Thứ Sáu, 23 tháng 8, 2019

Cô bé tự rời khỏi đám đông & lên khán đài với Đức Thánh Cha trong buổi Tiếp Kiến Chung

Cô bé tự rời khỏi đám đông & lên khán đài với Đức Thánh Cha trong buổi Tiếp Kiến Chung
Copyright: Vatican Media

Cô bé tự rời khỏi đám đông & lên khán đài với Đức Thánh Cha trong buổi Tiếp Kiến Chung


Đức Phanxico nói với người vệ binh cứ để cho cô bé tự do và hỏi các tín hữu trong buổi Tiếp Kiến chung: ‘Anh chị em có cầu nguyện cho bé không?’



22 tháng Tám, 2019 12:51

Trong buổi Tiếp Kiến Chung của Đức Thánh Cha Phanxico hôm qua, một cô bé chạy từ chỗ người mẹ trong đám đông và lên khán đài với Đức Thánh Cha Phanxico.

Bị một chứng bệnh lạ, cô bé đi tới đi lui trước mặt Đức Thánh Cha, có những lúc đứng bên cạnh hoặc trước mặt ngài, và thỉnh thoảng vỗ tay thật lớn.

Đức Thánh Cha nói với người vệ binh cứ để cho cô bé tự do, và nói rằng cô bé thật đẹp và đang bị một căn bệnh và không ý thức được việc mình đang làm.

Đức Thánh Cha nói, “Cô bé tội nghiệp này là nạn nhân của một căn bệnh, và bé không hề biết việc mình đang làm.”

Đức Thánh Cha tiếp tục, “Cha hỏi một điều, và mọi người hãy trả lời thầm trong lòng mình. Tôi có cầu nguyện cho cô bé khi tôi nhìn thấy bé không?”

“Tôi có cầu xin Chúa chữa lành cho cô bé và bảo vệ bé không?”

“Tôi có cầu nguyện cho cha mẹ và gia đình của bé không?”

“Khi chúng ta nhìn thấy một người đang chịu đau khổ,” Đức Phanxico nhấn mạnh, “chúng ta phải cầu nguyện. Tình huống này giúp chúng ta luôn phải đặt câu hỏi đó cho mình.”

Chúng ta theo dõi bài giáo lý của Đức Thánh Cha qua đường liên kết dưới đây của Vatican YouTube (và cô bé xuất hiện khoảng phút 19:00, trong bài giáo lý của Đức Thánh Cha).




[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 23/8/2019]


Toàn văn Tiếp Kiến Chung của Đức Thánh Cha: Tông đồ Công vụ (4:32-35)

Toàn văn Tiếp Kiến Chung của Đức Thánh Cha: Tông đồ Công vụ (4:32-35)
General Audience - Vatican Media

Toàn văn Tiếp Kiến Chung của Đức Thánh Cha: Tông đồ Công vụ (4:32-35)

‘Có quá nhiều ‘du khách’ trong Giáo hội là những người chỉ đi lướt qua, nhưng không bao giờ thật sự tiến vào Giáo hội … Họ chỉ là những du khách đến từ hầm mộ’

22 tháng Tám, 2019 15:56

Buổi Tiếp Kiến chung ngày 21 tháng Tám được tổ chức trong Khán phòng Phaolo VI của Vatican, tại đây Đức Thánh Cha Phanxico gặp gỡ các nhóm khách hành hương và tín hữu từ nước Ý và khắp nơi trên thế giới.

Tiếp tục loạt giáo lý về Sách Tông đồ Công vụ, trong huấn từ bằng tiếng Ý Đức Thánh Cha tập trung phân tích về chủ đề: Giữa họ, “mọi sự đều là của chung.” Đời sống trong Cộng đoàn Ki-tô hữu (trích sách Tông đồ Công vụ 4:32-35).

Sau phần tóm lược bài giáo lý bằng một số ngôn ngữ, Đức Thánh Cha gửi lời chào đặc biệt đến các nhóm tín hữu hiện diện.

Buổi Tiếp Kiến chung kết thúc với bài hát Kinh Lạy Cha và Phép Lành Tòa Thánh.

Dưới đây là bản dịch (tiếng Anh) của ZENIT toàn văn huấn từ Tiếp Kiến Chung của Đức Thánh Cha:


