Thứ Năm, 21 tháng 3, 2019

Toàn văn Tiếp Kiến Chung ngày 20 tháng Ba, 2019

Toàn văn Tiếp Kiến Chung ngày 20 tháng Ba, 2019
© Vatican Media

Toàn văn Tiếp Kiến Chung ngày 20 tháng Ba, 2019

Đức Thánh Cha tiếp tục loạt giáo lý về Kinh Lạy Cha

20 tháng Ba, 2019 15:04

Buổi Tiếp Kiến Chung ngày 20 tháng Ba năm 2019 diễn ra trong Quảng trường Thánh Phê-rô, tại đây Đức Thánh Cha Phanxico gặp gỡ các nhóm tín hữu và khách hành hương từ nước Ý và khắp nơi trên thế giới.

Trong huấn từ bằng tiếng Ý, Đức Thánh Cha tiếp tục các bài giáo lý về Kinh Lạy Cha, tập trung vào chủ điểm “xin ý Cha được thể hiện” (Trích Kinh Thánh: trích thư Thứ Nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gửi Ti-mô-thê, 2: 1-4).

Sau phần tóm lược bài giáo lý bằng một số ngôn ngữ, Đức Thánh Cha gửi lời chào đặc biệt đến các nhóm tín hữu hiện diện. Sau đó ngài đưa ra lời kêu gọi cho những người dân trong nhiều vùng của Mozambique, Zimbabwe, và Malawi, gánh chịu những trận lũ lụt trong những ngày vừa qua.

Buổi Tiếp Kiến Chung kết thúc với bài hát Kinh Lạy Cha và Phép lành Tòa thánh.



Bài giáo lý của Đức Thánh Cha

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Tiếp tục những bài giáo lý của chúng ta về “Kinh Lạy Cha,” hôm nay chúng ta tập trung vào lời nguyện thứ ba: “Nguyện ý Cha được thể hiện.” Lời nguyện này phải được đọc kết hợp với hai lời nguyện đầu – “Nguyện danh Cha cả sáng,” “Xin Nước Cha trị đến,” “Nguyện ý Cha được thể hiện.”

Trước khi có sự chăm sóc thế giới của con người, thì đã có sự chăm sóc không mệt mỏi của Chúa dành cho con người và cho thế giới. Tất cả các Tin mừng đều phản ánh quan điểm nghịch đảo này. Da-kêu tội lỗi trèo lên một cái cây vì ông muốn nhìn thấy Chúa Giê-su, nhưng ông không hề biết rằng từ trước đó rất lâu, Thiên Chúa đã tìm kiếm ông. Khi Chúa Giê-su đến, ngài nói với ông: “Này ông Da-kêu, xuống mau đi. Vì hôm nay tôi phải ở lại nhà ông.” Và cuối cùng, ngài công bố “Vì Con Người đến để tìm và cứu những gì đã mất” (Lc 19: 5-10). Đây là ý định của Thiên Chúa, ý định mà chúng ta nguyện cầu được thực hiện. Ý định của Thiên Chúa được nhập thể trong Chúa Giê-su là gì? Tìm và cứu những gì đã mất. Và qua việc cầu nguyện, chúng ta xin cho việc tìm kiếm Thiên Chúa được thành công, xin cho chương trình cứu độ phổ quát của Người được nên trọn, trước hết trong mỗi người chúng ta và cho toàn thế giới. Anh chị em có bao giờ suy nghĩ về ý nghĩa của việc Chúa đi tìm kiếm tôi? Mỗi chúng ta có thể thắc mắc: “Vậy là Chúa đi tìm kiếm tôi sao?” – “Vâng! Người đang tìm kiếm bạn! Người đang tìm kiếm tôi.” Người tìm kiếm từng con người, từng cá nhân. Và Thiên Chúa thật vĩ đại! Không biết bao nhiêu là yêu thương ẩn chứa trong tất cả điều này.

