Thứ Tư, 13 tháng 3, 2019

Ai đã sáng tạo ra Các Chặng đàng Thánh giá?

Ai đã sáng tạo ra Các Chặng đàng Thánh giá?

Ai đã sáng tạo ra Các Chặng đàng Thánh giá?


08 tháng Ba, 2019

Có một vị thánh nào đó đã bắt đầu? Hay nhiều người?

Trải qua nhiều thế kỷ, một trong những cách sùng kính phổ biến nhất đứng vững với thời gian là Chặng đàng Thánh Giá (cũng còn gọi là Chặng đàng, và tiếng Latinh là Via Crucis). Nó bao gồm một số “chặng” tại đó con người hồi tưởng lại những bước chân của Chúa Giê-su Ki-tô trong cuộc Thương Khó và cái chết của Người.

Theo truyền thống cổ xưa, Mẹ Maria Đồng Trinh đến viếng những địa điểm chịu nạn, chịu chết, và phục sinh hàng ngày sau khi Người về Trời. Nhiều truyền thống cũng cho rằng Mẹ Maria theo dấu chân Chúa Giê-su lên đồi Can-vê.

Tuy nhiên, khi thực hiện việc này, Mẹ Diễm Phúc không tạo ra cách sùng kính phổ biến bằng những lời kinh và các “chặng đàng” cụ thể để đi. Mẹ chỉ đơn thuần muốn sống lại những biến cố trọng đại của cuộc thương khó của Chúa Giê-su và ghi nhớ tất cả “trong lòng Mẹ,” chiêm niệm sự hy sinh vĩ đại Người đã làm.

Theo Bách khoa Toàn thư Công giáo, mãi đến một vài thế kỷ sau thì “một cụm các nhà nguyện liên kết được xây dựng đầu thế kỷ thứ năm bởi Thánh Petronius, Giám mục thành Bologna, với mục đích miêu tả những đền thờ Giê-ru-sa-lem quan trọng hơn … Đây có thể được xem là nguồn gốc để các Chặng Đàng được phát triển sau đó, tuy nhiên một điều khá chắc chắn là chẳng điều gì chúng ta có trước hoặc trong khoảng thế kỷ thứ năm có thể được gọi cụ thể là Chặng đàng Thánh giá theo ý nghĩa hiện đại.”

Vào thời Trung Cổ, Đất Thánh trở thành một vùng đất đầy biến động và người hành hương không thể dễ dàng tiếp cận các đền thờ Cuộc Thương Khó của Chúa Giê-su, do đó các cha Dòng Phan sinh và các Dòng khác trên khắp Châu Âu bắt đầu xây các nhà nguyện và đền thờ tái tạo lại các thánh địa này ở Giê-ru-sa-lem. Đặc biệt linh mục Chân phước Dòng Đaminh Álvaro thành Córdoba làm lan tỏa sự sùng kính này trên khắp Châu Âu, bắt đầu từ Cordoba, tại đây ngài dựng lên các nhà nguyện nhỏ tương tự như kiểu cách của các chặng đàng hiện đại ngày nay.

Theo Cha William Saunders, “William Wey, một người hành hương người Anh, đến thăm Đất Thánh năm 1462, và được cho là đã đặt ra tên ‘chặng đàng.’ Ông mô tả cách thức một người hành hương đi theo những bước chân của Đức Ki-tô.” Tên gọi này trở thành phổ biến trong tiếng Anh và cuối cùng được dùng để đặt cho những cảnh dựng trong các nhà thờ.

Vào thế kỷ thứ 17 các cha Dòng Phan sinh muốn bắt đầu dựng lên các “chặng đàng” này phía bên trong các bức tường nhà thờ và xin phép Roma. Ngoài ra, các ngài muốn tín hữu cũng được ban ân xá giống như ân xá ban cho những người đi đến Giê-ru-sa-lem. Đức Giáo hoàng Innocent XI nhận thấy nhu cầu và ban phép theo yêu cầu, mở ra con đường cho các Chặng đàng Thánh giá chúng ta biết ngày nay.

Do đó, các sử gia không thể nói rằng chỉ có một người cụ thể khởi đầu các Chặng đàng Thánh giá. Rất nhiều người thánh thiện qua nhiều thế kỷ, bắt đầu từ Mẹ Maria Đồng trinh Diễm phúc, đã đi theo các bước chân của Chúa Giê-su Ki-tô, chiêm ngắm Cuộc Thương khó và cái chết của Người. Đó là một truyền thống đẹp, một truyền thống đã phát triển có kết cấu theo năm tháng.


