Thứ Hai, 17 tháng 7, 2017

Phỏng vấn với linh mục cho thấy những góc thật của người Công giáo ở Nga

Phỏng vấn với linh mục cho thấy những góc thật của người Công giáo ở Nga

14 tháng Bảy, 2017

Phỏng vấn với linh mục cho thấy những góc thật của người Công giáo ở Nga
Evgenya Novozhenina | Sputnik

"Sự hiện diện của người Công giáo không phải là một thực tại vừa được tạo nên gần đây do sự sụp đổ của chủ nghĩa Cộng sản,” cha José Mariá Vegas nói, cha thuộc dòng Truyền giáo Trái tim Vô nhiễm Mẹ Maria.

Nước Nga thuộc Chính thống giáo, nhưng có hơn 250 giáo xứ Công giáo trên khắp lãnh thổ mênh mông của quốc gia. Cho dù có sự ghen tị và những cáo buộc về sự cải đạo, những mối quan hệ giữa Chính thống giáo và Công giáo đang cải thiện. Chúng tôi phỏng vấn Cha José María Vegas, CMF, ngài đã ở đất nước này trên 20 năm. Cha giải thích cho chúng tôi lý do tại sao một số người Chính thống Nga bị cuốn hút đến với phụng vụ và những truyền thống của Công giáo, theo họ là những nghi thức khô khan và cứng nhắc bằng tiếng La-tinh, ngược lại với tinh thần Chính thống phong phú.
Tình hình của người Công giáo ở Nga như thế nào?
Giáo hội Công giáo luôn hiện diện như một nhóm tôn giáo thiểu số. Nhưng điều phải nhấn mạnh sau đây là rất quan trọng: sự hiện diện của người Công giáo không phải là một thực tại vừa được tạo nên gần đây do sự sụp đổ của chủ nghĩa Cộng sản. Giáo hội Công giáo đã luôn luôn hiện diện ở Nga, bởi những nhóm thiểu số các dân tộc theo truyền thống Công giáo: Ba lan, Lithuania, Belarusia, Ukraina, Đức ...
Từ khi chủ nghĩa cộng sản sụp đổ, Giáo hội đã và đang phát triển đều đặn.
Sau sự sụp đổ của chủ nghĩa cộng sản, nhiệm vụ đầu tiên của chúng tôi là tìm cách tái kiến thiết những cấu trúc Công giáo (các giáo xứ, các giáo phận, chủng viện) đã có từ trước cuộc cách mạng, và sau cách mạng đã bị phá hủy (chỉ có vài trường hợp ngoại lệ); và các nhóm tín hữu tản mác khắp nơi trong vùng lãnh thổ mênh mông này để giữ đức tin, cho dù có khó khăn tới đâu.
Ngày nay, sự hiện diện của người Công giáo tiếp tục phần lớn gồm những nhóm thiểu số các dân tộc Công giáo, mặc dù thực tế có một tỷ lệ phần trăm khá lớn người Công giáo ngày nay là người Nga không thuộc các nhóm thiểu số đó, và là những người chọn đức tin Công giáo một cách tự do.
Vì vậy chúng tôi vẫn còn là nhóm thiểu số, tức là về con số thì chẳng đáng kể lắm, cho dù có sự hiện diện đáng chú ý của hơn 250 giáo xứ và 4 giáo phận (hai giáo phận thuộc khu vực Châu Âu: Moscow và Saratov; và hai trong vùng Siberia: Novosibirsk và Irkutsk). Có một chủng viện liên giáo phận ở Saint Petersburg, đã đào tạo được mấy chục linh mục trong suốt 25 năm qua. Một cách thể hiện quan trọng cho sự hiện diện của Công giáo được gắn liền với công tác xã hội của Caritas và những tổ chức Công giáo khác, và một số nhà xuất bản dịch văn chương Công giáo sang tiếng Nga — họ cũng đã bắt đầu đưa ra một lượng nhỏ sách Công giáo của riêng họ.
Trạng thái tâm lý của người Nga đón nhận tinh thần Công giáo như thế nào, với những nghi lễ và truyền thống riêng?
Người Nga, đa phần là người Chính thống giáo, xem phụng vụ La-tinh và Roma (với họ là cứng nhắc và khô khan) như là những đặc điểm riêng biệt của Công giáo. Vì thế, sự thật là ngày nay đối với nhiều người họ,  phụng vụ được cử hành bằng tiếng Nga gây ra sự lo lắng và là một dấu hiệu của việc cải đạo về phía người Công giáo (thực ra nó cũng không phải là vấn đề).
