Thứ Hai, 30 tháng 5, 2022

Kinh Lạy Nữ vương Thiên Đàng của Đức Thánh Cha Phanxicô ngày 29 tháng 5, 2022

Kinh Lạy Nữ vương Thiên Đàng của Đức Thánh Cha Phanxicô ngày 29 tháng 5, 2022

Kinh Lạy Nữ vương Thiên Đàng của Đức Thánh Cha Phanxicô

Quảng trường Thánh Phêrô

Chúa nhật, 29 tháng Năm, 2022

______________________________


Anh chị em thân mến, buongiorno!

Hôm nay ở Ý và ở nhiều quốc gia cử hành Lễ Chúa Lên Trời, tức là Chúa trở về với Chúa Cha. Trong Phụng vụ, Tin Mừng theo Thánh Luca thuật lại lần hiện ra cuối cùng của Chúa Kitô Phục Sinh với các môn đệ (x. 24:46-53).

Cuộc đời trần thế của Chúa Giêsu lên đến đỉnh điểm chính ở biến cố Lên Trời, biến cố chúng ta tuyên xưng trong Kinh Tin Kính: “Người lên trời ngự bên hữu Đức Chúa Cha”. Biến cố này có ý nghĩa gì? Chúng ta nên giải thích nó như thế nào? Để trả lời câu hỏi này, chúng ta hãy tập trung vào hai hành động mà Chúa Giêsu thực hiện trước khi lên Trời: trước hết, Ngài công bố ơn Thần Khí – Ngài công bố món quà Thần Khí – và sau đó Ngài chúc phúc cho các môn đệ. Chúa loan báo ơn Thần Khí, và Ngài chúc phúc.

Trước hết, Chúa Giêsu nói với các người bạn của Ngài: “Thầy sẽ gửi cho anh em điều Cha Thầy đã hứa” (câu 49). Ngài đang nói về Chúa Thánh Thần, Đấng An Ủi là Đấng sẽ đồng hành với họ, hướng dẫn họ, nâng đỡ họ trong sứ mệnh, bảo vệ họ trong các trận chiến thiêng liêng. Và như vậy, chúng ta hiểu được một điều quan trọng: Chúa Giêsu không bỏ rơi các môn đệ. Chúa về Trời, nhưng Ngài không để họ cô đơn. Đúng hơn, qua việc lên Trời về với Chúa Cha, Ngài bảo đảm sự tuôn đổ đầy tràn Chúa Thánh Thần, Thần Khí của Ngài.

Trong một dịp khác, Ngài nói: “Thầy ra đi thì có lợi cho anh em. Thật vậy, nếu Thầy không ra đi, Đấng Bảo Trợ sẽ không đến với anh em” (Ga 16:7). Cũng trong câu này chúng ta nhìn thấy tình yêu của Chúa Giêsu dành cho chúng ta: tình yêu của Chúa là sự hiện diện không muốn giới hạn sự tự do của chúng ta. Trái lại, Chúa để không gian cho chúng ta, bởi vì tình yêu đích thực luôn tạo ra sự gần gũi không gò bó, không chiếm hữu, gần gũi nhưng không chiếm hữu; ngược lại, tình yêu đích thực làm cho chúng ta trở thành vai chính. Và bằng cách này, Chúa Giêsu Kitô cam đoan, “Thầy sẽ về cùng Chúa Cha, và anh em sẽ nhận được quyền năng từ trời cao ban xuống: Thầy sẽ sai Thần Khí của Thầy đến với anh em và với sức mạnh của Người, anh em sẽ tiếp tục công việc của Thầy trên thế gian!” (x. Lc 24:49). Và như vậy, thay vì ở lại bên cạnh một vài người với thân xác của Ngài, khi lên Trời Chúa Giêsu trở nên gần gũi với tất cả mọi người bằng Chúa Thánh Thần. Chúa Thánh Thần làm cho Chúa Giêsu hiện diện trong chúng ta, vượt qua mọi ranh giới của thời gian và không gian, để làm cho chúng ta trở thành những chứng nhân của Người trên thế gian.

