Thứ Năm, 9 tháng 4, 2020

Tiếp Kiến chung: Tập trung vào Đức Ki-tô trong cơn đại dịch

Tiếp Kiến chung: Tập trung vào Đức Ki-tô trong cơn đại dịch
© Vatican Media

Tiếp Kiến chung: Tập trung vào Đức Ki-tô trong cơn đại dịch

‘Ngài làm gì trước sự đau khổ của chúng ta?’

08 tháng Tư, 2020 15:41

Tiếp Kiến chung sáng nay được tổ chức lúc 9:25 sáng trong Thư viện của Điện Tông tòa Vatican.

Trong huấn từ bằng tiếng Ý về Tam nhật Vượt qua, Đức Thánh Cha tập trung suy tư về cuộc Khổ nạn của Đức Ki-tô, “trong những tuần lễ đầy sợ hãi do đại dịch, điều làm cho sự đau khổ của thế giới trở nên quá lớn.”

Sau phần tóm lược bài giáo lý bằng một số ngôn ngữ, Đức Thánh Cha gửi lời chào đến các tin hữu.

Tiếp Kiến chung kết thúc với Kinh Lạy Cha và Phép lành Tòa thánh.


* * *

Bài Giáo lý của Đức Thánh Cha

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Trong những tuần lễ đầy sợ hãi do đại dịch, điều làm cho sự đau khổ của thế giới trở nên quá lớn, giữa nhiều câu hỏi chúng ta đặt ra cho bản thân, có thể cũng có những câu hỏi về Thiên Chúa: Ngài làm gì trước sự đau khổ của chúng ta? Ngài ở đâu khi tất cả mọi sự đều đi sai đường? Tại sao Ngài không giải quyết các vấn đề một cách nhanh chóng cho chúng ta? Đó là những câu hỏi chúng ta đặt ra về Thiên Chúa.

Sự trợ giúp cho chúng ta là trình thuật cuộc Thương khó của Chúa Giê-su, Đấng đồng hành với chúng ta trong những ngày thánh này. Quả thật, có nhiều câu hỏi đặt ra. Sau khi đón chào Chúa Giê-su vào Giêrusalem một cách vinh quang, dân chúng thắc mắc liệu rằng cuối cùng Ngài sẽ giải phóng họ thoát khỏi những kẻ thù của họ hay không (x. Lc 24:21). Họ đang mong chờ một Đấng Mêxia dũng mãnh, đắc thắng với một thanh gươm. Thay vì vậy, Đấng đến đây là một người hiền lành và khiêm nhường trong lòng, Đấng kêu gọi hoán cải và lòng thương xót. Và quả thật, chính đám đông trước đó đã tung hô Người, bây giờ lại hét lớn: “Đóng đinh nó vào thập giá!” (Mt 27:23). Những người đi theo Ngài, lo lắng và hoảng sợ, bỏ rơi Ngài. Họ nghĩ: nếu đây là số phận của Giê-su, thì ông ta không phải là Đấng Mêxia, vì Thiên Chúa rất hùng mạnh, Người là bất khả chiến bại.

