Thứ Năm, 27 tháng 8, 2020

TOÀN VĂN TIẾP KIẾN CHUNG CỦA ĐỨC THÁNH CHA: ‘Niềm hy vọng của người Kitô hữu, bắt nguồn từ Thiên Chúa, là cái neo của chúng ta’

TOÀN VĂN TIẾP KIẾN CHUNG CỦA ĐỨC THÁNH CHA: ‘Niềm hy vọng của người Kitô hữu, bắt nguồn từ Thiên Chúa, là cái neo của chúng ta’

© Vatican Media

TOÀN VĂN TIẾP KIẾN CHUNG CỦA ĐỨC THÁNH CHA: ‘Niềm hy vọng của người Kitô hữu, bắt nguồn từ Thiên Chúa, là cái neo của chúng ta’

‘Những cộng đoàn Kitô đầu tiên hiểu điều này. Họ đã sống những thời gian khó khăn như chúng ta’

26 tháng Tám, 2020 10:40

ZENIT STAFF

 

Tiếp kiến chung sáng nay được tổ chức lúc 9:39 trong Thư viện của Điện Tông tòa Vatican. Đức Thánh Cha tiếp tục loạt giáo lý mới về việc chữa lành thế giới. Sau phần tóm lược bài giáo lý của ngài bằng một số ngôn ngữ, Đức Thánh Cha gửi lời chào đặc biệt đến các tín hữu. Buổi Tiếp kiến chung kết thúc với Kinh Lạy Cha và Phép Lành Tòa Thánh. Dưới đây là bản dịch (ND: tiếng Anh) không chính thức của Vatican:


***

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Đứng trước đại dịch và những hậu quả xã hội của nó, nhiều người có nguy cơ mất niềm hy vọng. Trong thời gian bấp bênh và đau khổ này, cha mời gọi mọi người hãy chào đón món quà hy vọng đến từ Đức Kitô. Chính Ngài là người giúp chúng ta đi qua những vùng nước đầy biến động của bệnh tật, cái chết và bất công, là những điều không có tiếng nói sau cùng đối với đích đến cuối cùng của chúng ta.

Đại dịch đã phơi bày và làm xấu thêm những vấn đề xã hội, nhất là vấn đề bất bình đẳng. Một số người có thể làm việc tại nhà, trong khi điều này là không thể đối với nhiều người khác. Một số trẻ em, tuy có những khó khăn nhất định, vẫn có thể tiếp tục việc học tập, trong khi nó bị gián đoạn đột ngột đối với nhiều, nhiều trẻ em khác. Một số quốc gia hùng cường có thể lưu hành tiền để đối phó với khủng hoảng, trong khi điều này đồng nghĩa với cầm cố tương lai đối với các nước khác.

Những triệu chứng bất bình đẳng này cho thấy một căn bệnh xã hội; nó là một loại virus xuất phát từ một nền kinh tế bệnh tật. Và chúng ta phải gọi nó một cách đơn giản: nền kinh tế bệnh tật. Nó đã bị bệnh. Nó mang căn bệnh. Nó là kết quả của sự phát triển kinh tế không đồng đều – đây là căn bệnh: kết quả của sự phát triển kinh tế không đồng đều – nó xem thường những giá trị nền tảng của con người. Trong thế giới hôm nay, một số người giàu có sở hữu nhiều hơn tất cả phần nhân loại còn lại, một nhóm nhỏ, sở hữu nhiều hơn tất cả dân số còn lại của nhân loại.

Đây là thống kê thuần túy. Đây là một sự bất công kêu thấu lên tới trời! Đồng thời, mô hình kinh tế này làm ngơ trước sự tàn phá mà ngôi nhà chung của chúng ta đang phải hứng chịu. Sự chăm sóc ngôi nhà chung không được để ý tới.

Chúng ta đang rất gần với việc vượt qua nhiều hạn giới của hành tinh tuyệt vời của chúng ta, với những hậu quả nghiêm trọng và không thể khắc phục được: từ việc mất đi hệ sinh thái và biến đổi khí hậu đến sự tăng cao mực nước biển và phá hủy các khu rừng nhiệt đới. Sự bất bình đẳng và suy giảm môi trường cùng đi với nhau và xuất phát từ cùng nguyên nhân (xem Tông huấn Laudato Si’, 101): đó là tội muốn chiếm hữu và muốn thống trị những người anh chị em, muốn chiếm hữu và thống trị thiên nhiên và chính Thiên Chúa. Nhưng đây không phải là bản thiết kế của tạo vật.

