Thứ Ba, 16 tháng 3, 2021

Chuyến Tông du của Đức Thánh Cha Phanxicô đến Iraq, ngày 5-8 tháng Ba, 2021 Họp báo trên chuyến bay trở về Roma

Chuyến Tông du của Đức Thánh Cha Phanxicô đến Iraq, ngày 5-8 tháng Ba, 2021 Họp báo trên chuyến bay trở về Roma


Họp báo trên chuyến bay trở về Roma


Chuyên cơ giáo hoàng

Thứ Hai, 8 tháng Ba, 2021




Ông Matteo Bruni:

Chúc Đức Thánh Cha một ngày tốt lành. Chúc tất cả các bạn một ngày tốt lành. Cảm ơn người về hành trình vô cùng đặc biệt này đã chạm đến lịch sử của đất nước, nhiều địa điểm và kể cả tâm hồn của nhiều người Iraq, và rất nhiều người khác có cơ hội theo dõi trong những ngày qua, cũng xin cảm ơn vì công việc của các đồng nghiệp nhà báo của chúng tôi. Ở đây chúng ta có Đức ông Dieudonné Datonou, người đã làm việc để mang đến chuyến đi này … “viên quận trưởng mới!” Chúng ta cảm ơn Đức ông vì công việc của ngài, làm hiện thực điều mà Đức ông đã có thể tin tưởng vào văn phòng du lịch của Bộ trưởng Ngoại giao và kinh nghiệm của rất nhiều ngành của Tòa Thánh tham gia vào việc tổ chức chuyến đi. Và bây giờ, nếu người đồng ý thì sẽ có một số câu hỏi từ các phóng viên liên quan đến những ngày vừa qua.

ĐTC Phanxicô:

Trước hết, xin cảm ơn vì công việc và sự đồng hành của anh chị em … và sự mệt nhọc của anh chị em!

Hôm nay là ngày phụ nữ: tôi có lời khen ngợi chị em phụ nữ. Ngày Phụ nữ .... Chúng ta thường nói: tại sao lại không có ngày kỷ niệm cho đàn ông …? Trong cuộc gặp gỡ với phu nhân của Tổng thống [nước Cộng hòa Iraq], tôi nói rằng: “Vì đàn ông chúng tôi lúc nào cũng ăn mừng rồi!” Chúng tôi cần một ngày cho phụ nữ. Phu nhân của Tổng thống nói rất tốt về phụ nữ; bà nói với tôi về những điều đẹp đẽ ngày nay: sức mạnh mà phụ nữ có được để gánh vác cuộc sống, lịch sử, gia đình … quá nhiều thứ.

Và tôi xin chúc mừng tất cả mọi người!

Điều thứ ba hôm nay là ngày sinh nhật của nhà báo COPE, không phải là ngày hôm đó! Xin gửi những lời chúc tốt đẹp nhất! Chúng ta phải ăn mừng … chúng ta sẽ xem xem cách nào … Bây giờ là thời gian cho anh chị em.

Ông Matteo Bruni:

Thưa Đức Thánh Cha, câu hỏi đầu tiên đến từ thế giới Ả-rập, từ anh Imad Atrach, một phóng viên cho tờ Sky News Arabia.

Imad Abdul Karim Atrach (Sky News Arabia):

Thưa Đức Thánh Cha, hai năm trước ở Abu Dhabi đã có cuộc gặp gỡ với Đức Imam al-Tayyeb của đại học al-Azhar và ký kết Văn kiện về Tình Huynh đệ Nhân loại. Ba ngày trước người gặp Đại Al-Sistani: có điều gì đó tương tự được cân nhắc đối với Hồi giáo Shiite không? Rồi vấn đề thứ hai: Li Băng. Thánh Gioan Phaolô II nói rằng nó còn hơn cả một quốc gia: nó là một thông điệp. Thật đáng buồn, là một người Li Băng, con có thể thưa với người rằng thông điệp này đang biến mất. Chúng ta có thể dự tính một tương lai, một chuyến thăm Li Băng sắp tới hay không? Cảm ơn Đức Thánh Cha.

Chuyến Tông du của Đức Thánh Cha Phanxicô đến Iraq, ngày 5-8 tháng Ba, 2021 Họp báo trên chuyến bay trở về Roma

ĐTC Phanxicô:

Tài liệu Abu Dhabi ngày 4 tháng Hai [2019] đã được chuẩn bị với Đại Imam trong âm thầm, hơn sáu tháng, cầu nguyện, suy tư, sửa văn bản. Nó là, tôi nói rằng – nó hơi táo bạo, xem nó như một sự giả định – bước đi đầu tiên đến điều mà anh đang hỏi tôi. Chúng ta có thể nói rằng việc này [với Đại Al-Sistani] sẽ là bước thứ hai. Và sẽ có những bước khác. Con đường của tình huynh đệ là quan trọng. Và liên quan đến hai tài liệu: tài liệu của Abu Dhabi để lại cho tôi một ý thức mạnh mẽ về sự cần thiết của tình huynh đệ, và [Tông huấn] Fratelli Tutti ra đời. Cả hai tài liệu cần phải được nghiên cứu vì chúng đi theo cùng một hướng, chúng tìm kiếm … tình huynh đệ. Đức Đại Ayatollah Al-Sistani nói một điều mà tôi cố gắng ghi nhớ thật kỹ: con người hoặc là anh em nhờ tôn giáo hoặc là bình đẳng nhờ sự tạo dựng.

