Thứ Hai, 4 tháng 10, 2021

Đức Thánh Cha nói đùa rằng người kế vị của ngài sẽ là Gioan XXIV

Đức Thánh Cha nói đùa rằng đấng kế vị của ngài sẽ là Gioan XXIV

Đức Thánh Cha nói vui rằng người kế vị của ngài sẽ là Gioan XXIV

Antoine Mekary | ALETEIA

Kathleen N. Hattrup

30/09/21


Đáp lại lời mời nhân dịp kỷ niệm của giáo phận vào năm 2025, Đức Thánh Cha Phanxicô nói đùa rằng vị giáo hoàng kế nhiệm sẽ làm việc đó.

Đến năm 2025, một đấng kế vị Đức Giáo hoàng Phanxicô sẽ ngồi trên ngai tòa Phêrô và tước hiệu của ngài có thể là Giáo hoàng Gioan XXIV, chính Đức Phanxicô đã ngụ ý trong một câu nói dí dỏm nhẹ nhàng với đức giám mục của Ragusa, Ý.

Đức Giám mục Giuseppe La Placa giải thích nhận xét khôi hài của Đức Giáo hoàng khi ngài đáp lại lời mời của đức giám mục đến Ragusa vào năm 2025 nhân kỷ niệm 75 năm thành lập giáo phận.

Đức giám mục nói với hãng tin Ansa, “Đức Thánh Cha đã nở nụ cười và một cái gật đầu đồng ý cùng với một câu nói đùa trả lời tôi rằng vào năm 2025, Đức Gioan XXIV sẽ thực hiện chuyến thăm đó.”


Chưa phải lúc này

Vào đầu tháng Chín, Đức Thánh Cha Phanxicô nói với một đài phát thanh Tây Ban Nha rằng sức khỏe của ngài tốt, sau cuộc phẫu thuật đại tràng vào đầu tháng Bảy. “Tôi thậm chí còn chưa nghĩ đến việc từ chức,” Giáo hoàng nói.

Tuy nhiên, Đức Giáo Hoàng cũng nói rõ rằng ngài luôn tâm niệm rằng cuộc sống là ngắn ngủi, và chúng ta phải chuẩn bị cho cái chết của mình. Ngài sẽ bước sang tuổi 85 vào tháng Mười Hai. Vào năm 2014, khi trở về từ Hàn Quốc, ngài đã nói đùa với các nhà báo rằng trong hai hoặc ba năm nữa, ngài sẽ “về nhà của Cha”.


Tước hiệu giáo hoàng

Về tước hiệu mà vị giáo hoàng tiếp theo có thể chọn, nó sẽ hoàn toàn tùy thuộc vào vị giáo hoàng đó. Nếu ngài chọn tước hiệu Gioan XXIV, ngài sẽ theo những bước chân của Thánh Gioan XXIII là người khai mạc Công đồng Vatican II, và được gọi là Đức Giáo hoàng Nhân lành hay Giáo hoàng của nụ cười.

Đức Gioan XXIII được Đức Thánh Cha Phanxicô phong thánh năm 2014, cùng với Thánh Gioan Phaolô II. Ngày lễ của ngài không phải là ngày qua đời, như thường lệ, mà là ngày 11 tháng Mười, ngày khai mạc Công đồng Vatican II.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã phá vỡ các truyền thống gần đây khi chọn một tước hiệu hoàn toàn mới chưa từng được sử dụng bởi một vị giáo hoàng nào trước đây. Đây là lần đầu tiên điều này xảy ra kể từ thế kỷ thứ 10. Ngài nói rằng tước hiệu đến với ngài khi một vị hồng y ôm ngài ngay sau cuộc bầu cử.

[Đức Hồng y ôm tôi và nói], ‘Xin ngài đừng quên người nghèo’’… và điều đó đánh động tôi … người nghèo … Ngay lập tức tôi nghĩ đến Thánh Phanxicô Assisi. Thánh Phanxicô là một người của hòa bình, một người của sự nghèo khó, một người yêu thương và bảo vệ tạo vật.

