Thứ Ba, 11 tháng 4, 2017

Giáo hội Công giáo Ấn-độ lên án những vụ đánh bom nhà thờ Cốp-tíc của Ai-cập

Giáo hội Công giáo Ấn-độ lên án những vụ đánh bom nhà thờ Cốp-tíc của Ai-cập

Giáo hội Công giáo Ấn-độ lên án những vụ đánh bom nhà thờ Cốp-tíc của Ai-cập
Nhà thờ Thánh George của Tanta, Ai-cập, bị đánh bom hôm 9 tháng Tư, 2017. - AP
10/04/2017 12:39
Giáo hội Công giáo Ấn độ đã mạnh mẽ lên án những vụ tấn công bằng bom cảm tử tại hai nhà thờ Cốp-tíc thuộc miền Bắc Ai-cập hôm Chúa nhật Lễ Lá giết chết ít nhất 44 người và bày tỏ sự gần gũi với những Ki-tô hữu và dân tộc Ai-cập. “Không thể tha thứ cho những hành động vô nhân như vậy và trong khi chúng tôi chào đón quyết định của Chính phủ Ai-cập ban bố 3 tháng Tình Trạng Khẩn Cấp, chúng tôi cũng hy vọng rằng những thủ phạm của hành động vô nhân tàn ác này sẽ bị truy tìm và bị trừng phạt,” Đức Giám mục Theodore Mascarenhas, Tổng Thư ký của Hội đồng Giám mục Công giáo Ấn độ (CBCI) viết trong một tuyên bố phát hành hôm thứ Hai.
Những kẻ đánh bom tự tử tấn công cách nhau nhiều giờ tại Nhà thờ Thánh George ở thành phố Tanta và Thánh Đường Cốp-tíc Thánh Mác-cô ở Alexandria hôm 9 tháng Tư, giết chết 44 người và biến ngày Chúa Nhật Lễ Lá thành những cảnh máu đổ, kinh hoàng và sỉ nhục. Tuy nhiên, Đức Giáo Chủ Cốp-tíc Tawadros II đang chủ sự nghi thức Chúa Nhật Lễ Lá ở nhà thờ Thánh Mác-cô không bị thương. Nhóm Nhà nước Hồi giáo nhận trách nhiệm vụ bạo lực này, và cảnh báo còn nhiều vụ khác sắp tới. Tổng thống Abdel-Fattah el-Sissi, ông gặp nhiều khó khăn trong việc bảo vệ người Ki-tô hữu chỉ chiếm khoảng 10 phần trăm dân số Ai-cập, đã lên tiếng, ban bố 3 tháng tình trạng khẩn cấp.
“Giáo hội Công giáo Ấn độ cũng chia sẻ và nhắc lại sự đau buồn lớn của Đức Thánh Cha Phanxico, theo sau những vụ tấn công nhà thờ,” Đức Giám mục Mascarenhas viết. Đức Thánh Cha Phanxico, cuối Thánh Lễ Chúa Nhật Lễ Lá ở Roma bảy tỏ sự chia buồn sâu sắc với Đức Giáo Chủ Tawadros II, với Giáo hội Cốp-tíc và dân tộc Ai-cập. “Tôi cầu nguyện cho những người chết và những người bị thương, và tôi hiệp nhất trong tinh thần với thành viên các gia đình và với toàn thể cộng đoàn,” Đức Thánh Cha nói. Đức Giám mục Mascarenhas cũng viết, “Gửi đến Đức Giáo Chủ Tawadros II, đến Giáo hội Cốp-tíc và toàn thể công dân nước Ai-cập thân yêu, chúng tôi xin chia buồn sâu sắc, khi Giáo hội Công giáo Ấn độ rất quan tâm và bày tỏ tình hiệp nhất với Giáo hội Cốp-tíc ở Ai-cập và dâng lời cầu nguyện trong sự thương tiếc và đau buồn lớn trong lúc này.” Các đức giám mục Ấn độ bày tỏ sự đau buồn đối với những người bị chết và bị thương khi các ngài chia buồn và giữ tình hiệp nhất với những gia đình và toàn thể cộng đoàn. Vị Tổng Thư ký của CBCI nói, “Giáo hội Công giáo Ấn độ mạnh mẽ lên án bạo lực dưới bất kỳ hình thức nào đặc biệt tất cả những hành động khủng bố hèn nhát chống lại những người vô tội ở bất cứ nơi đâu và dưới bất kỳ hình thức nào diễn ra.” “Chúng tôi cầu xin Thiên Chúa hoán cải tâm hồn của những người làm lan rộng sự kinh hoàng, bạo lực và sự hung tàn,” Đức Giám mục Mascarenhas nói thêm.
Vụ bạo lực cũng để lại 126 người bị thương đã đến tham dự ngày đầu tiên của Tuần Thánh chuẩn bị đến Phục Sinh, và chỉ ít tuần trước khi Đức Thánh Cha Phanxico đến thăm và gặp gỡ Đức Giáo Chủ Tawadros II, vị lãnh đạo của Giáo hội Chính Thống giáo Cốp-tíc, ngày 28-29 tháng Tư. Đó là một ngày tang thương nhất cho người Ki-tô hữu trong nhiều thập niên và là tồi tệ nhất kể từ một vụ đánh bom vào một nhà thờ ở Cairo tháng Mười Hai giết chết 30 người.
Từ “Copt” đơn giản có nghĩa là “Ai-cập’. Chiếm khoảng 10 phần trăm tổng dân số Ai-cập 90 triệu, Giáo hội Chính thống giáo Cốp-tíc hệ phái Ki-tô giáo lớn nhất trong một quốc gia đại đa số là Hồi giáo. Giáo hội Chính thống giáo Cốp-tíc không cùng tông phái với Chính Thống giáo Đông phương hay Giáo hội Công giáo Roma, và nhận Thánh Mác-cô là người sáng lập và là vị giám mục đầu tiên. Ai-cập cũng có một thiểu số rất ít Giáo hội Công giáo Cốp-tíc theo nghi thức đông phương, đứng đầu là đức thượng phụ Ibrahim Isaac Sidrak.