Ngay sau đó – là hành động thứ hai – Đức Kitô giơ tay và ban phép lành cho các tông đồ (xem câu 50). Đó là một cử chỉ của chức tư tế. Từ thời Aaron, Đức Chúa Trời đã giao phó cho các tư tế nhiệm vụ ban phép lành cho dân (xem Ds 6:26). Tin Mừng muốn nói với chúng ta rằng Chúa Giêsu là vị tư tế vĩ đại của cuộc đời chúng ta. Chúa Giêsu lên với Chúa Cha để cầu thay cho chúng ta, để trình bày nhân tính của chúng ta cho Người. Như vậy, trước mặt Chúa Cha, với nhân tính của Chúa Giêsu, có và sẽ luôn luôn có đời sống của chúng ta, hy vọng của chúng ta, những vết thương của chúng ta. Vì vậy, khi Ngài thực hiện cuộc “xuất hành” lên Thiên đàng, Đức Kitô “dọn đường” cho chúng ta, Ngài đi để chuẩn bị một chỗ cho chúng ta, và từ lúc này trở đi, Ngài cầu thay cho chúng ta, để chúng ta luôn được đồng hành và được chúc phúc bởi Chúa Cha.

Thưa anh chị em, hôm nay chúng ta hãy nghĩ đến món quà Thần Khí mà chúng ta đã đón nhận từ Chúa Giêsu để trở thành những chứng nhân của Tin Mừng. Chúng ta hãy tự hỏi bản thân xem chúng ta có thực sự là như vậy không; và chúng ta có khả năng yêu thương người khác hay không, để họ tự do và nhường chỗ cho họ. Và rồi: chúng ta có biết cách biến mình trở thành những người cầu thay cho người khác không, nghĩa là chúng ta có biết cách cầu nguyện cho họ và chúc phúc cho cuộc sống của họ không? Hay chúng ta phục vụ người khác vì lợi ích của bản thân? Chúng ta hãy học điều này: cầu thay nguyện giúp cho những hy vọng và đau khổ của thế giới, cầu cho hòa bình. Và chúng ta hãy chúc phúc bằng đôi mắt và lời nói của chúng ta với những người chúng ta gặp hàng ngày!

Giờ đây chúng ta hãy xin Đức Mẹ, Đấng được chúc phúc giữa các người phụ nữ, Đấng được đầy Chúa Thánh Thần, luôn cầu thay nguyện giúp cho chúng ta.

_______________________________

Sau Kinh Lạy Nữ vương Thiên Đàng Đức Thánh Cha tiếp tục:

Hôm qua, Cha Don Luigi Lenzini đã được phong chân phước tại Modena. Ngài là một người chịu tử đạo vì đức tin, bị giết năm 1945 vì chỉ ra các giá trị của Kitô giáo là con đường cao đẹp của cuộc sống, trong bầu không khí thù ghét và xung đột lúc bấy giờ. Xin vị linh mục, một người mục tử theo trái tim của Chúa Kitô và là sứ giả của sự thật và công bằng, từ trên Thiên Đàng giúp chúng ta để làm chứng cho Tin Mừng với lòng bác ái và sự thẳng thắn. Chúng ta hãy vỗ tay hoan hô vị Chân phước mới!

Hôm nay là Ngày Thế giới Truyền thông Xã hội, với chủ đề Lắng nghe bằng đôi tai của trái tim. Biết cách lắng nghe, ngoài việc là hành động bác ái đầu tiên, còn là yếu tố đầu tiên không thể thiếu của đối thoại và truyền thông tốt: biết cách lắng nghe, để cho người khác nói hết lời, không cắt ngang họ, biết lắng nghe bằng đôi tai và bằng trái tim. Tôi hy vọng rằng mọi người có thể phát triển trong khả năng này để lắng nghe bằng con tim.

