Thứ Tư, 10 tháng 11, 2021

Vẻ đẹp mê hồn của tượng Thánh Padre Pio chìm dưới biển

Vẻ đẹp mê hồn của tượng Thánh Padre Pio chìm dưới biển

Vẻ đẹp mê hồn của tượng Thánh Padre Pio chìm dưới biển

Steve Baldoni | YouTube | Fair Use

Bret Thoman, OFS - Sarah Robsdottir

07/11/21


Một tiếng gọi niềm tin giữa vùng biển đầy bão tố.



Ngày 24 tháng Mười, một trang Facebook của Colombia có tên By the Hand of Padre Pio đã đăng thêm 12 ảnh về một bức tượng đồng cao 3 mét dưới nước của vị thánh được ghi năm dấu thánh bí ẩn của thế kỷ 20 lên tường. Bài đăng (được viết tắt và chỉnh sửa để có bản dịch rõ ràng hơn) có nội dung:

Bạn có biết?

Có một bức tượng Thánh Padre Pio dưới đáy biển …

Vị trí của bức tượng ngoài khơi bờ biển của Đảo Tremiti được xem là tượng trưng lý tưởng cho lời kêu gọi mạnh mẽ về niềm tin rằng, ngay cả giữa vùng biển bão tố, vẫn luôn có thể tỏa sáng với ánh sáng tinh khôi: một món quà từ Thượng đế chìm trong lòng đại dương .

Cấu trúc cốt yếu của nó, một cây thánh giá, gợi lại sự khiêm nhường và đơn sơ của người tu sĩ, trong sự đơn độc chiêm nghiệm, cánh tay của tượng luôn giang rộng và tỏa ra cho môi trường xung quanh một bầu không khí thiêng liêng, bình an, tình yêu và lòng thương xót vốn là trụ cột của linh đạo của Cha.

Xin Thánh Padre Pio cầu nguyện cho chúng con!

Đảo Tremiti, như đã đề cập trong bài đăng trên, là một quần đảo nhỏ ngoài khơi dãy núi Gargano thuộc miền Nam nước Ý. Vào ngày 3 tháng Mười năm 1998, lễ Thánh Phanxicô Transitus, nơi tổ chức một sự kiện — một nhà điêu khắc tên Mimmo Norcia đã đặt bức tượng Thánh Padre Pio tuyệt đẹp của mình.

Trong khi có hàng trăm, nếu không muốn nói là hàng nghìn bức tượng Thánh Padre Pio trên khắp nước Ý, không bức tượng nào có thể có đặc điểm này: tượng được đặt dưới đáy biển sâu 14 mét dưới nước.

Bức tượng có bệ dẻo cao 80 cm; nó được coi là một trong những tượng dưới nước đẹp nhất trên thế giới. Ngoài kích thước của nó, hoạt động kỹ thuật phức tạp cần thiết để nhận chìm bức tượng là một kỳ công đáng kể. Nhưng việc hoàn thành tác phẩm nghệ thuật này là một giấc mơ mà ông Norcia, nhà điêu khắc người Ý lớn lên gần dãy núi Gargano (nơi Thánh Padre Pio sống phần lớn cuộc đời của ngài) đã ấp ủ trong một thời gian dài. Trong các cuộc phỏng vấn, ông nói rằng ông rất yêu mến Thánh Padre Pio, biển, Gargano và quần đảo Tremiti. Ông cho biết từ khi còn trẻ, ông đã có mong muốn tạo ra thứ mà ông gọi là “phép lạ của vực thẳm”.

