Thứ Hai, 24 tháng 10, 2022

Kinh Truyền tin của Đức Thánh Cha Phanxicô ngày 23 tháng 10, 2022

Kinh Truyền tin của Đức Thánh Cha Phanxicô ngày 23 tháng 10, 2022

Kinh Truyền tin của Đức Thánh Cha Phanxicô

Quảng trường Thánh Phêrô

Chúa nhật, 23 tháng Mười, 2022

*******

Huấn từ của Đức Thánh Cha trong giờ đọc Kinh Truyền tin. Lúc 12 giờ trưa nay, Đức thánh Cha Phanxicô xuất hiện tại cửa sổ phòng làm việc của ngài trong Điện Tông tòa Vatican để đọc Kinh Truyền tin với các tín hữu và khách hành hương tập trung trong Quảng trường Thánh Phêrô.

____________________________

Anh chị em thân mến, buongiorno!

Tin Mừng của Phụng vụ hôm nay trình bày cho chúng ta một dụ ngôn trong đó có hai nhân vật chính, một người Pharisêu và một người thu thuế (Lc 18:9-14), nghĩa là một người sùng đạo và một kẻ mắc tội công khai. Cả hai người đều lên Đền thờ để cầu nguyện, nhưng chỉ có người thu thuế mới thực sự dâng mình lên Thiên Chúa, vì anh ta hạ mình trong sự khiêm nhường và anh ta thể hiện con người của chính anh ta, không che đậy giả tạo, với sự nghèo nàn của mình. Do đó, chúng ta có thể nói rằng dụ ngôn nằm giữa hai hành động, được diễn tả bằng hai động từ: nâng lên và hạ xuống.

Hành động thứ nhất là nâng lên. Thật vậy, bản văn bắt đầu kể rằng: “Có hai người lên đền thờ cầu nguyện” (câu 10). Khía cạnh này gợi lại nhiều chi tiết trong Kinh Thánh, trong đó để gặp gỡ Thiên Chúa, con người phải đi lên núi nơi có sự hiện hữu của Người: ông Abraham lên núi để dâng của lễ; ông Môsê lên Núi Sinai để nhận các Điều Răn; Chúa Giêsu lên núi nơi Ngài biến hình. Do đó, nâng lên thể hiện sự cần thiết của tâm hồn phải tách ra khỏi đời sống phẳng lặng để hướng về Chúa; vượt lên khỏi cao nguyên bản ngã của chúng ta để tiến về Thiên Chúa, giải thoát bản thân khỏi cái “tôi” của mình; gặt hái những gì chúng ta sống trong thung lũng để mang nó đến trước mặt Chúa. Đây là “sự nâng lên”, và khi chúng ta cầu nguyện, chúng ta sẽ nâng lên.

Nhưng để sống sự gặp gỡ với Chúa và được biến đổi bằng lời cầu nguyện, để hướng lên Thiên Chúa, cần phải có một hành động thứ hai: hạ xuống. Làm thế nào được? Điều đó có nghĩa là gì? Để nâng mình lên hướng về Chúa, chúng ta phải hạ mình trong lòng: tu dưỡng sự chân thành và khiêm nhường của tâm hồn để cho chúng ta một cái nhìn trung thực về những mỏng giòn và nghèo nàn trong lòng của chúng ta. Thật vậy, bằng sự khiêm nhường chúng ta mới có khả năng đem con người thật của chúng ta đến với Thiên Chúa, mà không cần ra vẻ: những vết thương, những tội lỗi và đau khổ đang đè nặng lên tâm hồn chúng ta, và nài xin lòng thương xót của Chúa để Ngài chữa lành chúng ta, phục hồi chúng ta và nâng chúng ta lên lên. Chính Chúa sẽ nâng chúng ta lên, không phải chúng ta. Chúng ta càng hạ mình trong sự khiêm nhường, thì Thiên Chúa càng nâng chúng ta lên.