Tình huynh đệ là sự bình đẳng, nhưng sự bình đẳng là điểm cốt lõi. Tôi nghĩ nó cũng là một tiến trình văn hóa. Người Kitô hữu chúng ta có thể nghĩ đến cuộc Chiến tranh Ba Mươi Năm, về Đêm vọng Lễ Thánh Batôlômêô, chẳng hạn. Chúng ta nghĩ về điều này, và tâm lý chúng ta đã thay đổi như thế nào. Vì đức tin của chúng ta làm cho chúng ta nhận ra rằng đây là điều Chúa Giêsu mặc khải, tình yêu thương và bác ái dẫn đưa chúng ta đến điều này. Nhưng phải mất bao nhiêu mới hoàn thành được nó!

Đây là một điều quan trọng, tình huynh đệ của con người – cách thức mà tất cả con người chúng ta đều là anh chị em – và chúng ta cần phải đạt được tiến bộ với các tôn giáo khác. Công đồng Vatican II đã thực hiện một bước quan trọng trong việc này; sau đó là các tổ chức, Hội đồng Hiệp nhất Kitô giáoHội đồng Đối thoại Liên tôn; do đó Đức Hồng Y Ayuso ở với chúng ta ngày hôm nay. Bạn là một con người; bạn là con của Chúa; bạn là anh em trai hoặc chị em gái của tôi, chấm hết. Đây sẽ là bước đi lớn nhất cần thực hiện và chúng ta thường phải mạo hiểm để thực hiện nó. Anh chị em biết rằng có những sự chỉ trích trong vấn đề này: rằng Giáo hoàng là thiếu can đảm; ông ấy thiếu thận trọng, hành động chống lại giáo lý Công giáo, rằng ông ấy chỉ còn một bước nữa là đến dị giáo …. Có những rủi ro. Nhưng những quyết định này luôn được thực hiện trong sự cầu nguyện, trong sự đối thoại, xin lời khuyên và suy tư. Chúng không phải là một ý tưởng bất chợt, và chúng tuân theo những gì Công đồng đã dạy. Đây là câu trả lời của tôi cho câu hỏi đầu tiên của anh.

Thứ hai: Li Băng là một thông điệp. Li Băng đang đau khổ. Li Băng không chỉ duy trì một trạng thái cân bằng. Nó có điểm yếu là những sự khác biệt, một số điểm vẫn chưa dung hòa được. Nhưng nó có sức mạnh của những con người hòa giải vĩ đại, như sức mạnh của cây tuyết tùng. Đức Thượng phụ Raï đã yêu cầu tôi dừng chân ở Beirut trong chuyến hành trình này, nhưng nó dường như quá ít đối với tôi. Một mảnh vỡ khi đứng trước một vấn đề, một đất nước đang đau khổ như Li Băng. Tôi đã viết cho ngài một lá thư. Tôi hứa sẽ thực hiện một chuyến đi. Nhưng tại thời điểm này, Li Băng đang trong khủng hoảng, nhưng trong sự khủng hoảng – tôi không có ý xúc phạm ở đây – trong cơn khủng hoảng của cuộc sống. Li Băng đã rất rộng rãi trong việc chào đón những người tị nạn…. Đây là hành trình thứ hai.

Ông Matteo Bruni:

Xin cảm ơn Đức Thánh Cha. Câu hỏi thứ hai đến từ anh Johannes Neudecker, từ hãng tin DPA của Đức.

Johannes Claus Neudecker (Hãng tin DPA của Đức):

Xin cảm ơn Đức Thánh Cha. Câu hỏi của con cũng là về cuộc gặp gỡ với Đức Đại Al-Sistani. Cuộc gặp gỡ với Đại Al-Sistani cũng là một thông điệp cho các nhà lãnh đạo tôn giáo của Iran tới mức độ nào?

ĐTC Phanxicô:

Tôi nghĩ đó là một thông điệp phổ quát. Trong chuyến hành hương đức tin và sám hối này, tôi cảm thấy bổn phận phải đi tìm một người vĩ đại và khôn ngoan, một người của Chúa. Và chúng tôi nhìn thấy điều này chỉ bằng cách lắng nghe ngài. Về phần các thông điệp, tôi nói rằng: thông điệp dành cho tất cả mọi người; nó là một thông điệp cho tất cả mọi người. Ngài là một người có sự khôn ngoan như vậy… và cả sự thận trọng. Ngài nói với tôi: “Trong mười năm rồi” – tôi nghĩ ngài nói theo cách này – “Tôi đã không tiếp những người đến thăm tôi với các mục đích khác, chính trị và văn hóa, không. Chỉ có tôn giáo”. Và ngài rất kính cẩn, rất kính cẩn trong buổi gặp gỡ, và tôi cảm thấy vinh dự. Ngay cả trong lời chào của ngài: ngài không bao giờ đứng lên, nhưng ngài đã đứng dậy để chào tôi hai lần. Ngài là một người khiêm nhường và khôn ngoan. Cuộc gặp gỡ này đã làm tôi rất thoải mái. Nó là một ánh sáng. Những người khôn ngoan này ở khắp mọi nơi, vì sự khôn ngoan của Thiên Chúa đã được trải rộng trên khắp thế giới. Điều tương tự cũng xảy ra với các vị thánh, không chỉ những vị được phong thánh, mà cả những vị thánh hàng ngày, những người mà tôi gọi là “các vị thánh hàng xóm”, các vị thánh – cả nam và nữ – sống đức tin của họ, bất kể như thế nào, nhưng với sự kiên định, những con người sống các giá trị con người với sự kiên định, sống tình huynh đệ với sự kiên định. Tôi nghĩ chúng ta phải phát hiện ra những người này, để làm cho họ được biết đến, bởi vì có rất nhiều người trong số họ… Khi có những vụ bê bối, kể cả trong Giáo hội, rất nhiều người trong đó và điều này chẳng giúp ích được gì…. Vậy thì chúng ta hãy làm cho tất cả những người đó được biết tới, đó là những người đang tìm kiếm con đường của tình huynh đệ, những vị thánh hàng xóm; chắc chắn chúng ta sẽ tìm thấy các thành viên trong gia đình mình: một số người ông, một số người bà…. Chắc chắn!

