Thứ Năm, 30 tháng 5, 2019

Toàn văn huấn từ của Đức Thánh Cha Phanxico trong Buổi Tiếp Kiến Chung

Toàn văn huấn từ của Đức Thánh Cha Phanxico trong Buổi Tiếp Kiến Chung
© Vatican Media

Toàn văn huấn từ của Đức Thánh Cha Phanxico trong Buổi Tiếp Kiến Chung

‘Với họ, Người đã chứng tỏ cho các ông thấy Người đang sống … và Người truyền cho các ông … chờ đợi điều Chúa Cha đã hứa’

29 tháng Năm, 2019 15:29

Buổi Tiếp Kiến Chung sáng nay được tổ chức lúc 8:55 trong Quảng trường Thánh Phê-rô, tại đây Đức Thánh Cha Phanxico gặp gỡ những người hành hương và tín hữu từ nước Ý và khắp nơi trên thế giới.

Bắt đầu một loạt giáo lý mới theo sách Tông đồ Công vụ, trong huấn từ bằng tiếng Ý Đức Thánh Cha tập trung phân tích về chủ điểm: “Với họ, Người đã chứng tỏ cho các ông thấy Người đang sống … và Người truyền cho các ông … chờ đợi điều Chúa Cha đã hứa” (Trình thuật sách Thánh: trích Tông đồ Công vụ 1:3-4).

Sau phần tóm lược bài giáo lý bằng một số ngôn ngữ, Đức Thánh Cha gửi lời chào đặc biệt đến các nhóm tín hữu hiện diện.

Buổi Tiếp Kiến Chung kết thúc với bài hát Kinh Lạy Cha và Phép Lành Tòa Thánh.


* * *

Bài Giáo lý của Đức Thánh Cha

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Hôm nay chúng ta bắt đầu một hành trình giáo lý qua sách Tông đồ Công vụ. Quyển sách thánh này, được viết bởi Thánh sử Lu-ca, nói cho chúng ta biết về một hành trình — về một hành trình: nhưng là hành trình gì? Đó là hành trình của Tin mừng trong thế giới và chỉ cho chúng ta thấy sự hiệp nhất tuyệt vời giữa Lời Chúa và Thánh Thần, là sự khởi đầu cho thời gian rao giảng phúc âm. Các vai chính của Công vụ thật ra là một “cặp đôi” rất hoàn hảo và hiệu quả: Lời và Thần Khí.

Thiên Chúa “tống đạt lệnh truyền xuống đất” và “lời Người hỏa tốc chạy đi” — như lời Thánh vịnh nói (147:15). Lời Chúa chạy đi, Lời rất năng động, tưới mát mọi vùng đất Lời gieo xuống. Và sức mạnh của Lời là gì? Thánh Lu-ca kể cho chúng ta biết rằng lời con người trở nên hữu hiệu — không phải nhờ tài hùng biện là một nghệ thuật diễn thuyết thu phục –, nhưng nhờ Chúa Thánh Thần, Đấng là động lực của Thiên Chúa, là động lực của Thiên Chúa. Sức mạnh của Ngài, có quyền năng thanh tẩy lời, để làm cho nó mang đến sự sống. Chẳng hạn có những câu chuyện trong Kinh thánh, những lời nói của con người. Nhưng đâu là sự khác nhau giữa Kinh thánh và một quyển sách lịch sử? Sự khác nhau đó là lời của Kinh thánh được lấy từ Thánh Thần là Đấng trao ban một sức mạnh rất lớn, một sức mạnh khác biệt, và là Đấng trợ giúp chúng ta để lời đó là hạt giống của sự thánh thiện, hạt giống của sự sống, rất hữu hiệu. Khi Thần Khí gặp gỡ lời của con người nó liền trở nên sinh động, giống như “thuốc nổ,” tức là lời có thể làm tâm hồn bừng sáng và phá vỡ những mưu đồ, những sức kháng cự, và những bức tường chia rẽ, mở ra những con đường mới và mở rộng những ranh giới của dân Chúa. Và trong hành trình của những bài giáo lý này chúng ta sẽ chứng kiến điều đó trong Sách Công vụ Tông đồ. Chỉ duy nhất Thánh Thần là Đấng ban tặng cho lời nói vô cùng yếu ớt của chúng ta, thậm chí là giả dối và trốn tránh trách nhiệm, âm vang rền và sắc bén, Chúa Con đã được sinh ra bởi Người; Thần Khí đã xức dầu và giữ vững Người trong sứ vụ; nhờ Thần Khí mà Người đã chọn các Tông đồ và bảo đảm với các ông sự rao giảng, sự bền chí, và hoa trái dồi dào, cũng như Người bảo đảm điều đó với việc rao giảng của chúng ta ngày nay.

