Thứ Sáu, 15 tháng 7, 2022

Đức Giáo hoàng bổ nhiệm 2 nữ tu, 1 nữ giáo dân để giúp chọn giám mục

Đức Giáo hoàng bổ nhiệm 2 nữ tu, 1 nữ giáo dân để giúp chọn giám mục

Đức Giáo hoàng bổ nhiệm 2 nữ tu, 1 nữ giáo dân để giúp chọn giám mục

Riccardo De Luca - Update | Shutterstock

I.Media for Aleteia 

13/07/22


Lần đầu tiên, phụ nữ và giáo dân tham gia trong nhóm chọn giám mục cho toàn thế giới.

Văn phòng Báo chí Tòa thánh công bố ngày 13 tháng Bảy năm 2022 rằng Đức Giáo hoàng Phanxicô đã bổ nhiệm 14 thành viên mới vào bộ giám mục, trong đó lần đầu tiên có 3 phụ nữ.

Ba người đó là Sơ Yvonne Reungoat người Pháp, nguyên Bề trên Tổng quyền của Dòng Nữ tử Đức Mẹ Phù hộ các Kitô hữu, Sơ Raffaella Petrini người Ý, Tổng thư ký của Phủ Thống đốc Thị quốc Vatican, và chị Maria Lia Zervino, người Argentina. Chị là chủ tịch của Liên minh các Tổ chức Phụ nữ Công giáo Thế giới, đồng thời trở thành thành viên giáo dân đầu tiên của bộ.

Trong một phỏng vấn dành cho hãng tin Reuters ngày 2 tháng Bảy, Đức Giáo hoàng đã thông báo rằng ngài sẽ bổ nhiệm hai phụ nữ vào bộ giám mục. Cuối cùng, ngài bổ nhiệm ba người, trong đó có một nữ giáo dân. Cho đến nay, các thành viên của bộ luôn là nam giới, chủ yếu là các hồng y, cũng như một số giám mục.

Công việc của 24 thành viên trong bộ bao gồm đánh giá hồ sơ của các linh mục hoặc giám mục cho một giáo phận trống tòa. Họ phải phụ thuộc rất nhiều vào công việc được thực hiện bởi các vị Sứ thần Tòa thánh tại những quốc gia liên quan, với nhiệm vụ chính là đệ trình tên ba người cho mỗi giáo phận về Roma, tạo thành ‘terna’ trình lên Đức Giáo hoàng.

Các thành viên khác

Trong số những bổ nhiệm đáng chú ý khác được công bố có bốn vị giám mục sẽ được phong hồng y trong mật nghị được công bố vào ngày 27 tháng Tám, bao gồm:

• Đức Tổng Giám mục Jean Marc Aveline của giáo phận Marseille, Pháp

• Đức Giám mục Oscar Cantoni của giáo phận Como, Ý,

• Đức Giám mục Lazarus You Heung-sik, Tổng trưởng Bộ Giáo sĩ người Hàn Quốc, và

• Đức Giám mục Arthur Roche, Tổng trưởng Bộ Phụng tự và Kỷ luật Bí tích.

Bốn vị hồng y khác trở thành thành viên của bộ giám mục là: Đức Giám mục Anders Arborelius của giáo phận Stockholm (Thụy Điển), Đức Tổng giám mục Jose Advincula của Manila (Philippines), Đức Hồng y José Tolentino de Mendonça, người Lưu trữ văn khố và Quản thủ thư viện của Giáo hội Công giáo Roma (Bồ Đào Nha), và Đức Hồng y Mario Grech, Tổng thư ký của Thượng Hội đồng Giám mục (Malta).

Ngoài ra còn có:

• Đức Cha Drazen Kutlesa, Tổng Giám mục Split-Makarska (Croatia), và

• Đức Cha Paul Desmond Tighe (Ireland), Tổng thư ký Hội đồng Giáo hoàng về Văn hóa – là một cơ quan, theo Tông Hiến mới, sẽ được hợp nhất với Hội đồng Giáo hoàng Thúc đẩy Nghệ thuật,

• Đức Cha Donato Ogliari, Viện phụ của Đan viện Thánh Phaolô Ngoại thành và Giám quản Tông tòa, với cấp bậc giám mục, của khu Đan viện Monte Cassino.


