Thứ Hai, 18 tháng 9, 2023

Huấn từ kinh Truyền tin của Đức Thánh Cha Phanxicô ngày 17.09.2023

“Tha thứ là liều thuốc giải độc cho sự căm thù và oán giận”

Huấn từ của Đức Thánh Cha Phanxicô trước giờ đọc kinh Truyền tin

Huấn từ kinh Truyền tin của Đức Thánh Cha Phanxicô ngày 17.09.2023

Vatican Media


*******

Vào lúc 12 giờ trưa hôm nay, Đức Thánh Cha Phanxicô xuất hiện tại cửa sổ phòng làm việc trong Điện Tông tòa Vatican để đọc Kinh Truyền Tin cùng các tín hữu và khách hành hương tập trung tại Quảng trường Thánh Phêrô.

Sau đây là huấn từ của Đức Thánh Cha trước khi đọc kinh kính Đức Mẹ:

______________________________________________


Trước kinh Truyền tin

Anh chị em thân mến, buongiorno!

Hôm nay Tin Mừng nói với chúng ta về sự tha thứ (x. Mt 18:21-35). Thánh Phêrô hỏi Chúa Giêsu: “Thưa Thầy, nếu anh em con cứ xúc phạm đến con, thì con phải tha đến mấy lần? Có phải bảy lần không?” (câu 21).

Trong Kinh Thánh số Bảy là con số biểu thị sự trọn vẹn, và vì vậy Phêrô rất hào phóng khi đưa ra những giả định trong câu hỏi của ông. Nhưng Chúa Giêsu còn đi xa hơn và trả lời ông: “Thầy không bảo là đến bảy lần, nhưng là đến bảy mươi lần bảy” (c. 22). Nghĩa là Chúa nói với Phêrô rằng khi tha thứ chúng ta không tính toán; rằng thật tốt khi tha thứ mọi sự, và luôn luôn! Như Thiên Chúa tha thứ cho chúng ta, và như những người thực thi công lý của Thiên Chúa phải làm: luôn tha thứ. Tôi nói điều này rất nhiều với các linh mục, với các cha giải tội: hãy luôn tha thứ, như Thiên Chúa tha thứ.

Sau đó, Chúa Giêsu minh họa thực tế này bằng một dụ ngôn, một lần nữa liên quan đến các con số. Một vị vua đã tha cho người hầu món nợ 10.000 yến vàng sau khi được cầu xin: đó là một con số quá lớn, giá trị vô cùng lớn, từ 200 đến 500 tấn bạc: quá mức. Đó là một món nợ không thể trả được, dù phải làm việc cả đời: thế nhưng ông chủ này, nhắc chúng ta nhớ đến Chúa Cha của chúng ta, đã tha thứ chỉ vì “chạnh lòng thương” (c. 27). Đây là tấm lòng của Thiên Chúa: Người luôn tha thứ, vì Thiên Chúa là Đấng giàu lòng thương xót. Chúng ta đừng quên Thiên Chúa là Đấng gần gũi, nhân hậu và dịu dàng; đây là bản chất của Thiên Chúa. Tuy nhiên, dù người đầy tớ này đã được tha nợ, lại không tỏ lòng thương xót đối với người bạn mắc nợ mình 100 quan tiền. Đây cũng là một số tiền đáng kể, tương đương với khoảng ba tháng lương – như muốn nói rằng việc tha thứ cho nhau cũng tổn phí tiền bạc! – nhưng hoàn toàn không thể so sánh với con số trước đó mà ông chủ đã tha.

Thông điệp của Chúa Giêsu rất rõ ràng: Thiên Chúa tha thứ vô cùng, vượt quá mọi mức độ. Đây là cách của Chúa; Người hành động vì yêu thương và theo cách nhưng không. Không thể mua chuộc Thiên Chúa, Thiên Chúa là tự do, Người hoàn toàn là sự nhưng không.

