Thứ Bảy, 28 tháng 10, 2017

Cuộc nói chuyện của Đức Thánh Cha với các phi hành gia

Cuộc nói chuyện của Đức Thánh Cha với các phi hành gia

Kết nối trực tiếp với Trạm Không gian Vũ trụ
26 tháng Mười Hai, 2017
Cuộc nói chuyện của Đức Thánh Cha với các phi hành gia
CTV Screenshot
Lúc 3 giờ chiều (giờ Roma) ngày 26 tháng Mười, 2017, từ phòng Auletta của Đại sảnh Phao-lô VI, Đức Thánh Cha Phanxico được kết nối trực tiếp với phi hành đoàn của Mission 53 trên Trạm Không gian Quốc tế, một chuyến bay bay cách Trái đất 400 km.
Phi hành đoàn gồm Randolph Bresnik (Mỹ), Chỉ huy của NASA; Paolo Nespoli (Ý), kỹ sư ESA; Mark T. Vande Hei (Mỹ) kỹ sư NASA; Joseph Acaba (Mỹ, quê quán Puerto Rico) kỹ sư NASA; Sergey Ryazanskiy (Nga), kỹ sư và Alexander Misurkin (Nga), kỹ sư.
Có mặt trong phòng Auletta trong suốt cuộc nói chuyện là Chủ tịch của Cơ quan Không gian Ý (ASI), Roberto Battiston và Giám đốc các Chương trình của Đài Thiên văn Mặt đất của Cơ quan Không gian Châu Âu (ASE), Josef Aschbacher.
Cuộc nói chuyện với phi hành đoàn của Trạm Không gian Quốc tế kéo dài khoảng 25 phút. Đức Thánh Cha hỏi các phi hành gia năm câu hỏi, kết thúc cuộc nói chuyện bằng một lời chúc. Dưới đây là bản dịch (tiếng Anh) của ZENIT cuộc nói chuyện giữa Đức Thánh Cha và các phi hành gia.
* * *
Cuộc nói chuyện của Đức Thánh Cha với các Phi hành gia
Chào tất cả mọi người!
Paolo Nespoli: Xin chào Đức Thánh Cha. Chào mừng cha đến với Trạm Không gian, chào mừng cha đến giữa chúng con, giữa phi hành đoàn của chuyến thám hiểm 52 và 53.
ĐTC: Chào buổi sáng mọi người … hay buổi tối chả biết nữa, vì khi ở trong không gian chẳng ai biết sáng hay tối! Chào Tiến sĩ Nespoli, chào các phi hành gia, tôi nghĩ là ở trên đó, trong Trạm Không gian các ngày trôi qua rất khác đúng không? Tôi cảm ơn các bạn và tất cả những người tổ chức buổi kết nối này, nó cho phép tôi có cơ hội “gặp gỡ” các bạn và hỏi các bạn vài câu. Tôi bắt đầu ngay bằng câu hỏi thứ nhất.
(Câu hỏi 1) Ngành thiên văn cho chúng ta cơ hội chiêm ngưỡng những chân trời vô tận của vũ trụ, và gợi lên trong chúng ta những câu hỏi: chúng ta từ đâu đến? Chúng ta đang đi đâu? Cho tôi hỏi Tiến sĩ Nespoli: theo kinh nghiệm trong không gian của anh, anh nghĩ gì về vị trí con người trong vũ trụ?
Paolo Nespoli: Thưa Đức Thánh Cha, đây là câu hỏi rất phức tạp. Con chỉ thấy mình là một nhà kỹ thuật, một kỹ sư, con cảm thấy thoải mái khi ở giữa những máy móc, giữa những thí nghiệm, nhưng khi nói đến những điều mang tính nội tâm hơn – “chúng ta từ đâu đến …” con cảm thấy lúng túng. Nó là vấn đề rất tinh tế. Con nghĩ rằng mục tiêu của chúng con là hiểu biết con người của mình, trau giồi kiến thức, hiểu được những gì ở xung quanh chúng con. Nhưng còn hơn thế nhiều, đó là điều rất thú vị, vì chúng ta càng biết nhiều thì chúng ta lại càng nhận ra rằng mình biết rất ít. Con vô cùng thích những người như Đức Thánh Cha — không phải chỉ là những kỹ sư, không chỉ là những nhà vật lý –, nhưng là những người như cha — những nhà thần học, những triết gia, các nhà thơ, nhà văn … có thể lên đây trên không gian này, và đây sẽ là điều chắc chắn trong tương lai; con rất muốn họ lên trên này để khám phá ý nghĩa của con người có mặt trong vũ trụ.
ĐTC: Anh nói đúng.
(Câu hỏi 2) Trong đại sảnh này nơi tôi đang ngồi nói chuyện với các bạn, có một tấm thảm nghệ thuật — như các bạn nhìn thấy — được lấy nguồn cảm hứng từ câu thơ nổi tiếng mà nhà thơ Dante viết làm câu kết của tập thơ Divine Comedy: “The Love that Moves the Sun and the Other Stars” (tạm dịch: Tình yêu làm chuyển động mặt trời và những vì sao (Paradise (Thiên Đàng), XXXIII, 145). Tôi hỏi các bạn: đối với các bạn — là những kỹ sư và phi hành gia, như anh nói rất đúng –, lấy ý nghĩa nào, lấy ý nghĩa nào để đặt tên cho lực làm vũ trụ chuyển động, “tình yêu” chăng?
