Thứ Năm, 12 tháng 9, 2019

TOÀN VĂN Tiếp Kiến Chung của Đức Thánh Cha ngày 11 tháng Chín năm 2019

TOÀN VĂN Tiếp Kiến Chung của Đức Thánh Cha ngày 11 tháng Chín năm 2019
© Vatican Media

TOÀN VĂN Tiếp Kiến Chung của Đức Thánh Cha ngày 11 tháng Chín năm 2019

Điểm lại những sự kiện chính trong chuyến thăm Mozambique, Madagascar, Mauritius

11 tháng Chín, 2019 15:02

Buổi Tiếp Kiến Chung sáng nay được tổ chức lúc 9:10 trong Quảng trường Thánh Phê-rô, tại đây Đức Thánh Cha Phanxico gặp gỡ các nhóm tín hữu và khách hành hương đến từ nước Ý và khắp thế giới. Trong huấn từ bằng tiếng Ý, Đức Thánh Cha tập trung nói về chuyến Tông du của ngài đến Mozambique, Madagascar, và Mauritius, vừa kết thúc tối hôm qua (Trích đoạn Tin mừng: Tin mừng theo Thánh Mát-thêu 13:32-33).

Sau phần tóm lược bài giáo lý bằng một số ngôn ngữ, Đức Thánh Cha gửi lời chào đặc biệt đến các nhóm tín hữu hiện diện.

Buổi Tiếp Kiến Chung kết thúc với bài hát Kinh lạy Cha và Phép lành Tòa Thánh.

* * *

TOÀN VĂN Tiếp Kiến Chung của Đức Thánh Cha ngày 11 tháng Chín năm 2019

Bài Giáo lý của Đức Thánh Cha

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Tối hôm qua cha đã trở về từ chuyến Tông du đến Mozambique, Madagascar, và Mauritius. Tạ ơn Chúa, Người đã ban ơn cho cha được thực hiện chuyến đi này như là người hành hương của hòa bình và hy vọng, và một lần nữa tôi xin bày tỏ lòng tri ân đến các nhà Chức trách của các quốc gia này, cũng như các Giám mục, các vị đã mời tôi và chào đón tôi với rất nhiều tình cảm và sự quan tâm, và các đức Khâm sứ, những vị đã phải làm việc rất nhiều cho chuyến đi này.

Đức Ki-tô là niềm hy vọng của thế giới, và Tin mừng của Người là men bột mạnh mẽ nhất của tình huynh đệ, của sự tự do, của công bằng và hòa bình cho mọi dân tộc. Với chuyến đi của cha, theo các bước chân của các nhà rao giảng tin mừng, cha tìm cách mang đến men này, men của Chúa Giê-su, đến cho người Mozambique, người Madagascar và người Mauritius.

Ở Mozambique, cha đến để gieo những hạt giống hy vọng, hòa bình, và hòa giải trong một vùng đất đã chịu quá nhiều đau khổ trong quá khứ vừa qua, do cuộc xung đột vũ trang kéo dài, và mùa xuân vừa qua lại bị tấn công bởi hai trận bão lốc gây ra những tàn phá nặng nề. Giáo hội tiếp tục đồng hành với tiến trình hòa bình, con đường đã tiến thêm được một bước trong ngày 1 tháng Tám vừa qua, với một hiệp ước mới giữa các bên. Và đến đây cha muốn dừng lại một chút để cảm ơn Cộng đoàn Sant’Egidio, là cộng đoàn đã làm việc rất nhiều, quá nhiều cho tiến trình hòa bình này.

