Thứ Ba, 19 tháng 3, 2019

Tại sao Lễ Thánh Giu-se vào ngày 19 tháng Ba?

Tại sao Lễ Thánh Giu-se vào ngày 19 tháng Ba?

Tại sao Lễ Thánh Giu-se vào ngày 19 tháng Ba?


18 tháng Ba, 2019

Lòng sùng kính Thánh Giu-se, bạn trăm năm Mẹ Maria, có thể truy nguyên ngược lại từ thuở sơ khai của Giáo hội

Lòng sùng kính Thánh Giu-se, bạn trăm năm Mẹ Maria, có thể truy nguyên ngược lại từ thuở sơ khai của Giáo hội, với một Lễ riêng kính Thánh Giu-se được xác định vào đầu thế kỷ thứ 4. Một trong những niên đại sớm nhất tôn vinh Thánh Giu-se là ngày 20 tháng Bảy.

Tuy nhiên, Lễ nhớ Thánh Giu-se sau đó được thêm vào lịch Byzantine là ngày 26 tháng Mười Hai. Nhiều Giáo hội Đông phương tiếp tục mừng ngày lễ này, nhắc đến Thánh Giu-se như là “Giu-se vị hôn phu công chính thánh thiện.” Theo Giáo hội Chính Thống, “Thánh Giu-se được nhớ vào Chúa nhật sau Lễ Giáng sinh. Nếu không có ngày Chúa nhật nào rơi vào giữa 25 tháng Mười Hai và 1 Tháng Một, thì Lễ của ngài được chuyển sang ngày 26 tháng Mười Hai.” Lễ Thánh Giu-se đưa ngài vào gần với lễ mừng sinh nhật của Đức Ki-tô, 25 tháng Mười Hai, một biến cố có sự hiện diện của ngài, theo các trình thuật Tin mừng.

Trong Giáo hội Tây phương, Lễ Thánh Giu-se không cố định cho đến thế kỷ thứ 15. Theo một số truyền thống, ngày 19 tháng Ba là ngày qua đời của Thánh Giu-se, tuy rằng có rất ít bằng chứng ủng hộ điều đó, vì chẳng có gì cho biết rõ ngày qua đời của Thánh Giu-se. Điều chắc chắn là ngài hiện diện khi Chúa Giê-su lên 12 tuổi và “bị lạc trong Đền thờ” nhưng chẳng có đề cập nào đến ngài lúc khởi đầu sứ vụ của Chúa Giê-su, như tại tiệc cưới Ca-na, khi Chúa biến nước thành rượu.

Kinh Thánh hoàn toàn im lặng về cái chết của ngài và vì vậy, Giáo hội dựa theo các truyền thống truyền miệng qua các thế kỷ.

Năm 1621 Đức Giáo hoàng Gregory XV mở rộng Lễ Thánh Giu-se trên toàn Giáo hội và thậm chí được nâng lên tầm cao hơn khi Đức Giáo hoàng Pio IX công bố Thánh Giu-se là “Thánh Quan Thầy của Giáo hội Hoàn vũ” vào năm 1870. Trong suốt nhiều thập niên ngày 19 tháng Ba là một ngày thánh buộc trùng với nhiều lễ quan trọng trong Giáo hội Công giáo.

Việc đưa Lễ Thánh Giu-se vào Tháng Ba đưa ngài lại gần hơn với một chương kinh thánh mà ngài được trực tiếp đề cập đến. Ngày 25 tháng Ba Giáo hội kính nhớ Lễ Truyền Tin cho Đức Mẹ, khi Thiên Thần Gabriel đến viếng Mẹ Maria Đồng Trinh. Như Tin mừng của Thánh Mát-thêu kể rằng, “trước khi hai ông bà về chung sống, bà đã có thai do quyền năng Chúa Thánh Thần. Ông Giu-se, chồng bà, là người công chính và không muốn tố giác bà, nên mới định tâm bỏ bà cách kín đáo” (Mt 1:18-19).

Trong khi biến cố kinh thánh này xảy ra ngay sau biến cố Truyền Tin, những nhân vật kinh thánh khác liên quan đến biến cố Truyền Tin cũng được kính nhớ tương tự trước ngày 25 tháng Ba, chẳng hạn Thánh Gabriel vào ngày 24 tháng Ba.

