Thứ Tư, 10 tháng 1, 2018

Diễn từ của Đức Thánh Cha với Liên đoàn Giáo viên Tiểu học Công giáo của Ý (AIMC)

Diễn từ của Đức Thánh Cha với Liên đoàn Giáo viên Tiểu học Công giáo của Ý (AIMC)

‘Hãy huấn luyện cho lớp trẻ biết bao dung và quan tâm đến thực tại xung quanh chúng, có khả năng biết chăm sóc và lòng nhân hậu – tôi nghĩ đến những em hay bắt nạt ở trường – thoát khỏi những thiên kiến đang ngày càng lan rộng’

5 tháng Một, 2018
Diễn từ của Đức Thánh Cha với Liên đoàn Giáo viên Tiểu học Công giáo của Ý (AIMC)
© Vatican Media
Dưới đây là bản dịch (tiếng Anh) của Vatican cung cấp diễn từ của Đức Thánh Cha Phanxico trước Liên đoàn Giáo viên Tiểu học Công giáo của Ý (AIMC), buổi bế mạc Đại hội Quốc gia lần thứ 21 của AIMC về chủ đề: “Ký ức và tương lai. Những vùng ngoại biên và biên giới của kiến thức chuyên môn” (Roma, 3 – 5 tháng Một 2018).


***


Diễn từ của Đức Thánh Cha với Liên đoàn Giáo viên Tiểu học Công giáo của Ý

Anh chị em thân mến,

Xin chào tất cả anh chị em, đại diện Liên đoàn Giáo viên Tiểu học Công giáo của Ý, nhân dịp Đại hội Quốc gia, và tôi xin cảm ơn ông Chủ tịch có những lời chúc tốt đẹp.

Tôi muốn đưa ra ba điểm để suy tư và gắn kết: văn hóa gặp gỡ, sự kết hợp giữa nhà trường và gia đình, và giáo dục sinh thái học. Và cả sự thúc đẩy tính liên đới.

Trước hết, tôi cảm ơn anh chị em vì sự đóng góp cho những cam kết của Giáo hội trong việc thúc đẩy văn hóa gặp gỡ. Và tôi khuyến khích thầy cô hãy làm việc này, nếu có thể, ở tầm mức mở rộng đến mọi người hơn và sâu sắc hơn. Quả thật, những nền tảng quyết định cho thách đố văn hóa này đặt nặng vào những năm của giáo dục tiểu học cho trẻ em. Những thầy cô người Ki-tô giáo, bất kể họ làm việc trong các trường Công giáo hay trường nhà nước, đều được kêu gọi phải khuấy động lên nơi các em học sinh lòng bao dung với người khác như là một khuôn mặt, như là một con người, như là một người anh em và chị em để hiểu biết và tôn trọng, với lịch sử, phẩm chất và thiếu sót, sự giàu có và những giới hạn của riêng người đó. Thách đố cho chúng ta là cùng chung sức để huấn luyện cho lớp trẻ biết bao dung và quan tâm đến thực tại xung quanh chúng, có khả năng biết chăm sóc và lòng nhân hậu – tôi nghĩ đến những em hay bắt nạt ở trường – thoát khỏi những thiên kiến đang ngày càng lan rộng, tính thiên kiến này làm cho con người trở nên đua tranh, hung hăng, và khó khăn đối với người khác, đặc biệt đối với những người khác biệt, người ngoại quốc hay theo một cách nào đó bị xem như là một chướng ngại cho sự khẳng định của một cá nhân. Đáng tiếc, đây là “không khí” mà con em của chúng ta đang hít thở, và liệu pháp để chữa trị là bảo đảm rằng các em phải được hít thở một bầu khí khác, trong lành hơn, nhân văn hơn. Và để đạt mục tiêu này, sự liên kết với cha mẹ là rất quan trọng.