[Nguồn: radiovaticana]



[Chuyển ngữ: TRI KHOAN 11/04/2017]



Các nhà lãnh đạo Hồi giáo lên án những vụ tấn công vào các nhà thờ Cốp-tíc của Ai-cập

Các nhà lãnh đạo Hồi giáo lên án những vụ tấn công vào các nhà thờ Cốp-tíc của Ai-cập

Các nhà lãnh đạo Hồi giáo lên án những vụ tấn công vào các nhà thờ Cốp-tíc của Ai-cập
Đức Grand Imam Muhammad al-Tayyeb của Ai-cập và Đức Giáo chủ Cốp-tíc Tawadros II tham dự một hội nghị tại al-Azhar ở Cairo đầu năm nay. - AFP
10/04/2017 15:01
(Vatican Radio)  Các nhà lãnh đạo Hồi giáo Ai-cập lên án vụ tấn công tự sát đánh vào hai nhà thờ Cốp-tíc hôm Chúa nhật, giết chết ít nhất 44 người và làm bị thương hơn 100 người.
Đức Grand Imam of al-Azhar, Ahmed Muhammad al-Tayyeb, nói trong một bản tuyên bố rằng “những vụ tấn công những nơi thờ phụng là đi nghịch lại với đạo giáo của người Hồi giáo đích thực, và những giáo huấn về lòng khoan dung, và thất bại trong việc làm nổi rõ lên sự thống nhất của dân tộc Ai-cập.”

Sự an toàn của Đức Thánh Cha được bảo đảm
Các nhân viên Al-Azhar nói rằng sự an toàn của Đức Thánh Cha Phanxico sẽ được bảo đảm trong suốt chuyến thăm viếng của ngài đến Cairo đã được lên chương trình diễn ra vào ngày 28 và 29 tháng Tư.
Nhóm được mệnh danh là Nhà nước Hồi giáo nhận trách nhiệm những vụ tấn công này trong thành phố Nile Delta thuộc vùng Tanta và trong thành phố duyên hải Alexandria, đã xảy ra khi những người Ki-tô hữu đang tham dự các nghi thức của Chúa nhật Lễ Lá. Đức Thượng Phụ Giáo Chủ Cốp-tíc  Tawadros II của Ai-cập vẫn ở trong thánh đường Alexandria khi vụ tấn công thứ hai xảy ra.

