Chủ Nhật, 12 tháng 6, 2016

Đức Thánh Cha gọi đó là – sự kỳ thị đối với người khuyết tật là rất “xấu”

Đức Thánh Cha gọi đó là – sự kỳ thị đối với người khuyết tật là rất “xấu”

Pope Francis greets participants of the Convention for Persons with Disabilities at the Paul VI Hall in the Vatican, June 11, 2016. Credit: L'Osservatore Romano.

Đức Thánh Cha Phanxico chào những người tham dự Hội nghị dành cho Người Thiểu năng trong Đại sảnh Phaolo VI tại Vatican hôm 11 tháng 6, 2016. Ảnh: L'Osservatore Romano.

Vatican City, 11 tháng 6, 2016 / 11:56 sáng (CNA/EWTN News).- Không một cá nhân người nào giá trị hơn người khác, đặc biệt khi đó là những người bị thiểu năng, Đức Thánh Cha nói hôm thứ Bảy, nhấn mạnh rằng những người này có một sự phong phú cách riêng, và ngài nói rằng sự kỳ thị đối xử với họ là “một trong những điều xấu xa nhất” chúng ta có thể làm.
Khi một phụ nữ trẻ 25 tuổi tên Serena, ngồi trong xe lăn hỏi rằng tại sao một số người khuyết tật không thể Chịu Mình Thánh Chúa hay đi lễ như những thành viên khác trong giáo xứ, Đức Thánh Cha nói rằng câu hỏi đã đụng chạm đến một trong những điều xấu xa nhất của chúng ta: sự kỳ thị đối xử. Nó là một điều rất xấu.”
Khi nói rằng “anh không giống tôi, anh ra đằng kia” hay nói rằng ai đó không được học giáo lý vì “giáo xứ này chỉ dành cho những người bình thường giống nhau, không bị dị biệt,” thì đó là một trong những điều tồi tệ nhất có thể xảy ra.
Đức Phanxico, nói ứng khẩu rằng nếu một linh mục làm điều này với bất kỳ một ai đó, linh mục đó phải “hoán cải”, vì tính đa dạng không có nghĩa là một ai đó “có đủ 5 giác quan hoạt động ổn định thì tốt hơn một người bị mù hay bị điếc. Không, điều đó hoàn toàn không đúng.”
“Tất cả chúng ta đều có cùng khả năng để phát triển, để tiến bước, để mến yêu Thiên Chúa, để  làm những việc tốt lành, để hiểu giáo lý Ki-tô. Tất cả chúng ta đều có cùng khả năng lãnh nhận các bí tích.”
Ngài nói, quả thật cần có sự chuẩn bị tốt khi một người muốn rước Mình Thánh Chúa, nhưng phải có một cách nào đó phù hợp cho những người bị thiểu năng có thể rước Mình Thánh Chúa và cũng được chuẩn bị như bất cứ ai khác.
Ví dụ, nếu một người bị điếc, cần phải tạo ra “cơ hội trong giáo xứ để chuẩn bị cho người đó bằng ngôn ngữ ký hiệu. Điều này rất quan trọng.”
Đức Thánh Cha Phanxico nói với mấy trăm người khuyết tật và những người chăm sóc họ hôm 11 tháng 6, đây là một phần của hội nghị được tổ chức bởi Phòng Giảng dạy Giáo lý cho Người Thiểu năng thuộc Văn phòng Giảng huấn Quốc Gia của Ý nhân dịp kỷ niệm 25 năm thành lập.
