Thứ Năm, 11 tháng 3, 2021

Tiếp kiến chung của Đức Thánh Cha Phanxicô ngày 10 tháng Ba, 2021

Tiếp kiến chung của Đức Thánh Cha Phanxicô ngày 10 tháng Ba, 2021

Tiếp kiến chung của Đức Thánh Cha Phanxicô


Thư viện Điện Tông tòa

Thứ Tư, 10 tháng Ba, 2021



Bài giáo lý về chuyến Tông du tới Iraq

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Trong ít ngày vừa qua, Chúa cho phép cha đến thăm đất nước Iraq, thực hiện một dự án của Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II. Chưa bao giờ có một vị Giáo hoàng đến miền đất của Tổ phụ Abraham. Đấng Quan phòng muốn rằng điều này phải xảy ra vào lúc này, như một dấu chỉ của hy vọng, sau nhiều năm chiến tranh và khủng bố, và trong một cơn đại dịch nghiêm trọng.

Sau chuyến thăm này, tâm hồn cha tràn đầy lòng cảm tạ – cảm tạ Chúa và tất cả những người đã giúp cho chuyến đi được thực hiện: cảm ơn ngài Tổng thống nước Cộng hòa và Chính phủ Iraq; cảm ơn các Đức Thượng phụ và Giám mục của đất nước, cùng với tất cả các thừa tác viên và thành viên tín hữu của các Giáo hội; cảm ơn các Giới chức tôn giáo, bắt đầu là Đức Đại Ayatollah Al-Sistani, người mà tôi đã có một cuộc gặp gỡ không thể quên trong nơi ngài cư ngụ tại Najaf.

Cha cảm nhận mạnh mẽ một ý thức ăn năn liên quan đến chuyến hành hương này: Cha không thể nào đến gần những con người bị tra tấn đó, đến gần Giáo hội tử đạo đó, mà không chính mình vác lấy thánh giá mà họ đã vác ​​trong nhiều năm nhân danh Giáo hội Công giáo; một thánh giá khổng lồ, giống như cây thánh giá được dựng tại cửa ngõ vào Qaraqosh. Cha cảm nhận một cách đặc biệt khi nhìn thấy những vết thương vẫn còn mở từ những tàn phá, và thậm chí còn mạnh mẽ hơn thế nữa khi gặp gỡ và nghe chứng ngôn của những người sống sót sau bạo lực, bắt bớ, lưu đày… Và đồng thời, cha thấy xung quanh mình niềm hân hoan chào đón sứ giả của Chúa Kitô; Cha nhìn thấy niềm hy vọng được mở ra cho một chân trời hòa bình và tình huynh đệ, được tóm gọn trong những lời của Chúa Giêsu là chủ đề của chuyến viếng thăm: “Tất cả anh em đều là anh em với nhau” (Mt 23: 8). Cha tìm thấy niềm hy vọng này trong bài diễn văn của Tổng thống Cộng hòa. Cha lại khám phá ra điều đó một lần nữa trong nhiều lời chào và lời chứng, trong các bài thánh ca và cử chỉ của mọi người. Cha đọc được điều đó trên khuôn mặt rạng rỡ của những bạn trẻ và trong những đôi mắt đầy sức sống của người già. Mọi người đứng chờ Giáo hoàng suốt 5 tiếng đồng hồ, thậm chí có cả những phụ nữ bồng con trên tay. Họ chờ đợi và có niềm hy vọng trong mắt họ.

