Thứ Hai, 5 tháng 9, 2022

“Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô đã truyền đạt lòng nhân hậu của Chúa bằng nụ cười”

“Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô đã truyền đạt lòng nhân hậu của Chúa bằng nụ cười”

Bài giảng lễ Phong Chân phước Đức Gioan Phaolô I của Đức Thánh Cha Phanxicô

“Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô đã truyền đạt lòng nhân hậu của Chúa bằng nụ cười”

© Vatican Media

 

Vào lúc 10 giờ 30 sáng hôm nay, Chúa Nhật ngày 4 tháng Chín năm 2022, Đức Thánh Cha Phanxicô đã chủ tế Thánh Lễ trên lễ đài của Vương cung Thánh đường Vatican, tuyên phong Chân phước cho Tôi tớ Chúa là Đức Gioan Phaolô I, tên khai sinh của ngài là Albino Luciani (1912-1978).

Sau đây chúng tôi công bố văn bản bài giảng của Đức Giáo Hoàng (ND: bản tiếng Anh) trong nghi thức phong chân phước trọng thể.

*******

Bài giảng của Đức Thánh Cha

Chúa Giêsu đang lên đường đến Giêrusalem, và Tin Mừng hôm nay cho chúng ta biết rằng “có rất đông người cùng đi với Chúa Giêsu” (Lc 14:25). Cùng đi với Chúa Giêsu có nghĩa là theo Người, trở thành môn đệ của Người. Tuy nhiên, thông điệp của Chúa cho những người đó quả thực không hấp dẫn; thật vậy, thông điệp đó thật khó khăn: ai không yêu mến Chúa hơn gia đình của mình, ai không vác thập tự giá, ai còn gắn bó với những của cải thế gian, thì không thể làm môn đệ của Người (xem các câu 26-27.33). Tại sao Chúa Giêsu nói những điều này với đám đông? Những lời răn dạy này có ý nghĩa gì? Chúng ta cố gắng trả lời những câu hỏi này.

“Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô đã truyền đạt lòng nhân hậu của Chúa bằng nụ cười”


Trước hết, chúng ta thấy rất đông người theo Chúa Giêsu. Chúng ta có thể hình dung thấy rằng nhiều người đã được cuốn hút bởi Lời của Chúa, kinh ngạc về những điều Ngài làm và xem Chúa như một nguồn hy vọng cho tương lai. Về vấn đề đó, một người thầy giảng ở thời đại đó, hoặc một nhà lãnh đạo tinh anh sẽ làm gì khi thấy rằng lời nói và sức hút của mình lôi cuốn được đám đông và làm gia tăng tiếng tăm của họ? Điều tương tự cũng xảy ra ngày nay, vào những thời điểm khủng hoảng cá nhân hoặc xã hội, khi chúng ta trở thành con mồi của cảm giác giận dữ hoặc chúng ta lo sợ những điều đe dọa tương lai của chúng ta. Chúng ta trở nên nhạy cảm hơn, và từ đó, theo dòng cảm xúc, chúng ta tìm đến những người có thể lợi dụng hoàn cảnh một cách khôn ngoan, thu lợi từ những nỗi sợ hãi của xã hội và hứa hẹn trở thành “vị cứu tinh” có thể giải quyết mọi vấn đề, trong khi thực tế là họ đang tìm kiếm sự tán thành rộng rãi hơn và quyền lực lớn hơn, dựa trên ấn tượng mà họ tạo ra, dựa trên khả năng họ có được những thứ trong tay.