[Nguồn: aleteia]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 11/3/2019]


Abu Dhabi: Văn kiện lịch sử được ký bởi Đức Thánh Cha Phanxico và Đức Đại Imam của Đại học Al-Azhar

Abu Dhabi: Văn kiện lịch sử được ký bởi Đức Thánh Cha Phanxico và Đức Đại Imam của Đại học Al-Azhar
© Vatican Media

Abu Dhabi: Văn kiện lịch sử được ký bởi Đức Thánh Cha Phanxico và Đức Đại Imam của Đại học Al-Azhar

‘Tình huynh đệ con người cho nền hòa bình thế giới và chung sống’

04 tháng Hai, 2019 17:47

Ngày 4 tháng Hai, 2019, Đức Thánh Cha Phanxico và Đức Đại Imam của Đại học Al-Azhar ký kết Văn kiện về “Tình huynh đệ con người vì nền hòa bình thế giới và chung sống.” Việc ký kết tiếp theo sau diễn từ của Đức Thánh Cha tại Hội nghị toàn cầu về Tình Huynh đệ Con người ở Abu Dhabi, một điểm then chốt trong chuyến tông du diễn ra từ ngày 3-5 tháng Hai của Đức Thánh Cha đến các Tiểu Vương quốc Ả-rập Thống nhất.

“Văn kiện thể hiện một bước đi quan trọng hướng đến sự đối thoại giữa Ki-tô giáo và Hồi giáo và là một dấu chỉ mạnh mẽ về hòa bình và hy vọng cho tương lai của nhân loại,” là lời trong báo cáo của ông Alessandro Gisotti, Quyền Giám đốc của Văn phòng Báo chí Vatican.
Abu Dhabi: Văn kiện lịch sử được ký bởi Đức Thánh Cha Phanxico và Đức Đại Imam của Đại học Al-Azhar

Sáng nay, Đức Hồng y Phê-rô Parolin, Quốc vụ khanh Vatican, nói với các phóng viên, trong đó có Deborah Lubov của Zenit, rằng vấn đề quan trọng của ngày nay là sự đối thoại giữa các tôn giáo, đặc biệt Ki-tô giáo và Hồi giáo, để thúc đẩy hòa bình và chống lại trào lưu chính thống.

Báo cáo của văn phòng báo chí tiếp tục:

“Văn kiện là một lời kêu gọi mạnh mẽ để trả lời cho sự dữ bằng sự lành, để củng cố sự đối thoại liên tôn và thúc đẩy sự tôn trọng lẫn nhau để ngăn chặn lại con đường của những kẻ đổ dầu vào ngọn lửa của những mâu thuẫn giữa các nền văn minh. Tại Abu Dhabi, Đức Phanxico và Đức Al-Tayyib cùng nhau vạch ra con đường hòa bình và hòa giải mà trên đó không chỉ người Ki-tô hữu và Hồi giáo có thể đi, nhưng là cho tất cả mọi người thiện chí.

“Văn kiện thể hiện sự can đảm và tính ngôn sứ vì nó đương đầu, và chỉ đích danh, những vấn đề cấp bách nhất trong thời đại chúng ta mà tất cả những người tin vào Thiên Chúa để được động viên phải tự vấn lương tâm của mình và vững tâm nhận lãnh trách nhiệm riêng của mình để trao tặng sức sống cho một thế giới công bằng và hiệp nhất hơn.

“Bằng những lời rõ ràng, Đức Thánh Cha và Đức Đại Imam tuyên bố rằng không ai bao giờ được phép dùng danh của Chúa để biện minh cho chiến tranh, khủng bố hay bất kỳ hình thức bạo lực nào khác. Ngoài ra, các ngài khẳng định rằng sự sống phải luôn luôn được bảo vệ, đồng thời những quyền của phụ nữ phải được công nhận trọn vẹn, và phải loại bỏ mọi cách phân biệt đối xử đối với phụ nữ.

