07.2023: Ngôn sứ giúp người khác đọc hiện tại dưới tác động của Chúa Thánh Thần

Ngôn sứ giúp người khác đọc hiện tại dưới tác động của Chúa Thánh Thần

Huấn từ của Đức Thánh Cha trước Kinh Truyền tin

Huấn từ Kinh Truyền tin của Đức Thánh Cha ngày 02.07.2023: Ngôn sứ giúp người khác đọc hiện tại dưới tác động của Chúa Thánh Thần

Vatican Media


*******

Vào lúc 12 giờ trưa hôm nay (ND: 02.07.2023), Đức Thánh Cha Phanxicô xuất hiện tại cửa sổ phòng làm việc trong Điện Tông tòa Vatican để đọc Kinh Truyền tin với các tín hữu và khách hành hương tập trung tại Quảng trường Thánh Phêrô.

Sau đây là huấn từ của Đức Thánh Cha trước khi đọc Kinh Kính Đức Mẹ:

______________________________________


Trước Kinh Truyền tin

Anh chị em thân mến, buongiorno!

Trong Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu nói: “Ai đón tiếp một ngôn sứ, vì người ấy là ngôn sứ, thì sẽ được lãnh phần thưởng dành cho bậc ngôn sứ” (Mt 10:41). Từ “ngôn sứ” xuất hiện ba lần. Nhưng là ngôn sứ nào? Có một số người tưởng tượng ra ngôn sứ là một loại pháp sư nào đó đoán trước tương lai. Nhưng đây là một ý tưởng mê tín dị đoan và người Kitô hữu không tin vào những điều mê tín, chẳng hạn như ma thuật, bói bài, tử vi và những thứ tương tự khác. Thêm nữa, nhiều, rất nhiều người Kitô hữu đi xem chỉ tay… Xin làm ơn… Những người khác mô tả ngôn sứ chỉ là một nhân vật trong quá khứ, tồn tại trước Chúa Kitô để báo trước sự xuất hiện của Ngài. Tuy nhiên, hôm nay chính Chúa Giêsu nói về sự cần thiết phải chào đón các ngôn sứ. Như vậy, họ vẫn tồn tại. Nhưng họ là ai? Ngôn sứ là gì?

Thưa anh chị em, mỗi người chúng ta đều là một ngôn sứ. Thật vậy, với Bí tích Rửa tội, tất cả chúng ta đã lãnh nhận hồng ân sứ vụ ngôn sứ (x. Giáo lý Giáo hội Công giáo, 1268). Ngôn sứ là người, nhờ Phép Rửa, giúp người khác đọc hiện tại dưới tác động của Chúa Thánh Thần. Điều này rất quan trọng: đọc hiện tại không giống như bản tin, không… đọc hiện tại như được soi sáng và dưới tác động của Chúa Thánh Thần, Đấng giúp hiểu các kế hoạch của Thiên Chúa và trả lời cho những kế hoạch đó. Nói cách khác, ngôn sứ là người giới thiệu Chúa Giêsu cho người khác, là người làm chứng cho Chúa, là người giúp cuộc sống hôm nay và xây dựng tương lai theo ý định của Người. Vì vậy, tất cả chúng ta đều là những ngôn sứ, những chứng nhân của Chúa Giêsu, để “sức mạnh của Tin Mừng được chiếu tỏa trong đời sống xã hội và gia đình hàng ngày” (Hiến chế Lumen Gentium, 35). Một ngôn sứ là một dấu hiệu sống động chỉ đến Thiên Chúa cho người khác. Ngôn sứ là sự phản chiếu ánh sáng của Chúa Kitô trên con đường của các anh chị em. Và như vậy, chúng ta hãy tự hỏi: Tôi, — mỗi người chúng ta — tôi, là “ngôn sứ được tuyển chọn” nhờ Bí tích Rửa tội, tôi có nói, và trên hết, tôi có sống như một chứng nhân của Chúa Giêsu không? Tôi có mang một chút ánh sáng của Ngài vào cuộc sống của người khác không? Tôi có tự xét mình về việc này không? Tôi tự hỏi: tôi làm chứng như thế nào, năng lực ngôn sứ của tôi như thế nào?