Nếu có đấng sẽ chọn tước hiệu Phanxicô, thì ngài sẽ là Phanxicô II.


Đấng tháo gỡ nút thắt

Cuộc trò chuyện của Đức Giám mục La Placa với Đức Giáo hoàng diễn ra trong một buổi tiếp kiến riêng vào ngày 27 tháng Chín. Đức Giám mục cũng cho biết rằng buổi tiếp kiến đã để lại ấn tượng mạnh về “tâm hồn của người hiền phụ và tinh thần tông đồ” của Đức Thánh Cha.

Đức cha đã tặng một món quà cho Đức Giáo hoàng, cảm ơn nghệ sĩ Giovanni Scalambrieri, người đã đồng hành với đức giám mục. Nghệ sĩ đã tặng cho Đức Phanxicô một bức tượng bằng đồng Đức Mẹ Đấng Tháo gỡ Nút thắt của ông. Tác phẩm cao khoảng 2 bộ (gần 61cm) được làm bằng kỹ thuật wax.

Lễ Đức Mẹ Tháo gỡ Nút thắt được cử hành vào ngày 26 tháng Chín, và là một trong những tước hiệu của Đức Mẹ mà Đức Giáo hoàng yêu thích.


[Nguồn: aleteia]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 4/10/2021]


Kinh Truyền tin của Đức Thánh Cha Phanxicô ngày 3 tháng 10, 2021

Kinh Truyền tin của Đức Thánh Cha Phanxicô ngày 3 tháng 10, 2021

Kinh Truyền tin của Đức Thánh Cha Phanxicô

Quảng trường Thánh Phêrô

Chúa nhật, 3 tháng Mười, 2021

________________________


Anh chị em thân mến, buongiorno!

Trong Tin Mừng của Phụng vụ hôm nay, chúng ta thấy Chúa Giêsu phản ứng có phần khác thường: Ngài nổi giận. Và điều đáng ngạc nhiên nhất là sự nổi giận của Ngài không phải do những người Pharisêu đã thử thách Ngài với những câu hỏi về tính hợp pháp của việc ly dị, nhưng là bởi các môn đệ của Ngài, để bảo vệ Ngài khỏi đám đông, các ông quở trách những trẻ em đã được đưa đến với Chúa Giêsu. Nói cách khác, Chúa không nổi giận với những người tranh luận với Ngài, nhưng với những người đã khiến các trẻ phải xa lánh Ngài, để giảm bớt gánh nặng cho Ngài. Tại sao? Đây là một câu hỏi rất hay: tại sao Chúa làm điều này?

Chính trong bài Tin Mừng cách đây hai Chúa Nhật, chúng ta nhớ rằng Chúa Giêsu, khi thực hiện cử chỉ ôm một đứa trẻ vào lòng, đã đồng hóa Ngài với những người bé mọn: Ngài dạy rằng quả thật chính những trẻ nhỏ, tức là những người phải lệ thuộc vào người khác, tức là những người đang thiếu thốn và không có khả năng đền đáp, là những người được phục vụ trước hết (xem Mc 9,35-37). Những ai tìm kiếm Thiên Chúa sẽ tìm thấy Người ở đó, nơi những người bé mọn, nơi những người thiếu thốn: thiếu thốn không chỉ về của cải vật chất, nhưng là thiếu thốn sự chăm sóc và an ủi, chẳng hạn như những người bệnh, những người bị sỉ nhục, những tù nhân, những người nhập cư, những người bị giam giữ. Người ở đó: trong những người nhỏ bé. Đây là lý do tại sao Chúa Giêsu nổi giận: bất cứ một sự sỉ nhục nào được thực hiện đối với một người bé mọn, một người nghèo, một trẻ em, một người không có khả năng tự vệ, đều là làm đối với Ngài.

