Thứ Năm, 30 tháng 1, 2020

TIẾP KIẾN CHUNG: Tám Mối Phúc (Toàn văn)

TIẾP KIẾN CHUNG: Tám Mối Phúc (Toàn văn)
General Audience In Paul VI - Copyright / Vatican Media

TIẾP KIẾN CHUNG: Tám Mối Phúc (Toàn văn)

‘Thật tốt cho chúng ta khi mở trang Tin mừng Mát-thêu hôm nay, Chương Năm, câu một đến mười một để hiểu được con đường tuyệt mỹ mà Chúa giới thiệu cho chúng ta, chắc chắn sẽ đưa đến hạnh phúc’

29 tháng Một, 2020 14:04

Buổi Tiếp Kiến Chung sáng nay được tổ chức lúc 9:05 sáng trong Khán phòng Phaolo VI, tại đây Đức Thánh Cha Phanxico gặp gỡ các nhóm khách hành hương và tín hữu từ nước Ý và khắp nơi trên thế giới.

Trong bài huấn từ bằng tiếng Ý, Đức Thánh Cha bắt đầu loạt giáo lý mới về Tám Mối Phúc (trình thuật Kinh Thánh trích Tin mừng theo Thánh Mát-thêu (5:1-11).

Sau phần tóm lược bài giáo lý bằng một số ngôn ngữ, Đức Thánh Cha gửi lời chào đặc biệt đến những nhóm tín hữu hiện diện.

Buổi Tiếp Kiến Chung kết thúc với bài hát Kinh Lạy Cha và Phép Lành Tòa Thánh.

* * *


Bài giáo lý của Đức Thánh Cha

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Hôm nay chúng ta bắt đầu một loạt giáo lý về Tám Mối Phúc trong Tin mừng của Thánh Mát-thêu (5:1-11). Văn bản mở ra với “Bài giảng trên Núi,” và điều đó làm sáng tỏ đời sống của người tín hữu cũng như của nhiều người không tín ngưỡng. Thật khó để không bị chạm đến bởi những những lời này của Chúa Giê-su, và khao khát muốn hiểu được ngay lập tức và đón nhận chúng trọn vẹn hơn. Tám Mối Phúc chứa đựng “thẻ căn cước” của người Ki-tô hữu — đây là thẻ căn cước của chúng ta –, vì chúng phác họa nên dung nhan của Chúa Giê-su, cách sống của Người.

Bây giờ chúng ta xét tổng quát những lời dạy của Chúa Giê-su; trong các bài giáo lý tiếp theo chúng ta sẽ phân tích từng Mối Phúc.

Trước hết, quan trọng là hiểu được bối cảnh việc công bố thông điệp này diễn ra như thế nào: Chúa Giê-su nhìn thấy những đám đông đi theo, Người liền đi lên triền dốc thoai thoải bao quanh Biển hồ Ga-li-lê; Người ngồi xuống, các môn đệ đến gần bên, công bố các Mối Phúc. Vì vậy, thông điệp gửi trực tiếp cho các môn đệ, tuy nhiên, các đám đông đang ở phía những chân trời, tức là toàn thể nhân loại. Đó là thông điệp cho toàn thể nhân loại.

Hơn nữa, “Núi” chỉ về Núi Si-nai là nơi Đức Chúa trao cho Môi-sê Mười Điều Răn. Chúa Giê-su bắt đầu giảng dạy điều răn mới: nghèo khó, hiền lành, có lòng thương xót … Những “điều răn mới” vượt ra ngoài những quy phạm. Thật vậy, Chúa Giê-su không áp đặt bất cứ điều gì, nhưng chỉ ra con đường hạnh phúc — con đường của Ngài — lặp đi lặp lại tám lần từ “Phúc thay.” Từng Mối Phúc đều được cấu thành gồm ba phần. Trước hết luôn luôn có từ “Phúc thay.” Tiếp theo là hoàn cảnh của những người được phúc: tinh thần nghèo khó, sầu khổ, khao khát công chính, vân vân. Cuối cùng là động lực của các Mối Phúc, được giới thiệu bởi giới từ “vì”. “Phúc thay ai … vì …”. Bát Phúc là như thế, và thật tốt nếu chúng ta học thuộc lòng và đọc lại, để ghi nhớ trong tâm trí và trong lòng luật mà Chúa Giê-su đã trao cho chúng ta. Chúng ta hãy chú ý đến sự thật này: động lực của Bát Phúc không phải là tình trạng hiện tại, nhưng là điều kiện mới mà người Thi hành đón nhận như là món quà từ Thiên Chúa: “vì Nước Trời là của họ”, “vì họ sẽ được ủi an”, “vì họ sẽ được Đất Hứa làm gia nghiệp,” vân vân.

Ở yếu tố thứ ba, đó là động lực dẫn đến hạnh phúc, Chúa Giê-su thường sử dụng hình thái tương lai bị động: “sẽ được ủi an”, “sẽ được Đất Hứa làm gia nghiệp”, “sẽ được thỏa lòng”, “sẽ được xót thương”, “sẽ được gọi là con Thiên Chúa.”

Tuy nhiên, từ “Phúc thay” mang ý nghĩa gì? Tại sao từng Mối Phúc trong Bát Phúc đều được bắt đầu bằng cách nói “Phúc thay”? Thuật ngữ ban đầu không chỉ về người no đủ hoặc người đang làm rất tốt, nhưng đó chính là người sống trong tình trạng ân sủng, người phát triển trong ân sủng của Chúa và người phát triển trên con đường của Chúa: kiên trì, nghèo khó, phục vụ tha nhân, an ủi … Những ai phát triển trên các con đường này sẽ được hạnh phúc và sẽ là người có phúc.

