Thứ Hai, 11 tháng 10, 2021

Kinh Truyền tin của Đức Thánh Cha Phanxicô ngày 10 tháng 10, 2021

Kinh Truyền tin của Đức Thánh Cha Phanxicô ngày 10 tháng 10, 2021

Kinh Truyền tin của Đức Thánh Cha Phanxicô

Quảng trường Thánh Phêrô

Chúa nhật, 10 tháng Mười, 2021


Giữa trưa hôm nay, Đức Thánh Cha Phanxicô xuất hiện tại cửa sổ phòng làm việc của ngài trong Điện Tông tòa Vatican để đọc Kinh Truyền tin với các tín hữu và khách hành hương tập trung trong Quảng trường Thánh Phêrô.

Sau đây là huấn từ của Đức Giáo hoàng trước giờ đọc Kinh:

_____________________

Anh chị em thân mến, buongiorno!

Phụng vụ hôm nay cho chúng ta thấy cuộc gặp gỡ giữa Chúa Giêsu và một người đàn ông “có nhiều của cải” (Mc 10,22), người đã đi vào lịch sử là “người thanh niên giàu có” (xem Mt 19, 20-22). Chúng ta không biết tên của anh ta. Thật ra, Tin Mừng Máccô nói về ông ta là “một người đàn ông”, mà không đề cập đến tuổi hay tên, cho thấy rằng tất cả chúng ta có thể nhìn thấy bản thân mình trong người đàn ông đó, như thể nhìn trong một chiếc gương soi. Quả thật, cuộc gặp gỡ của ông ta với Chúa Giêsu cho phép chúng ta kiểm tra đức tin của mình. Sau khi đọc đoạn Phúc âm này, tôi tự kiểm tra đức tin của tôi.

Người đàn ông bắt đầu bằng câu hỏi: “Tôi phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp?” (câu 17). Chú ý những động từ anh ta sử dụng: “phải làm” – “làm gia nghiệp”. Đây là lòng đạo đức của ông ta: một bổn phận, thực hành để đạt được; Tôi làm điều gì đó để đạt được thứ mình cần”. Nhưng đây là một mối tương quan mang tính thương mại với Chúa, một mối tương quan đổi chác có qua có lại. Mặt khác, đức tin không phải là một nghi thức máy móc, lạnh lùng, một thứ “phải-làm-để-đạt-được”. Nó là câu hỏi về tự do và tình yêu. Đức tin là một câu hỏi về tự do, nó là một câu hỏi về tình yêu. Đây là bài kiểm tra đầu tiên: đối với tôi đức tin là gì? Nếu nó chỉ là một nghĩa vụ hoặc một con bài mặc cả, thì chúng ta đang đi lệch hướng, bởi vì ơn cứu độ là một món quà chứ không phải là một nghĩa vụ, nó mang tính nhưng không và không thể mua được. Điều đầu tiên cần làm là giải phóng chúng ta khỏi một đức tin mang tính thương mại và máy móc, nó ám chỉ đến hình ảnh sai lầm về một Thiên Chúa tính toán thiệt hơn và áp đặt, không phải là một người cha. Và rất thường xuyên trong cuộc sống, chúng ta trải nghiệm mối tương quan “thương mại” của đức tin: Tôi làm điều này để Chúa sẽ ban cho tôi điều đó.

Trong bước thứ hai, Chúa Giêsu giúp người đàn ông này bằng cách cho ông ta thấy dung nhan thật của Thiên Chúa. Thật vậy, văn bản Phúc âm kể: “Đức Giêsu đưa mắt nhìn anh ta và đem lòng yêu mến” (câu 21): đây là Thiên Chúa! Đây là nơi đức tin được sinh ra và tái sinh: không phải từ nghĩa vụ, không phải từ việc phải làm hoặc được trả, mà là từ cái nhìn yêu thương được đón nhận. Bằng cách này, đời sống người Kitô hữu trở nên rất đẹp, nó không dựa trên những khả năng và kế hoạch của chúng ta; nhưng dựa trên cái nhìn của Chúa. Niềm tin của bạn, niềm tin của tôi có mệt mỏi không? Bạn có muốn phục hồi nó không? Hãy tìm kiếm cái nhìn của Chúa: hãy quỳ tôn thờ, cho phép bản thân được tha thứ trong Bí tích Hòa giải, đứng trước Đấng bị đóng đinh. Tóm lại, hãy cho phép bản thân được Người yêu thương. Đây là điểm khởi đầu của đức tin: cho phép bản thân được Người yêu thương, được Chúa Cha yêu thương.

