Thứ Ba, 7 tháng 7, 2020

Vatican có phải là một đất nước riêng biệt?

Vatican có phải là một đất nước riêng biệt?

Vatican có phải là một đất nước riêng biệt?
Sergey Zuenok | Shutterstock

25 tháng Sáu, 2020

Thành Vatican là một đất nước độc lập nhỏ nhất trên thế giới, phủ trên diện tích 100 mẫu Anh (hơn 404.685 mét vuông) và được bao quanh bởi thành phố Roma.

Giáo hội Công giáo đã có một mối quan hệ khá ồn ào với chính quyền Roma qua nhiều thế kỷ. Thời kỳ ban đầu là đối tượng của sự bách hại tàn bạo, trong suốt thời gian những năm sau đó nó trở thành một nơi có thế lực và có tầm ảnh hưởng chính trị rất lớn ở nước Ý và Châu Âu.

Và trong thế kỷ 19 những căng thẳng bắt đầu nổi lên và năm 1870 Roma sụp đổ và Đức Giáo hoàng Piô IX trở thành một “tù nhân” trong Vatican, không có một mảnh đất trong tay. Từ đó bắt đầu nhiều năm lộn xộn về chính trị ở Roma, với giáo hoàng đặc biệt phải tự bắt mình “bị quản thúc tại gia.”

Trong suốt nhiều năm nơi cư ngụ của giáo hoàng là tại Đền Thánh Gioan Lateran, cung điện Quirinal và Vatican, nhưng khi giáo hoàng tĩnh tâm, ngài buộc phải tìm nơi tĩnh lặng trong Vatican.

Ban đầu Luật Guarantees được thực hiện năm 1871, theo Bách khoa toàn thư Công giáo, “tất cả những nơi cư trú của giáo hoàng trên vùng đất của Ý phải được miễn thuế và có đặc quyền. Theo sau đó Điện Vatican phải được miễn thuế và có đặc quyền trong mắt của các nhà chức trách Ý. Điều đó dẫn đến kết quả là tất cả những hoạt động của các nhà chức trách Ý phải dừng lại tại cổng của Vatican; cư dân của điện không phải trả thuế, không bị trát đòi hầu tòa, hoặc bị giấy tòa án gọi để tự bảo vệ mình.”

Cho mãi đến ngày 11 tháng Hai năm 1929 thì Vatican mới trở thành đất nước độc lập riêng biệt. Điều này được thông qua bởi Hiệp ước Lateran, được ký bởi chính phủ Ý và Tòa Thánh, trong đó nêu những điều sau:

Nước Ý công nhận quyền sở hữu trọn vẹn và quyền chủ quyền riêng biệt và tuyệt đối và quyền tài phán trên toàn Vatican, như đã được thiết lập gần đây, với tất cả những cơ sở và tài sản trên đó, bằng cách đó xây dựng Thành Vatican cho mục đích đặc biệt và với những phương thức được đưa ra trong Hiệp định này.

Kể từ đó Vatican trở nên độc lập và hoạt động giống như những quốc gia khác, tuy nhiên mở mức độ nhỏ hơn nhiều.



[Nguồn: aleteia]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 7/7/2020]


Diễn từ của Đức Thánh Cha Phanxico trước hiệp hội báo chí Công giáo

Diễn từ của Đức Thánh Cha Phanxico trước hiệp hội báo chí Công giáo
Pope Francis With ZENIT Correspondent Deborah Castellano Lubov

Diễn từ của Đức Thánh Cha Phanxico trước hiệp hội báo chí Công giáo

Truyền thông phải xây dựng những cầu nối và bảo vệ sự sống

30 tháng Sáu, 2020 15:37


Ngày 30 tháng Sáu, 2020, Đức Thánh Cha Phanxico bày tỏ tình gần gũi với các thành viên của Hiệp hội Báo chí Công giáo – cho dù ngài và các thành viên không gần gũi về mặt thể lý.

Theo Vatican News, Hiệp hội Báo chí Công giáo (CPA) được thành lập hơn một thế kỷ trước ở Hoa Kỳ với mục đích “phục vụ và hiệp nhất” các thành viên của mình. Hiệp hội có gần 225 thành viên nhà xuất bản và 600 thành viên cá nhân trong hiệp hội.

Cuộc họp thường niên của nhóm đang được tổ chức từ 30 tháng Sáu – 2 tháng Bảy và lần đầu tiên được tổ chức trực tuyến, bao gồm một thông điệp được gửi đến từ Đức Thánh Cha. Mặc dù không họp mặt và gặp gỡ trực tiếp các nhà báo, Đức Thánh Cha trình bày rõ rằng họ có một vai trò quan trọng. Và ngài có ít lời khuyên để chia sẻ.