Hội nghị có chủ đề “… và các ngươi sẽ luôn mãi ngồi ăn cùng bàn với ta!” diễn ra cùng lúc với Năm thánh Cho Bệnh nhân và Người khuyết tật từ 10-12 tháng 6, và đây là phần mở rộng của Năm Thánh Lòng Thương xót.
Đức Phanxico nói với những người tham dự rằng nếu một thế giới trong đó mọi người đều giống nhau “thì chán lắm,” và sự đa dạng là một ân ban. Ngài bỏ văn bản đã được chuẩn bị sẵn sang một bên, và nói dí dỏm “chắc tất cả chúng ta đều biết, đọc văn bản soạn sẵn chán lắm, phải không?”
Sau đó ngài lấy 3 câu hỏi từ những người ngồi trong nhóm khán giả. Câu thứ nhất của một phụ nữ tên Lavinia, chị nói về sự sợ hãi thường có khi phải hỗ trợ những người thiểu năng.
Trong phần trả lời, Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng “tất cả chúng ta đều khác biệt. Chẳng ai giống ai,” và rằng sự sợ hãi khi gặp một người khác biệt với chúng ta vì sự gặp gỡ đó tạo cho chúng ta một cơ hội thử thách.
“Nó là một sự thử thách. Nó sẽ thoải mái hơn nếu chỉ ở yên vị, nếu bỏ qua tính đa dạng và giả vờ rằng chúng ta đều như nhau,” ngài nói, và nhấn mạnh rằng mọi thử thách đều đem lại một vài trạng thái sợ sệt nào đó, nhưng đa dạng “là một sự phong phú,” vì mỗi người đều có thể cho đi một cái gì đó cho người khác.
“Tôi có cái này, bạn có cái khác, vậy chung vào với nhau chúng ta có cái gì đó to lớn hơn và đẹp hơn. Đây là cách để chúng ta cùng tiến bước.”
Đức Phanxico thừa nhận rằng có một số khác biệt giữa các cá nhân có những nguyên nhân đau đớn do bệnh tật, nhưng chúng cũng góp phần làm phong phú thêm, vì chúng thách thức chúng ta và giúp chúng ta vượt qua được những nỗi sợ hãi.
Ngài nói, “Chúng ta đừng bao giờ e sợ tính đa dạng,” ngài giải thích rằng để có thể để cho điều này diễn ra, chúng ta phải học cách nối kết với những điểm chung chúng ta cùng có. Ngài nói, một cử chỉ cụ thể để chúng ta có thể bắt đầu theo cách này là “đưa bàn tay ra.”
“Khi tôi đưa bàn tay tôi ra, tôi đưa ra cái chung mà tôi có và anh cũng có. Nếu một người đưa bàn tay ra một cách chân thành, tôi đưa cho anh bàn tay của tôi có và anh đưa cho tôi bàn tay của anh có.”
Đức Thánh Cha Phanxico cũng chọn 1 câu hỏi của 1 linh mục, cha Luigi, ngài chịu trách nhiệm giảng dạy giáo lý trong 1 giáo xứ ở phía nam Roma, về cách dạy cho các cộng đoàn giáo xứ cách chào đón và lắng nghe mọi người đến với giáo xứ.
