Thứ Sáu, 30 tháng 3, 2018

Đức Thánh Cha dâng Lễ Tiệc Ly trong nhà tù Regina Coeli

Đức Thánh Cha dâng Lễ Tiệc Ly trong nhà tù Regina Coeli

Đức Thánh Cha rửa chân cho 12 tù nhân từ nhiều nơi trên thế giới

29 tháng Ba, 2018
Đức Thánh Cha dâng Lễ Tiệc Ly trong nhà tù Regina Coeli
© Vatican Media
Đức Thánh Cha dâng Lễ Tiệc Ly trong nhà tù Regina Coeli
Vẫn giữ theo cách thực hành hàng năm của triều đại, hôm thứ Năm Tuần Thánh ngày 29 tháng Ba, 2018, Đức Thánh Cha Phanxico rửa chân cho các tù nhân trong Lễ Tiệc Ly.

Năm nay, Đức Thánh Cha đến Nhà tù Regina Coeli, có lẽ là nhà tù nổi tiếng nhất của Roma, nằm rất gần Vatican. Nó được xây dựng trong vùng Trastevere lân cận của Roma năm 1654 là một Tu viện Công giáo, được chuyển thành nhà tù năm 1881.

Nhà tù giam giữ tù nhân từ hơn 60 quốc gia, với sức chứa lên đến 900 người. Nó đã được giới truyền thông chú ý vì sự quá tải và tỷ lệ tự tử cao.

Đức Thánh Cha dâng Lễ Tiệc Ly trong nhà tù Regina Coeli
Những tù nhân được chọn cho nghi thức rửa chân là 12 người đàn ông từ bảy quốc gia khác nhau: bốn người Ý, hai người Philippine, hai người Ma-rốc, một người Moldova, một người Colombia, một người Nigeria và một người từ Sierra Leone. Tám người là Công giáo; hai người Hồi giáo; một người Chính thống giáo và một người Phật giáo.

Đức Thánh Cha giải thích với những tù nhân rằng vào thời của Đức Ki-tô, việc rửa chân là điều mà các nô lệ phải làm cho những người lữ khách khi họ vào nhà sau những chặng đường đầy bụi bặm. Khi rửa chân cho các môn đệ của Ngài, Chúa Giê-su muốn cho thấy tầm quan trọng của sự phục vụ – của cách chúng ta phải đối xử với nhau.

Đức Thánh Cha dâng Lễ Tiệc Ly trong nhà tù Regina Coeli


Theo Vatican News, Đức Thánh Cha nói với các tù nhân, “Cha cũng là một tội nhân như chúng con. Nhưng hôm nay cha đại diện cho Chúa Giê-su. Chúa Giê-su đã mạo hiểm đến với con người này, một tội nhân, đến với tôi và nói với tôi rằng Ngài yêu tôi. Đây là sự phục vụ. Đây là Chúa Giê-su. Trước khi trao ban chính mình và máu Ngài cho chúng ta, Chúa Giê-su đã mạo hiểm vì mỗi người chúng ta — mạo hiểm bản thân Người trong sự phục vụ — vì Người quá yêu chúng ta.”

Ngoài việc dâng Lễ và gặp gỡ 12 người mà ngài rửa chân, Đức Thánh Cha đến thăm những tù nhân trong bệnh xá của nhà tù và những người bị giam giữ trong khu đặc biệt vì cần có mức độ an ninh cao đối với họ.

Đức Thánh Cha dâng Lễ Tiệc Ly trong nhà tù Regina Coeli
Những năm trước, Đức Thánh Cha Phanxico đã dâng Lễ Thứ Năm Tuần Thánh trong những nơi sau:

2017 nhà tù Paliano

2016 C.A.R.A. Castel Novo di Porto

2015 Rebibbia

2014 Don Gnocchi Foundation

2013 nhà giam giữ trẻ Casal del Marmo

Đức Phanxico là vị giáo hoàng thứ tư đến thăm Nhà tù Regina Coeli: Đức Gioan XXIII năm 1958, Đức Phaolo VI năm 1964, và Đức Gioan Phaolo II năm 2000.

Đức Thánh Cha dâng Lễ Tiệc Ly trong nhà tù Regina CoeliĐức Thánh Cha dâng Lễ Tiệc Ly trong nhà tù Regina CoeliĐức Thánh Cha dâng Lễ Tiệc Ly trong nhà tù Regina Coeli

[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 30/3/2018]


“Bản sao carbon” 3D xác Chúa Giê-su được tái tạo bằng cách sử dụng tấm Khăn liệm thành Turin

“Bản sao carbon” 3D xác Chúa Giê-su được tái tạo bằng cách sử dụng tấm Khăn liệm thành Turin

28 tháng Ba, 2018

"Chúng tôi tin rằng chúng tôi có được hình ảnh chính xác của Chúa Giê-su như khi Ngài còn ở trần gian,” Giáo sư Giulio Fanti thuộc Đại học Padua nói.

“Tượng này là sự thể hiện theo không gian ba chiều với kích thước thật của Người trong Khăn liệm, được tái tạo theo những kích thước chính xác lấy từ tấm vải quấn xác Đức Ki-tô sau khi Người bị đóng đinh,” Giáo sư Giulio Fanti giải thích, dạy môn đo đạc kỹ thuật và thermal measurements (tạm dịch: đo dẫn nhiệt), ông đã nghiên cứu tấm Khăn Liệm. Trên cơ sở những đo đạc của ông, giáo sư đã tạo ra “bản sao carbon” trong không gian ba chiều, ông nói rằng, nó cho phép ông khẳng định rằng đây là những đường nét thật nhất của Đức Ki-tô bị đóng đinh.


“Vì thế, chúng tôi tin rằng cuối cùng chúng tôi có hình ảnh chính xác của Chúa Giê-su như khi Ngài còn ở trên trần gian. Từ nay trở đi, có lẽ Người sẽ không còn được vẽ tự do mà không xem xét đến tác phẩm này.” Giáo sư đã cho đăng tin riêng tác phẩm của ông trên tạp chí Chi xuất bản hàng tuần, trong đó ông tiết lộ: Theo những nghiên cứu của chúng tôi, Chúa Giê-su là một người đàn ông rất đẹp. Chân tay dài và rất cường tráng, Ngài cao khoảng 180cm, trong khi độ cao trung bình thời đó là khoảng 165cm. Và Ngài có dáng vẻ rất cao quý và vương giả.” (Vatican Insider)

Qua nghiên cứu và phương pháp chiếu không gian ba chiều hình ảnh, giáo sư Fanti cũng có thể đếm được vô số những thương tích trên thân thể của người đàn ông của tấm Khăn Liệm:

Giáo sư giải thích, “Trên tấm Khăn liệm, tôi đếm được 370 vết thương do roi đánh, nhưng không tính toán được những vết thương ở hai bên hông, là hai cạnh mà tấm Khăm Liệm không thể hiện vì nó chỉ ép vào phần lưng và mặt trước của xác. Vì thế chúng tôi có thể đưa ra giả thuyết tổng số ít nhất là 600 cú đánh. Ngoài ra, việc tái tạo không gian ba chiều đã giúp khám phá ra rằng lúc chết, người đàn ông của tấm Khăn liệm đã gục võng người sang bên phải, vì vai phải của Ngài trật khớp quá nghiêm trọng đến mức làm tổn thương các dây thần kinh.” (Il Mattino di Padova)
Những câu hỏi xoay quanh bí mật của tấm Khăn liệm vẫn còn đó; nhưng chắc chắn, nơi con người bị tra tấn đó chúng ta nhìn thấy những dấu hiệu của sự đau đớn qua đó chúng ta cũng tìm thấy một phần của chính mỗi người chúng ta, nhưng — nhìn dưới con mắt đức tin — hy vọng rằng con người này không phải là ai khác, mà chính là Người tối cao đó, người đã đứng một cách nhu mì trước mặt Phi-la-tô, và người sau khi đã chịu trận đòn roi kinh hoàng, đã bị treo trên thập giá là một người vô tội; không chỉ vô tội nhưng còn gánh lấy tội lỗi của mọi người. Niềm tin đối với tấm Khăn liệm không phải là một điều bắt buộc, ngay cả với người Ki-tô hữu, nhưng sự khác thường của tấm vải đó vẫn còn là một thách đố cho sự hiểu biết và sự chắc chắn của chúng ta, cũng gần như Đức Giê-su của Na-da-rét, Đấng đã thách đố những sự vững vàng của chúng ta bằng việc yêu thương những kẻ bách hại, tha thứ cho họ trên thập giá, và chiến thắng sự chết 2000 năm trước.



Bài này được đăng lần đầu trên Aleteia phiên bản tiếng Ý.


[Nguồn: aleteia]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 29/3/2018]


Thứ Năm, 29 tháng 3, 2018

TIẾP KIẾN CHUNG: Tam Nhật Thánh

TIẾP KIẾN CHUNG: Tam Nhật Thánh

‘Tôi sống trong đời sống mới, nhưng tôi sống một đời hủ hóa. Và những ‘Ki-tô hữu giả hình’ này sẽ có kết cục xấu’

28 tháng Ba, 2018
TIẾP KIẾN CHUNG: Tam Nhật Thánh
Copyright - Vatican Media
Buổi Tiếp Kiến Chung sáng nay được tổ chức lúc 9:30 trong Quảng trường Thánh Phê-rô, tại đây Đức Thánh Cha Phanxico gặp gỡ các nhóm khách hành hương và tín hữu từ nước Ý và khắp nơi trên thế giới.

Trong bài huấn từ bằng tiếng Ý, Đức Thánh Cha tập trung phân tích Tam Nhật Thánh (1 Cr 5:7-8).

Sau phần tóm lược bài giáo lý của ngài bằng một số ngôn ngữ, Đức Thánh Cha gửi lời chào đặc biệt đến các nhón tín hữu hiện diện.

Buổi Tiếp Kiến Chung kết thúc bằng bài hát Kinh Lạy Cha và Phép Lành Tòa Thánh.