Dù thế nào đi nữa, trọng tâm chính của ngày lễ 19 tháng Ba được tỏ lộ trong chủ đề phụng vụ, “Giu-se, người bạn trăm năm của Đức Maria Đồng Trinh Diễm Phúc.” Sự long trọng này — với nghi thức phụng vụ cao nhất dành cho các thánh — tôn vinh cam kết của ngài với Mẹ Maria và sự hiến dâng là một người chồng trung tín và tận tụy.

Ngày Lễ Thánh Giu-se là một ngày lễ đẹp, một ngày lễ thân thương và được coi trọng bởi người Công giáo trên toàn thế giới.


[Nguồn: aleteia]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 19/3/2019]


Tài liệu đúc kết của Thượng Hội đồng về Giới trẻ, Đức tin và Sự Phân định ơn gọi (Bản dịch tiếng Anh chính thức) - Bài 8 (77-90)

Tài liệu đúc kết của Thượng Hội đồng về Giới trẻ, Đức tin và Sự Phân định ơn gọi (Bản dịch tiếng Anh chính thức) - Bài 1
Thượng Hội đồng - Vatican Media

Tài liệu gồm nhiều phần và TRI KHOAN trích đăng từng phần nhỏ. Bải đăng cuối cùng sẽ kèm theo bản PDF toàn bộ tài liệu. Nếu quý vị cần toàn bộ tài liệu có thể download trong bài đăng cuối. Cảm ơn quý vị)

Tài liệu đúc kết của Thượng Hội đồng về Giới trẻ, Đức tin và Sự Phân định ơn gọi (Bản dịch tiếng Anh chính thức)

‘Mọi ơn gọi khác nhau đều quy về một tiếng gọi chung duy nhất là nên thánh, đó là sự viên mãn của tiếng gọi đến với niềm vui yêu thương vang lên trong tâm hồn của mỗi người trẻ’

15 tháng Một, 2019 12:47

Dưới đây là bản dịch (tiếng Anh) của Vatican tài liệu đúc kết của thượng hội đồng giám mục về giới trẻ, đức tin, và sự phân định ơn gọi, diễn ra vào tháng Mười, 2018.


* * *

Tài liệu Đúc kết của Thượng Hội đồng Giám mục


về Giới trẻ, Đức tin và Sự Phân định Ơn gọi



Bài đăng 8 (Số 77 - 90):


**************

PHẦN II

Chương II

Mầu nhiệm ơn gọi

Tìm kiếm ơn gọi

Ơn gọi, hành trình và khám phá

77. Trình thuật tiếng gọi của Sa-mu-en (x. 1 Sm 3: 1-21) cho phép chúng ta tập hợp các yếu tố cơ bản của sự phân định: lắng nghe và nhận ra tiếng gọi thiêng liêng, kinh nghiệm cá nhân, phát triển từng bước trong sự hiểu biết, đồng hành kiên nhẫn và đầy lòng tôn trọng đối với mầu nhiệm khi nó được bộc lộ, sứ mạng cho cộng đoàn. Ơn gọi không áp đặt cho Sa-mu-en như một định mệnh phải thi hành; đó là một sự mời gọi của tình yêu, một sự sai đi trong câu chuyện về sự tin tưởng nhau hàng ngày.

Đối với Sa-mu-en trẻ tuổi, cũng như với mọi người nam và nữ – ơn gọi bao gồm một hành trình dài, đồng thời nó có thể có những khoảnh khắc mạnh mẽ và đặc ân. Cần có thời gian để hiểu và diễn giải Lời Chúa; sứ mạng mà Lời mời gọi sẽ được tỏ lộ từng bước. Các bạn trẻ bị cuốn hút vào cuộc phiêu lưu khám phá bản thân theo từng bước một. Họ sẵn sàng học hỏi từ các hoạt động họ thực hiện, từ các cuộc gặp gỡ và những mối quan hệ của họ, đặt mình vào sự thử thách trong cuộc sống hàng ngày. Tuy nhiên, họ cần được giúp đỡ để đan kết những kinh nghiệm lại với nhau và đọc những kinh nghiệm đó từ góc độ đức tin, tránh nguy cơ bị phân tán và nhận ra các dấu hiệu mà Thiên Chúa nói. Trong giai đoạn khám phá một ơn gọi, mọi việc không hoàn toàn trở nên rõ ràng ngay lập tức, vì “đức tin ‘nhìn thấy’, đến mức nó bước vào hành trình, đến mức nó chọn đi vào những chân trời được mở ra bởi Lời của Chúa” (Phanxico, Thông điệp Lumen Fidei, 9).