“Trước toàn thể nhân loại, bị thương tổn bởi quá nhiều sự chia rẽ và cuồng tín theo hệ tư tưởng, Đức Thánh Cha và Đức Đại Imam của Đại học Al-Azhar cho thấy rằng thúc đẩy một văn hóa gặp gỡ không phải là điều không tưởng, nhưng là điều kiện cần thiết để sống trong hòa bình và để lại cho các thế hệ tương lai một thế giới tốt đẹp hơn thế giới chúng ta đang sống.”
VĂN KIỆN VỀ

TÌNH HUYNH ĐỆ CON NGƯỜI

CHO NỀN HÒA BÌNH THẾ GIỚI VÀ SỰ CHUNG SỐNG


GIỚI THIỆU

Niềm tin dẫn đưa một người tín hữu nhìn thấy nơi người khác là một người anh em hoặc chị em để được hỗ trợ và được yêu thương. Qua niềm tin vào Thiên Chúa, là Đấng tạo dựng vũ trụ, muôn loài tạo vật và con người (bình đẳng vì lòng thương xót của Người), người tín hữu được kêu gọi phải thể hiện tình huynh đệ con người bằng cách bảo vệ tạo vật và toàn thể vũ trụ và hỗ trợ tất cả mọi người, đặc biệt những người nghèo nhất và những người thiếu thốn nhất.

Giá trị siêu việt này được dùng như điểm khởi đầu cho nhiều cuộc gặp gỡ với không khí nổi bật của sự thân thiện và tình huynh đệ, là nơi chúng tôi chia sẻ những niềm vui, những buồn phiền, và những vấn đề của thế giới hiện tại chúng ta. Chúng tôi đã thực hiện điều này nhờ vào những tiến bộ khoa học và kỹ thuật, những thành tựu về y thuật, kỷ nguyên số, truyền thông đại chúng, và các ngành truyền thông. Chúng tôi cũng đã phản ánh về mức độ nghèo khổ, xung đột, và đau khổ của quá nhiều anh chị em ở nhiều nơi trên thế giới do hậu quả của cuộc chạy đua vũ trang, bất công xã hội, tham nhũng, bất bình đẳng, suy thoái đạo đức, khủng bố, phân biệt đối xử, phong trào cực đoan, và nhiều nguyên nhân khác.

Từ những buổi thảo luận trong không khí huynh đệ và cởi mở, và từ cuộc họp bày tỏ sự hy vọng sâu sắc vào một tương lai tươi sáng cho mọi người, ý tưởng của Văn kiện về Tình Huynh đệ Con người được hình thành. Nó là một văn bản đã được đúc kết từ những suy tư chân thành và nghiêm túc để biến thành một tuyên ngôn chung về những khát vọng tốt đẹp và chân thành. Nó là một tài liệu mời gọi tất cả mọi người có đức tin vào Thiên Chúa và niềm tin vào tình huynh đệ con người hiệp nhất và cùng nhau làm việc để nó được sử dụng như một kim chỉ nam cho các thế hệ tương lai thăng tiến một văn hóa biết tôn trọng lẫn nhau trong ý thức về ơn sủng lớn lao của Thượng đế làm cho mọi người trở thành anh chị em.

TÀI LIỆU

Nhân danh Thiên Chúa Đấng đã tạo dựng mọi con người bình đẳng về quyền, trách nhiệm và phẩm giá, và là Đấng kêu gọi con người sống với nhau như anh em chị em, để sinh sôi đầy mặt đất và làm cho mọi người biết đến giá trị của sự thiện, sự yêu thương, và hòa bình;

Nhân danh sự sống con người vô tội mà Thiên Chúa đã cấm không được giết hại, khẳng định rằng bất kỳ người nào sát hại một người thì cũng như người sát hại toàn nhân loại, và rằng bất cứ một ai cứu một con người thì cũng giống như cứu toàn thể nhân loại;

Nhân danh người nghèo, người cơ cực, người bị gạt ra bên lề và những người thiếu thốn nhất mà Thiên Chúa đòi hỏi chúng ta giúp đỡ như một trách nhiệm phải có của tất cả mọi người, đặc biệt là những người giàu có;

Nhân danh những trẻ mồ côi, những quả phụ, những người tị nạn và người phải di tản khỏi nhà cửa và quê hương của họ; nhân danh tất cả các nạn nhân của những cuộc chiến tranh, sự bắt bớ và bất công; nhân danh những người yếu đuối, là những người sống trong nỗi sợ hãi, những tù nhân chiến tranh và người bị tra tấn ở bất kỳ nơi nào trên thế giới, không phân biệt;

