Thứ Năm, 20 tháng 10, 2022

Tiếp Kiến Chung của Đức Thánh Cha Phanxicô, 19.10.2022

Tiếp Kiến Chung của Đức Thánh Cha Phanxicô, 19.10.2022

Tiếp Kiến Chung của Đức Thánh Cha Phanxicô, 19.10.2022

*******

Buổi Tiếp kiến chung sáng nay diễn ra lúc 9:00 trong Quảng trường Thánh Phêrô, nơi Đức Thánh Cha Phanxicô gặp gỡ các nhóm khách hành hương và tín hữu đến từ nước Ý và khắp nơi trên thế giới.

Trong huấn từ bằng tiếng Ý, Đức Thánh Cha tiếp tục loạt bài giáo lý về Sự Phân định, tập trung vào chủ đề: “Những yếu tố của phân định. Quyển sách cuộc đời của riêng mỗi người” (bài đọc Kinh Thánh: Đnl 8:2).

Sau phần tóm lược bài giáo lý bằng một số ngôn ngữ, Đức Thánh Cha ngỏ lời chào đặc biệt đến các tín hữu hiện diện.

Buổi Tiếp kiến chung kết thúc với Kinh Lạy Cha và Phép lành Tòa Thánh.

_______________________________________________

Bài Giáo lý về sự phân định. 6. Những yếu tố của phân định. Quyển sách cuộc đời của riêng mỗi người

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Trong các bài giáo lý của những tuần này, chúng ta đang tập trung vào những điều kiện tiên quyết để có sự phân định tốt. Trong cuộc sống, chúng ta luôn phải đưa ra những quyết định, và để đưa ra quyết định, chúng ta phải đi theo một hành trình, một con đường của sự phân định. Mỗi hoạt động quan trọng đều có những “hướng dẫn” cần tuân theo, những điều phải được biết để chúng đưa đến hiệu quả cần thiết. Hôm nay chúng ta sẽ xét đến một thành phần không thể thiếu khác cho sự phân định: câu chuyện cuộc đời của riêng mỗi người. Chúng ta có thể nói rằng biết được câu chuyện cuộc đời của một người là một yếu tố cần thiết để phân định.

Cuộc sống của chúng ta là “quyển sách” quý ​​giá nhất được ban tặng cho chúng ta, một cuốn sách mà đáng tiếc là nhiều người không đọc, hay nói đúng hơn là họ đọc nó khi đã quá muộn, trước khi chết. Tuy nhiên, chính trong cuốn sách đó, người ta tìm thấy những điều mà một người tìm kiếm một cách vô ích ở nơi khác. Thánh Augustinô, một con người miệt mài tìm kiếm sự thật, đã hiểu điều này chỉ bằng cách đọc lại cuộc đời của mình, chú ý trong đó những bước chân âm thầm và kín đáo, nhưng sâu sắc của sự hiện diện của Chúa. Vào cuối cuộc hành trình này, ngài kinh ngạc ghi nhận: “Chúa ở trong, còn con thì ở ngoài con, và con đã tìm kiếm Ngài ở bên ngoài; là kẻ xấu xa, con đã lăn xả vào những vật xinh đẹp mà Ngài đã dựng nên. Ngài đã ở với con, nhưng con không ở với Ngài” (Confessions X, 27,38). Do đó, lời mời gọi của ngài là tu dưỡng đời sống nội tâm để tìm ra điều mà người ta đang tìm kiếm: “Hãy trở về với con người của bạn. Sự thật hiện hữu trong con người nội tâm” (On True Religion, XXXIX, 72). Đây là lời mời gọi mà cha muốn gửi đến tất cả anh chị em, và ngay cả với chính bản thân cha: “Hãy trở về bên trong con người của bạn. Hãy đọc cuộc sống của bạn. Hãy đọc lòng mình, con đường bạn đã đi. Với sự thanh thản. Hãy trở về bên trong con người của bạn”.

