Thứ Ba, 25 tháng 6, 2019

Toàn văn bài giảng của Đức Thánh Cha Phanxico Lễ Mình Máu Thánh Chúa Ki-tô: Đừng lãnh nhận Mình Thánh một cách máy móc; phải luôn với tinh thần như khi Rước Lễ Lần Đầu

Toàn văn bài giảng của Đức Thánh Cha Phanxico Lễ Mình Máu Thánh Chúa Ki-tô: Đừng lãnh nhận Mình Thánh một cách máy móc; phải luôn với tinh thần như khi Rước Lễ Lần Đầu
WIKIMEDIA COMMONS - Jeffrey Bruno

Toàn văn bài giảng của Đức Thánh Cha Phanxico Lễ Mình Máu Thánh Chúa Ki-tô: Đừng lãnh nhận Mình Thánh một cách máy móc; phải luôn với tinh thần như khi Rước Lễ Lần Đầu

Chủ tế Thánh Lễ trước cuộc Rước Mình Thánh trong vùng Casal Bertone thuộc Roma

23 tháng Sáu, 2019 19:02

“Đó chính là Chúa Giê-su, Chúa Giê-su đang sống, nhưng chúng ta không được thực hiện việc đó một cách máy móc: mỗi lần đều phải giống như chúng ta Rước Lễ Lần Đầu.”

Đức Thánh Cha đưa ra lời nhắc nhở đầy nhiệt huyết này trong Lễ Trọng Mình và Máu Thánh Chúa Ki-tô, trong bài huấn từ Kinh Truyền tin buổi trưa. Vào buổi chiều, ngài chủ tế Thánh Lễ trong khu Casal Bertone thuộc Roma, sau đó là Rước Kiệu Mình Thánh.

Giám đốc Văn phòng Báo chí Tòa Thánh, Alessandro Gisotti, thông báo lịch trình này của Đức Thánh Cha ngày 10 tháng Sáu, lưu ý: “Ngày Chúa nhật 23 tháng Sáu, ngày Lễ Trọng Mình và Máu Thánh Chúa Ki-tô, lúc 6 giờ chiều, Đức Thánh Cha Phanxico sẽ dâng Thánh Lễ trong nghĩa trang của Nhà thờ Thánh Maria Consolatrice, trong quận Casal Bertone của Roma.”

Ông cho biết, “Cuối Thánh Lễ sẽ có Rước Kiệu Mình Thánh đi qua trên các con đường của khu vực lân cận, kết thúc là phép lành Thánh Lễ do Đức Thánh Cha ban.”

“Tối nay,” Đức Thánh Cha nhắc nhở về Lễ trọng Mình và Máu Thánh Chúa Ki-tô, “chúng ta sẽ được nuôi dưỡng bằng thân thể của Người tặng ban cho chúng ta.

Đức Thánh Cha lưu ý rằng nếu chúng ta lãnh nhận Thánh Thể vào lòng thì sức mạnh của tình yêu sẽ lan tỏa trong chúng ta. “Chúng ta sẽ cảm thấy được chúc phúc và được yêu thương,” ngài nói: “và đến phần chúng ta, chúng ta cũng mong muốn chúc phúc và yêu thương, bắt đầu từ đây, trong thành phố của chúng ta, trong những con đường chúng ta sẽ rước kiệu đi qua tối nay.”

Đức Phanxico nhấn mạnh, “Chúa đến trên các con đường của chúng ta để nói một lời chúc lành cho chúng ta và ban cho chúng ta lòng can đảm. Người cũng yêu cầu chúng ta hãy chúc phúc và trở thành món quà cho người khác.”

Trong giờ Kinh Truyền Tin của Đức Thánh Cha hôm nay, ngài phản ánh về ngày Lễ và cách chúng ta không được để nó trở thành một thói quen máy móc, và chỉ lãnh nhận Mình Thánh như một cách đương nhiên.