Tin mừng cho chúng ta biết rằng đây không phải là con đường của Chúa Giêsu. Phong cách của Chúa hoàn toàn khác. Điều quan trọng là phải hiểu được phong cách của Thiên Chúa, cách thức Người hành động. Thiên Chúa hành động theo một phong cách, và phong cách của Chúa thì khác với phong cách của con người, vì Ngài không lợi dụng những thiếu thốn của chúng ta hoặc tận dụng tính dễ bị tổn thương của chúng ta cho sự khuếch trương của Ngài. Chúa không muốn quyến rũ chúng ta bằng những lời hứa lừa gạt hoặc phân phát những đặc ân rẻ tiền; Chúa không quan tâm đến những đám đông khổng lồ. Người không bị ám ảnh bởi những con số; Người không tìm kiếm sự tán thành; Người không thần tượng hóa thành công của bản thân. Ngược lại, Chúa dường như lo lắng khi mọi người đi theo Người với sự hào hứng và nhiệt tình phù phiếm. Kết quả là, thay vì phục tùng sức hấp dẫn của sự nổi tiếng – sự nổi tiếng rất hấp dẫn – Chúa yêu cầu mỗi người phải phân định cách cẩn thận lý do họ đi theo Người và những hệ quả nó sẽ dẫn đến. Vì nhiều người trong đám đông đó có thể theo Chúa Giêsu vì họ hy vọng Ngài sẽ trở thành một nhà lãnh đạo có khả năng giải thoát họ khỏi những kẻ thù, trở thành một người khi lên nắm quyền sẽ chia sẻ quyền lực đó với họ, hoặc một người có thể làm biến mất sự đói khát và bệnh tật bằng cách thực hiện những phép lạ. Chúng ta có thể theo Chúa vì nhiều lý do. Chúng ta phải thừa nhận rằng một số những lý do đó mang tính thế gian. Một vỏ bọc tôn giáo bên ngoài hoàn hảo có thể dùng để che đậy sự thỏa mãn nhu cầu cá nhân, tìm kiếm uy tín cá nhân, khao khát có một địa vị xã hội nhất định hoặc kiểm soát được mọi thứ, thèm khát quyền lực và đặc quyền, ao ước được công nhận, v.v. . Ngày nay điều này vẫn xảy ra giữa những người Kitô hữu. Tuy nhiên, đó không phải là phong cách của Chúa Giêsu. Đó không thể là phong cách của các môn đệ và của Giáo hội của Người. Nếu ai theo Chúa Giêsu với sự tư lợi này, thì người đó đã đi sai đường.

Chúa đòi hỏi một thái độ khác. Theo Chúa không có nghĩa là trở thành một phần của tòa án hay một đoàn rước khải hoàn, hay nhận được một chính sách bảo hiểm trọn đời. Trái lại, nó có nghĩa là “vác thập giá mình” (Lc 14:27): vác trên vai những gánh nặng của mình và của người khác như Chúa, dâng hiến cuộc đời mình trở thành món quà chứ không phải là sở hữu, sống cuộc sống noi gương tình yêu quảng đại và đầy lòng thương xót của Người dành cho chúng ta. Đây là những quyết định liên quan đến toàn bộ cuộc sống của chúng ta. Vì lý do này, Chúa Giêsu muốn rằng các môn đệ của Ngài không yêu điều gì hơn tình yêu này, ngay cả tình cảm sâu sắc nhất và những kho tàng quý giá nhất của họ.

Để làm được điều này, chúng ta cần nhìn vào Chúa nhiều hơn vào bản thân chúng ta, để học cách yêu thương, và học điều này từ Đấng bị Đóng đinh. Nơi Người, chúng ta nhìn thấy một tình yêu tự hiến đến tận cùng, không có thước đo và không có giới hạn. Thước đo của tình yêu là yêu không cần thước đo. Theo lời của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô, “chúng ta là đối tượng của tình yêu bất diệt của Thiên Chúa” (Kinh Truyền tin, ngày 10 tháng Chín năm 1978). Một tình yêu bất diệt: nó không bao giờ chìm dưới chân trời của cuộc đời chúng ta; nó chiếu sáng trên chúng ta và tỏa sáng trong cả những đêm đen tối nhất của chúng ta. Khi chúng ta chiêm ngắm Chúa bị đóng đinh, chúng ta được mời gọi vươn tới những đỉnh cao của tình yêu đó, để những ý tưởng sai lệch của chúng ta về Thiên Chúa và về sự tự mãn của chúng ta được thanh tẩy, và để yêu mến Chúa và yêu thương tha nhân, trong Giáo hội và trong xã hội, kể cả những người không có cái nhìn mọi sự như chúng ta, để yêu cả kẻ thù của chúng ta.