Ơn gọi, ơn sủng và tự do

78. Qua nhiều thế kỷ, kiến thức thần học về mầu nhiệm ơn gọi đã nhìn thấy những điểm nhấn mạnh khác nhau, theo bối cảnh xã hội và hội thánh nơi chủ đề được xây dựng. Trong bất cứ trường hợp nào, phải nhận ra được đặc tính tương tự của thuật ngữ “ơn gọi” cũng như nhiều chiều kích thực tế được chỉ rõ. Theo thời gian, điều này dẫn đến việc nhấn mạnh vào những khía cạnh cá nhân, vào những cách thức không luôn đánh giá đúng tính phức tạp của bức tranh tổng thể. Do đó, để nắm bắt sâu sắc mầu nhiệm của một ơn gọi xuất phát từ chính Thiên Chúa, chúng ta được kêu gọi phải thanh tẩy trí tưởng tượng và ngôn ngữ tôn giáo của chúng ta, và tái khám phá sự phong phú và sự hài hòa của cách trình bày trong Kinh thánh. Đặc biệt, sự tác động lẫn nhau giữa việc lựa chọn thiêng liêng và sự tự do của con người cần phải được suy nghĩ thấu đáo, bỏ qua mọi quan niệm của thuyết tiền định và thuyết ngoại tại. Ơn gọi không phải là một kịch bản được soạn trước mà con người chỉ đơn giản đọc thuộc lòng, và cũng không phải là một sự ứng khẩu trên sân khấu không soạn trước. Vì Thiên Chúa kêu gọi chúng ta làm bạn chứ không phải làm người tôi tớ (x. Ga 15,13), nên những lựa chọn của chúng ta là một đóng góp thực sự vào việc mở ra lịch sử của chương trình yêu thương của Người. Mặt khác, chương trình cứu độ là một Mầu nhiệm vượt trội hơn chúng ta vô cùng; do đó chỉ bằng cách lắng nghe Chúa thì chúng ta mới biết mình được kêu gọi đóng góp vào phần nào trong đó. Được hiểu dưới ánh sáng này, ơn gọi xuất hiện như một món quà của ơn sủng và giao ước – bí mật đẹp nhất và quý giá nhất của sự tự do của chúng ta.

Sự tạo dựng và ơn gọi

79. Khi xác quyết rằng tất cả mọi sự đều được tạo dựng nhờ Đức Ki-tô và cho Ngài (x. Cl 1, 16), Kinh Thánh hướng dẫn chúng ta đọc mầu nhiệm ơn gọi như một thực tại thấm nhuần chính sự sáng tạo của Thiên Chúa. Thiên Chúa đã tạo dựng bằng Lời Người, “gọi” để biến thành hữu thể và mang sự sống, sau đó Người “thiết lập sự khác biệt” trong những hỗn độn mơ hồ, đóng dấu ấn trên vũ trụ nét đẹp của trật tự và sự hài hòa của tính đa dạng. Nếu Thánh Phaolô VI nói rằng “mỗi sự sống đều là ơn gọi” (x. Thông điệp Populorum Progressio, 15), thì Đức Benedict XVI nói thêm rằng con người được tạo ra là một hữu thể đối thoại: Ngôi Lời sáng tạo “kêu gọi mỗi từng người chúng ta, tỏ lộ rằng chính sự sống là một ơn gọi từ Thiên Chúa” (x. Tông huấn Verbum Domini, 77).

