Thứ Tư, 20 tháng 6, 2018

Guatemala: Đức Thánh Cha gửi đóng góp đầu tiên cho các nạn nhân núi lửa

Guatemala: Đức Thánh Cha gửi đóng góp đầu tiên cho các nạn nhân núi lửa
Wikimedia Commons

Guatemala: Đức Thánh Cha gửi đóng góp đầu tiên cho các nạn nhân núi lửa

Hơn 1,7 triệu người bị ảnh hưởng bởi sự phun trào của núi lửa ‘Volcán de Fuego’

19 tháng Sáu, 2018 17:33
Ngày 19 tháng Sáu, 2018, Vatican thông báo rằng Đức Thánh Cha Phanxico, thông qua Bộ Thúc đẩy sự Phát triển Con người Toàn diện, đã có phần đóng góp đầu tiên là 100 ngàn đô-la để cứu trợ những người dân bị ảnh hưởng bởi thảm họa tự nhiên ở Guatemala.

Sự phun trào của núi lửa “Volcán de Fuego” ở Guatemala, theo ước tính ban đầu đã làm ảnh hưởng hơn 1,7 triệu người, khoảng 13 ngàn người phải di tản, hơn 100 người chết và khoảng 70 người bị thương, cùng với những thiệt hại rất lớn về vật chất. Với mục đích bày tỏ sự cảm thông về tinh thần và sự động viên hiền phụ của Đức Thánh Cha, khoản đóng góp này sẽ được phân chia về các giáo phận bị ảnh hưởng nhiều nhất của thảm họa với sự hợp tác của tòa khâm sứ, và sẽ được sử dụng cho những công tác cứu trợ người dân và những vùng bị đau khổ vì núi lửa phun trào.

Sự đóng góp, cùng với lời cầu nguyện cho người dân Guatemalan thân yêu, cho thấy một phần của sự cứu trợ hoạt động rộng khắp trong Giáo hội Công giáo và cùng với nhiều hội đồng giám mục tạo thành nhiều hoạt động bác ái cụ thể.


[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 20/6/2018]


Bài giảng Lễ sáng của Đức Thánh Cha: Chúc lành và yêu thương kẻ thù của anh em

© Vatican Media

Bài giảng Lễ sáng của Đức Thánh Cha: Chúc lành và yêu thương kẻ thù của anh em

Trong Lễ sáng, Đức Phanxico thừa nhận rằng đây là ‘luận lý khó’ thực hiện

19 tháng Sáu, 2018 14:06

Chúng ta được kêu gọi phải chúc lành và yêu thương kẻ thù của chúng ta và những người bắt bớ chúng ta.

Theo Vatican News, Đức Thánh Cha đưa ra thách đố khó khăn này trong Bài giảng Lễ sáng tại Nhà nguyện Thánh Marta hôm nay, ngày 19 tháng Sáu, 2018. Ngài phân tích bài Tin mừng hôm nay theo Thánh Mát-thêu (Mt 5:43-48), trong đó Chúa Giê-su mời gọi những người đi theo Ngài đạt đến một tiêu chuẩn cao hơn trong các mối quan hệ của con người, để trở nên “hoàn thiện, như Cha của anh em trên trời là Đấng hoàn thiện.”

Đức Thánh Cha nhấn mạnh, để trở nên hoàn thiện như Cha của anh em trên trời là Đấng hoàn thiện, người Ki-tô hữu phải biết tha thứ, yêu thương và chúc lành cho kẻ thù của chúng ta. Ngài nói, mầu nhiệm của đời sống người Ki-tô hữu là yêu thương kẻ thù và cầu nguyện cho những người bắt bớ chúng ta.

Đức Thánh Cha nhắc nhở rằng, để được tha thứ chúng ta cũng phải tha thứ. Một thách đố lớn cho người Ki-tô hữu là phải vượt qua những cảm tính và những sự khước từ chúc lành và yêu thương người đã lỗi phạm với chúng ta.

“Cầu nguyện cho những người muốn làm hại tôi, những kẻ thù của tôi, để Thiên Chúa có thể chúc lành cho họ: Điều này thật khó mà hiểu được,” Đức Thánh Cha thừa nhận và nói thêm: “Chúng ta hãy nhớ lại những biến cố trong thể kỷ trước, chẳng hạn những người Ki-tô hữu Nga đáng thương, họ bị đưa đến Siberia chịu chết vì giá rét chỉ đơn giản vì họ là người Ki-tô hữu. Và họ phải cầu nguyện cho chính quyền bách hại họ đã bắt họ đến đó? Làm sao có thể như vậy được? Nhưng nhiều người đã làm như vậy: họ cầu nguyện.

“Chúng ta nghĩ đến Auschwitz và những trại tập trung khác,” Đức Thánh Cha nói. “Họ có phải cầu nguyện cho nhà độc tài là người tìm kiếm một dân tộc thuần chủng’ và sát hại họ không cần đắn đo, thậm chí phải cầu xin Thiên Chúa chúc phúc cho nhà độc tài đó? Và nhiều người đã làm như vậy.”

Đức Thánh Cha nói chúng ta phải học từ Chúa Giê-su và những vị tử đạo là những người thực hành “luận lý khó hiểu” này. Chúng ta nhìn thấy điều này qua lời cầu nguyện của Chúa Giê-su cho những người đã kết án Ngài chết trên thập giá. Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng Chúa Giê-su đã xin Thiên Chúa tha thứ cho họ.

“Có một khoảng cách vô tận giữa chúng ta – là những người thường xuyên từ chối sự tha thứ ngay cả đối với những điều rất nhỏ nhặt – và những gì Thiên Chúa yêu cầu chúng ta phải làm, điều mà Ngài đã đơn giản hóa cho chúng ta: hãy tha thứ cho những kẻ tìm cách làm hại chúng ta.

Điều này thường vô cùng khó khăn, chẳng hạn ngay cả trong gia đình khi vợ chồng cần phải tha thứ cho nhau sau một trận cãi nhau, hoặc khi một người cần phải tha thứ cho mẹ vợ, mẹ chồng.

Đức Thánh Cha nói rằng điều này không hề dễ dàng.

Ngài nói, “Nhưng chúng ta được mời gọi phải tha thứ cho những người giết hại chúng ta, những kẻ muốn chúng ta biến khỏi mắt họ … Không chỉ tha thứ, mà còn phải cầu xin Chúa giúp đỡ họ! Thậm chí còn hơn thế là phải yêu thương họ. Chỉ có lời của Chúa Giê-su mới có thể giải thích được điều này.”

Đức Thánh Cha lưu ý rằng đó là một ơn sủng, “để hiểu được mầu nhiệm Ki-tô hữu này và trở nên hoàn thiện như Cha là Đấng ban những điều tốt lành cho cả người tốt và những kẻ xấu.”

Đức Thánh Cha kết luận bằng lời kêu gọi các tín hữu hôm nay hãy suy nghĩ đến kẻ thù của họ và cầu xin ơn sủng biết yêu thương họ.

“Cha nghĩ rằng mỗi chúng ta đều có một người – một ai đó đã làm chúng ta tổn thương hoặc muốn làm chúng ta tổn thương. Lời nguyền của Mafia là: ‘Ngươi sẽ phải trả giá cho việc đó.’ Lời cầu nguyện của người Ki-tô hữu là: ‘Lạy Chúa, xin ban ơn lành cho họ, và dạy con cách yêu thương họ.’ Chúng ta hãy nghĩ đến một kẻ thù, và cầu nguyện cho họ. Xin Chúa ban cho chúng ta ơn sủng biết yêu thương họ.”


[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 20/6/2018]