Thứ Bảy, 4 tháng 9, 2021

Đức Thánh Cha gửi cứu trợ đại dịch đến Việt Nam

Đức Thánh Cha gửi cứu trợ đại dịch đến Việt Nam

Đức Thánh Cha gửi cứu trợ đại dịch đến Việt Nam

Antoine Mekary | ALETEIA

I.Media for Aleteia

published on 08/31/21


Đức Giám mục Segundo Tejado Muñoz giải thích lý do tại sao Tòa thánh Vatican gửi tiền đến Việt Nam và cách sử dụng số tiền.

Vào ngày 24 tháng Tám, Đức Thánh Cha Phanxicô đã gửi 100.000 euro đến Việt Nam để giúp đất nước chống lại đại dịch và những hậu quả của nó. Cử chỉ quan trọng về tài chính này — được thực hiện thông qua Bộ Thúc đẩy sự Phát triển Con người Toàn diện — cho thấy sự quan tâm liên tục của đức giáo hoàng trong việc tham gia vào các nỗ lực nhân đạo toàn cầu.

I.Media đã phỏng vấn ngài Thứ trưởng của Bộ, Đức Giám mục Segundo Tejado Muñoz, để tìm hiểu cách sử dụng quỹ cứu trợ của Vatican ở đó.


Tại sao đức giáo hoàng quyết định gửi tiền đến cho một quốc gia nào đó?

Chúng tôi thường nhận được những yêu cầu từ các Giáo hội địa phương. Do đó, chính Giáo hội địa phương quyết định số tiền này đi tới đâu. Về phía Việt Nam, Giáo hội ở đó cho chúng tôi biết rằng tình hình rất khó khăn và Giáo hội đang rất nỗ lực để giúp đỡ mọi người bằng những phương tiện của mình.

Giáo hội Việt Nam đã gửi cho chúng tôi một dự án nhỏ. Chúng tôi luôn dựa vào Giáo hội địa phương để thực hiện hình thức can thiệp như vậy. Các vị giới chức Việt Nam sẽ gửi cho chúng tôi một báo cáo về số tiền đã được sử dụng như thế nào.

Sự giúp đỡ này từ Đức Giáo hoàng là một sự động viên rất lớn, nhưng sự giúp đỡ của Giáo hội toàn cầu còn có tác động lớn hơn nữa.


Điều đó có nghĩa là?

Số tiền được gửi bởi đức giáo hoàng là một tín hiệu. Công cuộc của Giáo hội rất quan trọng: Caritas, các giáo phận địa phương, các tổ chức Công giáo, những người đang giúp đỡ vào thời điểm này.

Chúng ta là một phần của thế giới rộng lớn. Ví dụ như hôm nay, với trận động đất ở Haiti, có một số lượng lớn người được huy động để đến và giúp đỡ các giáo phận, các giáo xứ, dòng tu và các tổ chức phi chính phủ có nền tảng Công giáo. Giáo hội chuyển động cùng với đức giáo hoàng. Ngài đưa ra một tín hiệu để động viên các tín hữu đi theo. Nhưng sự cứu trợ của Giáo hội không chỉ dừng lại ở Việt Nam, Haiti hay bất kỳ trường hợp khẩn cấp nào khác.

Chúng tôi hầu như không bao giờ dừng lại; có rất nhiều bệnh dịch trên thế giới liên tục xuất hiện. Đức giáo hoàng luôn có sự nhạy cảm về điều này: bất cứ nơi nào có một trong những căn bệnh dịch này xuất hiện, Ngài đi và xức dầu chữa lành của Ngài (Lc 10:34), để khuyến khích Giáo hội ra đi và giúp đỡ tất cả mọi người anh em chúng ta đang gặp khó khăn.


Vậy những khoản tiền này được sử dụng tại địa phương như thế nào?

Sự giúp đỡ này từ Đức Thánh Cha chuyển đến các cơ cấu của Giáo hội, nhưng chúng tôi cũng thường giúp các cấu trúc dân sự đang cố gắng đối phó với đại dịch. Các biện pháp can thiệp mà chúng tôi đã thực hiện bao gồm việc cung cấp những thiết bị bảo hộ cho y bác sĩ hoặc giúp mua thiết bị. Một số thiết bị chẳng hạn như máy thở có thể tìm được tại địa phương.

