Thứ Hai, 2 tháng 5, 2016

Bài Hát Chính Thức Ngày Quốc Tế Giới Trẻ

400.000 Ký Thỉnh Nguyện Thư Gửi Liên Hiệp Quốc

Can thiệp vào nạn diệt chủng Ki-tô hữu: 400.000 người ký tên vào thỉnh nguyện thư lên Liên Hiệp Quốc

United Nations Headquarters in New York City. Credit: UN Photo/John Isaac.
Trụ sở Liên Hiệp Quốc ở New York. Ảnh: UN Photo/John Isaac.
Tường thuật của Matt Hadro
New York City, N.Y., 30 tháng 4, 2016 / 04:39 chiều (CNA/EWTN News).- Các luật sư đã gửi hàng trăm ngàn chữ ký lên Liên Hiệp Quốc hôm thứ Sáu, kêu gọi cơ quan này công bố nạn diệt chủng đang nhắm vào người Ki-tô hữu và các nhóm tôn giáo thiểu số khác.
“Chúng tôi có mặt ở đây tại Trụ sở Liên Hiệp Quốc để đệ trình hơn 400.000 chữ ký của các công dân trên toàn thế giới yêu cầu Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc công bố những gì đang diễn ra trong thời điểm hiện tại với ISIS ở Syria và Iraq là một nạn diệt chủng,” Ignacio Arsuaga, chủ tịch của Hội Luật Sư CitizenGO, đã cho biết trong một buổi họp báo hôm thứ Sáu bên ngoài trụ sở Liên Hiệp Quốc ở New York.
Thỉnh đơn yêu cầu Liên Hiệp Quốc phải “tiến thêm một bước để bảo vệ những Ki-tô hữu và các cộng đoàn tôn giáo thiểu số khác sống ở đó,” để “sự tự do tôn giáo có thể được thực hiện trong vùng đó của thế giới.” Thỉnh đơn đã được gửi tới văn phòng Tổng Thư Ký Liên hiệp Quốc Ban Ki-moon hôm thứ Sáu.
Những nhà lãnh đạo tôn giáo như Đức Giám Mục người Nigeria Joseph Danlami Bagobiri và Tổng Giám Mục Jean-Clement Jeanbart thuộc thành phố Aleppo, ở Syria cũng tham gia làm đại diện của CitizenGO bên ngoài Liên Hiệp Quốc. Sự kiện này là một phần của Hội nghị kéo dài 3 ngày về Tự do Tôn giáo, #WeAreN2016, hay “Tất cả chúng tôi là người Nazaret.”
Các thành viên ISIS đã dùng sơn phun ký tự Ả-rập “nun” có nghĩa là “Nazaret” trên các nhà của người Ki-tô hữu ở Mosul, Iraq, đánh dấu họ là mục tiêu đặc biệt để bách hại.
Đặc biệt, thỉnh đơn yêu cầu Văn phòng của ông Ban Ki-moon ra sức ép với Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc để công bố nạn diệt chủng người Ki-tô hữu và những nạn nhân tôn giáo khác của ISIS, và thúc ép “những cơ chế” để bảo vệ các nạn nhân của nạn diệt chủng và truy tố các thủ phạm.
Thỉnh đơn cũng kêu gọi các quốc gia thành viên có hành động để “dừng chiến tranh ở Syria” cũng như giúp những người di tản trong nước ở Iraq và Syria có thể trở về nhà của họ. Phải xây dựng được những “nơi ở an toàn” cho những người di tản trong nước, cũng như một “kế hoạch hành động để giải cứu những người bị bắt cóc và các phụ nữ và trẻ em gái người Ki-tô hữu và Yazidi bị bắt làm nô lệ.”
Những người Ki-tô hữu đã rời bỏ Iraq và Syria thành từng đoàn trong những năm gần đây, và chiếm 80% những nạn nhân cộng đồng thiểu số của nạn bách hại tôn giáo, thỉnh đơn “Lời Kêu Gọi Hành Động” cho biết.
Người Ki-tô hữu, người Yazidis, và các cộng đồng thiểu số khác là “những nạn nhân của tình trạng cưỡng bức những điều kiện sống có chủ đích nhằm cố tình mang đến sự hủy hoại về thể lý cho họ gây ra bởi một tổ chức được gọi là ‘ISIS/Daesh’: Các nạn nhân đang bị giết, bị chặt đầu, bị đóng đinh, bị đánh đòn, bị tống tiền, bị bắt cóc, và bị tra tấn,” thỉnh nguyện đơn nói thêm.
Ngoài ra, phụ nữ và trẻ em đã bị bắt làm nô lệ, phụ nữ bị cưỡng ép tình dục và bị đem bán, trẻ em thì bị “ép buộc đầu quân,” và các nhà thờ và các cộng đoàn bị phá hủy.
Ki-tô hữu ở Nigeria cũng là mục tiêu của nhóm khủng bố có tên Boko Haram. Theo một nhóm có tên Open Doors, có trên 4.000 Ki-tô hữu bị giết chết và gần 200 nhà thờ bị tấn công ở Nigeria trong năm 2015.
Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ, Nghị viện Anh, và Quốc Hội Liên Minh Châu Âu cùng công bố tình trạng diệt chủng đang diễn ra ở Iraq và Syria. Thỉnh nguyện thư cũng lưu ý rằng có nhiều cơ quan cố vấn của Liên Hiệp Quốc cũng công bố rằng nạn diệt chủng có thể đang xảy ra.
“Vì vậy chúng tôi có mặt ở đây để ủng hộ cho những anh chị em của chúng tôi, những Ki-tô hữu và những người theo các tôn giáo khác đang chịu bách hại, đang bị hành quyết, đang chịu những sự kỳ thị ở trong khu vực này của thế giới, vùng Trung Đông,” Arsuaga thông báo tại buổi họp báo.
Sau buổi họp báo, Đức Tổng Giám Mục Jeanbart giải thích với CNA lý do tại sao việc Liên Hiệp Quốc phải có hành động cho vấn đề này là rất quan trọng.
“Chúng tôi đang phải trải qua tình trạng diệt chủng thật sự,” ngài nói về giáo phận của ngài ở Aleppo, “và chúng tôi sợ rằng họ muốn đuổi chúng tôi ra khỏi cuộc sống của chúng tôi, ra khỏi đất nước của chúng tôi, ra khỏi nơi chúng tôi đã sinh ra, nơi Giáo Hội sơ khai ra đời.”
“Có hai loại diệt chủng, diệt chủng con người và diệt chủng Giáo Hội,” ngài nói. Không chỉ con người bị giết, mà chính Giáo Hội cũng đang bị “biến mất” khỏi Syria.
Ngài nói, “Giáo Hội của những Ki-tô hữu tiên khởi đang sụp đổ,” nhấn mạnh rằng những Ki-tô hữu Syria tiên khởi là những người Do Thái phân tán đã đi hành hương tới Jerusalem trong ngày lễ Ngũ Tuần, và là những người trong số 3.000 người được Thánh Phê-rô Tông đồ rửa tội.
Ngài tiếp tục, “Họ trở về thành phố của họ và bắt đầu đời sống Ki-tô hữu ở đó, và họ đã giúp đỡ Thánh Phaolo khi ngài trở lại. Ngài nói, đó là lý do rất quan trọng tại sao cần phải giữ Giáo Hội này tồn tại.”