Nhân danh các dân tộc đã bị mất sự an ninh, hòa bình, và khả năng chung sống, đang trở thành các nạn nhân của sự tàn phá, tai ương, và chiến tranh;

Nhân danh tình huynh đệ con người ôm trọn lấy toàn thể nhân loại, hiệp nhất họ và làm cho họ bình đẳng;

Nhân danh tình huynh đệ này đã bị xé nát bởi những chính sách cực đoan và chia rẽ, bởi những hệ thống tìm kiếm lợi nhuận vô độ hoặc bởi các khuynh hướng của ý thức hệ thù hận điều khiển những hành động và tương lai của mọi người nam và nữ;

Nhân danh sự tự do mà Thiên Chúa đã trao cho mọi con người, tạo dựng nên họ tự do và làm cho họ khác biệt nhờ ơn này;

Nhân danh sự công bằng và lòng thương xót, những nền tảng của sự thịnh vượng và tảng đá gốc của đức tin;

Nhân danh tất cả mọi người thiện chí hiện diện trên mọi miền của thế giới;

Nhân danh Thiên Chúa và mọi điều đã được trình bày ở trên; Đức Al-Azhar al-Sharif và Hồi giáo của Đông phương và Tây phương, cùng với Giáo hội Công giáo và người Công giáo của Đông phương và Tây phương, công bố sự chấp nhận văn hóa đối thoại như là con đường; hợp tác với nhau như là quy tắc ứng xử; hiểu biết lẫn nhau như phương pháp và tiêu chuẩn.

Chúng tôi, những người tin Thiên Chúa và tin vào lần gặp cuối cùng với Ngài và sự phán xét của Ngài, trên nền tảng trách nhiệm tôn giáo và đạo đức của chúng tôi, và thông qua Văn kiện này, kêu gọi chính bản thân chúng tôi, kêu gọi các nhà lãnh đạo thế giới cũng như những kiến trúc sư của chính sách quốc tế và kinh tế thế giới, hãy làm việc hăng say để lan truyền văn hóa khoan dung và chung sống trong hòa bình; để can thiệp và ngăn chặn trong thời gian sớm nhất sự đổ máu vô tội và chấm dứt chiến tranh, xung đột, sự suy thoái môi trường và đạo đức và suy đồi văn hóa mà thế giới hiện tại đang trải qua.

Chúng tôi kêu gọi những người trí thức, các triết gia, các nhà tôn giáo, những nghệ sĩ, các nhà chuyên môn về truyền thông, và mọi người nam nữ có văn hóa trên mọi miền của thế giới, hãy tái khám phá những giá trị của hòa bình, công bằng, sự thiện, cái đẹp, tình huynh đệ con người và sự chung sống để khẳng định tầm quan trọng của những giá trị này như là những chỗ nương tựa của ơn cứu độ cho tất cả mọi người, và thúc đẩy chúng ở khắp nơi.

Tuyên ngôn này, khởi đầu từ một sự cân nhắc sâu sắc về thực tại đương thời của chúng ta, đánh giá cao những thành công của nó và trong tình đoàn kết với sự đau khổ, những thảm họa và tai ương của nó, tin rằng trong số những nguyên nhân chính của các khủng hoảng trong thế giới hiện đại là một sự tê liệt lương tâm của con người, một sự xa cách với những giá trị tôn giáo và một chủ nghĩa cá nhân thắng thế cùng với những triết lý thụ hưởng sùng bái con người và giới thiệu những giá trị thế tục và vật chất thay thế cho những nguyên tắc tối thượng và siêu nghiệm.

Trong khi công nhận những bước đi tích cực đã đạt được của nền văn minh hiện đại thuộc các lĩnh vực khoa học, kỹ thuật, y khoa, công nghiệp và sự thịnh vượng, đặc biệt trong các quốc gia phát triển, chúng tôi muốn nhấn mạnh rằng, đi liền với những tiến bộ mang tính lịch sử như vậy, rất lớn lao và rất giá trị, có một sự suy thoái đạo đức ảnh hưởng đến hoạt động quốc tế tồn tại song song với một sự suy yếu về các giá trị tinh thần và trách nhiệm. Tất cả những điều này góp phần tạo ra cảm giác thất vọng, cô lập và tuyệt vọng chung khiến nhiều người rơi vào vòng xoáy của chủ nghĩa vô thần, bất khả tri hoặc cực đoan tôn giáo, hoặc rơi vào chủ nghĩa cực đoan mù quáng và cuồng tín, cuối cùng dẫn đến những tình trạng lệ thuộc và tự hủy hoại cá nhân hoặc tập thể.