Tin mừng kết thúc với sự Phục sinh và Lên trời của Chúa Giê-su, và trình thuật của Công vụ Tông đồ bắt đầu chính xác từ đó, từ tính dư đầy sự sống của Đấng Phục sinh, rót đổ sang Hội thánh của Người. Thánh Lu-ca kể cho chúng ta rằng Chúa Giê-su “chứng tỏ cho các ông thấy là Người vẫn sống sau khi đã chịu khổ hình: trong bốn mươi ngày, Người đã hiện ra nói chuyện với các ông về Nước Thiên Chúa” (Cv 1:3). Đấng Phục sinh, Chúa Giê-su Phục sinh thực hiện những hành động rất con người, chẳng hạn cùng dùng chung bữa ăn với các ông, và Người mời gọi các ông hãy sống thật vững vàng và chờ đợi sự kiện toàn của lời hứa của Chúa Cha: “anh em sẽ chịu phép rửa trong Thánh Thần” (Cv 1:5).

Thật vậy, Phép Rửa trong Thánh Thần là một trải nghiệm cho phép chúng ta đi vào sự kết hiệp riêng tư với Thiên Chúa và tham gia vào Chương trình cứu độ phổ quát của Người, đạt được ơn parrhesia, là lòng can đảm, tức là có khả năng mạnh dạn công bố “với tư cách là con cái của Chúa,” không chỉ với tư cách con người nhưng là tư cách của con cái Chúa: một lời công bố dõng dạc, tự do, hữu hiệu đầy tràn lòng yêu mến Chúa Ki-tô và tha nhân. Vì vậy, không có sự đấu tranh để giành được hoặc được trao tặng ân tứ của Chúa. Tất cả đều được trao ban một cách nhưng không và vào đúng thời điểm. Thiên Chúa ban tặng cho tất cả một cách nhưng không. Ơn cứu độ không thể mua bán, nó cũng chẳng phải trả tiền; đó là một món quà nhưng không. Trước sự lo lắng khi biết trước thời gian của những biến cố Người đã loan báo sẽ xảy ra, Chúa Giê-su trả lời cho các môn đệ của Người: “Anh em không cần biết thời giờ và kỳ hạn Chúa Cha đã toàn quyền sắp đặt, nhưng anh em sẽ nhận được sức mạnh của Thánh Thần khi Người ngự xuống trên anh em. Bấy giờ anh em sẽ là chứng nhân của Thầy tại Giê-ru-sa-lem, trong khắp các miền Giu-đê, Sa-ma-ri và cho đến tận cùng trái đất” (Cv 1:7-8).