Thiên Chúa thường chọn những cách thức không ngờ để trao ban chính Người cho chúng ta, có thể chính trong những giới hạn của chúng ta, trong những giọt lệ của chúng ta, trong những thất bại của chúng ta. Đó là niềm vui vượt qua mà anh em Phương Đông của chúng ta nói đến, những điều mang năm Dấu Thương nhưng vẫn sống động, đã đi qua cái chết và đã trải nghiệm quyền năng của Thiên Chúa. Các Mối Phúc luôn dẫn chúng ta đến với niềm vui; chúng là con đường để đạt được niềm vui.

Thật tốt cho chúng ta khi mở trang Tin mừng Mát-thêu hôm nay, Chương Năm, câu một đến mười một để hiểu được con đường tuyệt mỹ mà Chúa giới thiệu cho chúng ta, chắc chắn sẽ đưa đến hạnh phúc.

[Văn bản chính: tiếng Ý] [Bản dịch (tiếng Anh) của Virginia M. Forrester của ZENIT]



[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 30/1/2020]


Những bí mật đằng sau làn khói trắng/đen của Vatican

Những bí mật đằng sau khói trắng/đen của Vatican

Những bí mật đằng sau làn khói trắng/đen của Vatican
Jeffrey Bruno | Aleteia

22 tháng Một, 2020

Bạn có biết ống khói của Vatican hoạt động như thế nào không?

Tất cả người Công giáo đều quen với nghi thức khói trắng và đen khi bầu cử một tân giáo hoàng. Khi khói trắng bốc lên từ mái của Nhà nguyện Sistine ở Roma, nó có nghĩa là một tân giáo hoàng đã được chọn. Nếu khói đen bốc lên, có nghĩa là vẫn cần đạt đến một sự đồng ý chung. Nhưng không mấy ai biết cách thức hoạt động thật sự của nghi thức tồn tại nhiều thế kỷ này. Dưới đây là một số chi tiết chính cho biết bí mật đằng sau “cột khói mật nghị hồng y.”

1. Màu của khói được tạo ra nhờ quá trình phản ứng hóa học

Cả khói trắng và đen đều được tạo ra bởi việc đốt những lá phiếu bầu cử được các hồng y sử dụng trong mật nghị viện giáo hoàng. Những phong bì này được trộn với những chất khác nhau để tạo ra khói màu trắng hoặc đen. Nhờ sự đốt cháy của những chất liệu đặc biệt, chẳng hạn kẽm với lưu hóa, có thể tạo ra một khí gas trắng dày đặc, với kết quả tạo ra là “khói trắng” nổi tiếng. Đốt cháy những chất liệu nhiều carbon như gỗ tạo ra hợp chất màu xám hoặc đen, kết quả cho ra là khói “đen”.

2. Khói bắt nguồn từ hai lò gang đặt trong Nhà nguyện Sistine

Tất cả chúng ta có thể nhìn thấy khói bốc lên từ ống khói lộ thiên trên mái Nhà nguyện Sistine. Nhưng khói đó bắt nguồn từ đâu? Câu trả lời nằm trong hai lò bằng gang lắp đặt trong Nhà nguyện Sistine. Các lò cao khoảng 3,2 bộ (hơn 97,5 cm) và có hai cửa, một cửa dưới để nhóm lửa và một cửa ở trên để bỏ các phong bì phiếu bầu và các chất liệu cần thiết khác cho sự đốt cháy.

Những bí mật đằng sau làn khói trắng/đen của Vatican


3. Hệ thống lò hiện tại được sử dụng đầu tiên năm 1939

Hệ thống lò hiện tại được sử dụng lần đầu trong cuộc bầu cử Đức Giáo hoàng Piô XII năm 1939. Kể từ thời điểm đó nó được sử dụng thêm bảy lần: năm 1958 (Đức Giáo hoàng Gioan XXIII), 1963 (Đức Giáo hoàng Phaolo VI), 1978 (Đức Giáo hoàng Gioan Phaolo I), 1978 (Đức Giáo hoàng Gioan Phaolo II), 2005 (Đức Giáo hoàng Benedict XVI), 2013 (Đức Giáo hoàng Phanxico). Mỗi mốc thời gian này đều được khắc bằng chữ số La Mã trên lò.

4. Hệ thống lò dài 98 bộ (hơn 29,8 mét)

Từ đáy lên tới đỉnh, hệ thống lò đo được khoảng 98 bộ (hơn 29.8 mét). Phần dưới được làm bằng 32 ống, trong khi phần trên, áp mái nhà nguyện, được làm bằng đường ống dài 65 bộ (gần 20 mét) bằng thép và đồng đỏ.

5. Những quả chuông và khói là quy cách duy nhất được phép để thông tin về việc bầu cử giáo hoàng

Cùng với khói trắng, việc bầu cử một tân giáo hoàng được thông tin bằng cách giật chuông Vương cung Thánh đường Thánh Phê-rô. Mọi hình thức thông tin về kết quả mật nghị giáo hoàng, kể cả những thông điệp bằng văn bản, đều bị cấm.

6. Một con mòng biển trên đỉnh ống khói trở nên nổi tiếng trên truyền thông xã hội

Trong thời gian mật nghị giáo hoàng năm 2013, một con mòng biển trắng đứng trên ống khói ngay sau khi khói đen bốc lên, gợi lên một biểu tượng hy vọng. Các nhóm người tò mò đứng xem quay phim con mòng biển và đoạn video lan truyền mạnh trên truyền thông xã hội. Cuối cùng con chim bay đi sau 30 phút nổi tiếng.



[Nguồn: aleteia]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 29/1/2020]