Trong Tin Mừng, Chúa cũng yêu cầu đón tiếp các ngôn sứ. Vì vậy, điều quan trọng là phải tiếp đón nhau như vậy, như những người mang thông điệp của Thiên Chúa, mỗi người tùy theo bậc và ơn gọi của mình, và thực hiện điều đó ngay tại nơi chúng ta sống – nghĩa là trong gia đình, trong giáo xứ, trong cộng đoàn tu trì, ở những nơi khác trong Giáo hội và ngoài xã hội. Thần Khí đã phân phát các ơn ngôn sứ trong Dân thánh của Thiên Chúa. Đây là lý do tại sao lắng nghe mọi người là điều rất tốt. Chẳng hạn, khi cần đưa ra một quyết định quan trọng – chúng ta hãy nghĩ về điều này – trước hết là phải cầu nguyện, kêu cầu Thần Khí, và sau đó lắng nghe và đối thoại với sự tin tưởng mỗi người, dù là người bé mọn nhất, bởi vì họ có điều gì đó quan trọng để nói, một món quà ngôn sứ để chia sẻ. Do đó, sự thật được tìm thấy và bầu không khí lắng nghe Chúa và anh chị em của chúng ta lan tỏa, nơi mọi người cảm thấy được chào đón không vì họ nói những gì tôi thích, nhưng họ cảm thấy được chấp nhận và đánh giá cao vì những ơn mà họ đang có.

Chúng ta hãy suy nghĩ xem có bao nhiêu xung đột có thể tránh được và giải quyết theo cách này, lắng nghe người khác với mong muốn chân thành để hiểu nhau! Vì vậy, cuối cùng, chúng ta hãy tự hỏi: Tôi có biết đón nhận anh chị em của mình như những ơn ngôn sứ không? Tôi có tin rằng tôi cần họ không? Tôi có tôn trọng lắng nghe họ, với mong muốn học hỏi không? Bởi vì mỗi chúng ta cần phải học hỏi từ người khác. Mỗi chúng ta cần phải học từ những người khác.

Xin Mẹ Maria, Nữ Vương các Ngôn sứ, giúp chúng ta nhìn thấy và đón nhận điều tốt lành mà Thần Khí đã gieo trong người khác.

_____________________________________________

Sau Kinh Truyền tin

Anh chị em thân mến,

Ngay cả trong mùa hè, chúng ta không ngừng cầu nguyện cho hòa bình, đặc biệt cho người dân Ukraine đang bị bao vây. Và chúng ta đừng thờ ơ với những cuộc chiến khác thường bị lãng quên, và rất nhiều những cuộc xung đột và đụng độ đã làm loang máu nhiều nơi trên thế giới. Có rất nhiều cuộc chiến ngày nay. Chúng ta hãy quan tâm đến những gì đang xảy ra, chúng ta hãy giúp đỡ những người đau khổ và cầu nguyện, bởi vì cầu nguyện là sức mạnh nhẹ nhàng để bảo vệ và nâng đỡ thế giới.

Cha chào tất cả anh chị em, các tín hữu đến từ Roma và từ nhiều quốc gia và khu vực khác trong nước Ý; đặc biệt là các Nữ tu Dòng Thánh Giuse Bênêđictô Cottolengo, các thiếu niên ứng viên Thêm Sức từ Ibiza và Formentera, các thiếu nhi từ Nhóm Mục vụ Tremignon và Vaccarino ở Vicenza. Cha cũng xin chào “Nhóm Thánh Mauro” từ Cavarzere và trường mẫu giáo “Đức Mẹ Olmo” từ Verdellino. Và cha chào các thành viên của nhóm Immaculata.