Đấng Phục sinh mời gọi các môn đệ của Người không những sống thời gian hiện tại bỏ qua mọi lo lắng, nhưng còn kết hiệp mật thiết với thời gian, và có khả năng chờ đợi sự hé mở của một câu chuyện thánh thiêng đã không bị đứt đoạn nhưng tiến tới, một câu chuyện luôn luôn tiến tới; và có thể chờ đợi “những bước chân” của Chúa, Thiên Chúa của thời gian và không gian. Đấng Phục sinh mời gọi những môn đệ của Người không “chế tạo” ra sứ vụ của riêng họ, nhưng là chờ đợi Chúa Cha thúc đẩy tâm hồn của họ bằng Thánh Thần, có thể góp phần trở thành một chứng nhân rao giảng đủ khả năng chiếu tỏa từ Giê-ru-sa-lem đến Sa-ma-ri và vượt qua mọi biên giới của Israel để tiến đến các vùng ngoại vi của thế giới.

Các Tông đồ cùng nhau sống tinh thần chờ đợi này; họ sống tinh thần đó như gia đình của Chúa trong phòng Tiệc Ly, một lần nữa những bức tường của căn phòng là các chứng nhân cho ơn sủng mà Chúa Giê-su đã trao tặng chính thân mình cho các môn đệ của người trong Phép Thánh Thể. Và chờ đợi sức mạnh, chờ đợi động lực của Chúa như thế nào? Bằng cách kiên trì cầu nguyện, giống như không có ai khác nhưng chỉ là một. Cầu nguyện trong sự hiệp nhất với lòng kiên trì. Thật vậy, chính nhờ sự cầu nguyện mà người ta vượt qua được sự cô đơn, cám dỗ, và sự hoài nghi và mở lòng đón nhận sự hiệp nhất. Sự có mặt của những người phụ nữ và Mẹ Maria, thân mẫu của Chúa Giê-su, làm mạnh mẽ thêm trải nghiệm này: trước hết họ học được từ Thầy để làm chứng cho sự chung thủy của tình yêu và cho sức mạnh của sự hiệp nhất giúp vượt qua mọi nỗi sợ hãi.

Chúng ta hãy xin Chúa ban cho lòng kiên nhẫn biết chờ đợi những bước chân của Người, không “chế tạo ra” điều được gọi là công việc của Người, và luôn nhu mỳ cầu nguyện, khẩn xin Thần Khí và gieo trồng sự hiệp nhất hội thánh.

[Văn bản chính: tiếng Ý] [Bản dịch (tiếng Anh) của Virginia M. Forrester của ZENIT]

© Libreria Editrice Vatican

Toàn văn huấn từ của Đức Thánh Cha Phanxico trong Buổi Tiếp Kiến Chung

[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 30/5/2019]


Đức Thánh Cha ca ngợi những ích lợi của thể thao tại Đại hội ‘Môn Bóng đá chúng tôi yêu’

Đức Thánh Cha ca ngợi những ích lợi của thể thao tại Đại hội ‘Môn Bóng đá chúng tôi yêu’
© Vatican Media

Đức Thánh Cha ca ngợi những ích lợi của thể thao tại Đại hội ‘Môn Bóng đá chúng tôi yêu’

Khoảng 6.000 thiếu nhi có mặt, từ Lazio và Abruzzo

24 tháng Năm, 2019 16:40

Ngày 23 tháng Năm, 2019, tiếp các tham dự viên trong đại hội “Môn Bóng đá chúng tôi yêu,” được tổ chức bởi tờ báo thể thao “La Gazzetta dello Sport” cùng hợp tác với Bộ Giáo dục, Đại học và Nghiên cứu (MUIR), Liên đoàn Bóng đá Ý và Liên đoàn Giải Serie A. Khoảng sáu ngàn thiếu nhi có mặt từ các vùng Lazio và Abruzzo.

