Thứ Năm, 4 tháng 5, 2023

Tiếp kiến chung ngày 3 tháng 5, 2023: Đức Thánh Cha tập trung suy niệm về chuyến tông du gần đây của ngài

“Ở Hungary, cha đã tìm thấy một dân tộc có cội nguồn Kitô giáo sâu xa”

Đức Thánh Cha tập trung suy niệm về chuyến tông du gần đây của ngài

Tiếp kiến chung ngày 3 tháng 5, 2023: Đức Thánh Cha tập trung suy niệm về chuyến tông du gần đây của ngài

Vatican Media


*******

Buổi Tiếp kiến sáng nay được tổ chức lúc 9:00 sáng tại Quảng trường Thánh Phêrô, nơi Đức Thánh Cha Phanxicô gặp gỡ các nhóm khách hành hương và tín hữu đến từ nước Ý và khắp nơi trên thế giới.

Trong huấn từ bằng tiếng Ý, Đức Thánh Cha tập trung suy niệm về Chuyến tông du gần đây của ngài đến Hungary.

Sau phần tóm lược bài giáo lý của ngài bằng một số ngôn ngữ khác nhau, Đức Thánh Cha đã ngỏ lời chào đặc biệt đến các tín hữu hiện diện.

Buổi Tiếp kiến kết thúc với Kinh Lạy Cha và Phép Lành Tòa Thánh.

_________________________________________



Anh chị em thân mến, buongiorno!

Ba ngày trước, cha trở về sau chuyến đi đến Hungary. Tôi xin cảm ơn tất cả những người đã chuẩn bị và đồng hành với chuyến viếng thăm này bằng lời cầu nguyện, và xin lặp lại lòng biết ơn của tôi đối với các Nhà chức trách, Giáo hội địa phương và người dân Hungary, một dân tộc can đảm, giàu ký ức. Trong thời gian ở Budapest, cha có thể cảm nhận được tình cảm của tất cả người dân Hungary. Hôm nay cha xin kể về cuộc viếng thăm này qua hai hình ảnh: cội nguồn và những cây cầu.

Cội nguồn. Cha đã đến như một người hành hương với một dân tộc mà lịch sử của họ — như Thánh Gioan Phaolô II nói — đã được ghi dấu bởi “nhiều vị thánh và anh hùng, bao quanh là những con người khiêm tốn và cần cù” (Diễn từ tại buổi lễ đón tiếp, Budapest, ngày 6 tháng Chín, 1996). Đó là sự thật: Tôi đã nhìn thấy rất nhiều con người khiêm tốn và cần cù trân trọng mối ràng buộc với cội nguồn của họ một cách đầy tự hào. Và trong số những cội nguồn này, như những chứng ngôn trong các cuộc gặp gỡ với Giáo hội địa phương và với giới trẻ đã cho thấy rõ, trước hết và trên hết là các vị thánh: những vị thánh đã hiến mạng sống mình cho con người, những vị thánh làm chứng cho Tin Mừng của tình yêu và là ánh sáng trong những thời kỳ tăm tối; quá nhiều vị thánh trong quá khứ, những người động viên chúng ta hôm nay hãy chiến thắng nguy cơ của chủ nghĩa thất bại và nỗi sợ hãi về ngày mai, nhớ rằng Chúa Kitô là tương lai của chúng ta. Các vị thánh nhắc nhở chúng ta điều này: Chúa Kitô là tương lai của chúng ta.

Tuy nhiên, cội nguồn Kitô giáo vững chắc của người dân Hungary đã chịu thử thách. Đức tin của họ đã được thử thách bằng lửa. Thật vậy, trong cuộc đàn áp của vô thần trong thế kỷ 20, các Kitô hữu đã bị tấn công dữ dội, với các giám mục, linh mục, tu sĩ và giáo dân bị giết hoặc bị tước quyền tự do. Và trong khi người ta cố gắng đốn hạ cây đức tin, thì gốc rễ vẫn còn nguyên vẹn không hề hấn: vẫn còn một Giáo hội âm thầm, nhưng sống động, mạnh mẽ, với sức mạnh của Tin Mừng. Và ở Hungary, cuộc đàn áp cuối cùng này, sự áp bức của cộng sản này đã đến ngay sau cuộc đàn áp của Đức quốc xã, với sự trục xuất bi thảm một lượng lớn người Do Thái. Nhưng trong cuộc diệt chủng tàn khốc đó, nhiều người nổi bật lên vì sự kháng cự và khả năng bảo vệ các nạn nhân; và điều này là khả thi vì gốc rễ của việc chung sống đã vững chắc. Ở Rôma chúng ta có một nhà thơ vĩ đại người Hungary, người đã trải qua tất cả những thử thách này và nói với những lớp người trẻ tuổi về sự cần thiết phải đấu tranh cho một lý tưởng, không để bị khuất phục bởi sự ngược đãi, bởi sự thoái chí. Hôm nay nhà thơ này đã 92 tuổi: Chúc mừng sinh nhật ông Edith Bruck!

