Thứ Hai, 11 tháng 5, 2020

Huấn từ Kinh Lạy Nữ Vương: Chúa nhật thứ Năm Phục sinh, Chúa Giêsu nói: ‘Lòng các con đừng xao xuyến’

Huấn từ Kinh Lạy Nữ Vương: Chúa nhật thứ Năm Phục sinh, Chúa Giêsu nói: ‘Lòng các con đừng xao xuyến’
© Vatican Media

Huấn từ Kinh Lạy Nữ Vương: Chúa nhật thứ Năm Phục sinh, Chúa Giêsu nói: ‘Lòng các con đừng xao xuyến’

‘Hãy tin vào Thầy’ và ‘Thầy đi để dọn chỗ cho các con’ trong Nước Trời

10 tháng Năm, 2020 16:50

Dưới đây là bản dịch (tiếng Anh) của ZENIT huấn từ của Đức Thánh Cha Phanxico hôm nay, trước và sau giờ Kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng buổi trưa trong Thư viện của Điện Tông tòa Vatican. Cuối giờ Kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng, Đức Thánh Cha xuất hiện tại cửa sổ phòng làm việc của ngày và Ban Phép Lành.

* * *

Trước Kinh Lạy Nữ Vương:

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Trong Tin mừng hôm nay (x. Ga 14:1-12) chúng ta nghe được phần đầu của cái được gọi là “Diễn từ Tạm biệt” của Chúa Giêsu. Đó là những lời Ngài nhắn nhủ tới các môn đệ của Ngài cuối bữa Tiệc Ly, ngay trước khi chịu Khổ hình. Trong giây phút đầy cảm xúc này, Chúa Giêsu bắt đầu bằng những lời: “Lòng các con đừng xao xuyến” (c. 1). Ngài cũng nói điều đó với chúng ta, trong những bi kịch của cuộc sống. Nhưng làm sao người ta giữ cho lòng mình không xao xuyến, khi tâm hồn rất lo âu?

Chúa chỉ ra hai phương thuốc cho sự lo âu. Thứ nhất là: “Hãy tin vào Thầy” (c. 1). Nó có vẻ là một lời khuyên phần nào đó mang tính thần học, trừu tượng. Tuy nhiên, Chúa Giêsu muốn nói một điều rất đúng với chúng ta. Ngài biết rằng trong cuộc sống sự lo âu tồi tệ nhất, tâm trạng bối rối, sinh ra từ cảm giác không vượt qua được. Sự lo âu này, trong đó khó khăn chồng thêm khó khăn, không thể vượt qua bằng chính sức riêng của mình. Chúng ta cần có sự trợ giúp của Chúa Giêsu, và vì vậy Chúa Giêsu yêu cầu chúng ta hãy tin vào Ngài, tức là không dựa vào sức riêng của chúng ta nhưng dựa vào Ngài, vì để thoát khỏi lo âu phải thông qua sự phó thác. Hãy phó thác bản thân chúng ta cho Chúa Giêsu, để thực hiện “bước nhảy.” Và từ đây thoát khỏi sự lo âu. Và Chúa Giêsu đã trỗi dậy và đang hiện diện chính là để luôn luôn ở bên chúng ta. Vì thế, chúng ta có thể thưa với Ngài: Lạy Chúa Giêsu con tin Người đã sống lại và đang ở bên cạnh con. Con tin Người lắng nghe con. Con xin dâng lên Người những điều làm con phiền muộn, những điều làm con lo lắng: con tin tưởng nơi Người và con xin phó thác bản thân con cho Người.”