[Chuyển ngữ: TRI KHOAN 01/05/2016]

Ba Khía Cạnh Đức Thánh Cha Phanxico gửi đến Hội Nghị Y học Tái Tạo

Ba khía cạnh Đức Thánh Cha Phanxico gửi đến Hội nghị Y học Tái tạo

Bài diễn văn của Đức Thánh Cha (Toàn văn)



© Antoine Mekary / ALETEIA
Pope Francis - Joe Biden - Audience - Paul VI Hall

VATICAN CITY — Hôm thứ Sáu Đức Thánh Cha Phanxico đã đưa ra 3 điểm chính trong cuộc chiến chống lại những bệnh hiếm gặp đang ảnh hưởng đến hàng triệu người trên thế giới, đặc biệt là trẻ em và gia đình các em.
Phát biểu trước các cử tọa trong hội nghị về sự tiến bộ trong y học tái tạo do Vatican tổ chức và ảnh hưởng của nó đối với nền văn hóa, trước hết Đức Thánh Cha dẫn dắt các cử tọa nắm được đầu mối vấn đề của các chứng bệnh hiếm gặp trên bình diện toàn cầu, ngăn chặn “sự toàn cầu hóa tính thờ ơ” bằng sự toàn cầu hóa sự cảm thông”. Điểm thứ hai, ngài nói, là đầu tư vào nghiên cứu khoa học, cả giáo dục lẫn công nghiệp, trong đó phải “liên tục bám sát vào những giá trị đạo đức để có thể trở thành một công cụ bảo vệ sự sống và phẩm giá của con người.” Và cuối cùng, ngài nói với các cử tọa, là phải gia tăng tính xã hội của liệu pháp điều trị bằng cách chống lại “một khu vực kinh tế đặc quyền và bất bình đẳng,” trong đó lợi nhuận được đặt trên giá trị của sự sống con người.
Pope Francis - Joe Biden - Audience - Paul VI Hall