Sau câu hỏi và cái nhìn – bước thứ ba và là cuối cùng – là một lời mời gọi từ Chúa Giêsu, Người nói: “Anh chỉ thiếu một điều”. Người đàn ông giàu có đó thiếu thứ gì? Sự cho đi, sự cho không. “Hãy đi bán những gì anh có mà cho người nghèo” (câu 21). Có lẽ đó cũng là những gì chúng ta đang thiếu. Thông thường, chúng ta chỉ làm ở mức tối thiểu, trong khi Chúa Giêsu mời gọi chúng ta làm ở mức tối đa. Biết bao nhiêu lần chúng ta hài lòng với việc bổn phận của mình – tuân giữ những giới luật, một vài lời kinh, và nhiều điều tương tự – trong khi Thiên Chúa, Đấng ban cho chúng ta sự sống, lại yêu cầu chúng ta có động lực của sự sống! Trong Tin Mừng hôm nay, chúng ta thấy rõ ràng con đường đi từ bổn phận đến sự cho đi; Chúa Giêsu bắt đầu bằng cách nhắc lại các Điều Răn: “Chớ giết người, chớ ngoại tình, chớ trộm cắp….”, vân vân (câu 19) và đi đến một đề nghị tích cực: “Hãy đi, bán, cho đi, hãy theo Ta!” (xem câu 21). Không thể giới hạn đức tin ở việc “chớ”, bởi vì đời sống người Kitô là tiếng “xin vâng”, “xin vâng” của tình yêu.

Anh chị em thân mến, một đức tin mà không cho đi, một đức tin không có tính nhưng không là một đức tin không trọn vẹn. Chúng ta có thể so sánh nó với loại thực phẩm giàu dinh dưỡng nhưng lại thiếu hương vị, hoặc như một trận thi đấu thể thao chơi rất tốt, nhưng không có mục tiêu: không, nó không ngon vì nó thiếu “muối”. Một đức tin không biết cho đi, không có tính nhưng không, không làm việc bác ái, cuối cùng khiến chúng ta trở nên buồn bã: giống như người đàn ông đó “sa sầm nét mặt” và trở về nhà “buồn bã”, mặc dù ông ta đã được Chúa Giêsu nhìn đến với lòng yêu mến. Hôm nay chúng ta hãy tự hỏi mình: “Đức tin của tôi ở mức độ nào? Tôi có trải nghiệm nó cách máy móc, giống như một mối tương quan mang tính nghĩa vụ hoặc lợi lộc với Thiên Chúa không? Tôi có nhớ nuôi dưỡng nó bằng cách cho phép bản thân được Chúa Giêsu nhìn đến và yêu thương không? ” Cho phép bản thân được Chúa Giêsu nhìn đến và yêu thương; để Chúa Giêsu nhìn đến chúng ta, yêu thương chúng ta. “Và khi được Người cuốn hút, tôi có đáp lại một cách tự do, với lòng quảng đại, bằng cả trái tim mình không?”

Xin Mẹ Maria Đồng trinh, Đấng đã nói lời “xin vâng” trọn vẹn với Chúa, một tiếng “xin vâng” không có chữ “nhưng” – thật không dễ để nói lời “xin vâng” mà không có từ “nhưng” – chúng ta hãy tận hưởng vẻ đẹp của việc biến cuộc sống thành một món quà.

____________________________

Sau Kinh Truyền tin

Anh chị em thân mến,

Hôm nay, một lần nữa, cha có được niềm vui khi loan báo việc tuyên phong các vị tân Chân phước. Hôm qua, chị María Lorenza Longo, một người vợ và người mẹ của thế kỷ XVI, đã được phong chân phước ở Naples. Là một góa phụ, chị đã thành lập một Nhà thương cho người mắc bệnh hiểm nghèo và Dòng Thánh Clara hèn mọn. Một phụ nữ có đức tin mạnh mẽ và đời sống cầu nguyện mãnh liệt, chị đã làm tất cả những gì có thể vì nhu cầu của người nghèo và người đau khổ. Cũng trong ngày hôm nay, tại Tropea, Calabria, Cha Francesco Mottola, người sáng lập Dòng Thánh Tâm, qua đời năm 1969, đã được phong chân phước. Là một mục tử nhiệt thành và là người loan báo Tin Mừng không mệt mỏi, ngài là một chứng nhân gương mẫu của thiên chức linh mục sống bác ái và chiêm niệm. Chúng ta cùng vỗ tay hoan hô những vị tân Chân Phước!