Thật vậy, người thu thuế trong dụ ngôn khiêm nhường dừng lại ở đàng xa (xem câu 13) – anh ta không đến gần, anh ta xấu hổ – anh ta cầu xin sự tha thứ, và Chúa nâng anh ta lên. Ngược lại, người Pharisêu tự đề cao bản thân, tự tin, tin chắc rằng anh ta tốt lành: đứng thẳng, anh ta bắt đầu nói với Chúa về bản thân, tự ca ngợi mình, liệt kê tất cả những việc tốt lành mà anh ta làm, và khinh thường người khác: “Tôi không giống người kia…”. Đây là việc làm của lòng kiêu căng tinh thần. “Nhưng thưa cha, sao cha lại nói với chúng con về lòng kiêu căng tinh thần?” Bởi vì tất cả chúng ta đều có nguy cơ rơi vào cái bẫy này. Nó khiến bạn tin rằng mình là người công chính và phán xét người khác. Đây là sự kiêu ngạo tinh thần: “Tôi là người tốt, tôi tốt lành hơn những người khác: người này làm điều này, người kia làm điều kia…”. Và theo cách này bạn tôn thờ cái tôi của chính mình mà không nhận ra, và phủ nhận Thiên Chúa. Nó xoay quanh bản thân một người. Đây là lời cầu nguyện không có sự khiêm nhường.

Thưa anh chị em, người Pharisêu và người thu thuế liên quan gần gũi đến chúng ta. Nghĩ đến họ, chúng ta hãy nhìn lại chính bản thân: chúng ta phải xét xem liệu trong chúng ta có quả quyết về sự công chính của bản thân như người Pharisêu (xem câu 9) khiến chúng ta khinh thường người khác hay không. Chẳng hạn, việc đó xảy ra khi chúng ta tìm kiếm những lời tán thưởng và luôn lập danh sách những công trạng và việc làm tốt lành của mình, khi chúng ta quan tâm đến việc chúng ta xuất hiện với hình thức như thế nào hơn là xuất hiện với chính con người chúng ta, khi chúng ta để mình bị cầm giữ trong tính tự kỷ ái mộ và tính phô trương. Chúng ta hãy thận trọng với tính tự kỷ ái mộ và tính phô trương, dựa trên lòng kiêu ngạo, khiến ngay cả người Kitô hữu chúng ta, cả các linh mục và giám mục, luôn có một từ ngữ trên môi. Đó là từ nào? “Tôi”: “Tôi đã làm điều này, tôi viết điều đó, tôi nói điều đó, tôi hiểu điều đó trước bạn”, v.v.. Ở đâu có quá nhiều chữ “tôi”, ở đó có rất ít Thiên Chúa. Ở đất nước tôi, những người này được gọi là “Tôi, với tôi, cho tôi, chỉ có tôi”, đây là tên của những người đó. Và ngày xưa họ thường kể về một linh mục như thế, tự cho mình là trung tâm, và người ta nói đùa rằng, “Khi linh mục xông hương, ông ấy làm ngược lại, ông ấy tự xông hương chính mình”. Nó giống như vậy đó; thậm chí nó làm cho bạn có vẻ lố bịch.

Chúng ta hãy xin sự chuyển cầu của Mẹ Maria rất Thánh, người tôi tớ khiêm nhường của Chúa, là hình ảnh sống động của điều Thiên Chúa mong muốn hoàn tất, hạ bệ những kẻ quyền thế và nâng cao mọi kẻ khiêm nhường (x. Lc 1:52).

____________________________________

Sau Kinh truyền tin, Đức Thánh Cha tiếp tục:

Anh chị em thân mến,

Hôm nay là Ngày Thế giới Truyền giáo, với chủ đề: “Anh em sẽ là chứng nhân của Thầy”. Đây là một cơ hội quan trọng để khơi dậy trong tất cả những người đã được rửa tội khao khát tham gia vào sứ mạng phổ quát của Giáo hội, qua việc làm chứng và loan báo Tin Mừng. Tôi động viên tất cả mọi người hỗ trợ các nhà truyền giáo bằng lời cầu nguyện và tình liên đới cụ thể, để họ có thể tiếp tục công việc rao giảng Phúc âm và thăng tiến con người trên khắp thế giới.

Hôm nay bắt đầu mở đăng ký cho Ngày Giới trẻ Thế giới, sẽ diễn ra tại Lisbon vào tháng Tám năm 2023. Cha đã mời hai bạn trẻ Bồ Đào Nha đến đây với cha để cha cũng đăng ký, với tư cách là một người hành hương. Cha đăng ký ngay bây giờ [click trên máy tính bảng]. Xong, cha đã đăng ký. Các con, các con đã đăng ký chưa? Hãy đăng ký… Còn con, con đã đăng ký chưa? Đăng ký đi… Rồi đó, ở lại đây. Các con giới trẻ thân yêu, cha mời gọi các con hãy đăng ký tham gia buổi họp mặt này, để sau một thời gian dài xa cách, chúng ta sẽ tái khám phá niềm vui của tình huynh đệ giữa các dân tộc và giữa các thế hệ, điều mà chúng ta rất cần!