Thành tựu tuyệt vời của người nghệ sĩ tiếp nối truyền thống các công trình điêu khắc dưới nước trên khắp thế giới, có từ thời Hy Lạp cổ đại, khi con người trước thời Kitô giáo tìm kiếm sự bảo vệ cho các thủy thủ qua các tượng thần. Gần đây, ở Ý có truyền thống tạc tượng Chúa Kitô dưới nước. Ở Portofino, có một tượng “Chúa Kitô của Vực thẳm”, trong khi ở Taranto, có một “Chúa Kitô của Biển.” Điều thú vị là chính chiếc khuôn được sử dụng để đúc tượng đồng ở Portofino đã được đưa đến Hoa Kỳ để tạo ra một bản sao, hiện đã được đặt xuống đáy biển ngoài khơi Florida.

Theo ý nghĩa thực tế, những bức tượng dưới nước chỉ có thể nhìn thấy đối với những người thợ lặn. Tuy nhiên, về ý nghĩa tâm linh, thông điệp vẫn ẩn chứa bên trong, được che phủ theo một nghĩa nào đó, phản ánh bản tính của chính Thiên Chúa. Người luôn hiện diện, mặc dù hầu như là vô hình.



[Nguồn: aleteia]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 10/11/2021]


Thông điệp của Đức Thánh Cha Phanxicô gửi Ngài Alok Sharma Chủ tịch COP26

Thông điệp của Đức Thánh Cha Phanxicô gửi Ngài Alok Sharma Chủ tịch COP26

Thông điệp của Đức Thánh Cha Phanxicô
Gửi Ngài Alok Sharma

Chủ tịch COP26, Phiên họp thứ 26 của Hội nghị các bên

tham gia Công ước Khung của Liên hợp quốc về Biến đổi Khí hậu

(Glasgow, 31 tháng Mười – 12 tháng Mười Một, 2021)

 

*****

Thưa ngài,

Khi Hội nghị Glasgow bắt đầu, tất cả chúng ta đều nhận thức được rằng Hội nghị có nhiệm vụ quan trọng là chứng minh cho toàn thể cộng đồng quốc tế thấy liệu có thực sự tồn tại một ý chí chính trị để cống hiến – với sự trung thực, trách nhiệm và dũng cảm – nguồn nhân lực, tài chính và công nghệ lớn hơn để giảm thiểu những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu và hỗ trợ các quốc gia nghèo hơn và dễ bị tổn thương hơn chịu ảnh hưởng nhiều nhất bởi biến đổi khí hậu.[1]

Đồng thời, chúng ta nhận thấy rằng nhiệm vụ này phải được thực hiện trong bối cảnh đại dịch kéo dài gần hai năm đã tàn phá gia đình nhân loại của chúng ta. Covid-19 mang đến những bi kịch rất lớn sau khi nó xảy ra, nhưng nó cũng dạy chúng ta rằng, nếu chúng ta muốn thành công trong việc vượt qua đại dịch, không có giải pháp thay thế: tất cả chúng ta đều phải góp phần trong việc ứng phó với thách thức này. Và điều đó, như chúng ta biết, kêu gọi sự đoàn kết sâu sắc và hợp tác huynh đệ giữa các dân tộc trên thế giới.

Thế giới sau đại dịch của chúng ta tất nhiên sẽ khác với thế giới trước đại dịch. Đó là thế giới mà bây giờ chúng ta phải cùng nhau xây dựng, bắt đầu từ việc thừa nhận những sai lầm trong quá khứ.

Có thể nói điều tương tự đối với những nỗ lực của chúng ta nhằm giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu toàn cầu. Không có cách chọn khác. Chúng ta chỉ có thể đạt được các mục tiêu do Thỏa thuận Paris đề ra nếu chúng ta hành động cách phối hợp và có trách nhiệm. Những mục tiêu đó đầy tham vọng, và không thể trì hoãn chúng được nữa. Hôm nay, nó tùy thuộc vào việc quý vị đưa ra những quyết định cần thiết.

COP26 có thể và phải có sự đóng góp hiệu quả vào việc quyết tâm xây dựng một tương lai trong đó các hành động hàng ngày và những khoản đầu tư kinh tế và tài chính có thể thật sự bảo vệ các điều kiện nhằm đảm bảo một cuộc sống nhân ái và phẩm giá cho mọi người nam và nữ hôm nay và mai sau, trên một hành tinh “khỏe mạnh.”

