Thứ Sáu, 28 tháng 12, 2018

Phép lành ‘Urbi et Orbi’ của Đức Thánh Cha

Phép lành ‘Urbi et Orbi’ của Đức Thánh Cha
© PHOTO.VA - Osservatore Romano

Phép lành ‘Urbi et Orbi’ của Đức Thánh Cha

‘Nguyện xin Trẻ thơ chúng ta chiêm ngắm trong máng cỏ hôm nay, trong một đêm đông giá lạnh, ghé mắt trông đến tất cả mọi người con trên thế giới, từng con người mong manh và bị loại trừ. Ước mong rằng tất cả chúng ta đón nhận được sự bình an và an ủi từ sự hạ sinh của Đấng Cứu Thế, và trong tâm tình biết rằng chúng ta được yêu thương bởi một Cha Trên Trời, một lần nữa nhận ra chúng ta là anh chị em của nhau và cùng chung sống với tinh thần đó!’

25 tháng Mười Hai, 2018 12:35

Trưa hôm nay, từ hành lang trung tâm chính diện Vương cung Thánh đường Thánh Phê-rô, Đức Thánh Cha gửi đến các tín hữu tập trung trong Quảng trường Thánh Phê-rô Sứ điệp Giáng sinh dưới đây.


Anh chị em thân mến, xin chúc anh chị em Giáng sinh Hạnh phúc!

Xin gửi đến anh chị em tín hữu Roma, xin gửi đến anh chị em những người hành hương, và xin gửi đến tất cả những anh chị em được kết nối với chúng ta từ mọi miền của thế giới, cha xin công bố lại tin vui của Bê-lem: “Vinh danh Thiên Chúa trên trời, bình an dưới thế cho loài người Chúa thương” (Lc 2:14).

Cũng như các mục đồng là những người đầu tiên vội vã đến hang chiên bò, chúng ta hãy dừng lại và sửng sốt trước dấu chỉ mà Thiên Chúa đã tặng ban cho chúng ta: “một trẻ sơ sinh bọc tã, nằm trong máng cỏ” (Lc 2:12). Chúng ta hãy quỳ gối và tôn thờ trong thinh lặng.

Trẻ thơ được sinh cho chúng ta bởi Đức Trinh nữ Maria có điều gì để nói với chúng ta? Thông điệp phổ quát của Giáng sinh là gì? Đó chính là Thiên Chúa là Cha nhân từ và tất cả chúng ta là anh chị em.

Chân lý này là nền tảng của quan điểm Ki-tô giáo về nhân loại. Nếu không có tình huynh đệ mà Đức Giê-su Ki-tô đổ xuống trên chúng ta thì mọi nỗ lực cho một thế giới công bình hơn sẽ thất bại, và thậm chí những chương trình và dự án tốt nhất của chúng ta có nguy cơ trở nên vô hồn và trống rỗng.

Vì lý do này, ước mong của cha cho một Giáng sinh hạnh phúc là ước mong về tình huynh đệ.

Tình huynh đệ giữa các cá nhân của mọi dân tộc và văn hóa.

Tình huynh đệ giữa những con người với quan niệm khác nhau, nhưng vẫn tôn trọng và lắng nghe nhau.

Tình huynh đệ giữa những người thuộc các tôn giáo khác nhau. Chúa Giê-su đến để tỏ lộ dung nhan của Thiên Chúa cho tất cả mọi người đi tìm kiếm Ngài.

Dung nhan của Thiên Chúa đã được tỏ lộ nơi khuôn mặt một con người. Dung nhan đó không xuất hiện nơi một thiên thần, nhưng nơi một con người, hạ sinh trong một thời điểm và một địa điểm rất đặc biệt. Qua sự nhập thể của Người, Con Thiên Chúa cho chúng ta biết rằng ơn cứu độ đến qua sự yêu thương, sự đón nhận, sự tôn trọng con người nghèo nàn của chúng ta, điều mà tất cả chúng ta đều có chung trong sự đa dạng rất lớn về sắc tộc, ngôn ngữ, và văn hóa. Tuy nhiên tất cả chúng ta đều là anh chị em trong gia đình nhân loại!

Vậy thì những khác biệt của chúng ta không phải là một sự phương hại hay một sự nguy hiểm; chúng là một nguồn mạch của sự phong phú. Cũng như khi một nghệ sĩ chuẩn bị tác tạo một bức tranh ghép: người đó phải có thật nhiều viên đá đủ màu sắc hơn là chỉ có một vài màu!