Tuy nhiên, nếu chúng ta đọc tiếp phần sau trong trình thuật cuộc Thương khó, chúng ta tìm được một biến cố ngạc nhiên. Khi Chúa Giê-su chết, viên đại đội trưởng La mã, không phải là một tín hữu, ông ta cũng không phải là người Do thái, mà là một người ngoại giáo, ông ta đã chứng kiến sự đau khổ của Ngài trên thập giá và nghe thấy Ngài tha thứ cho tất cả mọi người, ông ta đã chạm đến tình yêu vô biên của Ngài, và tuyên xưng: “Quả thật, người này là Con Thiên Chúa” (Mc 15:39). Thật vậy, ông ta đã nói ngược lại với những người khác. Ông ta nói rằng Thiên Chúa ở đó, rằng đó là Thiên Chúa thật. Hôm nay chúng ta hãy tự hỏi bản thân: Dung nhan thật của Thiên Chúa như thế nào? Thường thường, chúng ta gán cho Ngài những gì của chúng ta ở mức độ vĩ đại nhất: sự thành công, nhận thức về công bằng, và kể cả sự giận dữ của chúng ta. Tuy nhiên, Tin mừng kể cho chúng ta rằng Thiên Chúa không phải như vậy. Ngài là khác và chúng ta không thể nào thấu hiểu được Ngài với sức mạnh của riêng chúng ta. Vì vậy, Ngài hạ mình trở nên gần gũi hơn; Ngài đến để gặp gỡ chúng ta và chính vào ngày Phục sinh Ngài tỏ lộ hoàn toàn bản thân. Và Ngài đã tỏ lộ hoàn toàn bản thân Ngài ở đâu? Ở trên thập giá. Ở đó chúng ta học biết được những nét dung mạo của Thiên Chúa. Thưa anh chị em, chúng ta đừng quên rằng thập giá là ngai tòa của Thiên Chúa. Sẽ thật tốt cho chúng ta khi dừng lại để chiêm ngắm thập giá trong thinh lặng, và để nhìn thấy Thiên Chúa của chúng ta là ai: chính Ngài là người không dùng ngón tay để chỉ vào bất kỳ ai, thậm chí ngay cả những kẻ đóng đinh Ngài, nhưng mở rộng vòng tay Ngài cho tất cả; Ngài không nghiền nát chúng ta bằng vinh quang của mình, nhưng để cho bản thân bị tước đoạt vì chúng ta; Ngài không yêu thương chúng ta bằng lời nói nhưng tặng ban sự sống của Ngài trong lặng lẽ; Ngài không ép buộc chúng ta, nhưng giải phóng chúng ta; Ngài không cư xử với chúng ta như những người xa lạ, nhưng đã gánh lấy tất cả sự dữ của chúng ta trên mình Ngài; Ngài mang lấy tội của chúng ta trên mình Ngài. Và Ngài làm như vậy, để giải phóng chúng ta khỏi những định kiến về Thiên Chúa, vì thế chúng ta hãy nhìn lên Thập giá. Và rồi chúng ta mở Tin mừng ra. Trong những ngày này, tất cả chúng ta đều bị cách ly và ở nhà, phải ở trong nhà, chúng ta hãy cầm lấy hai điều này trên tay: Thánh giá và chúng ta chiêm ngắm; và chúng ta mở Tin mừng. Làm như vậy với chúng ta sẽ trở thành phụng vụ tại gia tuyệt vời — chúng ta cứ nói như vậy — vì chúng ta không thể đến nhà thờ trong những ngày này. Thánh giá và Tin mừng!