Nhiều lần, chúng ta cũng đã có những kinh nghiệm của Thánh Augustinô, khi thấy mình bị giam cầm trong những suy nghĩ khiến chúng ta xa rời bản thân, những thông điệp khuôn sáo gây hại cho chúng ta: chẳng hạn, “Tôi thì vô dụng” – và nó khiến bạn suy sụp; “Mọi thứ đều không ổn đối với tôi” – và nó khiến bạn thất vọng; “Tôi sẽ không bao giờ đạt được điều gì đáng giá” – và nó khiến bạn thất vọng, và điều này trở thành cuộc sống của bạn. Những cụm từ bi quan khiến bạn suy sụp! Đọc lịch sử của chính mình cũng có nghĩa là nhận ra sự hiện diện của những yếu tố “độc hại” này, nhưng sau đó mở rộng câu chuyện của chúng ta, học cách chú ý đến những điều khác, làm cho nó phong phú hơn, tôn trọng sự phức tạp hơn, thành công trong việc nắm bắt những cách thức kín đáo mà Chúa hành động trong cuộc sống chúng ta. Tôi từng biết một người mà người ta cho rằng xứng đáng nhận giải Nobel về tính tiêu cực: mọi thứ đều tồi tệ, mọi thứ, và ông ta luôn cố gắng dìm mình xuống. Ông ấy là một người cay đắng, nhưng là người có nhiều phẩm chất. Và rồi người này tìm được người khác giúp ông, và mỗi khi phàn nàn về điều gì đó, người kia liền nói: “Nhưng bây giờ, để bù lại, hãy nói điều gì đó tốt về bản thân”. Và ông ấy sẽ nói: “À, vâng… tôi cũng có phẩm chất này”, và từng chút từng chút một việc này đã giúp ông tiến lên phía trước, đọc kỹ lưỡng cuộc đời của chính ông, cả những điều xấu và những điều tốt. Chúng ta phải đọc cuộc đời của mình, và khi làm như vậy chúng ta sẽ nhìn thấy những điều chưa tốt và cả những điều tốt đẹp mà Chúa gieo trong chúng ta.

Chúng ta thấy rằng sự phân định có cách tiếp cận như chuyện kể; nó không dựa vào hành động đúng giờ, mà đặt nó vào trong một bối cảnh: ý nghĩ này từ đâu đến? Những gì tôi đang cảm nhận lúc này đến từ đâu? Những gì tôi đang nghĩ bây giờ sẽ dẫn tôi đến đâu? Tôi đã gặp nó bao giờ chưa? Nó có phải là điều gì đó mới xuất hiện trong trí tôi chỉ trong lúc này, hay tôi đã tìm thấy nó ở những lần khác? Tại sao nó cương quyết hơn những điều khác? Cuộc sống đang nói gì với tôi qua điều này?

Việc đọc lại các biến cố trong cuộc sống cũng giúp chúng ta nắm bắt được những sắc thái và chi tiết quan trọng, có thể cho thấy chúng là những sự trợ giúp có giá trị, cho đến nay vẫn được che giấu. Ví dụ, một bài đọc, một sự phục vụ, một cuộc gặp gỡ, thoạt nhìn được coi là ít quan trọng, nhưng theo thời gian sẽ truyền tải sự bình an nội tâm; chúng truyền niềm vui sống và gợi ra thêm những sáng kiến tốt đẹp. Dừng lại và chân nhận điều này là rất cần thiết. Dừng lại và chân nhận: nó rất quan trọng cho sự phân định; nó là nhiệm vụ phải thu thập những viên ngọc trai quý giá và ẩn giấu mà Chúa đã đặt trong mảnh đất của chúng ta.

Thiện tính luôn luôn ẩn giấu, bởi vì thiện tính thì khiêm nhường và ẩn giấu: thiện tính thì ẩn giấu; nó âm thầm, nó đòi hỏi sự khám phá từ từ và liên tục. Bởi vì phong cách của Chúa là kín đáo: Chúa thích con đường âm thầm, với sự tự do, Ngài không áp đặt; Ngài giống như không khí mà chúng ta hít thở - chúng ta không nhìn thấy nó nhưng nó cho phép chúng ta sống, và chúng ta chỉ nhận ra điều này khi thiếu nó.

Quen với việc đọc lại cuộc đời của chính mình sẽ dạy cách nhìn, làm nó nhạy bén, giúp nó chú ý đến những phép lạ nhỏ bé mà Thiên Chúa nhân lành làm cho chúng ta mỗi ngày. Khi nhận ra điều này, chúng ta sẽ nhận thấy những hướng khả thi khác giúp củng cố sự nếm trải bên trong, sự bình an và sáng tạo của chúng ta. Trên hết, nó giúp chúng ta thoát khỏi những khuôn mẫu độc hại. Người ta đã nói một cách khôn ngoan rằng một người không biết quá khứ của mình sẽ bị lời nguyền sống lại quá khứ đó. Thật lạ: nếu chúng ta không biết con đường mình đã đi, tức là quá khứ, chúng ta luôn đi vào con đường đó, chúng ta bước vào một vòng tròn. Người đi theo vòng tròn không bao giờ tiến về phía trước; nó không phải là tiến bộ, nó giống như con chó tự đuổi theo cái đuôi của nó; người đó luôn đi theo hướng này, và lặp đi lặp lại mọi thứ.

