Thứ Tư, 13 tháng 1, 2021

Đức Thánh Cha nói đến vai trò lãnh đạo giữa Covid, nạn phá thai và Iraq trong phỏng vấn mới

Đức Thánh Cha nói đến vai trò lãnh đạo giữa Covid, nạn phá thai và Iraq trong phỏng vấn mới

Elise Ann Allen

11 tháng Một, 2021

Đức Thánh Cha nói đến vai trò lãnh đạo giữa Covid, nạn phá thai và Iraq trong phỏng vấn mới

Đức Thánh Cha Phanxicô cử hành Lễ đêm Giáng sinh, trong Vương cung Thánh đường Thánh Phêrô tại Vatican, Thứ Năm, 24 tháng Mười Hai, 2020. (Credit: Vincenzo Pinto/Pool Photo via AP.)

ROME – Trong một phỏng vấn mới, Đức Thánh Cha Phanxico thúc giục “các tầng lớp quản trị” của thế giới hãy vượt qua chủ nghĩa vị kỷ trong cuộc chiến chống coronavirus, xét việc phá thai trong phạm vi là một vấn đề của khoa học và của con người hơn là vấn đề tôn giáo, và tỏ ra không chắc về chuyến đi dự kiến của ngài tới Iraq vào tháng Ba.

Trao đổi với kênh truyền hình Ý Tg5 trong một cuộc phỏng vấn phát sóng tối Chủ nhật, Đức Phanxicô nói rằng khi nói đến chính trị, “tầng lớp quản trị có quyền có những quan điểm khác nhau và áp đặt chính sách của riêng họ. Nhưng tại thời điểm này, chúng ta phải luôn hướng tới sự hiệp nhất”.

Hiện tại, “không có quyền gì để từ bỏ sự hiệp nhất,” ngài nói, và gọi việc đấu tranh chính trị là “cao quý” nhưng nhấn mạnh rằng “nếu các chính trị gia chú trọng đến lợi ích cá nhân hơn lợi ích chung, họ sẽ làm hỏng mọi thứ.”

Ngài nói, “Tại thời điểm này, tầng lớp điều hành không có quyền nói ‘Tôi’. Họ phải nói ‘chúng ta’ và tìm kiếm sự thống nhất khi đối mặt với cuộc khủng hoảng. Sau cuộc khủng hoảng, mọi người quay lại cách nói ‘tôi’, nhưng ngay lúc này, một chính trị gia, thậm chí là một nhà lãnh đạo, một giám mục, một linh mục, những người không có khả năng nói ‘chúng ta’ thì không tốt”.

Nhấn mạnh rằng “đoàn kết phải vượt trên xung đột”, đức giáo hoàng nói rằng xung khắc là cần thiết, nhưng với cuộc chiến toàn cầu hiện nay chống lại đại dịch coronavirus, các xung khắc “phải nghỉ ngơi” và thay vào đó “sự hiệp nhất của đất nước, của giáo hội, và của xã hội, phải được nhấn mạnh.”

“Đối với những người nói, ‘theo cách này chúng ta có thể thua cuộc bầu cử’, tôi nói rằng nó không phải là thời gian, đây là thời điểm tập hợp,” và ngài nói thêm, “đây là thời điểm của hòa bình và không phải của khủng hoảng, chúng ta phải gieo ích chung”.

Đức giáo hoàng nói, “Tôi nói với tất cả các nhà lãnh đạo – các mục tử, các chính trị gia, doanh nhân – hãy xóa từ ‘tôi’ và nói từ ‘chúng ta.’ Anh đánh mất một cơ hội: lịch sử sẽ cho anh một cơ hội khác. Nhưng đừng thực hiện những sự dàn xếp, công việc của anh trên da thịt của những anh chị em đang đau khổ vì khủng hoảng.”

Trong phỏng vấn Đức Giáo hoàng Phanxicô cũng đề cập đến cuộc bao vây Điện Capitol của Hoa Kỳ vào tuần trước bởi một đám đông ủng hộ ông Trump phản đối kết quả của cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ vào tháng Mười Một, nói rằng ngài đã “bị sốc” bởi sự việc khiến 5 người chết, “vì đây là một dân tộc rất có kỷ luật về dân chủ.”

Ngài cũng nói về việc phong tỏa nghiêm ngặt của Ý để ngăn chặn coronavirus vào mùa xuân đã ảnh hưởng đến cá nhân ngài như thế nào, và cho biết ngài có kế hoạch sẽ tiêm vaccine khi Vatican bắt đầu phân phối các liều vaccine Pfizer trong tuần này, gọi quyết định tiêm vaccine là một “lựa chọn đạo đức” và là trách nhiệm để bảo vệ sức khỏe của người khác.

