Thứ Năm, 23 tháng 3, 2017

Sứ Điệp Ngày Giới Trẻ Thế Giới Của Đức Thánh Cha Phanxico

Sứ Điệp Ngày Giới Trẻ Thế Giới Của Đức Thánh Cha Phanxico

“Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi biết bao điều cao cả” (Lc 1:49)
21 tháng Ba, 2017
Sứ Điệp Ngày Giới Trẻ Thế Giới Của Đức Thánh Cha Phanxico
Dưới đây là văn bản của Vatican cung cấp sứ điệp của Đức Thánh Cha cho Ngày Giới Trẻ Thế giới năm nay, sẽ được tổ chức vào Chúa nhật Lễ Lá, 9 tháng Tư, 2017, tại cấp giáo phận với chủ đề: “Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi biết bao điều cao cả” (Lc 1:49)
* * *
“Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi biết bao điều cao cả” (Lc 1:49)
Các bạn trẻ thân mến,
Chúng ta lại ở đây, một lần nữa trên hành trình, tiếp theo buổi họp mặt trọng đại của chúng ta tại Kraków, nơi chúng ta đã mừng Ngày Giới trẻ Thế giới lần thứ Ba Mươi Mốt và Năm Thánh cho Giới trẻ là một phần của Năm Thánh Thương xót. Chúng ta nhận các Thánh Gio-an Phao-lô II và Thánh Faustina Kowalska là những vị dẫn dắt chúng ta, những tông đồ của Lòng Chúa Thương xót, để có thể đưa ra được một câu trả lời cụ thể cho những thách đố của thời đại chúng ta. Chúng ta đã có một trải nghiệm mạnh mẽ về tình huynh đệ và niềm vui, và chúng ta đã cho thế giới một tín hiệu của sự hy vọng. Những lá cờ và ngôn ngữ khác nhau của chúng ta không phải là một lý do cho sự ganh đua hay chia rẽ, nhưng là một cơ hội để mở ra những cánh cửa tâm hồn và xây dựng những chiếc cầu nối.
Trong buổi bế mạc Ngày Giới trẻ Thế giới Kraków, cha đã công bố điểm đến tiếp theo của cuộc hành hương của chúng ta, với sự trợ giúp của Thiên Chúa sẽ đem chúng ta đến Panama năm 2019. Trên hành trình này chúng ta sẽ được đồng hành bởi Đức Trinh nữ Maria, người mà muôn thế hệ đều gọi là có phúc (x. Lc 1:48). Bước chân mới này trên hành trình của chúng ta lấy lại cho chúng ta từ người đã đi trước, đặt trọng tâm vào Tám Mối Phúc, và mời gọi chúng ta tiến bước. Cha tha thiết mong rằng chúng con những người trẻ sẽ tiếp tục tiến bước, không chỉ là coi trọng ký ức của quá khứ, nhưng còn với sự can đảm trong hiện tại và hy vọng cho tương lai. Những thái độ này chắc chắn có trong Maria một cô gái trẻ người Na-za-rét và được trình bày rõ ràng trong các chủ đề được chọn cho ba Ngày Giới trẻ Thế giới nối tiếp. Năm nay (2017) chúng ta sẽ suy tư về đức tin của Maria, Mẹ nói trong bài ca Magnificat: “Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi biết bao điều cao cả” (Lc 1:49). Chủ đề cho năm tới (2018) – Thưa bà Ma-ri-a, xin đừng sợ, vì bà đẹp lòng Thiên Chúa(Lc 1:30) – sẽ dẫn đưa chúng ta suy niệm về lòng bác ái đầy dũng cảm mà Đức Trinh nữ mang lấy khi đón lấy thông điệp của thiên thần. Ngày Giới trẻ Thế giới 2019 sẽ được khơi gợi cảm hứng với câu Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói(Lc 1:38), câu trả lời tràn đầy hy vọng của Maria cho thiên thần.
Tháng Mười 2018, Giáo hội sẽ mừng Thượng Hội Đồng Giám mục với chủ đề: Giới Trẻ, Đức Tin và Sự Nhận Thức Ơn Gọi. Chúng ta sẽ nói về cách chúng con, là người trẻ, đang trải nghiệm đời sống đức tin giữa những thách đố của thời đại. Chúng ta cũng sẽ thảo luận về cách chúng con có thể phát triển một chương trình cuộc sống bằng cách nhận thức ra ơn gọi riêng của mỗi người, bất kể là đời sống hôn nhân trong thế giới thuộc trần gian và chuyên môn, hay vào đời sống thánh hiến và thiên chức linh mục. Cha hy vọng rằng hành trình tiến đến Ngày Giới trẻ Thế giới ở Panama và tiến trình chuẩn bị cho Thượng Hội Đồng sẽ cùng diễn tiến song song.

