Thứ Hai, 19 tháng 7, 2021

Kinh Truyền tin của Đức Thánh Cha Phanxicô ngày 18 tháng Bảy, 2021

Kinh Truyền tin của Đức Thánh Cha Phanxicô ngày 18 tháng Bảy, 2021

Kinh Truyền tin của Đức Thánh Cha Phanxicô


Quảng trường Thánh Phêrô

Chúa nhật, 18 tháng Bảy, 2021

______________________________


Anh chị em thân mến, buongiorno!

Thái độ của Chúa Giêsu mà chúng ta quan sát được trong Tin Mừng của phụng vụ hôm nay (Mc 6, 30-34) giúp chúng ta nắm bắt được hai khía cạnh quan trọng của cuộc sống. Đầu tiên là sự nghỉ ngơi. Với các Tông đồ trở về sau những vất vả của sứ mệnh, hào hứng bắt đầu kể lại mọi việc họ đã làm, Chúa Giêsu dịu dàng đưa ra lời mời gọi này với các Tông đồ: “Anh em hãy lánh riêng ra đến một nơi thanh vắng mà nghỉ ngơi đôi chút” (câu 31). Một lời mời gọi nghỉ ngơi.

Khi làm như vậy, Chúa Giêsu cho chúng ta một lời dạy bảo rất giá trị. Mặc dù Ngài vui mừng khi thấy các môn đệ hạnh phúc do những sự kỳ diệu trong việc rao giảng của các ông, nhưng Ngài không dành thời gian để khen ngợi hay đặt câu hỏi với các ông. Hơn thế, Ngài quan tâm đến sự mệt mỏi về thể chất và nội tâm của họ. Và tại sao Ngài làm điều này? Vì Ngài muốn làm cho các ông nhận thức được một mối nguy hiểm cũng luôn rình rập chúng ta: mối nguy hiểm bị cuốn vào vòng xoáy quay cuồng của việc làm, rơi vào cái bẫy của chủ thuyết hoạt động, chủ thuyết cho rằng điều quan trọng nhất là những kết quả chúng ta đạt được, và cảm giác trở thành những vai chính đích thực. Đã bao nhiêu lần điều này xảy ra trong Giáo hội: chúng ta quá bận rộn, chúng ta chạy tất bật, chúng ta nghĩ rằng mọi việc đều tùy thuộc vào chúng ta, và cuối cùng chúng ta có nguy cơ bỏ mặc Chúa Giêsu và chúng ta luôn lấy mình làm trung tâm. Đây là lý do tại sao Ngài mời gọi các môn đệ của Ngài nghỉ ngơi một chút cùng với Ngài. Đó không chỉ là nghỉ ngơi về thể chất, mà còn là sự nghỉ ngơi cho tâm hồn. Vì nếu chỉ “ngắt phích điện” là chưa đủ, chúng ta cần phải nghỉ ngơi thật sự. Và chúng ta làm việc này như thế nào? Để làm được điều đó, chúng ta phải quay trở lại trung tâm của mọi việc: dừng lại, tịnh tâm, cầu nguyện để không chuyển từ trạng thái quay cuồng của công việc sang trạng thái quay cuồng của những thời gian nhàn hạ. Chúa Giêsu không lơ là trước nhu cầu của đám đông, nhưng mỗi ngày, việc đầu tiên của Ngài là lui vào nơi thanh vắng cầu nguyện, trong sự mật thiết với Chúa Cha. Lời mời gọi dịu dàng của Ngài – hãy nghỉ ngơi đôi chút – nên đồng hành cùng với chúng ta. Thưa anh chị em, chúng ta hãy cẩn thận với tính hiệu quả, chúng ta hãy dừng lại việc quay cuồng chạy theo các chương trình hoạt động của chúng ta. Chúng ta hãy học cách nghỉ ngơi, tắt điện thoại di động, ngắm nhìn thiên nhiên, phục hồi lại bản thân trong cuộc đối thoại với Chúa.