Trong mối tương quan này, cha đã động viên các nhà Chức trách, kêu gọi họ cùng hoạt động với nhau vì ích chung. Và cha động viên giới trẻ, là thành viên của nhiều tôn giáo khác nhau, xây dựng đất nước, từ bỏ thái độ buông xuôi và lo âu, và làm lan tỏa tình bạn xã hội và đón nhận gia tài là những truyền thống từ người cao tuổi. Với các Giám mục, linh mục và những người sống đời tận hiến, cha đã gặp gỡ trong Nhà thờ Chính tòa Maputo, cung hiến cho Đức Nữ Đồng Trinh, cha đề nghị con đường của làng La-da-rét, con đường của một tiếng “xin vâng” quảng đại với Thiên Chúa, trong ký ức đầy lòng biết ơn đối với tiếng gọi của Người và cội nguồn của mình. Một dấu chỉ mạnh mẽ của sự hiện diện rao giảng tin mừng này là Nhà thương Zimpeto, nằm ở vùng ngoại vi của thủ đô, được biến thành hiện thực bởi cam kết của Cộng đoàn Sant’Egidio. Trong Nhà thương này, cha nhìn thấy điều quan trọng nhất là bệnh nhân, và tất cả làm việc vì người bệnh. Ngoài ra, không phải tất cả thành viên đều theo cùng tôn giáo. Vị giám đốc của Nhà thương đó là một phụ nữ, một nhà nghiên cứu, một người phụ nữ giỏi, một nhà nghiên cứu bệnh AIDS. Bà là người Hồi giáo, nhưng bà là nữ Giám đốc và nhà thương này là Nhà thương được xây dựng bởi Cộng đoàn Sant’Egidio, nhưng tất cả đều chung sức, chung sức vì con người, hiệp nhất như anh em. Đỉnh điểm của chuyến thăm của cha đến Mozambique là Thánh Lễ, được dâng dưới trời mưa trong Sân Vận động, nhưng tất cả đều hạnh phúc. Những bài ca, những điệu múa của tôn giáo … quá nhiều niềm hạnh phúc. Cơn mưa chẳng còn là sự cản trở, và lời kêu gọi của Chúa Giê-su lại vang lên ở đó: “Hãy yêu thương kẻ thù” (Lc 6:27), hạt giống của cuộc cách mạng thật sự, nó dập tắt bạo lực và tạo nên tình huynh đệ.

TOÀN VĂN Tiếp Kiến Chung của Đức Thánh Cha ngày 11 tháng Chín năm 2019

Từ Maputo, cha đi đến Antananarivo, thủ đô của Madagascar, một đất nước rất giàu có về vẻ đẹp thiên nhiên và các nguồn tài nguyên, nhưng lại đánh dấu bởi quá nhiều người nghèo túng thiếu. Cha hy vọng sức sống do tinh thần đoàn kết theo truyền thống, người dân Madagascar có thể vượt qua được những nghịch cảnh và xây dựng một tương lai phát triển, kết hợp giữa sự tôn trọng môi trường và công bình xã hội. Như là một dấu chỉ ngôn sứ ở đây, cha đến thăm “Thành phố của tình bạn” — Akamasoa, được thành lập bởi nhà thừa sai dòng Lazarist, Cha Phê-rô Opeka: những gì được tìm thấy ở đó là sự hiệp nhất công việc, phẩm giá, sự chăm sóc người nghèo khổ nhất và giáo dục trẻ em — tất cả dưới ánh sáng của Tin mừng. Tại Akamasoa, tại hang đá granite, cha đã dâng lên Chúa lời cầu nguyện cho các công nhân.

Rồi cha có buổi gặp gỡ với các nữ tu dòng chiêm niệm thuộc một số Cộng đoàn, trong Dòng Carmelites. Quả thật, nếu không có đức tin và cầu nguyện thì không thể xây dựng một thành phố xứng đáng cho con người. Với các Giám mục trong nước, cha và các ngài làm mới lại cam kết trở thành “những người gieo hòa bình và hy vọng, chăm sóc cho Dân Chúa, đặc biệt người nghèo. Cha và mọi người cùng nhau kính viếng Chân phước Victoire Rasoamanarivo, người Madagascar đầu tiên được nâng lên bậc chân phước. Với giới trẻ; rất nhiều — có quá nhiều các bạn trẻ trong đêm canh thức cầu nguyện đó, rất nhiều, rất nhiều –, cha đã sống một tối canh thức thật phong phú với những chứng ngôn, những bài ca, và điệu múa.

Tại Antananarivo, Thánh Lễ Chúa nhật được dâng trong “Sân Giáo phận” rộng lớn: những đám đông đảo tập trung chung quanh Chúa Giê-su. Và cuối cùng, tại Học viện Thánh Michael, cha đã gặp gỡ các linh mục, những người sống đời tận hiến và chủng sinh của Madagascar — một buổi gặp gỡ trong dấu chỉ của sự ngợi khen Thiên Chúa.