Thời đại chúng ta không cần những người trẻ tuổi “nghiện TV”
Theo Tin mừng Lu-ca, khi Maria nhận tin của thiên thần và nói tiếng “xin vâng” trước tiếng gọi trở thành Mẹ của Đấng Cứu Độ, Mẹ hối hả lên đường đi thăm người chị họ là Ê-li-za-bét, người đang mang thai sáu tháng (x. 1:36, 39). Maria lúc đó còn rất trẻ; những gì Mẹ được thông báo là một ơn sủng vĩ đại, nhưng nó cũng mang những thách đố rất lớn. Thiên Chúa bảo đảm sự hiện diện và hỗ trợ của Người, nhưng rất nhiều điều vẫn còn khó hiểu trong tâm trí và tinh thần của Mẹ. Tuy nhiên Mẹ Maria không nhốt mình trong nhà và để mình bị tê liệt vì sợ hãi hoặc kiêu ngạo. Maria không phải là một mẫu người như vậy, cần sự tiện nghi, cần một ghế sofa dễ chịu mà Mẹ có thể cảm thấy được an toàn và thoải mái. Mẹ không phải là người nghiện TV! (x. Diễn từ tại Đêm Canh thức, Kraków, 30 tháng Bảy 2016). Nếu người chị họ lớn tuổi của Mẹ cần giúp, Mẹ không lưỡng lự, nhưng ngay lập tức lên đường.
Đó là một quãng đường dài đến nhà Na-za-rét, khoảng 150 km. Nhưng người nữ trẻ từ Na-za-rét, được hướng dẫn bởi Chúa Thánh Thần, không nhìn thấy một chướng ngại nào. Chắc chắn, trong suốt những ngày đi trên hành trình đã giúp Mẹ suy niệm về biến cố kỳ diệu mà Mẹ góp một phần vào trong đó. Như vậy với chúng ta, bất cứ khi nào chúng ta khởi hành một cuộc hành hương. Trên suốt chặng đường, các biến cố trong đời sống của chúng ta hiện lên trong đầu, chúng ta học cách biết trân trọng ý nghĩa của chúng và nhận thức được ơn gọi của mình, mà sau đó sẽ trở nên rất rõ ràng qua sự gặp gỡ với Thiên Chúa và trong việc phục vụ tha nhân.

Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi biết bao điều cao cả
Cuộc gặp gỡ của hai phụ nữ, một trẻ và một lớn tuổi, được tràn đầy Chúa Thánh Thần và thể hiện bằng sự vui mừng và kỳ diệu (x. Lc 1:40-45). Hai người mẹ, cũng như hai đứa con họ đang mang trong mình, nhảy múa mừng vui. Bà Ê-li-za-bét, cảm phục trước đức tin của Mẹ Marira, kêu lên: “Em thật có phúc, vì đã tin rằng Chúa sẽ thực hiện những gì Người đã nói với em” (c. 45). Một trong những ơn sủng lớn lao mà Mẹ Đồng Trinh đón nhận chắc chắn là đức tin. Tin vào Thiên Chúa là một hồng ân vô giá, nhưng là một hồng ân phải được đón nhận. Bà Ê-li-za-bét chúc phúc cho Mẹ Maria về điều này, và lại đến lượt Mẹ đáp lại bằng bài ca Magnificat (x. Lc 1:46-55), trong đó chúng ta tìm thấy câu: “Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi biết bao điều cao cả” (c. 49).
Lời cầu nguyện của Mẹ Maria là lời cầu nguyện mang tính cách mạng, bài ca của một người nữ trẻ đầy niềm tin ý thức về những giới hạn của mình, nhưng lại đầy vững tin vào lòng thương xót của Chúa. Mẹ tạ ơn Chúa vì đã đoái thương đến phận mọn hèn và vì công trình cứu độ mà Người mang đến cho muôn dân, những người nghèo và người khiêm cung. Đức tin là trung tâm của toàn bộ lịch sử của Mẹ Maria. Bài ca của Mẹ giúp chúng ta hiểu được lòng thương xót của Thiên Chúa như là một sức mạnh thúc đẩy cho lịch sử, lịch sử của mỗi chúng ta và của toàn nhân loại.
Khi Thiên Chúa chạm đến tâm hồn một người thanh niên nữ hoặc nam, họ liền có khả năng làm được những điều vĩ đại. “Những điều vĩ đại” mà Đấng Toàn Năng hoàn tất trong cuộc đời của Mẹ Maria cũng nói với mỗi hành trình riêng trong cuộc sống của chúng ta, nó không phải là một con đường quanh co vô nghĩa, nhưng là một cuộc lữ hành, với tất cả những sự bấp bênh và đau khổ, có thể tìm thấy sự trọn vẹn nơi Thiên Chúa (x. Kinh Truyền Tin, 15 tháng Tám 2015). Có thể chúng con nói với cha: “Nhưng thưa cha, con có những giới hạn của con, con là một tội nhân, con có thể làm được gì?” Khi Thiên Chúa kêu gọi chúng ta, Người không dừng lại ở chỗ chúng ta là ai hay chúng ta đã làm những gì. Ngược lại, ngay lúc Người lên tiếng gọi chúng ta, Người hướng nhìn đến mọi điều chúng ta có thể làm, tất cả tình yêu chúng ta có thể cho đi. Giống như thiếu nữ Maria, chúng con có thể cho phép đời mình trở thành một công cụ để biến thế giới thành một nơi tốt đẹp hơn. Chúa Giê-su đang kêu gọi chúng con hãy tạo dấu ấn cuộc đời, dấn ấn của chúng con trên lịch sử, cả lịch sử của riêng chúng con và của nhiều người khác (x. Diễn từ Đêm Canh thức, Kraków, 30 tháng Bảy 2016).