Trong Tin mừng chúng ta đọc thấy rằng, chẳng hạn khi dân chúng đến với Chúa Giê-su để tôn Ngài lên làm Vua, sau phép lạ hóa bánh ra nhiều, Ngài liền bỏ đi (x. Ga 6:15). Và khi những tên quỷ muốn tiết lộ vương quyền nước trời của Ngài, Ngài liền bắt chúng im lặng (x. Mc 1:24-25). Tại sao? Vì Chúa Giê-su không muốn bị hiểu lầm, Ngài không muốn dân chúng hiểu lầm về Thiên Chúa thật là tình yêu khiêm nhường, với một thần giả tạo nào đó, một thần của thế gian phô trương và ép buộc mọi người bằng sức mạnh. Ngài không phải là ma quỷ; Ngài là Thiên Chúa trở thành người phàm, như mỗi người chúng ta, và Ngài thể hiện bản thân như một con người nhưng với sức mạnh Thiên Chúa của Ngài. Trong Tin mừng, căn tính của Chúa Giê-su được trịnh trọng tuyên bố khi nào? Khi viên đại đội trưởng nói: “Quả thật, người này là Con Thiên Chúa”. Lời được nói tại đó, khi Ngài vừa hiến mạng sống trên thập giá thì chúng ta không thể nào lẫn lộn được nữa: chúng ta nhìn thấy rằng Thiên Chúa là tình yêu tuyệt đối, và chẳng có con đường nào khác. Đó là bản chất của Ngài vì Ngài là như vậy. Ngài là Tình yêu. Bạn có thể phản đối: “Tôi làm được gì với một Thiên Chúa quá yếu thế, đến mức phải chết? Tôi muốn có một Thiên Chúa hùng mạnh, một Thiên Chúa đầy quyền lực!” Nhưng anh chị em biết rằng, quyền lực của thế gian này qua đi, chỉ tình yêu còn ở lại. Chỉ tình yêu bảo vệ được sự sống của chúng ta vì nó ôm lấy những sự mong manh của chúng ta và biến đổi chúng. Chính tình yêu của Thiên Chúa trong ngày Phục sinh đã chữa lành tội của chúng ta bằng sự tha thứ của Ngài, Đấng đã biến cái chết chuyển thành sự sống, Đấng biến đổi nỗi sợ hãi của chúng ta thành niềm tin tưởng, nỗi thống khổ của chúng ta thành hy vọng. Phục sinh nói cho chúng ta biết rằng Thiên Chúa có thể biến mọi sự thành tốt lành, rằng với Ngài chúng ta vững tin rằng tất cả rồi sẽ tốt đẹp. Và đây không phải là một ảo tưởng, vì cái Chết và sự Phục sinh của Chúa Giê-su không phải là một ảo tưởng: nó là một sự thật! Để ý rằng tại sao trong buổi sáng Phục sinh chúng ta được bảo rằng: “Đừng sợ!” (Mt 28:5). Và những câu hỏi đau đớn về sự dữ không biến mất một cách đột ngột nhưng tìm thấy một nền tảng vững chắc trong Đấng Phục sinh giúp cho chúng ta không bị sụp đổ.

Anh chị em thân mến, Chúa Giê-su đã thay đổi lịch sử, hạ mình trở nên gần gũi với chúng ta, và làm cho nó trở thành lịch sử của ơn cứu độ, cho dù vẫn còn bị ghi dấu bởi sự dữ. Bằng cách hiến mạng sống mình trên thập giá, Chúa Giêsu cũng đã đánh bại sự chết. Tình yêu của Chúa đến với tất cả chúng ta từ trái tim rộng mở của Đấng bị Đóng Đinh. Chúng ta có thể thay đổi câu chuyện của mình bằng cách đến gần với Ngài, đón nhận ơn cứu độ Ngài trao tặng cho chúng ta. Thưa anh chị em, chúng ta hãy mở toàn bộ cõi lòng mình cho Ngài trong lời cầu nguyện, trong tuần này, trong những ngày này, với Thánh giá và Tin mừng. Đừng quên: Thánh giá và Tin mừng. Đây sẽ là phụng vụ tại gia. Chúng ta hãy mở toàn bộ cõi lòng mình cho Ngài trong lời cầu nguyện, cho phép cái nhìn của Ngài dừng lại trên chúng ta, và chúng ta sẽ hiểu rằng chúng ta không cô đơn, nhưng được yêu thương vì Thiên Chúa không bỏ rơi chúng ta và Ngài không quên chúng ta — không bao giờ. Và với những suy tư này, cha chúc anh chị em một Tuần lễ Thánh và một Phục sinh Thánh.

© Libreria Editrice Vatican

[Văn bản chính: tiếng Ý] [Bản dịch (tiếng Anh) của Virginia M. Forrester của ZENIT]



[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 9/4/2020]


Đức Thánh Cha xây dựng Quỹ Khẩn cấp để cứu trợ nạn nhân Coronavirus

Đức Thánh Cha xây dựng Quỹ Khẩn cấp để cứu trợ nạn nhân Coronavirus
Đức Thánh Cha Phanxico tại thời khắc cầu nguyện và ban phép lành “Urbi Et Orbi” ngày 27 tháng Ba