Rồi có một phương thuốc thứ hai cho sự lo âu, điều mà Chúa Giêsu diễn tả bằng những lời này: “Trong nhà Cha Thầy có nhiều chỗ ở [...] Thầy đi để dọn chỗ cho các con” (c. 2). Chúng ta đã thấy những gì Chúa Giêsu làm cho chúng ta: Ngài đã dành một chỗ cho chúng ta trên Thiên đàng. Ngài mặc lấy nhân tính của chúng ta để đem nó vượt qua cái chết, đến một nơi mới, trong Thiên đàng, để nơi Ngài ở thì chúng ta cũng có thể đến. Đó là sự chắc chắn an ủi chúng ta; có một chỗ được dành sẵn cho mỗi người. Cũng có một chỗ cho tôi. Mỗi người chúng ta đều có thể nói: có một chỗ cho tôi. Chúng ta không sống mà không có điểm kết thúc, không có đích đến. Chúng ta đang chờ đợi; chúng ta rất quý giá. Thiên Chúa yêu thương chúng ta, chúng ta là con cái của Người. Và Ngài đã chuẩn bị cho chúng ta một nơi xứng đáng nhất và đẹp nhất: Thiên đàng. Chúng ta đừng quên điều đó; nơi cư ngụ đang chờ đợi chúng ta là Thiên đàng. Đây là nơi chúng ta đang đi qua; chúng ta được tạo dựng cho Nước Trời, cho sự sống đời đời, để sống trường sinh. Đời đời: là một điều gì đó bây giờ thậm chí chúng ta cũng không thể hình dung ra. Tuy nhiên, sẽ đẹp hơn khi nghĩ rằng đời đời sẽ là sống trọn vẹn trong niềm vui, trong sự kết hiệp trọn vẹn với Thiên Chúa và anh em, sẽ không còn nước mắt, không còn oán hận, không còn chia rẽ và lo âu.

Tuy nhiên, làm sao có thể đạt được Thiên đàng? Đâu là con đường? Đây là câu nói dứt khoát của Chúa Giêsu hôm nay: “Thầy là con đường” (c. 6). Chúa Giêsu là con đường dẫn lên Thiên đàng; nó chính là việc có mối tương quan sống động với Ngài, và bắt chước Ngài trong sự yêu thương; đó là noi theo bước chân của Ngài. Và tôi là một Kitô hữu, bạn là một Kitô hữu, mỗi người Kitô hữu chúng ta tự hỏi mình: “Tôi đi theo con đường nào?” Có những con đường không dẫn lên Nước Trời: những con đường của thế gian, những con đường tự khẳng định bản thân những con đường của sức mạnh ích kỷ. Và con đường của Chúa Giêsu, con đường của tình yêu khiêm nhường, của cầu nguyện, của sự hiền lành, của sự tin tưởng, của sự phục vụ tha nhân. Nó không phải là con đường của sự nổi bật của tôi; nó là con đường của Chúa Giêsu, vai chính trong cuộc đời của tôi. Đó là việc tiến bước mỗi ngày và thưa với Ngài: “Thưa Chúa Giêsu, Người nghĩ sao về lựa chọn này của con? Người sẽ làm gì trong hoàn cảnh này, với những con người này?” Sẽ thật tốt cho chúng ta khi hỏi Chúa Giêsu, Đấng là Đường, là người dẫn lối lên nước Trời. Nguyện xin Đức Mẹ, Nữ vương Thiên đàng, giúp chúng ta noi theo Chúa Giêsu, Đấng mở cửa Thiên đàng cho chúng ta.

© Libreria Editrice Vatican

[Văn bản chính: tiếng Ý] [Bản dịch (tiếng Anh) của Virginia M. Forrester của ZENIT]


Sau Kinh Lạy Nữ vương:

Anh chị em thân mến!

Suy nghĩ của cha hôm nay hướng về Châu Âu và Châu Phi: với Châu Âu, nhân dịp kỷ niệm 70 năm Tuyên ngôn Schuman ngày 9 tháng Năm, 1950. Nó đã tạo cảm hứng cho tiến trình thống nhất Châu Âu, làm cho sự hòa giải của các dân tộc thuộc Châu lục trở nên khả thi sau Đệ nhị Thế chiến, và quãng thời gian dài ổn định và hòa bình, mà chúng ta được thừa hưởng hôm nay. Ước mong tinh thần của Tuyên ngôn Schuman không ngừng tạo cảm hứng cho tất cả những người có trách nhiệm trong Liên minh Châu Âu, kêu gọi giải quyết những hậu quả về xã hội và kinh tế do đại dịch gây ra trong tinh thần hòa hợp và hợp tác.