Hội nghị có chủ đề “Những chân trời của Tế bào gốc,” được tổ chức tại Vatican hôm 28-30 tháng 4, và tập trung những nhà khoa học liệu pháp mô hàng đầu thế giới, các bác sĩ, bệnh nhân, những nhà đạo đức học và các nhà lãnh đạo đức tin, chính phủ và những nhà hảo tâm để thảo luận về những đột phá mới nhất của liệu pháp mô gốc và những hy vọng cho tương lai.
Phó Tổng Thống Mỹ Joe Biden, đã bị mất đứa con trai vì bệnh ung thư, đọc diễn văn trước những người tham dự cho hay rằng các bác sĩ điều trị cho con trai của ông cho biết chỉ trong 4-5 năm qua, nghiên cứu về bệnh ung thư đã đạt đến một bước ngoặt và lần đầu tiên trong lịch sử nhiều ngành kiến thức đã hợp sức làm việc với nhau để mang đến một phương pháp điều trị. Giọng của ông cao lên đầy cảm xúc, ông cổ vũ các nhà khoa học và bác sĩ cùng chia sẻ những nghiên cứu và dữ liệu với nhau: “Quý vị còn chờ đợi gì nữa? Hãy làm ngay đi!”
Pope Francis - Joe Biden - Audience - Paul VI Hall

Dưới đây chúng tôi đăng toàn văn bản dịch sang tiếng Anh bài diễn văn của Đức Thánh Cha Phanxico.
Pope Francis - Joe Biden - Audience - Paul VI Hall