Đức Thánh Cha Phanxico nói, “Chủ đề mà anh chị em chọn cho Hội nghị năm nay – Together While Apart (tạm dịch: họp mặt khi xa cách) – diễn tả một cách hùng hồn ý nghĩa của sự họp mặt nổi bật lên một cách đầy nghịch lý từ kinh nghiệm của sự giãn cách xã hội bắt buộc do đại dịch. Vì đại dịch, tất cả chúng ta buộc phải chân nhận sự thật này một cách trọn vẹn hơn. Thật vậy, kinh nghiệm của những tháng vừa qua đã cho thấy tầm quan trọng của sứ mạng truyền thông mà phương tiện truyền thông đem mọi người lại với nhau, rút ngắn những khoảng cách, cung cấp thông tin cần thiết, và mở rộng tâm trí và cõi lòng đến với sự thật.

E pluribus unum – lý tưởng của sự hiệp nhất giữa sự đa dạng, phản ánh trong câu phương châm của nước Mỹ, cũng phải truyền cảm hứng cho sự phục vụ mà anh chị em thực hiện vì ích chung. Điều này thật vô cùng cần thiết cho ngày nay, trong một thời đại bị đánh dấu bởi những xung đột và tình trạng phân cực mà chính cộng đồng Công giáo cũng không miễn nhiễm. Chúng ta cần truyền thông có khả năng xây dựng những cầu nối, bảo vệ sự sống, và phá đổ những bức tường hữu hình và vô hình ngăn cản sự đối thoại chân thành và truyền thông sự thật giữa các cá nhân và cộng đồng.”


Thông điệp của Đức Thánh Cha

Gửi các thành viên của Hiệp hội Báo chí Công giáo

Năm nay, lần đầu tiên trong lịch sử của mình, Hiệp hội Báo chí Công giáo tổ chức một Hội nghị Truyền thông Công giáo trực tuyến, do tình hình sức khỏe hiện nay. Trước hết, tôi xin bày tỏ tình gần gũi với những người đã bị ảnh hưởng bởi virus và với những người, thậm chí phiêu lưu với cả mạng sống của mình, đã làm việc và sẽ tiếp tục làm việc để hỗ trợ những anh chị em đang cần giúp đỡ của chúng ta.

Chủ đề mà anh chị em chọn cho Hội nghị năm nay – Together While Apart (tạm dịch: họp mặt khi xa cách) – diễn tả một cách hùng hồn ý nghĩa của sự họp mặt nổi bật lên một cách đầy nghịch lý từ kinh nghiệm của sự giãn cách xã hội bắt buộc do đại dịch. Trong Sứ điệp Ngày Truyền thông Thế giới năm trước của tôi, tôi đã suy tư về cách truyền thông làm cho chúng ta, như Thánh Phaolô nói, trở thành “phần thân thể của nhau (x. Eph 4:25), được kêu gọi để sống tình liên đới trong một mạng lưới của những mối tương quan luôn luôn rộng mở. Vì đại dịch, tất cả chúng ta buộc phải chân nhận sự thật này một cách trọn vẹn hơn. Thật vậy, kinh nghiệm của những tháng vừa qua đã cho thấy tầm quan trọng của sứ mạng truyền thông mà phương tiện truyền thông đem mọi người lại với nhau, rút ngắn những khoảng cách, cung cấp thông tin cần thiết, và mở rộng tâm trí và cõi lòng đến với sự thật.

Chính hiện thực này đã dẫn đến việc thành lập những tờ báo Công giáo đầu tiên ở đất nước anh chị em em và sự động viên liên tục của các mục tử Giáo hội. Chúng ta nhìn thấy điều này trong trường hợp của Charleston Catholic Miscellany, được bắt đầu năm 1822 bởi Đức Giáo mục John England và tiếp nối là rất nhiều tờ báo và tập san khác. Ngày nay, hơn bao giờ hết, các cộng đồng của chúng ta [.::] đều trông chờ vào báo chí, radio, TV và những phương tiện truyền thông xã hội khác, để thông tin, và để hiệp nhất.

E pluribus unum – lý tưởng của sự hiệp nhất giữa sự đa dạng, phản ánh trong câu phương châm của nước Mỹ, cũng phải truyền cảm hứng cho sự phục vụ mà anh chị em thực hiện vì ích chung. Điều này thật vô cùng cần thiết cho ngày nay, trong một thời đại bị đánh dấu bởi những xung đột và tình trạng phân cực mà chính cộng đồng Công giáo cũng không miễn nhiễm. Chúng ta cần truyền thông có khả năng xây dựng những cầu nối, bảo vệ sự sống, và phá đổ những bức tường hữu hình và vô hình ngăn cản sự đối thoại chân thành và truyền thông sự thật giữa các cá nhân và cộng đồng. Chúng ta cần truyền thông có khả năng giúp con người, đặc biệt là giới trẻ, phân biệt được điều thiện với điều ác, để phát triển những phán đoán hợp lý dựa trên cách trình bày sự việc rõ ràng và không thành kiến, và hiểu được tầm quan trọng của sự làm việc cho công bằng, hòa hợp xã hội, và tôn trong ngôi nhà chung của chúng ta. Chúng ta cần những người vững vàng bảo vệ truyền thông thoát khỏi tất cả những ai muốn bóp méo nó hoặc xoay chuyển nó cho những mục đích khác.