Ông Matteo Bruni:

Câu hỏi thứ ba đến từ chị Eva Maria Fernández Huescar, từ tổ chức COPE, người mà chúng ta gửi đến những lời chúc tốt đẹp nhất.

Eva Maria Fernández Huescar (Cadena Cope 31H):

Thưa Đức Thánh Cha, thật tuyệt vời được tiếp tục các cuộc họp báo! Thật là đẹp!

Những ngày này, hành trình của người ở Iraq đã có những tiếng vang rất lớn trên toàn thế giới. Người có nghĩ rằng đây có thể là hành trình ghi dấu của triều đại Giáo hoàng của người không? Người ta cũng cho rằng nó là hành trình mạo hiểm nhất. Người có sợ không, tại một thời điểm nào đó của hành trình? Và bây giờ chúng ta đã khôi phục là những chuyến đi và người sắp hoàn thành năm thứ tám trong cương vị Giáo hoàng của mình, người có nghĩ rằng nó sẽ ngắn? Và rồi, một câu hỏi lớn đã có từ lâu, câu hỏi lớn, thưa Đức Thánh Cha: người có sẽ trở lại Argentina không? Và trong khi chúng ta đang nói về chủ đề này, vì con là người Tây Ban Nha: liệu có thể đến một ngày Đức Giáo hoàng sẽ đến Tây Ban Nha không? Xin cảm ơn Đức Thánh Cha!

Chuyến Tông du của Đức Thánh Cha Phanxicô đến Iraq, ngày 5-8 tháng Ba, 2021 Họp báo trên chuyến bay trở về Roma

ĐTC Phanxicô:

Cảm ơn chị Eva. Tôi đã bắt chị phải tổ chức sinh nhật hai lần: một lần trước, và một lần sau!

Tôi sẽ bắt đầu với câu cuối, đó là một câu hỏi dễ hiểu… vì cuốn sách đó được viết bởi người bạn nhà báo của tôi, Nelson Castro, một bác sĩ. Ông ấy đã viết một quyển sách về những căn bệnh của các tổng thống, và tôi có lần nói với ông ấy [khi tôi] đã ở Roma: anh nên viết một quyển sách về những căn bệnh của các Giáo hoàng, vì sẽ rất thú vị khi biết về bệnh của các Giáo hoàng, ít nhất là của một số vị trong thời gian gần đây. Ông ấy bắt đầu thực hiện điều đó; ông ấy phỏng vấn tôi; quyển sách đã được xuất bản. Họ nói với tôi rằng quyển sách hay; tôi chưa nhìn thấy nó. Ông ấy hỏi tôi một câu: “Nếu cha từ nhiệm – nếu tôi chết hoặc nếu tôi từ nhiệm – nếu cha từ nhiệm, cha sẽ trở về Argentina hay cha sẽ ở lại đây?” – “Tôi sẽ không trở về Argentina” – tôi nói – “nhưng sẽ ở lại đây, trong giáo phận của tôi”. Nhưng về câu hỏi liệu tôi sẽ đến Argentina hay tại sao tôi không đến đó – tôi luôn trả lời một cách hơi châm biếm: Tôi đã dành 76 năm ở Argentina, vậy là đủ rồi, phải không?

Nhưng có một điều khác chưa bao giờ nói, vì một lý do mà tôi không hiểu: một chuyến đi đến Argentina đã được lên kế hoạch vào tháng Mười Một năm 2017. Những chuẩn bị đã được bắt đầu: [chương trình đã được thực hiện cho] Chile, Argentina và Uruguay. Nhưng vào thời điểm đó – đó là vào cuối tháng Mười Một – Chile đang trong các chiến dịch bầu cử; trong những ngày đó, vào tháng Mười Hai, người kế nhiệm của bà Michelle Bachelet đã được bầu chọn, và tôi lẽ ra phải đi trước khi thay đổi chính phủ; tôi không thể đi sau đó. Nhưng đến Chile vào tháng Giêng và sau đó vào tháng Giêng lại đến Argentina và Uruguay là không thể, vì tháng Giêng giống như tháng Tám của chúng ta, tháng Bảy—tháng Tám của chúng ta, đối với hai quốc gia đó. Suy nghĩ kỹ vấn đề, gợi ý được đưa ra: tại sao không đến Peru? Bởi vì Peru đã bị bỏ qua trong hành trình của tôi đến Ecuador, Bolivia và Paraguay; nó đã không được đưa vào. Từ đó dẫn đến ý tưởng về một chuyến đi vào tháng Giêng tới Chile và Peru. Tôi muốn nói điều này, để chấm dứt những tưởng tượng về “patriaphobia”. Khi cơ hội đến, chúng tôi sẽ phải làm như vậy, bởi vì có Argentina, Uruguay và miền nam Brazil, đó là một sự pha trộn văn hóa tuyệt vời.