Thứ Hai là ngày dành riêng cho chuyến thăm nước Cộng hòa Mauritius, điểm đến nổi tiếng của du khách, nhưng là nơi cha chọn như là sự hòa hợp giữa các nhóm sắc tộc và văn hóa khác nhau. Quả thật, trong suốt hai thế kỷ qua, nhiều dân tộc đã đến sinh sống tại quần đảo đó, đặc biệt là từ Ấn độ; và sau khi độc lập, đất nước trải qua sự phát triển mạnh về kinh tế và xã hội. Sự đối thoại liên tôn ở đó rất mạnh, và cả tình bạn giữa các nhà lãnh đạo của các nền tảng tôn giáo khác nhau, một điều khá lạ lẫm đối với chúng ta, nhưng họ sống tình bạn hữu theo cách này, nó theo cách tự nhiên. Khi cha vào khu tòa Giám mục, cha nhìn thấy một bó hoa rất đẹp — đẹp vô cùng; Đức Đại Imam đã gửi đến như một cử chỉ của tình huynh đệ.

Thánh Lễ ở Mauritius được dâng gần với Tượng Mẹ Maria Nữ vương Hòa bình, để tưởng nhớ Chân phước Jacques-Desire Laval, được gọi là “Tông đồ của sự Hiệp nhất người Mauritius.” Tin mừng và các Mối phúc là liều thuốc giải cho sự phát triển theo tính ích kỷ và phân biệt đối xử, và nó cũng là men cho niềm hạnh phúc thật, được lan tỏa bởi lòng thương xót, sự công bằng, và bình an. Cha bất ngờ trước công cuộc của các Giám mục thực hiện trong việc rao giảng phúc âm cho người nghèo. Và trong buổi gặp gỡ với các nhà Chức trách của Mauritius, cha đã bày tỏ lòng cảm kích trước cam kết hòa hợp những sự khác biệt trong một dự án chung, và cha đã khuyến khích họ tiếp tục tiến tới, cả hôm nay, lòng hiếu khách, cũng như những nỗ lực duy trì và phát triển một đời sống dân chủ.

Cha về đến Vatican tối hôm qua. Trước khi bắt đầu một chuyến đi và khi trở về, cha luôn luôn đến với Đức Mẹ, Salus Populi Romani, để Mẹ đồng hành với cha trên chuyến đi như một người mẹ, để nói cho cha biết phải làm gì, để hướng dẫn cho những lời nói và hành động của cha. Với Đức Mẹ, cha đi an toàn.

Anh chị em thân mến, chúng ta hãy cảm tạ Chúa và xin Người rằng những hạt giống được gieo trên chuyến Tông du này có thể trổ sinh nhiều hoa trái cho các dân tộc Mozambique, Madagascar, và Mauritius. Cảm ơn anh chị em!

© Libreria Editrice Vatican

[Văn bản chính: tiếng Ý] Bản dịch (tiếng Anh) của Virginia M. Forrester của ZENIT]



[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 12/9/2019]


Giáo hội công nhận một phép lạ như phép lạ vừa được chuẩn y tại Knock như thế nào?

Giáo hội công nhận một phép lạ như phép lạ vừa được chuẩn y tại Knock như thế nào?

Giáo hội công nhận một phép lạ như phép lạ vừa được chuẩn y tại Knock như thế nào?

10 tháng Chín, 2019

Một người phụ nữ được chữa lành đa xơ cứng 30 năm trước là người nhận được phép lạ chính thức đầu tiên của thánh điện Ireland.

Giáo hội địa phương tại Đền thánh Đức Mẹ Hiện Ra ở Knock, Ireland, đã công nhận phép lạ chính thức đầu tiên liên quan đến đền thánh.

Một người phụ nữ tên Marion Carroll chịu đựng căn bệnh đa xơ cứng cho đến khi bà đến đền thánh năm 1989. Bà đã được chữa lành khi bà được ban phép lành Thánh Thể trong giờ chầu Mình Thánh.

“Tôi nhận thấy bà Marion đã được chữa khỏi căn bệnh lâu năm khi đi hành hương đến thánh địa này,” Đức Giám mục Francis Duffy thuộc Ardagh và Clonmacnois nói trong một bài giảng Lễ tại đền thánh vào đầu tháng này.

