Chủ Nhật, 4 tháng 6, 2017

Hỏi và Đáp của Đức Thánh Cha với ‘Thế giới Lao động’ ở Genoa

Hỏi và Đáp của Đức Thánh Cha với ‘Thế giới Lao động’ ở Genoa

(Phần Một)

‘Một thế giới không còn biết được những giá trị, và giá trị, của việc làm thì cũng chẳng hiểu được Tiệc Thánh, lời cầu nguyện chân thành và khiêm nhường của những người công nhân và lao động’
29 tháng Năm, 2017
Hỏi và Đáp của Đức Thánh Cha với ‘Thế giới Lao động’ ở Genoa
PHOTO.VA - L'OSSERVATORE ROMANO
Lúc 7.30 sáng thứ Bảy, Đức Thánh Cha Phanxico khởi hành bằng máy bay từ sân bay Ciampino của Roma để đi thăm mục vụ Tổng Giáo phận Genoa.
Khi đến sân bay Genoa, Đức Thánh Cha được đón tiếp bởi Đức Hồng y Angelo Bagnasco, tổng giám mục của thành phố, Giovanni Toti, chủ tịch vùng Liguria, Fiamma Spena, giám quản của Genoa, thị trưởng Marco Doria, và giám đốc sân bay Paolo Sirigu.
Đức Thánh Cha sau đó đi xe đến nhà máy Ilva, tại đây ngài gặp gỡ các đại diện của thế giới lao động.
Trong buổi gặp gỡ Đức Thánh Cha Phanxico trả lời bốn câu hỏi được đưa ra bởi một giám đốc, một đại diện liên đoàn lao động, một công nhân và một người thất nghiệp.
Cuối cùng ngày di chuyển bằng xe đến Nhà thờ Chính tòa Genoa để gặp gỡ các giám mục vùng Liguria, các giáo sĩ, chủng sinh, nam nữ tu sĩ, những giáo dân cộng tác viên với Giáo triều và đại diện của những tôn giáo khác.
Dưới đây là bản dịch chính thức của Vatican cung cấp những câu hỏi-đáp của Đức Thánh Cha:
***
Câu hỏi của giám đốc Ferdinando Garré thuộc quận Naval Repairs:
Trong công việc, chúng con thấy phải tranh đấu với quá nhiều những trở ngại  – quá quan liêu, chậm chạp trong việc đưa ra những quyết định chung, thiếu dịch vụ hoặc những cơ sở hạ tầng phù hợp. Chúng con chia sẻ hành trình đầy thách đố này với cha tuyên úy và được động viên bởi đức tổng giám mục của chúng con là Đức Hồng y Angelo Bagnasco. Thưa Đức Thánh Cha, bây giờ chúng con đến với người, xin người một lời thân ái. Một lời an ủi để động viên chúng con trước những trở ngại mà chúng con những người làm kinh doanh phải đối mặt hàng ngày.
ĐTC Phanxico:
Xin chào (buổi sáng) tất cả mọi người!
Đây là lần đầu tiên tôi đến Genoa, và ở quá gần cảng làm tôi nhớ đến nơi cha tôi đã ra đi … Điều này gợi lên trong tôi nhiều cảm xúc. Và xin cảm ơn vì sự chào đón của tất cả mọi người. Anh Ferdinando Garré: tôi đã đọc các câu hỏi, và với một vài câu tôi có ghi chú ít ý tưởng để trả lời; và tôi vẫn giữ cây bút trong tay để ghi chú những gì chợt hiện lên trong đầu lúc tôi nói, để trả lời. Nhưng với những câu hỏi về thế giới lao động tôi muốn suy nghĩ kỹ để có thể trả lời tốt, vì công việc hôm nay đang bấp bênh. Nó là một thế giới nơi việc làm không được xét đến với phẩm giá mà nó có và nó tạo ra. Vì thế tôi sẽ trả lời với những điều tôi đã nghĩ đến, và một số điều tôi sẽ nói khi nó chợt hiện lên.
Trước hết, một giả thuyết. Giả thuyết rằng: thế giới việc làm là một ưu tiên của con người. Vì thế nó là một ưu tiên của người Ki-tô hữu, ưu tiên của chúng ta, và cũng là ưu tiên của Đức Giáo hoàng. Vì nó xuất phát từ mệnh lệnh đầu tiên Thiên Chúa trao cho ông A-đam: “Hãy đi, cày cấy trên mặt đất, lao động trên mặt đất, hãy làm nó nên tốt tươi.” Luôn có một tình bạn giữa Giáo hội và lao động, bắt đầu từ một Giê-su lao động. Nơi đâu có một người lao động, nơi đó có sự quan tâm và cái nhìn yêu thương của Thiên Chúa và của Giáo hội. Tôi nghĩ như vậy đã rõ ràng. Cái đẹp ở đây là câu hỏi đến từ một doanh nhân, một kỹ sư, từ cách nói của anh về doanh nghiệp, những giá trị đặc trưng của người doanh nhân nổi rõ lên. Và vì câu hỏi này được một doanh nhân hỏi, nên chúng ta sẽ nói chuyện về nó. Tính sáng tạo, tình yêu dành cho việc kinh doanh, sự đam mê và niềm tự hào về công việc của đôi tay và trí tuệ của chính các bạn và của công nhân của các bạn. Người doanh nhân là một hình ảnh chính trong bất kỳ nền kinh tế vững mạnh nào: sẽ không có kinh tế tốt nếu không có doanh nghiệp tốt. Sẽ không có doanh nghiệp tốt nếu không có những doanh nhân giỏi, nếu không có khả năng của các bạn tạo ra, tạo ra được việc làm, tạo ra những sản phẩm. Trong lời nói của anh chúng ta cũng nhận ra được tình yêu của anh dành cho thành phố – và chúng ta hiểu được điều này – vì nền kinh tế của nó, chất lượng của nhân công, và cũng là cho môi trường, cho biển … Điều quan trọng là biết công nhận những giá trị của người lao động. Nhu cầu của họ – người công nhân – là được làm việc tốt đẹp để công việc được hoàn thành một cách tốt đẹp. Có khi người ta nghĩ rằng một người công nhân làm việc tốt chỉ vì người ấy được trả lương: đây là một sự thiếu tôn trọng rất lớn đối với người công nhân và người lao động vì nó chối bỏ phẩm giá của việc làm, nó bắt đầu chính trong cách thức làm việc tốt vì phẩm giá, vì danh dự. Người quản lý thực sự – tôi sẽ cố gắng đưa ra nét phác họa sơ lược của một người quản lý tốt – người quản lý đích thực phải hiểu công nhân của mình, vì anh ta làm việc cùng với họ, anh ta làm việc bên cạnh họ. Chúng ta đừng quên rằng người doanh nhân trước hết phải là một người công nhân. Nếu anh ta không có kinh nghiệm này về giá trị, anh ta sẽ không thể là một người quản lý tốt. Anh ta biết chia sẻ những cố gắng của công nhân, và chia sẻ niềm vui của công việc, niềm vui của việc cùng nhau giải quyết các vấn đề, cùng nhau xây dựng một cái gì đó. Nếu và khi nào anh ta phải sa thải một người, đây luôn luôn là một quyết định đau đớn và anh ta sẽ không làm việc đó nếu có thể. Không một người quản lý tốt nào thích sa thải người làm của anh ta – không, người nào nghĩ rằng anh ta có thể giải quyết vấn đề công việc của anh ta bằng cách sa thải người làm, người ấy không phải là một quản lý tốt, anh ta chỉ là một thương buôn, một người bán người làm của mình hôm nay và ngày mai bán luôn cả phẩm giá của anh ta. Anh ấy luôn thấy đau khổ, và đôi khi từ sự đau khổ này những ý tưởng mới hiện lên để tránh được việc phải sa thải. Đây là một doanh nhân tốt. Tôi nhớ gần một năm trước, không đến một năm, sau Lễ trong nhà nguyện Thánh Marta lúc 7 giờ sáng, tại cửa ra tôi chào mọi người dự lễ, và một người đàn ông tiến đến. Ông ấy khóc. Ông nói, “Con đến để xin một ơn: con đang bị giới hạn và con phải làm báo cáo phá sản. Điều đó có nghĩa là phải sa thải 60 công nhân, và con không muốn làm vậy, vì con cảm thấy như con sa thải chính con vậy.” Và người đàn ông đó khóc. Ông là một người quản lý tốt. Ông chiến đấu và cầu nguyện cho người làm của ông vì họ “thuộc về ông”: “Họ là gia đình của con.” Họ gắn kết với nhau.