Lịch sử cho thấy chủ nghĩa cực đoan tôn giáo, chủ nghĩa cực đoan dân tộc và sự bất khoan dung đã tạo ra trên thế giới điều có thể gọi là những dấu hiệu của một “cuộc chiến tranh thế giới thứ ba đang diễn ra trong từng vùng,” bất kể ở phương Đông hoặc phương Tây. Ở một số nơi trên thế giới và trong nhiều hoàn cảnh bi thảm, những dấu hiệu này đã bắt đầu lộ rõ một cách đau đớn, khi con số chính xác các nạn nhân, góa phụ và trẻ em mồ côi trong những hoàn cảnh này không được mọi người biết đến. Ngoài ra, chúng ta thấy các khu vực khác chuẩn bị trở thành những cứ địa của các cuộc xung đột mới, với sự bùng nổ những căng thẳng và tập trung vũ khí và đạn dược, và tất cả những điều này diễn ra trong bối cảnh toàn cầu bị lu mờ bởi sự bấp bênh, sự vỡ mộng, sợ hãi về tương lai, và bị điều khiển bởi những lợi ích kinh tế hẹp hòi.

Chúng tôi cũng khẳng định rằng các cuộc khủng hoảng chính trị lớn, những hoàn cảnh bất công và thiếu sự phân phối tài nguyên thiên nhiên một cách công bằng – là điều mà chỉ một thiểu số người giàu được hưởng lợi, gây phương hại cho phần lớn các dân tộc trên trái đất – đã tạo ra, và tiếp tục tạo ra, những con số khổng lồ người nghèo, người ốm yếu và người chết. Việc này dẫn đến những khủng hoảng thảm khốc mà nhiều quốc gia trở thành nạn nhân cho dù họ có những tài nguyên thiên nhiên và nguồn lực của tuổi trẻ đặc trưng trong các quốc gia này. Đứng trước những khủng hoảng như vậy đã dẫn đến cái chết của hàng triệu trẻ em – bị suy kiệt vì đói nghèo – có một thái độ im lặng không thể chấp nhận được trên tầm mức quốc tế.

Rõ ràng trong bối cảnh này, làm thế nào để gia đình là hạt nhân nền tảng của xã hội và nhân loại, là yếu tố trọng yếu để đưa trẻ em đi vào thế giới, nuôi dạy chúng, giáo dục chúng và cung cấp cho chúng sự giáo dục đạo đức vững chắc và sự an toàn trong nhà. Tấn công vào cấu trúc của gia đình, khinh miệt hoặc hoài nghi về vai trò quan trọng của nó, là một trong những tội ác đe dọa lớn nhất trong thời đại của chúng ta.

Chúng tôi cũng khẳng định tầm quan trọng của việc thức tỉnh nhận thức tôn giáo và sự cần thiết phải làm sống lại nhận thức này trong tâm hồn của các thế hệ trẻ thông qua giáo dục đúng đắn và sự tuân thủ các giá trị đạo đức và giáo huấn tôn giáo chính trực. Theo cách này, chúng ta có thể đương đầu với những khuynh hướng cá nhân, ích kỷ, xung khắc, và cũng giải quyết được chủ nghĩa cấp tiến và chủ nghĩa cực đoan mù quáng dưới mọi hình thức và cách thể hiện của nó.

Mục đích đầu tiên và quan trọng nhất của các tôn giáo là tin vào Thiên Chúa, tôn vinh Ngài và mời gọi tất cả mọi người nam và nữ tin rằng vũ trụ này phụ thuộc vào một Thiên Chúa cai quản nó. Ngài là Đấng Tạo Hóa đã tạo dựng nên chúng ta bằng sự khôn ngoan siêu phàm của Ngài và đã ban cho chúng ta món quà sự sống để bảo vệ nó. Đó là một món quà không ai có quyền lấy đi, đe dọa hoặc thao túng theo ý muốn của mình. Thật vậy, mọi người phải bảo vệ món quà sự sống này từ lúc nó bắt đầu cho đến khi kết thúc tự nhiên. Do đó, chúng tôi lên án tất cả những hành vi đe dọa đến sự sống như diệt chủng, những hành động khủng bố, di tản cưỡng bức, buôn người, phá thai và trợ tử. Chúng tôi cũng lên án những chính sách thúc đẩy các cách thực hành này.