* * *

TIẾP KIẾN CHUNG: Tam Nhật Thánh
Bài giáo lý của Đức Thánh Cha

Anh chị em thân mến, xin chào anh chị em!

Hôm nay cha muốn dừng lại để suy niệm về Tam Nhật Thánh sẽ được bắt đầu vào ngày mai, để đào sâu một chút về những ngày quan trọng nhất trong Lịch Phụng vụ cho chúng ta là những tín hữu. Cha muốn hỏi anh chị em một câu: Lễ nào là quan trọng nhất cho niềm tin của chúng ta: Giáng sinh hay Phục sinh? Phục sinh, vì đó là lễ của ơn cứu độ cho chúng ta, lễ của tình yêu Thiên Chúa dành cho chúng ta, lễ cử hành Cái Chết và sự Phục sinh của Người. Vì vậy, cha muốn cùng anh chị em suy niệm về Lễ này, những ngày này, những ngày vượt qua cho đến Phục sinh của Chúa. Những ngày này tạo thành một kỷ niệm hân hoan của mầu nhiệm vĩ đại: cái Chết và sự Phục sinh của Chúa Giê-su. Thứ Hai Phục sinh là sự cử hành ngày lễ trọng đại này: thêm một ngày nữa. Tuy nhiên, đây là hậu-phụng vụ: đó là ngày lễ của gia đình, đó là ngày lễ của xã hội. Nó đánh dấu những giai đoạn nền tảng đức tin và ơn gọi của chúng ta trong thế giới, và tất cả mọi người Ki-tô hữu đều được kêu gọi sống ba Ngày Thánh – Thứ Năm, Thứ Sáu, Thứ Bảy; và Chúa Nhật — dĩ nhiên –, Thứ Bảy đã là Phục sinh rồi — ba Ngày Thánh, tới mức độ trở thành “cung lòng” của đời sống cá nhân và cộng đoàn của họ, của đời sống cộng đồng của họ, như cuộc xuất hành hỏi Ai-cập được những anh em Do thái giáo của chúng ta sống.

Ba ngày này một lần nữa kể lại cho những người Ki-tô các biến cố vĩ đại của ơn cứu độ được thực hiện bởi Đức Ki-tô, và do đó họ đặt nó làm mục tiêu ở chân trời cho vận mệnh tương lai của họ và củng cố nó trong cam kết làm chứng tá trong lịch sử.
TIẾP KIẾN CHUNG: Tam Nhật Thánh
Xem lại những chặng đường sống trong Tam Nhật Thánh, vào sáng Phục sinh Bài ca tiếp liên, đó là một Thánh thi hay là một Thánh vịnh, cho chúng ta nghe thấy sự công bố Phục sinh một cách trịnh trọng, và bài ca đó nói như vầy: “Đức Ki-tô, niềm hy vọng của chúng ta, đã sống lại và đi trước chúng ta tiến về Ga-li-lê.” Đây là một sự khẳng định vĩ đại: Đức Ki-tô đã sống lại. Và ở nhiều quốc gia trên thế giới, đặc biệt ở Đông Âu, người ta chào nhau bằng lời trong những ngày vượt qua này chứ không phải bằng câu “chào buổi sáng, “chào buổi tối” nhưng bằng câu “Đức Ki-tô đã sống lại,” để khẳng định lời chào vượt qua vĩ đại. “Đức Ki-tô đã sống lại.” Đỉnh điểm của Tam Nhật Thánh là những lời này — “Đức Ki-tô đã phục sinh” — của niềm vui trào dâng. Những lời này không chỉ là một thông báo niềm vui và hy vọng, nhưng cũng là một lời kêu gọi tính trách nhiệm và sứ mạng. Và nó không kết thúc với chim bồ câu, với trứng, với lễ lạc – cho dù điều này là tốt vì đó là ngày lễ của gia đình – nhưng nó không kết thúc ở đó. Con đường sứ mạng bắt đầu từ đó, từ lời công bố: Đức Ki-tô đã sống lại. Và lời loan báo này, là lời mà Tam Nhật Thánh dẫn đến, chuẩn bị cho chúng ta đón nhận nó, là trung tâm điểm của đức tin và niềm hy vọng của chúng ta, nó là cốt lõi, nó là lời loan báo, nó là — từ ngữ này khó, nhưng nó nói lên tất cả –, nó là sự loan báo (kerygma), nó tiếp tục rao truyền phúc âm cho Giáo hội và đến lượt mình Giáo hội lại được sai đi để rao truyền phúc âm.

TIẾP KIẾN CHUNG: Tam Nhật Thánh
Thánh Phaolo tóm tắt biến cố vượt qua bằng lời này: “Đức Ki-tô đã chịu hiến tế làm chiên lễ Vượt qua của chúng ta” (1 Cr 5:7), làm chiên lễ. Người đã bị giết. Vì thế — ngài tiếp tục — “cái cũ đã qua và cái mới đã có đây rồi” (2 Cr 5:17), tái sinh. Và vì thế, từ lúc đầu, con người được rửa tội vào Ngày Phục sinh. Cũng vào tối thứ Bảy này cha sẽ rửa tội ở đây, trong Vương cung Thánh đường Thánh Phê-rô, tám người lớn bắt đầu một đời sống Ki-tô hữu. Và mọi thứ bắt đầu vì họ sẽ được tái sinh. Và, với một thể thức tổng hợp khác Thánh Phaolo giải thích rằng Đức Ki-tô “đã bị trao nộp vì tội lỗi chúng ta và đã được Thiên Chúa làm cho sống lại để chúng ta được nên công chính” (Rm 4:25). Người là Đấng duy nhất, Đấng duy nhất làm chúng ta nên công chính; Chúa Giê-su Ki-tô là Đấng duy nhất làm cho chúng ta được tái sinh, không một ai khác làm được điều đó. Và, vì thế, không phải trả tiền cho sự công chính — làm cho chúng ta nên công chính — nó là nhưng không. Và đây là sự cao cả của tình yêu của Chúa Giê-su: Người trao tặng sự sống của Người một cách nhưng không để làm chúng ta nên thánh, để tái sinh chúng ta, để tha thứ cho chúng ta. Và đây chính là cốt lõi của Tam Nhật Thánh. Tam Nhật Thánh kỷ niệm biến cố nền tảng này trở thành một sự cử hành lòng biết ơn trọn vẹn, đồng thời nó làm mới lại ý thức về sự sống mới trong bí tích rửa tội, điều mà Thánh Tông đồ Phaolo một lần nữa nói với chúng ta: “Anh em đã được trỗi dậy cùng với Đức Ki-tô, nên hãy tìm kiếm những gì thuộc thượng giới, [...] chứ đừng chú tâm vào những gì thuộc hạ giới” (Cl 3:1-3). Hãy ngước nhìn lên cao, hãy nhìn đến chân trời, hãy mở rộng chân trời: đây là niềm tin của chúng ta, đây là sự công chính của chúng ta, đây là tình trạng ơn sủng! Quả thật, qua Bí tích Rửa tội, chúng ta được sống lại với Chúa Giê-su và chúng ta chết đi cho những điều và những luận lý thuộc trần gian; chúng ta được tái sinh làm những con người mới: một thực tại đòi hỏi trở thành hành động cụ thể mỗi ngày.

TIẾP KIẾN CHUNG: Tam Nhật Thánh
Nếu một Ki-tô hữu thật sự để cho bản thân được Đức Ki-tô rửa sạch tội, nếu người đó thật sự để cho mình được Ngài lột bỏ đi con người cũ để bước đi trong một cuộc sống mới, cho dù vẫn còn là một tội nhân, — vì tất cả chúng ta đều là tội nhân — thì người đó không còn hủ hóa nữa, sự công chính của Chúa Giê-su giải thoát chúng ta khỏi sự hủ hóa; chúng ta là những tội nhân nhưng không bị hủ hóa; người đó không còn sống với cái chết trong linh hồn, hay thậm chí trở thành nguyên nhân của sự chết. Và đến đây cha phải nói một điều rất đáng buồn và đau đớn … Có những Ki-tô hữu giả hình: họ là những người nói “Đức Giê-su đã sống lại,” “Tôi đã được nên công chính bởi Đức Giê-su,” Tôi sống trong đời sống mới, nhưng tôi sống một đời hủ hóa. Và những ‘Ki-tô hữu giả hình’ này sẽ có kết cục xấu. Cha nhắc lại, một Ki-tô hữu là một tội nhân — chúng ta là như vậy — cha cũng vậy — nhưng chúng ta tin chắc một điều rằng khi chúng ta cầu xin Chúa tha thứ, Người tha thứ cho chúng ta. Người Ki-tô hữu hủ hóa ra vẻ là một người chính trực, nhưng cuối cùng sự sa đọa nằm trong tâm hồn người đó. Chúa Giê-su ban cho chúng ta một đời sống mới. Một Ki-tô hữu không thể sống với cái chết trong linh hồn, hay trở thành nguyên nhân của cái chết. Chúng ta hãy suy nghĩ — chẳng nói đâu xa — chúng ta hãy nghĩ đến gia đình, chúng ta hãy nghĩ đến những người được gọi là “những Ki-tô hữu mafia.” Những người này chẳng có gì là Ki-tô hữu: họ tự gọi họ là Ki-tô hữu, nhưng họ mang lấy cái chết trong linh hồn và cái chết đến cho người khác. Chúng ta hãy cầu nguyện cho họ, xin Chúa chạm đến linh hồn của họ. Người anh em của chúng ta, đặc biệt những người bé mọn nhất và đau khổ nhất, trở thành khuôn mặt cụ thể để trao tặng sự yêu thương mà Chúa Giê-su đã ban cho chúng ta. Và thế giới trở nên nơi của sự sống mới cho chúng ta là những người được phục sinh. Chúng ta đã sống lại với Đức Giê-su: vùng đứng với đầu ngẩng cao, chúng ta chia sẻ sự nhục nhã của những người vẫn đang chịu đau khổ, trần truồng, thiếu thốn, cô đơn, chịu chết của ngày hôm nay, như Chúa Giê-su, để nhờ Người mà trở thành những khí cụ giải thoát và khí cụ của hy vọng, những tín hiệu của sự sống và sự phục sinh. Ở nhiều quốc gia — trong nước Ý này và ở đất nước của cha — có một truyền thống vào ngày Phục sinh, khi nghe chuông nhà thờ đổ, những người mẹ, người bà đem những đứa trẻ rửa mắt cho chúng bằng nước, bằng nước sự sống, như là một dấu hiệu để có thể nhìn thấy những điều của Chúa Giê-su, những điều mới mẻ. Trong Mùa Phục sinh này, chúng ta hãy rửa linh hồn của chúng ta, rửa con mắt của linh hồn, để nhìn thấy được những điều đẹp đẽ và làm những việc tốt đẹp. Và điều này rất tuyệt vời! Quả thật đây là Sự Phục sinh của Chúa Giê-su sau cái chết của Người, đó là cái giá để cứu tất cả chúng ta.