Chúng ta có thể tự hỏi: có bao giờ tôi kể lại cuộc đời mình cho ai chưa? Đây là một kinh nghiệm tuyệt vời của các đôi vợ chồng, khi họ thành thật, họ sẽ kể câu chuyện cuộc đời của họ… Đây là một trong những hình thức giao tiếp đẹp và thân mật nhất, kể lại cuộc sống của chính mình. Nó cho phép chúng ta khám phá những điều còn ẩn giấu cho đến nay, dù nhỏ bé và đơn sơ, nhưng như Tin Mừng nói, chính từ những điều nhỏ bé mà những điều lớn lao được sinh ra (x. Lc 16:10).

Cuộc đời của các thánh cũng cung cấp sự trợ giúp quý giá trong việc nhận biết phong cách của Thiên Chúa trong đời sống của riêng mỗi người: cho phép chúng ta làm quen với cách hành động của Ngài. Cách hành động của một số vị thánh thách đố chúng ta, cho chúng ta thấy những ý nghĩa và cơ hội mới. Ví dụ, đây là điều đã xảy ra với Thánh Ignatio thành Loyola. Khi miêu tả những khám phá quan trọng về cuộc đời, ngài bổ sung thêm một sự giải thích chi tiết quan trọng, và ngài nói: “Từ kinh nghiệm, ngài đã suy ra rằng một số suy nghĩ khiến ngài buồn bã, một số khác khiến ngài vui tươi; và từng chút một ngài học biết sự đa dạng của những tâm trạng khuấy động trong lòng ngài” (x. Autobiography, số 8). Biết những gì xảy ra trong chúng ta, biết, nhận thức được.

Sự phân định là việc đọc câu chuyện về những khoảnh khắc tốt đẹp và những giây phút đen tối, những niềm an ủi và nỗi buồn mà chúng ta đã trải qua trong cuộc đời. Trong sự phân định, chính trái tim nói với chúng ta về Thiên Chúa, và chúng ta phải học cách hiểu ngôn ngữ của nó. Ví dụ, vào cuối ngày chúng ta hãy đặt câu hỏi: điều gì đã xảy ra trong lòng tôi hôm nay? Một số người nghĩ rằng việc xét mình này là để xét tội – và chúng ta thì phạm nhiều – nhưng đó cũng là việc tự hỏi bản thân, “Điều gì đã xảy ra trong tôi, tôi có trải qua niềm vui không? Điều gì mang đến cho tôi niềm vui? Tôi có buồn không? Điều gì đã mang lại cho tôi nỗi buồn? Và bằng cách này, chúng ta học cách phân định những gì xảy ra bên trong chúng ta.

____________________________________________________

Lời chào bằng tiếng Anh

Cha gửi lời chào anh chị em hành hương nói tiếng Anh tham dự buổi Tiếp kiến chung hôm nay, đặc biệt là anh chị em đến từ Ireland, Đan Mạch, Na Uy, Bỉ, Indonesia, Canada và Hoa Kỳ, và các linh mục của Học viện Continuing Theological Education thuộc Đại học Giáo hoàng Bắc Mỹ. Ngỏ lời chào với anh chị em hành hương từ Nigeria hiện diện ở đây, cha nghĩ đến những cơn mưa dữ dội đã đổ xuống đất nước trong những ngày qua, gây ra lũ lụt, nhiều người chết và thiệt hại to lớn. Chúng ta hãy cầu nguyện cho tất cả những người đã thiệt mạng và cho tất cả những người bị ảnh hưởng bởi thảm họa thiên nhiên tàn khốc này. Ước mong anh chị em của chúng ta trải nghiệm được tình liên đới của chúng ta và sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế.


[Nguồn: vatican.va]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 19/10/2022]


Tiếp những người tham gia cuộc thi “Christmas Contest”, 14.10.2022

Tiếp những người tham gia cuộc thi “Christmas Contest”, 14.10.2022

Tiếp những người tham gia cuộc thi “Christmas Contest”, 14.10.2022

*******

Sáng nay, trong Điện Tông tòa của Vatican, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tiếp những người tham gia “Cuộc thi Giáng sinh” (Christmas Contest), do Tổ chức Giáo hoàng Gravissimum Educationis phối hợp với Hiệp hội Ausilia tổ chức.

Sau đây là huấn từ của Đức Thánh Cha với những người có mặt:

_____________________________________________

Lời chào của Đức Thánh Cha

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Tôi xin cảm ơn Đức Hồng y Tolentino đã trình bày sáng kiến này, một sáng kiến có công góp tiếng nói cho giới trẻ, làm nổi bật tính sáng tạo của họ. Vì lý do này, tôi xin cảm ơn Quỹ Gravissimum Educationis là tổ chức truyền cảm hứng cho mạng lưới này và đã đề xuất Cuộc thi Giáng sinh (Christmas Contest), và Hiệp hội Ausilia, hoạt động để gia tăng cơ hội cho thanh niên và đã quyết định hỗ trợ dự án này. Và năm nay tôi cũng rất vui được gặp lại các bạn là những ca sĩ, nhạc sĩ trẻ đã quyết định tham gia Cuộc thi. Lấy cảm hứng từ lễ Giáng sinh sắp đến, nhằm mục đích đề cao các giá trị của cuộc sống, tình yêu và hòa bình.