Một căn bệnh của kinh tế hiện nay là sự biến đổi những doanh nhân thành các nhà đầu cơ. Không được lẫn lộn giữa một doanh nhân và người đầu cơ: có hai loại khác nhau. Doanh nhân không được lẫn lộn với người đầu cơ: người đầu cơ là một hình ảnh tương tự như cách Chúa Giê-su gọi trong Tin mừng là “kẻ hám lợi” đối nghịch lại với Người Mục tử Tốt lành. Kẻ hám lợi không yêu quý công ty của anh ta, anh ta không yêu người làm của mình, nhưng chỉ nhìn đến doanh nghiệp và công nhân của mình như phương tiện để tạo lợi nhuận. Anh ta sử dụng, sử dụng công ty và công nhân để thu lợi nhuận. Sa thải, đóng cửa, hay chuyển công ty không là vấn đề với anh ta, vì kẻ hám lợi sử dụng, bóc lột, “ăn” người và mọi phương tiện để đạt mục tiêu lợi nhuận. Khi nền kinh tế bao gồm những doanh nhân tốt, thì các doanh nghiệp trở nên thân thiện với con người và thậm chí với cả những người nghèo. Khi nó rơi vào tay những kẻ đầu cơ, mọi thứ bị phá hỏng. Với người đầu cơ, nền kinh tế đánh mất diện mạo và đánh mất những khuôn mặt của nó. Nó là một nền kinh tế không có khuôn mặt. Một nền kinh tế trừu tượng. Đàng sau những quyết định của kẻ đầu cơ không có con người, và vì thế chúng ta không nhìn thấy những con người bị sa thải hay cắt giảm. Khi kinh tế đánh mất sự liên tiếp xúc với những khuôn mặt của con người cụ thể, bản thân nó trở thành một nền kinh tế không có bộ mặt và vì thế trở thành một nền kinh tế tàn nhẫn. Chúng ta phải sợ những người đầu cơ, không phải những doanh nhân; không, đừng sợ những nhà kinh doanh vì có rất nhiều người tốt! Không. Hãy sợ những người đầu cơ. Nhưng thật nghịch lý, đôi khi hệ thống chính trị dường như khuyến khích những người đầu cơ công việc chứ không phải những người đầu tư và tin tưởng vào công việc. Tại sao? Vì nó tạo ra sự quan liêu và thống trị, bắt đầu từ giả thuyết rằng những nhân tố chính của nền kinh tế là những nhà đầu cơ, vì thế những người không thuộc nhóm đầu cơ bị bất lợi, và những người có thể tìm cách lừa gạt những sự kiểm soát và đạt được mục tiêu của họ. Chúng ta biết rằng các quy định và luật lệ áp dụng cho những người không trung thực cuối cùng quay lại phạt những người trung thực. Và ngày nay có rất nhiều doanh nhân thực sự, những người quản lý trung thực yêu thương công nhân của họ, yêu công ty, người cùng làm việc bên cạnh họ để đưa doanh nghiệp tiến lên, và đây là những người gặp bất lợi bởi các chính sách ưu đãi cho người đầu cơ. Nhưng cuối cùng những doanh nhân trung thực và có đạo đức sẽ tiến lên bất chấp mọi thứ. Tôi muốn trích dẫn lại lời của Luigi Einaudi, nhà kinh tế và là tổng thống của nước Cộng hòa Ý. Ông viết: “Hàng ngàn, hàng triệu người làm việc, sản xuất và tiết kiệm bất chấp tất cả mọi điều chúng ta có thể sáng tạo ra để làm phiền, để cản trở họ, và để làm họ nản lòng. Chính thiên hướng tự nhiên làm động lực cho họ, không phải cơn khát tham lợi. Hương vị, niềm tự hào nhìn thấy doanh nghiệp của bạn thịnh vượng, đạt được uy tín, tạo ra được niềm tin với một nhóm khách hàng ngày càng nhiều, mở rộng các nhà máy của họ, là một bàn đạp tiến đến sự phát triển cũng mạnh mẽ như lợi nhuận. Nếu không đúng như vậy, sẽ không có cách gì giải thích tại sao có những doanh nhân với công ty riêng của họ đã dùng hết mọi nguồn lực của họ và đầu tư tất cả vốn của họ, thường chỉ đạt được mức lợi nhuận khiêm tốn hơn nhiều so với những gì họ có thể thực sự và dễ dàng đạt được với những nỗ lực khác.” Họ có tình yêu huyền nhiệm đó…
Cảm ơn về những gì anh nói, vì anh là một đại diện cho các doanh nhân này. Hãy nhớ, những nhà doanh nhân, cả anh nữa, những công nhân: coi chừng những người đầu cơ, cả những quy định và luật cuối cùng ưu ái cho những kẻ đầu cơ chứ không phải những người kinh doanh thật sự. Cuối cùng họ sẽ đưa con người đến chỗ không việc làm. Cảm ơn anh.