TIẾP KIẾN CHUNG: Tam Nhật Thánh
Anh chị em thân mến, chúng ta hãy chuẩn bị để sống trọn vẹn tinh thần này trong Tam Nhật Thánh sắp đến — nó sẽ bắt đầu ngày mai –, để đi vào mầu nhiệm của Đức Ki-tô một cách sâu đậm hơn, Ngài đã chết và sống lại cho chúng ta. Nguyện xin Mẹ Đồng Trinh Rất Thánh, Đấng đã theo Chúa Giê-su trong cuộc Khổ nạn của Người — Mẹ đã ở đó, lặng nhìn, đau đớn … Mẹ ở đó và kết hiệp với Người dưới chân Thập giá, nhưng không xấu hổ vì Con của Mẹ, một người Mẹ không bao giờ xấu hổ vì Con của Mẹ! Mẹ ở đó, và đón nhận niềm vui mãnh liệt của Sự Phục sinh trong tâm hồn của Mẹ –, đồng hành với chúng ta trong con đường thiêng liêng này. Nguyện xin Mẹ cầu cho chúng ta được ơn sủng biết thông phần vào những cử hành của các ngày sắp tới, để tâm hồn và đời sống của chúng ta thật sự được biến đổi.

Và cùng với những suy tư để lại cho anh chị em, cha xin gửi những lời chúc nồng hậu nhất cho một Mùa Phục sinh hạnh phúc và thánh thiện, cùng với cộng đoàn và những người thân yêu của anh chị em.

Và cha cho anh chị em lời gợi ý, vào buổi sáng Phục sinh hãy đưa những đứa trẻ đến dưới một vòi nước và rửa mắt của chúng. Đó sẽ là một dấu hiệu để nhìn thấy được Chúa Giê-su Phục sinh.

[Văn bản chính: tiếng Ý] [Bản dịch (tiếng Anh) của Virginia M. Forrester ZENIT]


[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 29/3/2018]


Vatican phát hành tài liệu của phiên họp tiền-Thượng Hội đồng

Vatican phát hành tài liệu của phiên họp tiền-Thượng Hội đồng

Giới trẻ chia sẻ những phản ánh trong các buổi thảo luận của tuần vừa qua

24 tháng Ba, 2018
Vatican phát hành tài liệu của phiên họp tiền-Thượng Hội đồng
© Vatican Media
Phần II

Trình bày của Percival Holt


Tôi là Percival Holt, đại diện cho giới trẻ Ấn độ. Cuộc họp này thật sự là một kinh nghiệm phong phú và là một sự chia sẻ tuyệt vời những thực tại của giới trẻ từ nhiều lĩnh vực khác nhau của cuộc sống trên khắp địa cầu, tập trung vào giải quyết những quan tâm và chủ yếu là tiếng nói của giới trẻ của thiên niên kỷ này. Mặc dù những thực tại của cuộc sống là vô cùng đa dạng đối với người từ Châu Phi, Châu Á, hay Châu Mỹ, Châu Âu v.v.. nhưng thật lạ là những cảm xúc và quan tâm dường như rất giống nhau. Và tôi phải nói rằng, việc sắp xếp tất cả những điều quan tâm và trình bày chúng trong một tài liệu của cuộc họp tiền-thượng hội đồng thật sự là một công việc nặng nề nhưng kết quả cho ra thật xứng đáng. Một điều nổi bật trong tài liệu là “những thực tại đang hiện hữu trong giới trẻ hiện nay cần có sự chú ý ngay lập tức. Giới trẻ cảm thấy căng thẳng giữa một thế giới lý tưởng hóa và thế giới hiện thực và hầu như dẫn đến kết cục là sự kiệt sức. Một nhu cầu cấp bách về việc hỗ trợ chúng tôi để đối mặt với thế giới thay đổi nhanh chóng hôm nay, một thế giới mà sự nghiệp, giáo dục, công nghệ và những mối quan hệ hời hợt đang tạo ra sự mất mát cho chúng tôi. Hầu hết các bạn trẻ đều trong sự khủng hoảng nhân cách rất lớn chủ yếu do những áp lực bên ngoài và thiếu tính nội tâm, mối quan hệ với Thiên Chúa và với người khác. Tâm linh là quan trọng cho lối sống của nhiều người nhưng lại là mơ hồ cho những người khác.

Như đã được nói đến trong tài liệu về “sự quan hệ của giới trẻ với công nghệ,” ở Ấn độ, là quê hương của tôi, thách đố lớn nhất đối với người trẻ hôm nay là sự toàn cầu hóa đột ngột và quá nhanh trong hai thập niên qua gây ra một sự bùng nổ về việc tiếp cận với những thách thức và lối sống của các khu vực khác trên thế giới, và nó quá nhiều làm cho chúng tôi không thể tiêu hóa tất cả trong thời gian ngắn, làm cho chúng tôi trở nên dễ bị tổn thương và lệ thuộc vào công nghệ đối với hầu hết mọi việc dẫn đến mất việc làm và bình an. “Trí tuệ nhân tạo và truyền thông xã hội” thật sự là một phương tiện liên kết và kết nối tuyệt vời trên khắp địa cầu cũng trở thành một tai họa. “Phân định mục đích của cuộc sống” dường như đã trở nên mơ hồ trong thế giới thay đổi chóng mặt này, nó bị phóng đại thêm bởi sự tiếp cận đột ngột và sự bùng nổ kiến thức và ý thức rất mới mẻ đối với giới trẻ, đặc biệt ở Ấn độ. Tất cả những điều này đang đòi hỏi một nhu cầu cấp bách, nhu cầu cần có sự hướng dẫn cho giới trẻ hôm nay giúp họ biết phân định mục đích của cuộc sống và tìm ra con đường để vượt qua, vượt qua mọi chướng ngại trên đường.

Trong đất nước của tôi và nhiều nước khác, tôi cảm nhận giới trẻ ngày nay thực tế hơn, nhạy cảm hơn và khách quan hơn – họ nói mạnh và nói rõ ràng về những cảm nhận và mong chờ của họ. Giới trẻ muốn có sự hướng dẫn và “đồng hành trên hành trình cuộc sống của họ.” Vì vậy, tài liệu này là một tiếng kêu của giới trẻ cần được lắng nghe và được hướng dẫn lối đi của cuộc sống trong thế giới hỗn độn này.

Trình bày của Laphidil Twumasi

Xin chào,

Tôi là Laphidil Twumasi, quê gốc Ghanaian origin, đại diện cho nhóm Migrantes ở Vicenza và Thừa tác vụ Giới trẻ của Giáo phận Vicenza nói chung. Tôi từ giáo xứ San Lazzaro đến.

Khoảng ba trăm bạn trẻ trên khắp thế giới tập họp về đây cho cuộc Họp tiền-Thượng Hội đồng này. Nó là một cơ hội mới và rất thú vị để mang các bạn trẻ thuộc nhiều nền văn hóa, ngôn ngữ và cá tính khác nhau đến để cộng tác trong một tài liệu mang tính cách mạng như vậy. Khi được sống kinh nghiệm đa văn hóa như vậy chúng tôi có cơ hội chào đón và chân nhận tất cả mọi sự đa dạng của chúng tôi. Chúng tôi những người trẻ tuổi đã có thể cùng hợp tác một cách tích cực và chân thực trong công tác thực hiện tài liệu chính thức của cuộc họp tiền-Thượng Hội đồng, và chúng tôi rất hạnh phúc với tính mới lạ này.

Tôi là một thành viên của nhóm biên tập tài liệu, và đó là một kinh nghiệm có một không hai và không thể quên. Chúng tôi rất chú tâm và làm việc với tài liệu tập hợp từ hai mươi nhóm ngôn ngữ khác nhau. Có chín nhóm tiếng Anh, bốn nhóm tiếng Tây Ban nha, bốn nhóm tiếng Ý và ba nhóm tiếng Pháp. Ngoài những nhóm này ra, còn sáu nhóm khác thuộc các nhóm truyền thông xã hội lắng nghe tiếng nói của các bạn trẻ không tham dự trực tiếp tại cuộc họp tiền-Thượng Hội đồng. Trên truyền thông xã hội, cùng những câu hỏi về ba chủ đề được đặt ra:

– Những thách đố và những cơ hội của giới trẻ trên thế giới ngày nay

– đức tin và ơn gọi, sự phân định và đồng hành

– hoạt động giáo dục và mục vụ của Giáo hội

Thách đố ban đầu là tập hợp tất cả 26 văn bản khác nhau, dịch toàn bộ sang tiếng Anh, tìm những điểm chung, viết tóm lược, rồi sau đó lại chuyển dịch tất cả sang nhiều ngôn ngữ khác nhau. Chúng tôi là những thành viên của nhóm biên tập được chia thành ba nhóm, để mỗi nhóm có thể soạn thảo tỉ mỉ về mỗi chủ đề. Mỗi nhóm có bốn diễn giả và ba thông dịch viên. Chúng tôi làm việc suốt ba ngày cho tài liệu, thậm chí cả ban đêm, mỗi lần trong cuộc họp chung đều có cơ hội để chia sẻ những ý kiến và bình luận của họ về bản nháp và nội dung. Với tất cả mọi phần, chúng tôi thực hiện việc tổng hợp và cố lồng ghép ý kiến của chúng tôi vào trong bài viết với một ngôn ngữ thẳng thắn, chính xác và rõ ràng, để bảo đảm mọi bạn trẻ đều cảm thấy ý kiến của họ được đại diện trong tài liệu, không loại trừ một ai.