Lễ Mình và Máu Thánh Chúa Ki-tô, Đức Thánh Cha nhắc nhở “mời gọi chúng ta mỗi năm làm mới lại sự kinh ngạc và niềm vui vì món quà lớn lao này của Chúa, đó là Phép Thánh Thể.”

Ngài kêu gọi người tín hữu hãy đón nhận Mình Thánh “với lòng tri ân,” “không phải là một cách thụ động, máy móc.”

“Chúng ta không được để mình trở nên máy móc với Thánh Lễ và lên Rước Lễ theo thói quen: Không được!” ngài nói thêm rằng mỗi khi chúng ta tiến lên bàn thờ để lãnh nhận Mình Thánh, “chúng ta phải thật sự làm mới lại lời “Amen” với Mình Thánh Đức Ki-tô. “Khi vị linh mục nói với chúng ta “Mình Thánh Chúa Ki-tô,” chúng ta nói “Amen,” nhưng đó là là lời ‘Amen” xuất phát từ con tim của chúng ta, với lòng vững tin.”

Đức Phanxico nhấn mạnh rằng Thánh Thể “là Chúa Giê-su,” Chúa Giê-su “Đấng đã cứu tôi” và “ban cho tôi sức mạnh để sống.”

Đức Thánh Cha Phanxico nhấn mạnh: “Đó chính là Chúa Giê-su, Chúa Giê-su đang sống, nhưng chúng ta không được thực hiện việc đó một cách máy móc: mỗi lần đều phải giống như chúng ta Rước Lễ Lần Đầu.”

Sau 100 năm không có Rước Kiệu Thánh Thể ở Roma, Đức Giáo hoàng Gioan Phaolo II đã khôi phục lại truyền thống Roma năm 1982. 

Trong quá khứ Lễ Mình Máu Thánh Chúa Ki-tô, Đức Thánh Cha Phanxico chủ tế Thánh lễ Trọng Mình Máu Thánh Chúa Ki-tô ở sân trong của Vương cung Thánh đường Thánh Gioan Laterano. Sau đó Đức Thánh Cha sẽ dẫn đầu đoàn rước truyền thống đến Vương cung Thánh đường Thánh Mary Major ở gần đó, Đức Thánh Cha long trọng ban Phép Lành Thánh Thể.

Tất cả các tín hữu mong muốn tham dự Thánh Lễ của Đức Thánh Cha, và tham dự buổi Rước sau đó, đều được chào đón. Không cần phải lấy vé, vì mọi tín hữu đều được tự do đến quảng trường để tham dự Thánh Lễ.

Theo truyền thống có các tín hữu cầm nến tham dự cuộc rước, nhờ ánh nến rọi sáng cho phía tối của con đường Via Merulana, con đường chính dẫn từ Đại Vương cung Thánh đường Thánh Gioan Lateran đến Vương cung Thánh đường Thánh Mary Major.

Không khí lễ hội của buổi tối thường chấm dứt ở phía trước của Vương cung Thánh đường Thánh Mary Major, với phép lành Thánh Thể của Đức Thánh Cha.

Năm ngoái, Đức Thánh Cha Phanxico dâng Lễ và dẫn đoàn rước trong Ostia.

Dưới đây là văn bản của Vatican cung cấp bài giảng của Đức Thánh Cha hôm nay:


***

Hôm nay, lời Chúa giúp chúng ta hiểu sâu sắc hơn hai động từ đơn giản nhưng lại vô cùng quan trọng cho đời sống hàng ngày: nói và trao tặng.