Câu hỏi của Micaela, đại diện công đoàn
Ngày nay chúng ta lại nói về công nghiệp, nhờ cuộc cách mạng công nghiệp thứ tư hay “Công nghiệp 4.0”.Thế giới lao động đã sẵn sàng đón nhận những thách đố sản xuất mới mang đến sự thịnh vượng. Điều quan tâm của chúng con là ranh giới công nghệ mới này và sự phục hồi kinh tế và sản xuất không sớm thì muộn cũng sẽ đến, sẽ không mang đến công việc mới có chất lượng, nhưng thay vì vậy sẽ góp phần làm gia tăng sự bấp bênh và cực nhọc của xã hội. Ngày nay, cuộc cách mạng thực sự phải là biến đổi cụm từ “làm việc” sang một hình thức cụ thể của sự phục hồi xã hội (social redemption).
ĐTC Phanxico:
Chợt hiện lên trong đầu tôi là cách trả lời theo một lối chơi chữ… Anh kết thúc bằng cụm từ “phục hồi xã hội” [tiếng Ý là “riscatto”], và tôi lại nghĩ đến cụm từ “tống tiền xã hội” (social blackmail) [tiếng Ý là “ricatto”]. Những gì tôi sắp kể là chuyện thật xảy ra ở Ý khoảng một năm trước. Có một hàng dài những người thất nghiệp chờ xin việc, một công việc thú vị trong văn phòng. Cô gái kể cho tôi câu chuyện này - một người học thức, nói được mấy ngôn ngữ và đây là lợi thế quan trọng cho vị trí đó – kể rằng họ đã bảo cô “Được, cô có thể bắt đầu …; sẽ làm 10-11 giờ mỗi ngày …” – “Được, được!” cô đáp ngay, vì cô đang cần việc làm – “và nó bắt đầu với – tôi nghĩ họ nói, tôi không muốn mắc lỗi, nhưng chỉ không quá 800 euro một tháng.” Và cô nói, “Nhưng … chỉ có 800 thôi sao? Cho 11 giờ làm việc?” Và người đàn ông – người đầu cơ, anh ta không phải là một doanh nhân, người làm cho một người đầu cơ – nói với cô, “Này cô, hãy nhìn dòng người đứng sau cô: nếu cô không thích, cô có thể đi.” đây không phải là riscatto, sự phục hồi, nhưng là ricatto, sự tống tiền!
Tôi sẽ nói về những gì tôi đã viết, và câu nói cuối của anh nhắc tôi nhớ tới điều này. Việc làm bất hợp pháp. Một người kia nói với tôi rằng anh ấy có việc làm, nhưng từ tháng Chín đến tháng Sáu; anh ta phải nghỉ từ tháng Sáu và có việc làm trở lại vào tháng Mười, tháng Chín. Và vấn đề nó như vậy đấy – việc làm bất hợp pháp.