Paolo Nespoli: Thưa cha, con xin nhường lại cho đồng nghiệp người Nga là anh Aleksandr Misurkin, anh sẽ nói với cha bằng tiếng Nga.
[Misurkin trả lời bằng tiếng Nga]
Paolo Nespoli: Thưa cha, con hy vọng chúng con không làm cha ngạc nhiên bằng tiếng Nga: cha có ai ở đó có khả năng thông dịch không, hay để chúng con tóm tắt vắn gọn?
ĐTC: Tốt hơn là tóm vắn gọn.
Paolo Nespol dịch lại: Anh đồng nghiệp Aleksandr có một câu trả lời rất hay bằng tiếng Nga mà con tạm dịch lại đại khái như vầy, thật vắn tắt. Anh đề cập đến một quyển sách mà anh đọc trong thời gian này ở trên đây, để đưa ra suy tư, quyển “Hoàng tử nhỏ” của Thánh Exupery. Anh kể câu truyện làm cho anh sẵn sàng dành trọn cuộc đời khi trở về để bảo vệ cây cối thực vật và động vật trên trái đất. Và đặc biệt, tình yêu là sức mạnh làm cho con người có khả năng hy sinh cuộc sống vì một người khác.
ĐTC: Tôi rất thích câu trả lời này. Đúng vậy, không có tình yêu, không thể nào hy sinh cuộc sống vì người khác. Điều này đúng. Thấy rằng anh đã hiểu thông điệp mà Thánh Exupery lý giải bằng thi ca và các bạn, những người Nga, đã thấm vào trong máu, thấm vào trong truyền thống nhân văn và tôn giáo của các bạn. Điều này thật đẹp. Cảm ơn anh.
(Câu hỏi 3) Đây là một sự tò mò. Người ta nói rằng phụ nữ thì hay tò mò, nhưng đàn ông cũng tò mò đấy! Điều gì là động lực thúc đẩy các bạn trở thành những phi hành gia? Đâu là lý do chính trao tặng cho các bạn niềm vui trong suốt thời gian ở trên trạm vũ trụ này?
Paolo Nespoli: Thưa cha, để con đưa microphone cho hai đồng nghiệp: đồng nghiệp người Nga Sergey Ryazanskiy và đồng nghiệp người Mỹ Randy Bresnik.
[Ryazansky trả lời bằng tiếng Anh] Paolo Nespoli dịch:
Anh ấy nói rằng động lực đó là ông nội của anh: ông nội của anh là một trong những người tiên phong của ngành không gian; ông đã làm việc trên vệ tinh Sputnik, vệ tinh đầu tiên bay trên trái đất; ông là một trong những người chịu trách nhiệm xây dựng vệ tinh, và anh lấy động lực từ ông nội của anh, anh muốn đi theo bước đi của ông, vì theo ý của anh, không gian rất thú vị và tuyệt đẹp, nhưng cũng rất quan trọng cho chúng ta là con người.
Những gì con nhìn thấy từ đây thật tuyệt mỹ: có thể cái nhìn về trái đất đó một phần nào giống như một cái nhìn bằng đôi mắt của Thiên Chúa, và chiêm ngưỡng vẻ đẹp và sự diệu kỳ của hành tinh này.
Tốc độ trên quỹ đạo của chúng con là 10 km một giây, chúng con nhìn thấy trái đất bằng những đôi mắt khác: chúng con nhìn thấy một trái đất không có biên giới, chúng con nhìn thấy trái đất là một nơi với bầu khí quyển vô cùng tuyệt vời và lướt qua nhanh, và nhìn trái đất theo cách này làm cho chúng con phải suy nghĩ làm sao để con người, bằng cách nào để con người hợp tác với nhau vì một tương lai tốt đẹp hơn.
ĐTC: Tôi rất hài lòng với những gì hai anh trả lời. Trước hết các anh đã đi về nguồn để giải thích cho điều này: anh bắt đầu bằng ông nội của anh. Còn anh từ Mỹ đến, đã có thể hiểu rằng trái đất rất mong manh, nó chỉ là một phút thoáng qua: 10 km một giây theo như Tiến sĩ Nespoli nói … Bầu khí quyển là một thực tại mong manh và tinh tế đủ để phá hủy chúng ta. Và rồi các anh tiếp tục với cái nhìn bằng đôi mắt của Thiên Chúa — ông nội của anh và Thiên Chúa: nguồn cội và hy vọng, sức mạnh của chúng ta. Đừng bao giờ quên điều này: và nó làm tôi rất vui nghe được điều này, và lại nghe từ chính anh! Cảm ơn các anh.
(Câu hỏi 4) Cho tôi hỏi các anh một câu hỏi nữa: du hành trong không gian làm thay đổi rất nhiều việc được coi là chuyện bình thường và đương nhiên trong cuộc sống hàng ngày, chẳng hạn chuyện “lên” và “xuống.” Cho tôi hỏi: có cái gì đó đặc biệt làm cho các anh ngạc nhiên khi sống trong không gian? Và ngược lại, có cái gì đó làm các anh sững sờ vì nó cũng y như vậy, trong một bối cảnh hoàn toàn khác?