Trong nhiều vấn đề, Đức Phanxicô lặp lại sự lên án của ngài đối với vấn đề được gọi là “văn hóa lãng phí”, hay “văn hóa vứt bỏ”, điều mà ngài nói rằng nó thường ngẩng cao đầu khi một cuộc khủng hoảng như coronavirus nổ ra, và nhấn mạnh rằng trong khi vaccine đang được phân phối, cuộc khủng hoảng coronavirus vẫn chưa kết thúc, và nó cũng có thể ảnh hưởng đến chuyến thăm Iraq từ ngày 5 đến 8 tháng Ba sắp tới của ngài.

Lúc bắt đầu đợt bùng phát coronavirus ở Ý, khi mọi thứ đã đóng cửa, Đức Phanxicô nói rằng đầu tiên ngài có cảm giác “bị nhốt trong phòng, sau đó tôi bình tĩnh lại và đón nhận cuộc sống theo cách của nó. Tôi cầu nguyện nhiều hơn, nói nhiều hơn, sử dụng điện thoại nhiều hơn, tổ chức nhiều cuộc họp hơn để giải quyết các vấn đề”.

“Tôi đã phải hủy các chuyến đi, vì tôi không thể tạo ra các đám đông,” ngài nói thêm, “Bây giờ tôi không biết liệu chuyến đi đến Iraq có thực hiện được hay không.”

Ngài nói, cuộc sống khác đi do hậu quả của đại dịch, đồng thời nhấn mạnh rằng Chúa có thể giúp mọi người “thoát khỏi khủng hoảng tốt hơn”.

“Bạn phải có can đảm để nghĩ đến người khác. Không có văn hóa lãng phí và thờ ơ, mà là văn hóa của tình anh em và sự gần gũi,” ngài nói, đồng thời lên án văn hóa lãng phí, trong đó “những người không có ích thì bị loại bỏ”.

“Những đứa trẻ không có ích đều bị bỏ đi. Trẻ em bị loại bỏ một cách miễn cưỡng hoặc từ chối chúng nếu chúng mắc một căn bệnh nào đó, hoặc nếu chúng không được mong đợi, cũng như người già, người bệnh và người di cư,”ngài nói, và về vấn đề phá thai, ngài nói rằng nó “không phải là vấn đề tôn giáo.”

Ngài nói: “Đó là một vấn đề của con người, trước khi có tôn giáo, đó là vấn đề đạo đức của con người,” ngài giải thích rằng tôn giáo đi vào sau này, nhưng vấn đề phá thai là một vấn đề “mà ngay cả những người vô thần cũng phải giải quyết trong lương tâm của họ”.

Bất cứ khi nào vấn đề phá thai xuất hiện, đức giáo hoàng cho biết một câu hỏi lại hiện lên trong đầu: “Tôi có quyền làm việc này không?” Ngài nói, câu trả lời của khoa học cho điều đó là “vào tuần thứ ba, gần như tuần thứ tư, đã có tất cả các cơ quan của một sinh linh mới trong cung lòng người mẹ, đó là sự sống của một con người”.

“Có đúng là xóa bỏ một mạng người là giải quyết được vấn đề, bất kỳ vấn đề nào không? Không, nó không đúng. Có ổn thỏa không khi thuê một sát thủ để giải quyết một vấn đề? Một kẻ giết người? Đây là vấn đề phá thai. Về mặt khoa học và nhân văn,” ngài nói.

Tiếp theo, Đức Thánh Cha Phanxicô lưu ý rằng những người cao tuổi đau bệnh hoặc những người không còn năng suất lao động cũng bị “loại bỏ”, cho dù họ chỉ đơn giản là bị lãng quên, hay “cái chết của họ đến nhanh” khi bệnh ở giai đoạn cuối.

“Loại bỏ để chúng ta thoải mái hơn và không mang đến cho chúng ta quá nhiều vấn đề. Đây là văn hóa loại bỏ,” ngài nói và cho biết điều này cũng áp dụng cho những người di cư chết chìm ở Địa Trung Hải vì “họ không được phép đến”.

“Làm thế nào để quản lý nó về sau, đó là một vấn đề khác mà các quốc gia phải tiếp cận một cách thận trọng và khôn ngoan, nhưng để họ chết chìm nhằm giải quyết vấn đề sau đó là không được”, ngài nói thêm, không ai cố ý làm điều đó, đúng là như vậy, nhưng nếu anh không đưa ra các phương tiện cứu giúp thì đó lại là một vấn đề. Không có ý định nhưng có chủ đích”.