Tôi rất thích lời đề nghị có buổi gặp gỡ hôm nay, tại một nơi làm việc và với những công nhân, bởi vì đây cũng là nơi của con cái Thiên Chúa. Đối thoại tại nơi làm việc không kém quan trọng hơn đối thoại mà chúng ta thực hiện tại các giáo xứ hay những hội nghị trang trọng, vì những nơi Giáo hội đến là những nơi của cuộc sống và vì thế gồm cả những quảng trường và nhà máy. Vì người ta có thể nói, “Nhưng vị linh mục này, ông nói gì với chúng tôi? Hãy về nhà xứ!” Không, thế giới lao động là thế giới của những người con của Chúa: tất cả chúng ta là Giáo hội, là dân của Chúa. Nhiều cuộc gặp gỡ giữa Thiên Chúa và con người, được Kinh Thánh và các Tin mừng kể lại, xảy ra khi con người đang làm việc: ông Môi-sê nghe tiếng Chúa gọi ông và tỏ lộ danh của Người khi ông đang chăn đàn gia súc của cha vợ ông; những môn đệ đầu tiên của Chúa Giê-su là các ngư phủ và được Ngài gọi khi đang làm việc bên bờ hồ. Những gì anh nói là rất đúng: thiếu việc làm còn hơn cả thiếu một nguồn thu nhập để sống. Lao động cũng là vì mục đích này, nhưng nó còn hơn, hơn thế nữa. Bằng lao động chúng ta trở nên con người trọn vẹn hơn, nhân cách của chúng ta phát triển, chỉ qua lao động thì những người trẻ trở nên người trưởng thành. Giáo huấn xã hội của Giáo hội luôn nhìn đến lao động của con người như sự góp phần trong tạo vật tiếp tục diễn ra hàng ngày, nhờ vào đôi bàn tay, trí óc và con tim của những người công nhân. Trên mặt đất này có ít niềm vui lớn hơn niềm vui chúng ta trải nghiệm khi làm việc, cũng như có ít nỗi đau nào lớn hơn những nỗi đau của việc làm, khi lao động bóc lột, nghiền nát, làm nhục, giết chết. Lao động là người bạn của con người, và con người là bạn bè của lao động, và vì lý do này, không dễ để xem nó như một kẻ thù, vì bản thân nó như một con người ở nhà, ngay cả khi nó tấn công chúng ta và làm chúng ta tổn thương. Con người được cung cấp lương thực qua lao động: bằng lao động họ được “xức dầu phẩm giá.” Vì lý do này, công ước xã hội chung được xây dựng xoay quanh lao động. Đây là cốt lõi của vấn đề. Vì khi bạn không làm việc, hoặc bạn làm việc rất tệ, bạn làm việc quá ít hoặc quá nhiều, thì tính bình đẳng trong xã hội đi vào khủng hoảng, và công ước xã hội chung. Đây cũng là ý nghĩa của Khoản 1 trong Hiến Pháp của Ý, và nó là điều rất đẹp: “Ý là một nước cộng hòa dân chủ được thành lập trên sự lao động.” Trên nền tảng này chúng ta có thể nói rằng tước mất việc làm khỏi con người hoặc bóc lột con người bằng công việc không xứng đáng, hoặc với