Trẻ tuổi không có nghĩa là bị tách rời ra khỏi quá khứ
Mẹ Maria vừa bước qua tuổi thiếu niên, giống như nhiều người chúng con. Tuy nhiên trong bài ca Magnificat, Mẹ đã làm vang vọng lại những lời ca khen của dân tộc của Mẹ và lịch sử của họ. Điều này cho chúng ta thấy rằng là người trẻ tuổi không có nghĩa là bị tách rời ra khỏi quá khứ. Lịch sử riêng của mỗi con người chúng ta là một phần của một con đường dài, một hành trình chung đã đi trước chúng ta bao nhiêu thế hệ. Giống như Mẹ Maria, chúng ta thuộc về một dân tộc. Lịch sử dạy chúng ta rằng, ngay cả khi Giáo hội phải lái con thuyền trong những vùng biển đầy phong ba, bàn tay của Thiên Chúa hướng dẫn và trợ giúp Giáo hội vượt qua được những thời gian khó khăn. Trải nghiệm đích thực của Giáo hội không như một màn nhảy flash mop, nơi mọi người đồng ý gặp gỡ, làm công việc của họ và rồi mỗi người đi theo hướng riêng. Giáo hội thừa hưởng một truyền thống lâu đời, được truyền lại từ thế hệ này sang thế hệ khác, được làm phong phú thêm bởi sự trải nghiệm của mỗi cá nhân. Lịch sử riêng của chúng con có một vị trí trong lịch sử lớn của Giáo hội.
Lưu tâm đến quá khứ cũng giúp chúng ta mở ra trước những cách thức bất ngờ mà Thiên Chúa hoạt động trong chúng ta và qua chúng ta. Nó cũng giúp chúng ta biết mở lòng trước việc được chọn như là công cụ mà qua đó Thiên Chúa mang đến chương trình cứu độ của Người. Là những người trẻ tuổi, các con cũng có thể làm được những điều vĩ đại và nhận lấy những trách nhiệm trọn vẹn hơn, chỉ cần chúng con nhận biết lòng thương xót và quyền năng của Thiên Chúa trong đời sống của chúng con.
Cha muốn hỏi chúng con vài điều. Chúng con “lưu” những biến cố và trải nghiệm trong cuộc đời của chúng con vào bộ nhớ như thế nào? Một số trong chúng con, đặc biệt là những bạn bị thương tổn vì những hoàn cảnh cuộc sống, có thể muốn “cài đặt lại” quá khứ của chúng con, khẳng định quyền được quên đi tất cả. Nhưng cha muốn nhắc chúng con nhớ rằng không có vị thánh nào không có quá khứ, và không một tội nhân nào không có một tương lai. Viên ngọc được tạo ra từ một vết thương trong con trai! Chúa Giê-su, bằng tình yêu của Ngài, chữa lành cho tâm hồn chúng ta và biến đổi cuộc sống của chúng ta thành những viên ngọc thực sự. Như Thánh Phao-lô nói, Thiên Chúa biểu lộ sức mạnh của Người trong sự yếu đuối của chúng ta (x. 2 Cr 12:9).
Tuy nhiên không nên nhồi nhét bộ nhớ của chúng ta, giống như bộ nhớ của máy vi tính. Chúng ta cũng không thể đạt được mọi điều trong một bộ nhớ “đám mây” ảo nào đó. Chúng ta phải học cách biến những sự kiện quá khứ thành một thực tại đầy động lực qua đó suy tư và rút ra được những bài học và ý nghĩa cho hiện tại và tương lai. Không có công việc nào dễ dàng, nhưng chúng ta cần thiết phải khám phá ra được sợi chỉ của tình yêu của Thiên Chúa chạy xuyên suốt toàn bộ cuộc sống của chúng ta.
Nhiều người nói rằng giới trẻ là lơ đãng và nông cạn. Họ đã lầm! Nhưng chúng ta cần phải thừa nhận nhu cầu của chúng ta phải suy tư về cuộc sống của chúng ta và hướng chúng về tương lai. Có một quá khứ không giống như có một lịch sử. Trong cuộc sống, chúng ta có thể có nhiều điều ghi nhớ, nhưng có bao nhiêu trong số đó thực sự là một phần của bộ nhớ của chúng ta? Có bao nhiêu điều là quan trọng cho tâm hồn chúng ta và giúp đưa ra được ý nghĩa của cuộc sống chúng ta? Trong phương tiện truyền thông xã hội, chúng ta nhìn thấy những khuôn mặt của các bạn trẻ xuất hiện trong nhiều bức ảnh kể ra được ít hoặc nhiều sự kiện, nhưng chúng ta không biết có bao nhiêu trong tất cả những điều này thực sự là “lịch sử,” là một kinh nghiệm có thể được truyền đạt và chuyển lại có mục đích và ý nghĩa. Truyền hình đầy những “chương trình thực tế” nhưng không phải là những câu chuyện thật, chúng chỉ là những giây phút thoáng qua trước một máy quay phim truyền hình của những nhân vật sống ngày này sang ngày khác, không có một kế hoạch nào lớn hơn. Đừng để cho bản thân mình bị kinh ngạc trước hình ảnh thực tại giả tạo này! Hãy là những vai diễn chính của lịch sử của chúng con; hãy quyết định cho tương lai của riêng chúng con.