Nhưng việc phân phát hoặc mua thiết bị là tùy thuộc vào giáo hội địa phương. Nó cũng phụ thuộc vào khu vực. Ở một số nơi, Giáo hội có thể không có các phòng vệ sinh. Trong trường hợp này, Giáo hội địa phương đối thoại với chính quyền dân sự. Có rất nhiều yếu tố xảy ra.

Giáo hội Việt Nam hoạt động rất tích cực và rất hiệu quả. Họ có những hoạt động tuyệt vời và sức sống mạnh mẽ, và tôi tin rằng họ chắc chắn sẽ tìm ra cách tốt nhất để sử dụng quỹ. Ở Việt Nam, Giáo hội chỉ có một số cơ sở y tế nhỏ được trang bị rất tốt trong vùng. Đây là một Giáo hội rất bình dân, có ít công trình kiến trúc lớn nhưng tham gia đầy đủ vào đời sống của xã hội.


Tại sao đức giáo hoàng quyết định gửi ngân quỹ thay vì gửi trực tiếp vật tư y tế hoặc máy thở, như ngài đã từng làm trong quá khứ?

Đôi khi chi phí vận chuyển thiết bị y tế cao hơn chính thiết bị đó. Nếu đức giáo hoàng được dâng tặng các máy thở, ngài sẽ gửi chúng đi, nhưng đôi khi gửi tiền thì tốt hơn, vì nó hỗ trợ nền kinh tế địa phương. Trong trường hợp của Việt Nam, đức giáo hoàng muốn gửi tiền vì gửi vật tư đến Việt Nam có chi phí rất lớn.


[Nguồn: aleteia]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 4/9/2021]


Những gì diễn ra khi đức giáo hoàng tiếp một nguyên thủ quốc gia?

Những gì diễn ra khi đức giáo hoàng tiếp một nguyên thủ quốc gia?

Những gì diễn ra khi đức giáo hoàng tiếp một nguyên thủ quốc gia?

Đức Thánh Cha Phanxicô tiếp Tổng thống Argentine, Alberto Fernández, trong buổi tiếp kiến riêng tại Vatican ngày 31 tháng Một, 2020./ Vatican Media.


Andrea Gagliarducci

Vatican City, 27 tháng Tám, 2021 / 07:00 am


Bạn có bao giờ để ý những người đi tháp tùng với các vị khách qua các phòng của Điện Tông Tòa về phía thư viện giáo hoàng, nơi diễn ra các cuộc gặp gỡ chính thức với đức giáo hoàng không? Có lẽ nghi thức này khiến bạn xem là cổ hủ và lạc lõng với thế giới hiện đại.

Nhưng những nghi thức được chuẩn bị rất cẩn thận này lại mang đầy ý nghĩa. Chúng là một phần của đời sống nghi lễ của Vatican. Nghi lễ này là một loại ngôn ngữ nói cho chúng ta biết cách thức một tổ chức muốn thể hiện bản thân như thế nào với thế giới. Việc làm sáng tỏ ý nghĩa của nghi lễ giúp chúng ta hiểu thêm về những gì diễn ra bên trong Điện Tông tòa.

Nghi lễ của Vatican được xây dựng từ “những điều không dễ nhìn thấy được, nhưng rất quan trọng,” theo Đức ông Stefano Sanchirico, một cựu tổng trưởng Phòng Đặc trách các Vấn đề Nội chính của Giáo hoàng.

Đức Giáo hoàng chỉ có các cuộc gặp chính thức với ba nhóm cá nhân: các quốc vương và nguyên thủ quốc gia; người đứng đầu các chính phủ; và - ít thường xuyên hơn, và trong trường hợp đặc biệt - là các bộ trưởng ngoại giao.

Cùng với ba nhóm đứng đầu này, Đức Thánh Cha cũng đích thân gặp gỡ các đại sứ chính thức tại Tòa Thánh vào hai dịp chính: khi họ trình quốc thư và khi họ từ biệt lúc kết thúc sứ mệnh của họ.

Ngoài ra còn có ba hạng mục viếng thăm Vatican: thăm cấp nhà nước, yết kiến trọng thể và yết kiến riêng.

Các chuyến thăm cấp nhà nước đã trở nên rất hiếm. Đức ông Sanchirico giải thích rằng thể thức yết kiến hiện nay được ưa chuộng hơn vì “nó linh hoạt và dễ dàng hơn”.

Sự giảm bớt các chuyến thăm cấp nhà nước không bắt đầu dưới thời Đức Giáo hoàng Phanxicô mà đã bắt đầu từ lâu. Như chúng ta có thể thấy, nghi lễ này thật sự thích nghi theo một số cách với thời đại.