Thiên Chúa không bao giờ là mơ hồ, Người không ẩn giấu sau những điều bí ẩn, Người không lập chương trình cho tương lai của thế giới theo kiểu không có lời giải. Không, Người rất rõ ràng. Nếu chúng ta không hiểu điều này, chúng ta có nguy cơ không hiểu được ý nghĩa của lời nguyện thứ ba trong Kinh Lạy Cha. Thật vậy, Kinh Thánh có rất nhiều đoạn mô tả chương trình tốt lành của Thiên Chúa dành cho thế giới. Và trong Giáo lý Giáo hội Công giáo, chúng ta tìm được một loạt những trích dẫn làm chứng cho thiên ý trung tín và kiên nhẫn này (x. 2821-2827). Và Thánh Phaolô trong Thư Thứ Nhất gửi Ti-mô-thê viết rằng, Người “muốn cho mọi người được cứu độ và nhận biết chân lý” (1 Tm 2: 4). Như vậy quá rõ ràng, đây chính là ý định của Thiên Chúa: ơn cứu độ cho con người, cho mọi người, cho từng người chúng ta. Thiên Chúa gõ cửa tâm hồn của chúng ta bằng tình yêu của Người. Tại sao? Để cuốn hút chúng ta; để cuốn hút chúng ta và dẫn đưa chúng ta trên con đường đến với ơn cứu độ. Thiên Chúa rất gần gũi với từng người chúng ta bằng tình yêu của Người, để nắm tay dẫn chúng ta đến với ơn cứu độ. Không biết bao nhiêu là yêu thương ẩn chứa trong điều này!

Vì vậy, xin “ý Cha được thể hiện,” chúng ta không được mời gọi phải cúi đầu theo cách của những người tôi tớ, như là những người nô lệ. Không! Thiên Chúa muốn chúng ta được tự do; chính tình yêu của Người giải thoát chúng ta. Thật vậy, Lời Kinh của Chúa là lời cầu nguyện của những đứa con, không phải của những người nô lệ; nhưng là của những người con hiểu được tấm lòng của Cha chúng và là những người trong chương trình yêu thương của Người. Khốn cho chúng ta, nếu khi đọc những lời nguyện này lại nhún vai như là dấu hiệu đầu hàng trước một vận mệnh chống lại chúng ta và dường như chúng ta không thể nào thay đổi được. Ngược lại, đó là một lời nguyện tràn đầy sự tin tưởng mãnh liệt vào Thiên Chúa là Đấng muốn sự tốt lành, sự sống, và ơn cứu độ cho chúng ta. Một lời kinh can đảm, thậm chí là thách thức, vì trên thế gian có quá nhiều, quá nhiều những hoàn cảnh không đi theo chương trình của Thiên Chúa. Tất cả chúng ta đều biết chúng. Diễn giải theo lời của ngôn sứ I-sai-a, chúng ta có thể thưa: “Lạy Cha, nơi đây có chiến tranh, những sự quanh co, sự bóc lột; nhưng chúng con biết rằng Người muốn những điều tốt lành cho chúng con, vì vậy chúng chúng con nài xin Cha: xin cho ý Cha được thể hiện! Lạy Chúa, xin hãy phá vỡ những chương trình của thế gian, biến gươm đao thành lưỡi cày và giáo mác thành lưỡi hái; ước mong rằng không ai còn có thể thực hiện hành vi chiến tranh!” Thiên Chúa muốn Hòa bình.

Kinh Lạy Cha là một kinh làm bừng sáng lên trong chúng ta cùng một tình yêu như của Chúa Giê-su dành cho ý định của Chúa Cha, một ngọn lửa thúc đẩy chúng ta biến đổi thế giới bằng tình yêu. Người Ki-tô hữu không tin vào một “số mệnh” không tránh khỏi. Không có điều gì không được an bài trong đức tin của người Ki-tô hữu: có một ơn cứu độ chờ đợi sự thể hiện trong đời sống của mỗi người nam và nữ và kiện toàn trong cõi vĩnh hằng. Nếu chúng ta cầu nguyện tức là chúng ta tin rằng Thiên Chúa có thể và muốn biến đổi thực tại bằng cách chiến thắng sự dữ bằng sự lành. Như vậy, Thiên Chúa làm cho sự vâng phục và từ bỏ mình trở nên có ý nghĩa ngay cả trong giờ phút nguy nan nhất.