Nhưng ngay cả ngày nay, trong các cuộc gặp gỡ với giới trẻ và thế giới văn hóa đã dấy lên vấn đề về tự do đang bị đe dọa. Theo cách nào? Trên hết là bằng sự vuốt ve mơn trớn, với chủ nghĩa tiêu dùng gây đê mê, nơi người ta hài lòng với một chút sung túc vật chất và quên đi quá khứ, người ta “bồng bềnh” trong hiện tại nuông chiều theo từng cá nhân. Đây là cuộc đàn áp nguy hiểm của tính thế tục, do chủ nghĩa tiêu thụ mang đến. Một khi điều quan trọng duy nhất chỉ là nghĩ về bản thân và làm những gì mình thích, thì cội rễ sẽ bị chết ngạt. Đây là vấn đề trên khắp Châu Âu, nơi mà sự cống hiến bản thân cho người khác, cảm nhận được ý thức cộng đồng, cảm nhận vẻ đẹp của việc cùng nhau ước mơ và xây dựng những gia đình đông con đang trong cơn khủng hoảng. Cả Châu Âu đang trong cuộc khủng hoảng. Vì vậy, chúng ta hãy suy nghĩ về tầm quan trọng của việc bảo tồn cội rễ, bởi vì chỉ bằng cách đâm sâu xuống, thì cành cây mới có thể vươn cao và đơm hoa kết trái. Mỗi người chúng ta hãy tự hỏi mình, thậm chí với tư cách là một dân tộc, mỗi người chúng ta: đâu là cội rễ quan trọng nhất trong cuộc đời tôi? Tôi bắt nguồn từ đâu? Tôi có ghi nhớ những cội rễ không, tôi có quan tâm đến những cội nguồn đó không?

Sau cội nguồn là hình ảnh thứ hai: những cây cầu. Budapest, ra đời cách đây 150 năm từ sự kết hợp của ba thành phố, nổi tiếng với những cây cầu bắc qua và hợp nhất các phần của thành phố. Điều này nhắc lại tầm quan trọng, nhất là trong những cuộc gặp gỡ với các nhà chức trách, của việc xây dựng những cây cầu hòa bình giữa các dân tộc khác nhau. Đặc biệt, đây là ơn gọi của Châu Âu, được mệnh danh là “cây cầu hòa bình”, bao gồm những khác biệt và chào đón những ai đến gõ cửa. Theo ý nghĩa này, cây cầu nhân đạo đã được tạo ra cho rất nhiều người tị nạn từ đất nước láng giềng Ukraine, những người mà cha đã có dịp gặp gỡ đồng thời thán phục mạng lưới bác ái vĩ đại của Giáo hội Hungary, thật đẹp.

Đất nước này cũng rất kiên trì trong việc xây dựng “những cây cầu cho ngày mai”: có sự quan tâm rất lớn đối với việc chăm sóc hệ sinh thái — và đây là một điều rất, rất đẹp về Hungary — chăm sóc hệ sinh thái và một tương lai bền vững, và công việc đang được thực hiện để xây dựng những cầu nối giữa các thế hệ, giữa người già và người trẻ, một thách thức mà ngày nay không ai có thể chối bỏ. Cũng có những nhịp cầu mà Giáo hội được mời gọi vươn tới con người hôm nay, như được nêu ra tại buổi gặp gỡ các giám mục, linh mục, tu sĩ, chủng sinh và những người thánh hiến, bởi vì việc loan báo Chúa Kitô không thể chỉ gồm trong việc lập lại quá khứ, nhưng luôn cần được cập nhật, để giúp con người của thời đại chúng ta tái khám phá Chúa Giêsu. Và cuối cùng, khi nhớ lại với lòng tri ân những thời khắc phụng vụ rất đẹp, buổi cầu nguyện với cộng đoàn Công giáo Hy Lạpcử hành Thánh Lễ trọng thể có đông đảo người tham dự, cha nghĩ đến vẻ đẹp của việc xây những nhịp cầu nối giữa các tín hữu: trong Thánh lễ Chúa nhật có các Kitô hữu thuộc nhiều nghi lễ và quốc gia khác nhau, và thuộc các tông phái khác nhau, những người làm việc ăn ý với nhau ở Hungary. Xây dựng những nhịp cầu, những nhịp cầu hòa hợp, những nhịp cầu hiệp nhất.