Trong câu trả lời, Ngài Phanxico nhấn mạnh tầm quan trọng của việc chào đón tất cả mọi người, không ngoại trừ ai. Nếu một linh mục không làm điều này, “Đức Thánh Cha cho lời khuyên như thế nào?” ngài đặt câu hỏi, rồi ngài cho biết câu trả lời sẽ là “Làm ơn đóng tất cả mọi cánh cửa của giáo xứ – hoặc là tất cả mọi người, hoặc là không ai cả!”
Ngài nói, vai trò của linh mục, được hỗ trợ bởi giáo dân và các giáo lý viên, là phải bảo đảm rằng tất cả  mọi người hiểu rõ đức tin, hiểu được sự yêu thương, và cách để cùng đồng hành, ngay cả giữa những khác biệt.
Ngài cũng nhấn mạnh sự quan trọng của điều mà ngài gọi là “mục vụ của đôi tai,” nghĩa là phải lắng nghe. Trong khi Giáo hội làm được rất nhiều điều tốt đẹp trong công tác mục vụ của mình, thì đây là điều mà mọi người, đặc biệt là các linh mục, “phải làm nhiều hơn nữa.”
Cho dù các câu chuyện nghe có vẻ hơi cũ, nhưng những câu chuyện đó không được kể bởi cùng một người, ngài nói, và thêm rằng “Thiên Chúa ở trong tâm hồn mỗi người, và anh chị em phải có kiên nhẫn để lắng nghe, để chào đón và để lắng nghe mọi người.”
Trong câu trả lời cho câu hỏi thứ ba của Serena, Đức Thánh Cha lưu ý về những cách mà người khuyết tật thường bị phân biệt đối xử, thậm chí bằng “những từ ngữ khó nghe,” và ngài nhấn mạnh rằng điều này không được xảy ra.
Đức Phanxico nói, một số linh mục xứ đạo có thể nói rằng họ từ chối giảng dạy giáo lý hay những thông tin cần thiết chuẩn bị cho những người khuyết tật trước khi đón nhận các bí tích vì những người đó không thể hiểu được, đây không phải là lý do.
“Mỗi chúng ta có một cách hiểu vấn đề khác nhau … nhưng mỗi chúng ta đều có khả năng biết Chúa,” ngài  nói, và dẫn chứng về quyết định của Thánh Pio X năm 1910 cho phép các trẻ em 7 tuổi được Rước Lễ lần đầu.
“Rất nhiều người cảm thấy bị xúc phạm” vì quyết định này, họ nói rằng trẻ em không thể hiểu được sự màu nhiệm của bí tích, Đức Phanxico nhận xét. Tuy nhiên, Thánh Pio X “đã làm một điều khác thường, một sự cân bằng, vì ngài biết rằng trẻ em hiểu theo một cách khác.”
Mỗi người đều có một sự phong phú riêng của mình khác với của người khác, ngài nói, nhưng ngài lưu ý rằng trong thánh lễ và các bí tích, mọi người đều bình đẳng nhau vì tất cả chúng ta đều có Chúa Ki-tô và tất cả chúng ta đều có chung một người mẹ, Mẹ Maria.
Đức Thánh Cha Phanxico sau đó cảm ơn những người có mặt vì họ đã đến tham dự, và xin họ cầu nguyện. Ngài xướng và đọc kinh Kính mừng với nhóm người trước khi dành nhiều phút chào hỏi người cao tuổi và người khuyết tật ở những hàng ghế đầu trong khán phòng.
[Nguồn: catholicnewsagency]