Tuy nhiên, Tin mừng cho chúng ta biết rằng Chúa Giêsu và các môn đệ không thể nghỉ ngơi như mong muốn. Họ tìm thấy các ngài và tuôn đến từ mọi phía. Khi đó, Ngài chạnh lòng thương. Đây là khía cạnh thứ hai: lòng thương, đó là phong cách của Thiên Chúa. Phong cách của Thiên Chúa là đến gần, nhân từ và hiền hậu. Rất nhiều lần chúng ta tìm thấy cụm từ này trong Tin mừng, trong Kinh thánh: “Ngài chạnh lòng thương”. Xúc động, Chúa Giêsu dành thời gian cho dân chúng và bắt đầu giảng dạy (xem các câu 33-34). Điều này tưởng chừng là một sự mâu thuẫn nhưng thực tế lại không phải vậy. Trên thực tế, chỉ có một tâm hồn không cho phép sự vội vàng chế ngự mình mới có khả năng xúc động; nghĩa là không cho phép bản thân bị khóa chặt và bị cuốn vào những việc phải làm, và quan tâm đến tha nhân, đến những vết thương của họ, đến nhu cầu của họ. Lòng thương được sinh ra từ việc chiêm ngắm. Nếu chúng ta học cách nghỉ ngơi thật sự, chúng ta sẽ có khả năng yêu thương thật sự; nếu chúng ta tu dưỡng một cái nhìn chiêm ngắm, chúng ta sẽ thực hiện các hoạt động của mình mà không mang thái độ cướp bóc của những kẻ muốn chiếm hữu và tiêu thụ mọi thứ; nếu chúng ta giữ sự kết hiệp với Thiên Chúa và không làm tê liệt nội tâm của bản thân, thì những việc cần làm sẽ không có sức mạnh cuốn phăng chúng ta hoặc tàn phá chúng ta. Chúng ta cần – hãy lắng nghe điều này – chúng ta cần một “hệ sinh thái tâm hồn”, được tạo thành bởi sự nghỉ ngơi, chiêm ngắm và lòng thương. Chúng ta hãy tận dụng thời gian mùa hè cho điều đó! Nó sẽ rất hữu ích cho chúng ta.

Và giờ đây, chúng ta hãy cầu nguyện với Mẹ Maria là Đấng tu dưỡng sự thinh thặng, cầu nguyện và chiêm ngắm và là Đấng luôn dịu dàng chạnh lòng thương đối với chúng ta, là con cái của Mẹ.

__________________________

Sau Kinh Truyền tin Đức Thánh Cha tiếp tục:

Anh chị em thân mến,

Tôi bày tỏ sự gần gũi với những người dân ở Đức, Bỉ và Hà Lan đã bị ảnh hưởng nặng bởi trận lũ lụt thảm khốc. Xin Chúa đón nhận những người đã qua đời và an ủi những người thân yêu của họ, xin Người nâng đỡ những nỗ lực của mọi người đang trợ giúp những người bị thiệt hại nặng nề.

Thật đáng buồn, tuần vừa qua, tin tức về các vụ bạo lực đã làm xấu thêm hoàn cảnh của rất nhiều anh chị em của chúng ta ở Nam Phi, vốn đã bị ảnh hưởng bởi những khó khăn về kinh tế và sức khỏe do đại dịch. Cùng hiệp lời với các Giám mục của đất nước, tôi gửi lời kêu gọi chân thành tới tất cả các nhà lãnh đạo liên quan ước mong họ làm việc hướng đến việc xây dựng hòa bình và cộng tác với các nhà chức trách để cung cấp sự hỗ trợ cho những người cần. Ước mong rằng niềm khát khao đã dẫn dắt dân tộc Nam Phi, sự tái sinh của sự hòa hợp giữa tất cả những người con của đất nước, không bị lãng quên.

Tôi cũng gần gũi những người dân Cuba thân yêu trong những thời khắc khó khăn này, đặc biệt là các gia đình đang chịu nhiều đau khổ nhất. Tôi cầu nguyện rằng Chúa có thể giúp quốc gia xây dựng một xã hội ngày càng công bằng và huynh đệ hơn thông qua con đường hòa bình, đối thoại và tình liên đới. Tôi kêu gọi tất cả người dân Cuba hãy phó thác cho sự bảo vệ mẫu tử của Đức Trinh Nữ Maria Nhân ái Cobre. Mẹ sẽ đồng hành với dân tộc trong hành trình này.

Cha chào rất nhiều bạn trẻ đang hiện diện, đặc biệt là các nhóm sau đây: nhà nguyện Thánh Antôn Nova Siri, giáo xứ Mẹ Maria, Nữ Vương Các Thánh ở Parma, Giáo xứ Thánh Tâm ở Brescia và nhà nguyện Don Bosco ở San Severe. Các con giới trẻ thân yêu, chúc các con có một hành trình đầy đầy ơn phúc trên con đường của Tin Mừng!

Cha chào các tập sinh của Dòng Nữ Tử Đức Maria Phù hộ các Giáo hữu, các tín hữu của chương trình mục vụ chung của giáo xứ Camisano và Campodoro thuộc Giáo phận Vicenza.