Cách luôn duy trì sự gắn kết, theo gương Mẹ Maria
Trình thuật về Mẹ Maria rằng Mẹ hằng ghi nhớ mọi điều và suy đi nghĩ lại trong lòng (x. Lc 2:19, 51). Người nữ trẻ khiêm cung này của làng Na-za-rét dạy cho chúng ta qua tấm gương của Mẹ biết giữ lấy sự ghi nhớ những biến cố trong cuộc sống và còn biết sắp xếp và tái dựng lại sự hòa hợp của tất cả những phần riêng lẻ, xếp chúng lại với nhau, để có thể tạo thành một bức tranh ghép. Làm sao chúng ta có thể học cách thực hiện việc này. Cha cho chúng con một vài gợi ý.
Cuối mỗi ngày, chúng ta hãy dừng lại một vài phút để nhớ lại những giây phút tốt đẹp và những thách đố, những việc trôi qua bình yên và những chuyện gặp trục trặc. Bằng cách này, trước mặt Chúa và trước chính con người chúng ta, chúng ta có thể bày tỏ lòng tri ân, những hối tiếc và sự tín thác của chúng ta. Nếu muốn, chúng con cũng có thể viết vào một quyển sổ như là một hình thức của nhật ký thiêng liêng. Việc này có nghĩa là cầu nguyện trong cuộc sống, với cuộc sống và về cuộc sống, và chắc chắn nó sẽ giúp chúng con nhận ra những điều vĩ đại mà Thiên Chúa đang thực hiện cho mỗi người chúng con. Như Thánh Augustine nói, chúng ta có thể tìm thấy Thiên Chúa trong vô vàn những điều ghi nhớ trong ký ức của chúng ta (x. Confessions, X, 8, 12).
Đọc Magnificat, chúng ta mới nhận ra Mẹ Maria hiểu lời Chúa biết dường nào. Mỗi câu trong bài hát của Mẹ đều mang một câu tương ứng trong Cựu Ước. Người mẹ trẻ tuổi của Chúa Giê-su thuộc lòng những câu kinh của dân tộc Mẹ. Chắc chắn là cha mẹ và ông bà của Mẹ đã dạy cho Mẹ. Thật quan trọng biết bao khi đức tin được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác! Có một gia tài ẩn chứa trong những lời kinh mà những thế hệ đã qua dạy chúng ta, trong cách thực hành đời sống thiêng liêng của những con người bình thường mà chúng ta gọi là lòng sùng kính bình dân. Mẹ Maria thừa hưởng đức tin của dân tộc của Mẹ và định hình nó trong bài ca của riêng Mẹ, nhưng đồng thời lại là bài ca của toàn thể Giáo hội cùng cất lên tiếng hát với Mẹ. Nếu chúng con, những bạn trẻ, muốn cất lên bài ca Magnificat của riêng mình, và làm cho đời sống của chúng con thành món quà cho toàn thể nhân loại, việc quan trọng là phải kết nối với truyền thống lịch sử và kinh nguyện của những người đã đi trước chúng con. Để làm được như vậy, quan trọng là chúng con phải quen thuộc với Kinh Thánh, Lời của Chúa, đọc Kinh Thánh mỗi ngày và để Lời Chúa nói trong đời sống của chúng con, và làm sáng tỏ những biến cố hàng ngày dưới ánh sáng của những gì Thiên Chúa nói với chúng con trong văn bản Kinh Thánh. Trong kinh nguyện và trong bài đọc của Thánh Kinh (lectio divina), Chúa Giê-su sẽ sưởi ấm tâm hồn chúng con và soi sáng những bước đi của chúng con, ngay cả trong những giây phút đen tối của cuộc sống (x. Lc 24:13-35).
Mẹ Maria cũng dạy chúng ta biết sống “tinh thần thánh thể,” nghĩa là học cách dâng lời tạ ơn và ca khen, chứ không chỉ tập trung vào những vấn đề và những khó khăn của chúng ta. Trên dòng chảy cuộc sống, những lời kinh nguyện của hôm nay trở thành những lý do để tạ ơn của ngày mai. Bằng cách này, sự tham dự trong Thánh Lễ của chúng con và những khi chúng con lãnh Bí tích Hòa giải sẽ vừa là một đỉnh điểm vừa là một sự khởi đầu mới. Cuộc sống của chúng con sẽ được canh tân mỗi ngày trong sự tha thứ và nó sẽ trở thành lời ca khen mãi mãi với Đấng Toàn Năng. “Hãy tín thác cho sự ghi nhớ của Thiên Chúa … bộ nhớ của Người là một trái tim ngập tràn tình thương dịu hiền, một bộ nhớ mừng vui khi xóa mọi vết tích tội lỗi trong chúng ta” (x. Bài giảng Thánh lễ, Ngày Giới Trẻ Thế giới, Kraków, 31 tháng Bảy 2016).
Chúng ta thấy rằng bài ca Magnificat đã cư ngụ trong tâm hồn của Mẹ Maria ngay khi Mẹ gặp người chị họ lớn tuổi Ê-li-za-bét. Với đức tin, với cái nhìn tinh tế và ngôn ngữ của mình, bà Ê-li-za-bét giúp Mẹ Đồng Trinh hiểu trọn vẹn hơn sự vĩ đại của những gì Thiên Chúa đang thực hiện trong Mẹ và sứ mạng được trao phó cho Mẹ. Nhưng còn chúng con thì sao? Chúng con có nhận ra thật phong phú kỳ diệu biết bao của sự gặp gỡ giữa người trẻ và người lớn tuổi không? Chúng con dành được bao nhiêu sự chú ý cho người lớn tuổi, cho ông bà của chúng con? Với một lý do chính đáng, chúng con muốn “bay vọt lên,” tâm hồn chúng con đầy tràn những giấc mơ lớn, nhưng chúng con cần có sự thông thái và tầm nhìn của những người lớn tuổi. Hãy sải cánh của chúng con và bay, nhưng cũng phải nhận biết rằng chúng con cần tái khám phá những nguồn cội của chúng con và đón lấy ngọn đuốc từ những người đã đi trước chúng con. Để xây dựng một tương lai đầy ý nghĩa, chúng con cần phải hiểu và trân trọng quá khứ (x. Tông huấn Amoris Laetitia, 191, 193). Người trẻ có sức mạnh, trong khi người cao tuổi có ký ức và sự thông thái. Như Mẹ Maria đã làm cùng với bà Ê-li-za-bét, hãy để ý đến người lớn tuổi, đến ông bà của chúng con. Họ sẽ nói cho chúng con về nhiều điều làm bồi hồi tâm trí chúng con và làm tràn đầy con tim chúng con.

