Thứ Hai, 23 tháng 11, 2020

Đức Thánh Cha Phanxicô trong giờ Kinh Truyền tin suy ngẫm về Đấng Chăn chiên sẽ phán xét

Đức Thánh Cha Phanxicô trong giờ Kinh Truyền tin suy ngẫm về Đấng Chăn chiên sẽ phán xét

© Vatican Media

Đức Thánh Cha Phanxicô trong giờ Kinh Truyền tin suy ngẫm về Đấng Chăn chiên sẽ phán xét

‘Đấng mà người ta kết án, trong thực tế, là vị Thẩm phán tối cao’

22 tháng Mười Một, 2020 15:02

JIM FAIR


Trong huấn từ Kinh Truyền tin ngày 22 tháng Mười Một năm 2020, Đức Thánh Cha Phanxicô nói về sự phi lý tột cùng đó là Đấng mà con người kết án — Chúa Giêsu — cuối cùng sẽ là Đấng phán xét tất cả mọi người. Và vị thẩm phán sẽ trở thành người phục vụ hơn là súng sính bộ trang phục công sở.

Đức Thánh Cha nói: “Dụ ngôn tuyệt vời kết thúc năm phụng vụ tỏ lộ mầu nhiệm của Chúa Kitô, toàn bộ năm phụng vụ. Người là Alpha và Omega, là khởi nguyên và kết thúc của lịch sử; và phụng vụ hôm nay tập trung vào ‘Omega’, tức là vào mục tiêu sau cùng.

“Ý nghĩa của lịch sử được hiểu bằng cách giữ cho đỉnh điểm của nó trước mắt chúng ta: mục tiêu cũng là chung cuộc … Người, Đấng mà con người sắp lên án, trên thực tế, là vị thẩm phán tối cao. Trong cái chết và sự phục sinh của Người, Chúa Giêsu sẽ bày tỏ chính Ngài là Chúa của Lịch sử, là Vua của Vũ trụ, là Đấng phán xét tất cả mọi người. Nhưng nghịch lý của Kitô giáo đó là vị Thẩm phán không khoác trên mình bộ trang phục đáng sợ của hoàng gia, mà là Đấng Chăn Chiên đầy lòng nhân lành và hiền từ.”

Đức Thánh Cha phân tích rằng Chúa Giêsu nhìn thế giới từ quan điểm của con chiên cũng như của người chăn chiên. Khi đưa ra những phán xét của Ngài vào ngày sau hết, Ngài sẽ sử dụng cả hai quan điểm.

“Vì vậy, vào ngày tận thế, Chúa sẽ kiểm tra đàn chiên, và Ngài sẽ làm như vậy không chỉ dựa trên quan điểm của người chăn chiên mà còn dựa trên quan điểm của những con chiên, những người mà Ngài đã đồng nhất chính mình với họ,” Đức Phanxicô nói. “Thưa anh chị em, chúng ta hãy nhìn đến luận lý của sự thờ ơ, của những người ngay lập tức hiện lên trong trí, quay mặt đi hướng khác khi chúng ta thấy một vấn đề. Chúng ta hãy nhớ lại dụ ngôn Người Samari nhân hậu”.

Dưới đây là toàn văn huấn từ của Đức Thánh Cha, văn bản của Vatican (ND: bản tiếng Anh):


Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Hôm nay chúng ta mừng Đại Lễ Chúa Giêsu Kitô, Vua Vũ trụ. Dụ ngôn tuyệt vời kết thúc năm phụng vụ tỏ lộ mầu nhiệm của Chúa Kitô, toàn bộ năm phụng vụ. Người là Alpha và Omega, là khởi nguyên và kết thúc của lịch sử; và phụng vụ hôm nay tập trung vào “Omega”, tức là vào mục tiêu sau cùng. Ý nghĩa của lịch sử được hiểu bằng cách giữ cho đỉnh điểm của nó trước mắt chúng ta: mục tiêu cũng là chung cuộc … Người, Đấng mà con người sắp lên án, trên thực tế, là vị thẩm phán tối cao. Trong cái chết và sự phục sinh của Người, Chúa Giêsu sẽ bày tỏ chính Ngài là Chúa của Lịch sử, là Vua của Vũ trụ, là Đấng phán xét tất cả mọi người. Nhưng nghịch lý của Kitô giáo đó là vị Thẩm phán không khoác trên mình bộ trang phục đáng sợ của hoàng gia, mà là Đấng Chăn Chiên đầy lòng nhân lành và hiền từ.

