Thứ Hai, 16 tháng 3, 2020

Huấn từ Kinh Truyền tin Chúa nhật Thứ Ba Mùa Chay: Sự gặp gỡ của Chúa Giê-su với người phụ nữ Sa-ma-ri

Huấn từ Kinh Truyền tin Chúa nhật Thứ Ba Mùa Chay: Sự gặp gỡ của Chúa Giê-su với người phụ nữ Sa-ma-ri
© Vatican Media

Huấn từ Kinh Truyền tin Chúa nhật Thứ Ba Mùa Chay: Sự gặp gỡ của Chúa Giê-su với người phụ nữ Sa-ma-ri

‘Ngài mạc khải cho người phụ nữ đó mầu nhiệm của nước hằng sống, tức là Chúa Thánh Thần’

15 tháng Ba, 2020 15:02

Dưới đây là bản dịch (tiếng Anh) của ZENIT huấn từ của Đức Thánh Cha Phanxico hôm nay, trước và sau giờ đọc Kinh Truyền tin trong Thư viện của Điện Tông tòa.


* * *

Trước Kinh Truyền tin:

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Giây phút này, Thánh Lễ kết thúc ở Milan để Đức Tổng Giám mục dâng Lễ ở Polyclinic cho các bệnh nhân, bác sĩ, y tá và những người thiện nguyện. Đức Tổng Giám mục gần gũi với dân của ngài và cũng gần gũi với Thiên Chúa trong lời cầu nguyện. Chợt hiện lên trong đầu cha là tấm ảnh của tuần trước: một mình ngài dưới mái Duomo (nhà thờ chính tòa) để cầu nguyện với Đức Mẹ. Cha cũng xin gửi lời cảm ơn tất cả các linh mục vì sự sáng tạo của các cha. Rất nhiều thông tin về sự sáng tạo này đến với cha từ Lombardy. Quả thật; Lombardy chịu ảnh hưởng nặng nề. Các linh mục đã tìm ra một ngàn cách để gần gũi với dân Chúa, để người dân không cảm thấy bị bỏ rơi; các linh mục với lòng nhiệt thành tông đồ là người hiểu rất rõ rằng chính trong những thời gian của đại dịch thì con người không được trở thành “Tô-ma kém lòng tin”. Xin cảm ơn rất nhiều, các anh em linh mục.

Trích đoạn phúc âm của Chúa nhật thứ Ba Mùa Chay này trình bày sự gặp gỡ của Chúa Giê-su với một người phụ nữ người Sa-ma-ri (x. Ga 4:5-42). Ngài đang trên đường đi cùng với các môn đệ và họ dừng lại gần một giếng nước ở Sa-ma-ri. Người Sa-ma-ri bị người Do Thái xem là người ngoại giáo và rất bị khinh miệt, như là những công dân hạng hai. Chúa Giê-su thì mệt và khát nước. Một người phụ nữ đến để lấy nước và Ngài xin chị ta: “Chị cho tôi xin chút nước uống” (c. 7). Như vậy, phá vỡ mọi rào cản, Ngài bắt đầu một cuộc đối thoại trong đó Ngài mạc khải cho người phụ nữ mầu nhiệm của nước hằng sống, tức là Chúa Thánh Thần, món quà của Thiên Chúa. Thật vậy, sự phản ứng của người phụ nữ là sự ngạc nhiên, Chúa Giê-su trả lời: “Nếu chị nhận ra ân huệ Thiên Chúa ban, và ai là người nói với chị: ‘Cho tôi chút nước uống’, thì hẳn chị đã xin, và người ấy đã ban cho chị nước hằng sống” (c. 10).