Lòng tín trung sáng tạo để xây dựng tương lai
Đúng là chúng con vẫn còn trẻ và do đó rất khó để chúng con biết trân trọng tầm quan trọng của truyền thống. Nhưng phải hiểu rằng điều này không giống như việc trở thành những người nệ cổ. Không! Trong Tin mừng khi Mẹ Maria nói rằng: “Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi biết bao điều cao cả,” Mẹ muốn nói rằng “những điều cao cả” đó vẫn chưa chấm dứt, nhưng còn đang tiếp diễn trong hiện tại. Nó không phải là một quá khứ xa vời. Quan tâm đến quá khứ không có nghĩa là luyến tiếc quá khứ hay duy trì sự gắn kết với một thời điểm nào đó của lịch sử, nhưng hơn thế là có khả năng hiểu rõ chúng ta từ đâu đến, để chúng ta có thể luôn trở lại với những yếu tố cần thiết và dấn thân vào việc xây dựng tương lai bằng sự tín trung sáng tạo. Nó có thể trở thành một sự vô ích đầy rắc rối nếu nuôi dưỡng một ký ức khiếm khuyết làm cho chúng ta cứ duy trì thực hiện cùng những công việc theo cùng một cách. Thật là một hồng ân của Thiên Chúa khi được chứng kiến không biết bao nhiêu người chúng con, bằng những câu hỏi, những ước mơ và những điều không chắc chắn của chúng con, đã không chịu lắng nghe những người nói rằng mọi việc không thể thay đổi.
Một xã hội chỉ biết tôn trọng giá trị của hiện tại có khuynh hướng bỏ đi mọi điều được thừa hưởng từ trong quá khứ, chẳng hạn những định chế về hôn nhân, đời sống thánh hiến và sứ mạng linh mục. Những điều này bị xem như những hình thức vô nghĩa hay hết thời. Người ta nghĩ rằng tốt hơn nên sống trong những trạng thái “mở,” đi qua cuộc đời giống như nó là một chương trình thực tế, chẳng mục tiêu hay mục đích. Đừng để bản thân mình bị đánh lừa! Thiên Chúa đến để mở rộng những chân trời của cuộc đời chúng con theo mọi hướng. Người giúp chúng ta biết trao giá trị xứng đáng cho quá khứ để xây dựng một tương lai hạnh phúc. Nhưng điều này chỉ có thể thực hiện được nếu chúng ta có những trải nghiệm thực sự về sự yêu thương, giúp chúng ta thực sự nhận thức được tiếng gọi của Thiên Chúa và để đáp lời lại tiếng gọi đó. Vì chỉ có như vậy mới đem lại cho chúng ta sự hạnh phúc.
Các bạn trẻ thân mến, cha trao phó hành trình tiến đến Panama của chúng ta, cùng với tiến trình chuẩn bị cho Thượng Hội Đồng Giám mục sắp tới, cho sự can thiệp mẫu tử của Trinh nữ Maria Đầy Ơn Phúc. Cha yêu cầu chúng con luôn ghi nhớ hai dịp kỷ niệm quan trọng trong năm 2017: kỷ niệm 300 năm tìm được linh ảnh Đức Bà Aparecida ở Brazil và 100 năm những lần hiện ra ở Fatima, Bồ Đào Nhà, theo ý Chúa, cha đã có chương trình hành hương đến đây vào tháng Năm này. Thánh Martin thành Porres, một trong những vị thánh bổn mạng của Châu Mỹ La-tinh và của Ngày Giới trẻ Thế giới 2019, trong những bổn phận khiêm hạ hàng ngày của ngài, ngài dâng những bông hoa tươi đẹp nhất lên Mẹ Maria, như là một biểu hiện của tình con thảo. Nguyện xin cả chúng con nữa cũng biết nuôi dưỡng một mối quan hệ thân mật và tình bạn với Mẹ của chúng ta, biết phó thác cho Mẹ những niềm vui, những lo toan, và những khó khăn của chúng con. Cha bảo đảm rằng chúng con sẽ không hối tiếc về điều đó!
Nguyện xin người nữ tỳ của làng Na-za-rét, người mà toàn thế giới đặt cho hàng ngàn tên gọi và khuôn mặt để được gần gũi như những đứa con, cầu bầu cho tất cả chúng ta và giúp chúng ta cất lên tiếng ca khen công trình vĩ đại mà Thiên Chúa đang thực hiện trong chúng ta và qua chúng ta.
Viết từ Vatican, 27 tháng Hai 2017
Lễ Nhớ Thánh Ga-bri-en Đức Mẹ Sầu Bi
FRANCIS
[00396-EN.01] [Văn bản gốc: tiếng Anh]