Hôm nay, nhân Ngày Sức khỏe Tâm thần Thế giới, tôi tưởng nhớ đến những anh chị em của chúng ta bị ảnh hưởng bởi chứng rối loạn tâm thần và cả những nạn nhân của nạn tự tử, thường là những người trẻ tuổi. Chúng ta hãy cầu nguyện cho họ và cho gia đình của họ, để họ không bị bỏ lại một mình hoặc bị phân biệt đối xử, nhưng được chào đón và hỗ trợ.

Cha chào tất cả anh chị em, người Roma và anh chị em hành hương đến từ các quốc gia khác: các gia đình, các nhóm, các hội đoàn và cá nhân tín hữu. Đặc biệt, cha chào các tín hữu đến từ Bussolengo và Novoli; và các ứng sinh thêm sức của giáo xứ của Phục sinh ở Roma và nhóm Collerativa del Sole của Corbetta. Cha cũng nhìn thấy có những người đến từ Montella, và cha gửi lời chào anh chị em ... Với hình ảnh của Nữ tu Bernadette. Chúng ta hãy cầu nguyện cho việc phong thánh của chị được nhanh chóng.

Cha chúc tất cả anh chị em Chúa nhật phúc lành. Và xin đừng quên cầu nguyện cho cha. Chúc anh chị em bữa trưa ngon miệng và arrivederci!



[Nguồn: vatican.va]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 11/10/2021]


Chuyên gia Hồi giáo phái Shia nói rằng cuộc gặp gỡ giữa các nhà lãnh đạo Hồi giáo một phần nhờ Đức Phanxicô

Chuyên gia Hồi giáo phái Shia nói rằng cuộc gặp gỡ giữa các nhà lãnh đạo Hồi giáo một phần nhờ Đức Phanxicô

Chuyên gia Hồi giáo phái Shia nói rằng cuộc gặp gỡ giữa các nhà lãnh đạo Hồi giáo một phần nhờ Đức Phanxicô

Ayatollah Sistani's Media Office | AFP

I.Media for Aleteia

06/10/21


Giữa người Shiite và người Sunni, có một lịch sử chiến tranh và hòa bình.

Cuộc gặp gỡ giữa các nhà lãnh đạo cấp cao của hai nhánh lớn của Hồi giáo sẽ rất có ý nghĩa, và — theo một học giả về Hồi giáo Shiite — bất kỳ cuộc gặp nào như vậy có thể nói, ít nhất là một phần, là nguồn cảm hứng từ Đức Giáo hoàng Phanxicô.

Một năm sau khi Đức Thánh Cha Phanxicô ký thông điệp về tình huynh đệ nhân loại vào ngày 3 tháng Mười năm 2020, và vài tháng sau chuyến tông du của Đức Thánh Cha đến Iraq, I.MEDIA đã phỏng vấn một chuyên gia về Hồi giáo dòng Shiite để tìm hiểu sức ảnh hưởng của Đức Phanxicô đối với mối quan hệ giữa Giáo hội Công giáo và thế giới người Shiite.

Theo Cha Christopher Clohessy, một giảng viên tại Học viện Giáo hoàng các Môn học về Ả Rập và Hồi giáo học (PISAI), một thông điệp cần thời gian, nhưng Đức Giáo hoàng Phanxicô đã có thể mang đến cùng với chuyến đi tới Iraq và cuộc gặp gỡ của ngài với Đức al-Sistani lãnh đạo người Shiite vào tháng Ba năm 2021.


Tông huấn Fratelli tutti có tác động đến mối quan hệ giữa Giáo hội Công giáo và Hồi giáo Shiite không?

Cha Clohessy: Nói chung, một thông điệp là một tài liệu khá nặng cần phải được mổ xẻ cách cẩn thận và chính xác về mặt thần học. Những mối quan hệ giữa Giáo hội Công giáo và Hồi giáo Shia đã tiếp diễn trong nhiều năm và tôi không tin rằng tài liệu này bổ sung thêm nhiều điều. Nó chứa đựng những khái niệm phổ biến trong thế giới phi Hồi giáo; nhưng chúng có vẻ xa lạ trong bối cảnh Hồi giáo, nơi đôi khi có cách hiểu rất khác về quyền, nghĩa vụ, bản chất của tình anh em, và các vấn đề về giới tính.

