Thứ Năm, 10 tháng 10, 2019

TIẾP KIẾN CHUNG CỦA ĐỨC THÁNH CHA: Sách Tông đồ Công vụ & sự trở lại của Thánh Phaolo

TIẾP KIẾN CHUNG CỦA ĐỨC THÁNH CHA: Sách Tông đồ Công vụ & sự trở lại của Thánh Phaolo
Copyright: Vatican Media

TIẾP KIẾN CHUNG CỦA ĐỨC THÁNH CHA: Sách Tông đồ Công vụ & sự trở lại của Thánh Phaolo

‘Chúng ta hãy xin Chúa Cha ban cho chúng ta được trải nghiệm sự tác động của tình yêu của Người, như Thánh Phaolo đã có, một tác động duy nhất có thể biến một con tim chai đá thành con tim bằng thịt’

09 tháng Mười, 2019 14:19

Buổi Tiếp Kiến Chung sáng nay được tổ chức lúc 9 giờ sáng trong Quảng trường Thánh Phê-rô, tại đây Đức Thánh Cha Phanxico gặp gỡ các nhóm khách hành hương và tín hữu từ nước Ý và khắp nơi trên thế giới.

Tiếp tục những bài giáo lý về sách Tông đồ Công vụ, trong huấn từ bằng tiếng Ý Đức Thánh Cha tập trung phân tích về chủ đề: “Một lợi khí Ta chọn” (Cv 9:15). Sao-lô: từ kẻ bắt đạo trở thành người rao giảng phúc âm. (Trình thuật Kinh Thánh: trích Sách Tông đồ Công vụ 9:3-6).

Sau phần tóm lược bài giáo lý bằng một số ngôn ngữ, Đức Thánh Cha gửi lời chào đặc biệt đến các nhóm tín hữu hiện diện.

Buổi Tiếp Kiến Chung kết thúc bằng bài hát Kinh Lạy Cha và Phép Lành Tòa Thánh.


*****

Bài Giáo lý của Đức Thánh Cha

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Bắt đầu từ chương nói về việc ném đá Stê-pha-nô, một nhân vật xuất hiện, và nhân vật đó đứng cạnh Phê-rô, hiện diện nhiều nhất và sắc bén nhất trong Tông đồ Công vụ: đó là “một thanh niên tên là Sao-lô” (Cv 7:58). Ngay từ đầu ông được mô tả là một người tán thành cho cái chết của Stê-pha-nô và muốn phá hoại Giáo hội (x. Cv 8:3); nhưng rồi ông lại trở thành một lợi khí được Chúa chọn để rao giảng Tin mừng cho người Ngoại đạo (x. Cv 9:15; 22:21; 26:17).

Với sự cho phép của thượng tế, Sa-un săn lùng người Ki-tô hữu và bắt họ. Anh chị em, những người đến từ các dân tộc bị bắt bớ bởi các nhà độc tài, thì anh chị em hiểu rõ ý nghĩa của việc săn lùng và bắt bớ đối với họ. Sa-un đã làm điều đó. Và ông làm việc đó với suy nghĩ rằng ông đang phục vụ cho Lề Luật của Chúa. Lu-ca nói rằng Sa-un “hằm hằm đe doạ giết các môn đệ Chúa” (Cv 9:1): trong ông có một hơi thở chỉ biết đến cái chết, không phải sự sống.

Thanh niên Sao-lô là hình ảnh của một sự không khoan nhượng, tức là người thể hiện sự bất bao dung đối với những người có suy nghĩ khác biệt với ông; ông tuyệt đối hóa bản sắc chính trị và tôn giáo của ông và xem người khác biệt là kẻ thù phải chống lại — một người theo hệ tư tưởng. Trong Sa-un, tôn giáo bị biến thành một hệ tư tưởng: hệ tư tưởng tôn giáo, hệ tư tưởng xã hội và hệ tư tưởng chính trị. Sau khi được Chúa Giê-su biến đổi thì ông dạy rằng trận chiến thật sự không phải “chiến đấu với phàm nhân, nhưng là [...] với những bậc thống trị thế giới tối tăm này, với những thần linh quái ác chốn trời cao” (Eph 6:12). Ông dạy rằng con người không được chiến đấu chống lại con người, nhưng chống lại ác thần thôi thúc cho những hành động của họ.