Trong chuyến thăm này, cha vô cùng ấn tượng bởi tầm quan trọng của âm nhạc, một nét đặc trưng của văn hóa Hungary.

Cuối cùng, cha muốn nhắc lại, vào đầu tháng Năm, việc người Hungary vô cùng sùng kính Mẹ Thiên Chúa. Được vị vua đầu tiên, là Thánh Stephen, thánh hiến cho Mẹ, họ thường xưng tụng Mẹ mà không phát âm danh Mẹ, vì sự tôn trọng, chỉ gọi Mẹ bằng những tước hiệu Nữ vương. Vì vậy, chúng ta hãy phó thác đất nước thân yêu đó cho Nữ vương Hungary; chúng ta hãy phó thác việc xây dựng những nhịp cầu trên thế giới cho Nữ vương Hòa bình; chúng ta phó dâng tâm hồn mình để chúng bén rễ trong tình yêu của Thiên Chúa cho Nữ Vương Thiên Đàng, Đấng mà chúng ta tung hô trong mùa Phục Sinh này.

____________________________________


Lời chào đặc biệt

Cha xin gửi lời chào thân ái đến những anh chị em hành hương và du khách nói tiếng Anh tham dự buổi tiếp kiến hôm nay, đặc biệt là các nhóm đến từ Chad, Nigeria, Uganda, New Zealand, Ấn Độ, Indonesia, Philippines, Canada và Hoa Kỳ. Trong niềm vui của Chúa Kitô Phục Sinh, cha khẩn xin lòng thương xót của Thiên Chúa là Cha chúng ta đổ xuống trên anh chị em và gia đình. Xin Chúa chúc lành cho tất cả anh chị em!



[Nguồn: exaudi]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 4/5/2023]


Hàng trăm tín hữu tập trung cầu nguyện cho Đức Thánh Cha Phanxicô tại Nhà thờ Giáo xứ lâu đời nhất Budapest

Hàng trăm tín hữu tập trung cầu nguyện cho Đức Thánh Cha Phanxicô tại Nhà thờ Giáo xứ lâu đời nhất Budapest

Cha Zoltán Osztie, chánh xứ Nhà thờ Giáo xứ Nội thành cho biết: “Không có gì hiệp nhất hơn là niềm hy vọng vào Chúa Giêsu.’

Hàng trăm tín hữu tập trung cầu nguyện cho Đức Thánh Cha Phanxicô tại Nhà thờ Giáo xứ lâu đời nhất Budapest

Các tín hữu đang trên đường đến dự Thánh Lễ của Đức Thánh Cha, được cử hành tại Budapest, Hungary, vào rạng sáng Chúa Nhật, ngày 30 tháng Tư. (photo: Szabó Zsófia / via CNA)

Solène Tadié

30 tháng Tư, 2023



Thời gian cử hành, cầu nguyện và tôn thờ dành cho các tín hữu đến từ nhiều nơi trên thế giới tham dự chuyến tông du của Đức Thánh Cha Phanxicô đến Budapest, Hungary, từ ngày 28 đến 30 tháng Tư, được tổ chức vào tối ngày 29 tháng Tư tại Nhà thờ Giáo xứ Nội Thành, giáo xứ lâu đời nhất của thành phố.

Nhà thờ, kỷ niệm 975 năm thành lập trong năm nay, cũng là điểm tập trung của khoảng 1.500 người hành hương lên đường vào lúc rạng sáng Chúa nhật, ngày 30 tháng Tư, để tham dự Thánh lễ của Đức Thánh Cha.