Theo ý tôi, phần tuyệt vời nhất của công việc này, và là điều đáng kinh ngạc nhất, là dù mang những hành trang văn hóa khác nhau nhưng chúng tôi hầu như tất cả đều có những ý kiến và tư tưởng giống nhau về các vấn đề này. Điều này củng cố cho ý kiến của tôi rằng chúng tôi những người trẻ tuổi có cùng mục tiêu và nhu cầu như nhau. Chúng tôi quan tâm về sự phát triển của Giáo hội và xã hội nói chung. Nó cho thấy rằng chúng tôi những người trẻ tuổi không ngu ngốc, như Đức Thánh Cha Phanxico nói, và rằng tiếng nói của chúng tôi phải được lắng nghe và cân nhắc nghiêm túc.

Xin cảm ơn.
Trình bày của Briana Santiago

Xin chào. Tôi tên là Briana Santiago, tôi 26 tuổi, và quê ở San Antonio, Texas (USA). Tôi đang trong năm thứ tư của chương trình đào tạo với các Tông đồ Đời sống Nội tâm, và trong năm thứ ba của tôi với các môn triết và thần học tại Đại học Giáo hoàng Thánh Gioan Lateran, tại Roma này.

Ban đầu tôi nghe nói về cuộc họp tiền-Thượng Hội đồng này từ một trong các Chị trong nhà, tôi vô cùng khát khao được chia sẻ với Giáo hội những năm kinh nghiệm làm thừa tác vụ cho giới trẻ. Cuối cùng, tôi được đưa vào trong nhóm Truyền thông Xã hội. Sự cộng tác của tôi bắt đầu từ hai tháng trước qua việc chào đón các bạn trẻ đăng ký vào nhóm tiếng Anh trên Facebook. Điều này thể hiện không những là một công tác thật sự, đặc biệt khi tôi là một sinh viên và là một thành viên của cộng đoàn, nhưng nó còn là một cơ hội tuyệt vời để “gặp gỡ” mọi người từ khắp nơi trên thế giới. Có sáu nhóm ngôn ngữ trên Facebook. Tất cả các bạn thuộc ngôn ngữ khác không được thể hiện đều tham gia vào nhóm tiếng Anh, và vì lý do này, tôi có thể nói chuyện (chat) với các bạn từ Philippines, Anh, Châu Phi, Việt nam, Hoa kỳ, Malta, Netherlands, Hong Kong, Ba lan, và nhiều quốc gia khác.

Khi tất cả chúng tôi đến buổi họp tiền-Thượng Hội đồng ngày 19 tháng Ba, Alex, Cherise, James và tôi (bốn điều phối viên của nhóm chúng tôi) chia nhau 15 câu hỏi được đăng tải trên Facebook, đọc từng bình luận và viết tóm tắt cho mỗi câu hỏi. Dù chúng tôi phải trải qua nhiều giờ trước màn hình vi tính hơn chúng tôi nghĩ trước đó, nhưng chúng tôi vô cùng kính trọng và khiêm nhường trước chiều sâu của những suy tư, những khát khao muốn chia sẻ, tính mỏng giòn và sự chân thành rất lớn của những câu trả lời.

Có những khía cạnh của xã hội ngày nay làm cho tôi tin rằng các bình luận sẽ đi theo một hướng nào đó, hầu như mang tính chính trị. Tôi rất xúc động khi tìm ra rằng đại đa số các bạn trẻ tham dự qua Web thao thức rất nhiều điều trong tâm tư: xây dựng gia đình hiệp nhất và vững chắc, tham gia vào giáo hội địa phương của họ, tôn vinh nét đẹp của Phụng vụ, đào sâu hơn những truyền thống của các Giáo Phụ, tìm hướng dẫn từ những người có thể giúp họ học cách phân định và đưa ra những quyết định quan trọng, vân vân … Chúng tôi không một ai trong nhóm phải can thiệp vào vì những ngôn ngữ thiếu tôn trọng hay gây tổn thương, điều thường thấy trong những tương tác trên nền tảng truyền thông mới này. Tại đây trong phiên họp tiền-Thượng Hội đồng, chúng tôi thuộc nhóm Truyền thông Xã hội đã nhận được những ý kiến và đề nghị chân thành, cụ thể và sau đó chúng tôi đưa vào trong các cuộc thảo luận của 305 tham dự viên trực tiếp với chúng tôi.

Với bản thân tôi, đây là một kinh nghiệm cực kỳ phong phú. Tôi đã được ngồi dùng bữa tại bàn mà mỗi người đều đến từ một quốc gia khác nhau, nhưng tất cả đều chia sẻ khát khao chung muốn tìm hiểu và được tìm hiểu, muốn chia sẻ và đón nhận. Có một niềm vui phủ khắp bầu khí ở đây có thể nghe thấy qua những tiếng cười, những bài hát, và những tiếng chuyện trò trao đổi trong các giờ giải lao. Những tình bạn được thiết lập trong năm ngày qua sẽ không dễ quên. Tôi đã học được rất nhiều từ những bạn đồng trang lứa của tôi trong vài ngày qua và sẽ mang tất cả những gì tôi đã trải nghiệm ở đây vào trong thừa tác vụ của tôi là một thanh nữ đào tạo đời sống tận hiến.

Chúng tôi, những người trẻ, vô cùng tri ân vì đã có thể cùng đến với nhau, trực tiếp hoặc thông qua internet, để chia sẻ những điểm chung, những khác biệt của chúng tôi, và từ đó làm nổi bật đặc điểm của tài liệu sau đó sẽ được trình lên các Nghị phụ Thượng Hội đồng. Tôi xin gửi lời cảm ơn chân thành đến tất cả các bạn tham gia và những bạn sẽ tiếp tục cộng tác kể cả sau tuần này. Cảm ơn các bạn và xin Chúa chúc lành cho các bạn.


[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 25/3/2018]

Thứ Tư, 28 tháng 3, 2018

Vatican phát hành tài liệu của phiên họp tiền-Thượng Hội đồng

Vatican phát hành tài liệu của phiên họp tiền-Thượng Hội đồng

Giới trẻ chia sẻ những phản ánh trong các buổi thảo luận của tuần vừa qua

24 tháng Ba, 2018
Vatican phát hành tài liệu của phiên họp tiền-Thượng Hội đồng
© Vatican Media
Phần I

Ngày 24 tháng Ba, 2018, Vatican phát hành tài liệu của Phiên họp tiền-Thượng hội đồng để chuẩn bị cho Đại hội đồng chung Thông thường của Thượng hội đồng Giám mục, được tổ chức tuần trước ở Roma. Đại hội đồng Giám mục sẽ diễn ra vào tháng Mười, 2018, với chủ đề: “Giới trẻ, đức tin và sự phân định ơn gọi.”

Trong buổi họp báo giới thiệu tài liệu, các diễn giả gồm Đức Hồng y Lorenzo Baldisseri, tổng thư ký của Thượng Hội đồng Giám mục: Cha Augusto Zampini, điều phối viên của Phiên họp tiền-Thượng Hội đồng; Cha Jean Paul Hernández, S.J., điều phối viên của Phiên họp tiền-Thượng Hội đồng; và ba bạn trẻ.

Xin đọc toàn bộ tài liệu ở đây: (ND: Tri Khoan sẽ dịch và đăng từng phần tài liệu)

ENG -DOCUMENT – Pre-Synodal Meeting

“Tôi ở trong nhóm biên tập tài liệu, và đó là một kinh nghiệm có một không hai và không thể quên được,” Laphidil Twumasi nói, người gốc Ghana, đại diện của nhóm Migrantes ở Vicenza và Thừa Tác vụ Giới trẻ của Giáo phận Vicenza. “Chúng tôi rất chú tâm và làm việc với tài liệu tập hợp từ hai mươi nhóm ngôn ngữ khác nhau.”

“Một điều nổi lên rất rõ trong tài liệu là những thực tại hiện nay của giới trẻ đang rất cần sự chú ý,” theo ý kiến của Percival Holt, đại diện cho giới trẻ Ấn độ. “Giới trẻ cảm thấy căng thẳng giữa một thế giới lý tưởng hóa và thế giới hiện thực và hầu như dẫn đến kết cục là sự kiệt sức.”

“Có những khía cạnh của xã hội ngày nay làm cho tôi tin rằng các bình luận sẽ đi theo một hướng nào đó, hầu như mang tính chính trị,” Brianna Santiago nói, đến từ San Antonio, Texas, hiện đang học tại Đại học Giáo hoàng Thánh Gioan Lateran, Roma. “Tôi rất xúc động khi tìm ra rằng đại đa số các bạn trẻ tham dự qua Web thao thức rất nhiều điều trong tâm tư: xây dựng gia đình hiệp nhất và vững chắc, tham gia vào giáo hội địa phương của họ, tôn vinh nét đẹp của Phụng vụ, đào sâu hơn những truyền thống của các Giáo Phụ, tìm hướng dẫn từ những người có thể giúp họ học cách phân định và đưa ra những quyết định quan trọng, vân vân.”