Nước là trung tâm của cuộc đối thoại. Về một mặt, nước là một yếu tố thiết yếu để sống, nó làm dịu cơn khát của cơ thể và duy trì sự sống. Về mặt khác, nước là một sự tượng trưng cho ân sủng của Thiên Chúa, trao ban sự sống đời đời. Trong truyền thống Kinh Thánh Thiên Chúa là nguồn mạch của nước hằng sống — vì vậy trong các Thánh Vịnh, trong sách các Tiên tri: xa rời Thiên Chúa là nguồn mạch của nước hằng sống, và Lề Luật của Người sẽ phải chịu cơn khát nặng nề nhất. Đó là kinh nghiệm của dân Israel trong sa mạc. Trên hành trình dài tìm đến tự do, bị khát khô, họ chống lại ông Môi-sê và chống lại Thiên Chúa vì không có nước. Rồi, theo chỉ thị của Chúa, ông Môi-sê làm cho nước chảy ra từ một tảng đá, như dấu chỉ sự Quan phòng của Thiên Chúa, Đấng đồng hành với Dân Người và ban cho họ sự sống (x. Xh 17:1-7).

Và Thánh Tông đồ Phaolo giải thích rằng tảng đá đó tượng trưng cho Đức Ki-tô. Ngài nói như vầy: “và tảng đá ấy chính là Đức Kik-tô” (x. 1 Cr 10:4). Đó là hình ảnh huyền nhiệm của sự hiện hữu của Người giữa dân Chúa đang bước đi. Thật vậy, theo thị kiến của các ngôn sứ, Đức Ki-tô là Đền thờ tuôn chảy Thánh Thần, tức là mạch nước hằng sống thanh tẩy và trao ban sự sống. Người khát ơn cứu độ có thể kín múc tự do từ Chúa Giê-su, và Chúa Thánh Thần ở trong người đó sẽ trở thành nguồn mạch tràn đầy sự sống trường sinh. Lời hứa về nước hằng sống, mà Chúa Giê-su nói với người phụ nữ Sa-ma-ri, đã trở thành thực tại trong cuộc Vượt qua của Người: từ cạnh sườn bị đâm thâu của Người “máu và nước” chảy ra (Ga 19:34). Đức Ki-tô, là Chiên bị sát tế và phục sinh, là nguồn mạch của những dòng suối Thánh Thần, Đấng xóa bỏ tội lỗi và tái sinh sự sống mới.

Món quà này cũng là nguồn mạch của chứng tá. Như người phụ nữ Sa-ma-ri, là người khi gặp gỡ Chúa Giê-su liền cảm thấy cần phải kể lại cho những người khác, để tất cả đến và tuyên xưng rằng Chúa Giê-su “thật là Đấng Cứu độ trần gian” (Ga 4:42), như những người cùng làng của người phụ nữ đó nói. Chúng ta cũng vậy, tái sinh trong sự sống mới qua Bí tích Rửa tội, được kêu gọi để làm chứng cho sự sống và niềm hy vọng trong chúng ta. Nếu việc tìm kiếm và cơn khát của chúng ta tìm được sự thỏa mãn trong Đức Ki-tô, chúng ta sẽ chứng minh rằng ơn cứu độ không nằm trong những “thứ” thuộc thế gian này, là những điều cuối cùng chỉ tạo ra sự khô cằn, nhưng trong Ngài là Đấng yêu thương chúng ta và luôn yêu thương chúng ta: Chúa Giê-su là Đấng Cứu độ chúng ta, trong nước hằng sống mà Ngài tặng ban cho chúng ta.

Nguyện xin Mẹ Maria rất Thánh giúp chúng ta biết nuôi dưỡng khát khao Đức Ki-tô, nguồn mạch của nước hằng sống, Đấng Duy nhất có thể làm dịu cơn khát sự sống và sự yêu thương mà chúng ta mang trong lòng.

[Văn bản chính: tiếng Ý] [Bản dịch (tiếng Anh) của Virginia M. Forrester của ZENIT]

© Libreria Editrice Vatican



Sau Kinh Truyền tin:

Anh chị em thân mến,

Trong những ngày này Quảng trường Thánh Phê-rô đóng cửa, nên lời chào của cha gửi trực tiếp đến anh chị em được kết nối qua các phương tiện truyền thông.