Vì vậy tôi xin anh chị em hãy hiệp nhất và trở thành một dấu chỉ của sự hiệp nhất giữa anh chị em. Truyền thông có thể lớn hoặc nhỏ, nhưng trong Giáo hội, những điều đó không phải là hạng mục cần quan tâm. Trong Giáo hội, tất cả chúng ta đã được rửa tội trong một Thần Khí và được làm thành các chi thể của một thân thể (x. 1 Cr 12:13). Cũng như trên mọi thân thể, thường những chi thể nhỏ nhất cuối cùng lại trở thành cần thiết nhất. Với thân thể của Đức Kitô cũng như vậy. Mỗi người chúng ta, dù chúng ta ở vị trí nào, đều được gọi để góp phần cho sự phát triển của Giáo hội lớn lên về mọi phương diện trong Đức Kitô (x. Ep 4:15), qua việc tuyên xưng sự thật trong tình yêu.

Chúng ta biết rằng truyền thông không chỉ đơn thuần là vấn đề khả năng chuyên môn. Một người làm truyền thông cống hiến hết mình cho hạnh phúc của người khác, ở mọi cấp độ, từ đời sống của mỗi cá nhân đến đời sống của toàn thể gia đình nhân loại. Chúng ta không thể truyền tải thông tin thật sự nếu chính bản thân chúng ta không can dự vào, nếu cá nhân chúng ta không cam kết với sự thật của thông điệp chúng ta truyền tải. Tất cả mọi thông tin truyền tải đều có nguồn cội chung cuộc trong sự sống của Thiên Chúa Ba Ngôi, Đấng chia sẻ với chúng ta sự giàu có của đời sống nước Trời của Người và kêu gọi chúng ta, về phần chúng ta, truyền tải thông tin về kho báu đó cho người khác bằng sự hiệp nhất của chúng ta trong sự phục vụ cho chân lý của Người.

Các bạn thân mến, tôi khẩn xin sự tuôn đổ những ơn khôn ngoan, hiểu biết, và lo liệu của Chúa Thánh Thần xuống trên anh chị em và công cuộc của Hội nghị của anh chị em. Chỉ có cái nhìn của Thần Khí mới cho phép chúng ta không nhắm mắt trước những người đau khổ và tìm kiếm sự thiện hảo đích thực cho tất cả. Chỉ với cái nhìn đó thì chúng ta mới có thể làm việc hiệu quả để vượt qua những căn bệnh phân biệt chủng tộc, bất công, và thờ ơ đang làm méo mó khuôn mặt của gia đình nhân loại chúng ta. Qua sự cống hiến và công việc hàng ngày của anh chị em, ước mong anh chị em có thể giúp người khác biết chiêm ngưỡng những hoàn cảnh và con người với đôi mắt của Thần Khí. Ở những nơi mà thế giới chúng ta luôn sẵn sàng nói bằng những tính từ và trạng từ, ước mong rằng những người làm truyền thông Kitô giáo nói bằng các danh từ để chân nhận và thúc đẩy những khẳng định vững chắc của sự thật và thăng tiến nhân phẩm. Ở những nơi thế giới nhìn thấy xung đột và chia rẽ, ước mong anh chị em nhìn đến những người đau khổ và người nghèo, và lên tiếng nói khẩn cầu cho những anh chị em của chúng ta đang cần lòng thương xót và sự thấu hiểu.

Hôm qua Giáo hội cử hành đại Lễ hai Thánh Tông đồ Phêrô và Phaolô. Ước mong tinh thần hiệp thông với Giám mục Roma, luôn là một điểm đặc biệt của báo chí Công giáo trong đất nước của anh chị em, luôn gìn giữ anh chị em được hiệp nhất trong đức tin và kiên vững trước những trào lưu văn hóa nhất thời thiếu đi hương thơm của chân lý phúc âm. Chúng ta tiếp tục cùng nhau cầu nguyện cho sự hòa giải và hòa bình trên thế giới. Tôi bảo đảm với anh chị em sự hỗ trợ và lời cầu nguyện của tôi cho anh chị em và gia đình. Và tôi xin anh chị em hãy nhớ đến tôi trong lời cầu nguyện.

Viết từ Vatican, 30 tháng Sáu 2020

PHANXICO

© Libreria Editrice Vatican



[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 1/7/2020]