Thứ Hai, 30 tháng 1, 2023

Huấn từ Kinh Truyền tin của ĐTC Phanxicô, 29.1.2023: “Hãy học người có tâm hồn nghèo khó, biết trân quý những gì họ nhận được và không lãng phí”

“Hãy học người có tâm hồn nghèo khó, biết trân quý những gì họ nhận được và không lãng phí”

Đức Thánh Cha và huấn từ Kinh Truyền tin Chúa nhật

Huấn từ Kinh Truyền tin của ĐTC Phanxicô, 29.1.2023: “Hãy học người có tâm hồn nghèo khó, biết trân quý những gì họ nhận được và không lãng phí”

© Vatican Media


*******

Vào lúc 12 giờ trưa hôm nay, Đức Thánh Cha Phanxicô xuất hiện tại cửa sổ phòng làm việc trong Điện Tông tòa Vatican để đọc Kinh Truyền Tin với các tín hữu và khách hành hương tập trung tại Quảng trường Thánh Phêrô.

Ngoài ra, hiện diện còn có các Thiếu niên Công giáo Tiến hành của Giáo phận Roma kết thúc tháng Một, tháng các em dành riêng cho chủ đề hòa bình theo truyền thống, với “Đoàn Lữ hành Hòa bình”. Cuối giờ đọc Kinh Truyền tin, các thiếu niên đọc một thông điệp thay mặt cho ACR của Rome.

Dưới đây là huấn từ của Đức Thánh Cha trước khi đọc Kinh truyền tin:

___________________________________________


Trước Kinh Truyền tin

Anh chị em thân mến, buongiorno!

Trong phụng vụ hôm nay, các Mối Phúc theo Tin Mừng Thánh Matthêu được công bố (x. Mt 5:1-12). Mối phúc đầu tiên là nền tảng. Đây là điều Mối phúc nói: “Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó, vì Nước Trời là của họ” (c. 3).

Ai là những người “có tâm hồn nghèo khó”? Họ là những người biết rằng họ không thể dựa vào chính mình, rằng họ không đủ khả năng tự lực, và họ sống như “người ăn mày trước mặt Chúa”. Họ cảm thấy mình cần đến Thiên Chúa và nhận biết mọi sự tốt lành đến từ Người như một ân ban, như một ân sủng. Những người nghèo khó trong tâm hồn quý trọng những gì họ nhận được. Vì vậy, họ muốn rằng không có ân ban nào bị lãng phí. Hôm nay, cha muốn dừng lại ở khía cạnh điển hình này của tâm hồn nghèo khó: không lãng phí. Người có tâm hồn nghèo khó cố gắng không lãng phí bất cứ thứ gì. Chúa Giêsu cho chúng ta thấy tầm quan trọng của việc không lãng phí. Chẳng hạn, sau phép lạ hóa bánh và cá ra nhiều, Chúa yêu cầu thu lại thức ăn thừa để không bị lãng phí (x. Ga 6:12). Không lãng phí cho phép chúng ta biết trân quý giá trị của chính mình, của mọi người và của mọi sự. Tuy nhiên, thật không may, có một nguyên tắc thường bị bỏ qua, đặc biệt là ở các xã hội giàu có hơn, nơi văn hóa lãng phí, văn hóa vứt bỏ chiếm ưu thế. Cả hai đều là một bệnh dịch. Vì vậy, cha muốn đưa ra cho anh chị em ba thách đố chống lại tâm lý lãng phí, tâm lý vứt bỏ.

Thách đố đầu tiên: không lãng phí món quà là chính con người chúng ta. Mỗi người chúng ta đều là một món quà tốt lành, độc lập. Mọi người nam, nữ đều giàu có không chỉ về tài năng mà còn về phẩm giá. Người đó được Thiên Chúa yêu thương, là giá trị, là quý báu. Chúa Giêsu nhắc nhở chúng ta rằng chúng ta được chúc phúc không phải vì những gì chúng ta có, mà vì chính con người chúng ta. Và khi một người buông xuôi và vứt bỏ chính mình, người đó đã tự lãng phí chính bản thân. Với sự trợ giúp của Chúa, chúng ta hãy chiến đấu chống lại những cám dỗ tin rằng mình là bất xứng, là sai lầm và cảm thấy tội nghiệp cho bản thân.