Trạng thái tức giận của Sa-un — vì Sa-un rất tức giận — và trạng thái mâu thuẫn của ông mời gọi chúng ta hãy tự hỏi mình: tôi sống đời sống đức tin của tôi như thế nào? Tôi có đến để gặp gỡ người khác không hay tôi chống lại người khác? Tôi có thuộc về một Giáo hội hoàn vũ không (cả người tốt và người xấu) hay tôi có một hệ tư tưởng theo sự chọn lựa? Tôi tôn thờ Thiên Chúa hay tôi tôn thờ những giáo điều? Đời sống tôn giáo của tôi như thế nào? Niềm tin của tôi vào Chúa mà tôi tuyên xưng có làm cho tôi trở nên thân thiện hoặc hiếu khách với những người khác biệt với tôi không?

Lu-ca thuật lại rằng, trong khi Sa-un toàn tâm toàn ý vào việc nhổ tận gốc cộng đoàn Ki-tô hữu, Chúa dõi theo trên con đường của ông để chạm đến tâm hồn ông và hoán cải ông trở về với Ngài. Đó là phương pháp của Chúa: Ngài chạm đến tâm hồn. Đấng Phục sinh có sáng kiến và tỏ lộ mình ra với Sa-un trên đường đi Đa-mát, trình thuật được kể lại ba lần trong Sách Tông đồ Công vụ (x. Cv 9:3-19; 22:3-21; 26:4-23). Qua hai hình thức kép “ánh sáng” và “giọng nói,” điển hình của một sự hiển linh, Đấng Phục sinh hiện ra với Sa-un và yêu cầu ông giải thích cho cơn thịnh nộ tàn sát: “Sa-un, Sa-un, tại sao ngươi bắt bớ Ta?” (Cv 9:4). Đấng Phục sinh tỏ lộ ở đây hữu thể của Ngài với tất cả những ai tin vào Ngài: tấn công một thành viên của Hội Thánh là tấn công chính Đức Ki-tô! Những kẻ áp đặt hệ tư tưởng cũng giống như vậy vì họ muốn “thanh lọc” — trong ngoặc kép — Giáo hội, là tấn công Đức Ki-tô.

Giọng của Chúa Giê-su nói với Sa-un: “Hãy đứng dậy, vào thành, và người ta sẽ nói cho ngươi biết ngươi phải làm gì” (Cv 9:6). Tuy nhiên, khi đứng dậy, Sao-lô không còn nhìn thấy gì nữa, ông đã bị mù, và từ một con người mạnh mẽ, có uy quyền và độc lập ông trở thành người yếu đuối, cần giúp đỡ và lệ thuộc vào người khác, vì ông không thể nhìn thấy. Ánh sáng của Đức Ki-tô đã khiến ông chói mắt và làm ông bị mù: “Từ đó, từ hình thức bên ngoài ông dường như thấy được thực tại bên trong của ông là mù trước sự thật, trước ánh sáng đó là Đức Ki-tô” (Benedict XVI, Tiếp Kiến Chung, 3 tháng Chín, 2008).

Từ “thân xác đến thân xác” giữa Sa-un và Đấng Phục sinh mà sự biến đổi bắt đầu cho thấy “Phục sinh riêng” của Sa-un, chặng đường từ sự chết đến sự sống của ông, những gì trước đây là vinh quang giờ trở thành “thứ vô giá trị” phải bỏ đi, để đạt được Đức Ki-tô và sự sống trong Ngài (x. Phl 3:7-8).

Phaolo lãnh nhận Phép Rửa. Từ đó Phép Rửa ghi dấu cho Sa-un, cũng như cho mỗi người chúng ta, sự khởi đầu một đời sống mới, và nó được đi kèm với một cái nhìn mới về Thiên Chúa, về bản thân ông và về người khác, những người trước là kẻ thù nay trở nên anh em trong Đức Ki-tô.

Chúng ta hãy xin Chúa Cha ban cho chúng ta được trải nghiệm sự tác động của tình yêu của Người, như Thánh Phaolo đã có, một tác động duy nhất có thể biến một con tim chai đá thành con tim bằng thịt (x. Ez 11:15), có khả năng đón nhận cho mình “những tâm tình như chính Đức Ki-tô Giê-su” (Phl 2:5).

[Văn bản chính: tiếng Ý] [Bản dịch (tiếng Anh) của Virginia M. Forrester của ZENIT]



[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 10/10/2019]


Đức Hồng y Parolin đánh dấu Ngày Quốc tế Loại trừ Hoàn toàn Vũ khí Nguyên tử

Đức Hồng y Parolin đánh dấu Ngày Quốc tế Loại trừ Hoàn toàn Vũ khí Nguyên tử
Copyright © 2019 Phái bộ Quan sát viên Thường trực của Tòa Thánh tại Liên Hợp quốc, All Rights Reserved.

