Thứ Ba, 23 tháng 8, 2016

TIN RIÊNG: THÁNH TÍCH CỔ XƯA BỊ ĐÁNH CẮP TỪ MỘT NHÀ THỜ CÔNG GIÁO Ở SAN FRANCISCO

TIN RIÊNG: THÁNH TÍCH CỔ XƯA BỊ ĐÁNH CẮP TỪ MỘT NHÀ THỜ CÔNG GIÁO Ở SAN FRANCISCO

EXCLUSIVE: Relic stolen from San Francisco church
Các giới chức đang điều tra sau khi một thánh tích tôn giáo cổ xưa bị đánh cắp hôm thứ Năm tại nhà thờ Công giáo Thánh Đa-minh ở San Francisco. (KGO-TV)

Cornell Barnard
Chủ nhật, 21 tháng 8, 2016 06:10PM
SAN FRANCISCO (KGO) --
Các giới chức đang tìm kiếm một thánh tích tôn giáo cổ xưa được báo cáo bị đánh cắp từ một nhà thờ Công giáo ở San Francisco.
Các vị lãnh đạo tôn giáo rất đau buồn và giáo dân giáo xứ đang cầu nguyện để thánh tích được trở về bình an, thánh tích này là một sở hữu thánh thiêng và tự hào của nhà thờ Công giáo Thánh Đa-minh
Thánh tích được tin  là một phần của Thánh giá Chúa Giê-su bị đóng đinh.
Thánh lễ các Chủ nhật tại nhà thờ Thánh Đa-minh (St. Dominic's Catholic Church) là thời gian cầu nguyện và suy niệm. Nhưng Chủ nhật này có tin buồn cho các giáo dân trong xứ. “Thứ Năm vừa rồi, nhà thờ bị mất một vật vô cùng thánh thiêng.” Cha xứ nhà thờ Thánh Đa-minh nói.
Thánh tích quý giá nhất của nhà thờ được tin là một phần bị vỡ của chính cây Thập tự Chúa bị đóng đinh đã bị lấy ra khỏi hòm lưu giữ. “Thập giá thật là một thánh tích có niên đại 2000 năm trước là chính cây Thập tự của Chúa Giê-su. Vì thánh tích bị đánh cắp theo cách có chủ đích như vầy thực sự rất là đau khổ và đáng buồn,” cha Hurley nói.
Cha Hurley chỉ cho ABC7 News thấy cách các tên trộm bẻ khóa hòm và lấy đi thánh tích, để lại một dấu triện tòa thánh bằng sáp màu đỏ của năm 1700. “Thật là quái đản,” Suzanne Avila, một người thường xuyên đi lễ, nói.
Avila cầu nguyện trước thánh tích mỗi ngày. “Thánh tích giống như một phần của trái tim tôi đã bị cắt ra và nhịp đập của phần trái tim đó đã bị lấy đi, và chúng ta phải lấy nó lại,” bà nói.
"Với kẻ đã làm chuyện này, nó giống như họ bị mất trí, và tôi thực sự cảm thấy tiếc cho họ. Tôi cầu nguyện cho họ,” Lourdes Paredes, một giáo dân thường xuyên đi lễ, nói.
Không có bằng chứng nào và cũng không có camera trong nhà thờ.
Cảnh sát nói rằng với quá ít dấu vết, họ khó có thể làm được gì. “Chúng tôi hy vọng rằng kẻ trộm sẽ thay đổi tâm hồn và có thể chúng ta khám phá ra và đưa thánh tích quan trọng này về với nhà thờ của chúng ta,” cha Hurley nói.
Có một tờ ghi chú dán trên hòm đựng thánh tích kêu gọi ai đó trả lại thánh tích, và sẽ không điều tra thêm.
nhà thờ

[Nguồn:  abc7news


[Chuyển ngữ: TRI KHOAN 23/08/2016]



Sống tại công viên giải trí? Những nữ tu dòng Tiểu muội này đã làm như vậy

WEB-ITALIAN-NUN-PINECONE-CARNIVAL-Antoine Mekary


Antoine Mekary / ALETEIA


Sống tại công viên giải trí? Những nữ tu dòng Tiểu muội này đã làm như vậy


Ba nữ tu này sống trong một nhà di động giữa những “công nhân giải trí” và gia đình của họ

OSTIA — Những khăn lúp màu xanh dương bay giữa những lần quay. Tại quầy của các soeur bạn có thể chơi trò con tàu ông Nô-ê, câu cá hoa và câu cá trên biển. Một quầy mà người ta không bao giờ bỏ đi trước khi nhẵn túi, và người ta không bao giờ bỏ đi mà không có nụ cười. Bất cứ ai đến công viên lễ hội ở Ostia trên vùng bờ biển Roma đều biết điều đó. “Ở đây cửa lúc nào cũng mở; thực ra, chẳng có cái cửa nào. Cổng mở và người vào có thể ghé lại, chơi, nói chuyện, tâm sự, và nói câu “xin cầu nguyện cho con.’”
Soeur Amelia mỉm cười. Ở tuổi 75, soeur đã dành phần lớn cuộc đời tại công viên vui chơi. Soeur là một trong những “Tiểu muội Chúa Giê-su,” một cộng đoàn đi theo những bước chân của Chân phước Charles de Foucauld. Ba soeur Tiểu muội sống trong một nhà di động được những công nhân khu giải trí cung cấp.
Năm ngoái các soeur nhận được một chuyến thăm đầy ngạc nhiên của Đức Thánh Cha Phanxico, ngài đi qua một cổng nhỏ và đi theo lối mòn nhỏ dẫn đến khu vực nhà di động. Đức Thánh Cha vào nhà của các soeur và dành vài phút trong nhà nguyện ở phía trong.
Nhớ lại chuyến thăm đáng nhớ đó, lối mòn sau đó được đặt tên Đức Thánh Cha Phanxico. “Người của chúng tôi thực sự có tác động nhờ chuyến thăm của ngài. Đó là lần đầu tiên một vị giáo hoàng đi vào một nhà di động, ngài đi vào một trong những nhà di động của họ. Họ cảm nhận ngài thật gần gũi với họ, là một người trong họ.”
Công viên giải trí của Ostia tọa lạc cạnh một nhà thờ, nhưng nó thuộc khu “ngoại vi.” Buổi sáng công nhân nghỉ, và ban đêm và những ngày lễ nghỉ, khi mọi người đi chơi và giải trí và gặp gỡ nhau, họ phải làm việc. Và vì thế rất khó để tìm được những cơ hội cho những mối quan hệ vững chắc, ngay cả với những giáo xứ. “Chúng tôi cần chăm sóc mục vụ theo cách phù hợp với họ hơn,” soeur Amelia nói. Đây là lý do tại sao các “tiểu muội” lại ở đây, như một chiếc cầu nối, là những cánh tay của Giáo hội vươn ra, Mẹ Giáo hội gần gũi với những con cái của mình tận nơi họ sống. Có nơi nào nữa tốt hơn cho những người theo chân một con người — Chân phước Charles de Foucauld — người đã dành cả cuộc đời đồng hành với những người du cư? “Những tiểu muội” đã đưa nền tảng này đi một bước xa hơn, trở thành du cư với những người sống du cư, công nhân giữa những người công nhân, thợ thủ công giữa những người thợ thủ công, công nhân giải trí giữa những công nhân giải trí, “không với khát khao đưa họ trở lại đạo, nhưng là chị em với họ và làm chứng nhân cho tình yêu của Thiên Chúa.”
Soeur Amelia sống trong những công viên giải trí từ thập niên 70, ban đầu ở Roma và bây giờ có lúc ở Ostia. “Không giống ở Roma, chúng tôi sống ngay ở đây với họ, chúng tôi không phải chỉ đến đây làm việc. Nó là sự chia sẻ đời sống, một sự trao đổi liên tục.”
Mỗi ngày lại khác nhau, theo dòng chảy cùng với nhịp điệu của hội chợ giải trí. Buổi sáng là rảnh rỗ và dành cho cầu nguyện, cho Thánh lễ và những “công việc không tên thường nhật”: mua sắm, lau chùi, và nhiều công việc bán hàng khác nhau. Buổi chiều các soeur làm việc tại quầy vui chơi. Cuộc sống của các soeur có sự liên lạc liên tục với các gia đình tại công viên giải trí. Vì vậy một lời mời đến ăn tối, hay có ai đó ghé ngang nói vài câu chuyện, hay đi thăm những người đau yếu.
Các soeur cũng tổ chức những sự kiện cộng đồng. “Họ rất thích làm các chuyến hành hương, ý tưởng của một chuyến đi. Chúng tôi đã thực hiện nhiều chuyến trong những năm qua: chúng tôi cầu nguyện, chúng tôi tham dự Thánh lễ và dùng bữa với nhau.” Một số người thậm chí đã xin được chuẩn bị lãnh các Bí tích. “Mặc dù học không thường xuyên thực hành, học vẫn có ý thức tôn giáo rất mạnh mẽ. Với cách sống như vầy, trong sự liên hệ với con người và thiên nhiên, những điều không mong muốn luôn nằm đâu đó. Nó dẫn bạn đến tình trạng ít có tài sản lệ thuộc hơn và phải phó thác vào Chúa.
Sinh ở Tuscany, soeur Amelia được nuôi dưỡng ở Tivoli nơi thân phụ của soeur làm một người thợ lát đá. Soeur là một thành viên của hội Hành động Công giáo, sau đó gặp cha Charles de Foucauld qua đọc sách báo và quen biết “các tiểu đệ.” “Tôi rất ấn tượng với những ẩn sĩ này, các vị thỉnh thoảng đi ra chợ, xuất hiện giữa mọi người.”
“Các tiểu muội”  sống nhờ vào công việc của chính đôi tay của mình, noi gương Chúa Giê-su, Người đã sống 30 năm làm việc ở Nazaret. Hình ảnh khác tạo nguồn hứng khởi cho đời sống của soeur là Đức Bà đi viếng: cưu mang Đức Giê-su như Mẹ Maria, khi Mẹ đi thăm bà Elizabet. Giống như cha, soeur Amelia đã thừa hưởng năng khiếu nghệ thuật và khả năng thưởng thức cái đẹp. Hôm nay soeur làm những món thủ công, đặc biệt làm bằng đất sét, và điều hành 2 quầy cùng với các soeur khác.
Gần đây, Đức Thánh Cha Phanxico gọi những nghệ sĩ xiếc và những người điều hành công viên giải trí là “những nghệ sĩ thủ công của cái đẹp.”
“Tạo ra cái đẹp là một sự đóng góp vào tạo hóa; nó kết hiệp chúng ta với  Thiên Chúa và với mọi người,” soeur Amelia nói. Thánh thể Cực thánh được giữ trong nhà nguyện bên trong nhà lưu động. Dưới chân nhà tạm là tượng Chúa Giê-su Hài đồng: “Đó là Giê-su bé nhỏ giang rộng đôi tay, vì Người tặng ban thân mình và vì Người muốn mọi người cảm thấy được chào đón. Một em bé không làm ai sợ. Và vì vậy: hãy nên như trẻ thơ, và cảm thấy được chào đón.”