Cha gửi lời chào thân thương đến các con thiếu nhi và thiếu niên nam nữ của [tên của nhóm không rõ] ở Puglia đang kết nối với chúng ta qua truyền hình.

Cha hy vọng tất cả anh chị em tận hưởng ngày Chúa nhật của mình. Xin đừng quên cầu nguyện cho cha! Chúc anh chị em bữa trưa ngon miệng và arrivederci!


[Nguồn: vatican.va]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 19/7/2021]


Nhà trí thức Kitô hữu đã qua mặt Viện Hàn lâm Xô Viết

Nhà trí thức Kitô hữu đã qua mặt Viện Hàn lâm Xô Viết

Nhà trí thức Kitô hữu đã qua mặt Viện Hàn lâm Xô Viết

© Sergey Ptitsyn / Sputnik via AFP

Denis Lensel

17/07/21


Học giả Sergei Averintsev người Nga đã tìm được những cách để đưa chân lý Kitô giáo vào các ấn phẩm chính thức của Xô Viết.

Là một học giả về văn học cổ và thi ca Byzantine, học giả Sergei Sergeevich Averintsev người Nga đã thành công trong việc lén lút đưa chân lý Kitô giáo vào trung tâm của các ấn phẩm chính thức của văn hóa Xô Viết. Ông dạy đức tin trong thâm cung của chủ nghĩa vô thần.

Sinh năm 1937, là con trai của một nhà sinh vật học người Moscow, ông Averintsev theo học ngành ngữ văn cổ điển. Năm 1968, ông nhận Giải thưởng Thanh niên Cộng sản Lênin với vai trò là dịch giả. 50 năm trước, năm 1971 ông được nhận làm thành viên của Viện Văn học Thế giới Gorky: Trực thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xô Viết (USSR), chính phủ Xô Viết thành lập tổ chức này vào năm 1932 dưới thời Stalin. Nhiệm vụ của nó là thúc đẩy nghiên cứu của các học giả và các cộng tác viên. Ông Averintsev vẫn ở đó cho đến năm 1991 là năm sụp đổ của chủ nghĩa cộng sản.

Năm 1979, ông bảo vệ luận án tiến sĩ về thi ca Byzantine. Trong thập niên 1980, ông được nhiều người biết đến. Năm 1987, ông trở thành ký giả của Viện Hàn lâm Khoa học, nơi ông sẽ chính thức trở thành thành viên vào năm 2003. Năm 1989, ông được bổ nhiệm làm giáo sư tại Viện Lịch sử và “Lý thuyết Văn hóa” của Đại học Tổng hợp Lomonosov Moscow: sinh viên đổ xô đến nghe các bài giảng của ông.


Cùng với Đức Gioan Phaolô II

Năm 1994, sau vài lần gặp Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II, ông Sergei Averintsev được mời đến Hàn Lâm viện Giáo hoàng về Khoa học Xã hội. Đó là cuộc gặp gỡ của “hai lá phổi của Giáo hội” — Byzantium và Rôma.

Đến năm 1970, ông Averintsev đã tìm cách để xuất bản trong Bách khoa toàn thư Xô Viết khoảng 30 bài viết về các chủ đề thần học, chẳng hạn như ơn cứu độ, sự Khôn ngoan, thần học, thần học về cánh chung và các chủ đề khác nhau của Kitô giáo. Vì mục đích này, ông phải ép mình vào khuôn mẫu của văn hóa chính thức, đồng thời đề cập đến cả triết học Hy Lạp và Kinh thánh.

Ông Averintsev lưu ý rằng việc phổ biến các bài báo có nội dung tôn giáo dưới sự kiểm soát của cơ quan kiểm duyệt chính thức dưới thời Brezhnev là “một bước ngoặt trong đời sống tư tưởng của đất nước”. Đứng trước sự phản đối đầy phẫn nộ của một số giáo viên theo chủ nghĩa Mác-Lênin, ông đã tham gia vào một cuộc chiến tranh du kích quan liêu với “Viện Khoa học Vô thần” của Liên Xô và cơ quan kiểm duyệt chính thức.

Ông khéo léo vượt qua tất cả các chướng ngại. Lợi dụng sự tham vọng của những công chức thất học của Ủy ban Trung ương, ông đã viết những bài cho họ đứng tên tác giả với nội dung đụng chạm đến vấn đề tâm linh, rồi ông lợi dụng sự ưu ái của họ để được phép viết tự do hơn.