Kinh nghiệm của gia đình dạy cho chúng ta biết điều này: dù là anh chị em nhưng tất cả chúng ta đều khác nhau. Không phải lúc nào chúng ta cũng đồng thuận, nhưng có một mối dây không thể phá vỡ kết hiệp chúng ta, và tình yêu của cha mẹ giúp chúng ta biết yêu thương nhau. Đối với gia đình nhân loại rộng lớn cũng tương tự như vậy, nhưng ở đây Thiên Chúa là “cha mẹ” của chúng ta, là nền tảng và là sức mạnh của tình huynh đệ chúng ta.

Ước mong rằng Giáng sinh này giúp chúng ta tái khám phá được những mối dây huynh đệ liên kết chúng ta với nhau là những cá nhân và kết hiệp mọi dân tộc. Mong ước cho dân tộc Israel và Palestine tái khôi phục đối thoại và cam kết đi theo một hành trình hòa bình để có thể đặt dấu chấm hết cho cuộc xung đột trên bảy mươi năm đã xé nát mảnh đất được Chúa chọn để tỏ lộ dung nhan tình yêu của Người.

Ước mong rằng Chúa Hài đồng Giê-su cho đất nước Syria thân yêu và bị xáo trộn một lần nữa tìm lại được tình huynh đệ sau những năm dài chiến tranh. Ước mong rằng cộng đồng quốc tế làm việc một cách kiên quyết để tìm ra một giải pháp chính trị có thể gạt bỏ được những chia rẽ và lợi ích phe nhóm, để dân tộc Syria, đặc biệt là những người đã bị buộc phải rời bỏ mảnh đất quê hương và tìm chỗ tị nạn ở nơi khác, có thể hồi hương và sống trong hòa bình trên đất nước quê hương của họ.

Những suy nghĩ của cha hướng về Yemen, với hy vọng rằng cuộc ngừng bắn do cộng đồng quốc tế can thiệp cuối cùng có thể mang đến sự an lòng cho tất cả các trẻ em và những người đã kiệt sức vì chiến tranh và đói kém.

Cha cũng nghĩ đến Châu Phi, nơi hàng triệu người phải trở thành người tị nạn hoặc di tản và đang cần sự trợ giúp nhân đạo và an ninh lương thực. Nguyện xin Hài Nhi Thánh, Đức Vua Hòa Bình, dập tắt những tiếng vũ khí và cho phép ánh bình minh mới của tình huynh đệ chiếu rọi trên toàn lục địa, chúc phúc cho những nỗ lực của tất cả những người đang cố gắng thúc đẩy những con đường hòa giải trong đời sống chính trị và xã hội.

Ước mong Giáng sinh củng cố những mối dây huynh đệ hiệp nhất bán đảo Triều Tiên và giúp cho con đường nối lại mối quan hệ hữu nghị được thực hiện gần đây sẽ tiếp tục và đạt được những giải pháp chung cho phép sự phát triển và thịnh vượng cho tất cả mọi người.

Ước mong mùa hồng phúc này giúp cho Venezuela một lần nữa tìm lại được sự hòa hợp xã hội và giúp tất cả mọi thành phần trong xã hội cùng hoạt động trong tình huynh đệ vì sự phát triển của đất nước và cứu trợ cho những vùng dân cư nghèo đói nhất.

Nguyện xin Đức Chúa vừa Hạ sinh đem đến sự bình an cho đất nước Ukraine thân yêu, đang khao khát tìm lại được nền hòa bình lâu bền còn khá xa vời. Chỉ với một nền hòa bình biết tôn trọng quyền của mọi dân tộc thì đất nước mới phục hồi từ những đau khổ mà nó đã phải gánh chịu và tìm lại được những điều kiện sống đúng phẩm giá cho người dân của đất nước. Cha xin thể hiện tình hiệp thông gần gũi với những cộng đồng Ki-tô giáo trong vùng, và cha cầu xin để họ có thể phát triển những mối quan hệ huynh đệ và tình bạn.

Trước Chúa Hài đồng Giê-su, ước mong rằng người dân của đất nước Nicaragua thân yêu một lần nữa lại nhìn nhau như anh chị em, để những sự chia rẽ và bất hòa sẽ không thắng thế, nhưng tất cả mọi người có thể thăng tiến sự hòa giải và cùng nhau xây dựng tương lai của đất nước.

Cha cũng muốn nhắc đến tất cả các dân tộc đang phải trải qua những hình thức thuộc địa hóa về hệ tư tưởng, văn hóa và kinh tế, và chứng kiến sự tự do và bản sắc của họ bị đánh đổi, cũng như những dân tộc trải qua sự đói kém và thiếu những điều kiện về giáo dục và chăm sóc sức khỏe.