Đức Phanxicô nói để đối mặt với “văn hóa loại bỏ”, cần có “văn hóa chào đón”, ưu tiên cho sự gần gũi, tình anh em và sự hiệp nhất.

Sau đó, Đức Thánh Cha Phanxicô nhấn mạnh sự cần thiết phải thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng coronavirus tốt hơn khi nó bùng phát, ngài nói: “Anh không bao giờ thoát khỏi một cuộc khủng hoảng và trở lại như trước đây. Không bao giờ. Chúng ta thoát ra và trở nên tốt hơn hoặc tệ hơn.”

Cho dù thế giới trở nên một nơi tốt hơn hay tồi tệ hơn khi tất cả kết thúc “đều phụ thuộc vào chúng ta”, và ngài nói thêm, “Nếu chúng ta muốn thoát ra và trở nên tốt hơn, thì vẫn có một con đường phía trước. Để trở nên tốt hơn, chúng ta phải duyệt xét lại mọi thứ. Những giá trị cao cả vẫn luôn ở đó, chúng không biến đổi theo lịch sử, nhưng phải được chuyển thành hiện thực”.

Chỉ ra nhiều cuộc xung đột đang tàn phá xã hội toàn cầu, ngài nói cộng đồng quốc tế hiện đang chứng kiến “Thế chiến Thứ Ba, chỉ có điều nó bị phân mảnh.”

Ngài nói, “Đây là lý do tại sao tôi nói: chúng ta phải hướng tới những điều cụ thể. Với mức phí tổn cho chiến tranh trong một tháng, thì toàn bộ nhân loại sẽ được nuôi sống. Chúng ta phải thực tế, ngày nay chúng ta cần quan điểm hiện thực”.

Follow Elise Ann Allen on Twitter: @eliseannallen


[Nguồn: crux now]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 12/1/2021]


Hoàn thành chuyến hành hương qua bảy Nhà thờ của Roma

Hoàn thành chuyến hành hương qua bảy Nhà thờ của Roma

Hoàn thành chuyến hành hương qua bảy Nhà thờ của Roma

pedro reis | CC BY-SA 2.5

Bret Thoman, OFS

08/01/21

Sau khi thăm viếng Vương cung Thánh đường Thánh Phêrô và Thánh Phaolô Ngoại thành, hãy đến viếng năm nhà thờ dưới đây trên đường hành hương trở về thời kỳ trung cổ.


Đây là bài thứ hai của loạt bài Bảy Nhà thờ của Roma, một đường hành hương bao gồm bốn vương cung thánh đường chính gồm Vương cung Thánh đường Thánh Phêrô, Thánh Phaolô Ngoại thành, Thánh Gioan Lateran, và Đức Bà Cả, cũng như ba tiểu vương cung thánh đường: Thánh Sebastian, Thánh Giá Giêrusalem, và Thánh Lawrence Ngoại thành. Quý vị nhấp vào đây để đọc Phần I của loạt bài.

Hoàn thành chuyến hành hương qua bảy Nhà thờ của Roma


3. Nhà thờ Thánh Sebastian Ngoại thành

Sau khi thăm viếng Vương cung Thánh đường Thánh Phêrô và Thánh Phaolô Ngoại thành, nhà thờ tiếp theo trong số Bảy Nhà thờ của Roma là nhà thờ Thánh Sebastian. Cách Vương cung Thánh đường Thánh Phaolô khoảng bốn cây số (2,5 dặm), lộ trình đi theo một con đường được gọi là Via delle Sette Chiese (Con đường Bảy Nhà thờ).

Vừa qua Hang Toại đạo Thánh Domitilla, khung cảnh thay đổi đột ngột khi con đường chạy dọc theo công viên vùng Appia Antica. Luật bảo vệ những hang toại đạo dưới lòng đất và các địa điểm khảo cổ liên quan ở đây đã cấm việc xây dựng và đô thị tràn lan, và khu vực này vẫn bảo tồn được những nét của thế kỷ 19. Những đàn cừu gặm cỏ trên các cánh đồng cỏ xanh ngát không phải là một cảnh tượng hiếm gặp.

Lòng sùng mộ Thánh Sebastian là vị tử đạo của Roma đã phổ biến ở Ý từ thời cổ đại. Theo truyền thống, ngài là một người Kitô hữu phục vụ trong quân đội La Mã. Trong các cuộc bách hại của Hoàng đế Diocletian, ngài đã bị trói vào cột và bị bắn khắp mình bằng cung tên, dù vậy ngài không chết.