[Chuyển ngữ: TRI KHOAN 12/06/2016]



Làm sao để không đánh mất những đứa con của bạn cho những thiết bị điện tử



Làm sao để không đánh mất những đứa con của bạn cho những thiết bị điện tử


Cha mẹ thường là “người nhập cư” ở những nơi mà con cái của họ là “dân bản địa của kỹ thuật số,” nhà tâm lý Deborah MacNamara nói


WEB-TEEN-GIRL-TEXTING-SMARTPHONE-Carissa-Rogers-CC

Carissa Rogers CC
Đứa cháu gái 14 tuổi của Deborah MacNamara ở ngay bên cạnh bà. Cô bé hoàn toàn bị lạc lõng. Chuyện gì thế nhỉ? Cô bé mang theo cái điện thoại di động, nhưng cô bé lại kẹt ở một nơi không có sóng.
Suốt 4 ngày.
MacNamara, tác giả quyển Nghỉ ngơi, Chơi, Phát triển (Rest, Play, Grow) và là một nhà tâm lý ở Vancouver, Canada, kể lại câu chuyện cô cháu gái của bà trong một diễn đàn Liên Hiệp Quốc (UN forum) về vai trò làm cha mẹ hôm 1 tháng 6, đây là một phần của những hoạt động mừng Ngày Quốc tế Cha mẹ. Người mẹ 2 con, cùng nhóm thảo luận với Đức Tổng Giám mục Bernardito Auza, đại diện của Vatican tại Liên Hiệp Quốc, và nhiều người khác, thảo luận về việc nuôi dạy con cái trong thời đại kỹ thuật số.
Bà nói rằng cô cháu gái của bà đã quá bị “lệ thuộc vào bạn bè đồng trang lứa, và cái điện thoại của cô bé trở thành công cụ để cô bé bám dính với các nhóm bạn bè của nó. Cô bé không còn quan tâm đến chúng tôi là các cô dì chú bác và ông bà của nó.”
Theo MacNamara và những người khác trong buổi hội thảo chuyên đề, vấn đề này nghe rất quen với nhiều độc giả.
Và gia đình cô bé đã quyết định đưa cô bé đi một chuyến du lịch cắm trại, nhưng không cho cô bé biết, khu vực cắm trại không có phủ sóng điện thoại. Cô bé rất chán nản khi phải trải qua thời gian với các anh em họ hàng, và không có cách chi để sử dụng thiết bị điện tử.
“Đến ngày thứ ba, tôi chợt bắt gặp con bé đang nói chuyện với em gái tôi,” MacNamara nói. “Con bé đang khóc trong tuyệt vọng. Em gái tôi nói với tôi, ‘Chị đến thật tốt quá. Con gái em đã kể cho em nghe cảm giác nó thấy quá mất mát, bồn chồn và bị suy sụp mấy ngày qua. Sống ở tuổi thiếu niên ngày nay thật khắc nghiệt. Và tôi nói, ‘Đúng, chị nhớ điều đó rất rõ.’”
MacNamara ngồi xuống bên cạnh cô cháu gái và choàng tay qua người cô bé.
“Cháu có biết nguyên tắc số 1 khi cháu cảm thấy bị mất mát và lúng túng không?” bà hỏi cô bé. “Các bạn của cháu có thấy bị mất mát và lúng túng không? … Ai không thấy cảm thấy bị mất mát và lúng túng về việc cháu là ai?”
“Và con bé nhìn vào tôi, giống như nó nhìn thấy tôi lần đầu tiên, và nó nói, ‘Là bác.’ Và tôi nói, ‘Vậy còn ai không thấy bị mất mát và lúng túng về cháu?’ Và con bé nhìn quanh quẩn và nó nhìn thấy mẹ nó, lại cũng giống như nhìn thấy mẹ nó lần đầu tiên.”
Câu chuyện nêu lên quan điểm của MacNamara cho rằng trong một thời đại khi cha mẹ dường như cảm thấy đang bị mất những đứa con vì chúng chỉ tập trung vào các thiết bị điện tử của chúng, thì những tình cảm gần gũi là quan trọng nhất
MacNamara là người đầu tiên suy đoán về vấn đề tiềm ẩn của công nghệ mới nhiều năm trước khi bà cho đứa con gái 8 tuổi đi ngủ. Bà cho con bé 1 cái iPad vài tuần trước đó và phải nói rằng nó đã “yêu ngay từ phút đầu gặp gỡ.”