Tiếp đến là thách đố thứ hai: không lãng phí những món quà chúng ta có. Có một thực tế là khoảng một phần ba tổng sản lượng lương thực được sản xuất trên thế giới bị lãng phí hàng năm, trong khi rất nhiều người chết vì đói! Không thể sử dụng tài nguyên thiên nhiên theo cách đó. Sản phẩm phải được chăm sóc và chia sẻ để không ai thiếu những gì là cần thiết. Thay vì lãng phí những gì chúng ta có, chúng ta hãy truyền bá một hệ sinh thái công bằng và bác ái, hệ sinh thái chia sẻ!

Cuối cùng là thách đố thứ ba: không vứt bỏ người khác. Văn hóa vứt bỏ nói: “Tôi sử dụng bạn cho đến khi nào tôi còn cần bạn. Khi tôi không còn hứng thú với bạn nữa, hoặc bạn cản đường tôi, tôi sẽ ném bạn ra ngoài”. Những người bị đối xử như vậy đặc biệt là những người yếu đuối nhất – trẻ em chưa chào đời, người già, người túng thiếu và người thiệt thòi. Nhưng không bao giờ được vứt bỏ con người, không được loại trừ người thiệt thòi! Mỗi người là một món quà thánh thiêng, mỗi người là một món quà độc đáo, bất kể tuổi tác hay tình trạng của họ. Chúng ta hãy luôn tôn trọng và thúc đẩy sự sống! Đừng lãng phí sự sống!

Anh chị em thân mến, chúng ta tự hỏi mình một câu hỏi. Trên hết: Tôi sống tâm hồn khó nghèo như thế nào? Tôi có biết dành không gian cho Thiên Chúa không? Tôi có tin rằng Chúa là gia tài tốt lành, đích thực và lớn lao của tôi không? Tôi có tin rằng Chúa yêu tôi, hay tôi ném quăng mình vào nỗi buồn, quên rằng tôi là một ân ban? Và rồi – tôi có cẩn thận để tránh lãng phí không? Tôi có chịu trách nhiệm về cách tôi sử dụng đồ đạc, của cải không? Tôi có sẵn sàng chia sẻ mọi thứ với người khác hay tôi ích kỷ? Cuối cùng, tôi có coi những người yếu đuối nhất là những món quà quý giá mà Thiên Chúa yêu cầu tôi chăm sóc không? Tôi có nhớ đến những người nghèo, người bị tước đoạt những gì cần thiết không?

Xin Mẹ Maria, người Nữ của Các Mối Phúc, giúp chúng ta làm chứng cho niềm vui rằng sự sống là một món quà và, vẻ đẹp của việc trao tặng chính mình.

________________________________________


Lời chào của Đức Thánh Cha sau Kinh Truyền Tin

Anh chị em thân mến!

Tôi vô cùng đau buồn khi biết tin từ Đất Thánh, đặc biệt là về cái chết của mười người Palestine, trong đó có một phụ nữ, bị giết trong hoạt động chống khủng bố của quân đội Israel ở Palestine; và về những gì đã xảy ra gần Giêrusalem vào tối thứ Sáu khi bảy người Do Thái Israel bị một người Palestine sát hại và ba người khác bị thương khi họ rời khỏi hội đường Do Thái. Vòng xoáy chết chóc ngày càng gia tăng không làm được gì khác hơn là khép lại những tia tin tưởng ít ỏi còn tồn tại giữa hai dân tộc. Từ đầu năm đến nay, hàng chục người Palestine đã thiệt mạng trong các cuộc đọ súng với quân đội Israel. Tôi kêu gọi hai chính phủ và cộng đồng quốc tế ngay lập tức và không trì hoãn tìm ra những con đường khác bao gồm đối thoại và tìm kiếm hòa bình cách chân thành. Thưa anh chị em, chúng ta hãy cầu nguyện cho việc này.

Tôi nhắc lại lời kêu gọi về tình hình nhân đạo nghiêm trọng ở Hành lang Lachin, miền Nam Caucasus. Tôi gần gũi với tất cả những người phải đương đầu với các điều kiện vô nhân đạo này giữa mùa đông khắc nghiệt. Mọi nỗ lực phải được thực hiện trên bình diện quốc tế để tìm ra các giải pháp hòa bình vì lợi ích của người dân.