[Nguồn: aleteia]


[Chuyển ngữ: TRI KHOAN 21/08/2016]



Phỏng vấn Cáo thỉnh viên: Hầu hết mọi người vẫn có thể học nhiều điều từ Mẹ Teresa

Phỏng vấn Cáo thỉnh viên: Hầu hết mọi người vẫn có thể học nhiều điều từ Mẹ Teresa

Hàng ngàn chứng nhân làm chứng rằng Mẹ vẫn còn đang hoạt động trên dương thế từ nơi người ở trên thiên đàng
22 tháng 8, 2016
India, Calcutta, 1961Accompanied by Mother Teresa, Father Werenfried visits poor andsick people during his trip to India.
Khi một vị thánh quá nổi tiếng như Mẹ Teresa, có thể rất dễ cho chúng ta có suy nghĩ như vầy, “à, vâng, chúng tôi biết mẹ. Chúng tôi biết mẹ phải dạy chúng tôi điều gì.”
Giả định này quả thật không đúng, theo vị cáo thỉnh viên án phong thánh của mẹ và là nhà biên tập nhiều sách viết về Mẹ Teresa là cha Brian Kolodiejchuk, M.C..
Cha Kolodiejchuk đã biên tập một quyển sách mới nhất về Mẹ Teresa, “Một tiếng gọi Lòng thương xót: Những trái tim yêu thương, những đôi tay phục vụ,” vừa xuất bản tuần trước. Quyển sách này được thiết kế trùng khớp với Năm thánh Lòng thương xót, trích những thông điệp của Mẹ Teresa và, như Cha Kolodiejchuk nói, “một cách diễn tả rất thực tế và gần gũi về cách ‘lòng thương xót’ chạm đến ‘sự đau khổ.’”
Trong khi chuẩn bị cho ngày lễ phong thánh Mẹ Teresa 4 tháng 9, ZENIT phỏng vấn cha Kolodiejchuk kể cho chúng ta nghe về vị thánh này và những gì chúng ta vẫn cần phải học từ mẹ.
ZENIT: Mẹ Teresa quá nổi tiếng và được cả thế giới yêu quý. Cha nghĩ chúng ta cần học gì từ Mẹ qua việc đọc lại tiểu sử chi tiết?
Cha Kolodiejchuk: Quả thật, Mẹ Teresa được biết đến như biểu tượng của tình yêu và lòng trắc ẩn đối với những người nghèo nhất, đau yếu nhất, những người thuộc “những vùng ven” trong sự tồn tại của con người. Mẹ được yêu và khâm phục như là biểu tượng toàn cầu của lòng thương xót, là một con người vô cùng đặc biệt. Tuy nhiên tôi không nghĩ Mẹ được thế hệ trẻ biết đến theo cách đó; rất nhiều trẻ em, thiếu niên và thanh niên biết rất ít hoặc không biết gì về đời sống và thông điệp của mẹ.
Ngay cả những ai biết về Mẹ Teresa cũng không biết gì hơn ngoài một ít thông tin chung chung về đời sống, công việc và thông điệp của Mẹ. Điều này có thể nhìn thấy qua những phản ứng với quyển sách tôi đã biên tập trong những năm qua. Mỗi quyển sách hé lộ một điều gì đó mới về Mẹ Teresa và vì vậy đã “gây ngạc nhiên” một cách nào đó với người đọc: Hãy đến là ánh sáng của ta, với sự tiết lộ về bóng tối nội tâm mà mẹ phải mang trong sự hiệp nhất với những người nghèo mẹ phục vụ; Nơi đâu có tình yêu, ở đó có Thiên chúa, tiết lộ sự khôn ngoan sâu sắc và đơn sơ của mẹ về những chủ đề tâm linh quan trọng, như đức tin, sự yêu thương, sự tín thác; và bây giờ Một Tiếng gọi Lòng thương xót, cho thấy “tình yêu bằng hành động” của mẹ qua việc thực hành những mối phúc thương hồn và thương xác của lòng thương xót. Quyển sách này cho thấy rõ nét sự yêu thương đặc biệt của mẹ dành cho những người nghèo nhất và thiếu thốn nhất.
Tôi nghĩ rằng hầu hết mọi người vẫn có thể học được nhiều điều từ Mẹ Teresa. Mẹ là tiên tri của thời đại chúng ta và thông điệp của Mẹ vẫn còn rất quan trọng cho thế giới hôm nay. Mẹ làm cho chúng ta ý thức về sự hiện hữu của người nghèo, phẩm giá của mỗi con người, và giá trị sự sống con người từ khi thụ thai đến lúc chết tự nhiên, về tiếng gọi của mọi người cho sứ mạng thực sự trên trần gian, nghĩa là, biết yêu và được yêu, yêu cho đến khi thấy đau khổ, để nên thánh.
Nguồn năng lượng và lòng nhiệt huyết của Mẹ Teresa không phải là một ý tưởng, không phải là một khái niệm: nó là một con người – Giê-su – người mà mẹ muốn yêu như Ngài chưa bao giờ được yêu. Mẹ thể hiện cho thế giới thấy rằng lời giáo huấn của Chúa Giê-su là sự thật; mẹ sống cho điều đó và đưa vào hành động. Niềm tin sắt đá vào lời của Chúa Giê-su trong Tin mừng Mát-thêu, “Ngươi làm việc đó cho chính ta,” làm cho người khác ý thức được sự hiện hữu của Chúa Giê-su trong người nghèo, hay như mẹ nói trong câu “sự che đậy đau khổ của những người nghèo nhất trong các người nghèo.” Đó là một thực tại mẹ mang đến cho nhiều người.
Vì vậy còn rất nhiều điều để học từ mẹ và về mẹ: đức tin của mẹ, đời sống nội tâm của mẹ, tính cách của mẹ, những mối quan hệ của mẹ – trước hết là mối quan hệ với Thiên Chúa, và sau đó là mối quan hệ với gia đình, với chị em trong dòng, với những người cộng tác gần gũi nhất, và đặc biệt với người nghèo. Cũng có rất nhiều điều thú vị về mẹ sẽ làm độc giả thích thú, ví dụ kinh nghiệm sống của mẹ, năng lượng đáng phục của mẹ, khiếu hài hước của mẹ và chắc chắn là “những luyện tập đặc biệt của mẹ” như thay đổi các món đồ nội thất trong nhà của mẹ.
