Thứ Hai, 6 tháng 1, 2020

Huấn từ Kinh Truyền Tin: Ý nghĩa sự Giáng sinh của Chúa Giê-su (Toàn văn)

Huấn từ Kinh Truyền Tin: Ý nghĩa sự Giáng sinh của Chúa Giê-su (Toàn văn)
© Vatican Media

Huấn từ Kinh Truyền Tin: Ý nghĩa sự Giáng sinh của Chúa Giê-su (Toàn văn)

“Tính hoàn toàn mới mẻ đó là Ngôi Lời hằng sống đã trở nên người phàm”

05 tháng Một, 2020 13:57

Dưới đây là bản dịch (tiếng Anh) của ZENIT huấn từ của Đức Thánh Cha Phanxico hôm nay trước và sau giờ đọc Kinh Truyền Tin với những người tập trung trong Quảng trường Thánh Phê-rô.


* * *

Trước Kinh Truyền tin:

Anh chị em thân mến, xin chào anh chị em!

Chúa nhật thứ Hai mùa Giáng sinh này, các bài đọc Sách Thánh giúp chúng ta mở rộng tầm nhìn để nhận thức trọn vẹn ý nghĩa sự Giáng sinh của Chúa Giê-su. Sách Huấn ca ca mừng Đấng Khôn ngoan đã đến giữa dân Người (x. chương 24); Người vẫn chưa nhập thể nhưng đã hóa thân, và tại một thời điểm nhất định, Người nói về mình: “Bấy giờ, Đấng tác thành vạn vật truyền lệnh cho Ta, Đấng tạo thành Ta dựng lều cho Ta ở. Người phán: ‘Hãy cắm lều ở Gia-cóp, hãy hưởng phần sản nghiệp ở Ít-ra-en’” (24:8).

Tin mừng, với phần Dẫn nhập của Thánh Gio-an, cho chúng ta thấy rằng Ngôi Lời, Ngôi Lời hằng sống và sáng tạo, là Người Con duy nhất của Thiên Chúa (x. 1:1-18). Người không phải là một tạo vật nhưng là Thiên Chúa; thật vậy, lời nói về Người: “Ngôi Lời vẫn hướng về Thiên Chúa, và Ngôi lời là Thiên Chúa” (c. 1). Bây giờ, tính hoàn toàn mới mẻ đó chính là Ngôi lời hằng sống “đã trở nên người phàm” (c. 14). Người không chỉ đến sống giữa dân mình, nhưng Người hạ mình trở thành một người phàm. Sau biến cố này, chúng ta không chỉ còn có lề luật, định chế để định hướng đời sống chúng ta, nhưng là Thiên Chúa, là Chúa Giê-su, là Người định hướng cuộc đời của chúng ta, Người giúp chúng ta bước đi trên hành trình vì chính Người đã đi trước đó.

Thánh Phaolo chúc tụng Thiên Chúa vì chương trình yêu thương của Người được thực hiện nơi Chúa Giê-su Ki-tô (x. Eph 1:3-6.15-18). Trong chương trình này, từng người trong chúng ta tìm thấy ơn gọi ban đầu của Người. Ơn gọi đó là gì? Thánh Phaolo nói như sau: chúng ta trở thành con cái của Thiên Chúa bởi công cuộc của Chúa Giê-su Ki-tô. Con Thiên Chúa đã trở thành người phàm để làm cho phàm nhân chúng ta trở thành con cái của Thiên Chúa. Chúa Con hằng sống trở nên người phàm vì điều này: để đưa chúng ta đi vào mối quan hệ phụ tử của Ngài với Chúa Cha.

