Thứ Tư, 19 tháng 4, 2017

10 sáng chế tuyệt vời của phụ nữ … mà bạn có thể nghĩ được sáng chế bởi đàn ông

10 sáng chế tuyệt vời của phụ nữ … mà bạn có thể nghĩ được sáng chế bởi đàn ông

13 tháng Tư, 2017
10 sáng chế tuyệt vời của phụ nữ … mà bạn có thể nghĩ được sáng chế bởi đàn ông
Wikipedia Commons

Trái: Nhà sáng chế Hedy Lamarr, 1944. Phải: Nhà sáng chế Melitta Bentz.
Các bạn có biết rằng những phụ nữ này là người đứng sau một số những công cụ và công nghệ tuyệt vời nhất mà chúng ta biết và yêu thích ngày nay?

1. Wi-Fi

Bạn có thể rất ngạc nhiên khi biết rằng chúng ta mắc nợ nữ diễn viên Hedy Lamarr sự kỳ diệu trong việc kết nối chúng ta với thế giới số không dây. Sau khi chán Hollywood, cô quyết định thực hiện một loạt những thí nghiệm. Cô cùng làm việc với nhà soạn nhạc George Antheil để giúp quân Đồng minh trong Thế Chiến thứ II điều khiển ngư lôi bằng sự giao tiếp không dây được mã hóa. Nhưng cuối cùng họ lại phát minh ra hệ thống quang phổ nhảy tần mà sau này cho sự ra đời của công nghệ Wi-Fi và Bluetooth. (Và cũng có thể, bạn đang sử dụng công nghệ này đó để đọc bản tin này.)

2. Phin pha cà phê

Mỗi sáng, bạn phải cảm ơn Melitta Bentz vì bạn có thể uống cà phê được lọc kỹ không có cặn sạn. Một bà nội trợ người Đức, chán vị đắng và cặn trong cà phê, bà đã tạo ra một phin lọc dùng giấy thấm và một lon thiếc. Bà được cấp bằng sáng chế ý tưởng năm 1908.

3. Ống tiêm hiện đại

Năm 1899, y tá Letitia Geer thiết kế một ống tiêm dưới da đầu tiên có thể sử dụng chỉ bằng một tay. Điều đó không có nghĩa là chúng ta thích được chích bằng những mũi kim, nhưng thỉnh thoảng nó là một điều tệ hại rất cần thiết, và mẫu thiết kế mới này đã làm một sự thay đổi khổng lồ trong thế giới y tế. Bạn có thể tưởng tượng một người bị tiểu đường luôn luôn phải lệ thuộc vào một người khác chích insulin cho họ không?

4. Tã lót dùng một lần

Nếu bạn là một người mẹ, bạn hiểu rằng chỉ một phụ nữ mới nghĩ đến việc tạo ra những tã lót dùng một lần … để tránh công việc khó chịu khi phải giặt chúng. Marion Donovan đã tạo ra loại tã không thấm, lấy cảm hứng từ rèm cho phòng tắm hoa sen, và được cấp bằng sáng chế năm 1951. Ban đầu, những người chủ nhà máy (lúc đó chủ yếu là nam giới), cũng như thị trường, không nhận ra sự cần thiết của sáng chế này cho việc sản xuất đại trà (chúng ta đều biết ai là người thường xuyên phải thay tã và giặt đồ cho em bé), nhưng năm 1961 một doanh nhân tên Victor Mills chấp nhận ý tưởng của Donovan và thành lập hãng sản xuất Pampers.

5. Máy rửa chén

Nếu bạn may mắn có được cái máy kỳ diệu đó lau rửa được chén đĩa cho bạn mà không cần những cố gắng của chính bạn, bạn phải biết là bạn đang mắc một khoản nợ tri ân với Josephine Cochrane, người đã phát minh ra thiết bị này năm 1887. Khi bà trình bày sáng chế của mình, nhiều khách sạn và nhà hàng ngay lập tức đặt hàng; sau đó, sự phổ biến của nó ngày càng lan rộng cho đến khi các gia đình bình thường bắt đầu sử dụng chúng, nó làm cuộc sống chúng ta dễ dàng hơn (và đôi bàn tay chúng ta bớt bị ăn mòn).