Một tiểu sử tỉ mỉ sẽ là dự án viết tiếp theo của  tôi, dự án mà tôi hy vọng sẽ mang đến cho những người khâm phục mẹ Teresa, và độc giả nói chung, một hình ảnh thuyết phục về đúng con người của mẹ.
ZENIT: Tiêu đề của quyển sách mới nhất, Một Tiếng Gọi Lòng thương xót, rõ ràng làm nổi bật Năm thánh chúng ta đang sống. Cha nghĩ Mẹ Teresa phải nói điều gì với Giáo hội về Lòng thương xót?
Bài liên quan: Read an excerpt of ‘A Call to Mercy,’ a collection of never-before-published words of Mother Teresa, given to ZENIT here.
Cha Kolodiejchuk: Thông điệp của Mẹ Teresa không phải là một giải thích thần học phức tạp và quyển sách cũng vậy. Nó là một sự giải thích thực tế và gần gũi về cách “lòng thương xót” tiếp cận “sự đau khổ.” Nó cho thấy một con đường tất cả chúng ta đều có thể nhận ra: Khi chúng ta ở trong vực sâu nhất, đó là lúc chúng ta cần lòng thương xót của Chúa nhất, và đó là khi chúng ta trải nghiệm sự mong manh nhất, hoặc trực tiếp hoặc qua một trung gian nào đó, như chính Mẹ Teresa. Một Tiếng gọi Lòng thương xót cho thấy việc Mẹ Teresa nhận ra sự cần thiết lòng thương xót của Thiên Chúa của riêng mẹ, cách mẹ mở lòng ra với lòng thương xót và cách mẹ trải rộng nó ra với mọi người. Do đó, qua những tấm gương của mẹ, mẹ thực sự là một “người thầy” về cách thực hành lòng thương xót, về cách sống có lòng thương xót.
Mẹ Teresa dạy chúng ta rằng sống thương xót, như quan tâm đến những anh chị em nghèo hơn, giúp đỡ họ một cách cụ thể theo những nhu cầu của họ – vật chất hoặc tinh thần – không phải là một lựa chọn; hơn thế nữa, nó là một mệnh lệnh, một sự bắt buộc cho mỗi con người chúng ta. Quan tâm đến anh em là đưa lòng thương xót vào hành động. Đây không phải là một chọn lựa, nhưng là một điều phải làm, như Thánh (chuẩn bị trong vài ngày tới) Teresa Calcutta dạy chúng ta: “Người nghèo là một sự hy vọng cho nhân loại, người nghèo là sự hy vọng cho bạn và cho tôi lên thiên đàng, vì trong ngày phán xét cuối cùng, chúng ta sẽ bị phát xét theo cách đó. ‘Ta đói và các ngươi cho ta ăn, và ta trần truồng các ngươi cho ta quần áo mặc.’”
Mẹ Teresa dạy chúng ta rằng khi chúng ta hoàn toàn đầu hàng trước Thiên Chúa, Người dùng chúng ta để làm lan tỏa lòng thương xót, làm rung động các tâm hồn. Rồi Chúa Giê-su sẽ tiếp tục và hoàn tất “những phép lạ” như Ngài làm trong đời sống Mẹ Teresa, đã chạm đến hàng triệu đời sống con người, cho họ có ý nghĩa cuộc đời, giúp người ta nhận ra rằng họ được yêu và có khả năng yêu thương.
Mẹ Teresa dạy chúng ta rằng lòng thương xót cũng chữa lành người trao tặng lòng thương xót, cho thì có phúc hơn là nhận.
Toàn bộ cuộc sống Mẹ Teresa dạy chúng ta lòng thương xót như thế – cụ thể, hiệu quả, nhân hậu, khiêm cung, tốt lành, hân hoan – cho anh chị em của chúng ta và nó có cội nguồn từ lòng thương xót của Chúa và sự xác tín mạnh mẽ của nhu cầu cần lòng thương xót của con người.
Thương xót bằng hành động, như chúng ta thấy trong đời sống của Mẹ Teresa, cho chúng ta thấy rằng khi một người có lòng thương xót, Chúa Giê-su đi vào những hoạt động này và nhân rộng những hồng ân được trao ban và nhận lãnh. Mẹ Teresa, như được thể hiện trong sách, đã chạm đến hàng triệu đời sống con người và gặt hái được nhiều hơn những gì một con người bình thường có thể đạt được bằng những nguồn lực của con người. Khi đặt trọng tâm vào Chúa Giê-su và lòng thương xót của Người, không có điều gì là không thể đối với người yêu mến Ngài.
ZENIT: Tháng Chín sẽ đánh dấu giai đoạn cuối cùng của tiến trình vĩ đại xét duyệt án phong chân phước và phong thánh của mẹ. Cha có thể cho biết một chút sâu hơn về những quy cách án phong thánh được thực hiện? Người ta cho rằng thánh đức của mẹ đã được công nhận trên toàn thế giới rất lâu trước khi mẹ qua đời, tiến trình phong thánh vẫn cứ diễn ra một cách đều đặn bình thường. Liệu có gì trục trặc trong tiến trình?
Cha Kolodiejchuk: Thánh đức của Mẹ Teresa quả thật đã được công nhận và ca tụng trong suốt đời mẹ. Nhiều người thậm chí có những nhận xét như, “Nếu mẹ không là thánh, vậy ai có thể là thánh nữa?” Người khác thì nói, “À, phải làm nhanh lên chứ,” khi vấn đề phong chân phước cho mẹ được bàn tới. Tất cả những điều này khẳng định danh tiếng và thánh đức của Mẹ Teresa trên toàn cầu. Điều này thực sự đã đưa Đức Thánh Cha Gioan Phaolo II đến quyết định bỏ thời gian chờ đợi 5 năm cần có cho một án phong thánh được bắt đầu.