Những vụ tấn công tiếp theo bị chặn đứng
Các nhân viên an ninh của Ai-cập cho biết họ đã gỡ bỏ được các thiết bị nổ tại nhiều địa điểm khác hôm Chủ nhật, gồm một thiết bị trong đền thờ Hồi giáo Sufi nổi tiếng ở Tanta và một trường học Ki-tô giáo ở trung tâm Alexandria.
Tổng thống Abdel Fattah Sisi của Ai-cập ban bố một tình trạng khẩn cấp trong ba tháng để đối lại các vụ tấn công, xảy ra một tuần sau khi ông Sisi và Tổng thống Trump cam kết cùng kết hợp để chống lại các nhóm cực đoan.

[Nguồn: radiovaticana]

[Chuyển ngữ: TRI KHOAN 11/04/2017]


Chủ tịch Hội đồng Giám mục Hoa kỳ (USCCB) khóc thương các nạn nhân vụ tấn công bằng bom ở Ai-cập

Chủ tịch Hội đồng Giám mục Hoa kỳ (USCCB) khóc thương các nạn nhân vụ tấn công bằng bom ở Ai-cập

Chủ tịch Hội đồng Giám mục Hoa kỳ (USCCB) khóc thương các nạn nhân vụ tấn công bằng bom ở Ai-cập
Các lực lượng an ninh đang bảo vệ phía ngoài nhà thờ Cốp-tíc trong thành phố Tanta, một trong hai nhà thờ ở Ai-cập bị đánh bom hôm Chủ nhật. Chủ tịch USCCB, Đức Hồng y Daniel DiNardo, đã phát hành một tuyên bố sau vụ tấn công. - REUTERS
10/04/2017 12:32
(Vatican Radio) Chủ tịch Hội đồng Giám mục Hoa kỳ, Đức Hồng y Daniel DiNardo, đã phát hành một tuyên bố sau vụ tấn công bằng bom vào các nhà thờ Cốp-tíc ở Ai-cập.
Các vụ đánh bom xảy ra hôm Chúa nhật Lễ Lá, bắt đầu Tuần Thánh, đỉnh điểm là những Lễ mừng Chúa nhật Phục sinh. Hơn 40 người bị chết, và rất nhiều người bị thương.
Trong tuyên bố, Đức Hồng y DiNardo bày tỏ “ đau buồn vô hạn trước sự mất mát của những người đã chết, chúng tôi cầu nguyện cho những người bị thương, và gửi lời chia buồn đến những người chịu đau đớn vì sự mất mát những người thân yêu.”
Đức Hồng y DiNardo cũng bày tỏ tình hiệp nhất của Giáo hội Châu Mỹ với Giáo hội Cốp-tíc ở Ai-cập, “Một cộng đoàn Ki-tô giáo cổ xưa phải đối mặt với sự bách hại không ngừng gia tăng của chủ nghĩa cực đoan bạo lực ngay chính trong quê hương lịch sử của họ.”

Dưới đây là toàn văn của tuyên bố của Đức Hồng y Daniel DiNardo, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Hoa kỳ (USCCB):
Trong những giờ đầu tiên của Chúa nhật Lễ Lá, khi các Ki-tô hữu bắt đầu kỷ niệm tuần lễ thánh thiêng nhất trong năm, thì những người anh em chị em của chúng ta ở Ai-cập chịu đựng cuộc bách hại không lời nào tả được. Họ đang trong nhà thờ. Họ đang cầu nguyện. Và trong giữa khung cảnh đáng lẽ phải là thanh bình, thì bạo lực kinh hoàng lại nổ ra. Tôi xin bày tỏ sự đau buồn vô hạn trước sự mất mát của những người đã chết, chúng tôi cầu nguyện cho những người bị thương, và gửi lời chia buồn đến những người chịu đau đớn vì sự mất mát những người thân yêu.
Tôi cũng xin bày tỏ tình hiệp nhất của Giáo hội Châu Mỹ với Giáo hội Cốp-tíc ở Ai-cập, một cộng đoàn Ki-tô giáo cổ xưa phải đối mặt với sự bách hại không ngừng gia tăng của chủ nghĩa cực đoan bạo lực ngay chính trong quê hương lịch sử của họ. Tôi cầu nguyện cho dân tộc Ai-cập, để họ có thể tìm thấy công lý, tìm được sự chữa lành, và tăng cường được sự bảo vệ cho những Ki-tô hữu Cốp-tíc và những cộng đoàn tôn giáo thiểu số khác, họ chỉ mong muốn được sống trong hòa bình.
Tôi cũng xin hiệp thông với Đức Thánh Cha Phanxico trong lời cầu nguyện của ngài cho các nạn nhân của vụ tấn công này, và cầu xin Thiên Chúa hoán cải tâm hồn của những người đang gieo rắc sự kinh hoàng, bạo lực và cái chết, và hoán cải tâm hồn của những người chế tạo và buôn bán vũ khí.’ Thái tử Hòa bình bảo đảm cho chúng ta rằng bóng tối của sự kinh hoàng không thể đứng vững trước ánh sáng Phục sinh của Sự Sống Lại. Chúng tôi phó thác tất cả những người chịu đau khổ và những người thiệt mạng vào trong vòng tay của Đức Ki-tô chịu đóng đinh và Sống Lại.