Nhưng thật sự cũng có một số người Nga cảm thấy bị cuốn hút bởi tinh thần Công giáo, cũng như bởi phụng vụ và các truyền thống, vì nhiều lý do khác nhau. Ví dụ, việc cử hành phụng vụ bằng tiếng Nga — và vì thế, họ có thể hiểu những gì đang được nói và thực hiện, Lời Chúa — là cuốn hút đối với nhiều người họ. Cũng vậy, có nhiều con đường thực hành thiêng liêng khác nhau, một số đặc biệt dành cho giáo dân, cũng là điểm thu hút một số họ. Chúng ta phải nhớ rằng theo tinh thần Chính thống giáo, gồm nhiều giá trị lớn, căn bản được cấu trúc theo đời sống đan viện, và vì vậy, khó mà áp dụng được cho những người sống ở ngoài đời thường. Họ cũng đánh giá ở mức độ cao hơn việc chuẩn bị thần học và tính tự chủ cao hơn mà giáo dân có thể tìm thấy trong Giáo hội Công giáo.
Dù sao đi nữa, tôi phải nói rằng tất cả những điều này không phải là vấn đề lớn, và nhiều người Chính thống nhìn Công giáo qua lăng kính của những thiên kiến về lịch sử.
Đức Mẹ Đồng trinh Kazan đại diện cho điều gì đối với một người Công giáo Nga?
Đức Mẹ Đồng trinh Kazan là một ảnh thánh có nguồn gốc từ chính thành phố đó, mặc dù bức ảnh gốc ngày nay đang được giữ ở Saint Petersburg. Ở Nga, linh tu liên quan đến những ảnh thánh có truyền thống rất vững chắc, và điều này cũng ảnh hưởng đến nhiều người Công giáo. Với một người Công giáo Nga, Đức Mẹ Đồng trinh Kazan là một bức ảnh khơi gợi lên lòng sùng kính, cũng như những ảnh khác (chẳng hạn ảnh Vladimirskaya [một ảnh Đức Mẹ nổi tiếng – ghi chú của người dịch (bản tiếng Anh)]) hoặc những hình ảnh Công giáo khác. Nhưng nó không có gì đặc biệt quan trọng lắm đối với những ảnh tôn giáo khác.
Tình hình đối thoại liên tôn và đại kết có tốt không?
Hiện tại, những mối quan hệ giữa người Công giáo và Chính thống đã dịu xuống và cải thiện đáng kể. Sự căng thẳng trong những năm đầu khi phục hồi lại những cấu trúc của Công giáo ở Nga đã giảm xuống rất nhiều, và những cáo buộc về việc cải đạo đã gần như biến mất. Nói tóm lại, không khí đã tích cực hơn nhiều.
Nhưng điều đó cũng không có nghĩa là trước đây không có những liên lạc và hợp tác tích cực. Thật ra, những căng thẳng vừa được nói đến ở trên hiện diện chủ yếu trong những mối quan hệ cấp cao. Nhưng tại những địa điểm cụ thể (giáo xứ, thành phố v.v..) tình hình còn tùy, và bây giờ vẫn còn tùy thuộc, chủ yếu vào những người hoạt động ở đó. Ở nhiều nơi, các mối quan hệ rất tốt, thân thiện, và huynh đệ; ở một số nơi khác, vẫn còn có các vấn đề.
Ở Saint Petersburg, đặc biệt ở chủng viện, có những mối quan hệ rất tốt với chủng việc của Chính thống giáo, và một số linh mục của Chính thống giáo và giáo dân hợp tác với chủng việc của chúng tôi bằng việc dạy các lớp học, hay bằng những cách khác. Caritas là một nơi có sự hợp tác rất mạnh, vì nhiều nhân viên và thiện nguyện viên là người Chính thống.
Còn nhiều việc phải làm, và chúng tôi cần phải củng cố thêm những liên hệ, nhưng không khí hôm nay đã tốt hơn, tích cực hơn. Rõ ràng, cuộc gặp gỡ của Đức Kirill với Đức Phanxico ở Havana đã giúp cải thiện không khí này, mặc dù trước cuộc gặp gỡ đó chúng tôi đã cảm nhận được luồng gió thay đổi (một sự thay đổi chắc chắn đã làm cho cuộc gặp gỡ này được tiến hành).
Còn điều gì vẫn làm cho ngạc nhiên về nước Nga, không tính đến thời gian cha sống ở đây?
Tôi đã ở nước Nga 21 năm, cho nên tôi đã có thời gian làm quen với hầu như mọi thứ. Tôi vẫn tiếp tục thấy rất khó khăn thích ứng được với bộ máy quan liêu của Nga vô cùng nặng nề, nó thay đổi những quy định khá thường xuyên. Nhưng cho dù bị vấn đề này, mọi việc đã cải thiện rất lớn trong vài năm gần đây.