Tuy nhiên, sự ngoại lệ này vẫn không thể bỏ qua tiến trình bình thường. Những đòi hỏi của một tiến trình phong thánh phải được hoàn toàn thực hiện đầy đủ và kỹ lưỡng cho mỗi bước. Tiến trình này gồm rất nhiều công việc, vì Mẹ Teresa là một nhân vật của thế giới và những chứng tá và tài liệu ban đầu phải được thu thập từ nhiều nguồn khác nhau.
Do đó bước giáo phận ở Calcutta bắt đầu tháng 7 năm 1999 và kết thúc tháng 8, 2001. Khoảng 35.000 trang được tập hợp đóng thành 81 quyển và mỗi quyển khoảng 400-450 trang và chuyển về Roma. Nghiên cứu đời sống của mẹ, nhân đức và danh tiếng thánh đức – khoảng 5.000 trang Positio – được thực hiện rất tỉ mỉ, mặc dù trong một thời gian khá ngắn (Phục sinh năm 2002), quá nhiều đến mức một trong các nhà thần học nghiên cứu tài liệu nhận xét rằng công việc khổng lồ được thực hiện trong một thời gian quá  ngắn đến mức chính nó đã là một phép lạ. Đời sống Ki-tô hữu của cuộc sống của Mẹ Teresa được chứng thực là anh hùng bởi sắc dụ của Đức Giáo hoàng Gioan Phaolo II tháng 12 năm 2002. Phép lạ được cho là do sự can thiệp của Mẹ Teresa, được nghiên cứu ở Bộ Phong thánh sau khi phán quyết về nhân đức anh dũng được phê chuẩn của Thánh Bộ, và cũng được chính thức xác nhận bởi Đức Thánh Cha trong cùng một ngày với việc công nhận đời sống Ki-tô hữu anh dũng của mẹ (một ngoại lệ trước đây dành riêng cho trường hợp Đức Giáo hoàng Gioan XXIII).
Chúng tôi có thể nói rằng tiến trình vừa dễ vừa đầy thử thách: dễ vì mọi người rất vui mừng và quảng đại hợp tác vì đó là làm cho Mẹ Teresa, và thử thách vì công việc thu thập thông tin cần thiết được thực hiện trên toàn cầu. Tôi phải nói rằng đặc biệt trong những tháng làm việc với bộ tài liệu Positio nhóm của tôi và chính tôi cảm nhận được rất rõ ràng hoạt động của Thiên Chúa, về hồng ân của Người hoạt động cùng với chúng tôi và cho chúng tôi nhờ lời cầu nguyện của nhiều người, đặc biệt những Nữ tu chiêm niệm “nhận mình” trên danh nghĩa là thành viên của nhóm.
ZENIT: Một câu hỏi cuối: Có những chứng tá trong sách của những người nói rằng Mẹ Teresa đang tiếp tục công việc của lòng thương xót cho tận đến bây giờ — rằng mẹ vẫn tiếp tục xuất hiện và phục vụ người thiếu thốn. Cha có thể nói thêm về điều này?
Cha Kolodiejchuk: Vâng, đúng vậy, trong quyển Một tiếng gọi Lòng thương xót, chúng tôi tìm thấy những câu chuyện đáng chú ý về những phép lạ của lòng thương xót từ Trời của Chân phước Teresa, rất trung tín với sứ mạng mà mẹ nói dành cho mẹ: “Nếu mẹ có thể trở thành một vị thánh — mẹ sẽ chắc chắn là một vị thánh của ‘bóng tối.’ Mẹ sẽ tiếp tục vắng mặt trên Thiên đàng — để chiếu ánh sáng trong những bóng tối của trần gian.”
Cho đến nay chúng tôi đã ghi lại trên 5.000 chứng tá của những người gửi cho chúng tôi báo cáo những ơn lành họ nhận được thông qua sự can thiệp của Mẹ Teresa. Chúng tôi chỉ nhắc sơ qua những truyện này trong sách, vì nếu thể hiện khía cạnh này quá nhiều trong sứ mạng của Mẹ Teresa trong Giáo hội không phải là ý định của Giáo hội. Nó có thể trở thành gần như quảng cáo. Ở đây, để kết luận, có hai câu truyện:
Hoán cải tâm hồn nhờ sự can thiệp của Chân phước Teresa Calcutta.
Tôi cảm thấy một nguồn linh hứng từ Thiên Chúa khiến tôi cầm quyển sách kinh lên: Một Tuần Cửu nhật cầu nguyện với Chân phước Teresa Calcutta: “Giê-su là Tất cả trong Tất cả đời tôi” … Tôi đặc biệt cảm nhận sự cuốn hút vào những đoạn trong quyển tuần cửu nhật nói về tình yêu của Chúa Giê-su. Tôi cảm nhận thấy Thánh Thần đang tuôn đổ trong linh hồn tôi, với một niềm vui mừng đặc biệt từ sự yêu thương của Đức Ki-tô. Lời kinh mà tôi đọc đã hoán cải tâm hồn tôi, khi tôi cảm thấy ngã lòng và cảm nhận rất ít cảm xúc hay sự yêu thương trong lòng … Tôi biết rằng đó là một phép lạ vì nó diễn ra tức thì, và tôi cảm thấy một sức sống mới trong Thần khí của Chúa. Tôi cảm thấy Thiên Chúa hoạt động trong tôi để thể hiện tình yêu Ki-tô giáo cho một người mẹ và đứa con của bà. Đứa con nhìn rất buồn, và tôi cảm thấy tinh thần của Mẹ Teresa cũng sẽ tiếp cận tới đứa trẻ đó vì tình yêu của Mẹ với Đức Ki-tô. Sau đó tôi thực sự cảm thấy tiếng gọi của Chúa Giê-su đang gọi tôi để giúp đỡ những người khác và ơn thiên triệu của tôi là yêu Giê-su.