[Nguồn: zenit]

[Chuyển ngữ: TRI KHOAN 22/03/2017]



TIẾP KIẾN CHUNG: Niềm hy vọng được đặt nền tảng trong Lời Người

TIẾP KIẾN CHUNG: Niềm hy vọng được đặt nền tảng trong Lời Người

‘Thiên Chúa luôn vững lòng trong tình yêu của Người dành cho chúng ta, Người không mệt mỏi khi yêu thương chúng ta! Người rất vững lòng: Người luôn yêu thương chúng ta!’
22 tháng Ba, 2017
TIẾP KIẾN CHUNG: Niềm hy vọng được đặt nền tảng trong Lời Người
PHOTO.VA - OSSERVATORE ROMANO
Buổi Tiếp Kiến Chung sáng nay được tổ chức lúc 9.30 trong Quảng trường Thánh Phê-rô, tại đây Đức Thánh Cha Phanxico gặp gỡ các nhóm khách hành hương và tín hữu từ Ý và khắp thế giới.
Trong bài giảng huấn bằng tiếng Ý, Đức Thánh Cha tập trung suy niệm vào chủ đề: “Niềm Hy Vọng Được Đặt Nền Tảng Trong Lời Người” (x. Rm 15:1-2.4-5).
Sau phần tóm lược bài giáo huấn bằng nhiều ngôn ngữ, Đức Thánh Cha gửi lời chào đặc biệt đến các nhóm tín hữu hiện diện. Sau đó ngài mời gọi mọi người sống theo sắp xếp ngày 23 – 24 tháng Ba, “24 giờ cho Thiên Chúa,” để tái khám phá Bí tích Hòa giải.
Buổi Tiếp kiến chung kết thúc bằng bài hát Kinh Lạy Cha và Phép Lành Tòa Thánh.
* * *
Bài giáo huấn của Đức Thánh Cha
Anh chị em thân mến, xin chào anh chị em!
Trong mấy tuần qua, Thánh Tông đồ Phao-lô đã giúp chúng ta hiểu hơn về niềm hy vọng của người Ki-tô hữu. Và chúng ta nói rằng đó không phải là chủ nghĩa lạc quan, nó là một điều khác. Và Thánh Tông đồ giúp chúng ta hiểu được điều này. Hôm nay ngài cũng làm như vậy bằng cách tiếp cận nó bằng hai thái độ quan trọng cho trải nghiệm cuộc sống và đức tin của chúng ta: “vững lòng” “an ủi” (cc. 4.5). Các cụm từ này được nhắc đến hai lần trong trích đoạn của Thư gửi tín hữu Rô-ma mà chúng ta vừa nghe: đầu tiên nói về Kinh thánh và sau đó nói về chính Thiên Chúa. Vậy ý nghĩa sâu sắc nhất, chân thật nhất của chúng là gì? Và nó tỏa ánh sáng trên thực tại của hy vọng theo cách nào? Hai thái độ này: vững lòng và an ủi.
Chúng ta có thể miêu tả sự vững lòng như là sự bền gan: nó là khả năng chịu đựng, mang vác trên vai của một người, “hỗ trợ,” để giữ vững lòng trung thành, thậm chí cả khi gánh nặng dường như quá lớn, không thể mang, và chúng ta bị cám dỗ kết án một cách tiêu cực và loại bỏ mọi thứ và mọi người. Ngược lại, An ủi, là một ơn sủng có thể đón nhận và thể hiện trong mọi tình huống, ngay cả trong những lúc mang dấu ấn nặng nề của sự chán nản và đau khổ, sự hiện hữu ủi an và hành động của Thiên Chúa. Bây giờ Thánh Phao-lô nhắc chúng ta nhớ rằng đặc biệt Kinh Thánh, cụ thể là Tân Cựu Ước, truyền tải cho chúng ta sự vững lòng và an ủi (c. 4). Quả thật, ngay từ đầu, Lời Chúa dẫn đưa cái nhìn của chúng ta hướng về Chúa Giê-su, hiểu Ngài rõ hơn và được biến đổi trở nên giống Ngài, trở nên giống Ngài hơn bao giờ hết. Thứ hai, Lời Người tỏ lộ cho chúng ta biết rằng Thiên Chúa thực sự là “Thiên Chúa của sự vững lòng và ủi an” (c. 5), Người luôn trung tín với tình yêu của Người cho chúng ta, tức là Người luôn vững lòng trong tình yêu của Người cho chúng ta, Người không mệt mỏi khi yêu thương chúng ta! Người rất vững lòng: Người luôn yêu thương chúng ta! Và Người chăm sóc chúng ta, băng bó những vết thương của chúng ta bằng sự chăm sóc của lòng nhân hậu và thương xót của Người, nghĩa là, Người an ủi chúng ta. Người cũng không mệt mỏi khi an ủi chúng ta.