Ngoài ra, chúng tôi thẳng thắn tuyên bố rằng các tôn giáo không bao giờ được kích động chiến tranh, thái độ thù hận, thù địch và cực đoan, và các tôn giáo cũng không bao giờ được kích động bạo lực hoặc đổ máu. Những thực tại bi thảm này là hậu quả của sự lệch lạc so với những giáo huấn của tôn giáo. Chúng là kết quả của sự thao túng chính trị của các tôn giáo và từ những cách diễn giải của các nhóm tôn giáo, theo dòng lịch sử, đã lợi dụng sức mạnh của tình cảm tôn giáo trong tâm hồn của những người nam và nữ để khiến họ hành động theo con đường hoàn toàn không đúng với sự thật của tôn giáo. Điều này được thực hiện nhằm mục đích đạt được các mục tiêu chính trị, kinh tế, thế gian và thiển cận. Do đó, chúng tôi kêu gọi tất cả các bên liên quan ngừng sử dụng các tôn giáo để kích động sự hận thù, bạo lực, cực đoan và cuồng tín mù quáng, và không được sử dụng Danh Chúa để biện minh cho các hành vi giết người, lưu đày, khủng bố và áp bức. Chúng tôi yêu cầu điều này trên cơ sở niềm tin chung của chúng tôi vào Thiên Chúa, Đấng không tạo dựng nên người nam và nữ để bị giết hại hoặc chống lại nhau, cũng không để bị tra tấn hoặc làm nhục trong cuộc sống và hoàn cảnh của họ. Thiên Chúa là Đấng Toàn Năng, không cần phải được bảo vệ bởi bất cứ ai và không muốn danh của Ngài bị sử dụng để khủng bố con người.

Tài liệu này, phù hợp với các Tài liệu Quốc tế trước đây nhấn mạnh tầm quan trọng của vai trò của các tôn giáo trong việc xây dựng hòa bình thế giới, khẳng định những điều sau đây:

  • Vững tin rằng những giáo huấn xác thực của các tôn giáo mời gọi chúng ta giữ vững nguồn cội trong các giá trị của hòa bình; để bảo vệ các giá trị của sự hiểu biết lẫn nhau, tình huynh đệ của con người và sự chung sống hòa hợp; để tái thiết lập sự khôn ngoan, công bằng và yêu thương; và tái thức tỉnh nhận thức tôn giáo trong giới trẻ để các thế hệ tương lai được bảo vệ thoát khỏi địa hạt tư duy thuần duy vật, và thoát khỏi các chính sách nguy hiểm của sự tham lam vô độ và thờ ơ, đặt cơ sở trên luật của sức mạnh mà không dựa trên sức mạnh của pháp luật;
  • Tự do là quyền của mọi con người: mỗi cá nhân được hưởng quyền tự do tín ngưỡng, suy nghĩ, bày tỏ và hành động. Tính đa nguyên và đa dạng của các tôn giáo, màu sắc, giới tính, chủng tộc và ngôn ngữ được sắp xếp bởi Thiên Chúa theo sự khôn ngoan của Người, qua đó Ngài đã tạo dựng nên con người. Sự khôn ngoan siêu phàm này là nguồn gốc từ đó sinh ra quyền tự do tín ngưỡng và tự do được khác biệt. Do đó, phải loại bỏ việc mọi người bị bắt buộc phải đi theo một tôn giáo hoặc một văn hóa nào đó, đồng thời cũng phải loại bỏ sự áp đặt một lối sống thuộc văn hóa mà người khác không chấp nhận;
  • Phải tuân theo con đường công lý đặt nền tảng trên lòng thương xót để đạt được một đời sống đúng phẩm giá mà mỗi con người đều có quyền;
  • Đối thoại, hiểu biết và thúc đẩy rộng rãi văn hóa khoan dung, chấp nhận người khác và chung sống hòa bình sẽ góp phần đáng kể vào việc giảm bớt nhiều vấn đề phức tạp của kinh tế, xã hội, chính trị và môi trường đang đặt gánh nặng lên một phần lớn nhân loại;
  • Đối thoại giữa các tín hữu có nghĩa là đến với nhau trong không gian rộng lớn của các giá trị chung thuộc xã hội, con người, và từ đó, truyền tải những giá trị đạo đức cao nhất mà các tôn giáo hướng tới. Nó cũng có nghĩa là tránh các cuộc tranh luận không hữu ích;
  • Việc bảo vệ các nơi thờ phụng – các hội đường, nhà thờ và đền thờ – là một nghĩa vụ được bảo đảm bởi các tôn giáo, giá trị nhân văn, luật pháp và các thỏa thuận quốc tế. Mọi nỗ lực tấn công các nơi thờ phụng hoặc đe dọa sử dụng bạo lực, đánh bom hoặc phá hủy, là một sự sai lệch hoàn toàn so với những giáo huấn của các tôn giáo cũng như rõ ràng vi phạm luật pháp quốc tế;
  • Khủng bố là điều tồi tệ và đe dọa an ninh của con người, bất kể ở phương Đông hoặc phương Tây, miền Bắc hoặc miền Nam, và gieo rắc sự hoảng loạn, kinh hoàng và bi quan, nhưng điều này không phải do tôn giáo, ngay cả khi những kẻ khủng bố dùng nó như công cụ. Thay vào đó, nó là do rất nhiều những diễn giải không chính xác về các văn bản tôn giáo và các chính sách liên quan đến đói khổ, nghèo nàn, bất công, áp bức và kiêu căng. Đây là lý do tại sao rất cần phải dừng lại những hỗ trợ cho các phong trào khủng bố được thúc đẩy bằng tài chính, cung cấp vũ khí và chiến lược, và bằng những cố gắng biện minh cho các phong trào này qua các phương tiện truyền thông. Tất cả những điều này phải bị xem là tội phạm quốc tế đe dọa sự an ninh và nền hòa bình thế giới. Chủ nghĩa khủng bố như vậy phải bị lên án dưới mọi hình thức và mọi cách thể hiện của nó;
  • Khái niệm quyền công dân được đặt nền tảng trên sự bình đẳng về quyền và nghĩa vụ, theo đó tất cả mọi người đều được hưởng công lý. Do đó, điều vô cùng quan trọng là phải thiết lập trong xã hội của chúng ta khái niệm công dân đầy đủ và từ chối việc sử dụng thuật ngữ các nhóm thiểu số mang tính phân biệt đối xử gây ra cảm giác cô lập và thấp kém. Cách sử dụng sai của nó dọn đường cho thái độ thù địch và bất hòa; nó xóa bỏ mọi thành công và tước mất các quyền tôn giáo và dân sự của một số công dân bị phân biệt đối xử;
  • Quan hệ tốt giữa Đông phương và Tây phương là điều cần thiết không thể phủ nhận cho cả hai. Họ không được chối bỏ nhau để mỗi bên có thể được làm phong phú nhờ nền văn hóa của bên kia thông qua những trao đổi và đối thoại hiệu quả. Phương Tây có thể khám phá ở phương Đông các phương thuốc cho những căn bệnh tinh thần và tôn giáo do nguyên nhân từ sự lấn át của chủ nghĩa duy vật. Và phương Đông có thể tìm thấy ở phương Tây nhiều yếu tố có thể giúp giải thoát nó khỏi sự yếu kém, chia rẽ, xung đột và sự suy yếu về khoa học, kỹ thuật và văn hóa. Điều quan trọng là phải chú ý đến những khác biệt về tôn giáo, văn hóa và lịch sử là một thành phần thiết yếu trong việc hình thành tính cách, văn hóa và văn minh của phương Đông. Điều quan trọng tương tự là phải củng cố sự ràng buộc của các quyền cơ bản của con người để giúp đảm bảo một đời sống đúng phẩm giá cho mọi người nam và nữ của Đông phương và Tây phương, tránh nền chính trị theo tiêu chuẩn kép;
  • Công nhận quyền của phụ nữ đối với giáo dục và việc làm và công nhận quyền tự do của họ để thực hiện các quyền chính trị của riêng họ là một đòi hỏi vô cùng quan trọng. Ngoài ra, phải thực hiện những nỗ lực để giải phóng phụ nữ khỏi điều kiện lịch sử và xã hội đi ngược lại các nguyên tắc về đức tin và phẩm giá của họ. Điều cần thiết khác là phải bảo vệ phụ nữ thoát khỏi việc khai thác tình dục, và thoát khỏi tình trạng bị coi như hàng hóa hoặc đối tượng để mua vui hoặc thu lợi tài chính. Theo đó, phải chấm dứt tất cả những hành vi vô nhân đạo và xúc phạm làm mất phẩm giá của phụ nữ. Phải thực hiện các nỗ lực để sửa đổi những luật lệ ngăn cản người phụ nữ được hưởng đầy đủ các quyền của họ;
  • Việc bảo vệ các quyền căn bản của trẻ em được lớn lên trong môi trường gia đình, có chế độ dinh dưỡng, giáo dục và sự hỗ trợ, là nhiệm vụ của gia đình và xã hội. Những nhiệm vụ như vậy phải được đảm bảo và bảo vệ để chúng không bị bỏ qua hoặc bị khước từ đối với bất kỳ trẻ em nào ở bất kỳ nơi đâu trên thế giới. Tất cả những hành vi vi phạm phẩm giá và quyền của trẻ em phải bị tố cáo. Điều quan trọng không kém là phải cảnh giác trước những nguy hiểm mà trẻ em phải đối mặt, đặc biệt là trong thế giới kỹ thuật số, và việc buôn bán sự ngây thơ của các trẻ và mọi vi phạm đối với tuổi trẻ của các em phải bị xem là một tội ác;
  • Bảo vệ quyền của người già, người đau yếu, người tàn tật và người bị áp bức là nghĩa vụ thuộc tôn giáo và xã hội phải được bảo đảm và bảo vệ thông qua luật pháp nghiêm ngặt và việc thực hiện các thỏa thuận quốc tế có liên quan.