Dưới đây là những trình bày của Đức Hồng y Lorenzo Baldisseri, Nữ tu Becquard, và ba bạn trẻ:

Trình bày của Đức Hồng y Lorenzo Baldisseri

Thứ Hai ngày 19 tháng Ba công việc của Phiên họp tiền-Thượng Hội đồng bắt đầu, với sự hiện diện của Đức Thánh Cha Phanxico. Đức Thánh Cha nói chuyện với các bạn trẻ trong suốt ba tiếng rưỡi. Lời của ngài, chân thành và thẳng thắn, gửi đến tất cả các bạn tham dự – cả những bạn tham dự trực tiếp ở đây ở Roma, hơn 300 bạn, và những bạn kết nối qua các mạng xã hội, khoảng 15.000 – đã gợi lên sự quan tâm rất lớn. Đức Thánh Cha nói một cách mạnh mẽ và yêu cầu các bạn trẻ hãy bỏ sự xấu hổ ở lại sau cánh cửa. Ngài yêu cầu họ phải là những nhân vật chính của hành trình thượng hội đồng này, và nói rằng sự đóng góp của họ là không thể thiếu cho việc chuẩn bị Đại Hội đồng Chung Thượng Hội đồng vào tháng Mười. Trích dẫn những đoạn Sách Thánh, ngài nhắc lại rằng thường chính những người trẻ tuổi là người mở lại cánh cửa hy vọng trong những thời gian khủng hoảng, và rằng một Giáo hội không dám bước đi trên những con đường mới là một Giáo hội bị chê trách là đã trở nên già nua. Quan trọng hơn hết, Đức Thánh Cha cảnh báo mọi người hãy chống lại việc làm ra vẻ như nói chuyện với giới trẻ nhưng lại không hỏi ý kiến của họ. Phải nói rằng cuộc họp này, hiện đã kết thúc, là một câu trả lời cho lời yêu cầu này.

Khoảng 15.300 bạn trẻ tham dự vào Phiên họp, hoặc trực tiếp hoặc qua internet, đến từ năm châu lục và theo nhiều con đường khác nhau để đại diện cho bạn bè đồng trang lứa của họ trên khắp thế giới. Sự tham dự này đánh bật nhiều chuyện đồn đại và những thiên kiến về các thế hệ trẻ. Chúng tôi đã chứng kiến các bạn trẻ có thể cất cao tiếng hát như bật tung khỏi lồng ngực nhưng cũng có khả năng im lặng và lắng nghe với sự chăm chú rất cao, họ có thể nhảy múa trong nhiệt huyết của lứa tuổi nhưng cũng có thể trải qua hàng giờ trong hội nghị khoáng đại hoặc những nhóm thảo luận, để lập luận, để nói, để so sánh và đưa những ý tưởng của họ vào trong bài viết.

Công việc được soạn thảo trong tuần này – suốt thời gian ban ngày nhưng khi cần thiết thậm chí cả ban đêm – đã đưa ra kết quả là một tài liệu dài, được thảo luận trong hội trường và trong các nhóm ngôn ngữ, và cuối cùng đã được thông qua sáng nay. Như chúng ta thấy, phương pháp hoàn toàn theo thượng hội đồng: trong những ngày này chúng tôi đồng hành với nhau và lắng nghe nhau, dẫn đến kết quả là việc soạn nháp một văn bản chung phản ánh lại ý kiến của tất cả mọi người đóng góp.

Tài liệu của Phiên họp tiền-Thượng Hội đồng là một trong những nguồn đóng góp cho việc chuẩn bị Instrumentum laboris (tài liệu làm việc) cho Thượng hội đồng. Những nguồn đóng góp khác trước hết sẽ là tài liệu tổng hợp được các Hội đồng Giám mục gửi đến và từ các Thượng Hội đồng của những Giáo hội Công giáo Đông phương, những tài liệu tổng hợp cũng là kết quả của việc lắng nghe rộng rãi được thực hiện trong các giáo phận trên toàn thế giới. Những kết quả của bản câu hỏi trên internet gửi đến các bạn trẻ và những bài phát biểu của hội nghị quốc tế về tình hình giới trẻ được tổ chức bởi Ban Tổng Thư ký của Thượng Hội đồng trong tháng Chín, 2017 sẽ được thêm vào trong những tài liệu tóm lược đó, và cũng không quên những góp ý tự do được các cá nhân và các nhóm gửi đến từ khắp nơi trên thế giới.

Tài liệu đúc kết trong tuần này được chia thành ba phần, và bắt đầu là mục giới thiệu: phần một nói về những thách đố và những cơ hội mà giới trẻ trên thế giới ngày nay đang đối mặt; phần hai, đức tin và ơn gọi, sự phân định và sự đồng hành của giới trẻ; phần ba, những hoạt động đào tạo và mục vụ của Giáo hội. Ở đây tôi không đưa ra bản tóm lược chi tiết, phần này sẽ được những diễn giả sau tôi trình bày, tôi chỉ muốn nêu lên một số ý tưởng chính và những từ khóa có thể giúp chúng ta hiểu được nội dung của những phần này.

Giới trẻ, những người nói trong vai trò ngôi thứ nhất số nhiều, định nghĩa bản thân họ như là “Giáo hội trẻ”: có một Giáo hội của những người trẻ không “đối diện” hay “đối lại” với một Giáo hội của người lớn, nhưng “ở bên trong” Giáo hội giống như lớp men trong bột, nếu lấy hình ảnh trong Tin mừng.

Trong văn bản nổi bật lên một mong muốn rất lớn về tính rõ ràng và tín nhiệm đối với các thành viên của Giáo hội, đặc biệt là các cha xứ: giới trẻ mong chờ một Giáo hội biết khiêm nhường chân nhận những sai lầm trong quá khứ và hiện tại, và can đảm cam kết sống những điều Giáo hội tuyên xưng. Đồng thời, giới trẻ muốn có những nhà giáo dục mang dung mạo của con người, nếu cần thì sẵn sàng nhận ra những sự yếu đuối của mình. Những điểm căn bản khác trong tài liệu là ơn gọi, sự phân định và đồng hành. Giới trẻ hôm nay chịu đựng sự thiếu thốn bạn đồng hành trung thực, những người có thể giúp họ tìm được con đường trong cuộc sống, và yêu cầu cộng đoàn Ki-tô hữu nhận thấy nhu cầu của họ cần có những hướng dẫn có thẩm quyền.

Cuối cùng giới trẻ tìm lại một Giáo hội “hướng ngoại,” cam kết đối thoại mà không có những sự ngăn ngừa với tính hiện đại tiến bộ, đặc biệt với thế giới công nghệ mới với những nhu cầu tiềm tàng cần phải được công nhận và định hướng cho việc sử dụng đúng cách. Tài liệu nói, “Một Giáo hội có sức lôi cuốn là một Giáo hội có tính thân thuộc. Trích dẫn lời ngôn sứ Giô-en (3:1), hôm thứ Hai Đức Thánh Cha Phanxico nhắc lại rằng tuổi trẻ sẽ trở thành những ngôn sứ và thấy thị kiến: giới trẻ của hôm nay báo trước một Giáo hội đối thoại và đón nhận, một Giáo hội đổi mới và lắng nghe, như Đức Thánh Cha đã yêu cầu ngay từ ngày bắt đầu thừa tác vụ Phê-rô của ngài.

Tôi muốn thêm vào phần kết luận rằng trong tuần này các bạn trẻ đã chứng minh cho chúng tôi thấy tính nghiêm túc rất cao, sự nhiệt tâm tìm kiếm ý nghĩa, tính cởi mở rất quảng đại và tính tự giác. Họ bày tỏ sự tin tưởng đối với Giáo hội và những mong đợi rất lớn nơi Giáo hội. Họ cảm thấy được thôi thúc, khi họ là những vai chính.

Ngày mai một số bạn trẻ sẽ có đặc quyền được đệ trình tài liệu đúc kết trong các Phiên họp lên Đức Thánh Cha. Tài liệu sẽ được gửi đến tất cả các Nghị Phụ Thượng Hội đồng trong Đại Hội đồng vào tháng Mười. Điều đặc biệt là văn bản sẽ được trình lên tận tay Đức Thánh Cha bởi một thanh niên người Panama, một quốc gia – như quý vị cũng biết – sẽ là chủ nhà của Ngày Giới trẻ Thế giới năm 2019.

Trình bày của Xơ Natalie Becquard

“Một Giáo hội thượng hội đồng là một Giáo hội lắng nghe”

Đức Thánh Cha Phanxico, 17 tháng Mười, 2015

Khi tôi được gọi đến để phục vụ trong tổ chức của các phiên họp tiền-thượng hội đồng này, tôi đã sống một tuần giữa các bạn trẻ như một trải nghiệm đặc ân của cuộc họp và lắng nghe thế hệ trẻ, một trải nghiệm sống động của việc lắng nghe Chúa Thánh Thần trong công việc xuất phát từ con tim của ba trăm bạn trẻ tham dự với nền tảng đa dạng như vậy. Tôi vô cùng tri ân món quà tôi đã được trao tặng để đồng hành với các bạn trong tiến trình chuẩn bị cho tài liệu cuối cùng này.

Tôi chứng kiến sự tham gia và đóng góp tích cực của họ trong tiến trình trao đổi và ghi chép những gì được gửi đến họ. Tôi rất ấn tượng với tính nghiêm túc mà các bạn đặt vào trọng tâm công việc phản ánh và phân định dẫn đến việc soạn thảo bản nháp tài liệu với những từ ngữ rất mạnh mẽ, phản ánh những phân tích, những tầm nhìn, những khát khao, niềm vững tin, và những vấn đề của các bạn. Ngoài ra, tôi vô cùng xúc động với cách mà Đức Thánh Cha Phanxico và ban Tổng Thư ký của Thượng Hội đồng đã thật sự tin tưởng các bạn và mở ra cho các bạn con đường trao đổi và đối thoại tự do. Các bạn cảm thấy thực sự được đón nhận nghiêm túc và hoàn toàn được trao quyền, và họ đã tập trung với năng lượng không tưởng tượng được và vô cùng tài năng. Tôi thật sự xúc động trước phong cách mà họ thể hiện thật sự là những vai chính của cuộc họp này, tìm cách để thể hiện tốt nhất khả năng và đưa ra những đóng góp đặc biệt cho việc chuẩn bị của thượng hội đồng Giám mục.