Một suy nghĩ rất đặc biệt xin gửi đến những anh chị em mừng Chúa ra đời trong những hoàn cảnh khó khăn, nếu không nói là thù địch, đặc biệt ở những nơi mà cộng đồng Ki-tô giáo là nhóm thiểu số, thường rất dễ bị xúc phạm và không được xét đến. Xin Chúa ban ơn để họ, và tất cả các nhóm thiểu số, có thể được sống trong hòa bình và nhìn thấy quyền của họ được công nhận, đặc biệt là quyền tự do tôn giáo.

Nguyện xin Trẻ thơ mà chúng ta chiêm ngắm trong máng cỏ hôm nay, trong một đêm đông giá lạnh, ghé mắt trông đến tất cả mọi người con trên thế giới, từng con người mong manh và bị loại trừ. Ước mong rằng tất cả chúng ta đón nhận được sự bình an và an ủi từ sự giáng trần của Đấng Cứu Thế, và trong tâm tình biết rằng chúng ta được yêu thương bởi một Cha Trên Trời, một lần nữa nhận ra chúng ta là anh chị em của nhau và cùng chung sống với tinh thần đó!

[Văn bản (tiếng Anh) của Vatican]



[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 25/12/2018]


Pakistan: ‘Người Ki-tô hữu là một cộng đồng rất nghèo, sống trong những điều kiện bán-nô-lệ’

Pakistan: ‘Người Ki-tô hữu là một cộng đồng rất nghèo, sống trong những điều kiện bán-nô-lệ’

Pakistan: ‘Người Ki-tô hữu là một cộng đồng rất nghèo, sống trong những điều kiện bán-nô-lệ’

Chủ tịch Hội đồng Giám mục Pakistan nhấn mạnh rằng việc đối thoại liên tôn là vô cùng quan trọng cho nền hòa bình

20 tháng Mười Hai, 2018 09:23

Đức Tổng Giám mục Giu-se Arshad thuộc giáo phận Islamabad-Rawalpindi và cũng là chủ tịch Hội đồng Giám mục Pakistan. Nhưng các trách vụ quan trọng không ngăn cản ngài đến với những người nghèo nhất và thiếu thốn nhất. Ngài được hội bác ái Công giáo quốc tế và Quỹ Giáo hoàng Cứu trợ Giáo hội Thiếu thốn (ACN International) phỏng vấn trong một chuyến thăm gần đây đến nhà thờ chính tòa Thánh Phaolô ở Faisalabad. Trường hợp đáng lưu tâm nhất là Asia Bibi, một phụ nữ Ki-tô hữu bị kết án tội báng bổ và bị cầm tù gần 8 năm trong phòng tử tội cho đến khi được tha bổng cách đây vài tuần, ngài nhấn mạnh đến lý do tại sao Giáo hội Công giáo luôn chú ý rất nhiều đến sự cần thiết của đối thoại liên tôn và những hoạt động vì hòa bình trong một đất nước đã bị xé nát vì những tai họa của chủ nghĩa cực đoan, tham nhũng và bạo lực khủng bố.

Tân Thủ tướng Imran Khan đang cố gắng giải quyết một số vấn đề rất hệ trọng trong quốc gia, trong đó có nạn thất nghiệp, đặc biệt đối với giới trẻ, nạn tham nhũng và sự gia tăng dân số nhanh chóng. Pakistan hiện dân số đã lên hơn 200 triệu người. Khẩu hiệu bầu cử của ông KHan là “Chúng ta cùng nhau loại trừ nạn tham nhũng.” Nó là một thông điệp có âm hưởng tốt đối với dân chúng, vì họ đã nhìn thấy những tài nguyên kinh tế của đất nước và nguồn tiền dành cho giáo dục và chăm sóc sức khỏe đã bị rút ruột. Chúng tôi tin rằng đây có thể là một cơ hội tốt để phát triển và cải thiện đời sống của người dân.


Thưa Đức cha, tình hình hiện tại của Giáo hội ở Pakistan như thế nào?

Chín mươi lăm phần trăm dân số là người Hồi giáo, và số còn lại thuộc nhiều nhóm thiểu số khác nhau, trong đó có Ki-tô giáo, Ấn giáo, Sikhs và Parsees. Người Công giáo có khoảng 1,5 triệu, và tổng số người Ki-tô hữu trong đó có nhiều thệ phái Tin lành là khoảng 6 triệu người, hoặc chiếm khoảng 2% trong tổng số. Người Ki-tô hữu đại diện cho một khu vực những người bần cùng của cộng đồng, rất nhiều người chỉ có những việc làm rất bấp bênh, thường trong các điều kiện bán-nô-lệ. Mục tiêu chung cho chúng tôi là giáo dục để chúng tôi có thể cải thiện đời sống của người dân và cho thấy rằng người Ki-tô hữu cũng là một phần của xã hội, được bình đẳng về phẩm giá và có thể góp phần trong những công việc đòi hỏi kỹ năng. Về lý thuyết, theo luật, cộng đồng chúng tôi được cho chỉ tiêu đại diện 5 phần trăm vị trí trong các trường công, nhưng nhiều khi chúng tôi không thể giữ đủ các vị trí này, vì thiếu người có bằng cấp cần thiết.


