Thứ Hai, 13 tháng 6, 2022

Kinh Truyền tin của Đức Thánh Cha Phanxicô ngày 12 tháng 6, 2022

Kinh Truyền tin của Đức Thánh Cha Phanxicô ngày 12 tháng 6, 2022

Kinh Truyền tin của Đức Thánh Cha Phanxicô

Quảng trường Thánh Phêrô

Chúa nhật, 12 tháng Sáu, 2022

*******

Trưa nay, Lễ Trọng Chúa Ba Ngôi, Đức Thánh Cha xuất hiện tại cửa sổ phòng làm việc của ngài trong Điện Tông tòa để đọc Kinh Truyền tin với các tín hữu và khách hành hương tập trung trong Quảng trường Thánh Phêrô.

Sau đây là huấn từ của Đức Thánh Cha trước giờ đọc Kinh Đức Mẹ:

_________________________________

Anh chị em thân mến, buongiorno và chúc anh chị em Chúa nhật phúc lành!

Hôm nay là Lễ Trọng Thiên Chúa Ba Ngôi, và trong bài Tin Mừng Chúa Giêsu trình bày hai Ngôi vị khác là Chúa Cha và Chúa Thánh Thần. Ngài nói về Thánh Thần: “Người sẽ không tự mình nói điều gì, nhưng tất cả những gì Người nghe, Người sẽ nói lại, và loan báo cho anh em biết những điều sẽ xảy đến”. Và sau đó Người nói về Chúa Cha: “Mọi sự Chúa Cha có đều là của Thầy” (Ga 16:14-15). Chúng ta nhận thấy rằng Chúa Thánh Thần nói, nhưng không nói về chính mình: Người loan báo Chúa Giêsu và mặc khải về Chúa Cha. Và chúng ta cũng nhận thấy rằng Chúa Cha, Đấng sở hữu mọi sự vì Ngài là nguồn gốc của mọi sự, ban cho Chúa Con mọi điều Ngài có: Ngài không giữ gì cho riêng mình và Ngài tự hiến trọn vẹn cho Chúa Con. Chúa Thánh Thần không nói về chính mình; Người nói về Chúa Giêsu, Người nói về những người khác. Và Chúa Cha không ban tặng chính mình, Ngài ban tặng Chúa Con. Đó là sự đại lượng rộng mở, rộng mở với người khác.

Và bây giờ chúng ta hãy nhìn lại bản thân mình, những gì chúng ta nói về và những gì chúng ta sở hữu. Khi chúng ta nói, chúng ta luôn muốn nói điều gì đó tốt về bản thân, và chúng ta thường chỉ nói về bản thân và những gì chúng ta làm. Thường là như vậy! “Tôi đã làm điều này và điều kia…”, “Tôi đã gặp vấn đề này…”. Chúng ta luôn nói theo cách đó. Điều này thật khác với Chúa Thánh Thần, Đấng nói bằng cách loan báo về người khác, về Chúa Cha và Chúa Con! Và, chúng ta ghen tị với những gì chúng ta sở hữu. Thật khó biết bao khi chúng ta phải chia sẻ những gì chúng ta có với người khác, ngay cả với những người thiếu thốn các nhu cầu cơ bản! Nói về nó thì dễ nhưng thực hành thì rất khó.

Đây là lý do tại sao việc cử hành Lễ Chúa Ba Ngôi không phải là một bài tập thần học, mà là một cuộc cách mạng trong lối sống của chúng ta. Thiên Chúa, trong đó mỗi Ngôi vị sống vì người khác trong một mối quan hệ liên tục, trong sự hòa hợp liên tục, không phải cho chính mình, khơi gợi cho chúng ta việc sống với người khác và cho người khác. Rộng mở. Hôm nay, chúng ta hãy tự hỏi mình xem cuộc sống của chúng ta có phản ánh Thiên Chúa mà chúng ta tin tưởng hay không: tôi, người tuyên xưng niềm tin vào Thiên Chúa Cha và Chúa Con và Chúa Thánh Thần, có thật sự tin rằng tôi cần người khác để sống, tôi cần hy sinh cho người khác, tôi cần phải phục vụ người khác hay không? Tôi khẳng định điều này bằng lời nói hay tôi khẳng định nó bằng đời sống của mình?