Quả thật, trong dụ ngôn về sự phán xét sau cùng này, Chúa Giêsu sử dụng hình ảnh người chăn chiên, Ngài lấy những hình ảnh này từ ngôn sứ Êdêkien, người đã nói về sự can thiệp của Đức Chúa để giúp cho dân của Người chống lại các tư tế xấu xa của Israel (x. 34: 1-10). Họ đã là những kẻ bóc lột tàn ác, thích chăm sóc cho bản thân hơn là đàn chiên; vì thế, Đức Chúa hứa Người sẽ đích thân chăm sóc đàn chiên của Người, bảo vệ đàn chiên khỏi sự bất công và ngược đãi. Lời hứa này của Đức Chúa thay mặt dân Người được kiện toàn trong Chúa Giêsu Kitô, Đấng Chăn Chiên: Chính Ngài là người chủ chăn tốt lành. Ngài nói về chính bản thân Ngài: “Ta là mục tử nhân lành” (Ga 10:11, 14).

Trong trích đoạn Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu đồng hóa Ngài không những với vị vua-đấng chăn chiên, mà còn với con chiên, chúng ta có thể nói đến một sự đồng hóa hai chiều: vị vua-đấng chăn chiên, đồng thời là Chúa Giêsu và con chiên: nghĩa là Ngài đồng hoá Ngài với người bé mọn nhất và túng thiếu nhất giữa các anh chị em của Ngài. Và do đó, Ngài chỉ ra tiêu chuẩn của sự phán xét: nó sẽ được thực hiện trên cơ sở tình yêu cụ thể được tặng trao hoặc bị từ chối đối với những người này, bởi vì chính Ngài, vị thẩm phán, hiện diện trong từng người họ. Ngài là vị thẩm phán. Ngài là Thiên Chúa và là Con người, nhưng Ngài cũng là người nghèo, Ngài ẩn thân và hiện hữu trong con người của những người nghèo khổ mà Ngài nói đến: ngay ở đó. Chúa Giêsu nói: “Ta bảo thật các ngươi: mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy” (cc. 40, 45). Chúng ta sẽ bị xét xử về tình yêu thương. Sự phán xét sẽ dựa trên tình yêu thương, không dựa trên cảm xúc, không: chúng ta sẽ bị phán xét dựa trên những việc làm, dựa trên lòng trắc ẩn để trở nên gần gũi và sự ân cần giúp đỡ. Tôi có đến gần Chúa Giêsu hiện diện nơi những người bệnh tật, người nghèo, người đau khổ, người bị tù đày, của những người đói và khát công lý không? Tôi có đến gần Chúa Giêsu đang hiện diện ở đó không? Đây là câu hỏi cho ngày hôm nay.

Vì vậy, vào ngày tận thế, Chúa sẽ kiểm tra đàn chiên, và Ngài sẽ làm như vậy không chỉ dựa trên quan điểm của người chăn chiên mà còn dựa trên quan điểm của những con chiên, những người mà Ngài đã đồng hóa chính mình với họ. Và Ngài sẽ hỏi chúng ta: “Ngươi có một chút nào giống người chăn chiên như chính Ta không?” “Ngươi có phải là một người chăn chiên đối với Ta là người hiện diện trong những người đang túng thiếu, hay ngươi thờ ơ?” Thưa anh chị em, chúng ta hãy nhìn đến luận lý của sự thờ ơ, của những người ngay lập tức hiện lên trong trí, quay mặt đi hướng khác khi chúng ta thấy một vấn đề. Chúng ta hãy nhớ lại dụ ngôn Người Samari nhân hậu. Người đàn ông tội nghiệp đó, bị đánh trọng thương bởi những kẻ cướp, gục xuống đất, nằm giữa sự sống và cái chết, anh ta chỉ có một mình. Một tư tế đi ngang qua, nhìn thấy và lại tiếp tục đi. Ông ta nhìn theo hướng khác. Một thầy Lêvi đi ngang qua, nhìn thấy và cũng nhìn theo hướng khác. Đứng trước những anh chị em đang cần giúp đỡ, tôi có thờ ơ như thầy tư tế, như thầy Lêvi, và nhìn theo hướng khác không? Tôi sẽ bị xét xử về điều này: về cách thức tôi đến gần, về cách tôi nhìn vào Chúa Giêsu hiện diện trong những người cần giúp đỡ đó. Đây là luận lý, và không phải cha nói điều đó: Chúa Giêsu nói điều đó. “Những gì ngươi làm cho người đó, người đó, và người đó, là ngươi đã làm cho Ta. Và những gì ngươi đã không làm cho người đó, người đó, và người kia, là ngươi đã không làm cho Ta, bởi vì Ta ở đó”. Xin Chúa Giêsu dạy cho chúng ta luận lý này, luận lý của sự gần gũi, của việc đến gần với Ngài, với tình yêu thương, đến gần với người đang đau khổ nhất.