Đây là trường hợp của Chúa Giê-su trong Vườn Cây Dầu khi Ngài trải qua sự lo buồn và cầu nguyện: “Lạy Cha, nếu Cha muốn, xin cất chén này xa con. Tuy vậy, xin đừng làm theo ý con, mà làm theo ý Cha” (Lc 22: 42). Chúa Giê-su đã bị nghiền nát bởi sự ác của thế gian, nhưng hoàn toàn phó thác mình trong đại dương tình yêu của thánh ý Chúa Cha. Ngay cả với những vị tử đạo, họ không tìm đến cái chết trong cơn thử thách của các họ; họ tìm kiếm những gì đến sau cái chết, đó là sự phục sinh. Bằng tình thương yêu vô bờ, Thiên Chúa dẫn dắt chúng ta bước đi trên những con đường gian khó, gánh lấy những vết thương và gai nhọn đau đớn, nhưng Người không bao giờ bỏ rơi chúng ta. Người sẽ luôn ở cùng chúng ta, bên cạnh chúng ta, trong chúng ta. Với một người có lòng tin, đây không phải là một niềm hy vọng nhưng là một thực tế. Thiên Chúa ở cùng tôi. Chúng ta tìm được một điều tương tự trong dụ ngôn của Tin mừng thánh Lu-ca nói về sự cần thiết của việc cầu nguyện liên lỷ. Chúa Giê-su nói: “Vậy chẳng lẽ Thiên Chúa lại không minh xét cho những kẻ Người đã tuyển chọn, ngày đêm hằng kêu cứu với Người sao? Lẽ nào Người bắt họ chờ đợi mãi? Thầy nói cho anh em biết, Người sẽ mau chóng minh xét cho họ” (18: 7-8). Đây là cách Thiên Chúa yêu thương chúng ta, Người chăm sóc cho chúng ta bằng cách này. Và bây giờ cha muốn mời tất cả anh chị em cùng đọc Kinh Lạy Cha. Và những anh chị em không biết đọc tiếng Ý, hãy đọc bằng chính ngôn ngữ của mình. Chúng ta cùng cầu nguyện.

Đọc Kinh Lạy Cha


Lời kêu gọi của Đức Thánh Cha

Trong những ngày này, các trận lũ lụt lớn gieo đau thương và tàn phá ở nhiều vùng trong nước Mozambique, Zimbabwe, và Malawi. Cha bày tỏ lòng buồn phiền và sự gần gũi với những dân tộc này. Cha xin phó thác nhiều nạn nhân và gia đình của họ cho lòng thương xót của Chúa và khẩn xin sự an ủi và hỗ trợ cho những người bị đau khổ vì thảm họa này.

© Libreria Editrice Vatican



[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 21/3/2019]


Nga dự định xây tượng Chúa Giê-su khổng lồ trên địa điểm trước đây dành cho Lê-nin

Nga dự định xây tượng Chúa Giê-su khổng lồ trên địa điểm trước đây dành cho Lê-nin

Nga dự định xây tượng Chúa Giê-su khổng lồ trên địa điểm trước đây dành cho Lê-nin
Photo Courtesy of Vyatsky Center


18 tháng Ba, 2019

Kế hoạch đang chờ đợi sự chấp thuận của Giáo hội Chính thống Nga trước khi động thổ.