Xin Đức cha cho biết về đời sống đức tin của người Ki-tô hữu ở Pakistan?

Người tín hữu có đức tin rất đơn sơ nhưng vô cùng mạnh mẽ. Bất chấp những vấn đề về sự tiếp cận với giáo dục và thiếu những cơ hội, người giáo hữu rất trung thành với Tin mừng, và các nhà thờ luôn đầy người. 90 phần trăm người Công giáo đều tham dự Thánh Lễ mỗi Chúa nhật, và nhiều người đi lễ trong suốt tuần. Tôi cũng phải nói thêm rằng nhiều người không thể tham dự Thánh Lễ các Chúa nhật do thiếu nhà thờ và linh mục làm mục vụ cho họ.


Xin Đức cha cho chúng tôi biết ý kiến của người về trường hợp Asia Bibi?

Giáo hội Công giáo chúng tôi tôn trọng luật pháp của đất nước và tôn trọng hệ thống pháp lý. Tòa án tối cao ở Islamabad đã đưa ra phán quyết. Họ có quyền pháp lý cao nhất trong nước và chúng ta phải tôn trọng quyết định của Tòa án Tối cao.


Có phải người Ki-tô hữu đang chịu đau khổ do hậu quả của chủ nghĩa cực đoan do một số nhóm Hồi giáo?

Vâng, gần như chắc chắn. Chúng tôi đã bị những vụ tấn công vào các nhà thờ, và người Ki-tô hữu cảm thấy bị đe dọa bởi luật báng bổ. Những luật này thường được sử dụng để trả thù cá nhân, tố cáo gian người khác. Nhưng trong thực tế, sẽ chẳng có vấn đề gì nếu các giới chức địa phương xử lý nhanh các trường hợp như vậy. Đây là lý do tại sao đối thoại liên tôn là chìa khóa để làm việc chung với các giáo sĩ Hồi giáo, các nhà lãnh đạo Hồi giáo, để kiểm tra những chiến dịch tố cáo gian và giúp làm lắng dịu những yếu tố mang tính cực đoan. Nếu chúng tôi không thành công trong việc trả lời kịp thời cho những vụ cáo gian như vậy thì người ta đôi khi sẽ nắm lấy luật và dẫn đến kết cục là giết hại người bị tố cáo. Tôi có biết một số trường hợp như vậy vì tôi cũng là người đứng đầu của Ủy ban Công lý và Hòa bình của Hội đồng Giám mục.

Trong bối cảnh của Pakistan, đối thoại liên tôn là vô cùng quan trọng. Giáo hội Công giáo đang đi đầu trong vấn đề này. Chúng tôi đang cố gắng tìm ra những lĩnh vực mà chúng tôi có thể cùng hoạt động chung – Hồi giáo, Ki-tô giáo, Ấn giáo, Sikhs, Parsees và các tôn giáo thiểu số khác. Kinh nghiệm của chúng tôi cho thấy rằng khi chúng tôi cùng chia sẻ cuộc sống thì chúng tôi sẽ hiểu nhau nhiều hơn. Nó là một tiến trình chậm, và tôi tin rằng cần phải có thêm nhiều hoạt động nữa giữa các cá nhân. Mục tiêu của chúng tôi là mang lại hòa bình và chống lại chủ nghĩa cực đoan.


Đức cha có lời nhắn gửi gì đến những mạnh thường quân của ACN?

Tôi xin bày tỏ lòng tri ân của tôi đến tất cả những nhà hảo tâm đang giúp đỡ cho cộng đồng chúng tôi. Các giáo phận Công giáo ở Pakistan phải lao động rất vất vả để gây quỹ duy trì hoạt động. Chúng tôi sở hữu ít nguồn tài nguyên nên với sự giúp đỡ và tình đoàn kết của quý vị, chúng tôi có thể hỗ trợ một số người nghèo nhất trong xã hội. Chúng tôi không nhận cứu trợ từ bất kỳ các cá nhân hoặc những tổ chức nào khác ở Pakistan.


[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 23/12/2018]