Diễn từ của Đức Thánh Cha với Liên đoàn Giáo viên Tiểu học Công giáo của Ý

Và đến đây lại dẫn sang ý thứ hai, đó là sự liên kết giáo dục giữa trường học và gia đình. Tất cả chúng ta đều biết rằng sự liên kết này từ lâu đã đi vào khủng hoảng, và trong một số trường hợp đã hoàn toàn bị cắt đứt. Ngày xưa, có một sự kết hợp rất hài hòa giữa sự khuyến khích của thầy cô và của cha mẹ. Tình hình hôm nay đã thay đổi, nhưng chúng ta không được hoài niệm về quá khứ. Chúng ta phải chú ý đến những thay đổi đã làm ảnh hưởng đến cả gia đình và nhà trường, và đặt lại cam kết cho sự hợp tác xây dựng – hoặc hơn thế, tái xây dựng sự liên kết và khế ước giáo dục – vì ích lợi của trẻ em và lớp trẻ. Và bởi vì tính hiệp trợ này không còn diễn ra theo cách “tự nhiên” nữa, cho nên nó phải được thúc đẩy theo kế hoạch, cùng với sự hợp tác của các chuyên gia trong lĩnh vực sư phạm. Nhưng trước hết chúng ta phải thúc đẩy một “sự ăn ý” mới – tôi cân nhắc rất kỹ về cụm từ tôi sử dụng, một sự ăn ý mới – giữa thầy cô và cha mẹ. Trước hết, để tránh ý nghĩ xem mỗi bên như là người đối đầu, tố cáo nhau, nhưng ngược lại hãy đặt vị trí mình vào vị trí người kia, thấu hiểu những sự khó khăn khách quan mà mỗi bên vấp phải trong giáo dục ngày nay, và từ đó tạo ra sự đoàn kết tốt hơn: sự ăn ý trong tình đoàn kết.

Diễn từ của Đức Thánh Cha với Liên đoàn Giáo viên Tiểu học Công giáo của Ý

Khía cạnh thứ ba mà tôi muốn nhấn mạnh là giáo dục sinh thái học (xem Tông huấn Laudato si’ (Chúc tụng Chúa, 209-215). Dĩ nhiên nó không chỉ là việc cung cấp một số khái niệm, đương nhiên đó là điều phải làm. Nó là việc giáo dục một cách sống đặt nền tảng trên thái độ biết chăm sóc cho ngôi nhà chung của chúng ta, đó là tạo vật. Một lối sống không mang tính tâm thần phân liệt, chẳng hạn như chăm sóc cho những loài động vật tuyệt chủng nhưng lại lờ đi những vấn đề của người già; hoặc bảo vệ rừng Amazon nhưng lại chối bỏ quyền của người công nhân xứng đáng với đồng lương công bằng, và nhiều vấn đề khác. Đây là chứng tâm thần phân liệt. Môn sinh thái học mà chúng ta dạy phải mang tính toàn diện. Và trên hết, giáo dục phải đặt trọng tâm vào dạy ý thức trách nhiệm: không phải là truyền đi những câu khẩu hiệu để người khác thực hành, nhưng là khơi gợi niềm vui thích khi thực hành đạo đức môi sinh, bắt đầu từ những lựa chọn và hành vi trong cuộc sống hàng ngày. Một phong cách sống đặt trên quan điểm Ki-tô giáo tìm được ý nghĩa và sự thúc đẩy đến với mối quan hệ với Thiên Chúa là đấng tạo dựng và cứu độ, với Đức Giê-su Ki-tô, trung tâm của vũ trụ và của lịch sử, và với Thánh Thần, nguồn mạch sự hòa hợp trong bản giao hưởng của tạo vật.

Diễn từ của Đức Thánh Cha với Liên đoàn Giáo viên Tiểu học Công giáo của Ý

Cuối cùng, anh chị em thân mến, tôi muốn nói thêm một từ nữa về giá trị một liên hiệp và xây dựng một liên hiệp. Nó là một giá trị ngẫu nhiên, nhưng luôn phải gieo trồng nó, và những thời gian họp mặt như Đại hội này là để thực hiện việc nó. Tôi thúc giục anh chị em hãy lặp lại ý chí của mình là một liên hiệp và xây dựng một liên hiệp, qua việc ôn lại những nguyên tắc truyền cảm hứng trong việc biết đọc những dấu chỉ thời đại và bằng một cái nhìn mở rộng hướng về chân trời xã hội và văn hóa. Đừng e sợ những sự khác biệt và kể cả những xung khắc thường có trong những hiệp hội giáo dân; chúng thường hiện hữu, nó là điều bình thường. Đừng che giấu chúng, nhưng hãy đối mặt chúng bằng một thái độ phúc âm hóa, để tìm ra sự tốt lành thật sự của hiệp hội, được đánh giá trên căn bản của những nguyên tắc hợp luật. Một liên hiệp là một giá trị và một trách nhiệm, và nó được trao phó cho anh chị em ngay hôm nay. Với sự trợ giúp của Thiên Chúa và các mục tử của Giáo hội, anh chị em được kêu gọi hãy làm cho những tài năng được trao vào đôi tay anh chị em được trổ sinh hoa trái.

Cảm ơn anh chị em. Tôi cảm ơn vì buổi gặp gỡ này và tôi ban phép lành cho anh chị em, toàn thể liên hiệp và công cuộc của anh chị em. Và xin anh chị em hãy cầu nguyện cho tôi.