Anh chị em thân mến, Thiên Chúa Ba Ngôi và Duy nhất phải được biểu lộ bằng cách này – bằng hành động hơn là bằng lời nói. Thiên Chúa, Đấng là tác giả của sự sống, được truyền tải không quá nhiều bằng sách vở cho bằng chứng tá của cuộc sống. Như thánh sử Gioan viết, Người “là tình yêu” (1 Ga 4:16), Đấng tỏ mình ra qua tình yêu. Hãy nghĩ về những người tốt bụng, rộng lượng, hiền lành mà chúng ta đã gặp; nhớ lại cách suy nghĩ và hành động của họ, chúng ta có thể có một sự phản ánh về Tình yêu Thiên Chúa. Và yêu thương là gì? Nó không chỉ là chúc người khác điều tốt lành và đối xử tốt với họ, mà trước hết là phải chào đón người khác, rộng mở với người khác, nhường chỗ cho người khác, nhường không gian cho người khác. Đây là ý nghĩa nền tảng của tình yêu.

Để hiểu rõ hơn điều này, chúng ta hãy nghĩ đến danh xưng của các Ngôi vị Thiên Chúa mà chúng ta đọc lên mỗi khi làm Dấu Thánh Giá: mỗi danh xưng chứa đựng sự hiện diện của Ngôi vị khác. Chẳng hạn, Cha sẽ không là Cha nếu không có Con; cũng vậy, Con không thể đứng một mình, nhưng luôn luôn là Con của Cha. Và đến lượt mình, Chúa Thánh Thần là Thần Khí của Chúa Cha và Chúa Con. Tóm lại, Thiên Chúa Ba Ngôi dạy chúng ta rằng không bao giờ có thể có người này mà không có người kia. Chúng ta không phải là những hòn đảo, chúng ta ở trong thế giới sống theo hình ảnh của Thiên Chúa: rộng mở, cần người khác và cần phải giúp đỡ người khác. Và vì vậy, chúng ta hãy tự hỏi mình câu hỏi sau cùng này: trong cuộc sống hàng ngày, tôi có phải là sự phản ảnh của Thiên Chúa Ba Ngôi không? Dấu Thánh Giá mà tôi làm hàng ngày – Chúa Cha và Chúa Con và Chúa Thánh Thần – Dấu Thánh Giá mà chúng ta làm hàng ngày, có phải là một cử chỉ đơn thuần, hay nó khơi gợi cho tôi cách nói, cách gặp gỡ, cách phản ứng, đánh giá và tha thứ?

Xin Đức Mẹ, là con của Chúa Cha, mẹ của Chúa Con và hiền thê của Chúa Thánh Thần, giúp chúng ta đón nhận và làm chứng cho mầu nhiệm Tình yêu Thiên Chúa trong cuộc sống.

______________________________________________________

Sau Kình Truyền tin

Anh chị em thân mến,

Sơ Paschalis Jahn và 9 nữ tu tử đạo của Dòng Nữ tu Thánh Elizabeth, bị giết vào cuối Đệ nhị Thế chiến trong bối cảnh thù ghét đức tin Kitô giáo, đã được phong chân phước hôm qua tại Breslavia, Ba Lan. Mặc dù ý thức được những rủi ro mà họ đang phải đối mặt, nhưng ba vị nữ tu này vẫn ở bên cạnh những người già và bệnh tật mà họ đang chăm sóc. Xin cho tấm gương đức tin của các ngài đối với Chúa Kitô giúp tất cả chúng ta, đặc biệt là những Kitô hữu đang bị bách hại ở nhiều nơi trên thế giới, can đảm làm chứng cho Tin Mừng. Một tràng pháo tay cho các tân Chân phước!