Hôm qua, Cha Vicente Nicasio Renuncio Toribio và 11 bạn đồng hành của Dòng Chúa Cứu Thế, bị giết vì sự thù ghét đức tin ở Tây Ban Nha năm 1936, đã được tuyên phong chân phước tại Madrid. Tấm gương của những chứng nhân cho Đức Kitô, những người đã đổ máu mình, thúc đẩy chúng ta kiên vững và can đảm; Xin cho lời cầu bầu của các ngài nâng đỡ những ai đang nỗ lực gieo rắc Tin Mừng trên thế giới. Chúng ta cùng vỗ tay hoan hô các vị tân Chân Phước!

Tôi lo lắng theo dõi tình hình xung đột dai dẳng ở Ethiopia. Một lần nữa, tôi xin nhắc lại với lòng chân thành tha thiết rằng bạo lực không giải quyết được mối bất hòa mà chỉ làm tăng thêm những hậu quả bi thảm. Tôi kêu gọi những người có trách nhiệm chính trị hãy chấm dứt sự đau khổ của người dân không có khả năng tự vệ và tìm ra các giải pháp công bằng cho nền hòa bình lâu dài trên khắp đất nước. Ước mong những nỗ lực của các bên trong việc đối thoại và tìm kiếm lợi ích chung sẽ dẫn đến một con đường hòa giải thực sự. Ước mong lời cầu nguyện của chúng ta, tình liên đới và những viện trợ nhân đạo cần thiết của chúng ta sẽ đến được với các anh chị em Ethiopia của chúng ta, những người đang chịu thử thách nặng nề.

Tôi thật đau buồn trước những trận lũ lụt đang ảnh hưởng đến các quốc gia ở Châu Phi và gây ra những chết chóc và tàn phá. Tôi cầu nguyện cho các nạn nhân và tỏ lòng gần gũi với hàng triệu người phải di tản, và tôi hy vọng sẽ có một nỗ lực phối hợp lớn hơn nữa để ngăn chặn những thảm họa này.

Cha gửi lời chào tất cả anh chị em người Roma và anh chị em hành hương đến từ các quốc gia khác. Đặc biệt, cha chào các giáo sĩ đến từ Indonesia và các tu sĩ cư ngụ tại Roma; cộng đồng Peru đang mừng lễ kỷ niệm Señor de los Milagros, Trung tâm Học thuật Roma Fundación và nhóm anh chị em đến từ giáo phận Tarnow của Ba Lan. Cha chào các tín hữu từ đến từ San Donà di Piave, Padua, Pontedera và Molfetta, các ứng sinh Thêm sức đến từ Piacenza, nhóm “TIberiade” đến từ Carrobbio degli Angeli và Phong trào Bất bạo động đến từ Verona. Và hôm nay, khi bắt đầu nội các mới, chúng ta hãy cầu nguyện cho sự thống nhất và hòa bình ở Ý.

Hai ngày tới, Thứ Ba, 25 tháng Mười, tôi sẽ đến hý viện Colosseum để cầu nguyện cho hòa bình ở Ukraine và trên thế giới, cùng với đại diện của các Giáo hội và Cộng đồng Kitô giáo và các tôn giáo trên thế giới, tập trung tại Roma để tham dự cuộc họp “Cry of Peace”. Tôi mời gọi anh chị em cùng hiệp thông tinh thần trong lời khẩn cầu mạnh mẽ này dâng lên Thiên Chúa: cầu nguyện là sức mạnh của hòa bình. Chúng ta hãy cầu nguyện, chúng ta hãy tiếp tục cầu nguyện cho Ukraine đang tử đạo.

Cha chúc tất cả anh chị em Chúa nhật hạnh phúc. Xin đừng quên cầu nguyện cho cha. Chúc anh chị em bữa trưa ngon miệng và arrivederci!



