Thứ Năm, 13 tháng 1, 2022

Diễn từ của Đức Thánh Cha Phanxicô trước các thành viên Ngoại giao đoàn chính thức tại Tòa Thánh

Diễn từ của Đức Thánh Cha Phanxicô trước các thành viên Ngoại giao đoàn chính thức tại Tòa Thánh

Diễn từ của Đức Thánh Cha Phanxicô
trước các thành viên Ngoại giao đoàn chính thức tại Tòa Thánh


Sáng nay, trong Khán Phòng Blessings, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tiếp các thành viên thuộc Ngoại giao đoàn chính thức tại Tòa Thánh đến chúc mừng năm mới.

Sau lời giới thiệu của Trưởng đoàn Ngoại giao, Ngài George Poulides, Đại sứ Cộng hòa Síp tại Tòa thánh, Đức Giáo hoàng đã đọc diễn từ sau:

*****

Diễn từ của Đức Thánh Cha:

Thưa quý ngài Đại sứ, thưa quý ông quý bà!

Ngày hôm qua đã kết thúc mùa phụng vụ Giáng sinh, một thời kỳ đặc biệt để vun đắp các mối tương quan gia đình mà đôi khi chúng ta có thể bị phân tán và xa cách do chúng ta có nhiều cam kết trong năm. Hôm nay chúng ta hãy tiếp tục theo tinh thần đó, khi một lần nữa chúng ta đến với nhau như một đại gia đình để thảo luận và đối thoại. Suy cho cùng, đó là mục đích của mọi hoạt động ngoại giao: giúp giải quyết những bất đồng nảy sinh từ sự chung sống của con người, thúc đẩy sự hòa hợp và nhận ra rằng khi vượt qua sự xung khắc chúng ta có thể khôi phục ý thức về sự hiệp nhất sâu sắc của tất cả mọi thực tại. [1]

Vì thế, tôi xin chân thành cảm ơn quý vị vì ngày hôm nay đến tham dự “buổi họp mặt gia đình” thường niên của chúng ta, một dịp thuận tiện để trao cho nhau những lời chúc tốt đẹp cho Năm Mới và để cùng nhau xem xét kỹ lưỡng những ánh sáng và bóng tối của thời đại chúng ta. Tôi đặc biệt cảm ơn ngài Trưởng đoàn, Ngài George Poulides, Đại sứ nước Cộng hòa Síp, đã có bài phát biểu ân cần với tôi thay mặt cho toàn thể Đoàn Ngoại giao. Thông qua tất cả quý vị, tôi xin gửi lời chào thân ái đến các dân tộc mà quý vị đại diện.

Sự hiện diện của quý vị luôn là một dấu chỉ hữu hình cho thấy sự quan tâm mà các quốc gia của quý vị dành cho Tòa thánh và vai trò của Tòa thánh trong cộng đồng quốc tế. Nhiều người trong quý vị đến từ các thành phố thủ đô khác để tham dự sự kiện hôm nay, hợp cùng nhiều vị Đại sứ cư trú tại Roma, trong đó Liên bang Thụy sĩ sẽ tham gia trong thời gian sớm nhất.

Thưa quý ngài đại sứ,

Trong thời gian hiện tại, chúng ta ý thức rằng cuộc chiến chống đại dịch vẫn đòi hỏi một nỗ thật lớn của tất cả mọi người; chắc chắn năm mới sẽ tiếp tục đòi hỏi khắt khe về mặt này. Coronavirus tiếp tục gây ra sự cách ly xã hội và cướp đi những mạng sống con người. Trong số những người đã qua đời, tôi muốn nhắc đến cố Tổng Giám mục Aldo Giordano, một Sứ thần Tòa thánh nổi tiếng và được kính trọng trong cộng đồng ngoại giao. Đồng thời, chúng ta nhận thấy rằng ở những nơi có chiến dịch tiêm chủng hiệu quả, nguy cơ trở nặng của bệnh đã giảm xuống.

Do đó, điều quan trọng là phải tiếp tục nỗ lực tạo miễn dịch cho người dân nói chung càng nhiều càng tốt. Điều này đòi hỏi một cam kết nhiều thành phần trên các mức độ cá nhân, chính trị và quốc tế. Trước hết, ở cấp độ cá nhân. Mỗi người chúng ta đều có trách nhiệm chăm sóc cho bản thân và sức khỏe của mình, và việc này biến thành sự tôn trọng sức khỏe của những người xung quanh. Chăm sóc sức khỏe là một nghĩa vụ đạo đức. Thật đáng buồn, chúng ta ngày càng nhận thấy rằng chúng ta đang sống trong một thế giới có sự chia rẽ rất lớn về hệ tư tưởng. Con người thường để cho bản thân bị ảnh hưởng bởi hệ tư tưởng của thời đại, thường được trợ lực bởi những thông tin không có cơ sở hoặc những dữ liệu rất ít dẫn chứng. Mọi tuyên bố theo hệ tư tưởng đều cắt đứt mối ràng buộc của lý trí con người với thực tế khách quan của sự vật. Mặt khác, đại dịch thúc giục chúng ta áp dụng một loại “liệu ​​pháp thực tế” khiến chúng ta đối đầu trực tiếp với vấn đề và áp dụng các biện pháp phù hợp để giải quyết nó. Vaccine không phải là một phương tiện chữa bệnh thần kỳ, nhưng cùng với các phương pháp điều trị khác cần được phát triển, chắc chắn chúng là giải pháp hợp lý nhất để phòng ngừa bệnh.