Hôm nay là Ngày Cứu trợ Quốc gia ở Ý. Chúng ta hãy nhớ rằng “người bệnh luôn quan trọng hơn bệnh của họ”, bệnh nhân luôn quan trọng hơn bệnh tật và “ngay cả khi không thể chữa khỏi bệnh, vẫn luôn có thể chăm sóc. Luôn có thể an ủi, luôn có thể làm cho con người cảm nhận được sự gần gũi” (Sứ điệp Ngày Thế giới Bệnh nhân 2022).

Hai ngày nữa là ngày cuối cùng của tháng Năm, phụng vụ Lễ Đức Mẹ Maria đi viếng, vào lúc 18 giờ trong Vương cung Thánh đường Đức Bà Cả chúng ta sẽ lần chuỗi Mân côi cầu nguyện cho hòa bình, được kết nối với các đền thờ khác tại nhiều quốc gia. Cha mời gọi các tín hữu, các gia đình và cộng đoàn hiệp thông trong lời khẩn cầu này, để xin Thiên Chúa ban ơn mà thế giới đang mong đợi, nhờ lời chuyển cầu của Nữ vương Hòa bình.

Cha gửi lời chào tất cả anh chị em, người Roma và anh chị em hành hương. Đặc biệt, cha gửi chào các tín hữu đến từ Hà Lan, Tây Ban Nha và Úc. Cha xin chào giáo xứ San Roberto Bellarmino kết thúc năm thánh kỷ niệm 400 năm ngày chết của Thánh Robert Bellarmine. Cha xin chào anh chị em người Ba Lan – luôn luôn có nhiều người Ba Lan hành hương! – cùng với phép lành cho những người ở quê hương đang tham dự cuộc hành hương lớn đến đền thờ Đức Mẹ Piekary Śląskie. Cha chào các học sinh của trường San Vincenzo ở Olbia và các em lớp Thêm Sức đến từ Luras.

Vào hôm thứ Hai ngày 29 và thứ Ba ngày 30 tháng Tám, tất cả các hồng y sẽ tập họp để suy tư về Tông hiến mới Praedicate evangelium, và vào thứ Bảy ngày 27 tháng Tám, tôi sẽ tổ chức một Công nghị tấn phong các tân Hồng y. Dưới đây là tên của các tân hồng y:

1. Đức Tổng Giám mục Arthur Roche – tổng trưởng Bộ Phụng tự và Kỷ luật Bí tích;

2. Đức Tổng Giám mục Lazzaro You Heung-sik – tổng trưởng Bộ Giáo sĩ;

3. Đức Tổng Giám mục Fernando Vérgez Alzaga L.C. – chủ tịch Ủy ban Giáo hoàng về Quốc gia Thành Vatican, và chủ tịch phủ Thống đốc Quốc gia Thành Vatican;

4. Đức Tổng Giám mục Jean-Marc Aveline – tổng giám mục Marseille, Pháp;

5. Đức Giám mục Peter Ebere Okpaleke của Ekwulobia, Nigeria.

6. Đức Tổng Giám mục Leonardo Ulrich Steiner, O.F.M., của Manaus, Brazil;

7. Đức Tổng Giám mục Filipe Neri António Sebastião do Rosário Ferrão của Goa và Damão, Ấn độ;

8. Đức Giám mục Robert Walter McElroy của San Diego, Hoa Kỳ;

9. Đức Tổng Giám mục Virgilio Do Carmo Da Silva, S.D.B., của Dili, Đông Timor;

10. Đức Giám mục Oscar Cantoni của Como, Ý;

11. Đức Tổng Giám mục Anthony Poola của Hyderabad, Ấn độ;

12. Đức Tổng Giám mục Paulo Cezar Costa, Tổng giám mục của Tổng Giáo phận Brasília, Brazil;

13. Đức Giám mục Richard Kuuia Baawobr M. Afr., của Wa, Ghana;

14. Đức Tổng Giám mục William Goh Seng Chye của Singapore, Singapore;

15. Đức Tổng Giám mục Adalberto Martínez Flores, tổng giám mục của Asunción, Paraguay;

16. Đức Giám mục Giorgio Marengo, I.M.C., giám quản tông tòa Ulaanbaatar, Mông cổ.