Chúng ta hãy xin Đức Trinh Nữ Maria dạy chúng ta thống trị bằng cách phục vụ. Mẹ Maria, đã được rước lên Thiên đàng, đón nhận được triều thiên từ Con của Mẹ vì Mẹ đã trung thành theo Ngài – Mẹ là người môn đệ đầu tiên – trên con đường Tình yêu. Chúng ta hãy học từ Mẹ để đi vào Vương quốc của Thiên Chúa ngay cả từ bây giờ qua cánh cửa của sự phục vụ khiêm nhường và quảng đại. Và chúng ta trở về nhà với câu ghi nhớ này: “Ta đã ở đó. Cảm ơn, hay ngươi đã quên Ta”.

____________________________________________

Sau giờ đọc Kinh Truyền tin Đức Thánh Cha tiếp tục:

Anh chị em thân mến,

Cha xin gửi suy nghĩ đặc biệt đến người dân Campania và Basilicata bốn mươi năm sau trận động đất kinh hoàng với tâm chấn ở vùng Irpinia và là trận động đất gieo rắc cái chết và sự tàn phá. Bốn mươi năm đã đi qua. Biến cố đau thương đó, với những vết thương chưa lành đã làm nổi bật lòng nhân ái và tinh thần đoàn kết của người dân Ý. Bằng chứng về điều này là rất nhiều mối quan hệ kết nghĩa giữa những khu vực có động đất và những khu vực ở miền Bắc và miền Trung nước Ý, với những mối quan hệ vẫn còn bền chặt. Những sáng kiến này ưu tiên cho hành trình khó khăn của sự tái thiết, và trên hết là tình huynh đệ giữa các cộng đồng khác nhau trên Bán đảo.

Và cha xin chào tất cả anh chị em, những người đến từ Roma, những anh chị em hành hương, bất kể những khó khăn hiện tại và luôn tôn trọng các quy tắc, đã đến Quảng trường Thánh Phêrô.

Xin gửi lời chào đặc biệt đến các gia đình đang gặp khó khăn trong giai đoạn này. Về điều này, xin hãy nghĩ đến nhiều gia đình đang gặp khó khăn trong thời điểm hiện tại, vì không có việc làm, họ đã mất việc, lại có một hoặc hai đứa con… Và nhiều lúc tủi thân, không biết phải làm sao để kiếm sống. Nhưng anh chị em là những người cần phải đi và tìm kiếm nơi cần giúp đỡ. Nơi có Chúa Giêsu, nơi Chúa Giêsu đang cần giúp đỡ. Hãy làm việc đó!

Cha chúc tất cả anh chị em Chúa nhật hạnh phúc. Và có rất nhiều anh chị em đến từ “Immacolata”. Cảm ơn anh chị em!

Và xin đừng quên cầu nguyện cho cha. Chúc anh chị em bữa trưa ngon miệng và arrivederci!

© Libreria Editrice Vatican


[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 23/11/2020]


Trung tâm nghiên cứu Pew cho biết những hạn chế của chính phủ đối với tôn giáo tiến đến đỉnh cao mới

Trung tâm nghiên cứu Pew cho biết những hạn chế của chính phủ đối với tôn giáo tiến đến đỉnh cao mới

Trung tâm nghiên cứu Pew cho biết những hạn chế của chính phủ đối với tôn giáo tiến đến đỉnh cao mới

Credit: Juthamat8899/Shutterstock.