Hơn nữa, về các chuyến đi: để đưa ra quyết định về các chuyến đi, tôi lắng nghe; có rất nhiều lời mời. Tôi lắng nghe những khuyến cáo của các cố vấn của tôi, nhưng cũng của mọi người. Thỉnh thoảng có người đến và tôi đặt câu hỏi hỏi, “Anh/Chị nghĩ sao, tôi có nên đến nơi đó không?” Thật tốt cho tôi khi lắng nghe, điều này giúp tôi đưa ra quyết định về sau. Tôi lắng nghe các vị cố vấn và cuối cùng tôi cầu nguyện, tôi cầu nguyện, tôi suy tư rất nhiều; Tôi đã suy tư rất nhiều về một số chuyến đi. Và sau đó quyết định tự nó đến: hãy làm điều đó! Gần như một cách tự nhiên, nhưng giống như một trái cây đã chín. Nó là một tiến trình mất thời gian. Một số chuyến đi khó khăn hơn, các chuyến đi khác dễ dàng hơn.

Quyết định của tôi về hành trình này đến từ rất sớm: lời mời đầu tiên đến từ Đại sứ Iraq tiền nhiệm, là một bác sĩ nhi khoa: chị ấy rất tốt; chị ấy đã không bỏ cuộc. Sau đó, Đại sứ tại Ý đến; chị ấy là một chiến binh. Tiếp theo, tân Đại sứ tại Vatican đến, và ông ấy đã chiến đấu [cho chuyến đi]. Trước đó, Tổng thống đã đến. Tất cả những điều này vẫn còn là chuyện bên trong. Nhưng trước đó cũng có điều mà tôi muốn đề cập đến. Một người trong anh chị em đây đã đưa cho tôi một ấn bản tiếng Tây Ban Nha của quyển The Last Girl (Cô gái cuối cùng) [của Nadia Mourad]. Tôi đọc nó bằng tiếng Ý. Sau đó cô ấy đưa nó cho Elisabetta Piqué đọc. Anh chị em đọc nó chưa? Ít nhiều gì đó... Đó là câu chuyện của người Yazidi. Và trong đó Nadia Mourad mô tả một điều thật kinh hoàng, hãi hùng. Tôi khuyên anh chị em nên đọc nó. Ở một số điểm nhất định, vì nó là tiểu sử, nó có vẻ khá buồn, nhưng đối với tôi đây là lý do thực sự đằng sau quyết định của tôi. Quyển sách đó đã tác động đến tôi…. Và khi tôi nghe Nadia, người đã đến đây để kể cho tôi nghe về những điều…. Khủng khiếp! Rồi, với quyển sách, tất cả những điều này cùng dẫn đến quyết định, suy nghĩ về tất cả chúng, tất cả những vấn đề đó,… Cuối cùng, quyết định đến và tôi thực hiện nó.

Rồi, vào năm thứ tám trong cương vị Giáo hoàng, tôi không biết liệu các chuyến đi có giảm bớt hay không; Tôi chỉ thú thật rằng trong chuyến đi này tôi thấy mệt hơn những chuyến khác. Ở tuổi 84 sẽ có những hậu quả! Nó có những tác động của nó…. Nhưng chúng ta sẽ thấy. Tiếp theo [vào tháng 9] tôi sẽ đi Hungary để tham dự Thánh lễ bế mạc của Đại hội Thánh Thể Quốc tế. Đây không phải là một chuyến thăm đất nước, nhưng là vì Thánh lễ đó. Nhưng Budapest cách Bratislava hai giờ lái xe: tại sao không đến thăm người Slovaks? Tôi không biết…. Và mọi thứ bắt đầu….

Aaron Patrick Harlan (Washington Post):

Xin cảm ơn Đức Thánh Cha! Hành trình này rõ ràng có một ý nghĩa đặc biệt đối với những người có thể nhìn thấy người, nhưng nó liên quan đến các sự kiện tạo điều kiện cho sự lây lan của virus, đặc biệt là đối với những người chưa được tiêm vaccine, chen chúc nhau trong khi họ đang hát. Khi người cân nhắc về chuyến đi và những gì nó sẽ kéo theo, người có lo lắng về thực tế là những người sẽ đến gặp người có thể bị ốm hoặc thậm chí chết không? Xin người có thể giải thích cho chúng con những suy tư và chuẩn bị của người?

Chuyến Tông du của Đức Thánh Cha Phanxicô đến Iraq, ngày 5-8 tháng Ba, 2021 Họp báo trên chuyến bay trở về Roma

ĐTC Phanxicô:

Như tôi đã nói gần đây, những chuyến đi cứ “tích tụ” theo thời gian trong lương tâm của tôi, và chuyến đi này là một trong những điều tôi rất quan tâm ... Tôi đã suy nghĩ rất nhiều, tôi đã cầu nguyện rất nhiều về điều này và cuối cùng thì tôi đưa ra quyết định một cách tự do, nó xuất phát từ bên trong. Và tôi nói: Hãy để cho Đấng giúp tôi đưa ra quyết định chăm sóc cho mọi người. Và vì vậy tôi đã quyết định, theo cách đó, nhưng sau khi cầu nguyện và với ý thức về những rủi ro. Tất cả mọi thứ đã được cân nhắc

Ông Matteo Bruni:

Cảm ơn Đức Thánh Cha. Câu hỏi tiếp theo đến từ Philippine De Saint Pierre, M.C. KTO.