Vì vậy, thưa anh chị em, khi chúng ta tiếp tục chiêm ngắm dấu chỉ phi thường của Máng cỏ Giáng sinh, Phụng vụ hôm nay nói cho chúng ta biết rằng Tin mừng của Đức Ki-tô không phải là một truyền thuyết, một thần thoại, một trình thuật mang tính giáo dục. Hoàn toàn không phải. Tin mừng của Đức Ki-tô là sự mạc khải trọn vẹn chương trình của Thiên Chúa, chương trình của Thiên Chúa cho con người và cho thế giới. Nó trở thành một thông điệp dễ hiểu và vĩ đại, nó khiến chúng ta phải tự hỏi mình: chương trình cụ thể mà Chúa đã đặt trong tôi là gì, có phải là một lần nữa hiện thực hóa sự Giáng sinh của Người giữa chúng ta không?

Chính Thánh Tông đồ Phaolo đã gợi ý câu trả lời: “[Thiên Chúa] đã chọn chúng ta [...] để trước thánh nhan Người, ta trở nên tinh tuyền thánh thiện” nhờ tình thương của Người (c. 4). Đây là ý nghĩa của Giáng sinh. Nếu Chúa tiếp tục đến giữa chúng ta, nếu Người tiếp tục làm cho chúng ta trở thành món quà của Lời Người, thì chính mỗi chúng ta phải trả lời cho tiếng gọi này: là trở nên thánh thiện trong tình yêu. Sự thánh thiện là thuộc về Thiên Chúa, hiệp nhất với Người, phản ánh lại sự tốt lành vô biên của Người. Sự thánh thiện là để bảo vệ ân sủng Thiên Chúa đã ban cho chúng ta. Chỉ một điều như vầy: hãy bảo đảm tính nhưng không, đây là sự thánh thiện. Vì vậy, bất cứ ai đón nhận được sự thánh thiện như một món quà ân sủng, thì phải có nghĩa vụ biến nó thành hành động cụ thể trong cuộc sống hàng ngày. Món quà này, ân sủng này mà Chúa đã ban cho tôi, tôi biến nó thành những hành động cụ thể hàng ngày, khi gặp gỡ tha nhân. Tình thương này dành cho anh em của chúng ta phản ánh tình yêu của Thiên Chúa, thanh tẩy tâm hồn chúng ta đồng thời khiến chúng ta biết tha thứ, làm cho chúng ta “nên tinh tuyền” từng ngày từng ngày. Tuy nhiên, tinh tuyền không theo ý nghĩa rằng tôi đã tẩy xóa được một vết nhơ; tinh tuyền theo ý nghĩa rằng Thiên Chúa ngự trong chúng ta, ân sủng và tính nhưng không của Chúa đi vào trong chúng ta và chúng ta bảo vệ nó và trao tặng nó cho người khác.

Xin Mẹ Maria Đồng trinh giúp chúng ta đón nhận chương trình yêu thương của Thiên Chúa được thể hiện nơi Đức Giê-su Ki-tô với niềm vui và lòng tri ân.

[Văn bản chính: tiếng Ý] [Bản dịch (tiếng Anh) của Virginia M. Forrester của ZENIT]



Sau Kinh Truyền tin:

Anh chị em thân mến,

Không khí căng thẳng nặng nề đang bao trùm nhiều nơi trên thế giới. Chiến tranh chỉ mang đến chết chóc và tàn phá. Tôi kêu gọi tất cả các bên hãy giữ cho ngọn lửa đối thoại luôn bừng sáng và kiềm chế để ngăn ngừa bóng đen thù hận. Trong thinh lặng chúng ta hãy cầu xin Thiên Chúa ban cho chúng ta ân sủng này.

Xin gửi lời chào nồng ấm đến tất cả anh chị em, những người hành hương đến từ nước Ý và các quốc gia khác. Cha xin chào các gia đình, các hội đoàn, các nhóm giáo xứ, đặc biệt các thiếu niên ứng sinh Thêm sức của Mozzo và Alme — chúng con có bảng hiệu rất đẹp! — giáo phận Bergamo, và nhóm Fraterna Domus.”