Nói. Trong bài đọc một, ông Men-ki-xê-đê nói: “Xin Thiên Chúa Tối Cao, Đấng dựng nên trời đất, chúc phúc cho Áp-ram … và Chúc tụng Thiên Chúa Tối Cao” (St 14:19-20). Với ông Men-ki-xê-đê, nói tức là chúc tụng (chúc phúc). Ông chúc phúc cho ông A-bra-ham, qua ông tất cả mọi gia đình trên mặt đất sẽ được chúc phúc (x. St 12:3; Gl 3:8). Mọi sự đều bắt đầu bằng lời chúc phúc: những lời tốt lành tạo nên một lịch sử của sự tốt lành. Điều tương tự cũng xảy ra trong Tin mừng: trước khi hóa bánh ra nhiều, Chúa Giê-su chúc phúc cho chúng: “Bấy giờ Đức Giê-su cầm lấy năm cái bánh và hai con cá, ngước mắt lên trời, dâng lời chúc tụng, bẻ ra và trao cho môn đệ” (Lc 9:16). Một lời chúc tụng biến năm ổ bánh ra đủ số lượng lương thực cho một đám đông khổng lồ: sự chúc tụng tạo ra tầng tầng lớp lớp sự tốt lành.

Tại sao sự chúc phúc lại tốt lành? Vì nó biến một lời nói thành món quà. Khi chúng ta chúc phúc là chúng ta không làm điều gì đó cho bản thân, nhưng làm cho người khác. Chúc phúc không phải là nói những lời hoa mỹ hoặc những câu sáo ngữ; đó là nói sự tốt lành, nói với lòng yêu thương. Đó là điều ông Men-ki-xê-đê làm khi ông đồng thời chúc phúc cho ông A-bra-ham, một người trước đó chẳng nói hoặc làm điều gì cho ông. Chúa Giê-su cũng làm như vậy, và Người cho thấy ý nghĩa của việc chúc phúc là như thế nào bằng cách phân phát bánh cho mọi người. Đã bao nhiêu lần chúng ta được chúc phúc, trong nhà thờ hoặc ở nhà? Đã bao nhiêu lần chúng ta nhận được những lời động viên, hay dấu thánh giá trên trán chúng ta? Chúng ta được chúc phúc trong ngày chịu phép rửa tội, và chúng ta được chúc phúc ở cuối mỗi Thánh Lễ. Bản thân Thánh Lễ là một trường chúc phúc. Thiên Chúa chúc phúc cho chúng ta là những đứa con được Người yêu thương, và từ đó khuyến khích chúng ta tiếp tục tiến bước. Và đến lượt chúng ta, chúng ta lại cùng đồng thanh chúc tụng Chúa (x. Tv 68:26), tái khám phá niềm vui của việc ca khen giải thoát và chữa lành tâm hồn. Chúng ta đến dâng Lễ, chắc chắn chúng ta sẽ được chúc phúc bởi Chúa, và chúng ta trở về để đến lượt mình lại chúc phúc cho người khác, để trở thành những kênh truyền tải sự tốt lành trên thế giới.

Điều quan trọng đối với những người mục tử chúng ta là liên tục chúc phúc cho dân của Chúa. Thưa các linh mục, đừng e ngại thốt lên một lời chúc phúc, vì Chúa muốn chúc phúc cho dân Người; Người hạnh phúc khi làm cho chúng ta cảm nhận được tình yêu của Người dành cho chúng ta. Chỉ khi bản thân chúng ta được chúc phúc, thì đến lượt mình chúng ta mới có thể chúc phúc cho người khác với cùng việc xức dầu của tình yêu. Thật buồn khi nghĩ đến ngày nay người ta quá dễ dàng nói những lời khinh miệt hoặc lăng mạ thay vì lời chúc phúc. Trong khi nóng giận nói chung, chúng ta mất bình tĩnh và trút sự thịnh nộ vào mọi thứ và mọi người. Thật đáng buồn, những người la lối nhiều nhất và lớn tiếng nhất, những người giận dữ nhất lại là những người khẩn xin người khác và thuyết phục họ. Chúng ta hãy tránh bị ảnh hưởng bởi tính kiêu ngạo đó; chúng ta đừng để cho bản thân bị đánh bại bởi sự cay đắng, vì chúng ta ăn Bánh có chứa tất cả mọi sự ngọt ngào trong đó. Dân Chúa yêu thích sự ca khen, không phải là ca cẩm; chúng ta được tạo dựng để ca khen, không phải để ca thán. Trong Thánh Thể, Chúa Giê-su trở thành tấm bánh, tấm bánh đơn sơ này chứa đựng toàn thể thực tại của Giáo hội, chúng ta hãy học cách chúc phúc cho tất cả những gì chúng ta có, ca khen Thiên Chúa, chúc phúc chứ không chúc dữ cho tất cả mọi người đã dẫn đưa chúng ta đến giây phút này, và nói những lời động viên với người khác.