“Ngay từ lúc khởi đầu Thiên Chúa đã trao phó trái đất và những tài nguyên của nó cho quyền cai quản chung của con người để chăm sóc chúng” (Giáo lý Giáo hội Công giáo, 2402). Thiên Chúa kêu gọi chúng ta cai quản trái đất nhân danh của Người (xem St 1:28), canh tác nó và giữ gìn nó như một khu vườn, khu vườn của mọi người (xem St 2:15). “‘Canh tác là nói đến việc trồng trọt, cày cấy hoặc làm việc, trong khi ‘giữ gìn’ có nghĩa là chăm sóc, bảo vệ, trông nom và bảo tồn” (LS, 67). Nhưng hãy cẩn thận đừng giải thích điều này như một sự toàn quyền mà anh có thể làm bất cứ điều gì anh muốn đối với trái đất. Không. Luôn luôn có một “mối tương quan về trách nhiệm đối với nhau” (nt.) giữa chúng ta và thiên nhiên. Một mối tương quan về trách nhiệm đối với nhau giữa chúng ta và thiên nhiên. Chúng ta đón nhận từ tạo vật và về phần mình chúng ta phải trao lại. “Mỗi cộng đồng có thể đón nhận bất kỳ thứ gì họ cần cho sự sống từ sự hào phóng của trái đất, nhưng họ cũng có bổn phận phải bảo vệ trái đất” (nt.). Nó đi theo hai chiều.

Thật vậy, trái đất “đã có ở đây trước chúng ta và nó được trao tặng cho chúng ta” (nt.), nó được Thiên Chúa trao ban “cho toàn thể nhân loại” (GLHGCG, 2402). Và vì vậy bổn phận của chúng ta là bảo đảm rằng hoa trái của nó đến được với mọi người, không chỉ là một số người. Và đây là một yếu tố then chốt của mối tương quan giữa chúng ta với những sự tốt lành của mặt đất. Như các Giáo phụ của Công đồng Vatican II nhắc lại, các ngài nói: “Con người cần phải xem những vật chất bên ngoài mà họ sở hữu một cách hợp lý không chỉ là của riêng họ nhưng cũng là của chung với ý thức rằng những thứ đó có thể mang lại lợi ích không chỉ cho riêng bản thân nhưng cho cả những người khác” (Hiến chế mục vụ Gaudium et spes, 69). Thật vậy, “Sự sở hữu bất kỳ tài sản nào đều khiến người sở hữu nó trở thành người quản lý của Đấng Quan Phòng, với trách nhiệm làm cho nó đem lại hoa lợi và truyền những ích lợi của nó cho người khác” (GLGHCG, 2404). Chúng ta là những người quản lý của cải, không phải là ông chủ.

Là người quản lý? “Vâng, nhưng của cải đó là của tôi”: đúng vậy, nó là của bạn, nhưng hãy quản lý nó, đừng sở hữu nó một cách ích kỷ cho riêng mình.

Để bảo đảm những gì chúng ta sở hữu mang lại giá trị cho cộng đồng, “giới chức chính trị có quyền và có trách nhiệm phải điều chỉnh việc thi hành quyền sở hữu hợp pháp vì ích chung” (nt., 2406).[1] “Sự phụ thuộc của tài sản riêng đối với đích điểm chung của của cải, [...] là quy tắc vàng của đạo đức xã hội và nguyên tắc đầu tiên của toàn bộ trật tự đạo đức và xã hội ” (LS, 93).[2]

Tài sản và tiền bạc là những khí cụ phục vụ cho sứ mạng. Tuy nhiên, chúng ta dễ dàng biến chúng thành những đích điểm thuộc cá nhân hoặc phe nhóm. Và khi điều này xảy ra, những giá trị cốt lõi của con người bị ảnh hưởng.