Những cử hành ngày 29 tháng Tư trong nhà thờ, được tổ chức bởi mạng lưới các cuộc hành hương Đức Mẹ ở Trung Âu, Mária Út (“Con đường của Mẹ Maria”), bao gồm Thánh lễ cầu nguyện cho Đức Thánh Cha, sau đó là cuộc thảo luận bàn tròn với một số nhà trí thức và nghệ sĩ Kitô giáo về chủ đề “Chúa Kitô là tương lai của chúng ta,” chủ đề chuyến tông du của Đức Thánh Cha đến thủ đô Hungary.

Trong nhà thờ chật kín người, một màn trình diễn nghệ thuật dựa trên các chi tiết trong Kinh thánh của các diễn viên Hungary Zakariás Éva và Soma Zámbori trước khi chầu Mình Thánh Chúa, diễn ra liên tục cho đến 6 giờ sáng ngày hôm sau.

Trong số những người tham dự canh thức có chị Lucinda Higgie, một phụ nữ trẻ trở lại Công giáo bốn năm trước và lần đầu tiên từ nước Anh đến để tham dự chuyến tông du của Đức Giáo hoàng.

Cô nói với CNA, “Là một người trở lại, thật thú vị khi được diện kiến Đức Thánh Cha,” và cô bày tỏ sự nhiệt thành trong bầu không khí sốt sắng mà cô được chứng kiến ở thủ đô. “Cảm giác rất đặc biệt khi đến Hungary, nhất là đến từ Vương quốc Anh, nơi thường có một giả định nào đó cho rằng Kitô giáo là một sức mạnh cho những điều không thật sự là tốt lành; ngược lại, ở Hungary, vẫn có ý thức rằng Kitô giáo là một sức mạnh cho sự thiện.”

Cô nói: “Điều tuyệt vời về những sự kiện như vậy — chỉ cách Ngày Giới trẻ Thế giới ở Lisbon vài tháng — là chúng hiệp nhất chúng ta, những người Kitô hữu trung kiên trên thế giới, và cho những người trẻ thấy đức tin là tuyệt vời như thế nào.”

Tập trung trước nhà thờ vài giờ sau đó, bắt đầu từ 5:30 sáng, đám đông tín hữu hát quốc ca Hungary, sau đó là bài Quốc ca Vatican. Tiếp theo, họ tiến đến Quảng trường Kossuth Lajos, đối diện với tòa nhà Quốc hội Hungary, để tham dự Thánh lễ của Đức Thánh Cha với hàng trăm ngàn tín hữu tham dự.

Cha Zoltán Osztie, chánh xứ của Nhà thờ Giáo xứ Nội thành, nói với CNA: “Thật là một niềm vui lớn lao và xúc động đối với tôi khi được chào đón các tín hữu thuộc mọi thế hệ và hoàn cảnh tập trung tại đây trong niềm tin thông qua nhiều cách diễn đạt nghệ thuật, và qua đó cho thế giới thấy rằng không có gì hợp nhất hơn là niềm hy vọng vào Chúa Giêsu.”

Đối với Cha, chuyến viếng thăm Budapest của Đức Thánh Cha một năm rưỡi sau Đại hội Thánh thể Quốc tế 2021 được tổ chức tại đây mang một chiều kích tiên tri trong bối cảnh chiến tranh ở Ukraine và những căng thẳng quốc tế kéo theo.

“Tòa Thánh và Hungary đang đồng lòng trong việc thúc đẩy hòa bình, và sự hiện diện của Đức Thánh Cha đã mang lại sức mạnh tinh thần cho chính nghĩa của chúng tôi,” Cha nói, đồng thời cho biết thêm rằng trong khi một “trật tự mới” đang cố gắng trổi lên để phá vỡ nền hòa bình trên toàn thế giới, thì Đức Thánh Cha đến để nhắc nhở chúng ta rằng bất kỳ trật tự thế giới nào tách ra khỏi trật tự và sự bình an của Thiên Chúa đều dẫn đến thất bại và sự hủy diệt.

Cha nói thêm: “Hơn nữa, Đức Phanxicô đến để chiếu ánh sáng mới trên Hungary trong con mắt của thế giới, vốn có khuynh hướng nhìn thấy một hình ảnh xấu về đất nước chúng tôi trong những năm gần đây, thường là do thông tin sai lệch.”

Và chuyến tông du này đối với Cha là một hồng ân đặc biệt quan trọng hơn vì nó diễn ra vào dịp kỷ niệm 975 năm thành lập cộng đoàn giáo xứ của ngài.