“Bà Marion đã được giải thoát khỏi căn bệnh và tác động của nó đối với bà và gia đình. Nó cũng là một sự chữa lành mà hiện tại y học không có sự giải thích nào, nó quá hiển nhiên và vượt ngoài những giải thích của y khoa.”

Trong khi nhiều người cho rằng họ là người nhận được hoặc là chứng nhân của những phép lạ dưới nhiều hình thức — hiện ra, thị kiến, chữa lành, v.v.. — và trong khi nhiều người nói rằng họ đã được chữa lành trong thời gian hoặc sau khi đến viếng Đền thánh Đức Mẹ ở Knock, nhưng đây là phép lạ đầu tiên được chính thức công nhận liên quan đến đền thánh.

Thông báo hôm nay là một sự chuẩn y chính thức của Giáo hội về sự chữa lành cho bà Marion Carroll tại Đền thánh Knock.

“Một sự chữa lành mà y khoa không thể giải thích”

Giáo hội công nhận một phép lạ như phép lạ vừa được chuẩn y tại Knock như thế nào?




Điều này là vì để Giáo hội công nhận một phép lạ, phải có một tiến trình rất kỹ lưỡng diễn ra.

Một trong những hình thức phổ biến nhất của các phép lạ là sự chữa lành bất ngờ cho một người. Theo Michael O’Neill, “Để sự chữa lành được công nhận là phép lạ, căn bệnh phải hết sức hiểm nghèo và không thể chữa (hay ít nhất là rất khó khăn) bởi những phương tiện của con người và không ở trong tình trạng có khả năng tự biến mất một thời gian ngắn sau đó. Chưa có sự điều trị nào của y khoa được thực hiện, hay phải chắc chắn rằng sự chữa trị đã thực hiện không liên quan đến sự chữa lành. Sự chữa lành phải là tự nhiên, tuyệt đối và vĩnh viễn.”

Trong tất cả mọi trường hợp giám mục địa phương là người có thẩm quyền đầu tiên điều tra một phép lạ. Ngài thành lập một ban gồm các nhà chuyên môn về y khoa để đánh giá biến cố và họ sẽ báo cáo cho ngài kết quả.

Sự đánh giá này phải thật kỹ lưỡng và có thể mất thời gian dài. Các nhà chuyên môn y khoa sẽ đánh giá tình trạng sức khỏe hiện tại của người được chữa lành, và người đó được phỏng vấn để ngăn chặn những trường hợp lừa dối hay có vấn đề về sức khỏe tâm thần khiến người đó cho là được chữa lành. Tính nhất quán được cân nhắc, để nhìn thấy rằng các tình huống của sự chữa lành là ngoại thường.

Nghiên cứu mở rộng về trường hợp còn xét đến “trước” và “sau,” để bảo đảm rằng đã có một sự thay đổi hiển nhiên từ một chẩn đoán y khoa chính xác về một căn bệnh rõ ràng chuyển sang một tình trạng sức khỏe được phục hồi.

Một số đông các nhà chuyên môn về y khoa sẽ được tham vấn trong tiến trình này.

Trong đa số trường hợp thì biến cố không được thẩm định như là một phép lạ. Chẳng hạn, “Ủy ban Y khoa Lộ Đức, trong khi nghiên cứu tài liệu hơn 8.000 trường hợp chữa lành lạ lùng, đã chỉ công nhận 70 phép lạ.”

Bất kể đó là sự hiện ra của Mẹ Diễm Phúc hay một phép lạ Thánh Thể, một nhóm các nhà khoa học điều tra biến cố để xác định nó có theo những quy luật tự nhiên, hay không thể giải thích cách nào khác ngoài một trường hợp siêu nhiên.

Nhưng cho dù có quy trình nghiêm ngặt này, các phép lạ được công bố theo một cách bình thường. Với hầu hết mỗi lần tuyên phong chân phước hoặc phong thánh thì phép lạ là một yêu cầu căn bản, cho thấy rõ quyền năng của Thiên Chúa qua sự can thiệp của một cá nhân.

Và dù có tất cả những sự giám sát cẩn thận như vậy, người Công giáo vẫn không buộc phải thể hiện niềm tin ngay cả với những lần hiện ra đã được công nhận, chẳng hạn như tại Knock.



[Nguồn: aleteia]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 11/9/2019]