Cha muốn chia sẻ với các con là những nghệ sĩ trẻ. Cho phép cha cho các con một số lời khuyên, được chứ? Tốt. Đừng cố gắng sao chép những “ngôi sao” lớn của ngành công nghiệp giải trí. Đừng chạy theo những mốt và tư duy thành công. Đừng lặp lại rập khuôn một lễ Giáng sinh giả tạo, ủy mị chẳng có gì liên quan đến sự ra đời của Chúa Giêsu ở Bêlem và ý nghĩa của Giáng sinh đối với nhân loại ngày nay. Thay vào đó, đừng sợ là chính mình. Người ta sẽ phê phán các con ư? Có đấy, nhưng hãy là chính mình, nguyên bản, đầy sáng tạo. Tính cách riêng của các con trong nghệ thuật. Và trên tất cả, hãy làm việc đó với nền tảng của tác phẩm được đặt trong sự kinh ngạc. Chúng ta đã mất đi cảm giác kinh ngạc, và chúng ta cần phải tái khám phá nó. Hãy đặt sự kinh ngạc làm nền tảng, kinh ngạc trước điều không thể tưởng tượng được: một Thiên Chúa đã trở thành xác phàm, trở thành một trẻ thơ mong manh, được sinh ra bởi một Trinh nữ, trong một hang đá, và cái nôi là máng cỏ cho gia súc. Kinh ngạc. Nếu một người không cảm nhận sự kinh ngạc thì bài hát không đi vào tâm hồn, không truyền tải….

Cùng với sự kinh ngạc, một thành phần không thể thiếu khác là tính đơn sơ. Hãy cẩn thận: đơn sơ, không phải là tầm thường! Không. Đơn sơ là một điều hoàn toàn khác. Khung cảnh Chúa giáng sinh thì đơn sơ, nhưng không phải là tầm thường. Những bài ca của Thánh Anphongsô, chẳng hạn như “Tu scendi dalle stelle”, thì đơn sơ, nhưng rất hay và đầy ý nghĩa, tiếp tục lay động chúng ta và nuôi dưỡng đức tin của dân Chúa. Và đây không phải là tính ủy mị, nó còn hơn thế nhiều, nó là những gì xuất phát từ bên trong, nó là tính xác thực.

Với phong cách đầy sáng tạo của sự kinh ngạc và đơn sơ này, các con có thể góp phần vào công cuộc hòa bình, đó là món quà tuyệt vời Thiên Chúa ban cho thế gian với sự hạ sinh của Con Thiên Chúa. Trong những ngày tháng qua, tiếng gầm rú của chiến tranh ngày càng gia tăng ở Châu Âu và trên thế giới. Xin chúng ta đừng nhượng bộ trước vụ tống tiền này! Chúng ta đừng rơi vào cái bẫy này! Chúng ta hãy tiếp tục ước mơ hòa bình và làm việc vì hòa bình, gieo những hạt giống của tình huynh đệ và tình bạn xã hội. Bàn tay dang rộng, luôn luôn là bàn tay dang rộng! Các con làm việc này bằng âm nhạc, và nó rất có giá trị, bởi vì âm nhạc là ngôn ngữ phổ quát vượt qua mọi biên giới và rào cản. Âm nhạc cũng có một giá trị giáo dục vô giá. Cha nhấn mạnh điều đó vì sáng kiến này được khởi xướng bởi Tổ chức Giáo hoàng, lấy cảm hứng từ một tài liệu của Công đồng về giáo dục. Âm nhạc nhân tính hóa, và giáo dục có nghĩa là làm có nhân tính. Ngày nay chúng ta rất cần phải trở nên con người hơn! Đó là lý do tại sao Chúa đã trở thành con người, để chia sẻ con đường này với chúng ta.

Các bạn thân mến, cha chúc tất cả các bạn điều tốt đẹp nhất cho Cuộc Thi này và cho sự phát triển nghệ thuật của các con. Cha ban phép lành cho tất cả các con, cho gia đình, và cha xin các con cầu nguyện cho cha. Và nếu trong các con có ai không cầu nguyện được, hoặc không biết cầu nguyện, ít nhất hãy gửi cho cha những tình cảm tốt đẹp, vì cha cần những điều đó.


[Nguồn: vatican.va]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 16/10/2022]