6. Lò sưởi trung tâm

Bạn có thấy mệt mỏi phải bó mình trong những chiếc áo len và chăn để giữ ấm mình ở trong nhà suốt thời gian giá lạnh của mùa đông, hay phải giữ cho những lò sưởi nhỏ hoạt động trong mỗi phòng? Năm 1919, Alice Parker sáng chế một hệ thống sưởi trung tâm chạy bằng khí gas tự nhiên. Mặc dù thiết kế đặc biệt của bà chưa bao giờ được xây dựng, nhưng nó tạo ý tưởng cho những hệ thống sưởi trung tâm chúng ta sử dụng ngày nay.

7. Cờ Monopoly

Đối với hầu hết chúng ta, môn cờ bàn nổi tiếng này có thể gợi lên trong trí hình ảnh một ông già đeo chiếc kính một tròng, nhưng thực ra nó được sáng chế năm 1904 bởi một người phụ nữ: Elizabeth Magie. Bà gọi nó là The Landlord’s Game (trò chơi của địa chủ) vì nó là cách phê bình những bất công của chủ nghĩa tư bản. Thật trớ trêu, một người đàn ông tên Charles Darrow đã đánh cắp sáng chế của bà 30 năm sau và bán nó cho hãng sản xuất đồ chơi Parker Brothers.

8. Tủ lạnh

Giữ thực phẩm tươi sống! Florence Parpart đã phát minh ra chiếc tủ lạnh hiện đại đầu tiên năm 1914, thay đổi hoàn toàn cách bảo quản thực phẩm của chúng ta — và, kết quả thay đổi căn bếp của chúng ta. Khi còn trẻ bà cũng đã đăng ký bản quyền cho máy quét đường và bà đã bán được trong nhiều thành phố của Mỹ.

9. Xuồng cứu sinh

Năm 1882, Maria Beasley tự hỏi, “tại sao quá nhiều người phải chết trong những vụ đắm tàu?” Và từ đó bà đã sáng tạo ra xuồng cứu sinh có thể gập lại (ví dụ những cái đã giúp giảm số tử vong trên tàu Titanic). Tuy nhiên, gia tài của bà lại đến từ một sáng chế khác: một máy đóng những thùng gỗ được dùng để cất giữ rượu hoặc những loại thực phẩm khác.

10. Thang thoát hiểm

Một người phụ nữ khác đã cứu hàng ngàn mạng sống bằng tài năng của mình là Anna Connelly, năm 1887 bà đã được cấp bằng sáng chế cầu thang sắt quen thuộc gắn vào hông của các tòa nhà, rất hữu dụng không những trong trường hợp thoát hiểm hỏa hoạn, nhưng còn dùng cho nhiều trường hợp khẩn cấp khác.

[Nguồn: aleteia]



[Chuyển ngữ: TRI KHOAN 15/04/2017]



Nữ tu người Syria được giải thưởng của Hoa kỳ sẽ ủng hộ bất kỳ nhà lãnh đạo nào đem lại hòa bình

Nữ tu người Syria được giải thưởng của Hoa kỳ sẽ ủng hộ bất kỳ nhà lãnh đạo nào đem lại hòa bình