Các bạn thân mến,

Tôi xin có lời chào mừng thân ái đến tất cả các bạn. Tôi xin cảm ơn Đức Hồng Y Gianfranco Ravasi đã có những lời trình đến tôi, và đặc biệt đã thúc đẩy buổi họp này bàn về vấn đề tế nhị của các chứng bệnh hiếm gặp trong phạm trù văn hóa xã hội ngày nay.
Trong quá trình tìm tòi nghiên cứu, các bạn đã ứng dụng trình độ chuyên môn và những kỹ năng cao cấp của mình để tìm ra những liệu pháp khả dụng, mà không bỏ qua các vấn đề liên quan đến đạo đức, con người, xã hội và văn hóa, cũng như vấn đề rất phức tạp về sự tiếp cận được liệu pháp điều trị cho những người đang bị ảnh hưởng bởi những căn bệnh hiếm gặp. Trong thực tế, rất nhiều khi chúng ta không có đủ chú ý đến những bệnh nhân này, vì chúng ta không nhìn thấy được một sự hoàn trả rõ rệt nào từ những đầu tư chúng ta tạo ra trên danh nghĩa của họ. Trong triều đại của tôi, tôi liên tục gặp gỡ những người bị các chứng bệnh được gọi là “hiếm gặp”. Thực ra những căn bệnh này đang ảnh hưởng đến triệu triệu người trên khắp thế giới, gây ra những lo lắng và đau khổ về nhiều mặt cho những người đang chăm sóc họ, mà bắt đầu là gia đình của họ.
Cuộc họp của các bạn ở đây thậm chí còn mang một giá trị đặc biệt hơn nhiều trên chân trời của Năm Thánh Lòng Chúa Thương Xót đặc biệt này, và đó là “lề luật căn bản nhất ở trong tâm hồn của mỗi người khi họ nhìn vào đôi mắt của anh chị em một cách thân ái trên lối đi của cuộc sống.” (Tông sắc Dung Nhan Tình Thương - Misericordiae Vultus, 2). Một nguồn hy vọng cho chúng là được nhìn thấy dự án có sự chung sức của rất nhiều người, nhiều tổ chức, nhiều nền văn hóa, nhiều xã hội và tôn giáo khác nhau, tất cả hợp nhất trong một tinh thần thương cảm nhất dành cho những người đang bị những căn bệnh này.
Tôi muốn cân nhắc đến, mặc dù hơi ngắn, 3 khía cạnh thuộc trách nhiệm thi hành của Hội Đồng Giáo Hoàng về Văn Hóa và những cơ quan trực thuộc của Hội Đồng gồm Quỹ Tài trợ Khoa học và Đức Tin  – STOQ và Quỹ Tế bào gốc cho Sự sống (Stem for Life Foundation), cùng với rất nhiều những tổ chức khác đang liên kết trên con đường văn hóa này.
Khía cạnh thứ nhất là “nâng cao ý thức.” Tính quan trọng nền tảng là cổ vũ và thúc đẩy sự lớn mạnh của lòng cảm thông trong xã hội, để không ai còn ở trong tình trạng thờ ơ trước những tiếng kêu cầu cứu giúp của anh em chung quanh, thậm chí khi người anh em đang bị khổ sở vì một chứng bệnh hiếm gặp. Tuy nhiên, sự nhạy cảm của con người trước những nỗi đau phải mang tính toàn cầu, không bị ảnh hưởng bởi tín ngưỡng, tình trạng xã hội hay phạm trù văn hóa.
Một từ ngữ thứ hai phải song hành cùng các bạn trên con đường là “nghiên cứu” và phải được hiểu theo 2 ý nghĩa không thể tách rời nhau: giáo dục và đòi hỏi khoa học chân chính. Ngày nay hơn bao giờ hết chúng ta cảm thấy sự cấp bách này của giáo dục, cùng với việc hoàn thiện những khả năng trí tuệ cho các sinh viên, bảo đảm đúng nhân phẩm con người, bảo đảm những tiêu chuẩn chuyên môn cao nhất. Trong lĩnh vực sư phạm này, thực sự rất quan trọng, hiểu theo phạm trù khoa học sự sống và khoa học y khoa, để xây dựng lên những hướng đi thuộc nhiều lĩnh vực học thuật khác nhau nhưng vẫn duy trì một không gian cho sự hình thành con người trên những nền tảng của đạo đức. Thực tế, thậm chí trong nghiên cứu, cả về học thuật lẫn công nghiệp, đều đòi hỏi sự tập trung kiên vững những vấn đề đạo đức để có thể trở thành một công cụ bảo vệ sự sống và phẩm giá của con người. Vì vậy, việc huấn luyện và nghiên cứu đòi hỏi phải được đặt trong phạm vi phục vụ với những giá trị cao nhất như sự thống nhất, tính cao thượng, lòng vị tha, sự chia sẻ kiến thức, tôn trọng sự sống con người và một tình yêu vị tha và huynh đệ.
Khía cạnh thứ ba tôi muốn nói đến là “bảo đảm được sự tiếp cận phổ quát của liệu pháp điều trị.” Trong tông huấn Niềm vui của Tin Mừng (Evangelii gaudium), tôi lưu ý đến giá trị của những tiến bộ của con người trong giây phút lịch sử này, nêu ra làm những ví dụ “những lãnh vực như chăm sóc sức khỏe, giáo dục và trao đổi thông tin” (52).
Tuy nhiên, tôi mạnh mẽ tuyên bố rằng chúng ta phải chống lại “một nền kinh tế đặc quyền và bất bình đẳng” (ibid., 53), nó tạo ra các nạn nhân khi cơ chế lợi nhuận được đặt trên giá trị sự sống của con người.
Đây là lý do tại sao sự toàn cầu hóa của tính thờ ơ phải được chống lại bằng sự toàn cầu hóa lòng cảm thông. Vì thế chúng ta được kêu mời để phổ biến sự hiểu biết về vấn đề của những căn bệnh hiếm gặp trên bình diện quốc tế, để đầu tư cho những công tác đào tạo phù hợp, để gia tăng những tài nguyên cho nghiên cứu, sửa đổi luật cho phù hợp và thay đổi mô hình kinh tế để mọi người đều được hưởng đặc quyền. Rồi qua những nỗ lực hợp tác ở nhiều mức độ khác nhau và trong nhiều lãnh vực khác nhau, khả năng có thể đưa tới không chỉ là tìm ra được những giải pháp cho những đau khổ mà anh chị em bệnh nhân của chúng ta đang chịu đựng, nhưng còn để bảo đảm sự tiếp cận liệu pháp điều trị mang tính phổ quát cho những anh chị em này.
Vì vậy, tôi khuyến khích các bạn hãy gieo trồng những giá trị này, những giá trị đã thuộc về hành trình văn hóa và học thuật của các bạn, đã được cam kết nhiều năm trước, và vẫn đang tiếp tục thu hút thêm ngày càng nhiều người và các tổ chức trên toàn thế giới. Trong Năm Thánh này xin cầu chúc cho các bạn là những người cộng tác đủ khả năng và đại lượng với Lòng Thương Xót của Chúa Cha. Tôi xin đồng hành với các bạn và chúc lành cho các bạn trên con đường của mình; và tôi xin các bạn, xin hãy cầu nguyện cho tôi. Xin cảm ơn các bạn.

[Nguồn: http://aleteia.org]

[Chuyển ngữ: TRI KHOAN 01/05/2016]