Hôm nay là Ngày Bệnh Phong Thế giới lần thứ 70. Thật không may, sự kỳ thị liên quan đến căn bệnh này tiếp tục gây ra những vi phạm nghiêm trọng về nhân quyền ở nhiều nơi trên thế giới. Tôi bày tỏ sự gần gũi với những người đau khổ vì căn bệnh và tôi khuyến khích cam kết hướng tới sự hội nhập hoàn toàn những anh chị em này.

Cha gửi lời chào đến tất cả anh chị em đến từ nước Ý và từ các quốc gia khác. Cha chào nhóm Quinceañeras đến từ Panama và các sinh viên từ Badajoz, Spagna. Cha chào anh chị em hành hương đến từ Moiano và Monteleone di Orvieto, anh chị em từ Acqui Terme và các thiếu niên nam nữ của Nhóm Agesci Cercola Primo.

Và bây giờ cha gửi lời chào thân ái đến các thiếu niên nam nữ Công giáo Tiến hành thuộc Giáo phận Roma! Các con đã đến trên “Đoàn lữ hành hòa bình”. Cha cảm ơn các con vì sáng kiến rất quý giá này trong năm nay, bởi vì khi nghĩ đến đất nước Ukraine bị chiến tranh tàn phá, cam kết và cầu nguyện cho hòa bình của chúng ta càng phải mạnh mẽ hơn. Chúng ta hãy nghĩ đến Ukraine và cầu nguyện cho người dân Ukraine, những người bị đối xử tàn tệ.



[Nguồn: exaudi]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 30/1/2023]


Tài liệu: Tại sao có quá nhiều sự bách hại Kitô giáo ở Nigeria?

Tài liệu: Tại sao có quá nhiều bách hại Kitô giáo ở Nigeria?

Tài liệu: Tại sao có quá nhiều sự bách hại Kitô giáo ở Nigeria?

Shutterstock I Zarko Prusac

John Burger

24/01/23


Vấn đề lâu dài của các vụ tấn công nhà thờ và linh mục gắn liền với chủ nghĩa chính thống Hồi giáo, văn hóa không bị trừng phạt, và tội phạm giữa cảnh nghèo đói khốc liệt.

Một loạt các vụ giết người, bắt cóc và phá hủy các cơ sở của nhà thờ gần đây ở Nigeria là sự tiếp nối của một tình trạng mà người dân Nigeria đã phải đối phó trong nhiều năm. Theo một nhà quan sát người Mỹ làm việc ở Nigeria, các giải pháp cho vấn đề này phải “qua nhiều thế hệ”. Nhưng một bước đi cần thiết đầu tiên hướng tới hòa bình sẽ diễn ra vào tháng tới, khi một tổng thống mới sẽ được bầu chọn.

Hôm thứ Năm, ít nhất 11 người, hầu hết là người Công giáo, đã bị sát hại khi những người chăn gia súc sắc tộc Fulani bị cáo buộc tấn công một ngôi làng gần trại tị nạn trong Giáo phận Makurdi, phía đông nam thủ đô Abuja.

Tin tức được đưa ra chỉ vài ngày sau khi một linh mục, Cha Isaac Achi, bị sát hại tại nơi ở trong giáo xứ của cha ở bang trung tâm phía bắc của Niger vào Chủ nhật, ngày 15 tháng Một. Cha phụ tá của Cha Achi bị bọn cướp bắn bị thương.

Cũng trong ngày 15 tháng Một, 25 người đi lễ bị bắt cóc tại bang Katsina thuộc miền tây bắc. Tối trước đó, một linh mục quản xứ ở bang Ekiti phía tây nam đã bị bắt cóc.

Ông Stephen M. Rasche, học giả tại Trung tâm Kukah ở Abuja, Nigeria, một trung tâm hòa bình và công lý, do Đức Giám mục Matthew Hassan Kukah của Sokoto quản lý, cho biết: “Đó là sự tiếp nối của tình hình đã diễn ra trong nhiều năm.”

Ông Rasche, người có 35 năm kinh nghiệm trong các dự án viện trợ nhân đạo và kinh doanh quốc tế ở Trung Đông, Châu Phi, Châu Á và Châu Mỹ Latinh, nói rằng mặc dù việc giết hại và bắt cóc người Công giáo, đặc biệt là các linh mục và các nhà lãnh đạo tôn giáo khác, rất được chú ý, nhưng sự bách hại người Kitô hữu lan rộng hơn nhiều.