Cũng giống như các bạn, tôi có cảm giác trải nghiệm một thời khắc lịch sử, một Lễ Ngũ Tuần mới trao tặng cho các tham dự viên từ mọi dân tộc cơ hội trải nghiệm sự hiệp nhất trong tính đa dạng qua một con đường rất cụ thể, sự hợp nhất trong một ý thức chung, tính phổ quát của Giáo hội với sự tôn trọng những văn hóa khác nhau. Qua động lực lắng nghe và chia sẻ trong sự tôn trọng, chúng tôi đã thấy nổi lên sự hội tụ của rất nhiều vấn đề một cách rất lý thú, đồng thời năng lực đầy kinh ngạc của thế hệ này biết vận dụng những cách nói khác nhau và sự nhạy cảm theo hướng đa chiều. Giới trẻ thể hiện niềm vui của họ trong việc cùng bước đi trong một Giáo hội bao gồm, cởi mở, nhân văn, định hướng ra thế giới và hướng về tương lai. Tôi cũng đặc biệt xúc động trước những chứng ngôn rất tích cực của những đại biểu không tín ngưỡng hoặc những bạn trẻ thuộc tôn giáo khác, họ cho tôi biết họ cảm thấy được chào đón thật trọn vẹn.

Được ảnh hưởng bởi sự gặp gỡ với Đức Thánh Cha, điều đó đã tạo nên âm hưởng cho tuần này, giới trẻ đã trải nghiệm trong suốt tuần lễ hương vị của một thế giới hòa bình và huynh đệ mà họ mơ ước. Họ trở về với niềm vui, niềm tự hào và hy vọng lớn lao, đã trải nghiệm một cách cụ thể và tiên báo trước khuôn mặt của Giáo hội mà họ khát khao: một Giáo hội chân thực, nhạy cảm, đơn sơ, sáng tạo. Một Giáo hội mạnh dạn bước vào cuộc phiêu lưu chung với các bạn mà không hề e sợ những câu hỏi và những thực tại của họ, và một Giáo hội dám trao cho họ vị trí trọn vẹn. Một Giáo hội theo tinh thần thượng hội trong đó mọi người cùng đồng hành, tín hữu và cha xứ, giáo dân, linh mục và những người sống đời tận hiến, người trẻ và già, lắng nghe và chào đón nhau.

Trong tôi nổi lên sự vững tin rằng tinh thần thượng hội đồng thật sự là chìa khóa để rao truyền phúc âm cho giới trẻ ngày nay. Những gì họ trải nghiệm trong suốt Cuộc Họp tiền-Thượng Hội đồng có thể là một mô hình đầy khích lệ cho thừa tác vụ mục vụ trong các Giáo hội địa phương. Tôi tin rằng chúng tôi đã trải nghiệm một cột mốc trong sự chuẩn bị cho Thượng Hội đồng 2018 qua sáng kiến quan trọng mang tính biểu tượng này, và có thể thậm chí là một giai đoạn mới trong sự lĩnh hội Công đồng Vatican II, điều mà tôi chắc chắn sẽ trổ sinh hoa trái cho thế giới này và cho Giáo hội. Tôi mơ ước rằng hơi thở mạnh mẽ này của giới trẻ có thể âm vang ở đây vào tháng Mười và các Nghị Phụ Thượng Hội đồng có những cơ hội cụ thể để tương tác với giới trẻ trong suốt Thượng Hội đồng. Trong khi giới trẻ đang chờ đợi người lớn hướng dẫn và đồng hành với họ, họ cũng có rất nhiều để trao tặng cho chúng ta, như họ đã cho chúng tôi thấy trong tuần này. Chúng ta đừng e ngại cố vấn cho họ và đưa họ vào trong những cơ quan đưa ra quyết định ở mọi cấp độ của Giáo hội.

Xin đọc trình bày của ba bạn trẻ trong phần hai ngày mai.


[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 25/3/2018]

Đức Thánh Cha cảm ơn những nhân viên an ninh của Vatican

Đức Thánh Cha cảm ơn những nhân viên an ninh của Vatican

‘Nhưng anh chị em làm việc ở đó, để bảo vệ mọi người, bảo vệ tôi … Tôi chẳng biết phải cám ơn anh chị em sao cho đủ.’

26 tháng Ba, 2018
Đức Thánh Cha cảm ơn những nhân viên an ninh của Vatican
© Vatican Media
Ngày 26 tháng Ba, 2018, sau những lời cảm ơn trịnh trọng, Đức Thánh Cha Phanxico chuyển sang cách nói ứng khẩu để cảm ơn các Giám đốc và nhân viên thuộc Ban Thanh tra An ninh Công của Vatican.

“Có những lúc, tôi thấy buồn vì khi tôi rời đi thì tôi vẫn nhìn thấy anh chị em còn ở đó, vẫn đang làm việc. Tôi nghĩ, ‘Nhưng đáng lẽ bây giờ những người này phải ở nhà, với gia đình của họ …’. Nhưng anh chị em làm việc ở đó, để bảo vệ mọi người, bảo vệ tôi … Tôi chẳng biết phải cám ơn anh chị em sao cho đủ.”

Đức Thánh Cha nói chuyện với nhóm trong một buổi tiếp kiến trong Sảnh đường Clementine trong Điện Tông tòa. Và ngay cả những lời trịnh trọng theo nghi thức của ngài cũng phản ánh tình cảm của ngài với những người hiện diện.

Đức Thánh Cha nói, “Ban Thanh tra An ninh Công có sự cộng tác rất quý giá với thừa tác vụ mục vụ của giám mục Roma. Tôi vô cùng tri ân anh chị em vì sự hiện diện đầy cảnh giác của anh chị em và sự hỗ trợ của anh chị em trong những khi cử hành các nghi thức phụng vụ và nhiều dịp cử hành khác trong Vương cung Thánh đường Thánh Phê-rô và toàn thành phố Vatican.

“Xin cảm ơn sự giám sát đầy thận trọng và hiệu quả của anh chị em, mà những khách hành hương đến từ mọi miền trên thế giới thăm viếng mộ của Thánh Tông đồ Phê-rô được bình an trong trải nghiệm đức tin vô cùng quan trọng này … với những sự kiện mang tầm quan trọng về văn hóa và tôn giáo cùng với các linh mục, tu sĩ và giáo dân là những người cộng tác trong sứ mạng hoàn vũ của Đấng Kế nhiệm Thánh Phê-rô chắc chắn sẽ là những lý do thêm nữa cho sự cam kết và cống hiến của anh chị em.”

Đức Thánh Cha cảm ơn những nhân viên an ninh của Vatican

Diễn từ của Đức Thánh Cha

Thưa ông Cảnh sát trưởng,

Thưa Đức Tổng trưởng,

Thưa anh chị em nhân viên,

Xin chào mừng anh chị em đến với sự kiện truyền thống này, nó là cơ hội cho tôi bày tỏ lòng tri ân đối với sự phục vụ của anh chị em dành cho Tòa Thánh và cho Thành phố Vatican. Tôi xin cảm ơn ông Cảnh sát trưởng về những lời chào tốt đẹp dành cho tôi thay mặt tất cả anh chị em. Và tôi xin gửi lời chào cá nhân từng anh chị em, xin gửi đến anh chị em những lời chúc chân thành cho một mùa Phục sinh được soi sáng bởi đức tin và niềm hân hoan với những tình cảm và giá trị đẹp nhất và chân thực nhất.

Ban Thanh tra An ninh Công có sự cộng tác rất quý giá với thừa tác vụ mục vụ của giám mục Roma. Tôi vô cùng tri ân anh chị em vì sự hiện diện đầy cảnh giác của anh chị em và sự hỗ trợ của anh chị em trong những khi cử hành các nghi thức phụng vụ và nhiều dịp cử hành khác trong Vương cung Thánh đường Thánh Phê-rô và toàn thành phố Vatican. Hơn nữa, Giáo hoàng và những vị cộng tác của ngài biết rằng họ phải lệ thuộc vào sự cộng tác của anh chị em trong những chuyến thăm mục vụ đến các giáo xứ và những tổ chức dân sự và giáo hội ở Roma, cũng như trong những dịp thăm mục vụ trên khắp nước Ý.

Nhờ sự giám sát đầy thận trọng và hiệu quả của anh chị em, mà những khách hành hương đến từ mọi miền trên thế giới thăm viếng mộ của Thánh Tông đồ Phê-rô được bình an trong trải nghiệm đức tin vô cùng quan trọng này. Anh chị em làm tròn trách vụ hàng ngày của mình bằng nguồn cảm hứng từ những lý tưởng nhân văn xứng đáng là những thành viên của Cảnh sát Chính phủ Ý. Nhưng, liên quan đến những sự kiện mang tầm quan trọng về văn hóa và tôn giáo cùng với các linh mục, tu sĩ và giáo dân là những người cộng tác trong sứ mạng hoàn vũ của Đấng Kế nhiệm Thánh Phê-rô chắc chắn sẽ là những lý do thêm nữa cho sự cam kết và cống hiến của anh chị em. Thật vậy, điều kiện hoạt động vô cùng đặc biệt của anh chị em cho phép anh chị em củng cố sự cống hiến chuyên môn của mình, rút lấy nguồn mạch và sức mạnh từ chân lý muôn đời của Tin mừng. Từ đó qua hoạt động của anh chị em làm chứng tá cho những giá trị con người và tinh thần theo Ki-tô giáo, anh chị em cũng góp phần cống hiến vào sứ mạng của Giáo hội.

Vatican không phải là điểm đến của riêng người Ki-tô hữu trên khắp thế giới những cũng là điểm đến của đại diện các tôn giáo, những nhà lãnh đạo các chính phủ và các nhân vật cấp cao của giáo hội và dân sự, họ đến để gặp gỡ Giáo hoàng hoặc những người cộng tác của ngài trong những Bộ của Tòa Thánh. Cũng nhờ vào công việc của anh chị em, những cuộc gặp gỡ đối thoại và những chuyến thăm viếng đến với những đại diện của văn hóa và đức tin được bảo tồn trong Kinh thành Vatican có thể diễn ra trong một không khí an bình và trật tự.