Trong tình hình đại dịch này, trong đó chúng ta thấy mình đang có cuộc sống cách ly ít hoặc nhiều, chúng ta được mời gọi hãy tái khám phá và suy tư nhiều hơn về giá trị của sự hiệp thông, nó liên kết tất cả các thành viên của Giáo hội. Được kết hiệp trong Đức Ki-tô, chúng ta không bao giờ cô đơn, nhưng chúng ta tạo thành một thân thể, mà Người là Đầu. Đó là một sự hiệp nhất được nuôi dưỡng bằng cầu nguyện, và cũng bằng việc rước Thánh Thể thiêng liêng, một cách thực hành tuyệt vời khi không thể rước Thánh Thể. Cha nói điều này cho tất cả mọi người, đặc biệt cho những anh chị em đang sống một mình.

Cha xin gửi tình cảm gần gũi đến tất cả anh chị em bệnh nhân và những người đang chăm sóc họ, cũng như rất nhiều nhà hoạt động và thiện nguyện viên giúp đỡ những người không thể ra khỏi nhà, và tất cả những ai giúp đáp ứng nhu cầu của những người nghèo nhất và người vô gia cư.

Cảm ơn rất nhiều vì tất cả mọi nỗ lực mà từng người anh chị em thể hiện để giúp đỡ trong thời khắc ngặt nghèo này. Xin Chúa chúc lành cho anh chị em, xin Mẹ Maria bảo vệ anh chị em, và xin đừng quên cầu nguyện cho cha. Chúc anh chị em Chúa nhật hạnh phúc và bữa trưa ngon miệng! Cảm ơn anh chị em!

[Văn bản chính: tiếng Ý] [Bản dịch (tiếng Anh) của Virginia M. Forrester của ZENIT]

© Libreria Editrice Vatican



[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 16/3/2020]


Đức Thánh Cha Phanxico rời Vatican để cầu nguyện tại hai nhà thờ

Đức Thánh Cha Phanxico rời Vatican để cầu nguyện tại hai nhà thờ

Đức Thánh Cha Phanxico rời Vatican để cầu nguyện tại hai nhà thờ
VATICAN MEDIA | AFP

15 tháng Ba, 2020

Ngài dừng lại cầu nguyện trước một Thánh giá đã được rước trong một cuộc rước kiệu 16 ngày để ngăn Đại dịch.

Đức Thánh Cha rời khỏi Vatican hôm Chúa nhật để đến viếng hai địa điểm hành hương quan trọng ở Roma để cầu nguyện cho thành phố và toàn thế giới. Ngài dừng chân tại hai nơi: một là trước linh ảnh cổ xưa Maria Salus Populi Romani tại Vương cung Thánh đường Thánh Mary Major, và nơi khác là dưới chân một thánh giá bằng gỗ đã bảo vệ Roma thoát khỏi một trận đại dịch.

Ông Matteo Bruni, Giám đốc Văn phòng Báo chí Toà Thánh, thông báo về những chuyến viếng của Đức Giáo hoàng trong một thông cáo báo chí hôm Chúa nhật.

Chiều nay, ngay sau 4 giờ chiều, Đức Thánh Cha Phanxico đã rời khỏi Roma và thực hiện chuyến viếng riêng đến Vương cung Thánh đường Thánh Mary Major, để dâng lời cầu nguyện lên Mẹ Maria Đồng trinh, Salus Populi Romani, nơi linh ảnh của Mẹ được lưu giữ và sùng kính.

Sau đó, sau một quãng đi bộ dài dọc theo đường Via del Corso – như là đang thực hiện một cuộc hành hương – ngài đến viếng nhà thờ San Marcello trên đường Corso, nơi lưu giữ một thánh giá phép lạ. Năm 1522 thánh giá được rước trong một cuộc rước kiệu đi khắp các khu phố của thành phố để cơn “Đại Dịch” có thể giảm xuống tại Roma.

Bằng lời cầu nguyện, Đức Thánh Cha khẩn xin chấm dứt đại dịch đã tấn công vào nước Ý và thế giới. Ngài cũng cầu xin sự chữa lành cho nhiều người bệnh, tưởng nhớ đến rất nhiều nạn nhân trong những ngày qua, và cầu xin cho các gia đình và bạn bè có thể tìm được sự an ủi và vỗ về.