Tại bàn thờ đầu tiên ngay bên trái trong nhà thờ, có một bức tượng Thánh Sebastian. Nhà nguyện Thánh tích lưu giữ một mũi tên đã bắn vào người Thánh Sebastian.

Cần lưu ý rằng Thánh Gioan Phaolô II đã bỏ Nhà thờ Thánh Sebastian khỏi danh sách bảy nhà thờ trong lộ trình hành hương Năm Thánh 2000. Thay vào đó, ngài đã thêm vào Thánh địa Đức Mẹ Lòng Chúa Thương Xót ở khu ngoại ô Roma. Tuy nhiên, nhiều người thích đến viếng nhà thờ Thánh Sebastian vì nó gần Roma hơn, và nó là một phần của tuyến đường truyền thống.


4. Đền thờ Thánh Gioan Lateran

Từ nhà thờ Thánh Sebastian, tuyến đường bây giờ lại quay vào bên trong các bức tường ban đầu dọc theo con đường Via Appia Antica nổi tiếng của Roma. Gần đó là những Hang Toại đạo San Callisto, hang toại đạo lớn nhất và quan trọng nhất trong số các hang toại đạo của Kitô giáo, vì đây là nghĩa trang chính thức cho cộng đoàn Kitô giáo suốt các cuộc bách hại của La Mã.

Tại cổng Porta San Sebastiano thời trung cổ, con đường rẽ phải và tiếp tục đi bốn cây số (2,5 dặm) đến Vương Cung Thánh Đường Thánh Gioan Lateran.

Đền thờ Thánh Gioan Lateran là nhà thờ chính tòa của Roma và được coi là nhà thờ mẹ của thế giới Kitô giáo. Đền thờ được cung hiến cho các Thánh Gioan Tẩy giả và Gioan Thánh sử, trong khi Lateran là tên của gia đình đã hiến đất cho Giáo hội trong thời cổ đại.

Các giáo hoàng sống trong một cung điện tráng lệ liền kề với vương cung thánh đường ở đây từ thế kỷ 4 đến đầu thế kỷ 14. Khi các giáo hoàng Avignon trở về từ Pháp, điện Lateran trong tình trạng xuống cấp và cuối cùng các ngài đến cư trú gần Đền Thánh Phêrô, nơi giáo hoàng vẫn tiếp tục cư ngụ cho đến ngày nay.

Trải nghiệm khi bước vào Nhà thờ Chính tòa Thánh Gioan Lateran xứng đáng với địa vị của nó là nơi có Ngai tòa của vị Giám mục Roma, có quyền tối thượng trên tất cả các ngai tòa khác. Ngay phía trong cổng vào bên trái là một bức tượng lớn của Hoàng đế Constantine, gợi ý về mối liên hệ giữa Đế chế và thể chế Giáo hoàng.

Khi vào bên trong, bầu khí huy hoàng gồm trần nhà bằng gỗ mạ vàng và sơn, nền Cosmateque, những tranh khảm ở gian đầu cung thánh và các bức tượng uy nghi của 12 vị tông đồ trong các hốc tường xuyên suốt gian chính điện.

Vừa qua khỏi Điện Lateran, phía bên kia con đường đông đúc, là Thánh địa những Bậc thang Thánh, trưng bày những thánh tích được tin là cầu thang gồm 28 bậc nơi Chúa Giêsu bị Phongxiô Philatô xét xử ở Giêrusalem. Theo truyền thống, Thánh Helena, thân mẫu của Hoàng đế Constantine, đã đưa nó trở về Roma sau chuyến hành hương đến Đất Thánh vào đầu thế kỷ thứ 4.

Trên đỉnh cầu thang là một nhà nguyện được gọi là Sancta Sanctorum (Holy of Holies). Đằng sau tấm lưới sắt là một ảnh thánh được coi là bức ảnh được tôn kính nhất ở Roma từ thời trung cổ: Acheropita, một bức ảnh Đấng Cứu Thế Chí Thánh với ý nghĩa “không phải do bàn tay con người vẽ”.


5. Đền thờ Thánh Giá Giêrusalem

Điểm dừng tiếp theo cách một quãng đường ngắn: Vương cung Thánh đường Thánh Giá Giêrusalem.

Vương cung Thánh đường nhỏ hơn này không tự hào về phong cách kiến trúc huy hoàng như Đền Thánh Gioan hay Thánh Phaolô. Nhưng thay vào đó, nó sở hữu một bộ sưu tập các thánh tích quan trọng.