Yêu thương thậm chí phải trả giá bằng sự hy sinh, sự im lặng, hiểu lầm, cô đơn, chống đối và ngược đãi. Yêu theo cách này, thậm chí với cái giá như vậy, vì như Chân phước Gioan Phaolô I đã nói, nếu bạn muốn hôn Chúa Giêsu bị đóng đinh, “bạn không thể không cúi xuống thập tự giá và để mình bị đâm bởi một vài chiếc gai trên mão gai của Chúa” (Tiếp Kiến chung, ngày 27 tháng Chín năm 1978). Một tình yêu kiên trì đến cùng, chông gai và tất cả: không làm điều gì dở dang, không theo con đường tắt, không trốn chạy khó khăn. Nếu chúng ta không hướng lên cao, nếu chúng ta từ chối chấp nhận rủi ro, nếu chúng ta bằng lòng với một đức tin xuống dốc, như Chúa Giêsu nói, chúng ta giống như những người muốn xây một tòa tháp nhưng không ước tính được chi phí; họ “đặt móng”, nhưng sau đó “không có khả năng làm xong” (câu 29). Nếu nỗi sợ đánh mất bản thân khiến chúng ta ngừng hiến dâng bản thân là chúng ta bỏ dở dang mọi thứ: các mối tương quan và công việc của chúng ta, trách nhiệm và cam kết, ước mơ và thậm chí cả niềm tin của chúng ta. Và rồi cuối cùng chúng ta sống cuộc sống nửa vời – và không biết bao nhiêu người sống cuộc đời nửa vời, và chúng ta cũng thường bị cám dỗ sống theo cách đó – mà không bao giờ thực hiện bước đi quyết định – đây là ý nghĩa của việc sống nửa vời – mà không bao giờ bay cao, không bao giờ chấp nhận rủi ro vì việc thiện, và không bao giờ thực sự cam kết giúp đỡ người khác. Chúa Giêsu đòi hỏi chúng ta điều này: hãy sống Tin Mừng và bạn sẽ sống trọn cuộc đời của mình, không phải nửa chừng mà là trọn vẹn. Hãy sống Tin mừng, sống trọn vẹn, không có thỏa hiệp.

Anh chị em thân mến, vị tân Chân phước của chúng ta đã sống theo cách đó: trong niềm vui của Tin Mừng, không thỏa hiệp, yêu thương đến cùng. Ngài thể hiện sự nghèo khó của người môn đệ, không chỉ là tách rời khỏi của cải vật chất, mà còn chiến thắng cám dỗ đặt mình làm trung tâm, tìm kiếm vinh quang cho bản thân. Trái lại, theo gương Chúa Giêsu, ngài thật là một mục tử hiền lành và khiêm nhường. Ngài gọi mình là hạt bụi mà Thiên Chúa đã rủ lòng thương để viết lên (xem A. LUCIANI / JOHN PAUL I, Opera Omnia, Padua, 1988, quyển II, 11). Đó là lý do ngài nói: “Chúa đã nhiều lần dạy bảo điều đó: hãy khiêm nhường. Ngay cả khi bạn làm được những điều vĩ đại, hãy chỉ nói rằng: ‘Chúng ta là những người đầy tớ vô dụng’” (Tiếp kiến chung, 6 tháng Chín, 1978).

Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô đã truyền đạt lòng nhân hậu của Chúa bằng nụ cười. Thật đẹp biết bao khi có một Giáo hội với khuôn mặt hạnh phúc, thanh thản và tươi cười, một Giáo hội không bao giờ đóng cửa, không bao giờ chai cứng trong lòng, không bao giờ than phiền hay nuôi dưỡng oán hận, không giận dữ hay nóng nảy, không ủ rũ hay hoài niệm về quá khứ, rơi vào thái độ quay ngược trở lại. Chúng ta hãy cầu nguyện với ngài, người cha và người huynh đệ của chúng ta, và xin ngài chuyển cầu cho chúng ta “nụ cười của tâm hồn”, một nụ cười trong sáng không lừa dối, nụ cười của tâm hồn. Chúng ta hãy cầu nguyện bằng lời của ngài: “Lạy Chúa hãy nhìn đến con với con người thật của con, với những khiếm khuyết, với những thiếu sót, nhưng hãy làm cho con trở thành điều Chúa muốn” (Tiếp kiến chung, 13 tháng Chín 1978). Amen.

____________________________________________________

Kinh Truyền tin

Cuối Thánh lễ được cử hành trong sân trước của Vương cung Thánh đường Vatican tuyên phong Chân phước Gioan Phaolô I, trước khi đọc Kinh Truyền tin, Đức Thánh Cha Phanxicô đã có những lời sau đây với các tín hữu và khách hành hương có mặt tại Quảng trường Thánh Phêrô:

Trước Kinh Truyền tin

Anh chị em thân mến,

Trước khi kết thúc thánh lễ, tôi xin gửi lời chào đến tất cả anh chị em và cảm ơn anh chị em đã tham dự.

Tôi xin cảm ơn các huynh đệ hồng y, giám mục, và linh mục đã đến từ nhiều quốc gia khác nhau.

Tôi gửi lời chào các phái đoàn đến đây để bày tỏ lòng tôn kính đối với vị tân Chân phước. Tôi xin gửi lời chào trân trọng đến ngài Tổng thống nước Cộng hòa Ý và Thủ tướng Công quốc Monaco.

Cha chào tất cả anh chị em hành hương, đặc biệt là các tín hữu đến từ Venice, Belluno và Vittorio Veneto, những nơi gắn liền với cuộc đời con người, linh mục và giám mục của Chân phước Albino Luciani.

Và bây giờ chúng ta dâng lời cầu nguyện lên Đức Trinh Nữ Maria, để Mẹ có thể ban món quà hòa bình trên khắp thế giới, đặc biệt là cho Ukraine đang bị chiến tranh tàn phá. Xin Mẹ, người môn đệ đầu tiên và hoàn hảo của Chúa, giúp chúng ta noi theo tấm gương và sự thánh thiện trong cuộc sống của Gioan Phaolô I.



[Nguồn: exaudi]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 5/9/2022]


Một kiệt tác mất 500 năm để hoàn thành: Hòm bia của Thánh Đa Minh

Một kiệt tác mất 500 năm để hoàn thành: Hòm bia của Thánh Đa Minh

Một kiệt tác mất 500 năm để hoàn thành: Hòm bia của Thánh Đa Minh

Joaquin Ossorio Castillo | Shutterstock

Daniel Esparza 

01/09/22


Được thực hiện theo từng giai đoạn riêng, bởi những nhà điêu khắc lừng danh nhất của mỗi thời kỳ, Hòm bia Thánh Đa Minh chứa hài cốt của vị thánh Tây Ban Nha.

Hòm Bia của Thánh Đa Minh, trong Vương cung thánh đường San Domenico ở Bologna (Ý), là một công trình kỷ niệm chứa hài cốt của Santo Domingo De Guzmán, vị sáng lập Dòng Thuyết giáo. Phải mất khoảng 500 năm để hoàn thành ngôi mộ của Thánh Đa Minh, và một số nhà điêu khắc giỏi nhất trong lịch sử nghệ thuật Ý đã làm việc với công trình, từ điêu khắc gia Nicola Pisano đến Michelangelo.