“Thể thao là một cơ hội tuyệt vời để để cống hiến tốt nhất khả năng, với sự hy sinh và cam kết, nhưng trên hết, nó không chơi một mình,” Đức Thánh Cha nhận xét. “Hãy nghe kỹ: thể thao, không chơi một mình. Chúng ta sống trong một thời đại khi mà do sự có mặt ồ ạt của các công nghệ mới, nó rất dễ dẫn đến sự tự cô lập, tạo ra những mối dây liên kết ảo với nhiều người, nhưng ở xa cách. Nhiều kết nối, nhưng lại cô đơn. Điều tuyệt vời của việc chơi với một trái bóng là có thể cùng chơi với người khác, chuyền bóng ở giữa sân, học cách xây dựng hành động của một trận đấu, cùng kết hợp với nhau thành một đội … Trái bóng trở thành một phương tiện mời gọi những con người bằng xương bằng thịt chia sẻ tình bạn, để tìm được bản thân trong một không gian, để nhìn vào bản thân, để thách đố bản thân đưa ra áp dụng những kỹ năng của các bạn. Các bạn thân mến, bóng đá là một môn thể thao đồng đội: các bạn không thể chơi nó một mình! Và nếu được sống theo đúng cách này, nó cũng sẽ có tác dụng tốt cho tâm trí và tâm hồn trong một xã hội chỉ chú trọng đến chủ nghĩa chủ thể, trung tâm điểm là cái tôi của mình, gần như nó là một nguyên tắc tuyệt đối … Chơi thể thao làm cho các bạn hạnh phúc vì các bạn có thể thể hiện sự tự do của mình, thi đấu theo con đường vui vẻ, sử dụng thời gian rảnh rỗi một cách đơn sơ … Tại sao vậy? Tại sao vậy? … Vì các bạn thích nó, các bạn thích chơi bóng đá, các bạn chạy theo một ước mơ nhưng không cần thiết phải trở thành một nhà vô địch. Hiến chương về Quyền của Trẻ em đối với Thể thao cũng khẳng định quyền của mỗi thiếu nhi “được chơi một môn thể thao chỉ vì niềm vui” (Mục 10).

Ngài tiếp tục kêu gọi bậc cha mẹ hãy truyền cho con cái của họ trạng thái tâm lý của một trận thi đấu, của phần thưởng nho nhỏ, và của tình thân “để động viên các em trong những thời gian khó khăn, đặc biệt sau một sự thất bại … Và giúp các em hiểu rằng ngồi trên ghế dự bị không phải là một sự xấu hổ, nhưng là một cơ hội để phát triển và là một cơ hội cho người khác. Để các em luôn có thể có được niềm phấn khích thể hiện hết mình vì ngoài trận thi đấu là cuộc sống đang chờ đợi các em.”

Trong cuộc phiêu lưu này, huấn luyện viên có vai trò rất quan trọng, vì họ đại diện cho một điểm tham chiếu cho thiếu nhi luyện tập. “Mọi điều các bạn nói và làm, và cách các bạn nói và làm điều đó, là một bài học cho các học viên của các bạn, và đến mức độ sẽ để lại một dấu ấn không phai trong cuộc sống của các em, để trở nên tốt hơn hoặc xấu hơn,” Đức Thánh Cha cảnh báo.

Ngài cũng có đôi lời gửi đến các đội vô địch bóng đá truyền cảm hứng cho các vận động viên trẻ này. “Đừng quên các bạn đã bắt đầu từ đâu: trong sân bóng ở những vùng ngoại vi của thành phố, trong câu lạc bộ nhỏ đó … Cha mong rằng các bạn sẽ luôn cảm nhận sự biết ơn đối với lịch sử của mình được xây dựng bằng những hy sinh, những chiến thắng, và những thất bại. Và ước mong rằng các bạn cũng ý thức được trách nhiệm giáo dục của các bạn, được thể hiện qua tính kiên định trong cuộc sống và sự đoàn kết với người yếu đuối nhất, động viên những em nhỏ nhất trở nên vững vàng trong lòng và có thể trở thành những người vô địch trong cuộc sống.”

Ngài dành những lời cuối gửi đến các người quản lý, ngài kêu gọi họ luôn bảo vệ tinh thần của trận đấu không vì tiền bạc. “Ước mong rằng vẻ đẹp của bóng đá không bị mất đi trong các thỏa thuận tài chính.”



[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 25/5/2019]