đồng lương thấp hay bất cứ cách gì, là đi ngược lại với hiến pháp. Nếu không được thành lập trên giới lao động, nước Cộng hòa Ý sẽ không phải là một quốc gia dân chủ, vì vị trí của việc làm bị lấy mất và luôn luôn bị chiếm chỗ bởi những đặc quyền, những đẳng cấp và lợi tức. Vì vậy điều cần thiết là phải gạt bỏ sợ hãi để hướng nhìn về những thay đổi công nghệ trong kinh tế và đời sống với tinh thần trách nhiệm, và không đầu hàng trước hệ tư tưởng đang giành được chỗ đứng khắp nơi, hệ tư tưởng vẽ nên hình ảnh một thế giới chỉ có một nửa hay có lẽ hai phần ba số công nhân có được việc làm, và những người khác tồn tại nhờ vào tiền trợ cấp xã hội. Phải phân định rạch ròi rằng mục tiêu thực sự để đạt tới không phải là “lợi tức cho tất cả” nhưng phải là “việc làm cho tất cả.” Vì nếu không có việc làm, nếu không có việc làm cho tất cả mọi người, sẽ không có phẩm giá cho tất cả mọi người. Việc làm của hôm nay sẽ khác với việc làm của ngày mai, có lẽ rất khác – chúng ta hãy nghĩ đến cuộc cách mạng công nghiệp; đã có một sự thay đổi; ở đây cũng vậy sẽ một một cuộc cách mạng – nó sẽ khác với việc làm của ngày hôm qua, nhưng nó sẽ phải là việc làm, không phải là lương hưu, không phải là sự về hưu: việc làm. Khi người ta nghỉ hưu ở đúng độ tuổi, đó là một hành động công bằng; nhưng nó sẽ đi ngược lại với phẩm giá của con người nếu bắt họ phải về hưu ở độ tuổi 35 hay 40, để rồi cấp cho họ những phúc lợi của chính phủ, và bảo “sống nhờ.” “Nhưng tôi có đủ lương thực để sống không? Đủ. “Tôi có thể hỗ trợ cho gia đình tôi không, bằng tờ ngân phiếu này?” Được. “Tôi có phẩm giá không?” Không! Tại sao? Vì tôi không làm việc. Việc làm của hôm nay sẽ khác đi. Nếu không có việc làm, bạn có thể tồn tại; nhưng để sống, bạn cần việc làm. Đó là sự lựa chọn giữa sống và tồn tại. Và cần phải có việc làm cho mọi người. Cho người trẻ tuổi … Anh có biết tỷ lệ phần trăm giới trẻ ở độ tuổi 25 và thấp hơn bị thất nghiệp ở Ý là bao nhiêu không? Tôi sẽ không nói ra: hãy tìm ở những con số thống kê. Và đây là một khoản nợ cho tương lai. Vì những người trẻ tuổi này lớn lên mà không có phẩm giá, vì họ không được “kết hiệp” bởi sự lao động tạo nên phẩm giá. Nhưng cốt lõi của câu hỏi này là: một tờ ngân phiếu hàng tháng, một khoản trợ cấp hàng tháng cho phép bạn hỗ trợ một gia đình không giải quyết được vấn đề. Vấn đề phải được giải quyết bằng việc làm cho mọi người. Tôi nghĩ là tôi đã trả lời thiếu hoặc thừa gì đó một chút …
(Xin đọc tiếp phần Hai ngày mai)
[Nguồn: zenit]