Động từ thứ hai là trao tặng. “Nói” và sau đó là “trao tặng.” Đây là trường hợp của ông A-bra-ham sau khi được chúc phúc bởi ông Men-ki-xê-đê, “đã biếu ông Men-ki-xê-đê một phần mười tất cả chiến lợi phẩm” (St 14:20). Đây cũng là trường hợp của Chúa Giê-su, sau khi đọc lời chúc tụng, đã trao những ổ bánh để đem phân phát cho đám đông. Việc này cho chúng ta thấy một điều rất đẹp. Bánh không chỉ là một thực phẩm để tiêu thụ; nó là một phương tiện để chia sẻ. Thật ngạc nhiên, trình thuật hóa bánh ra nhiều không hề đề cập đến chi tiết hóa nhiều. Ngược lại, những từ ngữ nổi bật lên là: “bẻ ra”, “trao”, và “phân phát” (x. Lc 9:16). Về căn bản, sự nhấn mạnh không được đặt vào việc hóa ra nhiều nhưng là hành động chia sẻ. Điều này rất quan trọng. Chúa Giê-su không thực hiện một màn ảo thuật; Người không biến năm ổ bánh thành năm ngàn và rồi hô lớn: “Này! Phân phát cho họ!” Không. Trước hết Chúa Giê-su cầu nguyện, rồi chúc phúc cho năm tấm bánh và bắt đầu bẻ chúng ra, tin tưởng tuyệt đối vào Chúa Cha. Và năm tấm bánh đó không bao giờ hết. Đây không phải là màn ảo thuật; đó là một hành động tín thác vào Thiên Chúa và sự quan phòng của Người.

Trên trần gian, chúng ta luôn cố tìm cách gia tăng lợi nhuận của mình, tăng thu nhập. Nhưng tại sao? Việc đó là để cho đi, hay để sở hữu? Để chia sẻ hay để tích lũy? “Nền kinh tế” của Tin mừng nhân gấp lên nhiều lần qua sự chia sẻ, nuôi dưỡng qua sự phân phát. Nó không làm thỏa mãn lòng tham của một số ít người, nhưng trao tặng sự sống cho thế gian (x. Ga 6:33). Động từ mà Chúa Giê-su sử dụng không phải là sở hữu nhưng là cho đi.