[Nguồn: aleteia]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 15/7/2022]


Thông điệp của Đức Thánh Cha gửi các tham dự viên hội nghị “Khả năng phục hồi của Con người và Hệ sinh thái trong điều kiện Căng thẳng của Khí hậu”, 13.07.2022

Thông điệp của Đức Thánh Cha gửi các tham dự viên hội nghị “Khả năng phục hồi của Con người và Hệ sinh thái trong điều kiện Căng thẳng của Khí hậu”, 13.07.2022

Thông điệp của Đức Thánh Cha gửi các tham dự viên hội nghị “Khả năng phục hồi của Con người và Hệ sinh thái trong điều kiện Căng thẳng của Khí hậu”, 13.07.2022

*******
Sau đây là thông điệp của Đức Thánh Cha Phanxicô gửi đến các tham dự viên hội nghị do Hàn lâm viện Giáo hoàng về Khoa học tổ chức với chủ đề “Khả năng phục hồi của Con người và Hệ sinh trong điều kiện căng thẳng của khí hậu”, diễn ra tại lâu đài Casina Pio IV ngày 13 và 14 tháng Bảy năm 2022:


Thông điệp của Đức Thánh Cha

Gửi anh chị em tham dự

Hội nghị về Khả năng phục hồi của con người

và hệ sinh thái trong điều kiện căng thẳng của khí hậu

Tôi xin gửi lời chào thân ái tới các nhà tổ chức và anh chị em tham dự Hội nghị về Khả năng phục hồi của con người và hệ sinh thái trong điều kiện căng thẳng khí hậu do Hàn lâm viện Giáo hoàng về Khoa học tổ chức. Tôi xin cảm ơn Đức Hồng Y Peter Turkson, Chưởng ấn của Hàn lâm viện, Đức Giám mục Marcelo Sánchez Sorondo và tất cả quý vị chịu trách nhiệm tổ chức buổi họp này.

Hiện tượng biến đổi khí hậu đã trở thành một vấn đề khẩn cấp không còn nằm ngoài lề của xã hội. Thay vào đó, nó đã chiếm một vị trí trung tâm, định hình lại không những các hệ thống công nghiệp và nông nghiệp mà còn ảnh hưởng bất lợi đến gia đình nhân loại trên toàn cầu, đặc biệt là người nghèo và những người sống ở các vùng ngoại vi về kinh tế của thế giới. Ngày nay, chúng ta đang phải đối mặt với hai thách thức: giảm thiểu rủi ro khí hậu bằng cách giảm lượng khí thải, hỗ trợ và giúp mọi người thích ứng với những thay đổi khí hậu ngày càng xấu hơn. Những thách thức này kêu gọi chúng ta nghĩ đến một cách tiếp cận đa chiều để bảo vệ mỗi người và toàn hành tinh của chúng ta.

Niềm tin Kitô giáo mang đến một đóng góp cụ thể trong vấn đề này. Sách Sáng thế ký cho chúng ta biết rằng Thiên Chúa thấy tất cả những gì Người đã tạo dựng là rất tốt đẹp (xem St 1:31) và trao cho loài người trách nhiệm quản lý món quà tạo vật của Người (x. St 2:15). Trong Tin Mừng theo thánh Matthêu, Chúa Giêsu nhấn mạnh sự tốt đẹp của thế giới thiên nhiên bằng cách nhắc nhở chúng ta về sự chăm sóc của Thiên Chúa đối với mọi tạo vật của Người (x. Mt 6:26.28-29). Vì vậy, dưới ánh sáng của những giáo huấn trong Kinh thánh, việc chăm sóc cho ngôi nhà chung của chúng ta, ngoài việc cân nhắc đến những tác động của biến đổi khí hậu, không đơn giản là một nỗ lực thực tế mà là một nghĩa vụ đạo đức đối với tất cả mọi người con cái của Thiên Chúa. Ghi nhớ điều này trong tâm trí, mỗi chúng ta phải tự hỏi: “Chúng ta muốn một thế giới như thế nào cho bản thân và cho những người sẽ đến sau chúng ta”?