Hôm nay một lần nữa Chúa chọn lại lời giáo huấn này và hoàn thành nó. Thật vậy, Ngài nói thêm: “Ai không đón nhận Nước Thiên Chúa với tâm hồn một trẻ em, thì sẽ chẳng được vào” (Mc 10:15). Đây là điều mới mẻ: người môn đệ không những phải phục vụ những người bé mọn, mà còn phải nhìn nhận mình là một người nhỏ bé. Và mỗi người chúng ta, chúng ta có nhận mình là nhỏ bé trước mặt Chúa không? Hãy suy nghĩ về điều đó, nó sẽ hữu ích cho chúng ta. Ý thức mình nhỏ bé, ý thức về sự cần thiết của ơn cứu rỗi là tuyệt đối cần thiết để tiếp đón Chúa. Đó là bước đầu tiên trong việc mở lòng đón nhận Ngài. Tuy nhiên, chúng ta thường quên điều này. Trong sự thịnh vượng, trong sự sung túc, chúng ta có ảo tưởng về sự thỏa mãn dư dật, rằng chúng ta đã có đủ, rằng chúng ta không cần Chúa. Thưa anh chị em, đây là một sự lừa phỉnh, vì mỗi người chúng ta đều là những người thiếu thốn, một người nhỏ bé. Chúng ta phải tìm ra sự nhỏ bé của mình và nhận biết nó. Và ở đó, chúng ta sẽ tìm thấy Chúa Giêsu.

Trong cuộc sống, nhận biết sự nhỏ bé của bản thân là điểm khởi đầu để trở nên vĩ đại. Nếu suy nghĩ về điều đó, chúng ta thấy rằng trưởng thành không dựa quá nhiều trên những thành công và những thứ chúng ta có, mà trên hết là trong những thời gian khó khăn và mong manh. Chính ở đó, trong sự thiếu thốn của chúng ta, chúng ta trưởng thành; ở đó chúng ta mở rộng tâm hồn mình cho Chúa, cho người khác, cho ý nghĩa của cuộc sống. Chúng ta hãy mở mắt để nhìn đến tha nhân. Chúng ta hãy mở mắt nhìn, khi chúng ta nhỏ bé, đến ý nghĩa thực sự của cuộc sống. Khi chúng ta cảm thấy mình nhỏ bé trước một vấn đề, nhỏ bé trước thập giá, trước bệnh tật, khi trải qua sự mệt mỏi và cô đơn, thì chúng ta đừng nản lòng. Mặt nạ của tính hình thức bên ngoài đang rơi xuống và sự yếu đuối của chúng ta đang trồi lên: đó là điểm chung của chúng ta, là kho tàng của chúng ta, bởi vì đối với Thiên Chúa, sự yếu đuối không phải là một trở ngại nhưng là một cơ hội. Một lời cầu nguyện đẹp sẽ như thế này: “Lạy Chúa, xin nhìn đến sự yếu đuối của con…” và liệt kê những yếu đuối đó trước mặt Ngài. Đây là một thái độ tốt trước mặt Chúa.

Thật vậy, chính trong sự yếu đuối mà chúng ta khám phá thấy rằng Chúa chăm sóc chúng ta biết bao nhiêu. Tin Mừng hôm nay cho biết Chúa Giêsu rất dịu dàng với những trẻ nhỏ: “Người ôm lấy các trẻ em và đặt tay chúc lành cho chúng” (câu 16). Những khó khăn và hoàn cảnh bộc lộ sự yếu đuối của chúng ta là những cơ hội đặc biệt để cảm nhận tình yêu thương của Ngài. Những ai kiên trì cầu nguyện đều biết rõ điều này: trong những thời khắc tăm tối hoặc cô đơn, sự dịu dàng của Chúa đối với chúng ta, có thể nói rằng, càng thấy rõ hơn. Khi chúng ta nhỏ bé, chúng ta cảm nhận được sự dịu dàng của Chúa nhiều hơn. Sự dịu dàng này mang lại cho chúng ta sự bình an; sự dịu dàng này làm cho chúng ta phát triển, bởi vì Chúa đến gần chúng ta theo cách của Ngài, đó là sự gần gũi, lòng từ bi và sự dịu dàng. Và, khi chúng ta cảm thấy mình nhỏ bé, nhỏ bé, vì bất cứ lý do gì, Chúa đến gần hơn, chúng ta cảm thấy Người gần hơn. Ngài ban cho chúng ta sự bình an; Ngài làm cho chúng ta phát triển. Trong lời cầu nguyện, Chúa kéo chúng ta đến gần với Ngài, như một người cha với đứa con của mình. Đây là cách chúng ta trở nên vĩ đại: không phải trong ảo tưởng bề ngoài về sự dư dật của chúng ta – điều này chẳng làm cho người nào trở nên vĩ đại – nhưng trong sức mạnh của việc đặt tất cả hy vọng của chúng ta vào Chúa Cha, giống như những đứa trẻ làm, chúng làm điều này.