Cùng với các vị ở trên, tôi sẽ thêm vào danh sách thành viên của Hồng y đoàn:

1. Đức Tổng Giám mục Jorge Enrique Jiménez Carvajal, nguyên giám mục của Cartagena, Colombia;

2. Đức Tổng Giám mục Lucas Van Looy, S.D.B., nguyên giám mục của Ghent, Bỉ;

3. Đức Tổng Giám mục Arrigo Miglio, nguyên giám mục của Cagliari, Ý;

4. Cha Gianfranco Ghirlanda S.J., – giáo sư thần học;

5. Đức ông Fortunato Frezza – kinh sĩ Đền thờ Thánh Phêrô.


Cha chúc anh chị em Chúa nhật hạnh phúc! Xin đừng quên cầu nguyện cho cha. Chúc anh chị em bữa trưa ngon miệng, và arrivederci.



[Nguồn: vatican.va]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 30/5/2022]


Nghiên cứu cho thấy quá nhiều người Công giáo “quen với việc không đến nhà thờ”

Nghiên cứu cho thấy quá nhiều người Công giáo “quen với việc không đến nhà thờ”

Nghiên cứu cho thấy quá nhiều người Công giáo “quen với việc không đến nhà thờ”

Christin Lola | Shutterstock

J-P Mauro 

28/05/22


Trong khi những lo lắng về sức khỏe vẫn có thể bào chữa được, ngày càng có nhiều người Công giáo cho rằng sự thuận tiện của các thánh lễ trực tuyến là điểm mấu chốt.

Một cuộc khảo sát mới được thực hiện bởi Vinea Research đang xét đến những tác động của đại dịch đối với việc tham dự trong nhà thờ và việc thực hành đức tin. Trong những phát hiện quan trọng, cuộc khảo sát đã tìm thấy rằng một phần đáng kể người Công giáo đã “quen với việc không đến nhà thờ”. Các tác giả gợi ý rằng trong khi người Công giáo nói chung đã được củng cố đức tin trong thời gian đại dịch, nhưng nhiều người không vội trở lại với các hàng ghế trong nhà thờ.

Đời sống đức tin

Nhìn chung, niềm tin của người Công giáo không thay đổi nhiều trong hai năm qua. Những người trả lời rằng đức tin của họ là “vô cùng quan trọng” hoặc “rất quan trọng” chiếm 73%, trong khi những người đặt tầm quan trọng ở mức “vừa phải” hoặc “nhẹ” đối với đức tin vẫn ở mức 26%.

Đời sống cầu nguyện cũng hầu như không thay đổi. Trước đại dịch, hầu hết người Công giáo cho biết cầu nguyện trước khi đi ngủ và trước bữa ăn là thời gian cầu nguyện phổ biến nhất, và do đó, họ vẫn duy trì. Việc cầu nguyện trong thinh lặng cũng tương tự, đây là cách cầu nguyện phổ biến nhất đối với người Công giáo. Nhìn chung, người Công giáo cho biết thời gian dành cho việc cầu nguyện đã tăng lên, và tần suất cầu nguyện trước khi ăn cũng tăng lên, từ cầu nguyện duy nhất trước bữa tối đến trước tất cả các bữa ăn.

Thánh Lễ trực tuyến

Thánh Lễ trực tuyến đã trở thành một cách phổ biến để tham dự Thánh lễ trong thời gian đại dịch và nó tiếp tục là phương cách được nhiều người Công giáo ưa thích. Sáu mươi tám phần trăm người được hỏi cho biết rằng giáo xứ tại địa phương của họ phát trực tiếp Thánh lễ trong thời kỳ đại dịch và 40% tiếp tục làm như vậy trong năm 2022. Ba mươi ba phần trăm cho biết đã theo dõi các Thánh lễ được phát trực tiếp, với đa số xem Lễ truyền phát trực tiếp của giáo xứ họ.