[Nguồn: radiovaticana]



[Chuyển ngữ: TRI KHOAN 11/04/2017]



Lời của Đức Thánh Cha trong Đêm Canh Thức Cầu nguyện cho Ngày Giới Trẻ Thế Giới 32

Lời của Đức Thánh Cha trong Đêm Canh Thức Cầu nguyện cho Ngày Giới Trẻ Thế Giới 32

‘Các bạn trẻ thân mến, hãy dũng cảm! “Nhưng, thưa cha, con đã phạm tội, con đã vấp ngã quá nhiều lần …” Cha chợt nhớ đến một bài hát  Alpine rất hay, mà các hướng đạo sinh Alpine hát như vầy: “Trong kỹ thuật leo cây, điều quan trọng không phải là tránh không bị ngã, nhưng là đừng ngã lòng.” Hãy tiến lên! Chúng con vấp ngã? Đứng dậy và tiến lên.’
10 tháng Tư, 2017
Lời của Đức Thánh Cha trong Đêm Canh Thức Cầu nguyện cho Ngày Giới Trẻ Thế Giới 32
Pope At Vigil - CTV Screenshot
Lúc 6:30 chiều thứ Bảy, 8 tháng Tư, 2017, một đêm canh thức cầu nguyện được tổ chức tại Vương cung Thánh đường Thánh Mary Major, để chuẩn bị cho Ngày Giới trẻ Thế giới thứ 32, sẽ được tổ chức ngày mai ở cấp giáo phận, với chủ đề “Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi biết bao điều cao cả” (Lc 1:49).
Đêm Canh thức được tổ chức bởi Tổng thư ký của Thượng Hội đồng Giám mục, kết hợp với Thánh bộ Giáo dân, Gia đình và Sự sống cùng với Giáo phận Lazio.
Buổi họp mặt được bắt đầu bằng các bài hát, bài đọc và chứng ngôn của các bạn trẻ của Roma và Lazio.
Trong suốt buổi canh thức, sau những chứng ngôn của một Nữ tu và một bạn trẻ, Đức Thánh Cha có một bài giáo huấn ứng khẩu cho các bạn trẻ.
Dưới đây là bản dịch (tiếng Anh) của bài giáo huấn của Đức Thánh Cha.
* * *
Các bạn trẻ thân mến,
Cảm ơn các con đã đến đây! Tối nay là một sự khởi đầu cho hai việc: khởi đầu của hành trình tiến đến Thượng Hội đồng, với một cái tên dài: “Giới trẻ, Đức tin và Nhận Thức Ơn gọi,” nhưng chúng ta cứ gọi là: “Thượng Hội đồng của Giới trẻ,” nó dễ hiểu hơn! Và sự khởi đầu thứ hai của hành trình tiến đến Panama: Đức Tổng Giám mục của Panama có mặt ở đây [ngài chỉ vào đức tổng giám mục và nói]. Xin chào Đức Tổng Giám mục!
Chúng ta đã nghe Tin mừng, chúng ta đã cầu nguyện, chúng ta đã hát, chúng ta đã dâng hoa lên Đức Bà, Mẹ của chúng ta, và chúng ta đã vác Thánh giá, Thánh giá đến từ Krakow và ngày mai sẽ được chuyển qua cho các bạn trẻ của Krakow — từ Krakow đến Panama và trong khoảng giữa thời gian này, là Thượng Hội đồng, trong đó không một bạn trẻ nào cảm thấy bị loại trừ! “Nhưng … chúng ta tổ chức Thượng Hội đồng cho các bạn trẻ Công giáo …  cho các bạn trẻ thuộc các hiệp hội Công giáo, để nó được vững mạnh hơn …” Không! Thượng Hội đồng này là Thượng Hội đồng cho của các bạn trẻ! Giới trẻ là các nhân vật chính của nó. “Nhưng người trẻ cảm thấy họ là những người bất