Cha hy vọng tất cả anh chị em có ngày Chúa nhật tốt lành, và xin đừng quên cầu nguyện cho cha. Chúc anh chị em bữa trưa ngon miệng và arrivederci!



[Nguồn: exaudi]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 3/7/2023]


Niên giám Vatican trình bày chi tiết sự gia tăng và giảm sút của đời sống bí tích trên thế giới

Niên giám Vatican trình bày chi tiết sự gia tăng và giảm sút của đời sống bí tích trên thế giới

Niên giám Vatican trình bày chi tiết sự gia tăng và giảm sút của đời sống bí tích trên thế giới

Nataliia Suietska | Shutterstock

John Burger

03/06/23


Báo cáo hàng năm trích dẫn “xu hướng tỷ lệ sinh giảm” theo sau sự sụt giảm phép rửa tội.

Có hơn 1,3 tỷ người Công giáo trên thế giới, tương đương 17,7% dân số toàn cầu, theo ấn bản mới nhất của báo cáo hàng năm của Vatican.

Niên giám Thống kê của Giáo hội mới được xuất bản, do Văn phòng Thống kê Giáo hội của Vatican xuất bản, cho biết có hơn 13,7 triệu phép rửa tội vào năm 2021. Hơn 11,1 triệu trong số đó – 81% – là rửa tội cho trẻ em dưới 7 tuổi. Đó là một sự giảm sút đáng kể từ năm 1991, thời điểm Giáo hội đã rửa tội cho 18,1 triệu người trên toàn thế giới – 89% trong số đó dưới 7 tuổi.

Niên giám thống kê cho rằng sự giảm sút này, ít nhất một phần, là do “xu hướng tỷ lệ sinh giảm ở hầu hết các quốc gia”.

Thật vậy, tạp chí The Economist đưa tin vào ngày 1 tháng Sáu rằng “tỷ lệ sinh, tức số ca sinh trung bình của một phụ nữ, đang giảm xuống ở hầu hết các nơi trên thế giới”.

Niên giám của Vatican cho thấy những kết quả khác nhau trong các nỗ lực truyền giáo. Ở Châu Phi, tỷ lệ người trên 7 tuổi được rửa tội đã tăng từ 33% vào năm 2016 lên 36% vào năm 2021. Tỷ lệ này giữ ổn định ở Châu Âu với mức 4,5%, trong khi ở Bắc Mỹ, tỷ lệ giảm nhẹ từ 8,7% xuống 8,6%. Tỷ lệ người Trung Đông trên 7 tuổi rửa tội giảm từ 4,5% xuống 2,9%.

Có 1,8 triệu đám cưới trong nhà thờ trên toàn thế giới vào năm 2021, giảm mạnh so với 3,8 triệu của năm 1991. Trong thống kê mới nhất, có 9,2% đám cưới của một người Công giáo kết hôn với một người không Công giáo. Châu Đại Dương có tỷ lệ đám cưới giữa người Công giáo và không Công giáo cao nhất, ở mức 28,3% và Trung Mỹ thấp nhất – 1,7%. Bắc Mỹ có 20,2% tổng số người Công giáo kết hôn trong nhà thờ với người phối ngẫu không Công giáo.

Năm 2021, có 8,5 triệu người trên khắp thế giới Rước lễ lần đầu – trung bình cứ 1.000 người Công giáo thì có 6,2 người Rước lễ lần đầu. Tỷ lệ này cao nhất ở Châu Á với 9,1 người rước lễ lần đầu trên 1.000 người Công giáo. Hoa Kỳ có 7,3 trên 1.000, cao hơn so với tỷ lệ toàn Châu Mỹ là 5,2.

Niên giám cũng báo cáo 7,3 triệu người được lãnh nhận Bí tích Thêm sức vào năm 2021.


[Nguồn: aleteia]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 3/7/2023]