[Nguồn: vatican]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 24/10/2022]


Các thống kê cho thấy bức tranh toàn cảnh về Giáo hội Truyền giáo trên toàn thế giới

Các thống kê cho thấy bức tranh toàn cảnh về Giáo hội Truyền giáo trên toàn thế giới

Chúa nhật Khánh nhật Truyền giáo lần thứ 96 – 23 tháng Mười, 2022

Các thống kê cho thấy bức tranh toàn cảnh về Giáo hội Truyền giáo trên toàn thế giới


THỐNG KÊ GIÁO HỘI CÔNG GIÁO 2022

Special feature prepared by Stefano Lodigiani

Vatican City (Agenzia Fides) – Như mọi năm, trước Chúa nhật Khánh nhật Truyền giáo, năm nay kỷ niệm 96 năm vào ngày Chúa nhật, 23 tháng Mười năm 2022, hãng thông tấn Fides New Service chọn đưa ra một số thống kê để cho thấy bức tranh toàn cảnh về Giáo hội truyền giáo trên toàn thế giới. Các bảng dưới đây được lấy từ ấn bản mới nhất của “Sách Thống kê của Giáo hội” được xuất bản (cập nhật đến ngày 31 tháng 12 năm 2020) liên quan đến các thành viên của Giáo hội, các tổ chức hội thánh, chăm sóc sức khỏe, phúc lợi và giáo dục. Xin lưu ý rằng các mức độ thay đổi được biểu thị trong ngoặc, tăng (+) hoặc giảm (-) so với năm trước (2019), theo so sánh được thực hiện bởi Fides News Service. Cuối cùng là báo cáo bức tranh về các giáo khu thuộc Bộ Truyền giảng Phúc âm.

Dân số thế giới

Tính đến ngày 31 tháng Mười Hai năm 2020, dân số thế giới là 7.667.136.000 người, tăng 89.359.000 người so với năm trước. Mức tăng dân số được ghi nhận, trong năm nay ở mọi châu lục. Mức tăng được ghi nhận nhiều nhất là ở Châu Á (+39.670.000) và Châu Phi (+37.844.000), tiếp theo là Châu Mỹ (+8.560.000), Châu Âu (+2.657.000) và Châu Đại Dương (+628.000).

Người Công giáo

Vào cùng ngày 31 tháng Mười Hai năm 2020, số người Công giáo trên thế giới là 1.359.612.000 người với số tăng chung là 15.209.000 so với năm trước. Số tăng diễn ra ở tất cả các châu lục, ngoại trừ châu Đại Dương (-9.000). Như trước đây, mức tăng được ghi nhận cao nhất ở Châu Phi (+5.290.000) và Châu Mỹ (+6.463.000), tiếp theo là Châu Á (+2.731.000) và Châu Âu (+734.000). Tỷ lệ phần trăm người Công giáo trên thế giới giảm nhẹ (-0,01) so với năm trước, đạt 17,73%. Các châu lục ghi nhận những thay đổi nhỏ, ngoại trừ Châu Đại Dương vẫn không thay đổi.

Số người và người Công giáo trên mỗi linh mục

Năm nay, số người tính trên mỗi linh mục trên thế giới tăng 95, bình quân là 14.948. Mức gia tăng ở Châu Đại Dương (+349), Châu Mỹ (+177) và Châu Âu (+130). Giảm ở Châu Phi (- 1.784) và Châu Á (-78). Số người Công giáo trên mỗi linh mục trên thế giới tăng 69, trung bình là 3.314. Sự gia tăng diễn ra ở tất cả các châu lục: Châu Mỹ (+117), Châu Đại Dương (+53), Châu Âu (+49), Châu Á (+15) và Châu Phi (+3).

Các giáo khu và giáo điểm

Số giáo khu chỉ tăng 1 so với năm trước, đạt số 3.027. Các giáo khu mới được xây dựng duy nhất ở Châu Mỹ (+2), trong khi số giáo khu ở tất cả các châu lục khác vẫn không thay đổi, ngoại trừ Châu Á, nơi ghi nhận giảm 1.

Số các giáo điểm có linh mục thường trú là 3.284 (+67). Mức tăng được ghi nhận ở Châu Mỹ (+149) và Châu Đại Dương (+6), giảm ở Châu Á (-66), ở Châu Phi (-19) và ở Châu Âu (-3).