Một phép lạ nhỏ nhờ sự cầu bầu của Chân phước Teresa Calcutta
Năm 1993, tôi có thai đứa con gái thứ ba và hôn nhân của tôi đi vào sự bế tắc, ly dị và phá thai là một lựa chọn chắc chắn. Đối với tôi cả hai đều rất dễ thực hiện; tôi đã sống trong tình trạng cha mẹ ly dị hồi còn bé, và đã phá thai hai lần trước đây. Chúa chọn cho tôi một con đường tốt hơn, con đường này làm chồng tôi và tôi có thể hòa hợp và cứu mạng sống con gái của tôi. Mặc dù tôi đã sống nhờ phép lạ này, tôi vẫn chưa quay về với Chúa và Giáo hội của Người. Khi Mẹ Teresa qua đời, mọi việc đều lên bản tin. Tôi không nghe nhiều về Mẹ Teresa. Khoảng 2 giờ sáng ngày 7 tháng 9 năm 1997, tôi bị đánh thức bởi tiếng tôi nghe thấy lặp đi lặp lại “Công vụ Tông đồ 2 và 3.” Tôi buồn ngủ quá và tự bảo mình, cái này chắc là trong Kinh Thánh. Tôi nhắm mắt và lại ngủ tiếp, thì tôi nhìn thấy Mẹ Teresa đang nhìn tôi một cách nghiêm khắc, không nói gì, nhưng tôi có thể hiểu được, “Hãy thức dậy.” Tôi trả lời “Mẹ?” Tôi cảm thấy sợ vì cái nhìn nghiêm khắc của mẹ. Tôi thức dậy, đi đến tủ nơi tôi cất quyển Kinh thánh và đọc Tông đồ Công vụ 2 và 3. Sự hiện hữu của Chúa ngay tại đó lúc tôi đọc từng câu; mỗi từ ngữ đi vào trong tôi, như là một phần của tôi. Sáng hôm đó lúc 10 giờ, tôi đi Lễ lần đầu tiên sau một thời gian thật dài, mà Thiên Chúa vẫn không để tôi phải hư mất.
Gia đình tôi là một phần của Giáo hội. Dần dần Thiên Chúa đã chữa lành mọi tội lỗi, mỗi ngày một tí. Tôi liền sau đó bắt đầu đọc về Mẹ Teresa, và dần dần bắt đầu hình dung ra mọi việc. Trên Thiên đàng bạn tiếp tục làm những việc bạn đã làm trên dương thế, và Mẹ Teresa đang làm như vậy. Trên dương thế mẹ chăm sóc người nghèo nhất trong những người nghèo, trên thiên đàng mẹ vẫn đang làm như vậy – Thiên Chúa cho tôi là một trong những người đó dành cho mẹ – mẹ đã nâng tôi lên, mẹ dẫn tôi đi. Tôi giữ lấy điều này như một gia tài.