khả tri?” Đúng! “Và người trẻ cũng có niềm tin hờ hững? Đúng! “Rồi người trẻ cũng là những người xa lánh Giáo hội?” Đúng! “Và người trẻ là những người – cha chẳng biết còn những câu nào nữa … có lẽ còn một vài – những bạn trẻ cảm thấy mình là người vô thần? Đúng! Đây là Thượng Hội đồng cho giới trẻ, và tất cả mọi người muốn nghe tiếng nói của chúng con. Mỗi người trẻ đều có điều gì đó để nói với người khác, có điều gì đó để nói với người lớn, có gì đó để nói với các linh mục, với các nữ tu, với các Giám mục và Giáo hoàng. Tất cả đều cần lắng nghe chúng con!
Chúng ta cùng nhớ lại một chút về Krakow; Thánh giá nhắc chúng ta nhớ lại. Cha nói đến hai điều ở đó, chắc có bạn nào còn nhớ: thật khủng khiếp khi nhìn thấy một bạn trẻ về hưu ở tuổi 20; và cũng thật kinh khủng khi nhìn thấy một bạn trẻ sống cuộc đời trên ghế trường kỷ, đúng như thế không? — Đừng là những người trẻ tuổi “về hưu” hay người trẻ của “ghế trường kỷ.”
Nhưng chúng con là những con người trẻ đang tiến bước, những người trẻ đang trên đường đi, những người trẻ đang tiến lên, người này bên cạnh người kia, và cùng nhìn về tương lai! Chúng ta đã lắng nghe Tin mừng (x. Lc 1:39-45). Khi Mẹ Maria nhận được hồng ân đó, ơn gọi vĩ đại đó để đem ơn sủng của Thiên Chúa đến cho chúng ta, Tin mừng kể rằng, Mẹ cũng nghe tin người chị họ lớn tuổi của Mẹ đang mang thai một đứa con và đang cần được giúp đỡ, Mẹ liền “hối hả lên đường,” – hối hả! Thế giới hôm nay đang cần những người trẻ bước đi “hối hả,” những người không mệt mỏi trong bước đi hối hả, cần những người trẻ có ơn gọi nghe thấy được cuộc sống đang trao cho họ một sứ mạng. Và, như Maria Lisa [một chị nữ tu trẻ] thường xuyên nói trong chứng ngôn của chị, tuổi trẻ lên đường. Chị kể lại toàn bộ trải nghiệm của chị: đó là một sự trải nghiệm lên đường. Chúng ta đang cần những bạn trẻ lên đường. Toàn thế giới chỉ có thể thay đổi nếu giới trẻ biết lên đường. Nhưng đây là một bi kịch của thế giới chúng ta: những người trẻ – và đây cũng là bi kịch của giới trẻ hôm nay! – là giới trẻ thường bị từ chối. Họ không có việc làm, họ không có một lý tưởng để noi theo, học vấn thì thiếu, sự hội nhập cũng thiếu … Quá nhiều người trẻ đã phải chạy trốn, di cư sang những vùng đất khác…. Người trẻ hôm nay, khó mà nói lên điều này, nhưng họ thường là những vật liệu bị từ bỏ. Và chúng ta không thể dung thứ cho điều này! Và chúng ta phải tổ chức Thượng Hội đồng này để nói: “Chúng tôi tuổi trẻ đang ở đây!” Và chúng ta sẽ đến Panama để nói: “Chúng tôi tuổi trẻ đang ở đây, đang trên đường. Chúng tôi không muốn là những vật liệu bị loại bỏ! Chúng tôi có giá trị để cho đi.”