Nữ tu người Syria được giải thưởng của Hoa kỳ sẽ ủng hộ bất kỳ nhà lãnh đạo nào đem lại hòa bình
Đệ nhất Phu nhân Melania Trump và Nữ tu Carolin Tahhan Fachakh của Syria. Ảnh: Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ - Đại sứ quán Hoa kỳ tại Tòa Thánh.
Roma, Ý, 15 tháng Tư, 2017 / 12:01 chiều (CNA/EWTN News).- Khi cuộc xung đột ở Syria vẫn bùng nổ, một nữ tu dòng Salesian được Nhà Trắng tôn vinh là một “Phụ nữ Can trường” nói rằng bất kể người chịu trách nhiệm là ai, miễn là họ hoạt động cho hòa bình thì sẽ nhận được phiếu ủng hộ của chị.
“Tôi yêu quý bất kỳ ai có thể giúp tôi đạt được hòa bình, bất kể đó là ông Assad hay Tổng thống Trump, hoặc là ai đi nữa có thể hỗ trợ chúng tôi tìm được hòa bình,” Nữ tu Carolin Tahhan Fachakh nói với các phóng viên hôm 11 tháng Tư.
Vị nữ tu nói rằng theo ý của chị, vẫn còn hy vọng cho sự hòa bình ở Syria, nhưng bất cứ lúc nào những bước đi theo hướng đó dường như được bắt đầu, liền có chuyện xảy ra và “chúng ta liền đi ngược lại.”
Tuy nhiên, bất kể bạo lực đang tiếp diễn, “vẫn có hy vọng cho tương lai,” chị nói, “vẫn có những bước đi cho hòa bình, chúng tôi tiếp tục nhìn về tương lai với tràn đầy hy vọng, vì mọi việc rồi sẽ có hồi kết. Sẽ có một hồi kết.”
Tahhan, một thành viên của Dòng Nữ tử Salesian Đức Mẹ Cứu giúp Ki-tô hữu, là một trong 13 phụ nữ nhận “Giải thưởng Phụ nữ Quốc tế Can trường” từ Đệ nhất Phu nhân Melania Trump ở Washington ngày 29 tháng Ba.
Chị được đề cử cho giải thưởng bởi đại sứ quán Mỹ tại Tòa Thánh vì công việc điều hành một trường mẫu giáo ở Damascus mà Dòng của chị đã thành lập như là một không gian an toàn và thân thiện cho hơn 200 trẻ em bị thương tật bởi chiến tranh, cả Ki-tô hữu và Hồi giáo, có thể chơi đùa và sống đúng nghĩa là trẻ em.
Ngoài trường học, nữ tu Tahhan cũng điều hành một xưởng may cùng cộng tác với Cao Ủy Liên Hợp Quốc về người Tị nạn, cung cấp tính cộng đồng và sự hỗ trợ cho những phụ nữ không có khả năng bảo vệ và buộc phải di tản.
Việc đề cử cho giải thưởng của Nhà trắng đã được chấp nhận bởi nội các của Tổng thống Obama, nhưng giữ lại cho đến khi Rex Tillerson, Ngoại trưởng đương nhiệm, thông qua, cho phép chúng được trao. Sau khi nhận giải thưởng, chị đến Roma và trao đổi với các phóng viên về công việc trong một buổi tọa đàm bàn tròn được đại sứ quán Hoa kỳ tại Tòa Thánh tài trợ.
Trong những bình luận cho các nhà báo, chị Tahhan nói được gặp gỡ 12 phụ nữ khác cùng nhận giải bên cạnh là một điều “làm phong phú thêm cho tôi.”
Trong một phần của chuyến đi của chị đến Hoa kỳ nhận giải, nữ tu cũng được đưa đến thăm nhiều dự án đang hoạt động với những người tị nạn và cũng cung cấp những dịch vụ về tâm lý, điều mà chị nói rằng “rất hữu ích cho công việc của tôi.”
Nhiều trẻ em đến trường này chịu đau khổ do những hậu quả của chiến tranh, chị nói, chị giải thích một số em ít bị ảnh hưởng hơn, một số thì không nói gì.
Chị lên tiếng lo ngại cho tương lai của văn hóa của những đứa trẻ lớn lên, khi “chúng hoàn toàn bị tàn phá, chúng có sự sợ hãi từ chiến tranh, chúng mang trong người một ít bạo lực, và đây là điều bình thường.”
Kể lại một cuộc đối thoại giữa chị với một trong những đứa trẻ sau khi một tiếng súng đại bác kết thúc, chị nữ tu nói chị nghe thấy một âm thanh lớn và hỏi nó là tiếng gì. Ngay lập tức một trong những đứa trẻ ở gần chị nói rằng đó là một tiếng súng đại bác.
Khi chị hỏi đứa trẻ 4 tuổi làm sao chúng biết, bé trả lời bằng câu “nếu nó là một tên lửa nó phải nghe có tiếng ‘xì …… bùm,’ còn nếu nó là đại bác ngay lập tức nó nổ ‘bùm.’”
“Tôi rất buồn phiền vì điều này. Đây là văn hóa của con trẻ chúng ta sao,” chị nói, và kể lại trong một video gửi đến chị từ một gia đình ở Aleppo, một trong những cháu trai của chị cho chị xem  một cái hộp “đồ chơi” mà cháu đã thu thập được, cuối cùng là những vỏ đạn đủ mọi kích cỡ khác nhau đã rơi ở trên ban công nhà họ.