Các giáo điểm không có linh mục thường trú giảm 253 đơn vị, tổng số là 131.154 với con số thay đổi ở tất cả các châu lục: giảm ở Châu Mỹ (-122), Châu Á (-383), Châu Âu (-1), tăng ở Châu Phi (+249) và ở Châu Đại Dương (+4).

Giám mục

Tổng số giám mục trên thế giới giảm 1, còn 5.363. Số Giám mục Giáo phận tăng (+22) và Giám mục Dòng giảm (-23). Số Giám mục Giáo phận là 4.156, trong khi Giám mục Dòng là 1.207. Số Giám mục Giáo phận tăng ở Châu Mỹ (+25) và Châu Á (+2), trong khi số giảm được ghi nhận ở Châu Âu (-4) và Châu Đại Dương (-1), không thay đổi ở Châu Phi. Các Giám mục Dòng giảm ở tất cả các lục địa:

Châu Mỹ (-9), Châu Á (-7), Châu Âu (-5), Châu Phi (-2). Không thay đổi ở Châu Đại Dương.

Linh mục

Tổng số linh mục trên thế giới giảm còn 410.219 (-4.117). Một lần nữa châu lục ghi nhận mức giảm lớn là Châu Âu (-4.374), Châu Mỹ (-1.421) và Châu Đại Dương (-104). Mức tăng được ghi nhận ở Châu Phi (+1.004) và Châu Á (+778).

Linh mục giáo phận trên thế giới giảm 1.615, còn tổng số 280.521, trong đó mức giảm ở Châu Âu (-2.880), Châu Mỹ (-364) và Châu Đại Dương (-40). Mức tăng đã được ghi nhận ở Châu Phi (+1.116) và Châu Á (+553).

Số linh mục dòng giảm 2.502, còn tổng số 129.698. Mức tăng chỉ được ghi nhận ở Châu Á (+225), giảm ở Châu Âu (-1.494), Châu Mỹ (-1.057) Châu Phi (-112) và Châu Đại Dương (-64).

Phó tế vĩnh viễn

Số phó tế vĩnh viễn trên thế giới tiếp tục tăng, năm nay tăng 397, đạt số 48.635. Mức tăng cao nhất được ghi nhận ở Châu Mỹ (+558) và Châu Đại Dương (+38), giảm ở Châu Âu (-97), Châu Á (-62) và Châu Phi (-40).

Phó tế vĩnh viễn thuộc giáo phận trên thế giới là 48.259, với số tăng thêm là 656. Tăng ở Châu Mỹ (+604), Châu Đại Dương (+36), Châu Á (+17), Châu Âu (+10), giảm ở Châu Phi (-11).

Phó tế vĩnh viễn thuộc dòng là 376, giảm 259 so với năm trước. Mức giảm ở Châu Âu (-107), Châu Á (-79), Châu Mỹ (-46), Châu Phi (-29), mức tăng duy nhất ở Châu Đại Dương (+2).

Tu sĩ nam nữ

Số linh mục không thuộc dòng tăng 274, lên 50.569. Mức giảm được ghi nhận ở Châu Mỹ (-537) và ở Châu Đại Dương (-67). Tăng ở Châu Âu (+428), Châu Á (+347) và Châu Phi (+103).

Ngay cả trong năm nay, có sự giảm sút chung về số lượng nữ tu là 10.553, còn tổng số là 619.546. Một lần nữa, mức tăng được ghi nhận ở Châu Phi (+2.503) và Châu Á (+364), mức giảm ở Châu Âu (-8.852), Châu Mỹ (-4.326) và Châu Đại Dương (–242).

Thành viên nam nữ tu hội đời

Tổng số thành viên các tu hội nam là 583 (+1). Giảm ở Châu Phi (-14), tăng ở Châu Mỹ (+11) và Châu Á (+4), không thay đổi ở Châu Âu và Châu Đại Dương.

Tổng số thành viên tu hội nữ cũng giảm 947 trong năm nay, với tổng số 19.966 thành viên. Mức tăng ở Châu Phi (+60), trong khi mức giảm được ghi nhận ở Châu Âu (-924), châu Mỹ (-81) và châu Á (-2), không thay đổi ở châu Đại Dương.