Do đó, cần phải có một cam kết chính trị để theo đuổi lợi ích của người dân nói chung thông qua các biện pháp phòng ngừa và tiêm chủng thu hút sự tham gia của người dân để họ cảm thấy có nghĩa vụ và trách nhiệm, qua việc thảo luận rõ ràng về các vấn đề và các biện pháp thích hợp để giải quyết. Việc thiếu khả năng ra quyết định kiên quyết và thông tin rõ ràng sẽ tạo ra sự lẫn lộn, gây ra nghi ngờ và làm suy yếu sự gắn kết xã hội, tăng thêm những căng thẳng mới. Kết quả là một “chủ nghĩa tương đối xã hội” có hại cho sự hòa hợp và hiệp nhất.

Cuối cùng, cần có một cam kết toàn diện của cộng đồng quốc tế để toàn bộ người dân trên thế giới có thể tiếp cận bình đẳng với các dịch vụ chăm sóc y tế căn bản và vaccines. Chúng ta chỉ có thể ghi nhận cách tiếc nuối rằng với các khu vực rộng lớn trên thế giới, cơ hội tiếp cận phổ cập đối với việc chăm sóc sức khỏe vẫn còn là một ảo tưởng. Vào thời điểm hệ trọng này trong đời sống của nhân loại, tôi xin nhắc lại lời kêu gọi của tôi rằng các chính phủ và các tổ chức tư nhân liên quan hãy thể hiện tinh thần trách nhiệm, phát triển cách phản ứng phối hợp ở mọi cấp độ (địa phương, quốc gia, khu vực, toàn cầu), thông qua các mô hình liên đới và công cụ mới để củng cố năng lực của những quốc gia cần đến nhất. Đặc biệt, tôi kêu gọi tất cả các chính phủ đang nỗ lực thiết lập một công cụ quốc tế để chuẩn bị và ứng phó với đại dịch dưới sự bảo trợ của Tổ chức Y tế Thế giới, áp dụng chính sách chia sẻ rộng rãi như một nguyên tắc chính để bảo đảm mọi người đều được tiếp cận với các công cụ chẩn đoán, vaccine và thuốc. Tương tự như vậy, thật thích đáng khi các tổ chức như Tổ chức Thương mại Thế giới và Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới điều chỉnh các công cụ pháp lý của họ để tránh những quy tắc độc quyền tạo thêm những trở ngại cho việc sản xuất và tiếp cận đối với sự chăm sóc sức khỏe ở cấp độ toàn cầu.

Thưa quý ngài Đại sứ,

Năm ngoái, cũng nhờ việc nới lỏng các hạn chế được áp dụng vào năm 2020, tôi đã có cơ hội tiếp nhiều Nguyên thủ Quốc gia và Chính phủ, cũng như các nhà hữu trách dân sự và tôn giáo khác nhau.

Trong số rất nhiều cuộc gặp gỡ đó, tôi muốn đề cập đến cuộc gặp gỡ ngày 1 tháng Bảy năm 2021, họp mặt suy tư và cầu nguyện cho Li Băng. Với người dân Li Băng thân yêu đang nỗ lực tìm một giải pháp cho cuộc khủng hoảng kinh tế và chính trị đã đeo bám đất nước, hôm nay tôi mong muốn nhắc sự gần gũi và lời cầu nguyện của tôi. Đồng thời, tôi tin rằng những cải tổ cần thiết và sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế sẽ giúp đất nước giữ vững bản sắc thích đáng của mình là mô hình chung sống hòa bình và tình anh em giữa các tôn giáo khác nhau.

Trong năm 2021, tôi đã có thể khôi phục lại các chuyến Tông du của tôi. Vào tháng Ba, tôi rất vui khi được đến Iraq. Đấng Quan phòng đã muốn điều này như là một tín hiệu của hy vọng sau những năm chiến tranh và khủng bố. Người dân Iraq có quyền lấy lại phẩm giá của mình và sống trong hòa bình. Cội nguồn tôn giáo và văn hóa của họ có từ hàng ngàn năm trước: Lưỡng Hà là cái nôi của nền văn minh; chính từ đó Thiên Chúa đã gọi tổ phụ Abraham để bắt đầu lịch sử cứu độ.

Vào tháng Chín, tôi đã đến Budapest để bế mạc Đại hội Thánh Thể Quốc tế, và sau đó đến Slovakia. Đó là cơ hội để tôi gặp gỡ các tín hữu Công giáo và những người Kitô hữu thuộc các nền tảng tuyên xưng khác, và đối thoại với cộng đồng Do Thái. Tôi cũng đã đến Síp và Hy Lạp, một Hành trình vẫn còn sống động trong ký ức của tôi. Chuyến thăm đó cho phép tôi thắt chặt mối tương quan sâu sắc hơn với những người anh em Chính thống giáo của chúng tôi và trải nghiệm tình huynh đệ hiện hữu giữa các nền tảng tuyên xưng Kitô giáo khác nhau.