Tôi biết rằng một nhóm người Shiite đã nghiên cứu kỹ tài liệu về tình huynh đệ con người rất cẩn thận — từ một quan điểm thần học cụ thể. Nhưng Tông huấn Fratelli tutti đối với tôi dường như là một văn bản không có những tác động đáng kể nào. Nói chung, về bản chất, các tông huấn phải mất nhiều năm để có sức ảnh hưởng.


Liệu cuộc gặp giữa Đức Giáo hoàng Phanxicô và Đức Ayatollah al-Sistani vào tháng Ba năm ngoái đã mang lại kết quả chưa?

Cha Clohessy: Tôi có thể nói kết quả của chuyến thăm Iraq của Đức Giáo hoàng cũng đúng như vậy, đặc biệt đối với sự phức tạp của các vấn đề kinh tế xã hội và tôn giáo đang bao trùm đất nước. Rõ ràng chuyến thăm của Đức Phanxicô đánh dấu một điểm nổi bật trong triều đại giáo hoàng của ngài; nó hoàn hảo về thời gian, lời nói và cử chỉ. Vượt lên trên tất cả những lời đã nói, hay những tuyên bố đã được đưa ra, chuyến thăm Iraq nói chung và tới các thành phố Najaf và Ur nói riêng là những cử chỉ mang tính biểu tượng cao về nhiều mặt.

Ngoài những lời an ủi và hy vọng của ngài dành cho nhóm thiểu số Kitô hữu của Iraq — một cộng đồng đã phải chịu đau khổ không thể kể xiết trong nhiều năm, cùng với toàn thể người dân Iraq — cuộc trò chuyện của ngài với Đức al-Sistani là một thách đố rõ ràng nhưng tinh tế đối chính quyền Iraq.

Các nhà hữu trách Iraq phải bắt đầu một cuộc đối thoại có thể không thoải mái, về việc liệu họ có sẵn sàng tuân thủ các nguyên tắc nêu trong Tài liệu về Tình Huynh đệ Nhân loại vì nền Hòa bình Thế giới và Chung sống hay không. Xét cho cùng, tài liệu đó là một tuyên bố chung của người Kitô giáo và Hồi giáo.

Vấn đề không chỉ là tuyên bố khoan dung, mà còn là thật sự chấp nhận người khác, sự chấp nhận mà chuyến đi của Đức Giáo hoàng thể hiện một cử chỉ quan trọng. Nhu cầu về tự do thờ phượng, quyền bình đẳng, và sự chia sẻ tài nguyên đã được nhấn mạnh, nhưng không quên nhu cầu của các nhóm thiểu số khác như người Kurd và người Yezidis.


Có thông tin về một cuộc gặp gỡ có thể có giữa Đức Ahmed al-Tayeb lãnh đạo Hồi giáo Sunni của Đại học al-Azhar và nhà lãnh đạo tối cao người Shiite al-Sistani. Điều này mang tính quan trọng như thế nào?

Cha Clohessy: Nếu Đức Ahmed al-Tayeb, người đã ký tuyên ngôn, gặp Đức al-Sistani, thì đó sẽ là một cuộc gặp gỡ có tầm quan trọng lớn. Tôi dám nói rằng một cuộc gặp gỡ như vậy — ít nhất là một phần — được truyền cảm hứng bởi Đức Phanxicô.

Người Shiite và người Sunni không phải là hai cộng đồng riêng biệt; trong mỗi cộng đồng lại bị phân chia theo ngôn ngữ, giai cấp, địa lý và sắc tộc. Trong mỗi cộng đồng đều có những bất đồng lớn về luật, thần học, chính trị và những chia rẽ giữa người thực hành, người không thực hành và thế tục. Đã có và luôn luôn có một cấu trúc bè phái bao trùm khắp nền chính trị Trung Đông.

Tuy nhiên, mặc dù đã có nhiều thời kỳ bạo lực giữa người Shiite và người Sunni — đôi khi nghiêm trọng đến mức một số cộng đồng người Shiite thiểu số nói về “tội ác diệt chủng người Shiite” — nhưng cũng đã có những khoảng thời gian dài hòa hợp. Các học giả đương đại mô tả những khoảng thời gian không chỉ mang tính hòa hợp mà còn có sự hợp tác tích cực, để chúng ta có một bức tranh về sự tương tác giữa phái Shiite và Sunni luân chuyển giữa thù địch và hợp tác, hòa hợp và va chạm.

Bất kỳ cuộc gặp nào giữa các nhà lãnh đạo cấp cao của hai gia đình Hồi giáo này, nếu thực sự và được truyền cảm hứng từ những mục đích tốt đẹp, sẽ có tác động lớn.


[Nguồn: aleteia]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 9/10/2021]