[Phép lành] [Văn bản chính: tiếng Ý] [Bản dịch của Vatican cung cấp]


[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 6/1/2018]



Đức Thánh Cha Phanxico rửa tội 34 bé trong Nhà nguyện Sistine

Đức Thánh Cha Phanxico rửa tội 34 bé trong Nhà nguyện Sistine

Con của các nhân viên Vatican
7 tháng Một, 2018
Đức Thánh Cha Phanxico rửa tội 34 bé trong Nhà nguyện Sistine
© L'Osservatore Romano
Đức Thánh Cha Phanxico rửa tội 34 em bé con của các nhân viên Vatican – 16 bé trai và 18 bé gái – trong Thánh Lễ trong Nhà nguyện Sistine ngày 7 tháng Một, 2018.

Theo Truyền thông Vatican, Đức Thánh Cha giảng “ứng khẩu,” không sử dụng văn bản chuẩn bị sẵn. Ngài thúc giục cha mẹ phải là những nhà giáo dục đầu tiên về đức tin cho con cái của họ.

Ngài dí dỏm nói rằng trẻ sơ sinh phải bắt đầu bản giao hưởng bằng tiếng khóc. Và ngài nói rằng cha mẹ hãy cho các bé ăn nếu chúng đói.


Dưới đây là bản dịch (tiếng Anh) bài chia sẻ của ngài do Truyền thông Vatican cung cấp:

Các con đem con cái của mình đến để lãnh nhận Bí tích Rửa tội. Đây là bước đầu tiên trong bổn phận mà các con phải thực hiện trọn vẹn: bổn phận truyền lại Đức tin. Nhưng chúng ta cần phải có Thần Khí để truyền Đức tin, chúng ta không thể tự mình làm việc đó. Truyền lại Đức tin là một ân sủng đến từ Thần Khí và đây là lý do tại sao các con mang con cái của mình đến đây để lãnh nhận Thần Khí, để lãnh nhận Chúa Ba Ngôi – Chúa Cha, Chúa Con, và Chúa Thánh Thần – Đấng sẽ ngự trong tâm hồn của các bé.

Cha chỉ có một điều muốn nói với chúng con, một điều phải tùy thuộc vào các con: việc truyền lại Đức tin chỉ có thể thực hiện trong “cách nói,” trong “ngôn ngữ” của gia đình, “cách nói” hay “ngôn ngữ” được sử dụng bởi người cha và người mẹ, bởi ông bà. Sau đó mới đến các anh chị giáo lý viên và họ sẽ phát triển việc truyền Đức tin bằng những ý tưởng và sự giải thích.

Nhưng đừng quên điều này: nếu thiếu những “cách nói,” nếu ở nhà các con không nói ngôn ngữ của sự yêu thương giữa cha mẹ, thì việc truyền Đức tin không hề dễ dàng, không thể thực hiện được. Đừng quên. Bổn phận của các con là truyền lại Đức tin nhưng phải thực hiện việc đó bằng ngôn ngữ của sự yêu thương trong gia đình, ngôn ngữ của Gia đình.

Các bé cũng vậy, chúng có cách nói riêng của chúng, và nó làm chúng ta rất hạnh phúc! Bây giờ thì tất cả các bé đang im ắng nhưng chỉ cần một bé cất tiếng là cả dàn giao hưởng sẽ trỗi lên! Ngôn ngữ của trẻ em đấy! Và Chúa Giê-su yêu cầu chúng ta phải nên như các bé, hãy nói như các bé. Chúng ta không được quên ngôn ngữ này của trẻ em, giao tiếp giống như các bé. Nó cũng là ngôn ngữ mà Chúa Giê-su thích nghe trong lời cầu nguyện, chỉ cần đơn sơ như các bé: hãy kể cho Chúa Giê-su những gì trong tâm hồn các con như các bé làm. Hôm nay các bé nói bằng tiếng khóc, nhưng, hãy cứ nên như trẻ nhỏ. Ngôn ngữ của cha mẹ phải là tình yêu để qua đó truyền lại Đức tin, và trẻ em sẽ đón nhận Đức tin đó từ cha mẹ của chúng và phát triển trong Đức tin.

Bây giờ chúng ta tiếp tục nghi thức và nếu các bé bắt đầu bản giao hưởng (bằng tiếng khóc), vì chúng không thấy thoải mái hay vì chúng quá nóng hoặc vì đói. Nếu các bé đói, cứ cho chúng ăn. Đừng ngại. Cứ cho các bé ăn. Đó cũng là ngôn ngữ của tình yêu.

© Libreria Editrice Vatican


[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 8/1/2018]