Để giúp trả lời câu hỏi đó, tôi đã nói về một “sự hoán cải môi sinh” (xem Tông huấn Laudato Si’, 216-221) đòi hỏi sự thay đổi về tâm tính và cam kết làm việc vì khả năng phục hồi của con người và hệ sinh thái nơi họ sống. Sự hoán cải này có ba yếu tố tinh thần quan trọng mà tôi muốn đưa ra để quý vị cân nhắc. Đầu tiên là lòng biết ơn đối với món quà tạo vật đầy yêu thương và quảng đại của Thiên Chúa. Điều thứ hai kêu gọi chúng ta biết chân nhận rằng chúng ta được kết nối trong một sự hiệp thông toàn cầu với nhau và với các loài thụ tạo khác của thế giới. Vấn đề thứ ba là không giải quyết các vấn đề về môi trường trong vai trò là những cá nhân biệt lập mà trong sự đoàn kết như một cộng đồng.

Trên cơ sở các yếu tố này, cần phải có những nỗ lực can đảm, hợp tác và có tầm nhìn xa giữa các nhà lãnh đạo tôn giáo, chính trị, xã hội và văn hóa ở các cấp địa phương, quốc gia và quốc tế để tìm ra những giải pháp cụ thể cho các vấn đề nghiêm trọng và ngày càng gia tăng mà chúng ta đang phải đối mặt. Chẳng hạn, tôi đang nghĩ về vai trò của các quốc gia phát triển nhất về kinh tế trong việc giảm lượng khí thải của họ và cung cấp sự hỗ trợ tài chính cũng như công nghệ để những vùng kém thịnh vượng hơn trên thế giới có thể noi gương họ. Vấn đề cấp thiết nữa là sự tiếp cận với năng lượng và nguồn nước sạch, hỗ trợ người nông dân trên toàn thế giới chuyển sang nền nông nghiệp thích ứng với khí hậu, cam kết hướng tới các lộ trình phát triển bền vững và lối sống đúng mực nhằm bảo tồn các nguồn tài nguyên thiên nhiên của thế giới và cung cấp nền giáo dục và sự chăm sóc sức khỏe cho người nghèo nhất và dễ bị tổn thương nhất trong dân số toàn cầu.

Ở đây tôi cũng muốn đề cập thêm hai mối quan tâm: mất mát đa dạng sinh học (xem Tông huấn Laudato Si' 32-33) và nhiều cuộc chiến tranh đang bùng nổ ở các khu vực khác nhau trên thế giới mang đến những hậu quả nguy hại cho sự tồn tại và hạnh phúc của con người, bao gồm cả các vấn đề an ninh lương thực và sự ô nhiễm ngày càng gia tăng. Những cuộc khủng hoảng này, cùng với khí hậu trái đất, cho thấy rằng “mọi thứ đều được kết nối” (Tông huấn Fratelli Tutti, 34) và việc thúc đẩy lợi ích chung lâu dài của hành tinh chúng ta là điều vô cùng cần thiết cho sự hoán cải sinh thái thực sự.

Vì những lý do nêu trên, gần đây tôi đã chấp thuận để Tòa thánh, nhân danh và thay mặt cho Quốc gia Thành phố Vatican, gia nhập Công ước Khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu và Thỏa thuận Paris, với hy vọng rằng “mặc dù thời kỳ hậu công nghiệp có thể được ghi nhớ là một trong những thời kỳ vô trách nhiệm nhất trong lịch sử, nhưng vẫn có lý do để hy vọng rằng vào buổi bình minh của thế kỷ XXI nhân loại sẽ được ghi nhớ vì đã quảng đại gánh vác những trách nhiệm nặng nề của mình” (Tông huấn Laudato Si', 165).

Anh chị em thân mến, tôi rất vui vì công việc của anh chị em trong những ngày này chuyên chú vào việc xem xét tác động của những thay đổi trong khí hậu và tìm kiếm các giải pháp thiết thực có thể thực hiện kịp thời giúp tăng khả năng phục hồi của con người và hệ sinh thái. Khi làm việc cùng nhau, những người thiện chí có thể giải quyết phạm vi và mức độ phức tạp của các vấn đề đang đặt ra trước mắt chúng ta, bảo vệ gia đình nhân loại và món quà tạo vật của Thiên Chúa khỏi những sự cực đoan của khí hậu và thúc đẩy công bằng và hòa bình.

Với lời cầu nguyện để Hội nghị của anh chị em sẽ có kết quả tốt, tôi khẩn xin muôn ơn lành của thiên Chúa Toàn năng tuôn đổ xuống trên anh chị em.

Viết từ Vatican, 13 tháng Bảy, 2022

PHANXICÔ


[Nguồn: vatican.va]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 14/7/2022]