Và suy nghĩ cha hướng về Châu Phi, vì bốn mươi năm trước, ngày 10 tháng Năm năm 1980, Thánh Gioan Phaolô II, trong chuyến tông du đầu tiên của Ngài đến Châu lục đó, đã lên tiếng nói hợp cùng tiếng kêu của các dân tộc vùng Sahel, bị hạn hán nặng nề. Hôm nay cha chúc mừng các bạn trẻ đang hoạt động cho sáng kiến “Những cây xanh Laudato Si’”. Mục tiêu là trồng ít nhất một triệu cây xanh trong vùng Sahel, nó sẽ hình thành một phần của “Bức tường Xanh Khổng lồ của Châu Phi.” Tôi hy vọng rằng nhiều người có thể bước theo tấm gương đoàn kết của những bạn trẻ này.

Hôm nay kỷ niệm Ngày của Mẹ ở nhiều quốc gia. Với lòng tri ân và yêu thương Cha nhớ đến tất cả những người mẹ, phó dâng họ dưới sự bảo trợ của Mẹ Maria, Mẹ trên Thiên đàng của chúng ta. Suy nghĩ của cha cũng hướng về những người mẹ đã qua đời và đồng hành với chúng ta từ trên Thiên đàng. Chúng ta mỗi người hãy dành một chút thinh lặng để tưởng nhớ về mẹ của mình [giây phút thinh lặng].

Cha chúc tất cả anh chị em một Chúa nhật hạnh phúc. Xin đừng quên cầu nguyện cho cha. Chúc anh chị em bữa trưa ngon miệng và tạm biệt.

© Libreria Editrice Vatican

[Văn bản chính: tiếng Ý] [Bản dịch (tiếng Anh) của Virginia M. Forrester của ZENIT]



[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 11/5/2020]


Nhà Trắng chủ sự Ngày cầu nguyện quốc gia

Nhà Trắng chủ sự Ngày cầu nguyện quốc gia

Nhà Trắng chủ sự Ngày cầu nguyện quốc gia
Tổng thống Donald Trump tại buổi họp báo trong Vườn Hoa hồng của Nhà trắng. Credit: Shutterstock
Matt Hadro

Washington D.C., 7 tháng Năm, 2020 / 04:30 chiều MT (CNA). - Hôm thứ Năm Nhà Trắng tổ chức Ngày Cầu nguyện Quốc gia dâng ý xin bảo vệ thoát khỏi đại dịch coronavirus. Tổng thống Trump nói rằng người Mỹ sẽ tiếp tục cầu nguyện xin sự trợ giúp của Thiên Chúa khi dân tộc đối mặt với “những thử thách bất ngờ và dường như không thể chịu đựng nổi.”

Nữ tu Eneyda Martinez thuộc cộng đoàn Nữ tu nghèo khó Thánh Giuse ở Alexandria, Virginia, là một trong những nhà lãnh đạo tôn giáo có mặt để chủ xướng giờ cầu nguyện cho những người tham dự.

“Lạy Đấng Cứu thế đầy lòng thương xót, xin hãy chữa lành và an ủi những người bệnh để với sức khỏe được hồi phục, họ dâng lên Người những lời ngợi khen. Lạy Vị Thầy thuốc thiêng liêng, xin đồng hành với những người chăm sóc của chúng con, để khi phục vụ Người với lòng kiên nhẫn, họ có thể chữa lành một cách khôn ngoan. Và qua sự khôn ngoan, xin hướng dẫn cho các vị lãnh đạo của chúng con, để qua việc tìm kiếm những phương pháp điều trị, họ có thể noi theo ánh sáng của Người,” Sơ Eneyda Martinez dâng lời cầu nguyện tại buổi cầu nguyện trong Vườn Hồng của Nhà Trắng.

Ngày Cầu nguyện Quốc gia được Quốc hội chọn vào năm 1952, và năm 1988 được chọn tổ chức hàng năm vào Thứ Năm đầu tiên của tháng Năm.