Paolo Nespoli: Cảm ơn Đức Thánh Cha. Với câu hỏi này con nhường cho bạn đồng nghiệp người Mỹ, Mark Vande Hei.
[Vande Hei trả lời bằng tiếng Anh]
Paolo Nespoli dịch: Mark nói rằng điều làm cho anh ấy ngạc nhiên là trong không gian cha nhìn thấy mọi thứ hoàn toàn khác, những thứ có vẻ tương tự nhưng không thể nhận dạng được. Thỉnh thoảng con tiếp cận được với một thứ gì đó từ một góc độ hoàn toàn khác và đầu tiên con hơi bị lúng túng, vì con không thể hiểu được chúng ở đâu, không thể hiểu được nó là gì. Nhưng điều không thay đổi ở đây, ở một nơi không có khái niệm “lên” hay “xuống” là con có thể hiểu rằng mình đứng ở đâu và tìm thấy vị trí của mình trong hoàn cảnh này, nơi mà con phải quyết định đâu là “lên” và đâu là “xuống.” Và từ đó thiết lập lên một tiểu vũ trụ của con, một tiểu vũ trụ với giác quan và hệ quy chiếu của con.
ĐTC: Và đây là điều rất nhân văn: khả năng quyết định, đưa ra quyết định. Câu trả lời cũng rất thú vị đối với tôi vì nó cũng đưa trở về cội nguồn con người.
(Câu hỏi 5) Và bây giờ, nếu các bạn còn đủ kiên nhẫn nghe, tôi xin hỏi một câu hỏi nữa. Xã hội của chúng ta bây giờ mang nặng chủ nghĩa cá nhân, nhưng trong cuộc sống thì sự hợp tác lại vô cùng quan trọng. Tôi nghĩ đến tất cả mọi công việc đứng đàng sau tập thể như tập thể của các bạn. Các bạn có thể cho tôi một ví dụ điển hình về sự hợp tác của các bạn trên Trạm Không gian?
Paolo Nespoloi: Thưa Đức Thánh Cha, một câu hỏi rất hay. Con nhường câu trả lời cho đồng nghiệp người Mỹ Joseph Acaba là hậu duệ của người Puerto Rico.
Joseph Acaba: Thưa Đức Thánh Cha, thật vinh dự được nói chuyện với cha … [anh tiếp tục nói tiếng Anh]
Paolo Nespoli dịch: Joe nhắc lại rằng Trạm Không gian này là sự hợp tác giữa nhiều quốc gia: có Mỹ, có Nga, Nhật, Canada, 9 quốc gia Châu Âu … Và anh kể về cách thức các quốc gia này hợp tác với nhau để đạt được những điều vượt ra ngoài khả năng của một quốc gia. Tuy nhiên, anh nói một trong những điều quan trọng và thú vị thực sự là mỗi người trong chúng con đều mang một sự khác biệt và khi kết hợp những sự khác biệt này lại nó tạo thành một điều lớn lao hơn nhiều so với khả năng của một con người có thể thực hiện; và làm việc với nhau, trong tinh thần hợp tác này để đi xa hơn, đây là con đường của chúng ta là con người, bước ra với thế giới và tiếp tục hành trình này trong khả năng kiến thức.
ĐTC: Các bạn là một “Glass Palace!” (tạm dịch: Lâu đài kính) Tổng của tất cả thì lớn hơn tổng của từng phần, và đây là một ví dụ mà các bạn đưa ra cho chúng tôi.
Các bạn thân mến, cảm ơn các bạn rất nhiều, tôi thật sự rất muốn nói: các huynh đệ thân mến, vì chúng ta cảm thấy mỗi người là một đại diện cho toàn gia đình nhân loại trong dự án nghiên cứu khổng lồ đó là Trạm Không gian. Tôi chân thành cảm ơn cuộc chuyện trò này, nó giúp tôi mở mang rất nhiều. Xin Chúa chúc lành cho các bạn, cho công việc của các bạn và cho gia đình của các bạn. Tôi hứa sẽ cầu nguyện cho các bạn và, xin các bạn hãy cầu nguyện cho tôi. Cảm ơn các bạn!
Paolo Nespoli: Thưa Đức Thánh Cha, thay mặt tất cả anh em con xin cảm ơn Đức Thánh Cha đã dành thời gian với chúng con hôm nay, trên Trạm Không gian Quốc tế này. Đây là nơi chúng con làm rất nhiều nghiên cứu, nơi chúng con đi tìm kiếm mọi điều của thường ngày. Chúng con cảm ơn cha đã dành thời gian với chúng con và dẫn đưa chúng con lên cao ơn và đã kéo chúng con ra khỏi những công việc máy móc thường ngày, và giúp chúng con biết nghĩ đến những điều lớn lao hơn bản thân mình. Một lần nữa xin cảm ơn cha!
ĐTC: Cảm ơn các bạn!
© Libreria Editrice Vatican
Bản dịch (tiếng Anh) của Virginia M. Forrester của ZENIT
JF