Một phần rất xúc động trong chuyến đi đó là chuyến thăm đảo Lesbos, ở đó tôi có thể tận mắt nhìn thấy sự quảng đại của tất cả những người đang làm việc để thể hiện lòng hiếu khách và sự giúp đỡ cho những người di cư, nhưng trên hết, được nhìn thấy khuôn mặt của rất nhiều trẻ em và người lớn là khách của các trung tâm hiếu khách này. Đôi mắt của họ nói lên nỗ lực của hành trình, nỗi sợ hãi về một tương lai không chắc chắn, nỗi đau buồn của họ đối với những người thân yêu mà họ đã bỏ lại và nỗi nhớ quê nhà mà họ đã buộc phải bỏ ra đi. Trước những khuôn mặt đó, chúng ta không thể thờ ơ hay núp sau những bức tường và hàng rào thép gai với lý do bảo vệ an ninh hay một phong cách sống. Chúng ta không được làm như vậy.

Do đó, tôi xin cảm ơn tất cả các cá nhân và chính phủ đang làm việc để đảm bảo rằng người di cư được chào đón và bảo vệ, cũng như hỗ trợ việc thăng tiến con người và sự hội nhập của họ ở các quốc gia đã tiếp nhận họ. Tôi nhận thức được những khó khăn mà một số nhà nước đang gặp phải khi đứng trước một làn sóng lớn di dân. Không thể yêu cầu ai làm những gì là không thể đối với họ, tuy nhiên có một sự khác biệt rõ ràng giữa việc tiếp nhận, mặc dù theo cách hạn chế và hoàn toàn từ chối.

Cần phải vượt qua sự thờ ơ và bác bỏ ý kiến cho rằng người di cư là một vấn đề đối với những người khác. Kết quả của cách tiếp cận này thể hiện rõ ở tình trạng phi nhân của những người di cư bị tập trung ở các điểm nóng, nơi họ dễ dàng trở thành con mồi cho tội phạm có tổ chức và những kẻ buôn người, hoặc cố gắng trong tuyệt vọng để trốn thoát nhưng đôi khi kết thúc bằng cái chết. Chúng ta cũng phải lưu ý điều đáng buồn là chính những người di cư thường bị biến thành một vũ khí tống tiền chính trị, trở thành một loại “hàng hóa mặc cả” cướp mất phẩm giá của họ.

Ở đây, tôi xin nhắc lại lòng tri ân của tôi đối với các nhà hữu trách Ý, nhờ quý vị mà một số người từ Síp và Hy Lạp đã có thể cùng tôi đến Roma. Đây là một cử chỉ đơn sơ nhưng đầy ý nghĩa. Với người dân Ý đã gánh chịu nhiều đau khổ khi đại dịch bắt đầu, nhưng đã cho thấy những tín hiệu phục hồi đáng khích lệ, tôi chân thành hy vọng rằng họ sẽ luôn duy trì tinh thần quảng đại, cởi mở và liên đới đặc trưng của mình.

Đồng thời, tôi cho rằng Liên minh Châu Âu cần phải tiến đến sự gắn kết nội bộ trong việc xử lý các phong trào di cư, giống như cách mà họ đã làm trong việc đối phó với những tác động của đại dịch. Cần phải thông qua một hệ thống đồng bộ và toàn diện để phối hợp các chính sách về di cư và tị nạn, nhằm chia sẻ trách nhiệm trong việc tiếp nhận người di cư, xem xét các yêu cầu xin tị nạn, tái phân bổ và hội nhập những người có thể được tiếp nhận. Khả năng đàm phán và tìm ra các giải pháp chung là một trong những điểm mạnh của Liên minh Châu Âu; nó đại diện cho một mô hình cho cách tiếp cận có tầm nhìn xa trông rộng đối với những thách thức toàn cầu trước mắt chúng ta.

Tuy nhiên, vấn đề di cư không chỉ liên quan riêng đến Châu Âu, mặc dù Châu lục bị ảnh hưởng đặc biệt bởi các làn sóng người di cư đến từ Châu Phi và từ Châu Á. Trong những năm gần đây, chúng ta đã chứng kiến một cuộc di tản của những người tị nạn Syria, và những người khác, và gần đây nhiều người đã chạy trốn khỏi Afghanistan. Chúng ta cũng không thể bỏ qua những phong trào di cư ồ ạt trên lục địa Châu Mỹ đè nặng ở vùng biên giới giữa Mexico và Hoa Kỳ. Nhiều người trong số các di dân này là người Haiti đang chạy trốn khỏi những thảm kịch đã xảy ra với đất nước của họ trong những năm gần đây.