Lời cầu nguyện của ngài cũng hướng đến những nhân viên y tế, các bác sĩ, y tá, và tất cả những người đang làm việc trong những ngày này để bảo đảm sự hoạt động thông suốt của xã hội. Đức Thánh Cha trở về Vatican khoảng 5:30 chiều.

Những dấu chỉ của lòng sùng kính

Lòng sùng kính đặc biệt của Đức Thánh Cha Phanxico dành cho Đức Mẹ Salus Populi Romani được mọi người biết đến. Ngài đến viếng linh ảnh của Mẹ trong những ngày Lễ Mẹ Maria, và là điểm dừng để cầu nguyện trước và sau những chuyến Tông du quốc tế của ngài.

Đức Thánh Cha Phanxico rời Vatican để cầu nguyện tại hai nhà thờVATICAN MEDIA | AFP

Năm 593 Thánh Giáo hoàng Gregory Cả đã kiệu linh ảnh trong một cuộc rước để ngăn chặn một trận dịch. Và năm 1837 Đức Giáo hoàng Gregory XVI khẩn cầu Mẹ chặn đứng đợt dịch tả.

Điểm dừng thứ hai của Đức Thánh Cha hôm Chúa nhật cũng rất đặc biệt.

Nhà thờ San Marcello trên đường Corso lưu giữ một thánh giá bằng gỗ được tôn kính từ thế kỷ 15, điều mà các nhà học giả lưu giữ cho là thực tế nhất ở Roma. Thánh giá đã thoát khỏi một trận hỏa hoạn, và đã cứu thành phố khỏi một trận dịch. Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolo II đã ôm thánh giá này để đánh dấu đỉnh điểm của Ngày Tha Thứ trong Đại Năm Thánh 2000.

Đức Thánh Cha Phanxico rời Vatican để cầu nguyện tại hai nhà thờVATICAN MEDIA | AFP

Nhiều truyền thống của phép lạ được cho là bởi “Thánh Giá Cực Thánh” bắt đầu từ ngày 23 tháng Năm năm 1519.

Trong đêm hôm đó một trận đại hỏa hoạn đã phá hủy hoàn toàn nhà thờ mang tên của Đức Giáo hoàng Marcellus. Toàn bộ tòa nhà chỉ còn là đống phế tích vào sáng hôm sau. Nhưng từ những tro tàn vươn lên một thánh giá của bàn thờ chính, không một chút hề hấn. Một ngọn đèn dầu nhỏ vẫn đang thắp sáng dưới chân Thánh giá.

Cảnh tượng quá phi thường với tín hữu Roma, và nhiều người bắt đầu tụ tập vào các tối thứ Sáu để đọc kinh. Đức Giáo hoàng Leo X ra lệnh xây dựng lại nhà thờ năm 1519.

Ba năm sau vụ cháy, Roma lại bị tấn công bởi trận “Đại Dịch.”

Truyền thống kể rằng các tín hữu rước thánh giá trong một cuộc rước kiệu, đi qua các con đường của Roma tiến về Vương cung Thánh đường Thánh Phê-rô. Đoàn rước kéo dài 16 ngày: từ 4 đến 20 tháng Tám năm 1522. Khi đám rước được tiến hành, trận dịch cho thấy những dấu hiệu giảm bớt, và tất cả các khu phố đều cố tìm cách giữ thánh giá lại càng lâu càng tốt.

Cuối cùng, khi thánh giá lại tiến vào nhà thờ, trận dịch ngưng.

Từ năm 1600, đoàn rước từ nhà thờ San Marcello đến Vương cung Thánh đường Thánh Phê-rô trở thành một truyền thống lặp lại trong các Năm Thánh. Tên của các giáo hoàng công bố Năm Thánh được khắc vào mặt sau của thánh giá, cùng với năm.



[Nguồn: aleteia]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 16/3/2020]