Chúng ta không thể đền đáp Ngài, nhưng khi chúng ta tha thứ cho một người anh em hoặc một người chị em là chúng ta bắt chước Ngài. Do đó, tha thứ không phải là một việc tốt mà chúng ta có thể chọn làm hoặc không làm: tha thứ là điều kiện căn bản đối với người Kitô hữu. Thật vậy, mỗi người chúng ta đều được “tha thứ”: chúng ta đừng quên điều này, chúng ta được tha thứ, Thiên Chúa đã hiến mạng sống vì chúng ta và không cách nào chúng ta có thể đền đáp được lòng thương xót của Chúa, điều mà Chúa không bao giờ rút khỏi trái tim Ngài. Tuy nhiên, bằng cách noi gương sự nhưng không của Chúa, nghĩa là tha thứ cho nhau, chúng ta có thể làm chứng cho Chúa, gieo sự sống mới xung quanh chúng ta. Vì không có niềm hy vọng nào nếu không có sự tha thứ; không có hòa bình nếu không có sự tha thứ. Tha thứ là dưỡng khí thanh tẩy không khí thù hận, tha thứ là liều thuốc giải cho những độc chất oán hận, là cách làm dịu cơn giận và chữa lành biết bao căn bệnh tâm hồn đang làm ô nhiễm xã hội.

Vậy chúng ta hãy tự hỏi: tôi có tin rằng tôi đã nhận được từ Thiên Chúa món quà tha thứ vô biên không? Tôi có cảm nhận niềm vui khi biết rằng Ngài luôn sẵn sàng tha thứ cho tôi khi tôi vấp ngã, ngay cả khi người khác không làm như vậy, ngay cả khi tôi thậm chí không thể tha thứ cho chính mình? Chúa tha thứ: tôi có tin rằng Ngài tha thứ không? Và rồi tôi có thể tha thứ cho những người đã làm sai với tôi không? Về vấn đề này, tôi muốn đề nghị với anh chị em một bài tập nhỏ: bây giờ, mỗi người chúng ta hãy cố gắng nghĩ đến một người đã làm tổn thương chúng ta, và xin Chúa ban sức mạnh để tha thứ cho họ. Và chúng ta hãy tha thứ cho họ vì lòng yêu mến Thiên Chúa: thưa anh chị em, điều này sẽ mang lại lợi ích cho chúng ta; nó sẽ phục hồi lại sự bình an tâm hồn của chúng ta.

Xin Mẹ Maria, Mẹ của Lòng Thương xót, giúp chúng ta đón nhận ân sủng của Thiên Chúa và tha thứ cho nhau.

______________________________________________


Sau Kinh Truyền tin

Vào thứ Sáu tôi sẽ đi Marseille để tham dự lễ bế mạc Recontres Méditerranéennes, một sáng kiến tốt đẹp đang diễn ra tại các thành phố quan trọng của vùng Địa Trung Hải, quy tụ các nhà lãnh đạo giáo hội và dân sự để thúc đẩy những con đường hòa bình, hợp tác và hội nhập xung quanh vùng biển, với sự chú ý đặc biệt đến hiện tượng di cư. Nó biểu trưng cho một thách thức không hề dễ dàng, như chúng ta cũng thấy trong các bản tin trong những ngày gần đây, nhưng là thách thức chúng ta phải cùng nhau đối mặt, vì nó quan trọng cho tương lai của tất cả mọi người, một tương lai sẽ chỉ thịnh vượng nếu được xây dựng trên tình huynh đệ, đặt nhân phẩm và những con người thực sự lên trước hết, đặc biệt là những người cần được giúp đỡ nhất. Xin anh chị em đồng hành với cuộc hành trình này bằng lời cầu nguyện, đồng thời tôi xin cảm ơn các nhà chức trách dân sự và tôn giáo, cũng như những người đang cố gắng chuẩn bị cho cuộc gặp gỡ ở Marseille, một thành phố phong phú về sắc tộc, được kêu gọi trở thành bến cảng của hy vọng. Bây giờ tôi xin chào tất cả mọi người dân, mong chờ được gặp rất nhiều anh chị em thân yêu.

Và cha gửi lời chào tất cả anh chị em, người dân Roma và anh chị em hành hương đến từ nước Ý và nhiều quốc gia khác, đặc biệt là đại diện của một số giáo xứ ở Miami, Banda de Gaitas del Batallón de San Patricio, các tín hữu của Pieve del Cairo và Castelnuovo Scrivia, và các Nữ tu Dòng Truyền giáo Đấng Cứu Chuộc Chí Thánh của Giáo hội Công giáo Hy Lạp Ukraine. Và tôi tiếp tục cầu nguyện cho người dân Ukraine đang bị hành hạ, và xin cho hòa bình ở mọi vùng đất đẫm máu vì chiến tranh.

Và cha chào các bạn trẻ của phong trào Immacolata!

Cha chúc tất cả anh chị em Chúa nhật tốt lành, và xin đừng quên cầu nguyện cho cha. Chúa anh chị em bữa trưa ngon miệng, và arrivederci!