Vấn đề di cư, cùng với đại dịch và biến đổi khí hậu, đã chứng minh rõ rằng chúng ta không thể được cứu thoát một mình và bởi chính mình: những thách thức lớn của thời đại chúng ta đều mang tính toàn cầu. Do đó, cùng với mối liên kết lớn hơn giữa các vấn đề, điều đáng lo ngại là chúng ta đang thấy sự phân mảnh các giải pháp ngày càng nhiều. Không có gì lạ khi gặp phải tình trạng không sẵn lòng mở cửa đối thoại và không gian của tình huynh đệ; điều này chỉ làm tăng thêm những căng thẳng và chia rẽ, cũng như cảm giác chung về sự bấp bênh và bất ổn. Thay vào đó, điều cần thiết là khôi phục ý thức của chúng ta về căn tính chung là một gia đình nhân loại duy nhất. Sự lựa chọn khác chỉ có thể dẫn đến tình trạng cô lập ngày càng gia tăng, với sự khước từ và chối bỏ lẫn nhau làm cho chủ nghĩa đa phương ngày càng lâm vào tình trạng nguy hiểm. Tính đa phương là phong cách ngoại giao đặc trưng cho các mối quan hệ quốc tế từ khi kết thúc Đệ Nhị Thế chiến đến nay.

Cho đến nay, đã có lúc ngoại giao đa phương phải trải qua sự khủng hoảng lòng tin, do sự giảm sút uy tín của các hệ thống xã hội, chính phủ và liên chính phủ. Các nghị quyết, tuyên bố và quyết định quan trọng thường được đưa ra mà không trải qua quá trình đàm phán thực sự trong đó tất cả các quốc gia đều có tiếng nói. Sự mất cân bằng này, hiện đã trở nên rõ ràng, đã gây ra sự bất bình của nhiều chính phủ đối với các cơ quan quốc tế; nó cũng làm suy yếu hệ thống đa phương nói chung, với kết quả là nó ngày càng trở nên kém hiệu quả hơn trong việc đương đầu với những thách thức toàn cầu.

Tính hiệu quả của nhiều tổ chức quốc tế bị giảm sút cũng là do các thành viên của họ có những tầm nhìn khác nhau về mục tiêu mà họ muốn theo đuổi. Nhiều khi trọng tâm của mối quan tâm đã bị chuyển sang các vấn đề mà bản chất gây chia rẽ của chúng không thuộc về mục tiêu của tổ chức. Từ đó các chương trình nghị sự bị sai khiến ngày càng nhiều bởi một quan niệm phủ nhận nền tảng tự nhiên của con người và cội nguồn văn hóa cấu thành bản sắc của nhiều dân tộc. Như tôi đã nói trong những dịp khác, tôi xem đây là một hình thức thực dân hóa tư tưởng, một hình thức không có chỗ cho tự do bày tỏ và hiện đang nằm dưới hình thức “hủy bỏ văn hóa” xâm nhập vào nhiều giới và các tổ chức công. Dưới vỏ bọc là bảo vệ tính đa dạng, nó dẫn đến việc phá bỏ mọi ý thức về bản sắc, với nguy cơ dập tắt tiếng nói các lập trường bảo vệ sự hiểu biết cân bằng và đầy tôn trọng đối với những sự nhạy cảm khác nhau. Một loại “tư duy một chiều” [pensée unique] nguy hiểm đang hình thành, nó buộc phải phủ nhận lịch sử hoặc tệ hơn nữa là viết lại lịch sử theo các phạm trù của ngày nay, trong khi mọi hoàn cảnh lịch sử đều phải được giải thích dưới ánh sáng thông diễn học của thời gian cụ thể đó, không phải của ngày nay.

Do đó, ngoại giao đa phương được kêu gọi phải thực sự mang tính bao gồm, không hủy bỏ nhưng tôn trọng những khác biệt sự nhạy cảm đã ghi dấu ấn trong lịch sử của các dân tộc khác nhau. Bằng cách này, nó sẽ lấy lại uy tín và tính hiệu quả khi đối mặt với những thách thức sắp tới, trong đó đòi hỏi con người phải đoàn kết với nhau như một đại gia đình, bắt đầu từ những quan điểm khác nhau, để chứng tỏ khả năng tìm ra các giải pháp chung vì lợi ích của tất cả mọi người. Điều này đòi hỏi sự tin tưởng lẫn nhau và sẵn sàng đối thoại; nó yêu cầu phải “lắng nghe lẫn nhau, chia sẻ quan điểm khác nhau, đi đến sự đồng thuận và cùng nhau tiến bước”.[2] Thật vậy, “đối thoại là cách tốt nhất để thực hiện những điều luôn phải được khẳng định và tôn trọng ngoại trừ sự đồng thuận chóng tàn”. [3] Chúng ta cũng không nên bỏ qua “sự tồn tại của những giá trị lâu bền”. [4] Những điều đó không dễ dàng để phân định, nhưng chấp nhận chúng “tạo nên một nền đạo đức xã hội vững chắc và khỏe mạnh. Một khi những giá trị nền tảng đó được chấp nhận thông qua đối thoại và sự đồng thuận, chúng ta nhận thấy rằng chúng vượt lên trên sự nhất trí”. [5] Ở đây tôi đặc biệt muốn đề cập đến quyền đối với sự sống, từ khi thụ thai cho đến khi kết thúc tự nhiên của nó, và quyền tự do tôn giáo.