[Nguồn:  zenit]


[Chuyển ngữ: TRI KHOAN 23/08/2016]



Ghi chép đầy đủ phỏng vấn của Đức Hồng y Dziwisz với EWTN

Ghi chép đầy đủ phỏng vấn của Đức Hồng y Dziwisz với EWTN


(Gồm 5 phần - Phần cuối)
EDWARD PENTIN
27/07/2016
phỏng vấn hồng y
– YouTube
Chỉ ít ngày trước khi Ngày Giới trẻ Thế giới khai mạc ở Krakow, Robert Rauhut thuộc EWTN Đức đã có buổi phỏng vấn mở rộng (for an extensive interview) với Đức Hồng y Stanislaw Dziwisz. Vị Tổng giám mục Krakow và là thư ký riêng phục vụ rất lâu cho Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolo II, ngài không chỉ chia sẻ những hy vọng và kỳ vọng về Ngày Giới trẻ Thế giới, nhưng cũng bình luận về những chủ điểm quan trọng khác trong đó gồm Di sản của Đức Gioan Phaolo II cho thế giới, Bí mật thứ Ba của Fatima việc dâng hiến nước Nga, tình bạn của ngài với Đức Joseph Ratzinger, và lòng yêu thương giới trẻ của Đức Gioan Phaolo, tương lai của Giáo hội và xã hội.
***
Cụm từ tiếng La-tinh "Polonia semper fidelis" (Ba lan luôn trung thành) diễn tả đúng nhất cho điều này?
Người Mexico cũng nói như vậy. Họ cũng trung thành. Tuy nhiên, chẳng phải sự cải tổ hay các giáo phái đã phá hoại Ba lan. Lòng trung thành này với Phê-rô — bất kể tên của ngài có thể là Gioan Phaolo, Benedict hay Phanxico — có nghĩa là trung thành với tòa thánh. Tôi nghĩ khía cạnh này sẽ được nâng cao và củng cố bởi chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha Phanxico. Điều này rất quan trọng cho giới trẻ vì những chỉ trích mạnh mẽ tồn tại trong Giáo hội và trên thế giới tác động đến giới trẻ. Chuyến thăm của Đức Thánh Cha Phanxico sẽ đem họ lại gần Giáo hội hơn, lại gần Đức Giáo hoàng hơn và gần với những phẩm trật Giáo hội hơn.
Về một mặt nào đó, Ngày Giới trẻ Thế giới ở Krakow có phải là đỉnh cao của sự phục vụ chủ chăn của cha ở đây? Và cha sẽ cố gắng gìn giữ gia tài của Đức Thánh Cha Gioan Phaolo II như thế nào, luôn sống động trong đời sống hàng ngày?
Quá rõ rồi, giáo huấn của Đức Gioan Phaolo II là một điểm tham khảo cho rất nhiều lĩnh vực.
Cha có thể giải thích điều này rộng hơn một tí?
Trong bất kỳ trường hợp nào, nó vẫn là vấn đề của gia đình. Ngài đã để lại cho chúng ta một giáo lý vĩ đại về chủ điểm này. Tông huấn “Familiaris Consortio” (Gia đình Ki-tô hữu) và những tài liệu khác, những giáo huấn của ngài v.v.. Những gì ngài để lại cho chúng ta là nguồn kiến thức rất chuyên sâu, là điều anh có thể dựa trên đó. Tông huấn mới đây nhất “Amoris Laetitia” (Niềm vui yêu thương) trích dẫn rất nhiều câu của Đức Gioan Phaolo II.
Cha có xét đến ý kiến cho rằng ngày nay trong nền văn minh, một cái được gọi là cuộc chiến, một sự đấu tranh, đang tấn công vào các gia đình? Đây là cách mà Đức Hồng y [Carlo] Caffarra đã vẽ nên hình ảnh cho nó, ngài là người bạn thân của Đức Gioan Phaolo II, nói đến Nữ tu Lucia và Nữ tu Fatima.
Đúng vậy. Tương lai của Giáo hội và gia đình, cũng như tương lại của Giáo hội và thế giới, tùy thuộc vào gia đình. Có người đã viết rằng: “Nếu anh muốn phá hủy Giáo hội, anh phải phá hủy gia đình.” Đó là nền tảng. Tuy nhiên chúng ta để ý thấy lương tâm đang thức tỉnh. Ngày càng có thêm nhiều gia đình tốt và thánh thiện trên thế giới. Hiện tượng đó có sự liên hệ đến số trẻ em. Cuộc khủng hoảng thực sự ở Ba lan là khủng hoảng nhân khẩu. Ngày càng ít trẻ em được sinh ra. Thậm chí các trường học phải đóng cửa vì không có đủ học sinh. Vấn đề này đòi hỏi trách nhiệm cao của xã hội, của chính phủ và của Giáo hội. Sự thay đổi về cách suy nghĩ không chỉ là vấn đề vật chất, nhưng còn là một trong những trạng thái tâm lý.
Chủ nghĩa Mác-xít văn hóa?
Tôi nghĩ chính phủ Ba lan đã đưa ra một số quy định tốt qua việc tăng những ưu tiên cho trẻ em.
Toàn bộ đây là một đỉnh điểm của những hoạt động mục vụ của cha, đương nhiên nó sẽ vẫn còn tiếp tục, nhưng tất cả chúng ta đều biết rằng Ngày Giới trẻ Thế giới sẽ đánh dấu một đoạn kết của một phần cuộc đời của cha, thưa Hồng y đáng kính. Cha có những kế hoạch gì cho thời gian sau này, vì có thể có ít trách vụ điều hành trên cơ sở hàng ngày hơn? Cha sẽ dành nhiều thời gian cho những hoạt động thú vị nào khác không?
Đó là điều tôi sẽ nghĩ đến khi tôi nghỉ hưu. Tôi sẽ phục vụ Giáo hội cho đến khi nào tôi còn có thể. Đó là điều chắc chắn. Một linh mục phải luôn bận rộn. Ngài phải luôn phục vụ. Phục vụ với chức linh mục của ngài. Ngay tại thời điểm anh nghỉ hưu, chức linh mục của anh không kết thúc, trách vụ của một giám mục cũng vậy. Ngoài ra, còn có nhiều điều anh phải đối mặt, nhưng đấy không phải là điều tôi muốn nói đến trong lúc này. Tôi sẽ nhận ra nó khi thời gian đến.