Sinh quán tại Caleruega (một thị trấn nhỏ cách Burgos một giờ lái xe về phía nam) vào cuối thế kỷ 12, Thánh Đa Minh qua đời ở Bologna vào năm 1221, trong tu viện lúc bấy giờ của nhà thờ San Nicolò delle Vigne. Chẳng bao lâu sau nhà thờ được mở rộng và lấy tên theo vị thánh người Tây Ban Nha, trở thành Vương cung Thánh đường San Domenico.

Thánh Đa Minh ban đầu được chôn cất sau bàn thờ của nhà thờ. Mười năm sau di hài của ngài được di chuyển và đặt trong một quan tài bằng đá cẩm thạch trang nhã trên nền nhà thờ. Ngôi mộ nhanh chóng trở thành địa điểm hành hương nổi tiếng. Nhưng hầu hết người hành hương đều không thể tiếp cận được mộ của Thánh Đa Minh: ngôi mộ gần như bị che khuất suốt mọi lúc bởi số lượng đông đảo người đứng trước mộ, cầu nguyện cả ngày lẫn đêm. Một công trình lớn hơn, có thể nhìn thấy từ xa, trở nên cần thiết.

Một kiệt tác mất 500 năm để hoàn thành: Hòm bia của Thánh Đa Minh

Nicola Pisano đã thiết kế ngôi mộ mới và chạm khắc một số hình nhân ở mặt trước của quan tài.

Các tu sĩ Đa Minh thuê nhà điêu khắc trứ danh Nicola Pisano. Pisano được coi là nhà điêu khắc cuối cùng theo phong cách Gothic và là người tiên phong của trường phái Phục hưng. Ông đã thiết kế ngôi mộ mới và chạm khắc một số hình nhân ở mặt trước quan tài. Nhưng chẳng bao lâu sau ông phải rời Bologna, vì ông được gọi đến Siena để xây dựng tòa giảng cho nhà thờ chánh tòa, vì ông đã rất nổi tiếng với công trình của mình trong Đền Rửa tội Pisa. Một người trợ lý của ông, Lapo Di Ricevuto, đã hoàn thành phần đầu tiên của công trình kỷ niệm vào khoảng năm 1265.

Mộ được đặt giữa nhà thờ vào năm 1411. Một nhóm các nhà điêu khắc do điêu khắc gia Niccolò Da Bari dẫn đầu đã thêm một vương miện trên nắp bằng của quan tài. Tác phẩm này đã khiến Da Bari trở nên lừng danh đến mức ngày nay ông được biết đến với cái tên Niccolò Dell'Arca, liên quan đến Hòm bia Thánh Đa Minh. Trong số các nhà điêu khắc do Dell’Arca dẫn đầu có Michelangelo trẻ, người đã thêm hình ảnh San Petronio và San Procolo vào tượng đài.

Nhà nguyện được xây dựng lại vào năm 1597 bởi kiến trúc sư nổi tiếng Floriano Ambrosini, vì các tu sĩ nhận thấy cần phải có một nhà nguyện khang trang hơn để lưu giữ di hài của đấng sáng lập và đón nhận rất nhiều khách hành hương đã đi bộ theo đường Dominican Camino để đến đó. Bức bích họa trên mái vòm của nhà nguyện mới này, được đặt tên là Glory of St. Dominic, là tác phẩm của họa sĩ bậc thầy theo trường phái cổ điển Guido Reni.

Một kiệt tác mất 500 năm để hoàn thành: Hòm bia của Thánh Đa MinhBức bích họa trên mái vòm của nhà nguyện mới, the Glory of Saint Dominic, là tác phẩm của họa sĩ bậc thầy theo trường phái cổ điển Guido ReniShutterstock

Ngày nay, Vương cung Thánh đường vẫn là điểm dừng chân cuối cùng của con đường hành hương Dominican Camino, bắt đầu tại Caleruega quê hương của thánh nhân thuộc miền bắc Tây Ban Nha.


[Nguồn: aleteia]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 2/9/2022]