Cũng trên cách nhìn này là lời khẳng định ban đầu của Thánh Tông đồ: “Bổn phận của chúng ta, những người có đức tin vững mạnh, là phải nâng đỡ những người yếu đuối, không có đức tin vững mạnh, chứ không phải chiều theo sở thích của mình” (c.1). Cách nói “chúng ta những người có đức tin vững mạnh” có vẻ quá tự tin, nhưng, theo luận lý của Tin mừng, chúng ta biết rằng nó không phải như vậy, quả thật, nó còn trái ngược  lại, vì sức mạnh của chúng ta không đến từ chính bản thân mình, nhưng từ Thiên Chúa. Một người trải nghiệm trong cuộc sống tình yêu tín trung của Thiên Chúa và sự an ủi của Ngài phải có bổn phận gần gũi với những anh em yếu đuối hơn chúng ta và nâng đỡ sự yếu đuối của họ. Nếu chúng ta gần gũi với Thiên Chúa chúng ta sẽ có sức mạnh đó để gần gũi với những người yếu đuối nhất, những người thiếu thốn nhất và để an ủi họ và truyền cho họ sức mạnh. Đây là ý nghĩa của nó. Chúng ta có thể làm điều này không phải làm hài lòng bản thân nhưng là để cảm nhận bản thân chúng ta như là một “kênh” truyền tải những ân ban của Thiên Chúa; và từ đó thực sự trở nên một “người gieo mầm” hy vọng. Đây là điều Thiên Chúa yêu cầu nơi chúng ta, với sức mạnh và khả năng an ủi và là những người gieo mầm hy vọng như vậy. Và hôm nay rất cần thiết phải biết gieo mầm hy vọng, nhưng điều đó không dễ …
Kết quả của cách sống như vầy không tạo ra một cộng đoàn trong đó một số người là “nhóm A,” tức là những người mạnh mẽ, và những người khác thuộc “nhóm B”, là những người yếu đuối. Nhưng ngược lại, như Thánh Phao-lô nói, kết quả là “sống đồng tâm nhất trí với nhau, như Đức Ki-tô Giê-su đòi hỏi” (c. 5). Lời Chúa nuôi dưỡng một niềm hy vọng được thể hiện cụ thể qua việc chia sẻ, qua sự phục vụ lẫn nhau. Vì ngay cả một người “vững mạnh” một lúc nào đó cũng cảm thấy mình yếu đuối và cần sự an ủi của người khác, và ngược lại, trong sự yếu đuối chúng ta vẫn có thể luôn có nụ cười hay một bàn tay đưa ra cho một người anh em đang gặp khó khăn. Và chính một cộng đoàn như vậy sẽ “đồng thanh hiệp ý mà tôn vinh Thiên Chúa” (c. 6). Tuy nhiên, tất cả mọi việc này chỉ có thể xảy ra nếu Đức Ki-tô và Lời Người được đặt vào trung tâm, vì Người là “sức mạnh. Ngài là người ban cho chúng ta sức mạnh, ban cho chúng ta sự kiên nhẫn, ban cho chúng ta niềm hy vọng, ban cho chúng ta sự ủi an. Ngài là một “người anh mạnh mẽ,” người chăm sóc cho mỗi người chúng ta: quả thật, tất cả chúng ta đang rất cần được vác trên vai của Người Mục Tử Nhân Lành và cảm nhận được bảo bọc bởi lòng nhân hậu và cái nhìn đầy quan tâm của Ngài.
Anh chị em thân mến, chúng ta chẳng bao giờ có thể tạ ơn Thiên Chúa cho đủ vì ơn sủng của Lời Người, được thể hiện trong Kinh Thánh. Chính trong đó mà Chúa Cha của Chúa Giê-su Ki-tô của chúng ta được tỏ lộ là “Thiên Chúa của sự vững lòng và an ủi.” Và chính ở đó chúng ta nhận ra rằng niềm hy vọng của chúng ta không được đặt nền móng trên những khả năng và sức mạnh của chúng ta, nhưng đặt trên sự hỗ trợ và sự trung tín của tình yêu của Người, nghĩa là, dựa trên sức mạnh và sự ủi an của Người. Xin cảm ơn anh chị em.
[Văn bản gốc: tiếng Ý] [Bản dịch (tiếng Anh) của Virginia M. Forrester]