Và bây giờ tôi muốn chuyển lời tới người dân và các nhà chức trách của nước Cộng hòa Dân chủ Congo và Nam Sudan. Các bạn thân mến, thật đáng tiếc, do các vấn đề ở chân nên tôi đã phải hoãn chuyến viếng thăm đất nước các bạn, đã dược lên chương trình vào những ngày đầu tháng Bảy. Tôi thực sự rất buồn vì phải hoãn chuyến đi này vì nó có ý nghĩa rất lớn đối với tôi. Tôi xin lỗi vì điều này. Chúng ta hãy cùng cầu nguyện rằng, với sự trợ giúp của Chúa và sự chăm sóc y tế, tôi sẽ có thể đến với các bạn trong thời gian sớm nhất. Chúng ta hy vọng!

Hôm nay là Ngày Thế giới chống Lao động Trẻ em. Tất cả chúng ta hãy làm việc để loại bỏ tai họa này, để không trẻ em nào bị tước đoạt các quyền cơ bản của mình và bị ép buộc hoặc cưỡng bức làm việc. Việc bóc lột lao động trẻ em là một thực trạng khủng khiếp ảnh hưởng đến tất cả chúng ta!

Ý nghĩ về người dân Ukraine, bị ảnh hưởng bởi chiến tranh, vẫn luôn sống động trong tim tôi. Đừng để thời gian trôi qua làm mất đi nỗi đau buồn và mối quan tâm của chúng ta đối với dân tộc đau khổ đó. Xin chúng ta đừng trở nên quen thuộc với hoàn cảnh bi thương này! Chúng ta hãy luôn giữ nó trong tâm hồn mình. Chúng ta hãy cầu nguyện và phấn đấu cho hòa bình.

Cha xin chào tất cả anh chị em người Roma và anh chị em hành hương đến từ Ý và nhiều nước. Đặc biệt, cha gửi lời chào các tín hữu đến từ Tây Ban Nha và Ba Lan, Ban nhạc San Giorgio di Castel Condino mà cha mong chờ được thưởng thức ở cuối chương trình, Quỹ Verona Minor Hier Jerusalem, các giáo lý viên từ Grottamare, các ứng viên Thêm sức từ Castelfranco Veneto, và các tín hữu của Mestrino. Tôi cũng gửi lời chào đến nhóm AVIS đến từ Codogno và tôi bày tỏ lòng biết ơn đối với những người đã hiến máu, một nghĩa cử đơn sơ nhưng cao cả của tình liên đới.

Cha xin chào tất cả anh chị em, và các bạn trẻ của nhóm Mary Immaculate. Cha chúc anh chị em Chúa nhật phúc lành. Và xin đừng quên cầu nguyện cho cha. Chúc anh chị em bữa trưa ngon miệng, và arrivederci.


[Nguồn: vatican.va]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 13/6/2022]


Kỹ năng rất đặc biệt của các giáo hoàng trong quá khứ và hiện tại

Kỹ năng rất đặc biệt của các giáo hoàng trong quá khứ và hiện tại

Kỹ năng rất đặc biệt của các giáo hoàng trong quá khứ và hiện tại

Shutterstock

Cerith Gardiner 

31/05/22


Có một vị giáo hoàng đặc biệt đứng hàng đầu - nhưng đây không phải là một cuộc thi!

Một trong những trách nhiệm quan trọng nhất của một vị giáo hoàng là chia sẻ Lời Chúa, điều này sẽ dễ dàng hơn một chút nếu các ngài có thể thông thạo một vài ngôn ngữ. Đó là điều mà chúng ta thường không xét đến, nhưng nhiều vị giáo hoàng là những người sử dụng được nhiều ngôn ngữ, thông thạo một số ngôn ngữ, kể cả bao gồm cả ngôn ngữ cổ điển.