Ông đã đăng một bài báo trên Pravda (khi đó là tờ báo chính thức của Đảng Cộng sản Liên Xô) về sự thật, được trình bày như là “công trình vĩ đại” của người biên tập bộ phận triết học. Điều này làm cho sự tấn công công khai vào ấn bản cuối cùng sẽ không thể thực hiện.

Năm 1986, ông chuẩn bị một quyển từ điển bách khoa toàn thư về thần học dự định cho Thiên niên kỷ Thiên chúa giáo ở Nga vào năm 1988. Tuy nhiên, dự án đã bị hủy bỏ do cái chết của Đức Tổng Giám mục giáo đô Antoni của Leningrad.

Trong khoảng thời gian 40 năm, từ 1960 đến 1991, ông Averintsev đã viết 50 bài báo cho hai tập sách của bộ Bách khoa toàn thư triết học, 60 bài cho quyển từ điển triết học chính thức, và hơn 80 bài về “Thần thoại của các quốc gia trên thế giới”. Bắt đầu từ năm 1964, ông viết một loạt bài báo về lịch sử Kitô giáo, với các tiêu đề đầy sự liên tưởng: “Tân Ước”, “Giáo phụ học”, “Sám hối”, “Khải huyền”, “Chính thống giáo”, “Tin lành”, “Tiền định”…

Những tác phẩm này đòi hỏi sự can đảm thật sự. Cáo phó của ông Averintsev cho biết ông là học trò của “nhà ngôn ngữ học Dmitrii Likhachev và triết gia Aleksei Losev, cả hai đều đã từng trải qua thời gian trong các trại của Stalin, và ngay cả sau khi được ‘cải tạo’, họ vẫn là đối tượng bị quấy rối.”

Thật vậy, các ấn phẩm của ông luôn gây ra một số xung đột với đội ngũ cảnh giới bảo vệ cho đền thờ của chủ nghĩa duy vật chính thống. Những sự tố giác đã giảm xuống, và một số bài viết của ông, chẳng hạn như “Thư của Phaolô” và “Ý niệm về sự hối cải” — một văn bản được mô tả là “tác phẩm của một giáo hoàng”, một thuật ngữ thường mang tính miệt thị trong tiếng Nga — đã bị xóa khỏi danh sách của bảng chú giải.

Một giám đốc của Viện Khoa học Vô thần đã cắt những dòng cuối cùng của bài viết về Chính thống giáo. Bài viết “Kitô giáo” đã bị một “nhà xã hội học tôn giáo” nhận chìm trong một phụ lục vô nghĩa. Nhưng ông Averintsev đã tìm cách xuất bản một số bài ngắn về Thánh Augustinô và Thánh Phanxicô Assisi, những người mà ông đã trình bày như những mốc lịch sử quan trọng của tư tưởng nhân loại, và về Vladimir Soloviev, nhà tư tưởng người Nga về sự hiệp nhất Kitô giáo.

Trong một văn bản về “Sự Khôn ngoan Nước trời”, ông suy niệm về dòng chữ khảm trên tượng Đức Mẹ Đồng trinh bằng vàng của Vương cung Thánh đường Thánh Sofia ở thành phố Kiev, dòng chữ nói về thành phố, “Thiên Chúa ở trong thành phố: Nó sẽ không bị lung lay.” Ông đến Pháp, đi bộ đến tỉnh Chartres trong khi đọc các bài thơ của Péguy, một đại thi sĩ của Pháp đã trở lại Công giáo Rôma từ thuyết bất khả tri.

Bản thân ông Averintsev cũng là một người trưởng thành trở lại cùng với vợ ông. Như cáo phó của ông viết, “Đối với một nhân vật công chức và giáo viên của Liên Xô, sự gắn kết thật cẩn trọng, đầy ý thức và cởi mở này với Giáo hội Chính thống Nga là một hành động không chỉ can đảm về chính trị và dân sự mà còn là sự dũng cảm rất lớn về đạo đức.”

Ông Averintsev qua đời vì một cơn đau tim vào năm 2003 sau một cuộc đời đấu tranh. Ông đã mang đến cho Liên Xô những thỏi vàng quý cho nền văn hóa Kitô-Do thái giáo, giống như những mảnh ghép của trò chơi ghép hình truyền tải niềm tin giữa những người “vô thần”. Ông thường nói, “Cụm từ ‘tự do tư tưởng’ là một cách dùng từ thừa thãi đáng tiếc, bởi vì tư tưởng chỉ tồn tại khi nó được tự do.”


[Nguồn: aleteia]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 19/7/2021]