“Chúng ta phải làm gì cho tương lai để gạt những cảnh bạo lực này ra khỏi trẻ em của chúng ta?” Chị Tahhan đặt câu hỏi, và nói rằng đoạn video đó từ cháu trai của chị đã “làm tổn thương tôi rất nhiều.”
Tuy nhiên, chị cảnh báo chống lại những điều mà chị nói là những tường thuật truyền thông sai sự thật cho thấy mọi thứ ở Syria chỉ là sự phá hủy.
“Không phải tất cả mọi điều ở Syria đều là kinh khủng, không phải là mọi thứ trong cuộc nội chiến này,” chị giải thích, “vẫn có sự đoàn kết, vẫn có sự chung sống giữa người Hồi giáo và Ki-tô giáo.”
“Chúng tôi chung sống với nhau, vẫn có sự cùng tồn tại,” chị giải thích rằng có nhiều phụ nữ Hồi giáo cộng tác trong xưởng may, và khi chị cần nguyên liệu, chính họ là những người đi mua chúng.
“Từ năm 2010 đến nay, hơn 500 phục nữ đã vào các nhà của chúng tôi, đã đến các lớp học may, và đa số là người Hồi giáo,” chị nói, giải thích rằng nếu chị chỉ nhận người Ki-tô hữu, “thì tôi cũng trở thành như họ, tôi trở thành một người cuồng tín.”
Rất nhiều lần khi bom rơi gần nhà dòng, liền sau đó có tiếng gõ cửa của những người đàn ông Hồi giáo đến xem tình hình, họ hỏi “Xơ có cần gì không? Xơ có sao không?”
Thậm chí ngay trong trường các trẻ không phân biệt giữa người Ki-tô giáo và Hồi giáo, chị nói, chị nói rằng chúng đã bị tàn phá trên hết bởi chiến tranh, chứ không phải vì sự khác biệt tôn giáo. “Tôi không có ý nói rằng không có chủ nghĩa cuồng tín,” chị nói thêm, nhưng nhấn mạnh rằng vẫn có sự chung sống giữa họ.
Chống lại sự chán ghét đang ngày một nhiều đối với Tổng thống Assad dưới con mắt công chúng toàn cầu, chị Tahhan lên tiếng ủng hộ ông Assad rằng “tôi thích tổng thống của chúng tôi.” Chị nói rằng ông và phu nhân của ông “rất gần gũi với chúng tôi” và đã bảo vệ và cung cấp sự hỗ trợ vật chất và tài chính cho người Ki-tô hữu ở Syria, trong đó có trường mà chị đang điều hành. Chị nói thêm rằng phu nhân của ông Assad đã gọi điện thoại hỏi riêng chị và gặp gỡ chị và nhiều nữ tu khác hỏi thăm xem có bất kỳ điều gì ngăn cản họ không thể thực hiện được công việc đồng thời hỏi họ có cần sự trợ giúp gì không.
Tuy nhiên, cộng đồng quốc tế đang bắt đầu đoàn kết với nhau chống lại ông Assad. Hôm thứ Ba các nhà lãnh đạo G7 – trong đó có Hoa kỳ, Đức, Pháp, Anh, Ý, Nhật và Canada – gặp gỡ với các đồng minh ở Trung đông, gồm Ả-rập Saudi và Thổ nhĩ kỳ, để thảo luận tính cần thiết cho vị trí lãnh đạo mới ở Syria và đồng ý về những biện pháp trừng phạt đối với đồng minh lớn nhất của ông là Nga.
Liên quan đến quyết định của ông Trump ném bom Căn cứ Không quân Shayrat của Syria sau vụ tấn công bằng khí độc sarin, chị Tahhan nói hành động này là “một bước đi lùi cho hòa bình.”
Khi nó bắt đầu vào tiến trình hòa bình ở Syria, chị nữ tu nói rằng vẫn luôn có hy vọng cho tương lai, vấn đề thường xảy ra là bất cứ khi nào một bước tiến được đưa ra, “liền có cái gì đó xảy ra và chúng ta quay ngược trở lại.”
Chị nhớ lại nhận được tin sau khi bước ra khỏi buổi tiếp tân của những người nhận giải thưởng ở Washington, chị nói khi chị nghe tin về vụ ném bom, “tôi rất đau đớn,” và theo ý chị thì, “hiện giờ, đối với tôi, chúng ta đang đi giật lùi.”
Cuộc chiến, theo ý của chị, nổ ra không hẳn vì ông Assad gây ra những rắc rối, nhưng vì “có những lợi ích khác nhau” trong đó, gồm có những nguồn tài nguyên thiên nhiên của quốc gia.
Đức Thánh Cha Phanxico “đang làm rất nhiều” bằng những lời thỉnh cầu ngài đưa ra, đặc biệt với cộng đồng quốc tế, chị nói, và gọi ngài là “một ngôn sứ thật sự.”
Những lời của ngài “đánh thức lương tâm … ngài không giữ im lặng. Ngài đang rất tỉnh táo, tiếng nói của ngài mạnh mẽ. Ngài cũng đang đi vào lương tâm của mọi người.”
Liên quan đến sự sợ hãi cho rằng nếu chủ nghĩa khủng bố Hồi giáo không bị thất bại, sẽ không còn người Ki-tô hữu sống trong vùng Trung Đông nữa, chị nữ tu nói Giáo hội đang làm việc để bảo đảm việc này không xảy ra.
“Giáo hội đang hoạt động để giữ người Ki-tô hữu,” chị nói thêm rằng “nếu Giáo hội tồn tại, thì người Ki-tô hữu sẽ vẫn tiếp tục có mặt ở đó.”
[Nguồn: catholicnewsagency]