[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 27/10/2017]


Giáng sinh: Hang đá của Naples, Cây thông của Ba lan sẽ có mặt tại Vatican

Giáng sinh: Hang đá của Naples, Cây thông của Ba lan sẽ có mặt tại Vatican

Việc khởi công sẽ bắt đầu ngày 7 tháng Mười Hai
25 tháng Mười, 2017
Giáng sinh: Hang đá của Naples, Cây thông của Ba lan sẽ có mặt tại Vatican
2016 Tree CTV Capture
Một bản tin từ Ban Quản lý Thành Vatican ngày 25 tháng Mười cho biết, Hang Đá, được dựng trong Quảng trường Thánh Phê-rô đón Giáng sinh 2017, sẽ đến từ Tu viện Montevergine thuộc Montevergine, gần Naples, trong vùng Campania, miền Nam nước Ý, và cây thông sẽ từ Ba lan đến. Tất cả sẽ được khởi công lúc 4.30 chiều ngày 7 tháng Mười Hai.
Đức Thánh Cha Phaxico sẽ đón các phái đoàn đến từ Campania và Ba lan sáng nay, cùng với các thiếu nhi thiết kế đồ trang trí cho cây thông.
Năm nay Tu viện Montevergine dâng Hang đá cho Vatican. Một công trình với diện tích 80 mét vuông, cao 7 mét, được làm theo phong cách của thế kỷ 18, theo truyền thống cổ xưa của người Naples. Lấy ý tưởng từ các Mối Phúc Thương xót, hang đá có 20 tượng đất nung nhiều màu sắc, một số tượng cao 2 mét. Mắt được làm bằng thủy tinh và trang phục may bằng vải.
Tổng giáo phận Elk, ở Ba lan dâng cây thông, một loại thông vân sam cao 28 mét với chu vi vòng lá của tầng thấp nhất rộng 10 mét. Đoàn Kiểm Lâm địa phương sẽ hộ tống cây thông về Roma vượt qua quãng đường khoảng 2000 cây số băng ngang Trung Âu để chặt cây.
Cũng như năm ngoái, những đồ trang trí sẽ là những đồ bằng sứ rẻ tiền và những ngôi sao, lấy theo mẫu tạo tác của các thiếu nhi đang được điều trị ung thư trong các bệnh viện ở Ý. Các bệnh nhi tham gia vào một chương trình trị liệu bằng tượng gốm sứ do Hội “Countess Lene Thun” tổ chức. Năm nay tham gia vào hoạt động này là thiếu nhi của các vùng Trung Ý bị ảnh hưởng bởi các trận động đất.
Một nghi thức khởi công làm Hang đá và thắp sáng cây thông sẽ được tổ chức chiều thứ Năm, 7 tháng Mười Hai. Chúng sẽ được thắp sáng liên tục từ ngày khởi công đến ngày 7 tháng Một, 2018, Lễ Chúa Chịu Phép Rửa, đánh dấu kết thúc Mùa Giáng Sinh. Theo truyền thống, Đức thánh Cha sẽ đến đó vào tối 31 tháng Mười Hai, sau Giờ Kinh Chiều và tạ ơn “Te Deum” cho năm đã qua.

[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 26/10/2017]