Chúng ta thấy mình đang đứng trước một sự thay đổi trọng đại, một thách thức văn hóa đòi hỏi sự cam kết từ phía tất cả mọi người, đặc biệt là những quốc gia sở hữu nhiều phương tiện hơn. Các quốc gia này cần đóng vai trò hàng đầu trong các lĩnh vực tài chính khí hậu, khử cacbon trong hệ thống kinh tế và trong đời sống của người dân, thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn, cung cấp sự hỗ trợ cho các quốc gia dễ bị tổn thương hơn để thích ứng được với tác động của biến đổi khí hậu và ứng phó đối với những mất mát và thiệt hại mà nó gây ra.

Về phần mình, Tòa thánh, như tôi đã phát biểu trong Hội nghị Thượng đỉnh trực tuyến Cấp cao về Khí hậu vào ngày 12 tháng Mười Hai năm 2020, đã thông qua chiến lược phát thải ròng bằng 0 ở hai cấp độ: 1) cam kết của Nhà nước Vatican đạt được mục tiêu này đến năm 2050; và 2) cam kết của Tòa thánh trong việc thúc đẩy giáo dục về hệ sinh thái toàn diện. Chúng tôi hoàn toàn nhận thấy rằng các biện pháp chính trị, kỹ thuật và hoạt động cần phải được liên kết với một tiến trình giáo dục, đặc biệt là với giới trẻ, có thể thúc đẩy một lối sống mới và ủng hộ một mô hình văn hóa phát triển và bền vững tập trung vào tình huynh đệ và giao ước giữa con người và môi trường thiên nhiên. Những cam kết này đã làm nảy sinh hàng nghìn sáng kiến trên toàn thế giới.

Hòa cùng với những việc này, vào ngày 4 tháng Mười vừa qua, tôi cùng với một số nhà lãnh đạo tôn giáo và các nhà khoa học ký một Lời Kêu gọi chung trước thềm COP26. Vào dịp đó, chúng tôi đã lắng nghe tiếng nói của những đại diện thuộc nhiều tín ngưỡng và truyền thống tinh thần, nhiều nền văn hóa và lĩnh vực khoa học. Những tiếng nói rất khác nhau, với sự nhạy cảm rất khác nhau. Tuy nhiên, điều nổi bật lên là sự tập trung đáng kể về sự cấp thiết phải thay đổi hướng đi, một quyết tâm dứt khoát chuyển từ “văn hóa vứt bỏ” phổ biến trong các xã hội của chúng ta sang một “văn hóa chăm sóc” cho ngôi nhà chung của chúng ta và cư dân của nó, bây giờ và trong tương lai.

Những vết thương gây ra cho gia đình nhân loại chúng ta bởi đại dịch Covid-19 và hiện tượng biến đổi khí hậu có thể so sánh với những vết thương do xung đột toàn cầu. Ngày nay, cũng như hậu quả của Đệ nhị Thế Chiến, toàn thể cộng đồng quốc tế cần đặt ưu tiên thực hiện các hành động mang tính tập thể, đoàn kết và có tầm nhìn xa trông rộng.

Chúng ta cần hy vọng và lòng can đảm. Nhân loại sở hữu sức mạnh cần thiết để thực hiện sự thay đổi này, nó đòi hỏi một sự hoán cải thực sự, đối với từng cá nhân cũng như cộng đồng, và một ý chí quyết định để tiến bước trên con đường này. Nó sẽ kéo theo sự chuyển đổi hướng tới một mô hình phát triển toàn diện và hợp nhất hơn, đặt nền tảng trên sự liên đới và trách nhiệm. Một sự chuyển đổi cũng phải có những cân nhắc nghiêm túc đến ảnh hưởng của nó đối với thế giới lao động.