Đức Hồng y Parolin đánh dấu Ngày Quốc tế Loại trừ Hoàn toàn Vũ khí Nguyên tử

Phiên họp cấp cao ngày 26 tháng Chín tại Liên Hợp quốc

27 tháng Chín, 2019 16:44

Hồng y Pietro Parolin, Quốc Vụ khanh Vatican, nhấn mạnh mong muốn của Tòa Thánh đối với việc loại bỏ vũ khí nguyên tử. Diễn văn của ngài trong Phiên họp Toàn thể Cấp cao để kỷ niệm và thúc đẩy Ngày Quốc tế Loại trừ Hoàn toàn Vũ khí Nguyên tử tại Liên Hợp quốc ở New York.


Dưới đây là toàn văn diễn văn của Đức Hồng y;

Thưa ông Chủ tịch,

Phái bộ Tòa Thánh xin chào mừng nhân dịp Phiên họp Toàn thể Cấp cao để lặp lại sự ủng hộ hoàn toàn đối với việc loại trừ tất cả các vũ khí nguyên tử. Đứng trước tình hình hiện tại thiếu vắng những đàm phán nhằm mục tiêu đạt được thậm chí chỉ những bước đi khiêm tốn nhất hướng đến mục tiêu an ninh toàn cầu vô cùng quan trọng này, sự an toàn cho mỗi người chúng ta và cho mọi người trong cộng đồng các dân tộc toàn cầu, Phiên họp Chung này là vô cùng phù hợp. Điều quan trọng chính yếu là các nhà lãnh đạo toàn cầu, ở những cấp cao nhất, phải mạnh mẽ lên tiếng nói thúc giục các Chính phủ phải thực hiện những bước đi tiếp theo hướng đến việc loại trừ vũ khí nguyên tử để bắt đầu ngay từ bây giờ, không phải là một thời điểm tương lai mơ hồ nào đó và cũng không chờ đợi một nền hòa bình quốc tế “lý tưởng” nào đó và rồi tình hình an ninh sẽ xuất hiện.

Tháng Mười Một năm 2017, trình bày tại hội nghị chuyên đề tổ chức tại Vatican, Đức Giáo hoàng Phanxico đã làm rõ vị trí của Tòa Thánh về vũ khí nguyên tử, khi ngài nói, “việc đe dọa sử dụng chúng, cũng như việc sở hữu, phải bị lên án mạnh mẽ. Vì chúng được đưa ra để phục vụ cho tâm lý sợ hãi làm ảnh hưởng không chỉ các bên liên quan trong cuộc xung đột nhưng toàn thể nhân loại. Những mối quan hệ quốc tế không thể bị giam hãm dựa trên sức mạnh quân sự, đe dọa lẫn nhau và những cuộc diễu hành phô trương các loại vũ khí dự trữ. Những loại vũ khí hủy diệt hàng loạt, đặc biệt là vũ khí nguyên tử, chẳng xây dựng nên điều gì ngoài cảm giác an toàn giả tạo. Chúng không thể góp phần xây dựng nền móng cho sự chung sống hòa bình giữa các thành viên của gia đình nhân loại, điều đáng lý phải được truyền cảm hứng bởi một nền luân lý đạo đức của tình đoàn kết.”

Tòa Thánh rất tiếc phải nói đến, cùng với nhiều vấn đề khác, sự thất bại của Hiệp ước Lực lượng Nguyên tử Tầm trung, sự thất bại không đạt được hiệu lực của Hiệp ước Cấm thử Nguyên tử Toàn diện, sự bất lực của Hội nghị Giải trừ Quân bị để bắt đầu những đàm phán về lệnh cấm sản xuất nguyên liệu phân hạch cho vũ khí nguyên tử, cái được gọi là “sự hiện đại hóa” của vũ khí nguyên tử và những hệ thống chuyển giao, và những bất ổn trong việc thực hiện Chương trình Hành động Toàn diện Chung. Tất cả những điều đó là các dấu hiệu đáng lo ngại về sự tiếp tục xói mòn của chính sách hợp tác đa phương và của trật tự đặt trên những quy ước.