Cha Osztie nói: “Điều đó tăng thêm sức mạnh cho chúng tôi trong sứ mệnh truyền bá truyền thống đức tin hàng thế kỷ của chúng tôi. Thật thú vị khi hình dung về số lượng những lời cầu nguyện sốt sắng đã diễn ra bên trong các bức tường nhà thờ này qua các thế kỷ; nó giúp chúng tôi nhận thức được rằng chúng tôi là những mắt xích nhỏ trong chuỗi mắt xích này mà chúng tôi phải truyền lại cho các thế hệ tương lai.”

Hàng trăm tín hữu tập trung cầu nguyện cho Đức Thánh Cha Phanxicô tại Nhà thờ Giáo xứ lâu đời nhất Budapest

Một Thánh lễ được tổ chức để tôn vinh Đức Thánh Cha Phanxicô tại Nhà thờ Giáo xứ Nội thành ở Budapest, Hungary, ngày 29 tháng Tư.

Những lời của Cha làm vang vọng lại lời của Đức Hồng y József Mindszenty người Hungary 75 năm trước, trong một bài phát biểu vào năm 1948, nhân dịp kỷ niệm 900 năm thành lập nhà thờ, đã khen ngợi lòng kiên trì của cộng đoàn này cho dù nhiều cơn bão và thảm kịch đã ghi đậm dấu trong lịch sử của đất nước. “Nhà thờ này kể những câu chuyện, dạy những bài học, và cuối cùng dẫn bạn đến đời sống trường tồn,” người anh hùng chống cộng sản nói.

Công trình kỷ niệm tôn giáo này, còn được gọi là Nhà thờ Đức Mẹ Lên trời, thật sự mang tính biểu tượng theo nhiều cách đối với người Hungary. Nằm bên cạnh di tích của Pháo đài La mã Contra-Aquincum và Cầu Elisabeth, nối chân Đồi Gellért với trung tâm Pest, nhà thờ giáo xứ được thành lập năm 1048, hai năm sau khi Thánh Tử đạo Gerard thành Csanád bị ném từ đỉnh đồi xuống sông Danube.

Hàng trăm tín hữu tập trung cầu nguyện cho Đức Thánh Cha Phanxicô tại Nhà thờ Giáo xứ lâu đời nhất Budapest

Nhà thờ Giáo xứ Nội Thành, nơi các tín hữu tập trung cầu nguyện cho Đức Thánh Cha Phanxicô trước Thánh lễ của Đức Thánh Cha hôm 30 tháng Tư.

Theo một số tài liệu lịch sử, vị thánh người Hungary ban đầu được chôn cất tại nhà thờ này trước khi được chuyển đến Ý. Nhà thờ vẫn còn lưu giữ một trong những thánh tích của ngài, cũng như thánh tích của Thánh Ladislaus và Thánh Elizabeth Hungary.

Ông Mihály Aranyossy, người phụ trách các chuyến tham quan nhà thờ, cho biết trong một cuộc phỏng vấn với CNA, rằng lịch sử của địa điểm này đã có từ 2.000 năm trước. Thật vậy, nền móng của nhà thờ một phần nằm trên di tích của một pháo đài quân sự La Mã. Nơi từng là phòng chỉ huy nằm bên dưới tầng trệt và có thể nhìn thấy từ bên trong tòa nhà qua một cửa sổ lớn bằng kính.

Chỉ một phần của nhà thờ có từ thời Gothic còn sót lại sau khi được chuyển đổi thành đền thờ Hồi giáo trong thời gian vài thập kỷ sau cuộc xâm lược của Thổ Nhĩ Kỳ vào thế kỷ 16. Nó đã được cải tạo theo phong cách Baroque vào thế kỷ 18 nhờ sự dâng cúng của các tín hữu.

Nhà thờ cũng gắn liền với nhà soạn nhạc nổi tiếng Franz Liszt, ông đã ở đó ít năm và thường chơi đàn trong nhà thờ. Hai tác phẩm của ông, Missa Choralis (1872) và Via Crucis (1929) được trình bày ra mắt ở đó.

Các lễ tôn vinh Đức Giáo hoàng tại nhà thờ giáo xứ đánh dấu một bước quan trọng trong chuỗi dài các sự kiện kỷ niệm sẽ ghi dấu năm 2023 và đỉnh điểm sẽ là tháng Tám trong dịp Lễ Đức Mẹ Lên Trời, là tên của nhà thờ.



[Nguồn: ncregister]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 2/5/2023]