Tương tự như vậy, cũng phải thể hiện sự quan tâm đặc biệt đối với những dân tộc dễ bị tổn thương nhất, những dân tộc với “món nợ sinh thái” ngày càng tăng thêm liên quan đến sự mất cân bằng thương mại với những hậu quả về môi trường và việc sử dụng bất cân đối các nguồn tài nguyên thiên nhiên của chính họ và của các quốc gia khác. [2] Không thể phủ nhận điều này.

“Món nợ sinh thái” theo cách nào đó làm nảy sinh vấn đề nợ nước ngoài, là gánh nặng thường cản trở sự phát triển của các dân tộc. [3] Thế giới hậu đại dịch có trách nhiệm và phải khởi đầu lại từ việc xem xét tất cả các khía cạnh này, cùng với việc cẩn trọng thiết lập các tiến trình đàm phán để xóa nợ nước ngoài, liên kết với việc tái cơ cấu nền kinh tế bền vững hơn và công bằng hơn nhằm đáp ứng trước tình trạng khẩn cấp về khí hậu. “Các nước phát triển phải hỗ trợ trả món nợ sinh thái bằng cách hạn chế tối đa việc tiêu thụ năng lượng không tái sinh, và bằng cách hỗ trợ các nước nghèo hơn đưa ra những chính sách và chương trình phát triển bền vững”. [4] Một sự phát triển mà cuối cùng, tất cả mọi người đều có thể tham gia.

Thật đáng buồn, chúng ta phải thừa nhận rằng chúng ta còn bao xa mới đạt được các mục tiêu đề ra về việc giải quyết biến đổi khí hậu. Chúng ta cần phải trung thực: điều này không thể tiếp tục! Ngay cả khi chúng ta đang chuẩn bị cho Hội nghị COP26, ngày càng cho thấy rõ rằng không còn thời gian để lãng phí. Quá nhiều anh chị em của chúng ta đang phải gánh chịu cuộc khủng hoảng khí hậu này. Cuộc sống của không biết bao nhiêu người, đặc biệt là những người dễ bị tổn thương nhất, đã phải trải qua những tác động ngày càng thường xuyên hơn và nặng nề hơn. Đồng thời, chúng ta nhận ra rằng nó cũng liên quan đến cuộc khủng hoảng về quyền của trẻ em, và trong tương lai gần người di cư vì môi trường sẽ nhiều hơn người tị nạn do chiến tranh và xung đột. Bây giờ là lúc phải hành động, khẩn trương, can đảm và có trách nhiệm. Nhất là để chuẩn bị một tương lai trong đó gia đình nhân loại của chúng ta sẽ đứng ở vị trí chăm sóc cho chính mình và cho môi trường thiên nhiên.

Giới trẻ trong những năm gần đây mạnh mẽ thúc giục chúng ta hành động, sẽ chỉ kế thừa hành tinh mà chúng ta chọn để lại cho họ, dựa trên những lựa chọn cụ thể mà chúng ta đưa ra ngày hôm nay. Bây giờ là thời điểm cho những quyết định để có thể cung cấp cho họ những lý do để hy vọng và tin tưởng vào tương lai.

Tôi đã hy vọng có thể tham dự trực tiếp với quý ngài, nhưng điều đó không thể thực hiện. Tuy nhiên, tôi đồng hành với ngài bằng lời cầu nguyện khi quý ngài đưa ra những quyết định quan trọng.

Thưa ngài Chủ tịch, xin nhận nơi tôi lời chào thân ái và những lời chúc tốt đẹp.

Từ Vatican, 29 tháng Mười, 2021

PHANXICÔ

_____________________________________



[2] Encyclical Letter Laudato Si’, 51.

[3] Encyclical Letter Fratelli Tutti, 126.

[4] Encyclical Letter Laudato Si’, 52.



[Nguồn: vatican.va]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 3/11/2021]