Tiếng Ý
Anh chị em hành hương nói tiếng Ý thân mến, xin chào mừng anh chị em! Tôi xin chào các vị tham dự cuộc họp Migrantes (Người Di cư) dành cho những Nhà Quản lý và tôi khuyến khích họ tiếp tục cam kết của mình đón nhận và thể hiện tình hiếu khách cho những người phải di tản và người tị nạn, thăng tiến sự hội nhập cho họ, quan tâm đến quyền và trách nhiệm lẫn nhau của người đón nhận và người được đón nhận. Chúng ta không quên rằng vấn đề này hiện nay đối với người tị nạn và di cư là thảm kịch lớn nhất kề từ sau Chiến tranh Thế giới thứ II.
Cha xin chào các bạn trẻ bị Hội Chứng Down của Giáo phận Ascoli Piceno và nhóm công nhân của Bathing Syndicate của Ý, của nhóm Fruit Imprese và của Accenture Services.
Một lời chào đặc biệt xin gửi đến những bạn trẻ, anh chị em bệnh nhân và những đôi uyên ương mới. Thứ Bảy tới chúng ta sẽ Mừng Trọng thể Lễ Truyền tin. Các bạn trẻ thân mến, hãy lắng nghe Thánh ý của Thiên Chúa như Mẹ Maria; anh chị em bệnh nhân thân yêu, đừng ngã lòng trong những thời khắc khó khăn, vì biết rằng Thiên Chúa không trao một thập giá vượt ngoài sức chịu đựng của con người; và chúng con, những đôi uyên ương mới, hãy xây dựng đời sống hôn nhân trên đá tảng vững chắc của Lời Chúa.
[Văn bản gốc: tiếng Ý] [Bản dịch (tiếng Anh) của Virginia M. Forrester]

Lời kêu gọi của Đức Thánh Cha
Tôi mời gọi tất cả các cộng đoàn sống đức tin với sự thống nhất ngày 23 và 24 tháng Ba, “24 giờ cho Thiên Chúa,” để tái khám phá Bí tích Hòa giải. Tôi hy vọng rằng năm nay thời khắc ơn sủng đặc biệt này của hành trình Mùa Chay được thực hiện trong nhiều nhà thờ để trải nghiệm sự gặp gỡ mừng vui của lòng thương xót của Chúa Cha, Người đón nhận và tha thứ tất cả.
[Văn bản gốc: tiếng Ý] [Bản dịch (tiếng Anh) của Virginia M. Forrester]

[Nguồn: zenit]



[Chuyển ngữ: TRI KHOAN 23/03/2017]