Thừa sai giáo dân và giáo lý viên

Tổng số thừa sai giáo dân trên thế giới là 413.561 người, với tổng số tăng thêm là 3.121. Những con số được ghi nhận là: Châu Phi (+559), Châu Mỹ (+3.535), Châu Á (+4.114), Châu Âu (-5.064), Châu Đại Dương (-23).

Giáo lý viên trên thế giới giảm 190.985, còn tổng số 2.883.049. Mức giảm được ghi nhận ở Châu Mỹ (-162.010), Châu Âu (-24.954), Châu Á (-18.282) và Châu Đại Dương (-505). Mức tăng duy nhất được ghi nhận ở Châu Phi (+14.766).

Đại chủng sinh

Số đại chủng sinh, giáo phận và dòng giảm 2.203 trên toàn cầu trong năm nay, với tổng số 111.855. Mức tăng chỉ được ghi nhận ở Châu Phi (+907), giảm ở Châu Mỹ (-1.261), Châu Á (-1.168), Châu Âu (-680) và Châu Đại Dương (-1).

Tổng số đại chủng sinh giáo phận là 67.987 (-622), và số đại chủng sinh dòng là 43.868 (-1.581). Số đại chủng sinh giáo phận tăng ở Châu Phi (+505) và Châu Đại Dương (+9), giảm ở Châu Mỹ (-524), Châu Âu (-497) và Châu Á (-115).

Số đại chủng sinh dòng chỉ tăng ở Châu Phi (+402), giảm ở Châu Á (-1.053), Châu Mỹ (-737), Châu Âu (-183) và Châu Đại Dương (-10).

Tiểu chủng sinh

Tổng số tiểu chủng sinh giáo phận và dòng tu năm nay giảm năm thứ năm liên tiếp, với số giảm là 1.592, tổng số còn 95.398. Sự giảm sút được ghi nhận ở Châu Mỹ (-1.049), Châu Á (-644), Châu Âu (-275), mức tăng được ghi nhận ở Châu Phi (+375) và Châu Đại Dương (+1).

Tổng số tiểu chủng sinh giáo phận là 73.243 (-1.733) và tiểu chủng sinh dòng là 22.155 (+141). Số tiểu chủng sinh giáo phận giảm như sau: Châu Phi (-353), Châu Mỹ (-803), Châu Á (-448), Châu Âu (-122) và Châu Đại Dương (-7).

Số tiểu chủng sinh dòng giảm ở Châu Mỹ (-246), Châu Á (-196) và Châu Âu (-153), trong khi số lượng tăng được ghi nhận ở Châu Phi (+728) và ở Châu Đại Dương (+8).

Trường học và giáo dục Công giáo

Trong lĩnh vực giáo dục, Giáo hội Công giáo có 72.785 trường mẫu giáo với 7.510.632 học sinh; 99.668 trường tiểu học với 34.614.488 học sinh; 49.437 trường THCS với 19.252.704 học sinh. Giáo hội cũng chăm sóc 2.403.787 học sinh trung học và 3.771.946 sinh viên đại học.

Trung tâm bác ái và chăm sóc sức khỏe Công giáo

Các trung tâm bác ái và chăm sóc sức khỏe do Giáo hội điều hành trên thế giới gồm: 5.322 bệnh viện, 14.415 trạm xá, chủ yếu ở Châu Phi (4.956) và Châu Mỹ (3.785); 534 Nhà chăm sóc người bệnh phong, chủ yếu ở Châu Á (265) và Châu Phi (210); 15.204 Nhà cho người già hoặc người bệnh mãn tính hoặc người khuyết tật, chủ yếu ở Châu Âu (7.953); 9.230 trại trẻ mồ côi, chủ yếu ở Châu Á (3.201); 10.441 nhà trẻ, chủ yếu ở Châu Á (2.801) và Châu Mỹ (2.816); 10.362 trung tâm tư vấn hôn nhân, chủ yếu ở Châu Âu (5.279) và Châu Mỹ (2.604); 3.137 trung tâm phục hồi chức năng xã hội và 34.291 viện các loại.

Các giáo khu trực thuộc Bộ Truyền giảng Phúc âm

Các giáo khu trực thuộc Bộ Truyền giảng Phúc âm là 1.118. Hầu hết các giáo khu được ủy thác cho Bộ đều ở Châu Phi (518) và Châu Á (483), tiếp theo là Châu Mỹ (71) và Châu Đại Dương (46).


[Nguồn: exaudi]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 23/10/2022]