Hôm nay chúng ta hãy xin Mẹ Maria Đồng Trinh một ơn lớn lao, đó là ơn trở nên nhỏ bé: trở thành những đứa con vững tin vào Chúa Cha, chắc chắn rằng Người sẽ không từ bỏ chăm sóc chúng ta.

_____________________________________________

Sau Kinh Truyền tin, Đức Thánh Cha tiếp tục:

Anh chị em thân mến,

Tôi rất đau buồn về những gì đã xảy ra trong các ngày gần đây tại nhà tù Guayaquil ở Ecuador. Một vụ bạo lực khủng khiếp bùng phát giữa các tù nhân thuộc các băng đảng đối địch đã khiến hơn một trăm người chết và nhiều người bị thương. Tôi cầu nguyện cho họ và cho gia đình của họ. Xin Chúa giúp chúng ta chữa lành những vết thương của tội ác, trói buộc những người nghèo nhất trong vòng nô lệ. Và xin Người giúp cho những người đang làm việc hàng ngày để cuộc sống trong tù trở nên nhân đạo hơn.

Một lần nữa tôi cầu xin Thiên Chúa ban ơn hòa bình cho mảnh đất Myanmar thân yêu: cầu mong bàn tay của những người đang sống ở đó không còn phải lau những giọt nước mắt đau thương và cái chết, nhưng thay vào đó là cùng chung sức vượt qua khó khăn và cùng nhau làm việc để mang lại hòa bình.

Hôm nay, tại Catanzaro, chị Maria Antonio Samà và chị Gaetana Tolomeo, hai người phụ nữ bị liệt nằm bất động suốt đời, sẽ được phong chân phước. Được nâng đỡ bởi ân sủng của Chúa, họ đã ôm lấy thập giá là sự yếu đuối của họ, biến nỗi đau thành lời ngợi khen Thiên Chúa. Chiếc giường của họ đã trở thành điểm tham chiếu thiêng liêng và là nơi cầu nguyện và phát triển cho người Kitô hữu tìm thấy niềm an ủi và hy vọng ở đó. Chúng ta cùng vỗ tay hoan hô các vị tân Chân Phước!

Trong ngày Chúa nhật đầu tiên của tháng Mười này, suy nghĩ của chúng ta hướng về các tín hữu tập trung tại Đền thờ Pompeii để đọc kinh Cầu xin Đức Trinh Nữ Maria. Trong tháng này, chúng ta cùng làm mới lại cam kết cầu nguyện bằng Kinh Mân Côi.

Cha chào anh chị em người Roma thân yêu và anh chị em hành hương! Đặc biệt, các tín hữu của Wépion, giáo phận Namur ở Bỉ; các bạn trẻ của Uzzano, thuộc giáo phận Pescia; và các bạn trẻ khuyết tật đến từ Modena, cùng với các Nữ tu Dòng Tiểu muội Chúa Giêsu Lao động và các thiện nguyện viên. Về vấn đề này, hôm nay ở Ý là Ngày tháo bỏ các rào cản kiến trúc: mọi người có thể chung tay vì một xã hội trong đó không ai cảm thấy bị loại bỏ. Cảm ơn về công việc của anh chị em.

Cha chúc tất cả anh chị em Chúa nhật tốt lành. Kể cả các thiếu nhi của giáo xứ Immacolata! Và xin đừng quên cầu nguyện cho cha. Chúc anh chị em bữa trưa ngon miệng, và arrivederci!



[Nguồn: vatican.va]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 4/10/2021]