Về vấn đề này, trong những năm gần đây, chúng ta đã nhìn thấy nhận thức chung ngày càng nhiều đối với nhu cầu cấp thiết phải chăm sóc cho ngôi nhà chung của chúng ta phải gánh chịu hậu quả do sự bóc lột tài nguyên liên tục và cách bừa bãi. Ở đây, tôi đặc biệt nghĩ đến Philippines đã bị tấn công bởi một trận bão kinh hoàng trong những tuần trước, và các quốc gia khác ở Thái Bình Dương trở nên dễ bị tổn thương bởi những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, gây nguy hiểm cho cuộc sống của cư dân trong những đất nước đó, hầu hết những người sống phụ thuộc vào nông nghiệp, đánh bắt cá và tài nguyên thiên nhiên.

Chính nhận thức thấu suốt này phải là động lực thúc đẩy cộng đồng quốc tế nói chung khám phá và thực hiện các giải pháp chung. Không ai có thể xem mình được miễn trừ khỏi nỗ lực này, vì tất cả chúng ta đều góp phần và bị ảnh hưởng theo cách bình đẳng. Tại hội nghị COP26 gần đây ở Glasgow, một số bước đi đúng hướng đã được thực hiện, mặc dù chúng còn khá nhỏ so với mức độ nghiêm trọng của vấn đề phải đối mặt. Con đường đạt được những mục tiêu của Thỏa thuận Paris rất phức tạp và có vẻ dài, trong khi thời gian cần có cho chúng ta ngày càng ngắn. Vẫn còn nhiều việc phải làm, và vì vậy năm 2022 sẽ là một năm cơ bản nữa để xác minh mức độ và cách thức mà các quyết định đưa ra ở Glasgow có thể và cần được củng cố hơn nữa theo quan điểm của COP27, được lên kế hoạch cho Ai Cập vào tháng Mười Một tới.

Thưa quý ngài Đại sứ, thưa quý ông quý bà!

Đối thoại và tình huynh đệ là hai trọng tâm thiết yếu trong nỗ lực của chúng ta để vượt qua khủng hoảng của thời điểm hiện tại. Tuy nhiên, “bất chấp nhiều nỗ lực nhằm mang đến đối thoại mang tính xây dựng giữa các quốc gia, tiếng ồn ào chói tai của chiến tranh và xung đột đang ngày càng gia tăng”. [6] Toàn thể cộng đồng quốc tế phải giải quyết nhu cầu cấp thiết là tìm ra các giải pháp cho những cuộc xung đột vô tận mà nhiều khi xuất hiện như những cuộc chiến do sự xúi bẩy thật sự.

Tôi nghĩ trước hết đến Syria, một quốc gia mà sự tái sinh của nó vẫn chưa hiện rõ ở đường chân trời. Ngay cả hôm nay, người dân Syria vẫn khóc thương những người đã khuất và mất mát mọi thứ, và tiếp tục hy vọng vào một tương lai tốt đẹp hơn. Cải cách chính trị và hiến pháp là cần thiết để tái sinh đất nước, nhưng việc áp đặt các biện pháp trừng phạt không nên đánh trực tiếp vào đời sống hàng ngày, nhằm mang đến tia hy vọng cho người dân nói chung, đang ngày càng bị kìm kẹp bởi đói nghèo.

Chúng ta cũng không thể bỏ qua cuộc xung đột ở Yemen, một thảm kịch con người đã diễn ra trong nhiều năm, âm thầm, không được sự chú ý của giới truyền thông và một phần thờ ơ của cộng đồng quốc tế, cho dù vẫn tiếp tục có nhiều dân thường là nạn nhân, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em.

Trong năm qua, đã không có bước tiến nào được thực hiện trong tiến trình hòa bình giữa Israel và Palestine. Tôi thật sự muốn nhìn thấy hai dân tộc này xây dựng lại lòng tin lẫn nhau và khôi phục lại đối thoại trực tiếp với nhau, để đạt tới tình trạng họ có thể sống với hai nhà nước song song, trong hòa bình và an ninh, không có hận thù và bất bình, nhưng là sự chữa lành được sinh ra từ việc tha thứ cho nhau.

Các mối quan ngại khác là tình trạng căng thẳng thể chế ở Libya, các đợt bạo lực của chủ nghĩa khủng bố quốc tế ở khu vực Sahel, và các cuộc xung đột trong nước ở Sudan, Nam Sudan và Ethiopia, là những nơi cần “tìm lại con đường hòa giải và hòa bình thông qua một sự gặp gỡ thẳng thắn đặt nhu cầu của mọi người lên trên tất cả”. [7]

Các tình trạng bất bình đẳng và bất công sâu sắc, nạn tham nhũng phổ biến và các hình thức nghèo đói khác nhau tấn công nhân phẩm cũng tiếp tục làm tăng thêm các cuộc xung đột xã hội trên lục địa Châu Mỹ, nơi mà tình trạng phân cực ngày càng tăng không giúp giải quyết các vấn đề thật sự và cấp bách của người dân, đặc biệt là những những người nghèo và dễ bị tổn thương nhất.

Sự tin tưởng lẫn nhau và sẵn sàng tham gia thảo luận bình tĩnh cần phải truyền cảm hứng cho tất cả các bên đang có nguy cơ, để có thể tìm thấy các giải pháp thỏa đáng và lâu dài ở Ukraine và ở nam Caucasus, và có thể tránh bùng phát các cuộc khủng hoảng mới ở vùng Balkan, chủ yếu ở Bosnia và Herzegovina.

