Thứ Bảy, 3 tháng 6, 2017

Một ngày trong đời sống của Đức Gio-an Phao-lô II

Một ngày trong đời sống của Đức Gio-an Phao-lô II

02 tháng Sáu, 2017

Một ngày trong đời sống của Đức Gio-an Phao-lô II

Daniel Janin | AFP

Vị thư ký riêng của ngài nhớ lại thói quen thường ngày của Đức Giáo hoàng người Ba lan, bắt đầu từ 5 giờ sáng, tỉnh giấc, cầu nguyện, và tắm nước lạnh.

Trong một cuộc phỏng vấn riêng, Đức Tổng Giám mục Mieczysław Mokrzycki, một thư ký của hai đời giáo hoàng, kể lại một số chi tiết trong cuộc sống thường ngày của Đức Gio-an Phao-lô II. “Tôi nhìn thấy được những gì người khác không thấy,” vị thư ký riêng của thánh nhân nói một cách thận trọng.
5:00-5:30 sáng – thức giấc
Đức Gio-an Phao-lô II thức dậy trong khoảng từ 5 giờ đến 5.30. Thường thường ngài ngủ khoảng 6 tiếng rưỡi. “Ngài tự thức dậy. Ngài có một đồng hồ báo thức trong phòng ngủ, nhưng tôi không nhớ ngài có dùng nó không,” Đức Tổng Giám mục Mokrzycki kể lại.
Ngay sau khi tỉnh giấc, đức Giáo hoàng bắt đầu cầu nguyện. “Sau đó ngài đi tắm, luôn luôn tắm lạnh, vì như ngài nói nó tốt hơn cho sức khỏe,” vị thư ký của đức cố giáo hoàng nói thêm. Sau đó Đức Thánh Cha đã sẵn sàng đến nhà nguyện để suy niệm và dâng Thánh Lễ.
7:00 sáng – Thánh Lễ
Khi ở trong nhà nguyện, trước Lễ, Đức Thánh Cha lấy ra hai tờ giấy — một danh sách các nhân viên Vatican. Ngài đọc chậm chậm từng tên, cầu nguyện và cuối cùng làm dấu thánh giá trên tờ giấy, chúc lành cho từng nhân viên Vatican.
Sau Thánh Lễ, trong thư viện trên tầng ba của Điện Tông Truyền, Đức Gio-an Phao-lô II gặp gỡ và có cuộc chuyện trò ngắn với những người đến tham dự Tiệc Thánh buổi sáng. Khi các khách rời đi, ngài quay trở lại nhà nguyện và cầu nguyện.
8:15 sáng – ăn sáng
Ngày làm việc của đức Giáo hoàng bắt đầu sau bữa sáng. Trên đường từ phòng ăn về căn hộ ngài ở, đức Giáo hoàng đọc lướt qua tờ báo. Tại bàn trong phòng ngủ Đức Gio-an Phao-lô II đọc Kinh Thánh và suy niệm về các trích đoạn trong Kinh Thánh, sau đó đọc và ký các tài liệu. Hai chồng lớn tài liệu được gửi tới ban thư ký mỗi ngày: một vào buổi sáng và một vào buổi tối.
“Các tài liệu được sắp xếp trật tự. Có những chồng hồ sơ riêng với những tài liệu đang đợi chữ ký của Đức Giáo hoàng, thư gửi từ các đức Hồng y, Giám mục và viên chức chính phủ cũng như những thư gửi đến Đức Thánh Cha từ Quốc Vụ khanh, vị Đại diện, các Tổng trưởng thánh bộ, và văn phòng báo chí. Đức Thánh Cha đọc tất cả. Ngài thêm những câu bình luận và ghi chú trên mỗi tài liệu. Ví dụ, ngài yêu cầu người ta đến và nói chuyện trực tiếp với ngài về một vấn đề nào đó hay ngài trả lời trực tiếp. Với những tài liệu khác ngài chỉ đơn giản ghi chú rằng chính ngài đã đọc qua nội dung của các tài liệu,” Đức Tổng Giám mục Mokrzycki nói.
9:00 sáng – viết diễn văn, diễn từ, giáo huấn, và bài giảng
Sau khi bị gãy tay, Đức Gio-an Phao-lô II không tự viết, nhưng đọc cho người khác viết. Viết ghi chú là một trong những trách nhiệm đặc biệt của cha Mokrzycki. “Ngài luôn đọc trong trí nhớ. Ngài không bao giờ tham khảo lại các sách hay văn bản khoa học; tất cả đã được suy nghĩ rất kỹ … Bất kỳ điều gì ngài nói đều chính xác và không cần có bất kỳ sự đính chính nào.”
11:00 sáng - 12:30 chiều – tiếp kiến
Trước các buổi tiếp kiến, Đức Thánh Cha luôn đến tầng trên của Điện Tông truyền để Đọc Kinh Mân Côi. Sau đó ngài đến nhà nguyện. Những buổi tiếp kiến chính thức của ngài diễn ra trong thư viện trên tầng hai. Khi các buổi tiếp kiến kết thúc, Đức Thánh Cha trở về nhà nguyện.