* * *

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Cộng đoàn Ki-tô hữu được sinh ra từ sự tuôn đổ dư tràn của Chúa Thánh Thần và phát triển nhờ vào ‘lớp men’ của sự chia sẻ giữa các anh chị em trong Đức Ki-tô. Có một chiều kích đoàn kết xây dựng nên Giáo hội như gia đình của Thiên Chúa, nơi mà sự trải nghiệm koinonia là trung tâm. Chữ ngày có nghĩa là gì, một chữ rất lạ? Nó là một chữ Hy Lạp có nghĩa là “góp chung với nhau,” “đem làm của chung” để trở thành một cộng đoàn, không trở nên cô lập. Đây là trải nghiệm của cộng đoàn Ki-tô hữu tiên khởi, nghĩa là “chia sẻ,” “hiệp thông,” “tham gia,” không tự cô lập mình. Trong Giáo hội, theo nguồn cội, koinonia, cộng đoàn này, trước hết nói đến sự dự phần trong Mình và Máu Đức Ki-tô. Chúng ta đi vào sự hiệp thông với Chúa Giê-su và từ sự hiệp thông này với Chúa Giê-su, chúng ta tiến đến sự hiệp thông với anh chị em của chúng ta. Và sự hiệp thông với Mình và Máu của Chúa Ki-tô, trong Thánh Lễ, được biến thành sự hiệp nhất huynh đệ, và từ đó dẫn đến một điều khó khăn nhất cho chúng ta: góp chung của cải và quyên góp tiền cho Mẹ Giáo hội ở Giê-ru-sa-lem (Rm 12:13 ; 2 Cr 8–9) và các Giáo hội khác. Nếu anh chị em muốn biết mình có phải là người Ki-tô hữu tốt hay không, anh chị em phải cầu nguyện, cố gắng tìm đến sự hiệp thông, và bí tích hòa giải. Và tín hiệu cho thấy tâm hồn của anh chị em đã được hoán cải, đó là khi sự hoán cải đến từ những cái túi của con người, đụng chạm đến lợi ích riêng của con người: đây là nơi chúng ta nhìn biết xem một người có quảng đại với người khác hay không, thì anh chị em chắc chắn đó là sự hoán cải thật. Nếu nó chỉ dừng lại ở những lời nói, thì đó chưa phải là sự hoán cải tốt.

Đời sống Thánh Thể, cầu nguyện, rao giảng của các Tông đồ và kinh nghiệm của sự hiệp thông (Cv 2:42), làm cho các tín hữu muôn người chỉ có – như tường thuật của sách Tông đồ Công vụ – “một lòng một ý” và “không một ai coi bất cứ cái gì mình có là của riêng, nhưng đối với họ, mọi sự đều là của chung” (Cv 4:32). Nó là một mô hình đời sống quá mạnh mẽ đến mức giúp chúng ta trở nên quảng đại không mệt mỏi. Vì lý do này, “Trong cộng đoàn, không ai phải thiếu thốn, vì tất cả những người có ruộng đất nhà cửa, đều bán đi, lấy tiền, đem đặt dưới chân các Tông Đồ. Tiền ấy được phân phát cho mỗi người, tùy theo nhu cầu.”(Cv 4:34-35). Giáo hội luôn luôn có được hành động này nơi những Ki-tô hữu dám bỏ mọi sự của mình, và những thứ không cần thiết, để trao tặng chúng cho những người thiếu thốn. Và không chỉ là tiền bạc, thậm chí cả thời gian.

Có biết bao người Ki-tô hữu – chẳng hạn, anh chị em ở nước Ý này – có biết bao người Ki-tô hữu là những thiện nguyện viên! Thật là đẹp! Nó là sự hiệp thông, chia sẻ thời gian của tôi với người khác, để giúp đỡ những người thiếu thốn. Sự phục vụ tình nguyện, công cuộc bác ái, những chuyến thăm viếng bệnh nhân. Chúng ta phải luôn luôn chia sẻ với người khác, chứ không chỉ nhìn đến những lợi ích riêng cá nhân mình.

Từ đó, cộng đoàn, hay koinonia, trở thành mối quan hệ mới giữa các tông đồ của Chúa. Người Ki-tô hữu trải nghiệm một con đường mới để sống với nhau, cư xử với nhau. Và đó là con đường của người Ki-tô hữu, tới mức độ người ngoại giáo nhìn đến người Ki-tô hữu và nói: “Hãy nhìn xem họ yêu thương nhau biết chừng nào!” Tình yêu là con đường, tình yêu cụ thể, tính cụ thể của tình yêu. Mối dây ràng buộc với Đức Ki-tô thiết lập một mối dây ràng buộc giữa những người anh em cùng tuôn tràn và thể hiện qua cách góp chung của cải vật chất. Đúng vậy, cách sống với nhau như vậy, cách yêu thương này, chạm đến những cái túi, không còn bị ngăn trở bởi việc trao tặng tiền bạc cho người khác, và bây giờ cái nhìn thoát ra khỏi lợi ích riêng của con người. Là một chi thể của Thân thể Đức Ki-tô làm cho người tín hữu đồng chung trách nhiệm với nhau. Là những người tín hữu trong Chúa Giê-su làm cho tất cả chúng ta đều có trách nhiệm với nhau. “Nhưng mà nhìn người đó xem, ông ta có vấn đề: tôi không quan tâm …” Không, là người Ki-tô hữu chúng ta không thể nói như vậy. Chúng ta cũng không nói một cách đơn thuần: “Tội nghiệp người đó, ông ấy có vấn đề ở nhà, ông ta đang phải trải qua sự khó khăn gia đình.” Tôi phải cầu nguyện, tôi lấy điều đó làm của mình, tôi không thể thờ ơ.” Đây là một người Ki-tô hữu.