Philippine de Saint Pierre (M.C. KTO):

Thưa Đức Thánh Cha, chúng ta đã nhìn thấy lòng can đảm, lòng nhiệt thành của người Kitô hữu Iraq; chúng ta cũng đã nhìn thấy những thách thức mà họ phải đối mặt, mối đe dọa của bạo lực Hồi giáo, cuộc di cư và [thách đố] làm chứng cho đức tin của họ trong môi trường xung quanh. Đây là những thách đố của người Kitô giáo trong toàn khu vực. Chúng ta đã nói đến Li Băng, nhưng cả Syria, Thánh địa…. Mười năm trước, một Thượng Hội đồng về Trung Đông đã được tổ chức, nhưng sự phát triển của nó đã bị gián đoạn bởi vụ tấn công vào Nhà thờ Chính tòa ở Baghdad. Người có nghĩ về việc làm điều gì đó cho toàn bộ Trung Đông, một thượng hội đồng miền, hoặc một sáng kiến nào đó không?

ĐTC Phanxicô:

Tôi không cân nhắc về một Thượng Hội đồng. Các sáng kiến, vâng, tôi luôn mở lòng đón chào nhiều sáng kiến. Nhưng một Thượng Hội đồng không đến với tôi. Các bạn đã gieo hạt giống đầu tiên. Chúng ta hãy đợi xem. Chúng ta hãy đợi xem những gì sẽ xảy ra.

Cuộc sống của người Kitô hữu ở Iraq là cuộc sống gian khổ, nhưng không chỉ là đời sống của người Kitô hữu ... Tôi vừa nói về người Yazidi…, và các tôn giáo khác không phục tùng quyền lực của Daesh. Và điều này, tôi không biết tại sao, nhưng điều này đã mang lại cho họ sức mạnh to lớn. Có một vấn đề mà anh đề cập đến, vấn đề di cư. Hôm qua khi tôi từ Qaraqosh trở về Erbil bằng xe hơi, [có] rất nhiều người, người trẻ tuổi, độ tuổi rất nhỏ. Rất nhiều bạn trẻ. Có người hỏi tôi: tương lai cho những người trẻ này là gì? Họ sẽ đi về đâu? Nhiều người sẽ phải rời bỏ đất nước, nhiều người. Trước khi khởi hành chuyến đi, một ngày nọ, hôm Thứ Sáu, 12 người tị nạn Iraq đã đến chào tôi: một người phải dùng chân giả vì anh ta phải chạy trốn, dưới gầm một xe tải và bị tai nạn…. Vì vậy, rất nhiều người đã bỏ chạy. Di cư bao gồm hai quyền: quyền không di cư và quyền được di cư. Những người này không có cả hai, bởi vì họ không thể không di cư; họ không biết làm việc đó như thế nào. Và họ không thể di cư vì thế giới vẫn chưa nhận ra rằng di cư là quyền của con người.

Một nhà xã hội học người Ý nói với tôi, liên quan đến mùa đông nhân khẩu học của nước Ý: “Trong vòng 40 năm nữa, chúng ta sẽ phải ‘nhập khẩu’ người nước ngoài vào làm việc và trả thuế cho các khoản trợ cấp hưu trí của chúng ta”. Người Pháp các anh thông minh hơn; các anh đã đi trước 10 năm với luật hỗ trợ của gia đình; mức độ phát triển của các anh là rất lớn. Nhưng di cư được coi là một sự xâm lược. Hôm qua tôi muốn gặp cha của Alan Kurdi sau thánh lễ – vì anh ấy đã yêu cầu –, cậu bé đó…. Cậu bé đó là một biểu tượng; Alan Kurdi là một biểu tượng. Đây là lý do tại sao tôi tặng tác phẩm điêu khắc cho FAO. Cậu bé là một biểu tượng nói lên không chỉ đơn thuần là một đứa trẻ đã chết trong cuộc di cư: cậu bé là biểu tượng của những nền văn minh đã chết, của những nền văn minh đang chết, không thể tồn tại, một biểu tượng của nhân loại. Cần có các biện pháp khẩn cấp để giúp mọi người có thể tìm được việc làm tại đất nước của họ và không phải di cư, và các biện pháp bảo vệ quyền di cư. Đúng là mỗi quốc gia nên xem xét kỹ khả năng tiếp nhận của họ. Bởi vì nó không đơn thuần là việc tiếp nhận họ rồi sau đó để họ trên bãi biển; nó là việc tiếp nhận họ, hỗ trợ họ, giúp họ thăng tiến và hòa nhập. Sự hòa nhập của người di cư là điểm then chốt.

Hai mẩu chuyện: ở Zaventem, Bỉ, những kẻ khủng bố là người Bỉ, sinh ra ở Bỉ nhưng là người Hồi giáo nhập cư, sống cô lập, không hòa nhập. Ví dụ khác, khi tôi sang Thụy Điển, Bộ trưởng chia tay tôi: chị ấy còn rất trẻ và có ngoại hình đặc biệt, không phải là điển hình của người Thụy Điển. Chị là con gái của một người cha di cư và một người mẹ Thụy Điển: hội nhập tốt đến mức chị đã trở thành bộ trưởng! Chúng ta hãy suy nghĩ kỹ về hai điều này; nó khiến chúng ta phải suy nghĩ. Sự hội nhập. Về vấn đề di cư, mà tôi tin là thảm kịch của khu vực, tôi cũng xin cảm ơn các quốc gia đã quảng đại, các quốc gia chào đón người di cư: Li Băng, Li Băng đã quảng đại với người di cư, hai triệu người Syria ở đó, tôi tin… [một triệu rưỡi người Syria, cộng với 400.000 người Palestine]; Jordan – rất tiếc là chúng ta sẽ không bay qua Jordan – Nhà vua rất tốt bụng, Đức Vua Abdulla, ngài muốn dành sự tôn vinh cho chúng ta bằng máy bay khi chúng ta đi qua, tôi cảm ơn ngài; Jordan vô cùng quảng đại: hơn một triệu rưỡi người di cư. Và còn rất nhiều quốc gia khác, tôi chỉ đề cập đến hai. Cảm ơn những quốc gia quảng đại này! Cảm ơn, cảm ơn các bạn rất nhiều!