“Một đêm nọ khi tôi đưa con bé vào phòng ngủ, nó nói với tôi, ‘À mẹ ơi, những cái ôm hôn của mẹ tốt hơn thời gian chơi thiết bị công nghệ,’ Và tôi liền nghĩ, ‘Chà, thật tuyệt vời là tôi đã đi trước được 1 bước, nhưng làm sao mà mối tình 7 hoặc 8 năm của tôi với con gái mình lại được đem ra để so sánh với một chiếc iPad mà nó mới chỉ biết vài tuần lễ nhỉ?’”
Chắc chắn, MacNamara không phải là người duy nhất để ý thấy tuổi trẻ bây giờ dường như quá bị lệ thuộc vào “những thiết bị” của chúng. Câu chuyện của bà được một người khác trong hội nghị chuyên đề bổ sung thêm, đó là tiến sĩ Meg Meeker, một bác sĩ nhi khoa và cũng là một tác giả (author), bà đã báo cáo rằng trung bình các trẻ thường dành ra 8 tiếng đồng hồ một ngày trước các loại màn hình — và chỉ có 34 phút với cha mẹ.
“Vậy điều gì có thể giúp bọn trẻ tránh khỏi những thứ xấu xa, sex, thuốc phiện và rượu?” Meeker nói. “Các nhà nghiên cứu đã tìm ra rằng không phải là bạn bè đồng trang lứa hay các chương trình của trường học hay những chương trình ngoại khóa mà chúng tham gia. Nó chính là sự gắn kết tình cảm của cha mẹ.
MacNamara nói rằng Trung tâm nghiên cứu Tương lai của Kỹ thuật số (Digital Future) tại trường Đại học Nam California đã tìm ra rằng với mức độ tấn công của “cách mạng kỹ thuật số” hiện nay thì thời gian dành cho gia đình đã giảm xuống 1/3. Gordon Neufeld, sáng lập viên của Học viện Neufeld Institute, MacNamara hiện là thành viên chuyên khoa tại đây, đã điều hành một nghiên cứu và tìm ra rằng trẻ em “đang bị lệ thuộc quá nhiều vào bạn bè đồng trang lứa, và sử dụng những thiết bị công nghệ để nối kết liên tục với nhau,” bà nói
Bà nói, “Chúng ta chỉ nên đặt vào tay các em những thiết bị khi chúng đã sẵn sàng và đủ trưởng thành, và khi chúng biết kiểm soát những bốc đồng của chúng, nhân cách đã được hình thành đầy đủ, để kiểm soát được mọi việc xảy ra cùng với những thiết bị của chúng.”
MacNamara giới thiệu 5 ý tưởng để các cha mẹ có thể áp dụng giúp họ giữ được quan hệ tốt đẹp với con cái của họ khi mà xã hội cứ liên tục giới thiệu ra cách tốt nhất để sử dụng — và không được sử dụng bởi — công nghệ:
  • Chúng ta phải tin chắc rằng chúng ta là người cần thiết nhất cho con cái. Chúng ta là một ván bài cá cược an toàn nhất cho con cái.
  • Hãy mời gọi tính hỗ tương. Có điều gì chúng ta có thể làm mà không cái gì có thể thay thế được? Làm sao để xây dựng những mối quan hệ riêng tư?
  • Xây dựng những trình tự và quy tắc để giữ được sự gắn kết bảo vệ tốt đẹp, để duy trì được sự gắn kết của chúng ta với con cái.
  • Hãy để con cái được thoải mái gắn kết hoàn toàn và sâu sắc với chúng ta. Hãy nhìn con cái bằng cách nhìn thật thân thiện, chào hỏi chúng, hãy thu hút ánh mắt của chúng, để chúng có thể nhìn thấy được sự nồng ấm và ánh sáng và niềm vui ẩn chứa bên trong chúng ta, và mong ước được chia sẻ những điều đó.
  • Biết cách làm chủ khi sử dụng công nghệ một cách chính xác. Dạy cho các trẻ biết những quy phạm và nguyên tắc mới cần phải có khi sử dụng các thiết bị.
[Nguồn: aletaia]