Người dân Iraq có quyền được sống trong hòa bình; họ có quyền tìm lại phẩm giá thuộc về họ. Những cội nguồn tôn giáo và văn hóa của họ đã có từ hàng ngàn năm trước: Lưỡng Hà là cái nôi của nền văn minh. Về mặt lịch sử, Baghdad là một thành phố có tầm quan trọng hàng đầu. Trong suốt nhiều thế kỷ, nó là quê hương của thư viện phong phú nhất trên thế giới. Và điều gì đã phá hủy nó? Chiến tranh. Chiến tranh luôn là con quái vật chuyển mình với sự thay đổi của thời đại và tiếp tục ăn tươi nuốt sống nhân loại. Nhưng đáp trả chiến tranh không phải là một cuộc chiến khác; đáp trả vũ khí không phải là những loại vũ khí khác. Và cha tự hỏi mình: ai đã bán vũ khí cho những kẻ khủng bố? Ngày nay ai bán vũ khí cho những kẻ khủng bố – những kẻ đang gây ra các vụ thảm sát ở những khu vực khác, chẳng hạn chúng ta hãy nghĩ đến Châu Phi? Đó là một câu hỏi mà tôi muốn có ai đó trả lời. Sự đáp trả không phải là chiến tranh, mà sự đáp trả là tình huynh đệ. Đây là thách đố không chỉ riêng đối với Iraq. Nó là thách đố đối với nhiều khu vực xung đột, và cuối cùng là thách đố đối với toàn thế giới là tình huynh đệ. Liệu chúng ta có khả năng tạo ra tình huynh đệ giữa chúng ta không? Có khả năng xây dựng văn hóa anh chị em không? Hay chúng ta sẽ tiếp tục luận lý mà Cain đã bắt đầu: chiến tranh. Anh chị em. Tình huynh đệ.

Vì lý do này, chúng tôi cầu nguyện với người Kitô giáo và người Hồi giáo, với đại diện các tôn giáo khác, trong thành cổ Ur, nơi tổ phụ Abraham đã nhận được tiếng gọi của Chúa khoảng bốn nghìn năm trước. Abraham là tổ phụ của chúng ta trong đức tin vì ông đã lắng nghe tiếng Chúa đã hứa ban cho ông một dòng dõi. Ông bỏ lại mọi thứ và ra đi. Thiên Chúa trung tín với những lời hứa của Người và hướng dẫn các bước đi của chúng ta đến sự bình an cho đến ngày nay. Người hướng dẫn các bước đi của những người thực hiện hành trình trên Trái đất với ánh mắt của họ hướng về Thiên đàng. Và tại Ur – cùng nhau đứng dưới bầu trời tỏa sáng đó, cùng bầu trời mà tổ phụ Abraham của chúng ta đã nhìn thấy, chúng ta, dòng dõi của ông – cụm từ tất cả anh em đều là anh em với nhau dường như lại vang lên một lần nữa.

Một thông điệp về tình huynh đệ đến từ cuộc gặp gỡ hội thánh trong Nhà thờ Chính tòa Công giáo Syriac ở Baghdad, nơi có 48 người, trong số đó có hai linh mục, đã bị giết trong Thánh lễ năm 2010. Giáo hội ở Iraq là một Giáo hội tử đạo. Và trong ngôi thánh đường đó mang một dòng chữ khắc trên đá tưởng nhớ các vị tử đạo đó, niềm vui đã reo lên trong cuộc gặp gỡ. Cha thật ngạc nhiên khi được ở với họ hòa chung niềm vui của họ khi có được Giáo hoàng ở giữa.

Chúng tôi đưa ra thông điệp về tình huynh đệ từ Mosultừ Qaraqosh, dọc theo sông Tigris, gần với những tàn tích của Ninivê cổ đại. Sự chiếm đóng của ISIS đã khiến hàng ngàn hàng ngàn cư dân phải chạy trốn, trong số đó có nhiều người Kitô giáo thuộc nhiều nền tảng tuyên xưng khác nhau, và các nhóm thiểu số bị đàn áp khác, đặc biệt là người Yazidi. Bản sắc cổ xưa của những thành phố này đã bị hủy hoại. Bây giờ họ đang cố gắng hết sức để xây dựng lại. Người Hồi giáo đang mời gọi những người Kitô giáo quay trở lại và họ cùng nhau khôi phục lại các nhà thờ và đền thờ. Tình huynh đệ là ở đó. Và xin chúng ta hãy tiếp tục cầu nguyện cho họ, những người anh chị em đã bị thử thách rất nhiều, để họ có thể có sức mạnh để bắt đầu lại. Và khi nghĩ đến nhiều người Iraq đã di cư, tôi muốn nói với họ rằng: các bạn đã bỏ lại tất cả, giống như tổ phụ Abraham; hãy giữ vững niềm tin và hy vọng như tổ phụ. Hãy là những người đan dệt nên tình bằng hữu và tình huynh đệ mọi lúc mọi nơi. Và nếu có thể, anh chị em hãy quay trở về.