Mối quan tâm về an toàn có thể không đóng một vai trò quan trọng trong ý kiến của người Công giáo đối với việc trở lại tham dự Thánh lễ. Một phần tư (75%) số người trả lời rằng họ cảm thấy hơi hơi, có một chút hoặc rất an toàn khi ở trong nhà thờ. Đa số người được hỏi (38%) nói rằng họ cảm thấy rất an toàn khi ở trong nhà thờ.

Tham dự Thánh Lễ

Trước đại dịch, 62% người được hỏi nói rằng họ tham dự Thánh lễ mỗi tuần một lần hoặc nhiều hơn. Tỷ lệ này tăng lên 79% khi tính đến những người tham dự Thánh lễ ít nhất mỗi tháng một lần. Trong nhóm này, 50% cũng cho biết họ đã tuân giữ tất cả các ngày thánh theo luật buộc, với con số cộng thêm 21% giữ 3-4 ngày thánh mỗi năm.

Tuy nhiên, đại dịch đã làm thay đổi ý định trong tương lai của cộng đoàn về việc tham dự Thánh lễ. Trong khi trước đại dịch, 89% cho biết họ muốn trực tiếp tham dự tất cả các Thánh lễ, thì con số này đã giảm xuống còn 61%.

Khi được hỏi có phải họ đã quen với việc không tham dự Thánh lễ trực tiếp hay không, 38% trong tổng số người được hỏi trả lời khẳng định. Con số này giảm xuống còn 24% với những người tham dự Thánh lễ hàng tuần, điều này cho thấy ngay cả những tín hữu sùng đạo nhất cũng đã bị ảnh hưởng bởi đại dịch.

Về lý do không muốn tham dự Thánh lễ, câu trả lời phổ biến nhất là sự lo lắng cho sức khỏe (52%) và tự cách ly do có người bệnh ở nhà (21%). Tuy nhiên, có những câu trả lời dường như có động cơ từ những lo ngại ít nghiêm trọng hơn. 21% nói rằng họ thích xem Thánh lễ tại nhà, trong khi 19% trả lời rằng nó dễ dàng hơn việc lái xe đến nhà thờ hay thay quần áo. 17% đơn giản cho biết vì nó dễ dàng hơn, vì họ không cần phải đọc kinh lớn tiếng hay quỳ gối.

Kết luận

Mặc dù đa số người Công giáo vẫn trân trọng và muốn tham dự Thánh lễ trực tiếp, nhưng số người không muốn tăng lên đáng kể kể từ năm 2020. Trong khi những lo ngại chính đáng về sức khỏe là câu trả lời phổ biến nhất cho việc không tham dự Thánh lễ trực tiếp, thì đã có sự gia tăng rất lớn đối với những người thích Thánh lễ trực tuyến chỉ vì sự thuận tiện.

Vinea Research gợi ý rằng sự giảm sút về thái độ tích cực này đối với việc tham dự Thánh lễ trực tiếp là một phát hiện đáng lo ngại nhất của nghiên cứu. Họ lưu ý rằng “quá nhiều người Công giáo không hiểu hoặc không quý trọng Thánh lễ.” Các tác giả của nghiên cứu đã viết:

“Cần nghiên cứu sâu hơn để khám phá sự hiểu biết nền tảng và những động cơ (nghĩa vụ so với khát khao và thói quen) đối với việc tham dự Thánh lễ của người Công giáo để tìm hiểu rõ hơn về phương cách tốt nhất nhằm xoay chuyển xu hướng này, và để người Công giáo có cái nhìn đúng đắn về Thánh lễ chứ không chỉ là ‘giải quyết’ bằng việc truyền trực tuyến Thánh lễ đến nhà.”


[Nguồn: aleteia]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 30/5/2022]