Vì cuộc phỏng vấn này được phát trên đài truyền hình EWTN và cụ thể là năm nay, vị sáng lập, Mẹ Angelica, đã qua đời, con muốn hỏi cha thêm một câu. Cha đã viết một thư chia buồn riêng được đọc tại đám tang của Mẹ, và lá thư cho chúng con thấy rằng cha, cũng như Đức Gioan Phaolo II, đánh giá rất cao công việc của Mẹ Angelica như là sứ mạng truyền giáo trên TV và truyền thông thế giới. Mẹ là một trong những người đầu tiên rao truyền phúc âm rộng khắp trên thế giới. Giữa Đức Gioan Phaolo II và Mẹ Angelica có mối quan hệ như thế nào khi hai vị gặp nhau?
Vâng, vâng, hai vị gặp nhau vài ba lần. Thậm chí tôi cũng có cơ hội gặp Mẹ Angelica mấy lần. Mẹ nhận được một mặt nhật của Đức Thánh Cha, anh có thể luôn tìm được cái này ở bên Mỹ. Như vậy ngài đánh giá hoạt động tông đồ của Mẹ rất tích cực. Do những hỗn độn đang chiếm ưu thế trên thế giới và trong nước Mỹ hiện nay, Mẹ là một tiếng nói tốt lành, vực dây những tiêu chuẩn đạo đức cội rễ. Đó là điều ngày nay nhiều người rất trân trọng, mặc dù trước đó có thể họ không tin. Điều Mẹ làm là một sự phục vụ lớn cho Giáo hội, nhưng đặc biệt là cho Thiên Chúa, và nói chung cũng là một sự phục vụ cho xã hội. Một bài giảng tốt lành được định hướng sang nhiều môi trường khác nhau, chẳng hạn gia đình. Những gì Mẹ đã làm được là vô cùng quan trọng. Kênh truyền hình này cũng được theo dõi ở Ba lan! Điều rất quan trọng là tiếng nói tốt lành của Mẹ và bài giảng dạy tốt đẹp của Mẹ, những đề nghị tốt lành của Mẹ, đã tìm được đường từ Mỹ đi vào thế giới. Chúng ta phải đánh giá đúng điều đó và cảm ơn Mẹ Angelica vì Mẹ đã nhận được một tiếng gọi vĩ đại. Mẹ nhận ra được tiếng gọi của mình. Mẹ là người có cá tính kiệt xuất. Người ta chỉ có thể khâm phục Mẹ – một nữ tu bình thường có khả năng thiết lập một cơ quan truyền thông tương tác đạt đến một mức độ rất ấn tượng. Anh phải cảm ơn Mẹ và những người tin tưởng Mẹ, những người làm việc với Mẹ, tiếp tục công việc của Mẹ và những người lãnh lấy trách nhiệm của nó, và những người tiếp tục đưa nó tiến lên để nó có thể đi xa hơn nữa — và làm nhiều hơn để nó không chỉ tồn tại, nhưng là nó phát triển.
Con có nhìn thấy một điểm tương đồng giữa Đức Gioan Phaolo II và Mẹ Angelica là những vị giao tiếp rất nhiều tại một thời điểm nhất định. Không biết giả định của con có đúng không, hai vị có phải là bậc thầy về truyền thông giao tiếp?
Đúng.
Tuy nhiên, lúc cuối đời, Đức Gioan Phaolo II trở nên im lặng. Trong một thời điểm tất cả cần có tiếng nói và không cần quá nhiều về hình thức diễn đạt bằng dấu chỉ, ngài lại giữ im lặng. Điều đó tương tự xảy ra với Mẹ Angelica. Thiên Chúa lấy đi giọng nói của Mẹ, khả năng nói rất đặc biệt của Mẹ, tại một thời điểm nhất định. Tuy nhiên, Mẹ vẫn tiếp tục làm việc. Có người nói rằng đây là thời khắc để Mẹ thể hiện sự nên thánh của Mẹ. Chúng ta có thể gọi như vậy được không? Chúng ta có thể nhìn sự việc theo cách đó được không?
À, chắc chắn rồi, không có gì nghi ngờ. Khi năng lực thể chất mất dần, lòng thương xót của Chúa thậm chí mạnh mẽ hơn. Đó chính là quyền năng của Thiên Chúa tỏa sáng qua các vị. Đó là những gì anh nhìn thấy. Anh nhìn thấy tính hiệu quả của công việc qua sự yếu đuối, hành động của Thiên Chúa. Tất cả chúng ta ở trong bàn tay của Thiên Chúa – luôn luôn. Đó là bàn tay của Thiên Chúa mà anh nhìn thấy khi đôi tay thể lý của các vị biến đi. Tôi có nghe người ta nói rằng sự chúc lành Đức Gioan Phaolo II là mạnh mẽ nhất là ở lúc cuối đời của ngài, lời chúc lành làm xúc động mạnh nhất mà ngài đã từng làm. Nó diễn ra khi ngài bước ra ngoài để ban phép lành nhưng không thể nói được lời nào.
Thưa Hồng y Dziwisz, xin cảm ơn người rất nhiều vì đã dành thời gian để nói chuyện với chúng con – về giáo hội ở Ba lan, ý nghĩa của Krakow, về các thánh, văn hóa và dĩ nhiên, chứng nhân của thánh Gioan Phaolo II. Người đã giải thích cho chúng con thêm nhiều khía cạnh, và nó sẽ đưa chúng con lại gần với Giáo hội Ba lan hơn,  lại gần với các thánh hơn và ý nghĩa các vị để lại cho chúng ta ngày nay. Một lần nữa, xin cảm ơn người rất nhiều và xin Chúa chúc lành cho người, thưa Hồng y Dziwisz.
Tôi cũng cảm ơn về buổi gặp hôm nay, vì nó rất quan trọng đối với tôi, thật đặc biệt được nói chuyện với khán giả như vầy. Cho dù không có trao đổi trực tiếp, nhưng nó vẫn là một công cụ rất quan trọng. Tôi rất cảm ơn về cơ hội này. Rất nhiều thông điệp đã được gửi đi. Xin cảm ơn vì hôm nay, tôi có thêm động lực để mời các bạn trẻ, từ nước Đức và từ bất kỳ nơi đâu, hãy can đảm đến, vì an ninh được bảo đảm. Nó được Đức Gioan Phaolo II bảo đảm, ngài cầu nguyện lên Thiên Chúa. Hãy đến Krakow, nó sẽ là một lễ hội vĩ đại của việc làm vững mạnh lẫn nhau và niềm vui. Tình bạn sẽ được xây dựng và nó sẽ làm nhẹ gánh nặng cuộc sống của các bạn trẻ. Chúng tôi đang chờ các bạn! Những người lớn tuổi cũng được mời! Đức Gioan Phaolo II nói: “Người nào yêu thương, sẽ không bao giờ già!” Vì vậy, bất cứ ai yêu thương sẽ đến Krakow. Mọi người sẽ được chào đón thật thân tình và chúng tôi đang chờ các bạn!
Bản dịch tiếng Anh của Marion Sendker


[Nguồn:  ncregister]



[Chuyển ngữ:TRI KHOAN 29/07/2016]