Con người khôn ngoan bị biến dạng và trở thành một chủng loài con người của kinh tế – theo nghĩa tiêu cực – là loài người theo chủ nghĩa cá nhân, tính toán và độc đoán. Chúng ta quên rằng chúng ta là những hữu thể có xã hội tính, có tính sáng tạo và tính liên đới với khả năng yêu thương vô bờ bến, được tạo dựng theo hình ảnh của Chúa.

Chúng ta thường quên đi điều này. Trên thực tế, trong số tất cả các loài, chúng ta là những hữu thể có tính hợp tác nhất và chúng ta phát triển mạnh mẽ trong cộng đồng, như được thể hiện rõ rệt trong kinh nghiệm của các vị thánh. Có một câu nói bằng tiếng Tây Ban Nha đã truyền cảm hứng cho cha để viết cụm từ này. Câu đó nói: “Florecemos en racimo, como los santos”: chúng ta phát triển mạnh mẽ trong cộng đồng, như được thể hiện rõ rệt trong kinh nghiệm của các vị thánh.[3]

Khi nỗi ám ảnh chiếm hữu và thống trị đã loại trừ hàng triệu người không được hưởng những thiện ích căn bản; khi sự bất bình đẳng về kinh tế và công nghệ tiến đến mức làm cho cấu trúc xã hội bị xé rách; và khi sự lệ thuộc vào tiến bộ vật chất vô hạn định đe dọa ngôi nhà chung của chúng ta, thì chúng ta không thể khoanh tay đứng nhìn. Không, điều này thật đáng lo. Chúng ta không thể khoanh tay đứng nhìn! Với ánh mắt chăm chú của chúng ta hướng về Chúa Giêsu (xem Dt 12: 2) với sự chắc chắn rằng tình yêu của Người đang hoạt động thông qua cộng đoàn các môn đệ của Người, chúng ta phải cùng nhau hành động, với hy vọng tạo ra điều gì đó khác biệt và tốt đẹp hơn. Niềm hy vọng của Kitô giáo, bắt nguồn từ Thiên Chúa, là cái neo của chúng ta. Nó thúc đẩy ý chí chia sẻ, củng cố sứ mạng của chúng ta là những môn đệ của Đức Kitô, là Đấng đã chia sẻ mọi sự với chúng ta.

Các cộng đoàn Kitô hữu tiên khởi hiểu được điều này. Họ đã sống những thời kỳ khó khăn như chúng ta. Nhận thức rằng họ đã hợp nhất một tâm hồn và một linh hồn, họ đặt tất cả của cải của mình làm của chung, làm chứng cho ân huệ dồi dào của Đức Kitô trong họ (xem Cv 4:32-35). Chúng ta đang trải qua một cuộc khủng hoảng. Đại dịch đã đưa tất cả chúng ta rơi vào sự khủng hoảng. Nhưng chúng ta hãy nhớ rằng sau một cuộc khủng hoảng, con người sẽ không còn như trước. Chúng ta thoát khỏi nó và trở nên tốt hơn, hoặc chúng ta thoát ra khỏi nó và trở nên tồi tệ hơn. Đây là lựa chọn của chúng ta. Sau cuộc khủng hoảng, liệu chúng ta sẽ vẫn tiếp tục với hệ thống kinh tế bất công xã hội và xem nhẹ việc chăm sóc cho môi trường, cho tạo vật, cho ngôi nhà chung của chúng ta không? Chúng ta hãy suy nghĩ về điều này. Ước mong các cộng đồng Kitô giáo của thế kỷ XXI phục hồi lại thực tế đó – quan tâm đến tạo vật và công bằng xã hội: họ cùng tiến bước … – để làm chứng cho sự Phục sinh của Chúa. Nếu chúng ta chăm sóc cho sản vật mà Đấng Tạo hóa đã ban tặng cho chúng ta, nếu chúng ta đem những gì chúng ta sở hữu góp chung theo cách để không ai bị thiếu, thì chúng ta sẽ thực sự khơi dậy niềm hy vọng tái tạo một thế giới lành mạnh và bình đẳng hơn. Và trong phần kết, chúng ta hãy suy nghĩ về những trẻ em. Hãy đọc những con số thống kê: có bao nhiêu trẻ em ngày nay đang chết đói vì sự phân chia của cải không tốt, vì hệ thống kinh tế như cha đã nói ở trên; và bao nhiêu trẻ em ngày nay không có quyền được học hành vì lý do tương tự.