Hôm nay là ngày Chúa nhật đầu tiên của năm, cha gửi đến tất cả anh chị em những lời chúc tốt đẹp nhất của sự bình an và hòa bình trong Chúa. Trong những lúc hạnh phúc và khó khăn, chúng ta hãy phó thác cho Ngài, Đấng là niềm hy vọng của chúng ta! Cha cũng nhớ đến cam kết chúng ta đã thực hiện cho Năm Mới, Ngày Hòa bình: “Hòa bình là con đường của hy vọng: đối thoại, hòa giải và hoán cải môi sinh.” Nhờ ơn Chúa, chúng ta sẽ có thể thực hiện nó.

Cha chúc anh chị em một Chúa nhật hạnh phúc. Và xin đừng quên cầu nguyện cho cha. Chúc anh chị em bữa trưa ngon miệng và hẹn gặp anh chị em ngày may trong Lễ Hiển Linh.

[Văn bản chính: tiếng Ý] [Bản dịch (tiếng Anh) của Virginia M. Forrester của ZENIT]



[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 6/1/2020]


Chứng nhân tử đạo; 29 nhà truyền giáo bị giết trên toàn thế giới năm 2019

Chứng nhân tử đạo; 29 nhà truyền giáo bị giết trên toàn thế giới năm 2019
© Fides

Chứng nhân tử đạo; 29 nhà truyền giáo bị giết trên toàn thế giới năm 2019

Theo Fides

02 tháng Một, 2020 13:56

Theo cơ quan truyền giáo của Vatican Fides, 29 nhà truyền giáo đã bị sát hại trên toàn thế giới trong năm 2019: sáu giáo dân, hai nữ tu sĩ, hai nam tu sĩ, một thầy Phó tế Trọn đời và 18 linh mục.

Ở Châu Phi, 12 linh mục bị sát hại, một tu sĩ, một nữ tu, một chủng sinh và một giáo dân (15); ở Châu Mỹ, sáu linh mục bị giết và một thầy Phó tế Vĩnh viễn, một tu sĩ và bốn giáo dân (12); ở Châu Á, một giáo dân (1) và Châu Âu một nữ tu (1).

Fides cho biết, “Sau tám năm liên tiếp con số các nhà truyền giáo bị sát hại được ghi lại nhiều nhất ở Châu Mỹ, từ năm 2018 Châu Phi đứng hàng đầu trong bảng thảm kịch này.”

Fides cũng nhấn mạnh rằng có một hình thức “toàn cầu hóa bạo lực.” “Trong quá khứ, các nhà truyền giáo bị sát hại chủ yếu tập trung trong một quốc gia hoặc vùng địa lý, trong năm 2019 hiện tượng này dường như phổ biến và lan rộng hơn,” trong 10 quốc gia ở Châu Phi, tám ở Châu Mỹ, một ở Châu Á và một ở Châu Âu.

Trong bối cảnh này, Fides trích lời của Đức Thánh Cha Phanxico trong Tháng Truyền giáo Ngoại thường vào tháng Mười năm ngoái. “Cha mong ước rằng kỷ niệm 100 năm Tông thư Maximum Illud (Tông thư của Đức Benedict XV) làm cho tháng Mười năm 2019 trở thành một thời gian thích hợp để việc cầu nguyện, chứng tá của rất nhiều thánh nhân và các vị truyền giáo tử đạo, việc suy tư kinh thánh và thần học, giáo lý và bác ái truyền giáo góp phần vào việc rao giảng phúc âm là ưu tiên hàng đầu và trên tất cả của Giáo hội, để tái khám phá sự tươi mới và nhiệt huyết của tình yêu ban đầu với Chúa chịu đóng đinh và Sống lại, Giáo hội có thể rao giảng tin mừng cho thế giới với tính khả tín và tính hiệu quả rao giảng tin mừng.” Chính bằng những lời này Đức Thánh Cha Phanxico, khi phát biểu tại Đại Hội đồng của Hiệp hội Giáo hoàng Truyền giáo ngày 3 tháng Bảy năm 2017, đã đề cập đến chứng tá của quá nhiều nhà truyền giáo hy sinh mạng sống cho Chúa Giê-su, như là một trong bốn chiều kích phải suy xét khi cử hành Tháng Truyền giáo Ngoại thường Tháng Mười năm 2019.”



[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 3/1/2020]