[Nguồn: exaudi]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 18/9/2023]


Thông điệp của Đức Thánh Cha gửi các tham dự viên Cuộc họp Cầu nguyện Quốc tế cho Hòa bình do Cộng đồng Sant’Egidio tổ chức

Đức Thánh Cha Phanxicô: Chúng ta đừng sợ trở thành những người hành khất hòa bình

Thông điệp của Đức Thánh Cha gửi các tham dự viên Cuộc họp Quốc tế Cầu nguyện cho Hòa bình do Cộng đồng Sant’Egidio tổ chức (Berlin, 10-12 tháng Chín năm 2023)

Thông điệp của Đức Thánh Cha gửi các tham dự viên Cuộc họp Cầu nguyện Quốc tế cho Hòa bình do Cộng đồng Sant’Egidio tổ chức

*******

Dưới đây chúng tôi công bố Thông điệp mà Đức Thánh Cha Phanxicô gửi đến các tham dự viên Cuộc họp Quốc tế Cầu nguyện cho Hòa bình do Cộng đồng Sant'Egidio tổ chức với chủ đề: “Sự táo bạo của hòa bình”, diễn ra tại Berlin từ ngày 10 đến ngày 12 tháng Chín và có sự tham gia của các nhà lãnh đạo tôn giáo, chính trị và những nhà tri thức họp lại với nhau:

___________________________________________________


Anh chị em thân mến,

Với tư cách là các nhà lãnh đạo Kitô giáo, các nhà lãnh đạo tôn giáo thế giới và chính quyền dân sự, năm nay anh chị em quy tụ tại Berlin, gần Cổng Brandenburg, theo lời mời của Cộng đồng Sant’Egidio, trung thành tiếp tục cuộc hành hương cầu nguyện và đối thoại do Thánh Gioan Phaolô II khởi xướng ở Assisi năm 1986. Địa điểm cuộc gặp gỡ của anh chị em đặc biệt gợi nhiều liên tưởng, vì một sự kiện lịch sử đã diễn ra chính tại nơi anh chị em đang họp mặt: sự sụp đổ của bức tường ngăn chia hai nước Đức. Bức tường đó cũng chia cắt hai thế giới, Tây và Đông Âu. Nó sụp đổ nhờ nhiều yếu tố, trong đó có lòng can cảm và lời cầu nguyện của nhiều người. Từ đó, nó mở ra những chân trời mới: tự do cho các dân tộc và sự đoàn tụ của các gia đình, đồng thời cũng là niềm hy vọng về một nền hòa bình thế giới mới sau Chiến tranh lạnh.

Thật đáng buồn trong nhiều năm qua, lời hứa về một tương lai như vậy không được xây dựng trên niềm hy vọng chung mà đặt trên những lợi ích đặc biệt và sự ngờ vực lẫn nhau. Vì vậy, thay vì phá bỏ những bức tường, nhiều bức tường đã được dựng lên. Và thật đáng buồn, từ bức tường đến chiến hào thường chỉ là một bước ngắn. Ngày nay, chiến tranh vẫn tàn phá quá nhiều nơi trên thế giới. Tôi đang nghĩ đến một số khu vực ở Châu Phi và Trung Đông, cũng như nhiều khu vực khác trên hành tinh, bao gồm cả Châu Âu, nơi đang phải chịu đựng cuộc chiến ở Ukraine. Đó là một cuộc xung đột kinh hoàng chưa có hồi kết và đã gây ra chết chóc, đau thương, đau đớn, tha hương và hủy diệt.

Năm ngoái tôi đã cùng với anh chị em ở Roma, tại Hý trường La Mã, để cầu nguyện cho hòa bình. Chúng ta đã lắng nghe tiếng kêu xin một nền hòa bình bị hoen ố và chà đạp. Nhân dịp đó, tôi nói: “Lời kêu gọi hòa bình không thể bị dập tắt: nó xuất phát từ trái tim của những người mẹ; nó hằn sâu trên khuôn mặt của những người tị nạn, những gia đình phải di tản, những người bị thương và những người hấp hối. Và lời cầu xin thầm lặng này bay lên tận trời cao. Nó không có những công thức kỳ diệu để chấm dứt xung đột, nhưng nó có quyền thiêng liêng để khẩn xin hòa bình nhân danh tất cả những người đau khổ, và nó xứng đáng được lắng nghe. Nó hiệu triệu tất cả mọi người, bắt đầu từ các nhà lãnh đạo chính phủ, hãy dành thời gian và lắng nghe một cách nghiêm túc và tôn trọng. Lời cầu xin hòa bình đó thể hiện nỗi đau đớn và sự kinh hoàng của chiến tranh, nó là mẹ đẻ của tất cả mọi sự nghèo đói” (Diễn từ tại Cuộc họp cầu nguyện cho hòa bình, ngày 25 tháng Mười năm 2022).