Hướng đến một văn hóa ơn gọi

80. Nói về đời sống của con người theo cách nói của ơn gọi cho phép chúng ta làm nổi bật một số yếu tố rất quan trọng đối với sự phát triển của người trẻ: nó có nghĩa là bác bỏ quan điểm cho rằng họ đã được định đoạt bởi định mệnh hoặc là sản phẩm của sự tình cờ, hoặc không thì họ là sản phẩm tốt của cá nhân để chịu sự quản lý tùy ý. Nếu trong trường hợp đầu tiên không có ơn gọi, vì chẳng có sự công nhận nào về định mệnh xứng đáng tồn tại, thì trong trường hợp thứ hai con người được cho là “không có nguồn cội”, trở thành “người không có ơn gọi”. Đây là lý do tại sao vấn đề quan trọng là xây dựng các điều kiện cho phép tất cả các cộng đoàn Ki-tô giáo, dựa trên ý thức rửa tội của các thành viên cộng đoàn, để phát triển một văn hóa ơn gọi đích thực và cam kết liên lỷ cầu nguyện cho các ơn gọi.


Ơn gọi theo Chúa Giê-su

Sự cuốn hút của Chúa Giê-su

81. Nhiều người trẻ trở nên say mê hình ảnh của Chúa Giê-su. Đối với họ đời sống của Ngài rất tốt lành và đẹp, vì đó là đời sống nghèo và đơn giản, được xây dựng trên những tình bạn chân thành và sâu sắc, trao tặng cho anh em của Ngài với lòng quảng đại, không bao giờ khóa chặt trước bất cứ ai, nhưng luôn mở rộng cho ơn sủng. Ngày nay, đời sống của Chúa Giê-su vẫn còn rất cuốn hút và truyền cảm; đối với tất cả những người trẻ, đó là một sự khơi gợi thách đố cho họ. Giáo hội biết điều này xuất phát từ sự thật rằng Chúa Giê-su có mối liên kết sâu sắc với mỗi con người, vì “Đức Ki-tô, A-đam mới, qua sự mặc khải mầu nhiệm của Chúa Cha và tình yêu của Ngài, tỏ lộ trọn vẹn chính mình và làm cho tiếng gọi tối thượng của Người trở nên rõ ràng” (x. Hiến chế Mục vụ Gaudium et Spes, 22).

Đức tin, ơn gọi và cương vị người môn đệ

82. Quả thật, Chúa Giê-su không chỉ cuốn hút mọi người bằng cuộc sống của mình – Ngài còn đưa ra một lời kêu gọi dứt khoát về đức tin. Ngài gặp những người nam và nữ nhận ra trong những lời nói và hành động của Ngài cách thức đúng để nói về Thiên Chúa và liên hệ đến Ngài, hướng họ đến với đức tin dẫn đến ơn cứu độ: “Này con, lòng tin của con đã cứu chữa con. Con hãy đi bình an!” (Lc 8:48). Những người khác gặp Ngài được kêu gọi để trở thành môn đệ và chứng nhân cho Ngài. Ngài không che giấu những người muốn trở thành môn đệ về việc cần phải vác thập giá mỗi ngày và theo Ngài trên một hành trình vượt qua cái chết và tiến đến sự phục sinh. Đức tin sống chứng nhân trong Giáo hội, là dấu chỉ và công cụ của ơn cứu độ cho tất cả các dân tộc. Luôn có nhiều hình thức khác nhau trong vai trò người môn đệ trong cộng đoàn của Chúa Giê-su. Hầu hết các môn đệ sống đức tin trong những hoàn cảnh bình thường của cuộc sống hàng ngày; tuy nhiên, có những người, gồm cả một số phụ nữ, đã chia sẻ sự hiện hữu lưu động và ngôn sứ của Thầy (x. Lc 8: 1-3); ngay từ khởi đầu, các tông đồ đã có một vai trò đặc biệt trong cộng đoàn và họ được kết hợp với Ngài trong sứ vụ hướng dẫn và rao giảng của Ngài.