Một thông điệp về tình huynh đệ đến từ hai Thánh Lễ: một ở Baghdad, theo Nghi thức Canđê, và một ở Erbil, là thành phố mà cha đã được tiếp đón bởi Chủ tịch khu vực và Thủ tướng, cùng với các nhà chức trách – cha chân thành cảm ơn họ rất nhiều vì đã đến đón tiếp cha – và cha cũng được người dân chào đón. Niềm hy vọng của Tổ phụ Abraham, và niềm hy vọng của con cháu của tổ phụ, được ứng nghiệm trong mầu nhiệm mà chúng tôi cử hành, trong Chúa Giêsu, Người Con mà Thiên Chúa Cha đã không tiếc, nhưng ban tặng ơn cứu độ cho mọi người: qua cái chết và sự phục sinh của Ngài, Ngài mở ra con đường đi vào đất hứa, đi vào cuộc sống mới nơi đó nước mắt được lau khô, vết thương được chữa lành, anh chị em được hòa giải.

Anh chị em thân mến, chúng ta ngợi khen Thiên Chúa về Chuyến thăm lịch sử này và chúng ta hãy tiếp tục cầu nguyện cho vùng đất đó và cho Trung Đông. Ở Iraq, bất chấp những tiếng gầm thét của sự tàn phá và vũ khí, cây cọ, biểu tượng của đất nước và niềm hy vọng của đất nước, vẫn tiếp tục phát triển và đơm hoa kết trái. Tình huynh đệ cũng như vậy: như hoa trái của cây cọ không gây ra tiếng ồn ào, nhưng cây cọ sinh sôi và phát triển. Xin Chúa, Đấng là bình an, ban cho Iraq một tương lai của tình huynh đệ, cho Trung Đông và cho toàn thế giới!

_____________________________________________________

Lời chào đặc biệt

Cha thân ái chào các tín hữu nói tiếng Anh. Ước mong hành trình Mùa Chay đưa chúng ta đến niềm vui của Lễ Phục sinh và tâm hồn được thanh tẩy và được đổi mới bởi ân sủng của Chúa Thánh Thần. Cha khẩn xin niềm vui và sự bình an của Chúa Giêsu Kitô đổ xuống trên anh chị em và gia đình. Xin Chúa chúc lành cho anh chị em!


[Nguồn: vatican.va]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 11/3/2021]


Cầu nguyện tại nhà thờ San Pietro in Vincoli (Thánh Phêrô bị xiềng xích), một bài thánh ca về tự do

Cầu nguyện tại nhà thờ San Pietro in Vincoli (Thánh Phêrô bị xiềng xích), một bài thánh ca về tự do

Cầu nguyện tại nhà thờ San Pietro in Vincoli (Thánh Phêrô bị xiềng xích), một bài thánh ca về tự do

illpaxphotomatic | Shutterstock

Marinella Bandini

22/02/21

Nhà thờ Chặng đàng Ngày 6: những xiềng xích của Thánh Phêrô ở đây, cũng như tượng Môsê của Michelangelo.


Aleteia mời bạn thực hiện một chuyến hành hương Mùa Chay qua mạng internet đi qua 42 nhà thờ chặng đàng của Roma: mỗi ngày một nhà thờ, từ 17 tháng Hai đến 11 tháng Tư.


Ngày 6

Vương cung Thánh đường San Pietro in Vincoli (Thánh Phêrô bị Xiềng xích) được đặt tên theo thánh tích quý báu mà nhà thờ lưu giữ: dây xích (vincula) của Thánh Phêrô.

Mọi thứ ở đây đều nói lên sự giải phóng. Trên trần nhà thờ hình vòm phía trên lối vào, chúng ta đọc được dòng chữ: Dirupisti vincula mea — “Người đã phá tan xiềng xích của con.”