Đây là lý do tại sao người vững mạnh nâng đỡ người yếu đuối (Rm 15:1) và không ai vấp phải sự thờ ơ là thái độ làm sỉ nhục và làm méo mó nhân phẩm, vì họ sống ý thức này trong cộng đoàn: họ có tâm hồn chung. Họ yêu thương nhau. Đây là dấu hiệu: sự yêu thương cụ thể. Gia-cô-bê, Phê-rô và Gio-an là ba Tông đồ như là “trụ cột” của Giáo hội ở Giê-ru-sa-lem, xây dựng lên tinh thần hiệp thông mà Phaolo và Banaba rao giảng cho người ngoại giáo trong khi các ông rao giảng cho người Do thái, và hỏi Phaolo và Banaba điều kiện là gì: đó là không quên những người túng thiếu, luôn nhớ đến người túng thiếu (Gl 2:9- 10). Không chỉ những người túng thiếu về vật chất, nhưng cả túng thiếu về tinh thần, là những người có các vấn đề và rất cần sự gần gũi của chúng ta. Một người Ki-tô hữu luôn bắt đầu từ chính mình, từ con tim của mình, và tiếp cận với người khác, như Chúa Giê-su tiếp cận chúng ta. Đây là cộng đoàn Ki-tô hữu đầu tiên. Một mẫu gương cụ thể về sự chia sẻ và hiệp thông đối với của cải gửi đến chúng ta qua chứng tá của Banaba: ông có một thửa đất nhưng đã bán nó đi và giao số tiền án được cho các Tông đồ (Cv 4:36-37). Nhưng bên cạnh mẫu gương tốt lành thì đáng buồn lại có một hình ảnh không đẹp hiện ra: Kha-na-ni-a và vợ của ông là Xa-phi-ra đã bán một thửa đất, quyết định chỉ đưa một phần cho các Tông đồ và giữ lại phần kia cho mình (Cv 5:1-2). Sự lừa dối này làm đứt mắt xích của sự chia sẻ tự do, sự bình an, sự chia sẻ vô vị lợi. Và hậu quả thật là thảm kịch, là cái chết (Cv 5:5,10). Thánh Tông đồ Phê-rô vạch trần sự sai lầm của Kha-na-ni-a và vợ của ông, và nói với ông: “Anh Kha-na-ni-a, sao anh lại để Xa-tan xâm chiếm lòng anh, khiến anh lừa dối Thánh Thần, mà giữ lại một phần giá thửa đất? [...] Anh đã không lừa dối người phàm, mà lừa dối Thiên Chúa" (Cv 5:3-4). Chúng ta có thể nói rằng Kha-na-ni-a dối lừa Thiên Chúa vì một lương tâm cô lập, một lương tâm giả hình, và điều đó là do một “sự thỏa hiệp,” nhân cơ hội để tìm sở hữu. Sự giả hình là kẻ thù xấu nhất của cộng đoàn Ki-tô hữu, của tình yêu thương Ki-tô giáo: ra vẻ yêu thương nhau, nhưng chỉ tìm kiếm lợi lộc riêng cho mình. Thật vậy, không có sự chân thành trong việc chia sẻ, hoặc không có sự chân thành trong tình yêu, thì có nghĩa là gieo trồng sự giả hình, tách mình ra khỏi sự thật, trở nên ích kỷ, dập tắt ngọn lửa hiệp thông và biến mình trở nên lạnh lùng với sự chết trong tâm hồn.

Những người hành xử theo cách này chỉ đi qua Giáo hội như những du khách. Có quá nhiều du khách trong Giáo hội là những người chỉ đi lướt qua, nhưng không bao giờ thật sự tiến vào Giáo hội: nó là chủ nghĩa du lịch thiêng liêng làm cho họ tin rằng họ là người Ki-tô hữu, trong khi họ chỉ là những người du khách đến từ hầm mộ. Không được, chúng ta không được trở thành những người du lịch trong Giáo hội, nhưng là anh em của nhau. Một đời sống chỉ đi tìm lợi ích và tận dụng các hoàn cảnh với cái giá phải trả của người khác chắc chắn gây ra cái chết trong tâm hồn. Và có bao nhiêu người nói rằng họ gần gũi với Giáo hội, là bạn bè của các linh mục, giám mục, trong khi họ chỉ đi tìm lợi ích riêng của mình. Đây là những sự giả hình tàn phá Giáo hội.

Xin Thiên Chúa – cha cầu xin cho tất cả chúng ta – tuôn đổ trên chúng ta Thần Khí nhân hậu của Người, để vượt qua mọi sự giả hình và công bố sự thật nuôi dưỡng tình đoàn kết Ki-tô giáo, không phải là một hoạt động hỗ trợ xã hội, nó là một sự thể hiện bản chất bất biến của Giáo hội, mẹ hiền của tất cả mọi người, đặc biệt những người nghèo nhất.

[Bản dịch (tiếng Anh) của Deborah Castellano Lubov, phóng viên Vatican cấp cao của ZENIT]

© Libreria Editrice Vatican



[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 23/8/2019]