Ông Rasche cho biết trong một cuộc phỏng vấn: “Nhiều nạn nhân không được báo cáo – tất cả các nhóm Kitô giáo khác nhau đang sống ở các vùng nông thôn. Và những người bị tấn công này cũng giống như những người Tin lành, cho dù họ là người Tin Lành theo phái Phúc Âm hay Luther hay Giáo hội Anh em. Nó xảy ra với tất cả họ.”

The World Index of Christian Persecution cho biết Nigeria là quốc gia dẫn đầu về bạo lực chống lại người Kitô giáo. Ước tính 89% người Kitô hữu bị sát hại trên khắp thế giới là ở Nigeria. Hơn 7.600 người Kitô giáo Nigeria đã bị sát hại trong khoảng thời gian từ tháng 1 năm 2021 đến tháng 6 năm 2022.

Những người Hồi giáo bình thường không thấm nhuần những tư tưởng cực đoan hơn cũng phải chịu gánh nặng của bạo lực.

Theo CIA World Factbook, Nigeria có 53,5% theo đạo Hồi, 10,6% là người Công giáo Roma và 35,3% là người Kitô hữu theo các giáo phái khác. Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cảnh báo du khách nên cân nhắc lại việc đến thăm đất nước này vì mức độ tội phạm thường xuyên, tình trạng bất ổn dân sự, bắt cóc và khủng bố. Một số khu vực kém an toàn hơn những khu vực khác.

Theo the Economist, gần 40% người Nigeria sống với mức dưới 1,9 Mỹ kim một ngày vào năm 2019 — và đó là thời điểm trước khi Covid-19 tấn công.

Tài liệu: Tại sao có quá nhiều sự bách hại Kitô giáo ở Nigeria?


Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cảnh báo rằng tình hình an ninh ở các bang Borno, Yobe, Kogi và Bắc Adamawa là “thay đổi liên tục và không thể lường trước do hoạt động khủng bố lan rộng, bạo lực giữa các cộng đồng và nạm bắt cóc. Các hoạt động an ninh để chống lại các mối đe dọa này có thể diễn ra mà không có cảnh báo. Các nhóm khủng bố có trụ sở tại miền Đông Bắc thường xuyên nhắm mục tiêu vào các trại nhân đạo, các lực lượng an ninh, nhà thờ, trường học, đền thờ Hồi giáo, cơ quan chính phủ, cơ sở giáo dục, địa điểm giải trí và khách du lịch đường bộ. Khoảng 2 triệu người Nigeria đã phải di tản do hậu quả của bạo lực ở vùng Đông Bắc Nigeria.”

Bộ Ngoại giao cho biết thêm: “Tội phạm bạo lực – chẳng hạn như cướp có vũ trang, tấn công, cướp xe, bắt cóc, bắt con tin, nạn cướp giật và hãm hiếp – phổ biến trên khắp đất nước. Các vụ bắt cóc đòi tiền chuộc xảy ra thường xuyên”.

Ngoài tội phạm, chủ nghĩa chính thống Hồi giáo là một phần lớn của vấn đề, được hỗ trợ bởi văn hóa không bị trừng phạt và chính phủ không mặn mà theo đuổi công lý, theo ông Rasche và những người mà Aleteia đã trao đổi.

Ông Rasche nói: “Giải pháp cho các vấn đề qua nhiều thế hệ. Nhưng “điểm khởi đầu quan trọng nhất sẽ là các cuộc bầu cử tổng thống công bằng và trung thực, người sẽ đưa đất nước trở lại trật tự. Tôi nghĩ đây là điều mà mọi người đang tìm kiếm lúc này, để xem liệu họ có thể chọn một ứng cử viên sẽ mang lại cho đất nước cảm giác an toàn và an ninh hay không.”

Các cuộc bầu cử tổng thống sẽ được tổ chức ở Nigeria vào ngày 25 tháng Hai. Ông Muhammadu Buhari, người đã giữ chức tổng thống từ năm 2015, là người bị giới hạn nhiệm kỳ. Cuộc bỏ phiếu là cơ hội để Nigeria thay đổi hướng giải quyết các vấn đề bạo lực và các vấn đề khác.