Đức Thánh Cha xây dựng Quỹ Khẩn cấp để cứu trợ nạn nhân Coronavirus

Đồng hành với các cộng đồng bị ảnh hưởng trong các quốc gia truyền giáo thông qua các tổ chức và cơ quan của Giáo hội

06 tháng Tư, 2020 17:02

Đức Thánh Cha đã thiết lập một quỹ khẩn cấp tại Hiệp hội Giáo hoàng Truyền giáo, để cứu trợ những người và cộng đồng bị ảnh hưởng nặng nề bởi sự lây lan COVID-19. Quỹ Khẩn cấp sẽ được sử dụng để đồng hành với những cộng đồng bị ảnh hưởng trong các quốc gia truyền giáo thông qua các tổ chức và cơ quan của Giáo hội, Vatican cho biết trong một thông cáo ngày 6 tháng Tư năm 2020.

Đức Hồng y Tagle, Tổng trưởng Bộ Rao giảng Tin mừng cho các Dân tộc, vui mừng với thông cáo: “Trong trách vụ rao giảng Tin mừng, Giáo hội thường đứng ở tiền tuyến của những mối đe dọa lớn đối với hạnh phúc con người. Chỉ riêng ở Châu Phi có trên 74.000 nữ tu và hơn 46.000 linh mục hoạt động trong 7.274 nhà thương và phòng khám bệnh, 2.346 nhà dưỡng lão và người dễ bị tổn thương, và giảng dạy cho hơn 19 triệu trẻ em trong 45.088 trường tiểu học. Trong nhiều vùng miền quê, họ là những người duy nhất cung cấp việc chăm sóc sức khỏe và giáo dục.” Ngài nói tiếp, “Đức Thánh Cha đang kêu gọi mạng lưới rộng lớn toàn Giáo hội để đối phó với những thách thức trước mặt.”

Đức Thánh Cha đã gửi 750.000 US$ như là khoản đóng góp đầu tiên cho quỹ và và kêu gọi các thực thể Giáo hội có khả năng và khát khao muốn trợ giúp, để đóng góp cho quỹ này thông qua Hội Giáo hoàng Truyền giáo ở mỗi quốc gia.

Đức Tổng Giám mục Dal Toso, Chủ tịch Hội Giáo hoàng Truyền giáo, nói:

“Quỹ này nhằm mục đích hỗ trợ sự hiện diện của Giáo hội trong các địa hạt truyền giáo, là những nơi cũng chịu đau khổ vì hậu quả của Corona Virus. Thông qua hoạt động rao giảng Tin mừng của Giáo hội và sự cứu trợ thực tế qua mạng lưới rộng khắp của chúng ta, chúng ta cho thấy rằng không ai bị cô đơn trong cuộc khủng hoảng này. Theo đó, các hội đoàn và thừa tác viên đóng một vai trò quan trọng. Đây là ý định của Đức Thánh Cha trong việc thiết lập quỹ này. Trong khi có quá nhiều người đau khổ, chúng ta nhớ đến và tiến đến với những người có thể chẳng còn ai để chăm sóc cho họ, từ đó thể hiện tình yêu của Thiên Chúa Cha.”

Hiệp hội Giáo hoàng Truyền giáo là kênh hỗ trợ chính thức của Đức Thánh Cha cho hơn 1.110 giáo phận chủ yếu ở Châu Á, Châu Phi, Châu Đại dương và một phần của vùng Amazon. Đức Tổng Giám mục nói tiếp: “Tôi kêu gọi mạng lưới của Hội Giáo hoàng Truyền giáo hiện diện trong từng giáo phận trên khắp thế giới, hãy làm những gì họ có thể để hỗ trợ cho sáng kiến quan trọng này của Đức Thánh Cha.”

Những đóng góp có thể gửi đến: IT84F0200805075000102456047 (SWIFT UNCRITMM) for: Amministrazione Pontificie Opere Missionarie, ghi rõ: Quỹ Corona-Virus.



[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 7/4/2020]