[Chuyển ngữ: TRI KHOAN 16/04/2017]



Đức Thánh Cha Phanxico cầu nguyện cho những cộng đoàn Ki-tô hữu bị bách hại

Đức Thánh Cha Phanxico cầu nguyện cho những cộng đoàn Ki-tô hữu bị bách hại

Đức Thánh Cha Phanxico cầu nguyện cho những cộng đồng Ki-tô hữu bị bách hại
Đức Thánh Cha ban phép lành cho những người hành hương và khách viếng thăm hôm thứ Hai Phục sinh, tưởng nhớ đặc biệt đến những cộng đoàn Ki-tô hữu bị bách hại vì đức tin - REUTERS
17/04/2017 13:26
(Vatican Radio) Hôm thứ Hai Phục sinh Đức Thánh Cha Phanxico chào những người hành hương và khách thăm viếng trong Quảng trường Thánh Phê-rô, cầu nguyện đặc biệt cho những Ki-tô hữu bị bách hại vì đức tin.
Nói từ cửa sổ của Điện Tông truyền trước khi đọc Kinh Truyền Tin trong giờ kinh trưa, Đức Thánh Cha nói phụng vụ trong ngày làm vang lên tiếng hô vui mừng vĩ đại của Chúa nhật Phục sinh, “Đức Ki-tô đã sống lại, Hallelujah!’
Chúng ta nghe thấy lời của thiên thần nói với những phụ nữ ra mồ, “Hãy trở về thật nhanh và báo với các tông đồ của Người, Người đã sống lại từ cõi chết.”
Đức Thánh Cha nói, những lời đó cũng hướng trực tiếp đến chúng ta, mời gọi chúng ta hối hả và loan báo thông điệp vui mừng và sự hy vọng này cho mọi người trong thời đại của chúng ta. Thông điệp rằng cái chết và ngôi mồ không phải là lời nói cuối cùng, nhưng là Đức Ki-tô Sống lại, mang đến sự sống mới cho tất cả.

Đoàn kết và chào đón
Trước ánh sáng của sự kiện này, Đức Thánh Cha Phanxico nói, chúng ta được kêu gọi để trở thành những người khẳng định cho giá trị của sự sống. Giữa quá nhiều những khổ đau trên thế giới, ngài nói, chúng ta sẽ trở thành những con người Phục sinh nếu chúng ta biết đưa ra những hành động của tình đoàn kết và sự chào đón, làm vững mạnh lòng khát khao hòa bình và một thế giới thoát khỏi sự suy đồi.

Được biến đổi bởi Thần Khí
Những hành động nhân bản bình thường được giữ vững bởi niềm tin vào Thiên Chúa Sống Lại, Đức Thánh Cha nói, sẽ được biến đổi bởi Thần Khí và đón nhận sức mạnh mới để tiến đến được với mọi con tim, giải thoát chúng ta khỏi tình trạng khốn khổ và đem đến sự hy vọng cho những đau khổ và áp bức.

Chứng nhân anh dũng của đức tin
Đức Thánh Cha nói, nguyện xin Mẹ Maria, một chứng nhân thầm lặng cho cái chết và sự Phục sinh của Con của Mẹ là Đức Giê-su, giúp chúng ta trở thành những dấu chỉ của Đức Ki-tô Sống lại trên thế giới. Ngài kết luận bằng lời cầu nguyện đặc biệt cho tất cả những cộng đoàn Ki-tô hữu đang bị bách hại và bị áp bức ở nhiều nơi trên thế giới hôm nay, ngài nói rằng họ được kêu gọi để đưa ra chứng tá đặc biệt khó khăn và anh dũng cho thông điệp Phục Sinh.

[Nguồn: radiovaticana]

[Chuyển ngữ: TRI KHOAN 18/04/2017]