CNA Staff, 15 tháng Mười Một, 2020 / 05:01 pm MT (CNA). - Trung tâm Nghiên cứu Pew cho biết trong báo cáo mới của họ rằng những hạn chế của chính phủ đối với tôn giáo đang ở mức cao nhất kể từ khi bắt đầu theo dõi vào năm 2007, tìm thấy 56 quốc gia đã đạt đến những mức độ hạn chế tôn giáo “cao” hoặc “rất cao” vào năm 2018.

Pew cho biết ngày 10 tháng Mười Một, “Năm 2018, mức độ trung bình trên toàn cầu về các hạn chế của chính phủ đối với tôn giáo – tức là luật pháp, những chính sách và hành động của các quan chức tác động đến niềm tin và những việc thực hành tôn giáo – tiếp tục tăng cao, đạt mức cao nhất mọi thời gian kể từ khi Trung tâm nghiên cứu Pew bắt đầu theo dõi các xu hướng này vào năm 2007”. Trong khi mức tăng từ năm 2017 là “tương đối vừa phải”, thì nó tiếp tục “gia tăng đáng kể” đối với các hạn chế.

Để theo dõi các khuynh hướng trong tôn giáo, Trung tâm Nghiên cứu Pew đã tạo ra một bảng Chỉ số những Hạn chế của Chính phủ, thang điểm 10 sử dụng 20 chỉ số. Nó cũng đã tạo ra một chỉ số về sự thù địch xã hội. Trong khi đại dịch coronavirus đã gây ra làn sóng tranh cãi về những hạn chế đối với những sự tập trung tôn giáo, báo cáo mới nhất của Pew liên quan đến năm 2018.

Theo phân tích của Pew, khu vực Trung Đông và Bắc Phi vẫn có mức trung bình cao nhất về các hạn chế của chính phủ đối với tôn giáo, tăng 6,2 so với 6,0 năm 2017. Mười tám quốc gia, chiếm 90% khu vực, có mức độ hạn chế cao hoặc rất cao.

Tuy nhiên, châu Á và Thái Bình Dương có sự gia tăng lớn nhất về các hạn chế của chính phủ. Ví dụ, 31 quốc gia trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương chứng kiến việc chính phủ sử dụng vũ lực đối với tôn giáo, gia tăng so với 26 quốc gia trong năm 2017.

Những vụ việc ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương bao gồm việc Armenia giam giữ một thành viên theo tín ngưỡng Baha'i trên cơ sở tôn giáo. Tại Philippines, ba nhà truyền giáo của giáo phái Methodist Thống nhất đã bị buộc phải rời khỏi đất nước, hoặc phải đối mặt với vấn đề gia hạn thị thực sau khi họ tìm cách điều tra các vi phạm nhân quyền. Tại Miến Điện, nay được gọi là Myanmar, hơn 14.500 người Hồi giáo Rohingya phải chạy sang Pakistan để thoát khỏi sự ngược đãi do nhà nước bảo trợ, và 4.500 người khác bị giam giữ ở khu vực biên giới và bị làm khó dễ bởi các quan chức muốn họ rời sang Bangladesh. Tại Uzbekistan, ít nhất 1.500 người Hồi giáo tiếp tục bị giam giữ vì bị cáo buộc theo chủ nghĩa cực đoan hoặc là thành viên của các nhóm bị cấm.

Trung Quốc bị xếp hạng xấu nhất trong bảng chỉ số của Pew về các hạn chế của chính phủ đối với tôn giáo, 9,3 trên 10. Các hạn chế của nhà nước bao gồm cấm các nhóm tôn giáo như Pháp Luân Công và một số nhóm Kitô giáo. Nhà nước ngăn chặn một số việc thực hành tôn giáo, lùng sục những nơi thờ phượng và giam giữ và tra tấn người dân. Họ tiếp tục một chiến dịch giam giữ người Duy Ngô Nhĩ ở tỉnh Tân Cương, với ít nhất 800.000 người bị quản thúc. Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho biết các cơ sở giam giữ được “thiết kế để tẩy xóa những bản sắc tôn giáo và sắc tộc.”