Người nói thẳng thắn với các môn đệ: “Chính anh em hãy cho họ ăn” (Lc 9:13). Chúng ta có thể tưởng tượng ra những suy nghĩ hiện lên trong đầu các ông lúc đó: “Chúng ta thậm chí chẳng có đủ bánh cho mình, và bây giờ chúng ta lại phải nghĩ đến người khác? Tại sao chúng ta lại phải cho họ ăn, nếu họ chỉ đến để nghe lời dạy của Thầy? Nếu họ không mang theo thức ăn, thì cứ cho họ về nhà, hoặc không thì đưa tiền cho chúng tôi để chúng tôi mua thức ăn.” Cách suy nghĩ như vậy không sai, nhưng đó không phải là cách suy nghĩ của Chúa Giê-su. Người sẽ chẳng có chút ý nào như vậy: “Chính anh em hãy cho họ ăn”. Bất kể điều gì chúng ta có đều có thể sinh kết quả tốt nếu chúng ta biết cho đi – đó chính là điều Chúa Giê-su muốn nói với chúng ta – và có ít hay nhiều chẳng phải là vấn đề. Chúa làm những điều vĩ đại bằng sự nhỏ bé của chúng ta, và Người đã làm với năm ổ bánh. Người không thực hiện những phép lạ đầy ngoạn mục, nhưng làm những việc đơn sơ, bẻ bánh bằng tay của Người, trao cho các môn đệ, phân phát và chia sẻ. Quyền năng vô biên của Chúa là hạ mình, xuất phát bởi sự yêu thương. Và tình yêu có thể thực hiện những điều vĩ đại từ sự nhỏ bé. Phép Thánh Thể dạy cho chúng ta biết điều này: vì ở đó chúng ta tìm thấy chính Chúa ẩn mình trong tấm bánh. Đơn sơ nhưng vô cùng quan trọng, tấm bánh bẻ ra và chia sẻ, Thánh Thể mà chúng ta lãnh nhận cho phép chúng ta nhìn mọi việc theo cách nhìn của Chúa. Nó thôi thúc chúng ta hãy cho đi bản thân. Nó là thuốc giải cho lối suy nghĩ rằng: “Xin lỗi, đó không phải là chuyện của tôi,” hoặc “Tôi không có thời giờ, tôi không thể giúp bạn được, nó chẳng có gì liên quan đến tôi cả.”

Trong thành phố của chúng ta đang quá đói tình yêu thương và chăm sóc, chịu đau khổ vì sự suy sụp và bỏ bê, trong đó có quá nhiều người già phải sống cô đơn, những gia đình trong cảnh khó khăn, người trẻ phải vật lộn để kiếm sống và thực hiện ước mơ của họ, thì Chúa nói với từng người anh chị em: “Chính anh em hãy cho họ ăn.” Anh chị em có thể trả lời: “Nhưng con có ít quá; con không có đủ.” Điều đó là không đúng; “cái ít” của anh chị em có giá trị rất lớn trước mắt Chúa Giê-su, miễn là anh chị em đừng giữ khư khư nó cho mình, nhưng đem nó ra sử dụng. Và anh chị em không cô đơn, vì anh chị em có Thánh Thể, lương thực cho hành trình, lương thực của Chúa Giê-su. Tối nay, chúng ta sẽ được nuôi dưỡng bằng thân thể của Người tặng ban cho chúng ta. Nếu chúng ta lãnh nhận Thánh Thể vào lòng thì sức mạnh của tình yêu sẽ lan tỏa trong chúng ta. Chúng ta sẽ cảm thấy được chúc phúc và được yêu thương, và đến phần chúng ta, chúng ta cũng mong muốn chúc phúc và yêu thương, bắt đầu từ đây, trong thành phố của chúng ta, trong những con đường chúng ta sẽ rước kiệu đi qua tối nay. Chúa đến trên các con đường của chúng ta để nói một lời chúc lành cho chúng ta và ban cho chúng ta lòng can đảm. Người cũng yêu cầu chúng ta hãy chúc phúc và trở thành món quà cho người khác.

[Văn bản của Vatican cung cấp (bản tiếng Anh)]



[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 24/6/2019]


Tòa Thánh đồng tổ chức Sự kiện Bên lề LHQ tôn vinh Ngày Cha Mẹ Toàn cầu

Tòa Thánh đồng tổ chức Sự kiện Bên lề LHQ tôn vinh Ngày Cha Mẹ Toàn cầu

Copyright © 2019 Permanent Observer Mission Of The Holy See To The United Nations, All Rights Reserved.

Tòa Thánh đồng tổ chức Sự kiện Bên lề LHQ tôn vinh Ngày Cha Mẹ Toàn cầu

‘Nuôi dạy con cái tốt là xây dựng xã hội: tầm quan trọng của vai trò làm mẹ và làm cha’
19 tháng Sáu, 2019 20:00

Ngày 10 tháng Sáu, cùng với các Phái bộ Thường trực của Djibouti và Belarus và Liên đoàn Hòa bình Toàn cầu, Phái bộ Quan sát viên Thường trực của Tòa Thánh tại LHQ đồng tổ chức một sự kiện bên lề với chủ đề: “Nuôi dạy con cái tốt là xây dựng xã hội: tầm quan trọng của vai trò làm mẹ và làm cha” để tôn vinh Ngày Cha Mẹ Toàn cầu.