Theo truyền thống, Thánh Helena đã mang những mảnh vỡ của Thập giá Thật và một trong những cây đinh được sử dụng trong Cuộc đóng đinh trở về Roma. Sau đó, một số miếng vỡ của Hang đá Chúa giáng sinh và Mộ Thánh được thêm vào, cộng thêm với một phần ngón tay của Thánh Tôma, một phần thập giá của Kẻ trộm lành, và hai chiếc gai từ Mão gai của Chúa Giêsu.

Ngoài ra còn có bản Titulus Crucis – tấm biển gỗ trên đầu Thánh giá với dòng chữ “INRI.”


6. Đền thờ Thánh Lawrence Ngoại Thành

Điểm dừng tiếp theo một lần nữa ra ở phía ngoài các bức tường. Từ Santa Croce, tuyến đường đi qua các bức tường thành ở Porta Maggiore. Sau đó, nó đi xuyên qua một đường hầm bên dưới nhiều đường ray xe lửa của ga Termini gần đó trước khi đến Vương cung Thánh đường San Lorenzo.

Thánh Lawrence tử đạo năm 258 dưới triều đại vua Valeriano. Người ta tin rằng ngài là một phó tế bị kết án vì giúp đỡ người nghèo và người túng thiếu.

Trong cuộc bách hại, ngài được lệnh giao lại của cải của Giáo hội cho đế quốc. Thay vì vậy, ngài gọi những người nghèo ra và tuyên bố rằng họ là “kho báu thực sự của Giáo hội”. Kết quả là ngài bị hạ lệnh thiêu sống từ từ trên một tấm lưới sắt. Người ta nói rằng ngài nói đùa với những kẻ hành hình ngài, bảo họ lật ngài qua mé kia vì ngài đã “chín ở mé bên này.”

Vương cung thánh đường có từ thời cổ đại, nhưng được xây dựng lại sau các cuộc ném bom của quân Đồng minh phá hủy phần lớn nhà thờ vào năm 1943.

Có thể viếng mộ Thánh Lawrence và tấm lưới sắt mà ngài đã tử vì đạo trên nó trong tầng hầm bên dưới bàn thờ chính. Các thánh tích được tin là của Thánh Stêphanô, vị tử đạo tiên khởi, cũng được lưu giữ ở đây.


7. Đền thờ Đức Bà Cả

Điểm dừng cuối cùng của lộ trình Bảy Nhà thờ là trên đỉnh của ngọn đồi cao nhất trong số bảy ngọn đồi của Roma, Vương cung Thánh đường Santa Maria Maggiore trên đồi Esquiline.

Còn được gọi là Đức Bà Tuyết, Vương cung Thánh đường Đức Bà Cả có một lịch sử thú vị. Theo truyền thống cổ xưa, một nhà quý tộc La Mã cầu nguyện với Đức Mẹ xin Mẹ chỉ cho ông ta cách để lại di chúc thừa kế tài sản của mình. Đức Mẹ hiện ra với ông ta và nói rằng Mẹ muốn có một nhà thờ được xây dựng để tôn vinh Mẹ và Mẹ sẽ làm một dấu hiệu bằng tuyết. Thật vậy, vào ngày 5 tháng Tám, tuyết rơi trên đồi Esquiline. Bản phác thảo đã được vẽ và đức Giáo hoàng Liberius ra lệnh xây dựng vương cung thánh đường ở đó.

Với trần đền thờ trang trí theo mái vòm, sàn Cosmateque, các tranh khảm, những bức bích họa và tác phẩm điêu khắc, Đền thờ Đức Bà Cả có nét giống như các Vương cung Thánh đường lớn Thánh Gioan và Thánh Phaolô. Cũng như trong các vương cung thánh đường khác, có rất nhiều thánh tích và tác phẩm nghệ thuật.

Bên dưới bàn thờ chính là Hang đá Giáng sinh hay Hang đá Bêlem. Nó lưu giữ một vật hòm thánh tích bằng pha lê có chứa mảnh gỗ được cho là từ máng cỏ của Chúa Kitô ở Bêlem. Truyền thống này đã đặt cho Vương cung Thánh đường một trong những tên trước đây của nhà thờ, Đức Bà Máng Cỏ.

Để xem tất cả những gì có ở Roma có thể mất cả đời đối với người hành hương Công giáo. Nhưng một chuyến viếng thăm Bảy Nhà thờ (cùng với những Hang Toại đạo và một buổi Tiếp kiến chung của Giáo hoàng), là một cách tốt để tập trung vào phần lớn tinh thần, văn hóa và lịch sử tôn giáo của Roma trong một thời gian ngắn.


[Nguồn: aleteia]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 11/1/2021]