[Nguồn: aleteia]

[Chuyển ngữ: TRI KHOAN 15/07/2017]


Huấn từ Kinh Truyền Tin: Dụ ngôn người gieo hạt

Huấn từ Kinh Truyền Tin: Dụ ngôn người gieo hạt

“Tâm hồn chúng ta là mảnh đất mà hạt giống Lời Chúa rơi vào” Nó có thể “tốt” hoặc “khô cằn, không để đâm rễ”
16 tháng Bảy, 2017
Huấn từ Kinh Truyền Tin: Dụ ngôn người gieo hạt
Thêm chú thích
Angelus / Foto: Francesco Sforza - © PHOTO.VA - OSSERVATORE ROMANO
Dưới đây là bản dịch huấn từ của Đức Thánh Cha Phanxico hôm nay trước và sau khi đọc Kinh Truyền tin với những người tập trung trong Quảng trường Thánh Phê-rô.
* *  *
Trước Kinh Truyền tin:
Anh chị em thân mến, xin chào anh chị em!
Khi Chúa Giê-su nói Người dùng ngôn ngữ đơn giản đồng thời sử dụng những hình ảnh lấy từ những ví dụ của cuộc sống hàng ngày, để mọi người có thể dễ dàng hiểu được. Vì thế, họ lắng nghe Người thật chăm chú và hiểu rõ được thông điệp của Người, thông điệp đó đi thẳng vào tâm hồn của họ: và nó không phải là loại ngôn ngữ phức tạp quá khó hiểu, như những ngôn ngữ được các Luật sĩ thời đó sử dụng, nó không dễ hiểu và đầy sự cứng nhắc và xa cách với người dân. Và bằng ngôn ngữ này Chúa Giê-su đã làm cho mọi người hiểu được mầu nhiệm của Vương quốc Thiên Chúa, đó không phải là một thần học cao siêu. Và một ví dụ trong đó là Tin mừng hôm nay mang đến: dụ ngôn người gieo hạt.
Chúa Giê-su là người gieo hạt, chúng ta lưu ý điều đó. Với hình ảnh này, Ngài trình bày bản thân không phải là một người áp đặt, nhưng đề nghị; Ngài không thu hút chúng ta bằng cách chế ngự chúng ta, nhưng bằng cách cho đi bản thân: Ngài gieo hạt giống, Ngài gieo rắc Lời của Người bằng sự kiên nhẫn và quảng đại, đó không phải là một cái cũi hay cái bẫy, nhưng là một hạt giống có thể trổ sinh hoa trái. Và nó có thể trổ sinh hoa trái như thế nào? Nếu chúng ta đón nhận nó. Vì vậy, chúng ta phải đặc biệt quan tâm đến dụ ngôn này: thật ra dụ ngôn nói nhiều về các loại đất hơn là người gieo hạt. Chúa Giê-su, có thể nói như vầy, thực hiện một “x-quang tâm linh” của tâm hồn chúng ta, đó là mảnh đất trên đó Lời Người rơi vào. Tâm hồn chúng ta, giống như đất, có thể tốt và rồi Lời Chúa trổ sinh hoa trái – và rất nhiều — nhưng nó cũng có thể khô cằn, khó đâm rễ. Điều này xảy ra khi chúng ta nghe Lời Người, nhưng nó lại rơi ra ngoài, quả thật, giống như rơi trên đường: nó không đi vào trong chúng ta.