Cha nghĩ, khi Pompeo đang nói [chứng ngôn của anh]: có hai lần bạn ấy gần như bước đến ranh giới trở thành nguyên liệu bị loại bỏ, lúc 8 tuổi và 18 tuổi. Và bạn ấy đã làm được. Bạn đã có thể đứng lên. Và, khi bạn nhìn đến chân trời – Maria Lisa cũng nói đến điều này – cuộc sống luôn làm chúng ta ngạc nhiên. Cả hai đều nói điều này.
Chúng ta đang trên hành trình tiến đến Thượng Hội đồng và đến Panama. Và con đường này thì khá mạo hiểm, nhưng nếu một người trẻ không mạo hiểm, bạn ấy trở thành người già. Vì vậy anh ta phải mạo hiểm.
Maria Lisa nói rằng sau Bí tích Thêm sức cô ấy đã xa lánh Giáo hội. Chúng con biết rằng ở nước Ý đây Bí tích Thêm sức được gọi là Bí tích tạm biệt! Sau Thêm sức, người ta không trở lại nhà thờ nữa. Và tại sao? Vì có quá nhiều bạn trẻ không biết phải làm gì … Và cô ấy [Maria Lisa] đã không bao giờ dừng lại, bạn ấy luôn trên đường: có khi trên những đoạn đường u tối, trên những đoạn đường không có ánh đèn, không có lý tưởng hoặc với những lý tưởng mà bạn ấy không hiểu rõ; tuy nhiên, cuối cùng bạn ấy đã làm được. Giới trẻ phải mạo hiểm trong đời, chúng con phải mạo hiểm. Hôm nay chúng con phải chuẩn bị cho tương lai; tương lai ở trong đôi tay của chúng con – tương lai ở trong đôi bàn tay của chúng con.
Trong Thượng Hội đồng, toàn thể Giáo hội mong muốn nghe tiếng nói của giới trẻ: họ nghĩ gì, họ cảm nhận thế nào, họ muốn gì, họ phê phán những gì và họ cảm thấy hối lỗi về những điều gì – mọi điều. Giáo hội đang cần thêm Mùa Xuân, Mùa Xuân là mùa của tuổi trẻ.
Và thêm nữa, cha muốn mời gọi chúng con hãy cam kết trên con đường này, con đường đến Thượng Hội đồng và đến Panama, và làm việc này với niềm vui, thực hiện với những khát vọng của chúng con, không một chút e sợ, không ngại ngùng, hãy làm một cách can đảm. Can đảm là rất cần thiết. Và tìm cách tìm ra được vẻ đẹp trong những điều nhỏ nhặt, như Pompeo nói, vẻ đẹp mỗi ngày: ngắm nhìn nó, đừng đánh mất nó. Và với tâm tình tạ ơn vì chúng con là ai: “Con được như vầy: xin tạ ơn!” Quá nhiều lần trong cuộc đời chúng ta lãng phí thời gian tự hỏi mình: “Nhưng tôi là ai?” Chúng con có thể tự hỏi mình chúng con là ai và dành cả cuộc đời để cố tìm ra mình là ai. Nhưng hãy tự hỏi: Tôi là để cho ai?” Như Đức Mẹ của chúng ta, Mẹ có thể đã tự hỏi: “Ngay lúc này, tôi là để cho ai? Cho người chị họ của tôi,” và Mẹ lên đường. Tôi là để cho ai, không phải tôi là ai: câu này phải để sau, đúng, nó là câu hỏi cần phải hỏi, nhưng trên tất cả tại sao phải có một công việc, một công việc cho suốt cuộc đời, một công việc để bắt chúng con phải suy tư, bắt  chúng con cảm nhận, bắt chúng con phải làm việc. Ba ngôn ngữ: ngôn ngữ của trí óc, ngôn ngữ của con tim, và ngôn ngữ của đôi tay – và luôn luôn phải sẵn sàng.
Và có một điều khác cha muốn nói với chúng con: Thượng Hội đồng không phải là một “phòng tiếp khách.” Ngày Giới trẻ Thế giới không phải là một “phòng tiếp khách” hay một điều gì đó hay hay rồi sau đó là “tạm biệt, tôi quên rồi.” Không, sự cụ thể! Cuộc sống đòi buộc chúng ta phải cụ thể. Tính cụ thể rất cần trong văn hóa hay thay đổi này và ơn gọi của chúng con là tính cụ thể.