Nếu chúng ta nhìn vào ba vị giáo hoàng gần đây — Đức Phanxicô, Đức Benedict, và Đức Gioan Phaolô II — tất cả các ngài đều có kỹ năng chung này, nhưng có một vị với kỹ năng ngôn ngữ cho phép ngài giao tiếp với hầu hết người Công giáo trên toàn thế giới.

Đức Phanxicô — nói được khoảng 8 ngôn ngữ

Vị giáo hoàng gốc Argentina lớn lên học tiếng Ý cũng như tiếng mẹ đẻ là tiếng Tây Ban Nha, vì thân phụ và ông bà nội của ngài gốc từ nước Ý. Ngài cũng học được tiếng Đức, tiếng Pháp, tiếng Ukraina (ngài được Đức Giám mục Stepan Chmil người Ukraina dìu dắt khi còn trẻ), tiếng Bồ Đào Nha, và tiếng Piedmontese — một ngôn ngữ được nói ở vùng bắc Ý.

Đương nhiên, Đức Giáo hoàng cũng nói được tiếng Latinh là ngôn ngữ chính thức của Vatican, và ngài cũng quen thuộc với tiếng Hy Lạp và tiếng Do Thái cổ. Tuy nhiên, một ngôn ngữ mà ngài thấy khó là tiếng Anh do ngữ âm của nó.

Thực ra, khi còn là linh mục 44 tuổi, ngài đã đến Dublin để thực hành tiếng Anh trong 8 tuần với các tu sĩ Dòng Tên. Theo i News, Father Donal Neary kể lại rằng vị giáo hoàng hiện tại đã trở về mà không có mấy tiến bộ.

Vì Đức Giáo hoàng Phanxicô nói tiếng Tây Ban Nha và tiếng Ý thông thạo nhất, bạn sẽ thường thấy ngài cùng với một người thông ngôn cho các ngôn ngữ khác ngài sử dụng để đảm bảo rằng những lời của ngài được diễn giải chính xác cho tất cả những người lắng nghe ngài.

Đức Giáo hoàng Benedict XVI — nói khoảng 6 ngôn ngữ

Vị nguyên Giáo hoàng cũng là một nhà ngôn ngữ. Đến từ Bavaria, Đức Benedict nói tiếng Đức. Ngài cũng thông thạo tiếng Anh, Tây Ban Nha, Ý, Pháp và có thể nói tiếng Bồ Đào Nha ở mức độ thấp hơn.

Vị Giáo hoàng đọc và viết nhiều cũng thông thạo các ngôn ngữ cổ điển.

Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II — rất nhiều!

Cố Giáo hoàng Gioan Phaolô II thực sự là một bậc thầy ngôn ngữ. Vị thánh giáo hoàng có thể nói chuyện bằng nhiều ngôn ngữ bao gồm tiếng mẹ đẻ là tiếng Ba Lan, cũng như tiếng Bồ Đào Nha, Ý, Pháp, Tây Ban Nha, Đức và Anh. Ngài cũng thông thạo tiếng Latinh và cách hành văn của tiếng Do Thái trong Kinh thánh.

Tuy không thông thạo, nhưng Đức Gioan Phaolô II vẫn có thể nói chuyện bằng tiếng Slovak, tiếng Nga, tiếng Ukraina, tiếng Nhật và tiếng Tagalog. Và trên hết, ngài cũng cố gắng nói bằng các phương ngữ khác chỉ với một chút chuẩn bị. Ngài nổi tiếng với lời chào các tín hữu bằng 57 ngôn ngữ tại Lễ Phục sinh, và sau đó đánh bại con số đó trong Lễ Giáng sinh bằng lời chào cộng đoàn bằng 62 ngôn ngữ.


[Nguồn: aleteia]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 12/6/2022]