Giữa đất tốt và đường đi, đường nhựa – nếu chúng ta gieo hạt trên “những đám sỏi cuội” không có gì mọc lên được; tuy nhiên, có hai loại đất, mà theo chừng mực khác, chúng ta có thể có trong tâm hồn mình. Thứ nhất, Chúa Giê-su nói, là đất sỏi đá. Chúng ta hãy cố hình dung: một mảnh đất sỏi đá là nơi “không có nhiều đất” (x. c.5) để hạt giống nảy mầm nhưng lại không thể cắm rễ sâu xuống. Một tâm hồn hời hợt cũng như vậy, nó đón nhận Lời Chúa, muốn cầu nguyện, muốn yêu thương và làm chứng nhân, nhưng lại không kiên trì, mệt mỏi và không bao giờ “cất cánh.” Đó là một tâm hồn không có chiều sâu, nơi có những tảng đá của sự lười biếng lấn át đất tốt , nơi mà tình yêu không chung thủy và chóng qua. Rồi những người chỉ đón nhận Chúa khi nào thấy phù hợp với anh ta thì không trổ sinh hoa trái. Rồi có một chỗ đất cuối cùng, vùng đất gai góc, đầy những bụi gai bóp nghẹt những loài cây tốt lành. Những bụi gai này đại diện cho điều gì? “Những lo lắng sự đời và bả vinh hoa phú quý” (c. 22), Chúa Giê-su giải thích một cách rõ ràng. Các bụi gai là những thói hư tật xấu nghịch lại với Thiên Chúa, chặn đứng sự hiện hữu của Người: trước hết là những ngẫu thần của của cải trần gian, đam mê cuộc sống cho bản thân, muốn sở hữu và tìm quyền lực. Nếu chúng ta gieo cấy những bụi gai này, chúng ta bóp nghẹt sự phát triển của Thiên Chúa trong chúng ta. Mỗi người chúng ta có thể nhận ra được những bụi gai to và nhỏ của mình, những thói hư tật xấu cư ngụ trong tâm hồn mình, những thứ đó nhiều hay ít là những bụi gai không làm hài lòng Thiên Chúa và chặn lối một tâm hồn trong sạch. Chúng phải được nhổ đi, nếu không Lời Chúa không thể trổ sinh hoa trái; hạt giống không thể phát triển.
Anh chị em thân mến, hôm nay Chúa Giê-su mời gọi chúng ta hãy nhìn vào bên trong con người mình: tạ ơn vì những mảnh đất tốt tươi của chúng ta và phải dọn dẹp lại những chỗ đất chưa được tốt. Chúng ta hãy tự hỏi bản thân chúng ta đã mở rộng cửa để đón nhận những hạt giống của Lời Chúa với đức tin chưa. Chúng ta hãy tự hỏi mình những tảng đá của sự lười biếng có phải vẫn còn nhiều và lớn lên trong chúng ta không; chúng ta hãy phân định và đặt tên cho những bụi gai của các thói hư tật xấu. Chúng ta hãy tìm sự can đảm để dọn dẹp sửa lại thành mảnh đất tốt tươi, một sự sửa đổi tâm hồn của chúng ta, mang đến cho Chúa qua việc xưng tội và lời cầu nguyện những tảng đá và bụi gai của chúng ta. Rồi Chúa Giê-su, người gieo hạt tốt lành, sẽ rất hạnh phúc thực hiện thêm một công việc: thanh tẩy tâm hồn chúng ta, bóc đi những cục đá và cái gai ngăn cản lời Chúa.
Nguyện xin Mẹ Thiên Chúa, Đấng mà hôm nay chúng ta kính nhớ với tước hiệu Mẹ Đồng Trinh Núi Ca-mê-lô Đầy ơn phúc, là người đón nhận Lời Chúa và đưa vào thực hành không ai bằng (x. Lc 8:21), giúp chúng ta thanh tẩy tâm hồn và ôm ghì lấy sự hiện diện của Thiên Chúa.
[Văn bản chính: tiếng Ý]  [Bản dịch (tiếng Anh) của Virginia M. Forrester]
[Nguồn: zenit]

[Chuyển ngữ: TRI KHOAN 17/07/2017]