Và cha muốn đúc kết … đã có một bài nói chuyện cha viết sẵn, nhưng sau khi gặp chúng con, sau khi nghe hai chứng ngôn, chợt hiện lên trong cha tất cả những điều phải nói với chúng con: sẽ có những lúc chúng con chẳng hiểu bất cứ điều gì, tối tăm, những giây phút kinh khủng, những giây phút đẹp đẽ, những giây phút tối tăm, những giây phút huy hoàng … nhưng có một điều khác nữa cha muốn nhấn mạnh. Chúng ta đang trong thời điểm hiện tại. Ở tuổi của cha, cha chuẩn bị ra đi … không ư? [ngài cười] Ai bảo đảm được sự sống? Chẳng ai có thể. Tuổi của chúng con còn có tương lai phía trước. Với giới trẻ hôm nay, với giới trẻ cuộc sống đòi hỏi phải có một sứ mạng, Giáo hội yêu cầu nơi họ một sứ mạng, và cha muốn trao cho chúng con sứ mạng này: hãy trở về và nói chuyện với ông bà của chúng con. Ngày nay chúng ta cần điều này hơn bao giờ hết, chúng ta cần cầu nối này, cần đối thoại giữa ông bà và người trẻ, giữa người già và người trẻ. Trong chương Ba, câu hai, ngôn sứ Giô-en nói điều này với chúng ta, như là một dự ngôn: “Con trai con gái các ngươi sẽ trở thành ngôn sứ, người già được báo mộng,” cụ thể là, với những dự ngôn họ sẽ biến thành hành động cụ thể để tiến bước. Đây là trách nhiệm cha trao cho chúng con nhân danh Giáo hội: hãy nói chuyện với người lớn tuổi. “Nhưng chán lắm … lúc nào họ cũng nói cùng một chuyện …” Không, hãy lắng nghe người lớn tuổi. Hãy nói chuyện với họ và hỏi họ về mọi việc. Hãy để cho họ được báo mộng và lấy ra từ những báo mộng đó để tiến bước, để làm ngôn sứ và để biến những dự ngôn đó thành hiện thực. Đây là sứ mạng ngày nay của chúng con; đây là sứ mạng mà Giáo hội yêu cầu nơi chúng con hôm nay.
Các bạn trẻ thân mến, hãy dũng cảm! “Nhưng, thưa cha, con đã phạm tội, con đã vấp ngã quá nhiều lần …” Cha chợt nhớ đến một bài hát  Alpine rất hay, mà các hướng đạo sinh Alpine hát như vầy: “Trong kỹ thuật leo cây, điều quan trọng không phải là tránh không bị ngã, nhưng là đừng ngã lòng.” Hãy tiến lên! Chúng con vấp ngã? Đứng dậy và tiến lên. Nhưng hãy nghĩ về những gì cha ông của chúng con ước mơ, những gì các ông già bà già mơ ước. Hãy làm cho họ nói lên, đón lấy những lời đó và xây dựng những chiếc cầu nối cho tương lai. Đây là nhiệm vụ và là sứ mạng mà Giáo hội trao phó cho chúng con hôm nay.
Cám ơn chúng con rất nhiều vì lòng can đảm của chúng con, và … hẹn gặp chúng con ở Panama! Cha không biết cha sẽ có mặt ở đó hay không, nhưng Đức Giáo hoàng sẽ đến đó. Và ở Panama, Đức Giáo hoàng sẽ hỏi chúng con: “Chúng con đã nói chuyện với người lớn tuổi hay chưa? Chúng con đã nói chuyện với người già hay chưa? Chúng con đã đón lấy giấc mơ của người già và biến nó thành một lời dự ngôn cụ thể hay chưa?” Đây là trách nhiệm của chúng con. Nguyện xin Thiên Chúa chúc lành cho chúng con. Hãy cầu nguyện cho cha, và tất cả chúng ta hãy cùng chuẩn bị, tất cả cùng nhau, cho Thượng Hội đồng và cho Panama.
Cảm ơn chúng con.
[Văn bản gốc: tiếng Ý] [Bản dịch (tiếng Anh) của Virginia M. Forrester]

[Nguồn: zenit]

[Chuyển ngữ: TRI KHOAN 11/04/2017]