Ông Matteo Bruni:

Xin cảm ơn Đức Thánh Cha. Câu hỏi tiếp theo bằng tiếng Ý, từ phóng viên Stefania Falasca, của tờ Avvenire.

Stefania Falasca (Avvenire):

Chỉ trong ba ngày ở đất nước, một quốc gia trọng điểm của Trung Đông này, Đức Thánh Cha đã làm được điều mà các nhà lãnh đạo thế giới vẫn nói trong ba mươi năm. Người đã giải thích về các chuyến đi của người theo cách thú vị, cách đưa ra các quyết định cho các chuyến đi của người, nhưng bây giờ, khi mọi thứ vẫn ổn và suy nghĩ về Trung Đông, người có thể cân nhắc về một chuyến đi đến Syria không? Trong năm tới, một số nơi khác cần có sự hiện diện của người có thể sẽ như thế nào?

Chuyến Tông du của Đức Thánh Cha Phanxicô đến Iraq, ngày 5-8 tháng Ba, 2021 Họp báo trên chuyến bay trở về Roma

ĐTC Phanxicô:

Về Trung Đông, giả thuyết duy nhất, và cũng là sự hứa hẹn, đó là Li Băng. Tôi chưa nghĩ đến một chuyến đi đến Syria; Tôi chưa nghĩ đến điều đó vì cảm hứng chưa đến với tôi. Nhưng tôi đang rất gần gũi với Syria, nơi bị chiến tranh tàn phá và thân thương, như cách tôi gọi nó. Tôi nhớ vào buổi đầu trong cương vị Giáo hoàng của tôi, buổi chiều cầu nguyện mà chúng tôi cử hành trong Quảng trường Thánh Phêrô, có chầu Mình Thánh và chúng tôi lần chuỗi Mân Côi… Nhưng cũng có nhiều người Hồi giáo, nhiều người Hồi giáo với những tấm thảm của họ, họ cầu nguyện với chúng tôi cho hòa bình ở Syria, xin cho dừng lại việc ném bom, khi có tin cho hay về một vụ ném bom sắp xảy ra. Tôi mang cả Syria trong lòng. Nhưng liên quan đến ý tưởng về một chuyến đi, nó vẫn chưa xuất hiện trong tâm trí tôi vào lúc này. Cảm ơn chị.

Ông Matteo Bruni:

Câu hỏi tiếp theo của chị Sylwia Wysocka, PAP – Hãng Thông tấn Ba Lan.

Sylwia Wysocka (PAP - Polska Agencja Prasowa):

Thưa Đức Thánh Cha, trong mười hai tháng rất khó khăn vừa qua, hoạt động của người đã bị hạn chế rất nhiều. Hôm qua, người đã có sự tiếp xúc trực tiếp và gần gũi đầu tiên với những người ở Qaraqosh. Cảm giác nó thế nào? Đó là câu hỏi đầu tiên của con. Bây giờ là câu thứ hai. Theo ý người, với tình hình sức khỏe chung hiện nay liệu các buổi Tiếp Kiến chung có thể được khôi phục lại với người tham dự, những những tín hữu hiện diện như trước đây?

ĐTC Phanxicô:

Tôi thực sự cảm thấy rất khác khi tôi phải xa cách mọi người trong các buổi tiếp kiến. Tôi muốn khôi phục lại các Buổi Tiếp Kiến chung trong thời gian sớm nhất có thể. Chúng ta hãy hy vọng rằng các điều kiện [phù hợp] sẽ cho phép; Tôi tuân thủ các quy định của cơ quan chức năng về vấn đề này. Họ có trách nhiệm và họ có ơn của Chúa để giúp chúng ta trong việc này. Những người phụ trách đưa ra các quy tắc. Dù chúng ta muốn hay không muốn, họ là người chịu trách nhiệm và họ phải làm như vậy. Hiện tại tôi đã khôi phục lại giờ Kinh Truyền tin trong Quảng trường; thực hiện giãn cách. Có một đề xuất về những buổi Tiếp Kiến chung nhỏ, nhưng tôi vẫn chưa quyết định cho đến khi biết rõ tình hình sẽ phát triển như thế nào. Nhưng sau những tháng ngày bị ‘giam cầm’ này, vì tôi thực sự cảm thấy có phần nào đó bị tù túng, đối với tôi, đây là được sống lại. Được sống lại vì nó có nghĩa là chạm vào Giáo hội; chạm vào Dân thánh của Chúa; chạm đến tất cả các dân tộc. Một linh mục trở thành linh mục để phục vụ, để phục vụ Dân Thiên Chúa, không phải vì địa vị, không phải vì tiền bạc. Sáng nay trong Thánh lễ có [bài đọc về] sự chữa lành cho ông Naaman người Syria, và chuyện kể rằng Naaman muốn biếu quà sau khi được chữa lành, nhưng Tiên tri Êlisa đã từ chối. Kinh thánh kể tiếp: Khi đó, người đầy tớ của Tiên tri Êlisa, khi họ đã rời đi, đã chạy theo Naaman và xin ông những món quà. Và Chúa phán: “bệnh phung hủi của Naaman sẽ bám lấy ngươi” (xem 2 V 5:1—27).