Trong phát biểu khai mạc, Đại sứ Mohamed Siad Doualeh, Phái bộ Thường trực của Cộng hòa Djibouti tại LHQ, phân tích rằng gia đình là đơn vị tự nhiên của xã hội và đóng một vai trò quan trọng trong việc xóa bỏ đói nghèo, trong việc xây dựng tình huynh đệ liên thế hệ và trong việc giảm bớt những sự bất bình đẳng. Ông đề cập rằng mọi xã hội đều đòi hỏi các gia đình phải bao gồm một người mẹ, một người cha, và các con cái và việc nuôi dạy tốt là nền tảng để xây dựng lòng tự tin và cởi mở của một đứa trẻ đối với người khác.

Đại sứ Valentin Rybakov thuộc Phái bộ Thường trực của Cộng hòa Belarus tại LHQ nhấn mạnh rằng việc tổ chức Ngày Cha Mẹ Toàn cầu, thường được kỷ niệm vào ngày 1 tháng Sáu, là một sự nhắc nhở vô cùng quan trọng về vai trò của những người mẹ và cha. Bảo vệ và hỗ trợ cho vai trò làm mẹ là một ưu tiên đối với Belarus, một quốc gia là một thành viên của Nhóm Bạn bè của Gia đình, ông nói. Ông kết thúc bài phát biểu bằng việc nhắc lại rằng gia đình là nhân tố quan trọng để làm cho xã hội thịnh vượng và tạo ra một tương lai tốt đẹp hơn.

Thay mặt Phái bộ Quan sát viên Thường trực của Tòa Thánh tại LHQ, Đức ông Tomasz Grysa trình bày rằng gia đình không những vô cùng quan trọng đối với những đứa trẻ khỏe mạnh, nhưng còn cho các xã hội mạnh khỏe.

Ngài nói, “Lớn lên trong một gia đình có mẹ có cha giúp các đứa con đạt được sự trưởng thành về tình cảm và học biết cách chân nhận vẻ đẹp của hai phái tính.”

Ngài nói, một số thành phần xã hội “không thể nhận thức thấu đáo ý nghĩa thật sự của món quà của các bản vị trong hôn nhân, tình yêu có trách nhiệm đối với việc phục vụ của vai trò làm cha và làm mẹ, và sự cao cả đích thực của việc sinh sản và giáo dục.”

Ngài cũng lưu ý rằng bậc cha mẹ có quyền như là những nhà giáo dục đầu tiên cho con cái của họ và có “trách nhiệm vô cùng quan trọng đối với trách nhiệm giáo dục toàn diện và giáo dục xã hội cho con cái của họ.” Mối quan hệ yêu thương giữa cha mẹ và con cái là không thể thay thế và “do đó không thể trao phó toàn bộ cho người khác hoặc bị chiếm trọn bởi người khác.”

Trẻ em cũng có “quyền được lớn lên trong một gia đình có cha và mẹ có khả năng tạo ra một môi trường phù hợp cho sự phát triển trọn vẹn và hài hòa và sự trưởng thành về cảm xúc.”

Tương tự như vậy, ngài nói rằng việc giáo dục giới tính ban đầu thuộc vai trò của cha mẹ, vì trẻ em phải đối mặt “với một văn hóa rất thường khi hạ thấp tình dục của con người xuống mức độ để tiêu khiển.” Ngài thúc giục bậc cha mẹ “nắm chắc mục tiêu huấn luyện trong lĩnh vực giới tính đích thực và thuộc nhân vị trọn vẹn: vì tình dục là một sự phong phú của nhân vị trọn vẹn – thân xác, cảm xúc, và linh hồn – và nó thể hiện ý nghĩa sâu thẳm nhất trong việc dẫn đưa con người trở thành món quà cho đi trong tình yêu.”