1:30 chiều – ăn trưa
Các vị khách được mời dùng bữa trưa tập trung trong Điện Tông Truyền trước 1:30 chiều. Đức Gio-an Phao-lô II ra chào họ và dẫn họ đến một nhà nguyện để cầu nguyện một lát; sau bữa ăn mọi người quay trở lại nhà nguyện này. Khi cha Stanisław Dziwisz tiễn các vị khách, Đức Giáo hoàng lại đắm mình vào cầu nguyện.
3:00-4:30 chiều – đọc sách
“Chúng tôi có một bảng phân công: một ngày tôi đọc cho Đức Giáo hoàng, và một ngày khác là của seour Eufrozyna,” Đức Tổng Giám mục Mokrzycki nói. Đức Thánh Cha nằm trên giường với đôi mắt lim dim.
Đức Giáo hoàng không thể đọc hết toàn bộ sách ngài nhận từ các cá nhân và những nhà xuất bản. Bất cứ khi nào ngài có sách mới, kể cả trong các buổi Tiếp Kiến Chung vào thứ Tư, ngài liền chia chúng thành từng nhóm: một số đưa vào thư viện, những quyển khác vào văn phòng, và còn những quyển khác nữa được cất để dành cho thời gian nghỉ hè ở Lâu đài Castel Gandolfo. Cũng có một chồng sách đặc biệt cho seour Emilia Ehrlich của trường Đại học Ursuline.
“Chị không phải là người làm chính thức của Vatican. Mỗi thứ Hai chị đến gặp Đức Giáo hoàng để giới thiệu tóm tắt của một số quyển sách. Điều này tạo ra cuộc đối thoại ngắn giữa hai người. Chị hướng sự chú ý của Đức Giáo hoàng đến một số khía cạnh và làm rõ chúng, đồng thời Đức Giáo hoàng hỏi về các chi tiết,” Đức Tổng Giám mục Mokrzycki nhớ lại.
5:00 chiều – ký các tài liệu
Sau giờ đọc sách, Đức Giáo hoàng chủ tế Giờ Kinh Chiều. Sau đó ngài lại ký một loạt các tài liệu khác, khoảng 30-40 bản, ví dụ những đề cử vào chức vụ giám mục.
6:00-7:30 tối – tiếp kiến
Các lần Tiếp kiến buổi chiều là dành cho những người cộng tác của Đức Gio-an Phao-lô II. Các ngày thứ Hai và thứ Năm – ngài Quốc vụ khanh. Các ngày thứ Ba – vị Đại diện (trưởng Phòng Tổng vụ tại Phủ Quốc Vụ khanh). Các ngày thứ Tư – ngoại trưởng của Vatican. Thứ Sáu – Đức Hồng y Joseph Ratzinger, Tổng trưởng Bộ Giáo lý và Đức tin. Các ngày Chúa nhật – Tổng trưởng Bộ Giám mục.
7:30 tối – ăn tối
9:00-10:30 tối – đọc sách
Đức Giáo hoàng nghe đọc sách thuộc nhiều chủ đề, từ văn học sang lịch sử, đến thần học và tín lý. Khi nghe sách về tín lý ngài thường nói: “Chúng ta chuyển sang chương tiếp theo đi.” Khi tôi bắt đầu đọc, ngài lại nói: “Tôi biết vấn đề này rồi. Chúng ta chuyển sang chương sau.” Tôi đoán là ngài biết nhiều hơn những tác giả viết và thường không tìm được điều gì mới trong những văn bản này, Đức Tổng Giám mục Mokrzycki nói.
10:30 tối – The Appeal of Jasna Gora
Đức Gio-an Phao-lô II, giữ truyền thống của Ba lan, hát một bài thánh ca ngắn dâng lên Đức Bà Czestochowa vào cuối ngày. Có tên là “The Appeal of Jasna Gora” (tạm dịch: Lời khẩn cầu của Jasna Gora) và được Đức Giáo hoàng quảng bá rộng rãi trên toàn thế giới trong Ngày Quốc tế Giới trẻ, bài thánh ca cầu xin sự can thiệp của Mẹ Maria và những lời đoan hứa, “Lạy Mẹ Maria, Nữ vương của nước Ba lan, con xin ở bên Mẹ, con luôn ghi nhớ, con hằng ngóng trông!”
Đức Gio-an Phao-lô II kết thúc một ngày khoảng 11 giờ đêm. “Ngài mở cửa sổ phòng ngủ và ngắm nhìn Roma một lát. Sau đó ngài làm dấu thánh giá ban phép lành. Tôi nghĩ đó là phép lành cho toàn thế giới,” Đức Tổng Giám mục Mokrzycki nhớ lại.
Bài này được tái bản từ phiên bản tiếng Ba lan của Aleteia.