[Chuyển ngữ: TRI KHOAN 11/06/2016]



Mỗi người chúng ta là bất toàn, và được yêu trong Nhãn quan của Thiên Chúa

Mỗi người chúng ta là bất toàn, và được yêu trong Nhãn quan của Thiên Chúa

JD FLYNN
06/11/2016
thiên chúa yêu con người bất toàn
Carl Heinrich Bloch (1834-1890), "Let the Little Children Come Unto Me"
Một phụ nữ mang thai một em bé bị hội chứng Down, và bác sĩ khuyến khích bà nên phá thai. Câu chuyện như vầy diễn ra hàng ngày. Nhưng người phụ nữ này không phá thai; bà sinh ra một bé gái kháu khỉnh. Người mẹ viết một lá thư gửi bác sĩ (letter to the doctor), diễn tả nỗi buồn của bà khi thấy mọi người đều khuyên phá bỏ một thai nhi bị hội chứng Down. Lá thư được đăng trên một mạng xã hội, và bây giờ nó đang làn tràn chóng mặt.
Tôi có hai đứa con và cả hai đứa đều bị hội chứng Down, vì thế nửa số bạn bè của tôi trong tuần này tag cho tôi lá thư được đăng trong tuần.
Tôi thật khâm phục sự hỗ trợ của người mẹ này dành cho đứa con gái. Tôi rất biết ơn vì bà đã gây sự chú ý đến hoàn cảnh của những gia đình có con như bà, và như tôi, là những người phải đối mặt rất cao với khả năng phải phá thai: theo ước tính, khoảng 70% thai nhi được chẩn đoán trước bị hội chứng Down đều bị phá bỏ.
Tôi cũng cảm thấy rất vui khi phương tiện truyền thông dành thời gian để nói đến những người bị hội chứng Down.
Nhưng một phần của lá thư cứ nằm mãi trong đầu tôi. Lặp đi lặp lại, lá thư cứ nói rằng, “đứa con của tôi hoàn hảo.”
* * * * * * *
Tuần trước, đứa con trai 4 tuổi của tôi lấy sách xuống khỏi kệ và xếp đống trên nền nhà. Tôi ngồi xuống và cùng xếp với con. Nhưng sau 1 phút thì nó bắt đầu gào lên. Nó hất mấy quyển sách ra và đá lung tung trên nền nhà. Nó khóc. Vì nó chỉ nói được vài từ, nó không thể giải thích cho tôi lý do tại sao. Dù tôi có cố đến mấy, nó cũng không nguôi ngoai.
Con trai tôi cần thứ gì đó nhưng tôi không hiểu hoặc không cho nó được. Tôi hoàn toàn bị cô đơn. Thực sự là tôi thấy hoảng. Vài phút thoáng qua, những khả năng tồi tệ cho tương lai của nó lóe lên trong đầu tôi: con tôi hầu như luôn luôn không nói được, và sẽ bị nhốt vào trong sự cô đơn và tuyệt vọng. Nó cũng sẽ có những nhận thức hay nhu cầu hoặc những yêu cầu nhưng không ai có thể hiểu. Những ý thích về thói quen sinh hoạt và hành động sẽ phát triển thành một sự lệ thuộc khó chịu. Những sự kỳ quặc của nó sẽ làm các bé khác lảng xa nó trên sân chơi và lớn lên trong tình trạng bị cách ly.
Vợ tôi — giỏi hơn tôi nhiều — đi vào phòng, giải thích đại rằng con trai chúng tôi thích những chồng sách đều nhau, gọn ghẽ và giống nhau. Chúng tôi bắt tay làm ngay, và nó bình tĩnh trở lại, ôm tôi, rồi đi ra xem chương trình Sesame Street.
Sự kinh hoảng của tôi phai dần. Nhưng ngay lúc đó, tôi được nhắc nhớ rằng con trai tôi “bất toàn”. Con gái tôi cũng vậy. Sự khác thường về gien của chúng làm cho cuộc sống của chúng trở nên khó khăn theo những cách mà tôi chưa bao giờ mong đợi. Chúng bị chậm nói và chậm học, và chúng phải chiến đấu với việc kiểm soát cơn bốc đồng, và những tình huống xã hội nào đó, và chúng phải lệ thuộc vào những thói quen được sắp xếp trước. Chúng phải vác trên vai những thập giá thật sự, và sẽ tiếp tục phải vác, trong suốt cuộc đời của chúng.
* * * * * * *
Thật không công bằng khi nói rằng các đứa con của tôi là “hoàn hảo”. Nhưng có một sự mong muốn cháy bỏng của những người yêu thương những người khuyết tật, là muốn nhìn thấy họ sống được trong thời đại nghiệt ngã của chúng ta, và giảm thiểu được những thách đố cho họ. Có một cám dỗ cho rằng thôi cứ giả vờ như cuộc sống của họ vẫn hầu như là bình thường. Tôi cũng có lúc rơi vào cái bẫy của cám dỗ này.