Xét rằng các chuyến viếng thăm giáo hoàng về cơ bản mang tính ngoại giao, chúng ta có thể nghĩ rằng chúng được quy định bởi nghi thức ngoại giao của Phủ Quốc vụ khanh, cơ quan giám sát hoạt động ngoại giao của Tòa thánh. Nhưng trên thực tế, chính Văn phòng Đặc trách các Vấn đề Nội chính là nơi điều khiển các chuyến viếng thăm. Đức Giáo hoàng không tiếp các nguyên thủ quốc gia đi cùng với những quan chức cấp cao khác, mà đi cùng với các chức sắc và người thân trong gia đình.

Những gì diễn ra khi đức giáo hoàng tiếp một nguyên thủ quốc gia?

Đức Thánh Cha Phanxicô tiếp Tổng thống Ý Sergio Mattarella trong Điện Tông tòa của Vatican ngày 18 tháng Tư, 2015. Vatican Media.

Những chuyến thăm cấp nhà nước là quan trọng nhất trong ba hạng mục. Chuyến thăm gần đây nhất thuộc hạng mục này được thực hiện bởi Tổng thống Ý Sergio Mattarella vào ngày 18 tháng Tư năm 2015. Nhân dịp đó, nghi thức ngoại giao đã được điều chỉnh. Các thành viên gia đình thường không được bao gồm trong chuyến thăm cấp nhà nước, nhưng ông Mattarella đã có thể đưa con gái và cháu của ông đi cùng.


Chuyến thăm cấp nhà nước diễn ra như thế nào?

Đức ông Sanchirico cho biết, “Chuyến thăm cấp nhà nước bắt đầu từ Quảng trường Thánh Phêrô, tại đây đội Hiến binh Thụy Sĩ đầu tiên chào đón vị khách và sau đó tháp tùng khách vào trong Vatican. Đoàn rước đi vào từ Arco delle Campane [một lối vào Vatican ở bên trái đối diện với Vương cung Thánh đường Thánh Phêrô], rẽ phải phía sau Vương cung Thánh đường Thánh Phêrô, và đến Sân San Damaso.”

Trong sân San Damaso, vị nguyên thủ quốc gia nhìn thấy những người sau đây đang dàn hàng chào đón: hai hàng Hiến binh Thụy sĩ trong đồng phục Grand Gala, các vị Thị thần Tòa Thánh cùng với ngài Tổng trưởng Văn phòng Đặc trách các Vấn đề Nội chính của Giáo hoàng, và Tổng ủy Nhà nước, và vị chỉ huy đội Hiến binh Thụy sĩ. Quốc kỳ quốc gia của vị khách được kéo lên trên cột cờ.

Theo giáo luật, các Thị thần Tòa Thánh là “những chức sắc giáo dân trong Văn phòng Nội chính của Giáo hoàng.” Đức Phaolô VI đã thiết lập danh hiệu Thị thần (Gentlemen of His Holiness) trong tự sắc Pontificalis Domus, ban hành vào ngày 28 tháng Ba năm 1968. Với văn kiện đó, Đức Phaolô VI đã cải tổ Văn phòng Nội chính Giáo hoàng, sắp xếp hợp lý danh sách các danh hiệu, và nói chung là sắp xếp lại toàn bộ cấu trúc và nét đặc biệt của giáo triều.

Các Thị thần Tòa Thánh thuộc quyền Tổng trưởng Văn phòng Đặc trách các Vấn đề Nội chính. Họ được triệu tập để tiếp đón và tháp tùng các vị khách của Giáo hoàng: các nguyên thủ quốc gia và chính phủ, các đại sứ tại Tòa thánh, và các nhân vật quốc tế nổi bật khác.

Vị Tổng trưởng Đặc trách các Vấn đề Nội chính giới thiệu vị khách với các chức sắc và Thị thần Tòa Thánh. Sau phần giới thiệu, ban kèn Tòa Thánh tấu quốc ca của vị khách, và sau đó khách được mời ngồi trong phòng khách cạnh thang máy.

Đức ông Sanchirico lưu ý, “Ngày nay, các phái đoàn đi lên bằng thang máy, nhưng trước đây họ đến Hành lang Thứ hai [trên tầng hai] bằng cầu thang của Giáo hoàng.”

Mỗi thành viên trong phái đoàn của vị khách được phân công cho một Thị thần Tòa thánh.

Đoàn rước được sắp xếp ở Hành lang Thứ hai là tầng thư viện của giáo hoàng.