Thành phố Vladivostok, thành phố lớn nhất ở miền viễn tây của Nga, muốn dựng bức tượng Chúa Giê-su Ki-tô khổng lồ trên đỉnh một ngọn đồi trước đây từng là địa điểm trong kế hoạch dựng tượng đài của nhà lãnh đạo cộng sản Xô-viết, Vladimir Lênin. Mặc dù công trình xây dựng chưa được phép của Giáo hội Chính thống Nga, triển vọng về một bức tượng Chúa Ki-tô khổng lồ nhìn ra Thái Bình dương làm nhiều người tín hữu Nga vô cùng phấn khởi.

Năm 1972, nhà cầm quyền Xô-viết ra lệnh xây dựng một tượng Lênin bằng đồng thau cao 98 bộ (hơn 29,8 m) đặt tại địa điểm này, cùng với một tượng thứ hai của nhà độc tài Xô-viết Joseph Stalin được lên kế hoạch cho ngọn đồi kế cận. Tuy nhiên, những khó khăn trong việc lên kế hoạch làm cho các dự án bị hoãn lại liên tục cho đến cuối cùng chúng bị hủy bỏ vào khoảng năm 1990. Từ đó các ngọn đồi bị bỏ hoang.

Những bản thiết kế cho tượng Chúa Ki-tô — đăng tải trên các nguồn truyền thông của Nga — cho thấy tượng sẽ cao 125 bộ (hơn 38 m), tương đương với chiều cao của tượng Chúa Ki-tô Cứu Thế ở Rio de Janeiro. Bức tượng chắc chắn sẽ vượt cao hơn tượng của Brazil, vì tượng đứng trên bệ cao 98 bộ (hơn 29,8 m), nâng độ cao tổng thể lên tới 223 bộ (xấp xỉ 68 m).

Trong một phỏng vấn với đài phát thanh Govorit Moskva của Nga, Gennady Tsurkov, người đứng đầu trung tâm Vyatsky Posad, nói rằng bức tượng được khơi nguồn cảm hứng bởi Iliy, một tu sĩ có ảnh hưởng, là cố vấn tinh thần của Đức Thượng phụ Kirill, giáo chủ của Giáo hội Chính thống Nga.

Tsurkov nói, “Ngài thật sự muốn dựng một tượng Chúa Giê-su Ki-tô như là đấng bảo vệ cho nước Nga của chúng tôi ở phương đông. Ngài nói, ‘chúng ta cần phải xây dựng tượng cao hơn nữa (cao hơn tượng ở Rio).’”

Turkov tiếp tục giải thích rằng phần lớn nguồn vốn cho dự án sẽ đến từ những nhà đầu tư tư nhân, nhưng tổng số chi phí vẫn chưa được ước tính. Oleg Kozhemyako, chủ tịch đứng đầu thành phố Vladivostok, cho biết thêm rằng một nhà nguyện với diện tích khiêm tốn, có thể đủ chỗ cho 30 tín hữu, được thiết kế xây dựng cách tượng một khoảng cách có thể đi bộ.

Cơ quan thông tấn Religion News Service cho biết rằng những ý kiến trên mạng về dự án rất tiêu cực, nhiều người đặt vấn đề tốt hơn là dùng tiền cho cơ sở hạ tầng của chính phủ. Tuy nhiên, vì nguồn vốn đến từ các nhà đầu tư tư nhân, nên dường như chắc chắn rằng khoản tiền sẽ không đến tay nhà nước nếu dự án không thực hiện được.

Website của Vyatsky Posad mô tả bức tượng như là một “biểu tượng của sự hiệp nhất của người dân Nga” sẽ “ban phúc lành” cho những con tàu rời bến và cập bến cảng của thành phố. Sự mô tả này đã nhanh chóng bị gỡ bỏ vì những lý do nào đó vẫn còn là một bí mật. Người ta nghi ngờ rằng những lời thành tín này bị tháo xuống vì Giáo hội Chính thống vẫn chưa chấp thuận dự án.



[Nguồn: aleteia]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 19/3/2019]