Theo truyền thống, những sợi dây xích mà vị tông đồ bị giam giữ tại Giêrusalem được trao cho Hoàng hậu Đông Phương là Aelia Eudocia, người sau đó trao lại cho con gái bà là Licinia Eudoxia. Nữ hoàng trẻ tuổi đã trao chúng cho Đức Giáo hoàng Lêô Cả.

Đức giáo hoàng đặt những sợi dây xích này bên cạnh những sợi xích đã trói buộc Thánh Phêrô ở Roma: ngay khi chạm vào, chúng liền hợp nhất thành một sợi dây xích duy nhất, ngày nay được lưu giữ dưới bàn thờ. Để ghi nhớ phép lạ, vào năm 442, công trình bắt đầu xây dựng một vương cung thánh đường được đặt tên theo lý do này là San Pietro ở Vincoli, hoặc là Thánh Phêrô bị Xiềng xích.

Trong hầm mộ lưu giữ thánh tích của bảy anh em nhà Macabê, những người đã chết vì niềm tin của người Do Thái vào thế kỷ thứ 2 trước Chúa Giáng sinh. Người Kitô hữu tiên khởi ngưỡng mộ các vị tử đạo Do Thái giáo này, xem họ là tiền thân của những vị tử đạo Kitô giáo, và lòng sùng kính đối với họ đã nhanh chóng lan rộng.

Cuối cùng, là “viên ngọc quý” của vương cung thánh đường, bức tượng người giải phóng vĩ đại của dân tộc Israel: Môsê. Bức tượng được điêu khắc bởi Michelangelo cho tượng đài kỷ niệm Đức Giáo hoàng Julius II.

Còn Thầy, Thầy bảo cho anh biết: anh là Phêrô, nghĩa là Tảng Đá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi (Mt 16:18).

* Phối hợp với Văn phòng Truyền thông Xã hội của Khu Tông tòa Roma.

Cầu nguyện tại nhà thờ San Pietro in Vincoli (Thánh Phêrô bị xiềng xích), một bài thánh ca về tự do

Vương cung Thánh đường San Pietro in Vincoli

© illpaxphotomatic | Shutterstock

Cầu nguyện tại nhà thờ San Pietro in Vincoli (Thánh Phêrô bị xiềng xích), một bài thánh ca về tự do

Vương cung Thánh đường San Pietro in Vincoli (bên trong)

© NICOLA MESSANA PHOTOS | Shutterstock

Cầu nguyện tại nhà thờ San Pietro in Vincoli (Thánh Phêrô bị xiềng xích), một bài thánh ca về tự do

Những xiềng xích giam giữ Thánh Phêrô làm tù nhân. Theo truyền thuyết, những dây xích đã trói buộc ngài ở Giêrusalem và ở Roma đã hợp thành một cách kỳ diệu.

© Stefano_Valeri | Shutterstock

Cầu nguyện tại nhà thờ San Pietro in Vincoli (Thánh Phêrô bị xiềng xích), một bài thánh ca về tự do

Ngôi mộ với hài cốt của bảy anh em nhà Macabê, những người tử đạo của Do Thái được người Kitô giáo tôn kính.

© Luciano Tronati (CC BY-SA 4.0) via Wikimedia Commons

Cầu nguyện tại nhà thờ San Pietro in Vincoli (Thánh Phêrô bị xiềng xích), một bài thánh ca về tự do

Môsê. Tác phẩm điêu khắc nổi tiếng thế giới được tác tạo bởi Michelangelo cho mộ của Đức Giáo hoàng Julius II.

© Anna Pakutina | Shutterstock

Cầu nguyện tại nhà thờ San Pietro in Vincoli (Thánh Phêrô bị xiềng xích), một bài thánh ca về tự do

Mộ của Đức Julius II. Dự án ban đầu — lớn hơn nhiều — chỉ mới hoàn thành một phần.

© REDMASON | Shutterstock

Quý vị đọc về truyền thống của các nhà thờ chặng đàng ở đây. Và xem các nhà thờ trước đây trong cuộc hành hương ở đây.


[Nguồn: aleteia]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 3/3/2021]