Tòa Thánh vui mừng nhận thấy con số ngày càng nhiều những Chính phủ thông qua Hiệp ước Cấm Vũ khí Nguyên tử (TPNW) và khuyến khích các Chính phủ đã ký nhanh chóng thông qua nó. Chỉ bằng cách gắn kết trong sự chân thành, trung thực và đối thoại hiệu quả, thì mới có hy vọng rằng các Chính phủ khác xây dựng được niềm tin cần thiết để ký và thông qua văn kiện này. Chúng tôi tin rằng Hiệp ước là một bước đi quan trọng hướng tới một thế giới phi nguyên tử, và bổ sung cho Hiệp ước Không Phổ biến Vũ khí Nguyên tử (NPT). TPNW là một kết quả của những nỗ lực từ nhiều Chính phủ và những bên liên quan nhằm thúc đẩy ý thức mạnh hơn và hiểu biết sâu hơn về những hậu quả nghiêm trọng ảnh hưởng đến con người và những thảm họa về môi trường do việc sử dụng những loại vũ khí nguyên tử.

Thưa ông Chủ tịch,

Người ta có thể mất hy vọng trước những bước đi lùi, những bế tắc hoặc tiến trình rất chậm trong chương trình hành động giải trừ quân bị, đặc biệt trong khu vực giải trừ vũ khí nguyên tử. Tuy nhiên, sự kiên trì và lòng quyết tâm phải là đặc tính riêng biệt cho những nỗ lực chung của chúng ta để tiến đến việc loại bỏ các vũ khí nguyên tử. Chúng ta phải đưa ra mọi cố gắng để tránh việc hủy bỏ cơ cấu kiểm soát vũ khí quốc tế, đặc biệt đối với các loại vũ khí hủy diệt hàng loạt.

Tòa Thánh khuyến khích các Quốc gia liên quan có hành động kịp thời để gia hạn Tân Hiệp ước START vượt quá thời hạn kết thúc vào tháng Hai năm 2020. Vẫn tiếp tục hy vọng rằng cùng những Quốc gia có liên quan đó quay lại bàn để phục hồi các cuộc đàm phán về INF, ngay cả khi Hiệp ước đã hết hiệu lực. Hội nghị Giải trừ Quân bị, Ủy ban Giải trừ Quân bị của Liên Hợp quốc và tất cả các bên liên quan phải thực hiện các bước đi cụ thể để ngăn chặn việc trang bị vũ khí ngoài không gian với các rủi ro kèm theo đối với các hệ thống trọng yếu thuộc nhiều khía cạnh sự sống của chúng ta trên Trái đất. Không được để Trung Đông có nguy cơ mất ổn định hơn nữa trong việc đối phó với Chương trình Hành động Toàn diện Chung và những thách thức khác liên quan đến vũ khí. Phái đoàn của tôi cũng thúc giục sự kiềm chế và các bước đi cụ thể để giảm thiểu các mối đe dọa nguyên tử ở Bán đảo Triều Tiên và các vùng lãnh thổ xung quanh, với những nỗ lực hướng tới phi hạt nhân hóa hoàn toàn. Chúng ta phải làm việc miệt mài để khôi phục bất kỳ khả năng đối thoại nào và chống lại sự thiếu vắng niềm tin, đáng buồn nó lại là điểm đặc trưng cho tình hình giải trừ quân bị hiện nay, cũng như trong việc xây dựng an ninh chung và toàn diện của chúng ta.

Thưa ông Chủ tịch,

Vào tháng Mười Một, Đức Giáo hoàng sẽ đến thăm Hiroshima và Nagasaki. Ngài sẽ không bỏ lỡ cơ hội để đưa ra lời kêu gọi mạnh mẽ nhất cho các bước đi phối hợp hướng tới việc loại bỏ hoàn toàn vũ khí nguyên tử. Chúng tôi mong muốn được đưa ra đóng góp tại Hội nghị Đánh giá lần thứ mười về Hiệp ước Không phổ biến Vũ khí Nguyên tử vào năm tới, đây là cơ hội rất quan trọng để tất cả các quốc gia thành viên cùng hợp tác nhằm đạt được mục tiêu lâu dài về một thế giới phi vũ khí nguyên tử và để tái xây dựng sự đối thoại và niềm tin cho nền an ninh chung của chúng ta.

Cảm ơn ông Chủ tịch.

Copyright © 2019 Permanent Observer Mission of the Holy See to the United Nations, All rights reserved.



[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 28/9/2019]