Mẹ Maria Đồng Trinh

83. Trong số tất cả các nhân vật Kinh thánh điển hình của mầu nhiệm ơn gọi, chúng ta nên suy ngẫm một cách đặc biệt về hình ảnh Mẹ Maria. Bằng lời “xin vâng” của mình, người nữ trẻ này đã làm cho việc Nhập Thể trở nên hiện thực, từ đó tạo điều kiện cho mọi ơn gọi khác của hội thánh. Mẹ vẫn luôn là người môn đệ đầu tiên của Chúa Giê-su và là mẫu gương cho tất cả các môn đệ. Trong cuộc hành hương đức tin của mình, Mẹ Maria đã theo Con của Mẹ đến đến dưới chân Thánh giá và sau Phục sinh, Mẹ cùng đồng hành với Giáo hội non trẻ đến Lễ Ngũ tuần. Là mẹ và là người thầy đầy lòng thương xót, Mẹ tiếp tục đồng hành cùng Giáo hội và khẩn xin Thần Khí ban sức sống cho mọi ơn gọi. Rõ ràng sau đó, “nguyên tắc Maria” có một vai trò nổi bật và soi sáng toàn bộ đời sống của Giáo hội trong những cách thể hiện khác nhau. Bên cạnh Mẹ Đồng Trinh, hình ảnh Thánh Giu-se, bạn trăm năm của Mẹ tạo nên một mẫu gương khác về sự đáp lời cho ơn gọi.


Ơn gọi và những ơn gọi

Ơn gọi và sứ mạng của Giáo hội

84. Không thể hiểu được tầm quan trọng trọn vẹn của ơn gọi rửa tội nếu chúng ta không nhớ rằng với tất cả mọi người, không ngoại trừ ai, đó là một lời kêu gọi nên thánh. Tiếng gọi này nhất thiết hàm ý là một lời mời gọi chia sẻ sứ mạng của Giáo hội, trong đó mục đích nền tảng chính là sự hiệp thông với Thiên Chúa và sự hiệp nhất giữa mọi người. Những con đường khác nhau để theo Đức Ki-tô thể hiện sứ mạng làm chứng cho biến cố của Chúa Giê-su, mỗi con đường theo cách riêng của nó, trong đó mọi người nam và nữ đều tìm được ơn cứu độ.

Sự đa dạng của những đặc sủng

85. Thánh Phaolô nhiều lần nhắc lại chủ đề này trong các thư của ngài, hồi tưởng lại hình ảnh của Giáo hội như một thân thể được tạo thành bởi nhiều thành viên khác nhau và nhấn mạnh rằng từng thành viên đều là cần thiết, đồng thời là một phần của toàn thể, vì chỉ có sự hiệp nhất của tất cả làm cho thân thể sống động và hài hòa. Nguồn cội của sự hiệp nhất này Thánh Phao-lô đặt nơi mầu nhiệm của Chúa Ba Ngôi Cực Thánh: “Có nhiều đặc sủng khác nhau, nhưng chỉ có một Thần Khí. Có nhiều việc phục vụ khác nhau, nhưng chỉ có một Chúa. Có nhiều hoạt động khác nhau, nhưng vẫn chỉ có một Thiên Chúa làm mọi sự trong mọi người” (1 Cr 12:4-6). Công đồng Vatican II và Huấn quyền sau đó đưa ra những chỉ dẫn giá trị để xây dựng một nền thần học đúng về các đặc sủng và thừa tác vụ trong Giáo hội, để đón nhận và trân quý theo sự khôn ngoan những ân sủng mà Thần Khí không ngừng tuôn đổ trong Giáo hội để làm Giáo hội luôn tươi trẻ.

Nghề nghiệp và ơn gọi

86. Nhiều người trẻ sống đời sống chuyên môn của họ trong một chân trời ơn gọi. Họ thường từ chối những đề nghị công việc hấp dẫn không phù hợp với các giá trị Ki-tô giáo và họ đưa ra lựa chọn nghề nghiệp bằng cách đặt câu hỏi đâu là cách tốt nhất để đem tài năng cá nhân của họ trổ sinh hoa trái để phục vụ Nước Trời. Việc làm được nhiều người coi là cơ hội để nhận biết và trân quý những hồng ân họ đã đón nhận: bằng cách này, người nam và nữ tham gia tích cực vào mầu nhiệm Ba Ngôi về sự sáng tạo, cứu chuộc và thánh hóa.