Tôi sợ rằng chúng ta, những người nam và người nữ của Giáo hội, đặc biệt là linh mục chúng tôi, không có được sự gần gũi được trao tặng một cách tự do với Dân Thiên Chúa, đó là điều đã giải thoát chúng ta, và chúng ta lại làm như người đầy tớ của Naaman đã làm: giúp đỡ họ, vâng, nhưng sau đó đòi hỏi một cái gì đó…. Tôi sợ bệnh phung hủi đó. Và điều duy nhất cứu chúng ta khỏi bệnh phung hủi của lòng tham, của tính kiêu ngạo là Dân thánh của Chúa. Chúa đã phán điều gì với Vua Đavít: “Ta đã cất nhắc ngươi từ một kẻ lùa chiên; đừng quên bầy chiên”. Thánh Phaolô đã nói gì với Timôthê: “Hãy nhớ đến mẹ và bà của anh, những người đã “nuôi dưỡng” đức tin cho anh”. Nói cách khác, đừng đánh mất sự gần gũi của anh với Dân Chúa và trở thành một đẳng cấp đặc quyền của những người thánh hiến, của giới giáo sĩ, bất cứ điều gì như vậy. Tiếp xúc với người dân giải thoát cho chúng tôi, trợ giúp chúng tôi; chúng tôi cung cấp cho dân chúng Bí tích Thánh Thể, rao giảng, đó là vai trò của chúng tôi. Nhưng những việc đó mang lại cho chúng tôi sự gần gũi. Chúng ta đừng quên mối quan hệ này với Dân thánh của Chúa.

Chị bắt đầu bằng câu hỏi: tôi đã gặp phải điều gì ở Iraq, ở Qaraqosh? Trước đó tôi đã không hình dung được những đổ nát của Mosul, của Qaraqosh; tôi đã không hình dung được, thật vậy…. Vâng, tôi có xem những tấm ảnh, tôi đã đọc cuốn sách, nhưng tôi đã bị kinh hoàng, nó thật khủng khiếp. Và sau đó, điều khiến tôi xúc động nhất là lời chứng của một người mẹ ở Qaraqosh. Lời chứng được đưa ra bởi một linh mục thực sự nghèo khó, phục vụ và sám hối, và bởi một người phụ nữ đã bị mất người con trai của bà trong các vụ đánh bom đầu tiên của Daesh. Chị ấy nói một từ: tha thứ. Tôi rất cảm động. Một người mẹ nói: tôi tha thứ và tôi cầu xin sự tha thứ cho họ. Tôi được nhắc lại chuyến đi đến Colombia, về cuộc gặp gỡ tại Villavicencio, nơi rất nhiều người, đặc biệt là phụ nữ, các bà mẹ và những người vợ, kể lại kinh nghiệm của họ về vụ sát hại những đứa con trai và chồng của họ và nói: “Tôi tha thứ”. Nhưng chúng ta đã quên đi từ này; chúng ta là những chuyên gia trong việc lăng nhục; chúng ta rất giỏi lên án, bản thân tôi trước mọi người; chúng ta biết rõ điều này. Nhưng để tha thứ! Tha thứ cho kẻ thù: đây là Phúc Âm tinh tuyền. Đó là điều chạm vào lòng tôi mạnh nhất ở Qaraqosh.

Ông Matteo Bruni:

Câu hỏi cuối là của Catherine Laurence Marciano, AFP:

Catherine Laurence Marciano (AFP):

Thưa Đức Thánh Cha, con muốn biết người cảm nhận thế nào trên máy bay trực thăng khi nhìn thấy thành phố Mosul bị phá hủy và sau đó cầu nguyện tại đống đổ nát của một nhà thờ. Nếu được phép, vì nó là Ngày Phụ nữ, con cũng muốn hỏi một câu hỏi nhỏ về phụ nữ. Người đã ủng hộ những người phụ nữ ở Qaraqosh bằng những lời rất đẹp, nhưng người nghĩ sao về việc một phụ nữ Hồi giáo đang yêu không thể kết hôn với một người đàn ông Kitô giáo mà không bị gia đình phản đối hoặc thậm chí còn tệ hơn thế? Câu hỏi đầu tiên là về Mosul. Xin cảm ơn Đức Thánh Cha.

Chuyến Tông du của Đức Thánh Cha Phanxicô đến Iraq, ngày 5-8 tháng Ba, 2021 Họp báo trên chuyến bay trở về Roma

ĐTC Phanxicô:

Về Mosul, tôi đã đề cập có phần hơi tình cờ về những gì tôi cảm nhận khi dừng lại trước nhà thờ đổ nát. Tôi đã không thốt nên lời. Không thể tin được, không thể tin được…. Không chỉ là nhà thờ này mà còn các nhà thờ khác, thậm chí cả đền thờ Hồi giáo cũng bị phá hủy. Rõ ràng là nó không phù hợp với mọi người…. Sự tàn ác của con người chúng ta thật không thể tin được. Lúc này, tôi không muốn nói lời nào, nó đang bắt đầu lại. Chúng ta hãy nhìn vào Châu Phi! Và với kinh nghiệm của chúng ta ở Mosul, những ngôi nhà thờ bị phá hủy và mọi thứ, nó tạo ra sự thù địch, chiến tranh và cái gọi là Nhà nước Hồi giáo đang bắt đầu hoạt động trở lại. Đây là một điều khủng khiếp, thực sự khủng khiếp.