Mong rằng hình ảnh những đứa trẻ bị đói khát và thiếu nền giáo dục đó sẽ giúp chúng ta hiểu rằng sau cuộc khủng hoảng này, chúng ta phải thoát khỏi nó và trở nên tốt hơn. Cảm ơn anh chị em.

______________________

[1] See GS, 71; S. John Paul II, Encyclical Letter Sollicitudo rei socialis, 42; Encyclical Letter Centesimus annus, 40.48).

[2] See S. John Paul II, Encyclical Letter Laborem exercens, 19.

[3] “Florecemos en racimo, como los santos” (We bloom in clusters, like the saints): a popular expression in Spanish.

[Bản dịch (tiếng Anh) không chính thức của Vatican]


[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 27/8/2020]


Linh mục Công giáo ở Mali là con trai của một imam Hồi giáo

 

Linh mục Công giáo ở Mali là con trai của một imam Hồi giáo

Cha Amadou Kizito Togo, một chuyên gia môn Lịch sử Giáo hội, kể lại hành trình đức tin của mình

Lucie Sarr

Mali

20 tháng Tám, 2020


Linh mục Công giáo ở Mali là con trai của một imam Hồi giáo

Cha Amadou Kizito Togo


Phát hành ngày 7 tháng Hai năm 2020.

Cha là một linh mục và là con trai của một imam Hồi giáo. Cha đã bị cuốn hút bởi Kitô giáo, nhờ một quyển sách nhỏ của một thừa tác viên Tin lành tặng cho cha.

Gặp gỡ Cha Amadou Kizito Togo 53 tuổi. Cha là một biểu tượng sống của đối thoại liên tôn.

Và đó là một điều rất tốt. Vì Nhà thờ Chính tòa Mopti nằm ở trung tâm Mali, nơi cha là linh mục quản nhiệm xứ, là khu vực các chiến binh Hồi giáo thường xuyên khuấy lên những căng thẳng tôn giáo và liên cộng đoàn.

Những căng thẳng lại tái diễn trong vùng quê Dogon từ năm 2010 - được biết đến như là vùng cao nguyên trung tâm của Mali. Xung đột xảy ra giữa người Dogon là những nông dân và thợ săn bắn truyền thống, và người Fulani là những người chăn gia súc bán du mục của vùng Sahel.

Xung đột leo thang lên cực điểm vào năm 2019 với hai vụ tấn công đẫm máu.

Ngày 23 tháng Ba, những tay súng vô danh chạy xe môtô và mặc trang phục săn truyền thống của người Dogon tấn công một ngôi làng có đa số là người Hồi giáo, giết chết 160 người.

Sau đó vào đêm ngày 9 tháng Sáu, những cá nhân vũ trang không xác định đã tấn công một ngôi làng với đa số dân là người Công giáo trong cùng khu vực. Họ đã giết chết 35 người, 24 trong số đó là trẻ em.


Tôn giáo bị khai thác

Cha Togo xuất thân từ gia đình người Dogon nói, “Tôn giáo đã bị khai thác rất nhiều trong những năm gần đây. Khi tôi còn nhỏ, người Dogon và người Fulani sống những mối tương quan rất tốt, họ bổ sung cho nhau,” cha nói thêm.

Vị linh mục nói tiếp, “Trong những cánh đồng của cha tôi có một người Fulani. Cha tôi mang nước đến cho gia súc của ông và họ mang phân bón đến cho vụ mùa của ông.”

Nhưng cha thừa nhận rằng tình hình hiện tại rất căng thẳng.

Cha nói, “Thứ Bảy trước [25 tháng Một], một giáo lý viên của tôi gọi điện báo cho tôi biết rằng những chiến binh Hồi giáo đã đốt rào chắn cạnh nhà thờ và đe dọa sẽ quay lại và đốt nhà thờ. Tôi nói anh ta để lại những giả thiết.”


Quyển sách tôn giáo của Manasseh Gana

Amadou Kizitio Togo sinh ngày 1 tháng Một năm 1967.