Đối thoại và tình huynh đệ là tất cả những gì cần thiết hơn bao giờ hết để đối phó cách khôn ngoan và hiệu quả với cuộc khủng hoảng đã ảnh hưởng đến Myanmar gần một năm nay; những đường phố của đất nước từng là nơi gặp gỡ, giờ đây là cảnh chiến đấu không tha cho một nơi cầu nguyện.

Đương nhiên, những cuộc xung đột này càng trở nên trầm trọng hơn bởi lượng vũ khí dồi dào sẵn có và sự vô lương tâm của những người luôn tìm mọi cách để cung cấp chúng. Đôi khi, chúng ta tự đánh lừa mình khi cho rằng những vũ khí này dùng để làm nhụt chí những kẻ xâm lược tiềm tàng. Thật đáng buồn, lịch sử và ngay cả các bản tin hàng ngày cho thấy rõ rằng điều này không phải như vậy. Những người sở hữu vũ khí cuối cùng sẽ sử dụng chúng, vì như Thánh Phaolô VI đã nhận xét, “một người không thể yêu thương với các loại vũ khí tấn công sẵn có trong tay”. [8] Hơn nữa, “Khi chúng ta nhượng bộ trước luận lý của vũ khí và xa rời việc đối thoại, chúng ta quên mất điều nguy hại cho chúng ta là ngay cả trước khi gây ra các nạn nhân và sự tàn phá, vũ khí có thể tạo ra ác mộng”. [9] Ngày nay, những lo ngại này càng trở nên thật hơn, nếu chúng ta tính đến sự sẵn có và việc sử dụng các hệ thống vũ khí tự động có thể gây ra những hậu quả khủng khiếp và không lường trước được, và trách nhiệm cần phải là của cộng đồng quốc tế.

Trong số các loại vũ khí mà con người đã sản xuất ra, vũ khí nguyên tử là mối quan ngại đặc biệt. Vào cuối tháng Mười Hai vừa qua, Hội nghị Duyệt xét lần thứ 10 của các bên tham gia Hiệp ước Không phổ biến vũ khí Nguyên tử, được lên kế hoạch họp tại New York trong những ngày này, một lần nữa bị hoãn lại do đại dịch. Một thế giới không có vũ khí nguyên tử là khả thi và cần thiết. Do đó, tôi bày tỏ hy vọng rằng cộng đồng quốc tế sẽ coi Hội nghị đó là một cơ hội để thực hiện một bước quan trọng theo hướng đi này. Tòa Thánh tiếp tục kiên định khẳng định rằng trong thế kỷ XXI, vũ khí nguyên tử là một phương tiện không thỏa đáng và không phù hợp để trả lời cho các mối đe dọa an ninh, và việc sở hữu chúng là phi đạo đức. Việc sản xuất chúng làm chuyển hướng các nguồn lực ra khỏi sự phát triển toàn diện của con người, và hoạt động của chúng không chỉ gây ra những hậu quả thảm khốc về nhân đạo và môi trường, mà còn đe dọa sự tồn tại của nhân loại. Cũng vậy, Tòa Thánh cũng coi việc nối lại các đàm phán về hiệp định nguyên tử với Iran ở Vienna (Kế hoạch Hành động Toàn diện chung) đạt được những kết quả tích cực là quan trọng, nhằm đảm bảo một thế giới an ninh và huynh đệ hơn.

Thưa quý ngài đại sứ!

Trong Sứ điệp Ngày Thế giới Hòa bình của tôi được tổ chức vào ngày 1 tháng Một vừa qua, tôi đã tìm cách làm nổi bật lên một số yếu tố mà tôi cho là cần thiết để thúc đẩy văn hóa đối thoại và huynh đệ.

Giáo dục có một vị trí đặc biệt, vì nó đào tạo thế hệ trẻ, là tương lai và hy vọng của thế giới. Thật vậy, giáo dục là phương tiện chính cho sự phát triển toàn diện của con người, vì nó làm cho các cá nhân trở nên tự do và có trách nhiệm. [10] Tiến trình giáo dục thường chậm và đòi hỏi nhiều công sức, đôi khi có thể dẫn đến sự chán nản, nhưng chúng ta không bao giờ có thể từ bỏ nó. Đó là một biểu hiện tuyệt vời của đối thoại, vì không một nền giáo dục chân chính nào có thể thiếu cấu trúc đối thoại. Cũng vậy, giáo dục tạo ra văn hóa và xây dựng những nhịp cầu gặp gỡ giữa các dân tộc. Tòa Thánh mong muốn nhấn mạnh đến tầm quan trọng của giáo dục qua việc tham gia hội chợ Expo 2021 tại Dubai, với gian hàng lấy cảm hứng từ chủ đề của Expo: “Kết nối trí óc, xây dựng tương lai.”