[Chuyển ngữ: TRI KHOAN 30/05/2017]


Đức Thánh Cha Phanxico trả lời những câu hỏi của thiếu nhi về sự đau khổ và trưởng thành

Đức Thánh Cha Phanxico trả lời những câu hỏi của thiếu nhi về sự đau khổ và trưởng thành

02 tháng Sáu, 2017
Đức Thánh Cha Phanxico trả lời những câu hỏi của thiếu nhi về sự đau khổ và trưởng thành
AP Photo/Cliff Owen

Đức Thánh Cha động viên học sinh trung học cơ sở hãy biến những sợ hãi thành thử thách và cơ hội

VATICAN CITY — Tại sao Chúa lại để thiếu nhi phải đau khổ? Người trẻ tuổi có thể thay đổi thế giới bằng cách nào? Và làm sao để tuổi thiếu niên vượt qua được nỗi sợ hãi trưởng thành?
Đây là những câu hỏi tự vấn tâm hồn của ba thiếu nhi hỏi Đức Thánh Cha Phanxico hôm thứ Sáu trong buổi gặp gỡ với các thành viên của một tổ chức cho học sinh trung học cơ sở với tên gọi ‘I Cavalieri’ hay Hiệp sĩ (The Knights).
Cuộc gặp gỡ đầy màu sắc của các hiệp sĩ thiếu niên đến từ khắp nước Ý, cùng với các nhóm từ Tây Ban nha, Bồ Đào nha, Pháp và Thụy sĩ, cộng với các em được kết nối trên mạng từ Châu Mỹ La tinh.
Marta
Sau nhiều bài hát và hoan hô sôi nổi, một thiếu nhi nữ tên Marta hỏi câu đầu tiên về cách vượt qua sự sợ hãi của em khi chuyển lên cấp trung học phổ thông và phải tạm biệt tất cả các bạn đang học.
Đức Thánh Cha nói với em rằng cuộc sống là một vòng xoay liên tục của những câu ‘xin chào và tạm biệt’ lớn và nhỏ. Ngài nói, chúng ta lớn lên và có những người bạn mới và tạm biệt những người bạn cũ. Ngài nói, đừng sợ nhưng hãy xem đó là một thử thách. Đừng lo lắng về những gì nằm sau bức tường, nhưng hãy tưởng tượng ra một chân trời mà con có thể nhìn thấy ở miền quê và cố gắng luôn tiến tới trước về phía những chân trời mới của con.
Giulio
Một thiếu nhi thứ hai, Giulio, hỏi Đức thánh Cha người trẻ có thể làm gì để giúp thay đổi thế giới trở nên tốt hơn.
Yêu cầu các thiếu nhi phải hô lớn những câu trả lời, Đức Thánh Cha hỏi việc gì xảy ra khi các em có hai viên kẹo và một người bạn đến gọi? Và nếu các em chỉ có một viên kẹo? Các con có bỏ nó vào túi để ăn về sau không? Hay chúng con chia sẻ những gì mình có với các bạn khác? Hãy đưa tay chúng con cho cha xem, ngài hướng dẫn các em: các bàn tay nắm vào ích kỷ hay chúng mở ra quảng đại? Đôi bàn tay của chúng ta là biểu tượng của trái tim, ngài nói, và chỉ những trái tim rộng mở, quảng đại mới có thể thay đổi thế giới.
Nếu con có một người bạn ở trường mà con không thích, Đức Thánh Cha tiếp tục, đừng đi tung tin đồn thổi về người đó với những bạn khác, vì điều đó thể hiện chúng con có trái tim khép chặt lại. Nếu ai đó làm con bẽ mặt, đừng làm bẽ mặt người đó, nhưng hãy cố thay đổi thế giới bằng những hành động nhỏ mỗi ngày thể hiện lòng quảng đại và tình hiệp nhất. Chúa Giê-su dạy chúng ta cầu nguyện cho những người bạn và kẻ thù của chúng ta, cho những người làm chúng ta đau khổ, ngài nói, giống như Chúa Cha trên trời tạo ra mặt trời tỏa nắng trên cả người tốt và người xấu.
Tanio
Cuối cùng một thiếu nhi nam người Bulgaria, Tanio, kể chuyện em bị bỏ rơi trong một nhà mồ côi và được nhận làm con nuôi bởi cha mẹ người Ý lúc 5 tuổi. Người mẹ mới của em qua đời một năm sau đó, để lại cho cha và ông bà chăm sóc em. Bây giờ ông bà của em cũng đã chết, em hỏi Đức Thánh Cha:
Làm sao chúng con có thể tin rằng Chúa yêu chúng con khi chúng con bị mất những người thân như vậy?
Đức Thánh Cha Phanxico thú nhận rằng ngài cũng đã hỏi câu tương tự khi ngài đến thăm những trẻ bị bệnh trong nhà thương. Làm sao chúng ta tin tưởng vào tình thương của Thiên Chúa khi chúng ta nhìn thấy trẻ em chịu đựng nạn đói ở một số nơi trên thế giới, trong khi lại quá nhiều thức ăn bị lãng phí ở những nơi khác? Không đơn giản tìm được từ ngữ để trả lời cho các câu hỏi này, ngài nói với thiếu nhi. Sự giải thích duy nhất chúng con có thể tìm thấy là nhìn vào sự yêu thương của những người hỗ trợ và chăm sóc chúng con.
Chúa cũng không trả lời những câu hỏi của cha, ngài thú nhận, nhưng khi cha nhìn lên Thập giá và nhớ rằng Thiên Chúa đã để cho Con của Người chịu đau khổ, cha hiểu rằng phải có một ý nghĩa ở đâu đó cho nó. Cha không thể giải thích cho chúng con, ngài nói, nhưng chúng con có thể tìm thấy cho chính mình. Hãy nhớ, ngài kết luận, có những câu hỏi và những hoàn cảnh trong cuộc sống không thể giải thích được, tuy nhiên tình yêu của Thiên Chúa vẫn luôn ở đó.
Nguồn: Vatican Radio
[Nguồn: aleteia]


[Chuyển ngữ: 04/06/2017]