Trước khi chuyển sang câu hỏi khác. Một câu hỏi xuất hiện trong tâm trí tôi khi ở trong nhà thờ là: Ai đang bán vũ khí cho những kẻ tàn phá này? Vì họ đâu có chế tạo vũ khí tại nhà. Có, họ có thể làm ra một số thiết bị…. Nhưng ai bán vũ khí? Ai chịu trách nhiệm? Ít nhất tôi yêu cầu những người bán vũ khí đó lòng trung thực để nói rằng: Chúng tôi bán vũ khí. Họ không nói điều đó. Thật là khủng khiếp.

Phụ nữ. Phụ nữ can đảm hơn nam giới, điều này là đúng; đó là cách tôi cảm nhận. Nhưng ngày nay phụ nữ cũng đang bị hạ thấp. Chúng ta bước tới sự cực điểm: Một người trong anh chị em, tôi không biết là ai, đã cho tôi xem bảng giá dành cho phụ nữ…. Tôi không thể tin được: nếu người phụ nữ nhìn theo cách này, cô ấy đáng giá bấy nhiêu, thì cái giá là ... để bán họ. Phụ nữ đang bị buôn bán; phụ nữ đang bị bắt làm nô lệ. Ngay cả ở trung tâm của Roma. Cuộc chiến chống buôn người là công việc hàng ngày. Trong Năm Thánh [Lòng Thương Xót], tôi đã đến thăm một trong nhiều nhà của Opera di Don Benzi: những cô gái được cứu thoát, một người bị cắt tai vì cô không kiếm được đủ [số tiền], ngày hôm đó; một người khác, được mang đến từ Bratislava trong thùng xe hơi, một nô lệ, bị bắt cóc. Điều này xảy ra giữa chúng ta, “những người văn minh”, nạn buôn người. Ở những nước này, đặc biệt là một phần của Châu Phi, có nạn cắt bỏ một bộ phận cơ thể; nạn cắt bỏ này như một nghi thức phải được thực hiện. Nhưng phụ nữ vẫn là nô lệ và chúng ta phải đấu tranh, đấu tranh cho phẩm giá của phụ nữ. Họ là những người đưa lịch sử tiến tới; đây không phải là sự cường điệu: phụ nữ đưa lịch sử tiến tới. Và đó không chỉ là lời khen cho hôm nay, Ngày Phụ nữ; nó là sự thật. Chế độ nô lệ là như vậy, sự chối bỏ người phụ nữ…. Hãy nghĩ rằng ở một nơi nào đó đã có một cuộc tranh luận về việc ly dị một người vợ phải được viết ra hay chỉ bằng lời nói. Thậm chí không có quyền đối với chứng thư ly hôn! Điều này xảy ra hôm nay. Nhưng để không tạo khoảng cách, chúng ta hãy nghĩ đến trung tâm của Roma, đến những cô gái đã bị bắt cóc và đang bị bóc lột. Tôi nghĩ rằng tôi đã nói đủ về điều này.

Ông Matteo Bruni:

Xin cảm ơn Đức Thánh Cha.

ĐTC Phanxicô:

Tôi chúc anh chị em hành trình kết thúc tốt đẹp và tôi xin anh chị em cầu nguyện cho tôi, tôi cần điều đó! Cảm ơn anh chị em!



[Nguồn: vatican.va]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 12/3/2021]


Đức Thánh Cha và nhà lãnh đạo Hồi giáo Shiite thúc đẩy đối thoại và sự tôn trọng

Đức Thánh Cha và nhà lãnh đạo Hồi giáo Shiite thúc đẩy đối thoại và sự tôn trọng

Đức Thánh Cha và nhà lãnh đạo Hồi giáo Shiite thúc đẩy đối thoại và sự tôn trọng

Photo by STRINGER / VATICAN NEWS / AFP

I.Media for Aleteia

06/03/21

Đức Thánh Cha và Đức Đại Ayatollah Ali al-Sistani trao đổi riêng trong 45 phút.

Đức Thánh Cha Phanxicô và Đại Ayatollah Ali al-Sistani, giới chức Shiite cao cấp nhất của Iraq, cùng trao đổi về tầm quan trọng của việc vun đắp đối thoại và sự tôn trọng lẫn nhau vì “lợi ích của Iraq” sau cuộc gặp gỡ lịch sử ngày 6 tháng Ba trong ngày đầu tiên của Đức Thánh Cha tại Iraq.

Đức Thánh Cha đến Najaf lúc 9 giờ theo giờ địa phương, Najaf là thành phố tinh thần của người Shiite của Iraq, được đồng hành bởi một đoàn tháp tùng lớn.

Trong một thông cáo, Tòa Thánh công bố rằng hai vị đã nhấn mạnh đến “tầm quan trọng của sự cộng tác và tình bằng hữu” giữa hai tôn giáo để “họ đóng góp cho lợi ích của Iraq”, của khu vực và của toàn nhân loại, bằng cách vun đắp sự tôn trọng lẫn nhau và đối thoại.

Cuộc gặp gỡ là một cơ hội để Đức thánh Cha cảm ơn Đại Ayatollah al-Sistani vì với cộng đồng Shiite – khi đứng trước bạo lực và những khó khăn rất lớn trong những năm gần đây – ngài “đã lên tiếng bảo vệ người cô thế nhất và người bị ngược đãi nhất, khẳng định sự thánh khiết của sự sống con người và tầm quan trọng của thống nhất của người dân Iraq.”

Sau cuộc gặp gỡ, Đức Thánh Cha rời khỏi Ur, nơi sinh của tổ phụ Abraham.


[Nguồn: aleteia]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 14/3/2021]