Có một “nhu cầu cấp bách,” ngài kết luận, thúc đẩy một sự liên kết mới giữa cha mẹ, học đường và xã hội để có thể đưa ra một nền giáo dục tốt đẹp và “tôn trọng trách nhiệm căn bản của cha mẹ trong việc cộng tác với công cuộc giáo dục của các nhà giáo.”

Ban chuyên gia bao gồm Erica Komisar, một nhân viên xã hội chuyên môn, một người huấn luyện việc nuôi dạy con cái, một nhà phân tâm học, và tác giả của quyển Tại sao ưu tiên vai trò làm mẹ trong ba năm đầu đời là tuyệt đối cần thiết. Bà trình bày về những bằng chứng khoa học và khoa thần kinh làm nổi bật lên những hậu quả có hại cho những trẻ em phải trải qua đời sống gia đình khó khăn. Trong số trẻ em ở Mỹ hiện nay, ngày càng có những trường hợp bị rối loạn tâm thần nhiều hơn bao giờ hết do sự thiếu vắng của cha mẹ trong những năm đầu đời của đứa trẻ.

Nghiên cứu của bà Komisar cho thấy rằng sự chăm sóc và vỗ về trực tiếp của người mẹ là vô cùng quan trọng để “bảo vệ cho các trẻ nhỏ khỏi những cảm giác căng thẳng và bảo đảm cho sự phát triển tự nhiên của chúng. Những trẻ em luôn có người mẹ hiện diện trong đời sống của chúng, đặc biệt trong ba năm đầu, phát triển được những mối quan hệ gắn kết chắc chắn, trong khi những trẻ bị chia cách khỏi mẹ của chúng từ tuổi thơ thường trải qua những căng thẳng và những khó khăn về cảm xúc đặc biệt đối với sự gắn kết.”

Bà nói, vai trò của người cha cũng đặc biệt quan trọng như người mẹ trong đời sống của con cái của họ trong việc cung cấp cho chúng những không gian an toàn để phát triển về tinh thần và cảm xúc.

Bà Komisar trình bày bằng chứng từ những nghiên cứu xã hội ở Mỹ cho thấy trong 5 trẻ em thì có 1 em đang sống trong nước Mỹ hiện nay được chẩn đoán bị rối loạn về tâm thần hoặc cảm xúc, tức là có mức tăng 400 phần trăm những trẻ nhỏ phải sử dụng thuốc chống trầm cảm và tăng 119 phần trăm số trẻ em dưới 12 tuổi bị rối loạn về ăn uống.

Trong thực tế không luôn luôn dễ dàng cho phụ nữ hiện diện liên tục bên con của họ trong suốt tuổi thơ, bà động viên những phụ nữ trẻ trong khán phòng và hy vọng họ cân bằng được giữa công việc và gia đình, nói rằng cuộc sống có các mùa của nó và phụ nữ chẳng cần phải cảm thấy áp lực chọn giữa gia đình hay công việc. “Công việc vẫn luôn còn đó, nhưng con cái thì không.”

Bà Grace Melton thuộc Trung tâm Tôn giáo và Xã hội Dân sự DeVos tại Heritage Foundation nói về những ích lợi của hôn nhân đối với trẻ em và xã hội. Bà nói, “Trẻ em xứng đáng phải có cả mẹ và cha. Đàn ông và phụ nữ đều bình đẳng về phẩm giá và giá trị, nhưng họ không giống nhau.”

Cũng như cha mẹ kết hôn là quan trọng đối với trẻ em, thì hôn nhân là quan trọng đối với xã hội.