[Nguồn: aleteia]


[Chuyển ngữ: TRI KHOAN 03/06/2017]


Đức Thánh Cha dâng Lễ: ‘Dẫn dắt dân Chúa với lòng khiêm nhường’

Đức Thánh Cha dâng Lễ: ‘Dẫn dắt dân Chúa với lòng khiêm nhường’

Đức Thánh Cha dâng Lễ: ‘Dẫn dắt dân Chúa với lòng khiêm nhường’
Đức thánh Cha Phanxico dâng Lễ hôm thứ Sáu trong nhà nguyện Thánh Marta
02/06/2017 12:13
(Vatican Radio)  Chúa Giê-su trao phó đàn chiên cho Phê-rô, người mắc tội nặng nhất trong số 11 tông đồ còn lại, và bảo ông dẫn dắt Dân Chúa với lòng khiêm nhường và sự yêu thương, cho dù có những lỗi lầm và tội lỗi. Đó là thông điệp của Đức Thánh Cha Phanxico trong Thánh lễ sáng thứ Sáu trong nhà nguyện Thánh Marta.
Đức Thánh Cha phân tích bài Tin mừng trong ngày (Ga 21:15-19), tường thuật việc Chúa Giê-su Phục sinh trò chuyện với Phê-rô trên bờ hồ nơi ban đầu ông được Người gọi. Đức Thánh Cha nói rằng đó là một cuộc đối thoại trong thư thái, thanh bình giữa những người bạn và diễn ra trong không khí của sự Phục sinh. Trong biến cố đó Chúa Giê-su trao phó đàn chiên cho Phê-rô, hỏi ông ba lần rằng ông có yêu Người không.
Đức Thánh Cha nói, “Chúa Giê-su đã chọn người mắc tội lớn nhất trong số các tông đồ. Những người khác chạy trốn còn Phê-rô thì chối Ngài: ‘Tôi không biết ông ta.’ Và Chúa Giê-su hỏi ông, ‘Anh có mến thầy hơn các anh em này không?’ Chúa Giê-su đã chọn người tội nhân nặng nề nhất.”
Dẫn dắt Dân Chúa với lòng khiêm nhường, cho dù có lỗi lầm
Đức Thánh Cha nói quyết định của Chúa Giê-su chọn người tội nặng nhất trong số mười một tông đồ còn lại để dẫn dắt Dân Chúa với tình yêu mến “bắt chúng ta phải suy nghĩ.”
“Đừng dẫn dắt với đầu ngẩng cao,” ngài nói, “giống như một người chinh phục. Không, hãy dẫn dắt bằng sự khiêm nhường, bằng tình yêu thương, như Chúa Giê-su đã làm. Đây là sứ mạng Chúa Giê-su trao cho Phê-rô. Đúng, với tội và lỗi lầm. Để khẳng định điều này, ngay sau cuộc đối thoại Phê-rô đã vấp ngã và phạm một lỗi, và bị cám dỗ bởi tính tò mò muốn nói với Chúa, “Nhưng người môn đệ kia, anh ta sẽ đi đâu, anh ta sẽ làm gì?’ Nhưng bằng tình yêu mến, giữa những lỗi lầm và tội … bằng tình yêu mến: ‘Vì đàn chiên này không phải là chiên của anh nhưng là đàn chiên của thầy,’ Chúa nói. ‘Hãy yêu thương. Nếu anh là bạn của thầy, anh cũng phải là người bạn của những người này.’”
Phê-rô chọn được đóng đinh ngược
Đức Thánh Cha Phanxico nhắc lại việc Phê-rô chối Chúa Giê-su trước người hầu của Thầy Cả Thượng Phẩm và cách Chúa Giê-su nhìn vào ông lúc đó, người vừa mới chối Chúa. Nhưng, ngài nói, người “can đảm trong việc chối bỏ thì cũng chịu được những giọt lệ đắng cay.”
“Sau cả một cuộc đời dành cho việc phục vụ Thiên Chúa,” Đức Thánh Cha nói, “cuộc đời của ông kết thúc giống như Thầy của ông: trên cây thập giá. Nhưng ông không tự mãn: ‘Tôi chết như Thầy của tôi!’ Nhưng ông yêu cầu, ‘Xin hãy đóng đinh tôi ngược đầu xuống, để ít nhất người ta không nhìn thấy tôi như Chúa nhưng là một người hầu.’ Đây là điều chúng ta học được từ cuộc đối thoại đẹp, thanh bình, thân mật, và khiêm nhường: Chúng ta ngẩng cao đầu với phẩm giá mà Thiên Chúa ban tặng cho chúng ta, nhưng chúng ta hãy cúi đầu xuống, biết rằng chúng ta là những tội nhân và chỉ có một Chúa duy nhất là Giê-su; chúng ta là những người phục vụ.”
[Nguồn: radiovaticana]


[Chuyển ngữ: TRI KHOAN 03/06/2017]