Tajikistan hiện xếp hạng 7,9 về chỉ số những hạn chế của chính phủ, với những thay đổi pháp lý tăng cường kiểm soát tôn giáo vào năm 2018. Giáo dục tôn giáo phải đối mặt với các quy định nghiêm ngặt hơn và các nhóm tôn giáo phải báo cáo hoạt động cho chính quyền. Việc bổ nhiệm các imams buộc phải có sự chấp thuận của nhà nước. Giáo phái Jehovah’s Witnesses không được công nhận chính thức và hơn một chục thành viên đã bị thẩm vấn và bị gây áp lực buộc phải bỏ tôn giáo của họ.

Các vấn đề vẫn tiếp tục ở Trung Đông và Bắc Phi. Ở tỉnh Miền Đông của Ả Rập Xê Út, hơn 300 người Hồi giáo dòng Shiite vẫn đang ở trong tù sau các cuộc biểu tình đòi các quyền lớn hơn.

Pew cho biết chính quyền Algeria đã bắt giữ một số người Kitô giáo vì vi phạm luật cấm truyền đạo bởi những người không theo đạo Hồi. Họ cũng truy tố 26 tín đồ Hồi giáo Ahmadi với cáo buộc “xúc phạm các giới luật của đạo Hồi”.

Trong số các quốc gia đông dân nhất, những hạn chế tôn giáo cao nhất được tìm thấy ở Ấn Độ, Ai Cập, Indonesia, Pakistan và Nga.

Trung tâm Nghiên cứu Pew cũng đo lường các hành vi thù địch xã hội, “bao gồm mọi thứ, từ xung đột vũ trang liên quan đến tôn giáo đến sự quấy rối về trang phục”. Con số này vượt đỉnh cao trong báo cáo năm 2017 và giảm nhẹ vào năm 2018.

Ấn Độ xếp hạng thấp nhất về chỉ số thù địch xã hội, 9,6 trên 10, do bạo lực đám đông liên quan đến tôn giáo đáng lo ngại và sự thù địch đối với sự chuyển đổi tôn giáo trong năm 2018. Bảng xếp hạng những hạn chế của chính phủ Ấn Độ cũng đạt mức cao nhất là 5,9 vào năm 2018. Cảnh sát ở bang Uttar Pradesh đã buộc tội 271 người Kitô giáo “truyền bá những dối trá về đạo Hindu” và bị cáo buộc cố tình cải đạo bằng cách đánh thuốc mê mọi người.

Trung Đông và Bắc Phi có xu hướng bị xếp hạng xấu nhất trong chỉ số này, trong khi Châu Mỹ xếp hạng tốt nhất. Tuy nhiên, ở châu Mỹ, El Salvador có sự gia tăng lớn nhất. Một ví dụ về sự thù địch tôn giáo xảy ra vào tháng Ba năm 2018 trong Tuần Thánh, khi những người đàn ông có vũ trang cướp một linh mục người Salvador và những người cùng đi khi đang trên đường đến Thánh lễ. Họ đã giết vị linh mục.

Người Kitô giáo và người Hồi giáo tạo thành các nhóm tôn giáo đông dân số nhất và phân tán nhiều nhất về mặt địa lý trên thế giới, bị quấy phá ở nhiều quốc gia nhất: 145 quốc gia đối với người Kitô giáo và 139 nước đối với người theo đạo Hồi.

Người Do Thái chỉ chiếm 0,2% dân số thế giới, nhưng phải đối mặt với sự quấy rối ở 88 quốc gia và là nhóm tôn giáo bị quấy rối đứng thứ ba sau Kitô giáo và Hồi giáo.

Những người không theo một tôn giáo, trong đó gồm cả những người vô thần, người theo thuyết bất khả tri và những người không xác định theo bất kỳ tôn giáo nào, ít chịu sự quấy rối. Những người trong nhóm này bị quấy rối ở 18 quốc gia, giảm xuống so với 23 quốc gia vào năm trước.

Trong phân tích của Pew, các chính phủ độc tài có nhiều khả năng hạn chế tôn giáo hơn và chỉ có 7% các quốc gia với mức độ hạn chế thấp là độc tài. Tuy nhiên, nhiều quốc gia độc tài chỉ có các mức độ thù địch xã hội ở mức “thấp” hoặc “vừa phải”.

Pew nói: “Không quốc gia nào được xếp hạng là một nền dân chủ đầy đủ có những hạn chế của chính phủ hoặc sự thù địch xã hội ở mức ‘rất cao’.



[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 17/11/2020]