Jean Vanier nói rằng trong thời buổi kỹ thuật điều khiển hiện đại ngày nay, chúng ta tin rằng “là người tức là phải có năng lực.” Tôi thường không tin như vậy. Nhưng đôi lúc tôi vẫn muốn giấu những yếu điểm của con mình, hay thậm chí không thừa nhận nó, để nâng cao phẩm chất của chúng, và nhấn mạnh vào nhân tính của chúng. Những lý lẽ thuyết phục của việc chống phá thai bắt tôi phải kể những câu chuyện về những đứa trẻ dễ thương, thông minh và khỏe mạnh. Đôi lúc, tôi nói về những khả năng khác thường của các đứa con của tôi để yêu thương. Tôi kể những câu chuyện thật, nhưng thường là những câu chuyện không đầy đủ. Các câu chuyện thường để lại những đau khổ, những điểm yếu, những thách đố của chúng.
Sự mong muốn của tôi rằng thế giới sẽ chấp nhận những đứa trẻ như con của tôi làm mờ đi lòng sốt sắng kể nốt toàn bộ sự thật. Sự thật là chúng phải chiến đấu, và chúng tôi cũng vậy.
Tất cả chúng ta đều giấu những yếu điểm của mình. Tất cả chúng ta đều nhắm tới sự hoàn hảo. Tất cả chúng ta đều có thể bị rơi vào bả nói dối một cách máy móc rằng giá trị con người thì gắn liền với năng lực làm việc, và rằng giá trị con người được tính toán trên khả năng đóng góp.
Nếu những đứa con của chúng tôi không kháu khỉnh hay thông minh; thì chúng vẫn đáng yêu trong nhãn quan của Thiên Chúa. Nếu chúng không thể kể cho chúng tôi nghe “những bí mật,” hay không thể khiêu vũ, hay ôm ấp, thì chúng vẫn được tạo ra trong hình dạng của Thiên Chúa. Chúng không hoàn hảo. Và chúng ta cũng chẳng ai hoàn hảo. Nhưng quyền được sống của chúng, quyền được trợ giúp, quyền được yêu của chúng — một cách đặc biệt — không phụ thuộc vào những gì chúng phải góp phần lại. Vị trí của những người khuyết tật trong xã hội không phụ thuộc vào những gì họ dạy chúng ta, nếu có. Những người khuyết tật xứng đáng có một vị trí trong những cộng đồng của chúng ta giống y như những người bình thường: vì họ được Thiên Chúa yêu, cũng như chúng ta được yêu.
Khi chúng ta làm giảm đi tính chân thực của những tình trạng khuyết tật, cho dù với mục đích tốt đẹp, thì chúng ta lại thừa nhận nguồn gốc giá trị sự sống theo quan điểm xã hội kỹ thuật. Khi chúng ta bảo vệ người khuyết tật vì những gì họ có thể làm cho chúng ta, chúng ta lại vô tình gieo thêm niềm tin cho tư tưởng nói rằng có những cuộc đời đáng sống, và có những cuộc đời không đáng sống.  Khi có thêm nhiều loại người bị đánh giá là không còn giá trị cho cuộc sống — người khuyết tật, người già, tù nhân, những bệnh nhân hết thuốc chữa — thì chỉ còn duy nhất những tiêu chuẩn để nhờ đó chúng ta đánh giá được quyền sự sống là những tiêu chuẩn của Thiên Chúa Cha.
Chúa Cha không yêu chúng ta vì sự hoàn hảo của chúng ta. Người không yêu chúng ta vì khả năng cống hiến hữu ích của chúng ta. Người yêu chúng ta như những đứa con bất toàn. Không có điều gì ngoại trừ ân sủng của Người có thể làm cho bất kỳ ai trong chúng ta trở nên hoàn hảo. Không một ai trong chúng ta có thể gọi là hoàn hảo về bất kỳ điều gì, nhưng chỉ có vinh quang của Thiên Chúa.
Chẳng ai trong chúng ta là khỏe mạnh, không ai là có uy quyền, không ai là không phải lệ thuộc. Nhưng chúng ta vẫn có giá trị. Chúng ta có quyền được sống. Chúng ta niềm vui đến Thiên Chúa — Cha của chúng ta trên trời.
Mỗi người chúng ta — dù bị khuyết tật hay không — đề bất toàn: hoàn toàn phải lệ thuộc vào một Người mà Ngài đã đi vào trong thế giới này cũng mỏng giòn, nghèo khó, và cần được giúp đỡ: tất cả đều giống như chúng ta ngoại trừ tội lỗi.
[Nguồn: ncregister]


[Chuyển ngữ: TRI KHOAN 12/06/2016]