Luật Sharia

Ông Rasche nói: “Tình hình hiện tại trong vài năm qua là kết quả của văn hóa không bị trừng phạt đã phát triển trong chính quyền hiện nay của Tổng thống Buhari. Tôi nghĩ rằng tất cả Giáo hội Công giáo ở Nigeria sẽ cho anh câu trả lời tương tự. Chính quyền này thực sự đã đi chệch hướng trong việc bảo vệ chính người dân của mình, và một trong những nạn nhân chính là Giáo hội Công giáo và các linh mục của Giáo hội.”

Cha Gideon Obasogie, cựu giám đốc truyền thông của Giáo phận Maiduguri, thuộc miền bắc của đất nước, nói rằng bạo lực ngày nay bắt nguồn từ chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan đã len lỏi vào Nigeria.

Cha Obasogie nói: “Những gì chúng ta thấy ngày nay là kết quả của quá trình truyền bá lâu dài. Thậm chí ngày nay, chúng tôi có những nhà lãnh đạo Hồi giáo cực đoan dạy người dân của họ không khoan dung với các tôn giáo khác. Vì vậy, một thanh niên sống trong một gia đình Hồi giáo coi người khác như anh chị em. Đến lúc anh ta lớn lên trong một nền văn hóa nơi anh ta được dạy rằng người đi nhà thờ là kẻ thù; bạn cần phải giết hắn ta. Khi người thanh niên lớn lên với tâm lý đó thì anh mong chờ điều gì?”

Cha nói rằng các nhà lãnh đạo thế giới cần phải gây áp lực với chính phủ Nigeria để thực hiện các bước nhằm kiềm chế bạo lực. Cha nói: “Chúng tôi cũng có thể kêu gọi các biện pháp trừng phạt. Không chỉ có ông Putin mới bị trừng phạt.”

Cha Joe Bature Fidelis, giám đốc Ủy ban Công lý, Phát triển và Hòa bình ở Maiduguri, giải thích rằng trong khi một số khu vực của Nigeria chứng kiến sự gia tăng của các nhóm Hồi giáo cực đoan như Boko Haram, Islamic State-West Africa Province, và những người chăn gia súc cực đoan của sắc tộc Fulani, các bang khác đã áp dụng luật Sharia, gây áp lực cho các công dân Kitô giáo.

Cha nói: “Chẳng hạn, nếu họ nói rằng tất cả những nơi bán rượu phải bị đóng cửa, … không được giảng dạy về giáo dục tôn giáo, quy định về trang phục phải được sửa đổi theo luật Sharia, thì bất kỳ ai không tuân thủ điều đó đều bị đối xử tệ. Có lẽ họ sẽ không bắt một người Kitô hữu để đưa anh ta ra tòa án Sharia và xét xử theo luật đó, bởi vì sẽ có một số cuộc nổi dậy, nhưng họ sẽ nhắm mục tiêu vào một người như vậy và sau đó đánh đập người đó bằng bạo lực. Và một khi người đó bị đánh thì chẳng có gì xảy ra. Thủ phạm cũng không bị đưa ra trước công lý. Luật pháp nhà nước ngoảnh mặt làm ngơ.”


Chiến tranh tâm lý

Trong khi đó, Cha Bature nói các nhóm cực đoan như Boko Haram tiếp tục nhắm mục tiêu chủ yếu vào các khu vực của người Kitô hữu và hoạt động để buộc người Kitô hữu phải rời bỏ làng của họ. Cha nói: “Anh nhìn thấy cách tiếp cận có hệ thống đó nhằm làm bần cùng hóa, buộc phải bỏ đi, và tước đoạt đất đai, nhà cửa của các cộng đồng Kitô giáo.” Các nhóm võ trang hùng hậu “cầm súng xông vào, nổ súng lác đác, đốt phá nhà cửa, và người dân thấy khó mà trở về. Một chiến lược khác là bắt cóc các giáo sĩ Kitô giáo. Chúng yêu cầu những khoản tiền chuộc rất lớn. Đôi khi các gia đình hoảng loạn và họ muốn trả những khoản tiền chuộc đó. Đó là cuộc chiến tâm lý, để làm mất tinh thần nhiều người Kitô hữu.”

Cha cho biết Giáo hội dần dần rút lui hoạt động mục vụ ở các vùng nông thôn, nơi xảy ra bạo lực như vậy. Chẳng hạn, các linh mục chỉ đến đó để cử hành Thánh Lễ Chúa Nhật.