Cuối cùng, qua sự hợp tác với nhau, Giáo hội Công giáo và Al-Azhar tuyên bố và cam kết truyền đạt Tài liệu này tới các chính quyền, các nhà lãnh đạo có ảnh hưởng, những người theo tôn giáo trên toàn thế giới, các tổ chức khu vực và quốc tế thích hợp, các tổ chức trong xã hội dân sự, các tổ chức tôn giáo và nhà tư tưởng hàng đầu. Họ cũng cam kết sẽ làm cho những nguyên tắc trong Tuyên bố này được biết đến ở tất cả các cấp khu vực và quốc tế, đồng thời yêu cầu các nguyên tắc này được chuyển thành các chính sách, các quyết định, văn bản lập pháp, các khóa học và tài liệu được lưu hành.

Al-Azhar và Giáo hội Công giáo yêu cầu rằng Tài liệu này sẽ trở thành chủ điểm để nghiên cứu và phản ánh trong tất cả các trường học, trường đại học, và các viện đào tạo, từ đó giúp công cuộc giáo dục các thế hệ mới để mang lại sự tốt lành và hòa bình cho người khác, và trở thành người bảo vệ quyền của những người bị áp bức và những người bé mọn nhất trong anh chị em chúng ta ở khắp mọi nơi.

Tóm lại, nguyện vọng của chúng tôi là:

Tuyên ngôn này có thể tạo thành một lời mời gọi hòa giải và tình huynh đệ giữa tất cả các tín hữu, giữa những người tin và không tin, và giữa tất cả những người có thiện chí;

Tuyên ngôn này trở thành một lời kêu gọi đối với mọi lương tâm ngay thẳng hãy chối bỏ bạo lực và chủ nghĩa cực đoan mù quáng; trở thành một lời kêu gọi đối với những người trân quý các giá trị của lòng khoan dung và tình huynh đệ được các tôn giáo khuyến khích và thúc đẩy;

Tuyên ngôn này có thể là một chứng tá cho sự vĩ đại của niềm tin vào Thiên Chúa hiệp nhất những tâm hồn bị chia rẽ và nâng cao linh hồn con người;

Tuyên ngôn này trở thành một dấu chỉ của sự gần gũi giữa Đông phương và Tây phương, giữa miền Bắc và miền Nam, và giữa tất cả những người tin rằng Chúa đã tạo dựng chúng ta để hiểu biết lẫn nhau, hợp tác với nhau và sống như anh chị em yêu thương nhau.

Đây là những gì chúng tôi hy vọng và tìm cách đạt được với mục đích tìm kiếm một nền hòa bình chung mà tất cả mọi người đều có thể được hưởng trong cuộc sống này.

Abu Dhabi, 4 tháng Hai 2019

Giáo hoàng Phanxico Đại Imam của Đại học Al-Azhar Ahmad Al-Tayyib

[00199-EN.01] [Văn bản chính: tiếng Ý và tiếng Ả-rập] [B0097-XX.01]



[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 9/2/2019]