Một lần nữa tôi xin bày tỏ lòng biết ơn đối với sự hợp tác của anh chị em, và tôi phó dâng từng người trong anh chị em dưới sự bảo trợ của Mẹ Thiên Chúa. Nguyện xin Mẹ hỗ trợ anh chị em và giúp đỡ những ý định của anh chị em, chuyển những ý định đó lên Con của Mẹ. Tôi gửi lời chào đặc biệt đến gia đình của anh chị em, đặc biệt đến những đứa con của anh chị em, và tôi xin anh chị em cũng cầu nguyện cho tôi. Xin chúc anh chị em một Mùa Phục sinh Hạnh phúc và tôi ban Phép lành Tòa thành cho anh chị em và những người thân yêu của anh chị em.



[Đức Thánh Cha Phanxico sau đó thêm phần ứng khẩu sau đây]

Tôi muốn nói thêm với anh chị em một điều nữa. Có những lúc, tôi thấy buồn vì khi tôi rời đi thì tôi vẫn nhìn thấy anh chị em còn ở đó, vẫn đang làm việc. Tôi nghĩ, “Nhưng đáng lẽ bây giờ những người này phải ở nhà, với gia đình của họ …”. Nhưng anh chị em làm việc ở đó, để bảo vệ mọi người, bảo vệ tôi … Tôi chẳng biết phải cám ơn anh chị em sao cho đủ. Anh chị em là những người canh giữ, tất cả anh chị em: những anh chị em ở ngoài kia, những anh chị em giám sát, những con người gan dạ đó trên những chiếc mô-tô … họ chắc chắn có việc làm sau khi về hưu – họ có thể đi làm trong những gánh xiếc, họ có kỹ năng thăng bằng quá tuyệt vời như thế! Nhưng một câu luôn khắc ghi trong đầu tôi là: những người này hy sinh để bảo vệ cho Đức Giáo hoàng, để bảo vệ mọi người, phòng trường hợp có một người điên nào đó ra tay, một cuộc tấn công tàn phá nhiều gia đình. Và tôi nghĩ đến Đấng Bảo vệ Chúa Giê-su. Và vì lý do này, tôi muốn tặng cho anh chị em hình ảnh của Thánh Giu-se, Đấng Bảo vệ của Chúa Giê-su, để anh chị em có thể mang theo bên mình, xem xem cất giữ ở chỗ nào nhé. Đó là một món quà của tâm hồn. Nhưng với món quà này, tôi muốn bày tỏ lòng tri ân. Và tôi muốn tặng cho vị đại diện của anh chị em là bà Maiorino, người luôn luôn gắn chặt với những vấn đề “bảo vệ.”

© Libreria Editrice Vatican


[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 27/3/2018]


Thứ Hai, 26 tháng 3, 2018

Bài giảng Lễ Lá của Đức Thánh Cha

Bài giảng Lễ Lá của Đức Thánh Cha

‘Phương thuốc hữu hiệu nhất là hãy nhìn vào Thập giá của Đức Ki-tô và để cho bản thân chúng ta được thách đố bởi tiếng kêu cuối cùng của Người’

25 tháng Ba, 2018
Bài giảng Lễ Lá của Đức Thánh Cha
Vatican Media Screenshot
Dưới đây là bản dịch (tiếng Anh) của Vatican cung cấp bài giảng Chúa nhật Lễ Lá của Đức Thánh Cha Phanxico trong Quảng trường Thánh Phê-rô:

***

Bài giảng Lễ Lá của Đức Thánh Cha
“Chúa Giê-su tiến vào thành Giê-ru-sa-lem. Phụng vụ mời gọi chúng ta chia sẻ niềm vui và sự tán dương của người dân hô vang lời ngợi khen Thiên Chúa; một niềm vui sẽ phai nhạt dần và để lại một vị đắng và đau thương vào cuối trình thuật của Cuộc Thương Khó. Sự tung hô này dường như là sự kết hợp những câu chuyện của niềm vui và đau khổ, của sai lầm và thành công, mà chúng là một phần trong đời sống hàng ngày của chúng ta là những môn đệ của Người. Bằng cách này cách khác nó diễn tả những xảm xúc mâu thuẫn mà cả chúng ta nữa, những con người của ngày hôm nay, đang trải qua: khả năng yêu thương rất lớn … nhưng đồng thời cũng là sự thù hận rất lớn; khả năng hy sinh anh dũng, nhưng đồng thời cũng là khả năng “rửa tay của chúng ta” đúng lúc; khả năng trung thành, nhưng cũng là sự chối bỏ và phản bội.

Qua trình thuật Tin mừng chúng ta cũng nhìn thấy rất rõ rằng niềm vui mà Chúa Giê-su khơi lên lại trở thành nguyên nhân của sự tức tối và bực dọc cho một số người.

Chúa Giê-su đi vào thành và được những đám đông dân chúng vây quanh cùng những sự ồn ào trộn lẫn giữa tiếng ca và tiếng hoan hô. Chúng ta có thể hình dung ra giữa những tiếng kêu mà chúng ta nghe thấy đó là giọng của đứa con được tha thứ, của người phong hủi được chữa lành, hoặc là tiếng kêu của con chiên bị lạc. Rồi cũng có cả bài ca của người thu thuế và người đàn ông được sạch; tiếng kêu của những người đang sống bên lề của thành phố. Và tiếng kêu của những con người đã đi theo Chúa giê-su vì họ cảm nhận được lòng thương xót của Người trước sự đau đớn và sầu khổ của họ … Tiếng kêu đó là một bài ca và đồng thời là niềm vui của tất cả những người bị bỏ rơi và bị khinh miệt, những người đã được Chúa Giê-su động chạm đến, bây giờ có thể hô lớn: “Chúc tụng Đấng ngự đến nhân danh Đức Chúa.” Làm sao họ lại không vang tiếng ngợi khen Đấng đã lấy lại cho họ phẩm giá và niềm hy vọng? Niềm vui của họ là niềm vui của quá nhiều tội nhân đã được tha thứ, họ có thể tín thác và hy vọng trở lại.

Tất cả niềm vui và sự ca khen này là nguyên nhân làm lo lắng, làm xấu hổ và bấn loạn cho những người tự coi họ là công chính và “trung thành” với lề luật và những quy định về nghi thức.[1] Một niềm vui không thể gánh được đối với những người cương quyết chống lại sự đau đớn, sự đau khổ và phiền muộn. Một niềm vui vượt ngoài khả năng chịu đựng cho những người đã quên đi nhiều cơ hội mà bản thân họ đã được trao tặng. Thật quá khó khăn cho những người phong lưu và người tự cho mình là công chính hiểu được niềm vui và sự tán tụng lòng thương xót của Chúa! Thật vô cùng khó khăn cho những người tự tin vào bản thân họ, khinh miệt người khác, biết chia sẻ niềm vui này.[2]

Bài giảng Lễ Lá của Đức Thánh Cha


Và ở đây lại nghe thấy một loại tiếng kêu khác, tiếng kêu hung tợn của những người hét lên: “Đóng đinh nó đi!” Nó không phải là tiếng kêu tự phát nhưng đã được kích động bởi những sự gièm pha, những lời vu khống và những lời chứng giả. Nó là tiếng hô của những kẻ bóp méo thực tại và tạo dựng ra những màn kịch vì lợi ích cá nhân của họ, không cần quan tâm đến danh tiếng của người khác. Nó là tiếng hô của những người dùng bất kỳ thủ đoạn nào để tìm kiếm quyền lực và dập tắt những tiếng nói nghịch lại. Đó là tiếng hô đến từ những sự thật “méo mó” và thêu dệt đến mức làm biến dạng khuôn mặt của Chúa Giê-su và biến người thành một “tên tội phạm.” Đó là tiếng hô của những kẻ muốn bảo vệ cho vị trí của họ bằng cách bôi nhọ những người không có khả năng tự vệ. Nó là tiếng hô xuất phát từ những người muốn thể hiện sự tự mãn, tự đắc và kiêu ngạo, họ không ngần ngại hét lên: “Đóng đinh nó đi, đóng đinh nó đi.”

Và vì thế sự tung hô của người dân cuối cùng bị dập tắt. Niềm hy vọng bị sụp đổ, những ước mơ bị giết chết, niềm vui bị ngăn lại; tâm hồn trở nên băng giá và đức ái trở nên nguội lạnh. Nó là tiếng hô “cứ thoải mái đi,” nó làm u mê ý thức về tình đoàn kết, làm nhụt lại những lý tưởng của chúng ta, và làm lu mờ tầm nhìn của chúng ta … nó là tiếng hô muốn xóa sạch lòng trắc ẩn.

Khi đối mặt với những người như vậy, phương thuốc hữu hiệu nhất là nhìn lên thập giá của Đức Ki-tô và để cho bản thân chúng ta được thách đố bởi tiếng kêu cuối cùng của Người. Người hy sinh và kêu lên tiếng kêu tình yêu đối với mỗi người chúng ta: trẻ và già, thánh nhân và tội nhân, mọi người trong thời đại của Người và thời đại của chúng ta. Chúng ta đã được cứu thoát bởi thập giá của Người, và không ai có thể ngăn cản được niềm vui của Tin mừng; không người nào, trong bất kỳ tình huống nào, lại cách xa khỏi ánh mắt đầy thương xót của Chúa Cha. Nhìn lên thập giá có nghĩa là cho phép những ưu tiên của chúng ta, những lựa chọn và những hành động của chúng ta được thách đố. Nó có nghĩa là chất vấn bản thân chúng ta về sự nhạy cảm của chúng ta đối với những người đang trải qua khó khăn. Tâm hồn của chúng ta đang tập trung vào đâu? Chúa Giê-su có còn tiếp tục là nguồn mạch niềm vui và ca khen trong tâm hồn của chúng ta không, hay những ưu tiên và quan tâm làm cho chúng ta thấy xấu hổ khi nhìn vào những tội nhân, những người bé mọn nhất và bị lãng quên?