“Gia đình vững mạnh là tài nguyên tốt nhất mà mọi xã hội có được để chăm sóc và nuôi dạy trẻ em trở thành những người trưởng thành khỏe mạnh và có trách nhiệm.” Bà Melton nói, hôn nhân khuyến khích người nam và nữ “cam kết trọn đời và dành riêng cho nhau và cùng có trách nhiệm đối với con cái của họ,” để xây dựng một xã hội hài hòa hơn.

Bà Melton chia sẻ những khám phá của các nhà khoa học xã hội hàng đầu ở Hoa Kỳ và từ các cuộc khảo sát trong nước và trình bày rằng tất cả dữ liệu hiện có cho thấy rằng những đứa trẻ sống trong một gia đình ổn định với cha mẹ kết hôn có sức khỏe về thể chất, cảm xúc và tinh thần tốt hơn.

“Rất dễ nhìn thấy những tổn thất về xã hội và kinh tế mà các cộng đồng phải gánh trên vai do hậu quả của sự tan vỡ gia đình,” bà Melton nói: 77,9 phần trăm số trẻ em chịu đựng cảnh đói khổ lâu dài đều xuất thân từ những gia đình bị tan vỡ hoặc cha mẹ không kết hôn, trong khi đến 82 phần trăm những đứa trẻ sống trong một gia đình có cả mẹ và cha ít có khả năng phải sống trong cảnh đói khổ.

Dữ liệu cũng cho thấy một mối tương quan giữa đời sống gia đình và tình trạng bạo lực, “những phụ nữ và trẻ em trong các gia đình kết hôn theo đúng chuẩn mực ít có khả năng gặp cảnh bạo lực gia đình hơn so với những hình thức gia đình khác.”

Bà Melton bày tỏ hy vọng rằng LHQ và Tòa án Châu Âu về Nhân quyền tìm ra giải pháp bảo vệ trẻ em và gia đình: “Bằng cách bảo vệ và khai thác được nhiều lợi ích xã hội mà gia đình mang lại, chúng ta sẽ thúc đẩy được sự thành tựu của những mục tiêu phát triển bền vững của LHQ, và để lại cho con cái chúng ta một thế giới tốt đẹp hơn.”

Ông Jonathan Schweppe, Giám đốc Chính sách và Lãnh đạo tại Dự án American Principles, mô tả gia đình như là “thể chế tự nhiên quan trọng nhất trong lịch sử của thế giới,” nhưng ông lưu ý rằng gia đình hiện nay đã bước đến tình trạng khủng hoảng do sự thiếu vắng những người cha trong nhà. Trẻ em đang phải trả giá cho sự thất bại xã hội này ở mức độ ¼, hay 19,7 triệu trẻ em Mỹ đang sống ở nhà mà không có cha, ông nói. Những đứa trẻ này đối mặt với những trở ngại khủng khiếp và dễ có nguy cơ rơi vào những hành vị phá hoại hơn.

Với những phụ nữ bị bỏ rơi phải nuôi con một mình thì việc nuôi dạy rõ ràng rơi vào sự khủng hoảng, Hoa Kỳ phải ngừng khuyến khích những sự tan vỡ gia đình, ông nói. Thời gian nghỉ thai sản cho cha và mẹ nên được xây dựng thành một lựa chọn phù hợp.

Ông nói, “Chúng ta phải làm tốt hơn, và tôi chắc chắn là chúng ta có thể.”

Theo sau phần trình bày của ban chuyên gia, thời gian được mở rộng cho phần đặt câu hỏi và bình luận. Phái đoàn từ Nga lưu ý rằng Tuyên ngôn Toàn cầu về Nhân quyền chân nhận gia đình là đơn vị tự nhiên của xã hội và kêu gọi các cơ quan LHQ và các Chính phủ hãy sử dụng tiềm năng của gia đình cho sự phát triển và hòa hợp trong xã hội. Phái đoàn từ Comoros nói rằng điều vô cùng quan trọng là phải giúp người trẻ nhận biết tầm quan trọng của gia đình.

Copyright © 2019 Permanent Observer Mission of the Holy See to the United Nations, All rights reserved.



[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 21/6/2019]