Chúng ta không thể đầu hàng trước kịch bản này. Cần phải có điều gì đó hơn nữa. Chúng ta cần “sự táo bạo của hòa bình”, đây là trọng tâm cuộc gặp gỡ của anh chị em. Chủ nghĩa hiện thực thôi chưa đủ, những cân nhắc về chính trị thôi chưa đủ, những cách tiếp cận chiến lược được thực hiện cho đến nay vẫn chưa đủ. Cần nhiều hơn nữa vì chiến tranh vẫn tiếp diễn. Điều cần thiết là sự táo bạo của hòa bình – ngay bây giờ, bởi vì có quá nhiều xung đột đã kéo dài quá lâu, đến mức một số cuộc xung đột dường như không bao giờ kết thúc. Trong một thế giới mọi thứ đều trôi qua nhanh chóng, nhưng chỉ có sự kết thúc chiến tranh là có vẻ chậm chạp. Cần có lòng dũng cảm để biết cách chuyển sang một hướng khác, gạt bỏ những trở ngại và khó khăn thực sự. Sự táo bạo của hòa bình là lời tiên tri cần có của những người nắm trong tay số phận của các quốc gia tham chiến, của cộng đồng quốc tế, của tất cả chúng ta. Nó đặc biệt là đúng đối với những người có niềm tin, họ thể hiện tiếng kêu than khóc của những người cha người mẹ, sự đau đớn của những người vấp ngã, sự hủy diệt vô ích, và từ đó tố cáo tính điên rồ của chiến tranh.

Đúng vậy, sự táo bạo của hòa bình thách đố các tín hữu cách đặc biệt biến nó thành lời cầu nguyện, lời khẩn cầu Thiên Chúa ban xuống điều dường như không thể có được trên trái đất. Kiên trì cầu nguyện là hình thức đầu tiên của tính táo bạo. Trong Tin Mừng, Chúa Kitô cho thấy “cần phải cầu nguyện luôn và không nản chí” (Lc 18:1), khi nói rằng: “Thế nên Thầy bảo anh em: anh em cứ xin thì sẽ được, cứ tìm thì sẽ thấy, cứ gõ cửa thì sẽ mở cho” (Lc 11:9). Chúng ta đừng sợ trở thành những người hành khất hòa bình, tham gia cùng với các anh chị em của chúng ta thuộc các tôn giáo khác và tất cả những người không đầu hàng trước sự chắc chắn xảy ra của xung đột. Tôi cùng hiệp lời cầu nguyện với anh chị em xin chấm dứt chiến tranh, chân thành cảm ơn anh chị em vì tất cả những gì anh chị em làm.

Rất cần phải tiến bước về phía trước để vượt qua bức tường của điều không thể, được xây dựng trên luận lý dường như không thể bác bỏ sinh ra từ ký ức về nỗi đau buồn lớn lao và quá nhiều vết thương phải chịu trong quá khứ. Điều đó là khó, nhưng không phải là không thể. Đó không phải là điều không thể đối với các tín hữu, những người sống tính táo bạo trong lời cầu nguyện đầy hy vọng. Nhưng điều đó cũng không phải là không thể đối với các chính trị gia, những nhà lãnh đạo hay những nhà ngoại giao. Chúng ta hãy tiếp tục cầu nguyện cho hòa bình mà không nản chí, gõ cửa với tinh thần khiêm nhường và kiên trì trước cánh cửa luôn rộng mở của trái tim Thiên Chúa và những cánh cửa của nhân loại. Chúng ta hãy cầu xin để những con đường dẫn tới hòa bình được mở ra, đặc biệt cho Ukraine thân yêu và bị chiến tranh tàn phá. Chúng ta hãy tin tưởng rằng Chúa luôn nghe thấy tiếng kêu đau khổ của con cái của Người. Lạy Chúa, xin lắng nghe chúng con!

Roma, Đền thánh Gioan Lateran, 5 tháng Chín, 2023

Để biết thêm thông tin, xin truy cập đường dẫn



[Nguồn: exaudi]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 13/9/2023]