Giáo hội Công giáo luôn chân nhận và coi trọng vai trò của giáo dục đối với sự phát triển tinh thần, đạo đức và xã hội của người trẻ. Vì vậy, tôi thật đau lòng khi thừa nhận rằng trong các môi trường giáo dục khác nhau – các giáo xứ và trường học – việc lạm dụng trẻ vị thành niên đã xảy ra, dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng về tâm lý và tinh thần cho những người đã chịu đựng chúng. Đây là tội ác, và chúng đòi phải có một quyết tâm điều tra toàn diện, xem xét từng trường hợp để xác định rõ trách nhiệm, đảm bảo công lý cho các nạn nhân và ngăn chặn những sự tàn ác tương tự không xảy ra trong tương lai.

Trước mức độ nghiêm trọng của những hành vi như vậy, không một xã hội nào có thể thoái thác trách nhiệm của mình đối với giáo dục. Tuy nhiên, điều đáng tiếc là ngân sách nhà nước thường phân bổ ít nguồn lực cho giáo dục, thường được coi là một khoản chi hơn là một khoản đầu tư tốt nhất cho tương lai.

Đại dịch đã ngăn cản nhiều người trẻ không được đến trường, gây tổn hại đến sự phát triển cá nhân và xã hội của họ. Công nghệ hiện đại cho phép nhiều người trẻ trú ẩn trong các thực tế ảo tạo ra những liên kết mạnh mẽ về tâm lý và tình cảm nhưng lại cô lập họ với những người và thế giới xung quanh, làm thay đổi hoàn toàn các mối tương quan xã hội. Khi đưa ra quan điểm này, tôi không có ý định phủ nhận tính hữu ích của công nghệ và các sản phẩm của nó giúp chúng ta có thể kết nối với nhau cách dễ dàng và nhanh chóng, nhưng tôi khẩn thiết kêu gọi rằng chúng ta hãy cẩn thận kẻo những công cụ này sẽ thay thế cho các mối tương quan của con người ở mức độ giữa các cá nhân, gia đình, xã hội và quốc tế. Nếu chúng ta học cách tự cô lập mình ngay từ khi còn nhỏ, thì việc xây dựng những nhịp cầu của tình huynh đệ và hòa bình sau này sẽ trở nên khó khăn hơn. Trong một thế giới chỉ có “tôi”, thật khó để nhường chỗ cho “chúng tôi”.

Điều thứ hai mà tôi muốn nói ngắn gọn là lao động, là “một yếu tố không thể thiếu trong việc xây dựng và giữ gìn hòa bình. Lao động là sự thể hiện bản thân và những tài năng của chúng ta, nhưng cũng là sự cam kết, tự đầu tư và hợp tác của chúng ta với những người khác, vì chúng ta luôn làm việc với hoặc cho người khác. Nhìn ở góc độ xã hội rõ ràng này, nơi làm việc cho phép chúng ta học cách đóng góp cho một thế giới tươi đẹp và đáng sống hơn”. [11]

Chúng ta đã thấy rằng đại dịch đã thử thách nặng nề nền kinh tế toàn cầu, với những ảnh hưởng nghiêm trọng đối với các gia đình và người lao động đã trải qua những tình huống căng thẳng tâm lý ngay cả trước khi những khó khăn kinh tế bắt đầu. Điều này càng làm nổi bật tình trạng bất bình đẳng kéo dài trong các lĩnh vực kinh tế và xã hội khác nhau. Ở đây chúng ta có thể nói đến quyền tiếp cận nước sạch, lương thực, giáo dục và chăm sóc y tế. Số người rơi vào diện cực nghèo đã tăng lên rõ rệt. Ngoài ra, cuộc khủng hoảng sức khỏe buộc nhiều người lao động phải thay đổi ngành nghề, và trong một số trường hợp buộc họ phải tham gia vào nền kinh tế ngầm, khiến họ mất đi sự bảo trợ xã hội vốn có ở nhiều nước.

Trong bối cảnh này, chúng ta càng nhìn thấy rõ hơn tầm quan trọng của lao động, vì sự phát triển kinh tế không thể thiếu nó, cũng như không thể nghĩ rằng công nghệ hiện đại có thể thay thế giá trị thặng dư sức lao động của con người. Lao động của con người tạo cơ hội cho việc khám phá phẩm giá riêng của chúng ta, để gặp gỡ với người khác và giúp cho sự trưởng thành của con người; đó là một phương tiện đặc quyền, qua đó mỗi người tham gia tích cực vào ích chung và giúp đóng góp cụ thể cho hòa bình. Ở đây, cần có sự hợp tác lớn hơn giữa tất cả các nhân tố ở cấp độ địa phương, quốc gia, khu vực và toàn cầu, đặc biệt là trong ngắn hạn, trước những thách thức đặt ra bởi quá trình chuyển đổi sinh thái mong muốn. Những năm tới sẽ là thời điểm cơ hội để phát triển các dịch vụ và doanh nghiệp mới, thích ứng với những dịch vụ và doanh nghiệp hiện có, tăng khả năng tiếp cận với việc làm đúng phẩm giá và tạo ra các phương thức mới để đảm bảo việc tôn trọng quyền con người và mức đãi ngộ tương xứng cũng như sự bảo trợ xã hội.