Gia đình

87. Hai Đại hội Thượng Hội đồng gần đây về gia đình, theo sau là Tông huấn Amoris Laetitia, đã đưa ra sự đóng góp phong phú cho ơn gọi của gia đình trong Giáo hội và sự đóng góp trọng yếu mà các gia đình được mời gọi làm chứng cho Tin mừng qua tình yêu thương lẫn nhau, và qua sự sinh sản và giáo dục trẻ em. Nói về sự phong phú trong các tài liệu gần đây nhắc nhở chúng ta tầm quan trọng của việc tiếp tục đón nhận thông điệp để tái khám phá và giúp người trẻ ngày nay hiểu được vẻ đẹp của ơn gọi hôn nhân.

Đời sống tận hiến

88. Hồng ân của đời sống tận hiến, cả chiêm niệm và tông đồ, mà Thần Khí thúc đẩy trong Giáo hội, có một giá trị ngôn sứ đặc biệt đến mức độ nó trở thành một chứng tá vui mừng về tính nhưng không của tình yêu. Khi các cộng đồng tôn giáo và các nền tảng mới sống tình huynh đệ đích thực, họ trở thành những trường học của tình hiệp thông, những trung tâm cầu nguyện và chiêm niệm, những nơi làm chứng cho sự đối thoại liên thế hệ và liên văn hóa, và là môi trường để rao truyền phúc âm và bác ái. Sứ mạng của nhiều người nam và nữ sống đời tận hiến là những người chăm sóc cho những người hèn mọn nhất trong các vùng ngoại vi của thế giới, thể hiện một cách cụ thể sự cống hiến của một Giáo hội hướng ngoại. Nếu ở một số vùng đang bị giảm sút số lượng và sự mệt mỏi của sự già nua, đời sống tận hiến vẫn tiếp tục trổ sinh hoa trái và đầy sáng tạo, nhất là qua việc chia sẻ trách nhiệm với nhiều giáo dân là những người chia sẻ tinh thần và sứ mạng của nhiều đặc sủng khác nhau. Giáo hội và thế giới không thể không có hồng ân ơn gọi này, đó là một nguồn lực lớn cho thời đại chúng ta.

Thừa tác vụ chức thánh

89. Giáo hội luôn quan tâm đặc biệt đến các ơn gọi cho thừa tác vụ chức thánh, vì biết rằng chức thánh là một yếu tố cấu thành nên bản sắc của Giáo hội và rất cần thiết cho đời sống người Ki-tô hữu. Do đó, Giáo hội luôn dành sự quan tâm đặc biệt cho việc đào tạo và đồng hành với các ứng viên cho chức tư tế. Mối quan tâm của nhiều nhà thờ về sự giảm sút số lượng của họ đòi hỏi một sự phản ánh mới về ơn gọi cho thừa tác vụ chức thánh và về việc chăm sóc mục vụ cho các ơn gọi để chuyển tải sự cuốn hút nơi con người của Chúa Giê-su, và về lời kêu gọi của Ngài để trở thành các mục tử cho đoàn chiên của Ngài. Tương tự như vậy, ơn gọi cho chức phó tế vĩnh viễn kêu gọi sự chú ý lớn hơn, vì toàn bộ tiềm năng của tài nguyên này vẫn chưa được khai thác.

Điều kiện của “những người độc thân”

90. Thượng Hội đồng phản ánh về tình hình của những người sống đời “độc thân”, công nhận rằng thuật ngữ này có thể cho thấy rất nhiều hoàn cảnh. Mỗi hoàn cảnh riêng có thể có nhiều nguyên nhân, tình nguyện hoặc không cố ý, và có thể tùy thuộc và những yếu tố văn hóa, tôn giáo và xã hội. Vì thế, nó có thể cho thấy một phạm vi rất rộng trong các lựa chọn cuộc sống. Giáo hội nhận ra rằng tình trạng này, sống theo tinh thần đức tin và ân sủng, có thể là một trong nhiều con đường mà ân sủng của Bí tích Rửa tội được thể hiện, và con người tiến tới sự nên thánh là điều mà tất cả mọi người đều được kêu gọi.



[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 16/3/2019]