Cha giải thích, “Khi tôi chào đời, cha tôi đặt cho tôi tên Amadou và khi rửa tội 13 năm sau, tôi chọn tên Kizito."

Tên thân phụ của cha là Abdourahmane Togo và tên thân mẫu cha là Aminata. Gia đình Togo sống ở Satèm, cách Mopti 150 cây số. Nhưng cậu Amadou rời gia đình từ sớm để đi học.

Cậu được gửi đến vùng Pel, cách Satèm vài chục cây số, để sống với người cô. Bà là người Công giáo, và chồng bà cũng vậy, và là một người dạy giáo lý.

Cha nói, “Tôi không nghĩ rằng khía cạnh này đã ảnh hưởng đến sự trở lại Kitô giáo của tôi.”

Cậu cũng học trong một trường nội trú có các học sinh vừa là Hồi giáo vừa là Kitô giáo.

Vị linh mục nhớ lại, “Ở trường các bạn Hồi giáo không được dạy giáo lý, nhưng tôi muốn tham dự vì tôi quan tâm. Thời điểm quyết định cho sự trở lại của tôi là lúc một người bạn cùng lớp tặng cho tôi một quyển sách Tin mừng nhỏ theo Thánh Luca. Tên cậu ấy là Manasseh Gana và cậu ấy là con trai của một mục sư Tin lành. Quyển sách nói rằng Thiên Chúa thì tốt lành và đầy quyền năng, và điều đó đã thu hút tôi.”


Con trai của Imam Abdourahmane Togo

Vài năm sau, vào năm 1980, Amadou Togo được rửa tội với tên Kizito.

Cha của cậu không tham dự.

Vị linh mục kể lại, “Tôi được rửa tội ngày 25 tháng Năm, tôi chẳng biết phải nói sao với ông về việc đó. Nhưng tôi biết là ông biết chuyện.”

Abdourahmane Togo, là imam, đã rất tinh tế và nhạy cảm trong cách ông giúp con trai mình thể hiện sự trở lại.

“Một ngày kia ông nói với tôi: ‘Thường thường người Kitô hữu cầu nguyện và làm dấu Thánh giá trước khi ăn, nhưng một số Kitô hữu chẳng làm gì, họ không cầu nguyện.’ Tôi xem đó là một sự chỉ trích ngầm,” Cha Togo nhớ lại.

“Vì thế bữa ăn sau tôi làm dấu thánh giá và tôi cầu nguyện. Ông chẳng bao giờ thêm điều gì.”

Quả thật, những tình cảm giữa cha và con được thể hiện ở mức độ vừa phải.

Khi ông Abdourahmane Togo khám phá biết con trai của mình muốn trở thành một linh mục, ông không phản đối. Ông chỉ cho cậu một sự cảnh báo mang tính ngụ ý: “Đừng làm cho cha xấu hổ vì con.”

Thông điệp của imam cho con trai là nếu cậu đã vào chủng viện, cậu phải đi đến cuối con đường. Vì tại thời điểm đó, xuất chủng viện trước khi trở thành một linh mục được xem là một điều đáng hổ thẹn.


Tiếng gọi trở thành linh mục

Cậu thanh niên Dogon cảm nhận được tiếng gọi đến với chức tư tế ngay lúc được rửa tội. Sau đó cậu gia nhập tiểu chủng viện San.

Cha được thụ phong linh mục ngày 11 tháng Chín năm 1993, và được bài sai thi hành sứ vụ ở nhiều nơi trong Giáo phận Mopti.

Sau đó cha được gửi đến Roma từ năm 2001 đến 2004 để theo học cử nhân Lịch sử Giáo hội.

Cha Togo trở về Mali và giảng dạy trong bốn năm. Sau đó cha trở lại Roma từ năm 2008 và năm 2011 viết luận án tiến sĩ về việc rao giảng phúc âm ở vùng Dogon.

Cha phục vụ làm giám sở và giảng dạy tại Đại chủng viện Thánh Augustine ở Bamako từ năm 2011 đến 2017. Và hiện nay cha đang phục vụ làm linh mục xứ của Nhà thờ Chính tòa Mopti.


[Nguồn: la-croix]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 24/8/2020]