Thưa quý ngài Đại sứ, thưa quý ông quý bà,

Tiên tri Giêrêmia nói với chúng ta rằng Thiên Chúa có “kế hoạch thịnh vượng, chứ không phải tai ương, để các ngươi có một tương lai và một niềm hy vọng” (29:11). Vì vậy, chúng ta đừng sợ hãi, hãy tạo không gian cho sự bình an trong cuộc sống của chúng ta bằng cách nuôi dưỡng đối thoại và tình huynh đệ với nhau. Món quà hòa bình có “tính lây truyền”; nó tỏa rạng từ tâm hồn của những người khao khát nó và mong muốn chia sẻ nó, và lan tỏa trên toàn thế giới. Tôi xin chúc phúc và gửi những lời chúc tốt đẹp cho một năm bình an và hòa bình đến từng quý ngài, gia đình của quý ngài và dân tộc mà quý ngài đại diện.

Cảm ơn quý ngài!







[1] Cf. Apostolic Exhortation Evangelii Gaudium (24 November 2013), 226-230.


[3] Encyclical Letter Fratelli Tutti (3 October 2020), 211.




[7] Urbi et Orbi Message, 25 December 2021.

[8] Address to the United Nations (4 October 1965), 5.






[Nguồn: vatican.va]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 12/1/2022]


Cơ quan thông tấn Vatican báo cáo 22 nhà thừa sai bị sát hại trong năm 2021

Cơ quan thông tấn Vatican báo cáo 22 nhà thừa sai bị sát hại trong năm 2021

Cơ quan thông tấn Vatican báo cáo 22 nhà thừa sai bị sát hại trong năm 2021

Estelle Ruiz / Hans Lucas / Hans Lucas via AFP

Portrait du père Olivier Maire, assassiné dans la nuit du 8 au 9 août 2021.

I.Media for Aleteia

30/12/21 - updated on 12/30/21


22 nhà thừa sai đã bị sát hại trên toàn thế giới trong năm 2021 — nhiều hơn hai người so với năm 2020 — cơ quan thông tấn Fides của Vatican cho biết. Một nửa số các vị thừa sai đó là linh mục.

Trong năm 2021, có 22 nhà thừa sai đã bị giết trên toàn thế giới — nhiều hơn hai người so với năm 2020 — cơ quan truyền thông Fides của Vatican báo cáo vào ngày 30 tháng Mười Hai năm 2021. Một nửa trong số các nhà thừa sai là linh mục. Trong số đó có Cha Olivier Maire, người Pháp, thuộc Dòng Montfortian.

Fides — một cơ quan thông tấn hoạt động bằng bảy ngôn ngữ, bao gồm cả tiếng Trung Quốc và Ả Rập, thuộc Bộ Truyền giảng Phúc âm cho các Dân tộc — công bố cuộc khảo sát thường niên về những người Công giáo bị “chết do bạo lực” khi thi hành sứ mệnh.

Theo số liệu thu thập được trong năm nay, 13 linh mục, 1 tu sĩ, 2 nữ tu và 6 giáo dân đã chính thức được đưa vào danh sách. Châu Phi có số nhà thừa sai bị giết nhiều nhất, với 11 vị (7 linh mục, 2 tu sĩ, 2 giáo dân), trong đó có 4 linh mục ở Nigeria và một tu sĩ và một giáo dân ở Nam Sudan. Bốn nhà thừa sai khác ở Angola, Burkina Faso, Cộng hòa Trung Phi và Uganda.

Tiếp theo là Châu Mỹ với 7 nhà truyền giáo bị giết (4 linh mục, 1 tu sĩ, 2 giáo dân), 4 vị ở Mexico, và những vị khác ở Venezuela, Peru và Haiti; sau đó là Châu Á có 3 nhà thừa sai bị giết (1 linh mục ở Philippines, 2 giáo dân trẻ ở Miến Điện). Hầu hết họ không phải là người nước ngoài; họ đã chết trên chính mảnh đất nơi họ sinh ra, Fides lưu ý.

Ở Châu Âu, một linh mục bị giết là Cha Olivier Maire, Giám tỉnh Dòng Thừa sai Montfort Pháp, được tìm thấy chết ở tỉnh Vendée vào ngày 9 tháng Tám. Một người di cư gốc Rwandan, được cảnh sát nhận diện vì đã phóng hỏa đốt nhà thờ ở Nantes vào tháng Bảy năm 2020, và là người mà cộng đoàn dòng tu đang che chở dưới sự giám sát của tư pháp, đã tự đầu thú với cảnh sát và nhận tội.

Trong những năm gần đây, Châu Phi và Châu Mỹ lần lượt đứng đầu “danh sách thảm kịch” này, cơ quan này lưu ý. Nhưng những con số ở đây chỉ đại diện cho “phần nổi của tảng băng chìm” bởi vì Fides chỉ xét đến những dữ liệu đáng tin cậy nhất; tên của nhiều nạn nhân sẽ không bao giờ được công bố.

Theo cùng một nguồn báo cáo, từ năm 2001 đến năm 2020, 505 nhà truyền giáo đã bị giết trên toàn thế giới. “Họ không thể không làm chứng,” Fides ca ngợi chứng tá Kitô giáo của họ trong “những cử chỉ nhỏ bé mỗi ngày”.


[Nguồn: aleteia]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 13/1/2022]