Đoàn rước được dẫn đầu bởi vị chỉ huy đội Hiến binh Thụy Sĩ, một thượng sĩ. Tiếp theo là đoàn Sediari pontifici. Họ là thành viên của đoàn Thị tùng Đức Giáo hoàng (Anticamera Pontificia) và vai trò của họ liên quan chính đến việc phục vụ giáo hoàng. Trong quá khứ, họ khiêng ghế kiệu giáo hoàng.

Sau đoàn Sediari, các nhân vật khác trong giáo triều tham gia đoàn rước, bao gồm Decano di Sala dell’Anticamera Pontificia, người chịu trách nhiệm về phần công chúng tại nơi ở của giáo hoàng và kết hợp với Sediari. Theo sau Decano là Addetti di Anticamera di Sua Santità, những người cũng thuộc Văn phòng Nội chính Giáo hoàng (Familia Pontificalis.)

Sau đó, có một đội gồm tám Hiến binh Thụy Sĩ, ở giữa đội Hiến binh là vị khách cùng với ngài Tổng trưởng Văn phòng Đặc trách các Vấn đề Nội chính Giáo hoàng ở bên phải vị khách, tiếp sau là vợ hoặc chồng của nguyên thủ quốc gia, và người chỉ huy Lực lượng Hiến binh Thụy Sĩ.

Ngay phía sau nhóm này là các thành viên trong đoàn tùy tùng của vị nguyên thủ quốc gia, mỗi người đều có một Thị thần Tòa Thánh đi cùng.

Đức ông Sanchirico nói rằng “đám rước tiến đến Sala Clementina, nơi một đội thuộc Lực lượng Hiến binh Thụy Sĩ thực hiện nghi thức vinh danh. Trong chuyến thăm cấp nhà nước, phái đoàn được chào đón bởi vị đứng đầu Phòng Đặc trách Nội chính, ngài Tổng trưởng. Vị này thay thế vị trí của một vị chức sắc đi cùng với tổng thống [nguyên thủ quốc gia], người này chuyển sang vị trí gần với vợ của tổng thống.”

Ngài trưởng Từ thiện Tông tòa, là một phần của Phòng Đặc trách Nội chính, cũng tham gia đoàn rước.

Đức ông Sanchirico lưu ý, “Về mặt nghi thức, ngài Trưởng Từ thiện Tông tòa là một giám chức cấp cao của Ban Thị tùng của Đức Thánh Cha, một thành viên tham gia phòng mật.” Điều này là vì “ngài Trưởng Từ thiện Tông tòa là một thực thể bác ái phát xuất trực tiếp từ đức giáo hoàng; nó không có đặc tính phổ quát.”

Đoàn rước dẫn từ phòng Sala dei Sediari đến Sala di Sant’Ambrogio, nơi có một lối đi nhỏ dẫn thẳng đến thư viện của Giáo hoàng, sau đó đến Sala dei Papi và Nhà nguyện Khán phòng Urban VIII.

Từng bước từng bước, đoàn rước thưa người dần, cuối cùng chỉ còn mình vị khách với Đức giáo hoàng.

Đầu tiên, các Sediari rời khỏi đám rước, sau đó là các vị Thị tùng, và cuối cùng là các vị Thị thần của Đức Giáo hoàng. Các vị Thị thần chờ trong “Phòng Đại sứ,” trong khi vợ / chồng của vị nguyên thủ quốc gia ở trong “Sala Della Consorte” (Phòng Consort).

Không một vị khách nào bị bỏ lại một mình. Đức Giáo hoàng chỉ chào đón các quốc vương cùng với phu nhân.

Đến phòng Sala del Tronetto, đức giáo hoàng ra khỏi thư viện riêng, chào vị nguyên thủ quốc gia ở giữa phòng, rồi dẫn họ đến thư viện, nơi cuộc chuyện trò diễn ra tại bàn của giáo hoàng, với hai chiếc ghế giống hệt nhau.

Trong giờ gặp gỡ riêng, các giám chức trong đoàn thị tùng đi chào các vị khách khác.

Vào cuối buổi gặp gỡ, các cửa mở ra. Trước hết, phu nhân/phu quân của vị khách được giới thiệu, sau đó là đoàn tùy tùng của vị khách. Cuối cùng, từng thành viên trong nhóm nhân viên được giới thiệu với đức giáo hoàng. Trong chuyến thăm cấp nhà nước sẽ có diễn văn của 2 bên trước khi chụp ảnh nhóm và chia tay.