Các bạn trẻ thân mến, niềm vui mà Chúa Giê-su khơi dậy trong chúng con là nguyên nhân của sự tức giận và phẫn uất đối với một số người, vì một người trẻ tuổi đầy lòng hân hoan rất khó bị lợi dụng.

Nhưng ngày nay, có thể đang có một tiếng kêu khác: “Trong đám đông, có một vài người Pha-ri-sêu nói với Đức Giê-su, “Thưa Thầy, Thầy trách môn đệ của thầy đi chứ.” Người trả lời, “Tôi bảo các ông, họ mà làm thinh, thì sỏi đá cũng sẽ kêu lên” (Lc 19: 39-40).

Luôn luôn tồn tại một sức ám dỗ muốn dập tắt tiếng nói của giới trẻ. Chính người Pha-ri-sêu đã khiển trách Chúa Giê-su và yêu cầu Ngài bắt họ phải im lặng.

Có rất nhiều cách để dập tắt tiếng nói của giới trẻ và làm cho họ trở nên vô hình. Có nhiều cách để làm cho họ bị tê liệt, làm cho họ phải im lặng, không chất vấn điều gì, không đặt vấn đề về bất kỳ điều gì. Có nhiều cách để ru ngủ họ, để làm cho họ tránh không can dự vào, để làm cho những ước mơ của họ trở nên tẻ nhạt và u ám, thiển cận và buồn chán.

Trong Chúa nhật Lễ Lá này, khi chúng ta mừng Ngày Giới trẻ Thế giới thì chúng ta cũng nghe rõ câu trả lời của Chúa Giê-su cho những người Pha-ri-sêu kia trong quá khứ và hiện tại: “Họ mà làm thinh, thì sỏi đá cũng sẽ kêu lên” (Lc 19:40).

Bài giảng Lễ Lá của Đức Thánh Cha
Các bạn trẻ thân mến, chúng con phải ghi nhớ nó trong lòng để hô vang lên. Việc lựa chọn lời “Hoan hô!” của Chúa nhật này là tùy thuộc vào chúng con, làm sao để đừng dẫn đến câu “Hãy đóng đinh nó!” của ngày thứ Sáu … Giữ im lặng hay không là tùy thuộc vào chúng con. Thậm chí nếu người khác im lặng, nếu chúng ta là những người lớn và người lãnh đạo giữ im lặng, nếu toàn thế giới giữ im lặng và đánh mất niềm vui, thì cha hỏi chúng con: Chúng con có lên tiếng kêu không?

Hãy lựa chọn, trước khi chính những tảng đá sẽ kêu lên.”

[Văn bản chính: tiếng Ý]

© Copyright – Libreria Editrice Vaticana


[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 25/3/2018]


Tòa Thánh thúc đẩy quyền sử dụng nước an toàn cho mọi người

Tòa Thánh thúc đẩy quyền sử dụng nước an toàn cho mọi người

“Những thách đố về nước của thế giới không chỉ là những vấn đề thuộc kỹ thuật, kinh tế, chính trị và xã hội, nhưng còn là vấn đề thuộc sắc tộc.”

24 tháng Ba, 2018
Tòa Thánh thúc đẩy quyền sử dụng nước an toàn cho mọi người
Wikimedia Commons
“Tòa Thánh luôn luôn nhấn mạnh rằng chất lượng của nước sinh hoạt cho người nghèo là một vấn đề đặc biệt nghiêm trọng,” theo Đức Tổng Giám mục Bernardito Auza, Quan sát viên Thường trực của Tòa Thánh tại Liên Hợp Quốc. “Nước sinh hoạt không an toàn là nguyên nhân của nhiều cái chết mỗi ngày, và làm lây lan những căn bệnh liên quan đến nước, trong đó có những bệnh do vi sinh vật và các chất hóa học.”

Bài trình bày của đức tổng giám mục ngày 23 tháng Ba, 2018, trong Sự kiện Cấp cao của “Thập niên Hành động Quốc tế: ‘Nước cho Sự Phát triển Bền vững’” tại Liên Hợp quốc ở New York.

Trong bài tham luận, Đức Tổng Giám mục Auza tập trung sự chú ý vào chất lượng của nước sinh hoạt cho người nghèo, vì nguồn nước không an toàn gây tử vong và lây lan những căn bệnh liên quan đến nước. Ngài nói, Đức Thánh Cha Phanxico đã nhấn mạnh rằng sự tiếp cận được với nguồn nước an toàn, có thể uống được là một quyền căn bản và phổ quát của con người, và là một điều kiện để thực hành nhân quyền. Vì thế, phải gia tăng cấp vốn để bảo đảm cho sự tiếp cận với nước và sự vệ sinh trên toàn cầu, những nỗ lực giảm bớt lãng phí và sử dụng bất phù hợp, và nâng cao việc giáo dục và ý thức.

Đức Tổng Giám mục Auza nói đến những dự án được Tòa Thánh hỗ trợ, chẳng hạn Quỹ Gioan Phaolo II cho khu vực Sahel, cung cấp nước uống sạch cho người nghèo, chống lại tình trạng sa mạc hóa, bơm nước, huấn luyện nhân sự về chuyên môn, và phát triển các đơn vị nông nghiệp. Những thách đố về nước của thế giới không chỉ là những vấn đề thuộc kỹ thuật, kinh tế, chính trị và xã hội, nhưng còn là vấn đề thuộc sắc tộc, đòi hỏi điều mà Đức Thánh Cha Phanxico gọi là một “sự chuyển biến sinh thái” sang một văn hóa chăm sóc và đoàn kết.


Dưới đây là bài phát biểu của ngài.

Thưa ông Chủ tịch,

Phái đoàn của tôi mong muốn gửi lời cảm ơn ông đã triệu tập sự kiện cấp cao này và có được cơ hội để chia sẻ quan điểm của chúng tôi về những vấn đề liên quan đến nước trước Thập niên Hành động Quốc tế 2018-2028, với chủ đề “Nước cho sự Phát triển Bền vững,” được khởi động từ hôm nay.

Tòa Thánh luôn luôn nhấn mạnh rằng chất lượng của nước sinh hoạt cho người nghèo là một vấn đề đặc biệt nghiêm trọng. Nước sinh hoạt không an toàn là nguyên nhân của nhiều cái chết mỗi ngày, và làm lây lan những căn bệnh liên quan đến nước, trong đó có những bệnh do vi sinh vật và các chất hóa học.

Trong những năm vừa qua, những chứng bệnh có thể ngăn ngừa được như bệnh lỵ và bệnh tả, do thiếu vệ sinh và những nguồn cấp nước, đã gây ra hàng ngàn cái chết và là một nguyên nhân đáng kể về tỷ lệ tử vong trẻ sơ sinh.

Trong Tông huấn Chúc tụng Chúa, Đức Giáo hoàng Phanxico nhấn mạnh rằng “sự tiếp cận được với nguồn nước an toàn, có thể uống được là một quyền căn bản và phổ quát của con người, vì nó vô cùng thiết yếu đối với sự tồn tại của con người, và là một điều kiện để thực hành nhân quyền. Thế giới mắc một món nợ xã hội rất lớn đối với người nghèo là những người không có đủ sự tiếp cận được với nước uống vì họ bị từ chối quyền có được một cuộc sống phù hợp với phẩm giá bất biến của họ.”[1]

Thưa ông Chủ tịch,

Nước là một tài nguyên khan hiếm và không thể thiếu được và là một quyền căn bản ảnh hưởng đến việc thi hành những quyền con người khác. Sự thật hiển nhiên này phải được đặt lên đầu khi cân nhắc những ưu tiên phân phối và sử dụng nước. Nó cũng lên tiếng kêu gọi phải giảm bớt sự lãng phí và sự tiêu thụ bất hợp lý, gia tăng cấp quỹ để bảo đảm việc tiếp cận phổ quát đối với nước và vệ sinh cơ bản, và nâng cao ý thức và hiểu biết về sự tương quan giữa sự sống và nước.

Tòa thánh tích cực thúc đẩy những dự án cung cấp nước uống an toàn cho người nghèo. Chẳng hạn Quỹ Gioan Phaolo II cho vùng Sahel, hàng năm cung cấp những nguồn tài nguyên thiết yếu để hỗ trợ những cộng đồng trong các vùng khan hiếm hoặc không có nguồn nước. Quỹ thực hiện những dự án chống sa mạc hóa, bơm nước, phát triển những đơn vị nông nghiệp và huấn luyện nhân sự có chuyên môn để phục vụ cộng đồng của họ. Tòa Thánh cũng thúc đẩy sự kết nối xã hội và sự hòa hợp tôn giáo giữa những cá nhân và cộng đồng được hưởng lợi từ những dự án về nước.

Thưa ông Chủ tịch,

Những thách đố về nước của thế giới không chỉ là những vấn đề thuộc kỹ thuật, kinh tế, chính trị và xã hội, nhưng còn là vấn đề thuộc sắc tộc. Vì lý do này, sự khủng hoảng về nước cũng là một mệnh lệnh phải tiến đến với “sự chuyển biến sinh thái” sâu sắc, [2] được thể hiện qua một văn hóa chăm sóc và đoàn kết, làm cho ngôi nhà chung của chúng ta trở thành một nơi đáng sống hơn và huynh đệ hơn, một nơi không ai bị bỏ rơi và tất cả mọi người có được cuộc sống khỏe mạnh và đúng phẩm giá.

Xin cảm ơn ông Chủ tịch.


1. Đức Thánh Cha Phanxico, Tông huấn Chúc tụng Chúa, 30.

2. Nt. 216.

Copyright © 2018 Phái bộ Quan sát viên thường trực của Tòa Thánh tại Liên Hợp Quốc, All rights reserved.


[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 24/3/2018]