Cha Bature nói: “Như thế chẳng phải họ đã thành công trong việc giảm quy mô các hoạt động của Kitô giáo sao? Chẳng phải họ đã thành công trong việc làm mất tinh thần cộng đồng Kitô hữu sao?”

“Và tất cả những gì chúng tôi nghe được từ các quan chức chính phủ là ‘Chúng tôi lên án những hành vi như vậy.’ Nhưng ai là những người đứng sau các hành vi đó? Động cơ là gì? Có phải chỉ để kiếm tiền? Họ thu hút sự chú ý của giới truyền thông trong hai hoặc ba ngày hoặc trong một tuần, rồi họ bỏ đi. Còn chính quyền tại chỗ thì thoải mái, vì không ai yêu cầu họ chịu trách nhiệm. Đây là một vấn đề."


Tôn giáo hay đơn giản là tội phạm?

Tuy nhiên, vai trò của tôn giáo trong bạo lực được trộn lẫn với những động cơ khác.

Cha Rasche nói: “Không ai phủ nhận rằng phần lớn thủ phạm là người Hồi giáo và họ đặt một lớp vỏ bọc của người theo trào lưu chính thống Hồi giáo trên những hành vi này.” Nhưng thật hợp lý khi đặt câu hỏi liệu những người này có phải là “các tên tội phạm đang tìm kiếm một vỏ bọc nào đó cho những gì họ đang làm, điều này chắc chắn là đúng ở một số nơi, hay liệu họ có động cơ chính là niềm tin của họ. Điều này thực ra không rõ ràng, và cũng như phần lớn Nigeria, sự thật có lẽ nằm đâu đó ở giữa.”

Tuy nhiên, các linh mục được phỏng vấn cho bài báo này vẫn tiếp tục hy vọng.

Đức Giám mục Kukah nói thêm rằng Boko Haram tuyển mộ từ cái mà ngài gọi là “đội quân đông đảo của những đứa trẻ mù chữ” trải khắp miền Bắc Nigeria – những đứa trẻ đường phố được gọi là Almajiri. Chúng được phép “gây bạo loạn và phát triển mạnh trong việc phá hủy các cơ sở của nhà thờ trên thực tế là chúng được dạy rằng người Kitô hữu và tôn giáo của họ là hạ đẳng. Một văn hóa không bị trừng phạt đã xuất hiện và tạo điều kiện cho những điều này.”

Cha Obasogie nói: “Là những Kitô hữu, chúng tôi là những người hy vọng. Điều gì cho chúng tôi hy vọng? Tôi dám chắc rằng nếu anh đến nhà thờ nơi Cha Achi đã bị giết hôm Chúa nhật, anh sẽ thấy có nhiều người ở đó hơn Chúa nhật trước. Điều đó cho chúng tôi hy vọng, với tư cách là các linh mục.”

Cha Obasogie nói đúng. Một con số khổng lồ 94% người Công giáo trưởng thành ở Nigeria cho biết họ tham dự Thánh Lễ ít nhất là hàng tuần, tỷ lệ cao nhất ở bất kỳ nơi nào trên thế giới.

Rõ ràng, điều đó trái ngược với đánh giá của Cha Bature. Nhưng Cha Obasogie nói rằng khi các nhà thờ bị phá hủy, một số cộng đoàn xây dựng những nhà thờ lớn hơn.

Cha Obasogie nói: “Trong giáo phận của tôi [Maiduguri], họ đã đánh bom hơn 500 nhà thờ. Đức Giám mục có chính sách là khi họ đốt một nhà thờ, chúng tôi sẽ xây lại – chỉ có điều là sẽ không dựng xà rui nhà bằng gỗ mà bằng thép. Đối với tôi, đó là dấu hiệu của niềm tin, và đó là điều giúp chúng tôi tiến lên. Và tôi dám chắc với anh rằng nó đã trở thành một cách làm chứng cho cả những người Hồi giáo. Họ nhìn thấy điều này và suy nghĩ: ‘Trước đây họ có một nhà thờ, nhưng bây giờ họ có một nhà thờ lớn hơn. Họ đã từng có một linh mục. Bây giờ họ có hai.’”

Cha Obasogie nói, “Chúng tôi không thể bị thu hẹp lại. Chúng tôi không thể im lặng, bởi vì nguồn cội sứ mệnh của chúng ta là của Chúa, và bạn không thể giết chết sứ mệnh của Chúa.”


[Nguồn: aleteia]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 27/1/2023]