Đoàn rước lại tiếp tục và nhóm được khôi phục lại từng bước trên đường đi.

Đầu tiên, Ban Nội chính chào đón vị khách tại Khán phòng Clementine, và sau đó vị nguyên thủ quốc gia đi xuống Hành lang Thứ nhất, tại đó có cuộc gặp gỡ với ngài Quốc Vụ khanh.

Sau cuộc gặp giữa hai bên, đoàn rước tiếp tục tại Sala Regia, tại đây vị khách gặp mặt ngoại giao đoàn chính thức tại Tòa thánh.

Sau đó phần tôn giáo bắt đầu. Nếu vị nguyên thủ quốc gia là người Công giáo, họ đến Vương cung Thánh đường Thánh Phêrô để viếng mộ vị Hoàng tử của các Tông đồ và thể hiện lòng tôn kính trước linh ảnh Đức Mẹ Madonna del Soccorso và Mình Thánh Chúa.

Cuối cùng vị khách gặp gỡ Kinh sĩ hội Thánh Phêrô. Kinh sĩ hội được Thánh Lêô IX thành lập vào năm 1043. Kinh sĩ hội được thành lập nhằm mục đích bảo đảm việc cầu nguyện thường xuyên trong Vương cung Thánh đường, và trong những năm đầu họ hỗ trợ đức giáo hoàng quản lý tài sản Thánh Phêrô.

Sau đó, cuộc chia tay diễn ra, và ban kèn tấu quốc ca Tòa Thánh phía trước Vương cung Thánh đường Thánh Phêrô.

Trên đây là tất cả những gì diễn ra với chuyến thăm cấp nhà nước. Điều này có gì khác với một cuộc tiếp kiến riêng?

Đức ông Sanchirico nói, “Các địa điểm đều giống nhau. [Nhưng] chuyến thăm cấp nhà nước bao gồm diễn văn của hai bên, đây là điều không diễn ra trong một buổi tiếp kiến riêng.”

Đương nhiên, nghi lễ cũng có sự phân biệt tùy thuộc vào cấp bậc của vị khách. Nếu vị khách là quốc vương hoặc nguyên thủ quốc gia, đức giáo hoàng sẽ đi đến phòng Sala del Tronetto và gặp gỡ họ ở giữa phòng. Tuy nhiên, Đức Giáo hoàng sẽ không đi ra ngoài để chào đón người đứng đầu chính phủ. Chiếc ghế cho cấp thủ tướng ngồi nhỏ hơn và được đặt theo cách khác.

Những gì diễn ra khi đức giáo hoàng tiếp một nguyên thủ quốc gia?

Đức Thánh Cha Phanxicô cùng với Tổng thống Croatia Kolinda Grabar-Kitarović tại Vatican, 28 tháng Năm, 2015. Vatican Media.


Một số biện pháp dự phòng không còn được thực hiện. Chẳng hạn, khi trao đổi quà tặng, cấp thủ tướng nên đứng phía trước quầy ngăn, như vậy sẽ đánh dấu sự khác biệt.

Ngoài ra, đức giáo hoàng còn trao huy chương giáo hoàng cho vị khách và đoàn tùy tùng của họ.

Đức ông Sanchirico giải thích: “Đó là huy chương bạc nếu là một thủ tướng, và luôn luôn là huy chương vàng” nếu đức giáo hoàng tiếp một vị vua hoặc một nguyên thủ quốc gia.

Nghi thức gặp gỡ khi các đại sứ trình quốc thư của họ lên giáo hoàng gần đây đã được sửa đổi.

Đức ông Sanchirico nhận xét: “Chúng tôi quay trở lại với hình thức nghi lễ trước đây, mặc dù không còn sự phân biệt giữa các đại sứ, họ đều được tiếp đón trong Đại sảnh Ngai tòa, và các bộ trưởng đặc mệnh toàn quyền được tiếp đón trong Khán phòng Tronetto.”

“Nghi thức bây giờ hoàn toàn công khai, với sự hiện diện của phái đoàn, và diễn ra trong Phòng Ngai tòa với cuộc gặp gỡ riêng sau đó trong thư viện và có những đặc điểm tương tự như các chuyến thăm cấp nhà nước.”

Khi nhận ủy nhiệm thư, đức giáo hoàng gặp gỡ các đại sứ không thường trú theo nhóm và có diễn văn. Ngược lại, ngài gặp riêng các đại sứ thường trú và không có diễn văn.



[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 31/8/2021]