Tham dự buổi cầu nguyện tại Nhà Trắng là Tổng thống Trump và Đệ nhất phu nhân Melania Trump, cũng như Phó Tổng thống Mike Pence và Đệ nhị phu nhân Karen Pence, và Paula White, và các nhà lãnh đạo tôn giáo khác từ các nhà thờ Công giáo, Kitô giáo và Mormon, Do Thái giáo và Ấn Độ giáo.

Buổi cầu nguyện nhấn mạnh vào ý cầu xin sự bảo vệ khỏi đại dịch coronavirus, cũng như cầu nguyện cho các bệnh nhân và gia đình họ, và những nhân viên chăm sóc sức khỏe.

Sơ Eneyda Martinez dâng lời cầu nguyện: “Lạy Đức Kitô, Đấng được xức dầu, xin bảo vệ thân xác và tâm hồn chúng con, để chúng con có thể thoát khỏi mọi tai ương hoạn nạn.”

Phó Tổng thống Pence thúc giục người dân Mỹ hãy “kiên trì cầu nguyện”, đặc biệt là cho các gia đình của người đã qua đời, những người bị nhiễm virus, và nhân viên chăm sóc sức khỏe, nhiều người trong đó “theo nghĩa đen đã thay thế vị trí của những người thân yêu” khi trở thành người duy nhất tiếp xúc gần gũi với các bệnh nhân COVID-19.

Sáng thứ Năm, Tổng thống Trump đưa ra một lời tuyên bố, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc cầu nguyện trong đại dịch.

Tổng thống Trump nói: “Trong những tuần và tháng vừa qua, chúng ta đã cúi đầu cung kính ở những nơi bên ngoài địa điểm thờ phượng chính thức của chúng ta, thầm thĩ trong sự cô đơn thinh lặng xin Chúa đổi mới tinh thần của chúng ta và giúp chúng ta vượt qua những khó khăn bất ngờ và dường như không thể chịu đựng nổi.”

“Cho dù chúng ta không thể tập trung với nhau trong tình huynh đệ trong các nhà thờ, chúng ta vẫn được kết nối qua lời cầu nguyện và sự chắc chắn rằng Chúa sẽ dẫn đưa chúng ta vượt qua nhiều thung lũng của cuộc sống.”

Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh Hoa Kỳ được báo cáo là đang soạn thảo hướng dẫn cho các tiểu bang để mở lại các cơ sở công cộng và những nghi thức thực hành tôn giáo, nhưng theo Associated Press hôm thứ Năm, tài liệu đã bị chính quyền giấu đi.

Tài liệu đó được báo cáo là chống lại các nhà thờ tổ chức các nghi thức nếu những nhà thờ đó không thuộc “cộng đồng không còn cần có sự yêu cầu giảm thiểu đặc biệt.

Tuy nhiên, nếu điều kiện đó và những điều kiện khác được áp dụng thì các nhà thờ phải thực hiện những biện pháp phòng ngừa như bảo đảm giãn cách xã hội, cộng đoàn tín hữu phải đeo khẩu trang, và tăng cường tẩy trùng nhà thờ, tài liệu của CDC cho biết.

Lệnh của các tiểu bang có khác nhau trong việc giới hạn sự tụ tập đông người trong đại dịch; lệnh cách ly ở nhà của Kansas cho phép các buổi tập trung hành đạo đối với 10 người hoặc ít hơn, trong khi Illinois cấm tất cả những hình thức tập trung tôn giáo.

Sau khi các giáo phận tại Hoa Kỳ tạm dừng các Thánh Lễ cộng đoàn trong tháng Ba, các giáo phận Công giáo đã bắt đầu dâng Lễ cộng đoàn trở lại, bắt đầu từ giáo phận Las Cruces, bang New Mexico, cùng với một số giáo phận khác tiếp nối trong các ngày sau đó.

Ngày 28 và 29 tháng Tư, các nhân viên của CDC và Nhà Trắng trao đổi với bốn giám mục về việc tiếp tục trở lại những buổi thực hành tôn giáo có cộng đoàn.



[Nguồn: catholicnewsagency]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 10/5/2020]